Tố Chân (Nguyễn Mộng Giác)
#2
Chàng đề nghị một thứ mật mã chỉ có riêng hai người trên quả đất này nắm được chìa khóa. Nếu Tưởng dung không đem lá thư kỳ dị ấy ra hỏi ông chú chàng, rồi ông chú nhát gan sợ liên lụy viết thư mắng cho chàng một trận, chắc họ còn dạy thứ chữ bí hiểm ấy cho đến đời con, cháu, chắt. Chàng còn ngu ngơ đến bưu điện trung ương để xin thuê bao một hộp thơ lưu trữ riêng. Nếu phí tổn hàng tháng không cao gấp ba tiền học bỗng sinh viên của chàng, có thể chàng khỏi phải bị bạn bè cùng trọ tọc mạch xoi mói. Chàng hứa sẽ về Nha Trang vẽ chân dung nàng, từ phía sau lưng. Người mẫu mặc áo cánh mỏng để lộ đôi vai thon và cái cổ Thiên Nga, tuy quay lưng về phía người xem nhưng từ cái bóng lờ mờ của thành quách cũ ở phông tranh, ai cũng đoán được nàng đang nhớ về quê ngoại. Dự định này chàng thực hiện được, và bức tranh ấy được huy chương bạc từ khi chàng mới là sinh viên năm thứ hai. Chàng được bạn bè và các thầy kính nể. Giới phê bình hội họa xem chàng như mầm mống của một trường phái ấn tượng mới, đậm đà mầu sắc trầm mặc kín đáo của phương Đông. Chàng được nhiều người biết tên. Nhiều người đã biết cả mối tình của chàng... Mọi sự riêng tư kín đáo e ấp sượng sùng nên giấu diếm lo ngại, bây giờ được công khai hoá. Thầy mẹ chàng viết thư vào Nha Trang hỏi ông chú lai lịch của gia đình Tố Chân. Chàng đã đủ dạn dĩ rủ lũ em Tố Chân đi xi nê, đi ăn kem trước rạp xi nê Tân Tiến. Mạ Tố Chân vồn vã "mời cậu mỗi lần về hè nhớ ghé Nha Trang chơi". Chàng không quen được thái độ chăm sóc thái quá của những bà mẹ Huế đối với tương lai lứa đôi của con gái. Một lần chàng ghé Nha Trang, và hôm sau phải ra ga sớm để đáp chuyến tàu 3 giờ sáng về Đà Nẵng. Ga Nha Trang hôm ấy vắng. Chàng thấp thỏm chờ đợi mãi mới thấy Tố Chân đến. Nàng mặc áo dài tím lụa mỏng nên thân thể trông càng ốm yếu hơn. Chàng cảm động và thương hại cho con chim bé bỏng tự nguyện nấp dưới "đôi cánh rộng" của đời chàng. Hai người ngồi bên nhau trong phòng đợi, chờ giờ ra sân ga. Gió đêm thổi qua cửa lớn nhà ga, hất tung vạt áo dài lên người chàng. Chàng ngây ngất vì hương vị quyến thuộc thoang thoảng mùi băng phiến. Nàng vội níu tà áo phủ lên đôi chân. Mãi đến hồi đó, nghĩa là hai năm từ hồi mới quen nhau, họ vẫn chưa dám cầm tay nhau. Chàng muốn nhân cơ hội trả vạt áo lấy bàn tay nhỏ nhắn của Tố Chân, ấp nóng trong lòng tay mình cho nàng bớt lạnh. Hình như Tố Chân đoán được ý định của chàng nên sau khi thu vạt áo về, nàng giấu hai bàn tay dưới lớp lụa tím. Chàng hỏi:

- Em có lạnh không?

Tố Chân đáp nhỏ:

- Chỉ hơi lạnh thôi. Độ này em không được khỏe.

Chàng nhìn nàng thương hại:

- Em bày vẽ đưa đón làm gì! Anh quen lo liệu một mình từ lâu, từ thời còn bé.

Nàng thành thật nói:

- Đêm qua em mệt quá tí nữa ngủ quên. May có mạ để đồng hồ báo thức.

Chàng cảm thấy khó chịu. Tại sao mạ lại xen vào chuyện này? Đột nhiên chàng nhận thấy (có thể chàng tưởng tượng thái quá) trong cách vồn vã săn đón của mẹ Tố Chân "có cái gì" thiếu vô tư; bạo miệng một chút, cái gì đó là sự nôn nả lo lắng tìm kiếm cho cô trưởng nữ một ông chồng coi được. Từ đó chàng càng khó chịu hơn: hình dáng chàng, học lực của chàng, nghề nghiệp của chàng, tương lai của chàng, kể cả những điều thiêng liêng như lòng đam mê nghệ thuật,tình yêu Tố Chân khát vọng đạt được cái tuyệt đối, ước muốn được sống lương thiện và chân thật, đều bị người mẹ Tố Chân xoi mói lôi ra cân đo đong đếm. Đêm tiễn biệt ấy tự nhiên mất vui, và tình yêu của chàng có thêm một dấu chấm hỏi. Có phải đó là dấu rạn đầu tiên không? Đến bây giờ chàng vẫn chưa xác quyết. Về Đà Nẵng, chàng sống qua một tháng hè trống trải. Nỗi nao nức chờ thư sút giảm. chàng cố nhớ lại vẻ mặt, câu nói của Tố Chân đêm ấy. Nàng có vẻ mệt mỏi chán nản thật. Không chán, sao phải chờ mạ nhắc mới dậy để lên ga tiễn đưa chàng. Còn nếu yêu chàng như thuở đầu, nàng có ngủ được đâu! Mà dù có mệt quá mà lỡ ngủ quên, ít ra nàng cũng phải giấu chuyện cái đồng hồ báo thức chứ. Nàng nói huỵch toẹt ra vì bất cần. Tôi như vậy đấy, anh chịu đựng không được thì thôi.Thư Tố Chân gửi về Đà nẵng cũng đều đặn như trước, thiết tha âu yếm như trước,nhưng chàng đọc được ở chỗ giấy trắng bên lề thư nhiều dấu hỏi và nhiều dấu than.Về lại Sài gòn học năm thứ ba, mật độ trả lời thư của chàng chậm lại. Hình như Tố Chân cảm thấy điều gì bất thường đã xảy ra nên liên tiếp trong nhiều lá thư, nàng thảng thốt hỏi thăm tình trạng sức khoẻ của chàng.

Chàng lại nghĩ: "Bà mẹ bắt đầu sợ con mồi vuột khỏi tay đây". Chàng lấy ảnh Tố chân ra ngắm lại. Chàng dần dà khám phá ra những nét thiếu cân đối hoặc cách trang điểm thái quá của cô gái trong ảnh. Quả tình cái mũi nàng có quá lớn thật. Nhìn theo đòi hỏi hài hòa của nghệ thuật, cái mũi ấy không xứng hợp tí nào với đôi môi ấy, thân dáng ấy. Thằng thợ chụp hình nhà quê nào khuyên nàng mang lông mi giả và tô môi đỏ choét thế này? Một người nhu mì như Tố Chân lại đi nghe những lời xúi giục phản mỹ thuật đến thế ư?

Tố Chân dài dòng thắc mắc. Chàng dài dòng trấn an. Nàng thấp thỏm. Chàng lửng lơ xem như một cuộc báo động giả, tuy càng lúc càng thấy niềm lo ngại của nàng có đủ căn cứ. Lá thư dài vì tha thiết khác với lá thư lê thê vì buồn chán, đàn bà nhạy cảm chuyện đó lắm. Nàng đòi vào Sài gòn dự khai mạc cuộc triển lãm tranh hội họa-sĩ-trẻ do chàng và các bạn đứng ra tổ chức. Chàng vội trả lời chưa thỏa thuận được với giám đốc nhà hàng Continental về thời gian triển lãm. Chính lúc đó, lúc chàng hồi hộp chờ đợi xác nhận của dư luận về tài ba của chàng như một bị can chờ nghe tuyên án, chàng nhận được lá thư định mệnh. Nàng viết:

"Hôm qua chú thím được thơ thầy mẹ có ra nhà ba mạ em dò hỏi chuyện chúng mình. Em lo ngại quá. Ba em thì mọi sự đều đơn giản. Nhưng phần mạ, em không yên tâm chút nào. Mạ cứ nhắc mãi đến anh kỹ sư điện nào đó bạn cậu em ngoài Đà Nẵng (không biết thầy mẹ ngoài nhà có quen với người ta không?) Em khóc đến hết nước mắt, cứu em với, anh Thiệu ơi. Em tuyệt vọng khi nhận được điện tín của anh, báo tin ngày khai mạc triển lãm dời lại vô hạn định. Chuyện chúng mình cũng như thế sao anh? Ba sai tụi em sơn quét nhà cửa, sợ nhỡ thầy mẹ có vào, nhà cũng tươm tất hơn một chút. Mạ thì cứ dùng dằng. Viết thư, hoặc đánh điện tín ngay cho em, cho em biết đích xác anh có đau yếu gì không, đã quên em chưa..."

Chàng phát sốt vì sợ hãi. Tại sao thế này? Bao nhiêu câu hỏi dồn dập đến: Lại thêm một cách cân đo đong đếm và mặc cả của mạ phải không? Cái anh chàng kỹ sư điện nào đó có thật hay chỉ là sản phẩm tưởng tượng của mạ ?Thầy mẹ chàng định vào Nha Trang thăm nhà ư? Lại thêm chuyện quét dọn nhà cửa nữa. Chàng cảm thấy mình bị vây bắt tứ phía, anh chàng kỹ sư là cái hình bù nhìn để dọa phía trước, sơn quét nhà cửa là cái lưới để hứng phía sau. Bên phải thì có thầy mẹ chú thím chàng. Bên trái có ba mạ và lũ em Tố Chân. Bài binh bố trận kỹ như thế chàng thoát làm sao được? Cao siêu thay, đầu óc thợ săn chuyên nghiệp của những bà mẹ Huế. Mà tại sao lại săn đuổi chàng đúng vào lúc này? Lúc niềm hãnh diện sáng tạo kề bên nỗi thất vọng, tự tin khó phân với ngờ vực, từ chân-tài đến kẻ làm bạc giả chỉ cách nhau mỗi một tiếng thị phi.

Cuộc triển lãm mở chậm hai ngày so với dự tính. Tranh của chàng được chú ý, tuy chỉ bán được có một bức nhỏ. Báo chí lại nhắc đến tên chàng, nhưng hình như giới phê bình hết xem chàng như "một mầm non cần nâng đỡ ","một hoạ sĩ trẻ sẽ đi xa trong tương lai", và quay ra xoi mói hạch hỏi tác phẩm của chàng như một kẻ khổ dâm hành hạ phụ nữ. Nhiều lời lẽ không đẹp đã nói về chàng, ngụy trang bằng cái bề ngoài mỹ miều: "nhà mô phỏng điêu luyện", "Van Gogh thời đã hết điên". Chàng viết một lúc hai bức thư một gửi cho thầy mẹ xác nhận chàng chưa hề có ý lập gia đình khi chưa đủ sức nuôi các em, một gửi cho chú thím hỏi lại chuyện thăm nhà, và một điện tín gửi cho Tố Chân: "Anh là một thằng bất tài không thể đủ sức nuôi vợ. Hãy vâng lời mạ. Chúc hạnh phúc".

Sự đổ vỡ do chàng gây ra ghê gớm hơn chàng tưởng tượng. Sau này chàng được biết thầy mẹ chàng có viết thư vào Nha Trang nhờ chú thím chàng dò hỏi chuyện lứa đôi cho chàng thực. Hai ông bà đã già, tha thiết muốn có cháu nội làm người thừa tự. Đã đành chàng chưa có sự nghiệp gì, nhưng không ai biết tính con bằng cha mẹ. Thầy mẹ chàng nghĩ nếu lập gia đình, bị vợ con ràng buộc. chắc chắn chàng sẽ bỏ bớt ước vọng lông bông hão huyền muốn làm một nghệ sĩ. Vả lại, thầy mẹ có ép uổng gì chàng đâu. Hai người chỉ làm trước cái việc mà trong thâm tâm, những người trẻ tuổi yêu nhau đều mong ước mà chưa dám nói ra. Chú thím chàng đã vui vẻ ăn mặc nghiêm chỉnh sang nhà Tố Chân thăm dò. Chị em Tố Chân cũng đã quét dọn sơn phết nhà cửa sạch sẽ, để rồi mọi người bật ngửa sửng sốt vì cái điện tín của chàng. Bây giờ, mạ Tố Chân chỉ biết tiếc rẻ. Tố Chân chỉ biết khóc. Ba nàng trở lại tỏ quyền gia trưởng. Ông thấy đây là một sỉ nhục không thể chịu đựng được của gia đình. Bao nhiêu giận dữ, ông đổ cả lên đầu Tố Chân. Nàng chỉ biết khóc mà chịu. Hỏi tại sao? Nàng không đáp được. Những điều nàng mang máng lo âu đã trở thành sự thực. Nhưng do đâu? Nàng còn non nớt quá, không thể hiểu được tình địch của nàng không phải là một cô gái Sài gòn bằng xương bằng thịt, có thân thể cân đối mạnh khỏe hơn nàng, ăn diện đúng thời thượng hơn nàng, cái mũi đẹp hơn mũi nàng, nụ cười mời mọc hơn cái cười hiền hậu của nàng... Tố chân cũng không thể hiểu được sự khó chịu phức tạp của chàng khi nhận được lá thư cuối. Đối với nàng, hoặc chàng là một kẻ không thể hiểu được, hoặc chàng là một kẻ phản bội.

Sự đổ vỡ được dọn dẹp chóng vánh hơn công lao gầy dựng. Chàng và nàng bặt tin nhau từ đấy. Khi chú thím chàng chưa đổi đi nơi khác và Tưởng Dung chưa lấy chồng, chàng còn nhận được tin tức Tố Chân qua Tưởng Dung. Nàng là cái "tiền lệ xấu" cho một gia đình có nhiều con gái cần lấy chồng. Những đứa em kế lần lượt lên xe hoa, nàng vẫn ở vậy. Thi hỏng bán phần tú tài, nàng xin làm thư ký công nhật tòa hành chánh, tiền lương vừa đủ đưa thêm cho mạ đi chợ để khỏi nghe những lời dằn xóc. Làm được một thời gian, nàng tự học lấy được bằng tú tài toàn phần, rồi thi đậu vào học tham sự hành chánh. Chàng chỉ biết đến đó, rồi mất tin luôn, vì Tưởng Dung theo chồng lên ở Pleiku. Hồi cha chàng mất, nhận được thư phân ưu của Tố Chân, chàng cố soi kính lúp mới nhận ra được hai chữ TUY HÒA lờ mờ trên dấu ấn bưu điện. Chàng đoán có lẽ ra trường xong, nàng được đổi về làm việc ở đó. Hỏi dò chừng vài người bạn từng học quốc gia hành chánh, họ có biết Tố Chân. Không phải nàng có gì nổi bật. Chỉ vì số nữ sinh viên theo học ở cái học viện ấy không nhiều. Vài người còn cho biết khi đi học nàng đã có chồng là sĩ quan quân bưu, vì nhiều hôm người chồng có đưa xe Jeep đến đón cô vợ thai nghén về.

Thôi, xin ngậm ngùi chia vui với em vậy, Tố Chân! Chàng lo ngại không hiểu lúc các bạn họa sĩ đăng báo chia vui nhân lễ cưới hai vợ chồng chàng (báo nào cũng có họa sĩ vẽ tranh hí họa, nên gần như báo nào cũng có đăng), Tố Chân đã lên xe hoa chưa. Chàng bồi hồi xót thương anh chàng họa sĩ trẻ thấp thỏm, bất trắc, phức tạp là chàng thời đó, thành thực ân hận những đổ vỡ gây ra cho cuộc đời người con gái ốm yếu. Chàng không thể biện minh gì được. Muốn biện minh, chàng phải viết cả một cuốn tiểu thuyết vài trăm trang. Chàng đã bỏ làm thơ từ lâu, và chưa hề thử viết truyện. Làm sao đây? Cho đến hôm nay, lúc chàng ở vào cảnh tuyệt lộ không tìm được lối thoát, lá thư của Tố Chân lại đến. Chàng nhíu mày cố đọc dấu nhật ấn bưu điện. Vẫn Tuy Hòa. Chàng gạt mớ phác thảo bừa bộn trên bàn, đưa lá thư gần ngọn đèn bàn đọc lại lần nữa.

"Đã hơn mười năm qua mà em vẫn chưa quên được mối tình cũ kỹ. Sao suốt hai năm nay không thấy anh triển lãm? Hôm được tin thầy mất, em có gửi lá thư, anh có nhận được không? Hiện em bị bệnh nặng lắm, chắc không qua khỏi. Chúc anh ở lại được hạnh phúc. Em có dặn nhà khi khâm liệm nhớ bỏ theo cho em bức tranh anh vẽ em dạo nọ. Không biết chồng con em có nhớ cho không. Em không hề giận anh. Vĩnh biệt".

Lần này chàng mới chú ý đến chữ THẦY nàng dùng để gọi cha chàng. Chỉ ở vào phút lâm chung, Tố Chân mới vứt hết hờn giận, tự ái, để trở thành cô học trò dốt đại số học lớp đệ tứ A2 thuở xưa.

Nàng tự xem là người vợ đầu tiên của chàng, chẳng những thế, còn lặng lẽ âm thầm cảm tạ người cha đã sẵn sàng nhận nàng làm con dâu khi chưa biết mặt. Lòng hối hận của chàng lại bùng dậy.

Sáng hôm sau chàng nói dối vợ cần vào Đà Nẵng để thu xếp việc bán căn nhà của thầy mẹ ở đường Phan Thanh Giản chia cho anh chị em làm vốn mưu sinh. Vợ chàng nghe nói chuyện này từ lâu nên không ngờ vực gì. Nàng chỉ dặn:

- Anh liệu về sớm. Nhớ đừng theo bạn cũ lên chợ Cồn nhậu nhẹt. Em Chúa ghét đàn ông say rượu. Anh nhớ... nhớ...

Nàng dặn dò chàng đủ điều phải nhớ, từ vài lọn tré ở gần ga cho đến cây tăm mang theo để khỏi phải dùng tăm hàng chưa nấu chín sát trùng ở các quán. Nàng dặn gì chàng cũng gật. Chàng đi nhằm chuyến xe có bác tài già quá cẩn thận. Đường mưa trơn ướt, xe bò lên đèo Hải Vân như con rùa ì ạch lê cái mu nặng. Lên đến trạm gác trên đỉnh lại phải đậu chờ gần hai tiếng đồng hồ nhường đường cho một đoàn công voa. Về đến Đà Nẵng đã quá l giờ chiều. Xe đi thẳng Tuy Hòa đã xuất bến từ 7 giờ sáng. Chàng nóng ruột mua vé xe đi Quảng Ngãi. Lâu lâu, chàng lấy thư Tố Chân ra đọc lại. Thư không ghi ngày, dấu nhật ấn bưu điện hơi nhòe nhưng dùng hết cách suy đoán, cuối cùng chàng xác định được ngày 13 tháng 9. Nhẩm tính đến hôm nay, đã l4 ngày qua. Liệu chàng vào Tuy Hòa còn kịp không? Chàng giả thuyết nhiều trường hợp và cách xử trí của chàng trong các trường hợp ấy. Nếu nàng vẫn còn sống? (Mà sao lại không? Chàng nghe nói những người hấp hối còn mối hận nào đó thường chưa chịu trút hơi thở cuối cùng nếu chưa thỏa nguyện). Nếu nàng còn sống, tất nhiên chàng phải tìm nàng ở bệnh viện Tuy Hòa. Chàng tự tin với vài lời khéo léo và một bao thuốc thơm, bác gác dan sẽ vào văn phòng tìm giùm phòng bệnh Tố Chân nằm. Chàng không thể đường hoàng vào thăm, vì sợ gặp mặt chồng con Tố Chân. Chàng không muốn gây cho nàng tai tiếng trước khi lìa đời. Chàng sẽ kiên nhẫn chờ ở đâu đó. Khi chồng con nàng vừa ra về, chàng sẽ len lén lách qua cửa phòng bệnh, đến bên giường nàng khẽ gọi: Maria Tố Chân. Chàng cố dằn lòng để dừng lại đó, không dám tưởng tượng tiếp những gì sẽ xảy ra. Nếu nàng vừa chết, và chàng chỉ vừa vào kịp để dự lễ tang? Chàng còn gì khác để làm việc lặng lẽ nối đuôi đám tang, lặng lẽ khóc thầm để đưa nàng ra mộ. Chàng cũng sẽ chờ mọi người về hết rồi mới đến xin lỗi nàng, đọc lại cho nàng nghe bài thơ đầu tiên, cố gắng giải thích cho nàng hiểu tâm trạng phức tạp rối rắm của chàng lúc ấy. Chàng sẽ cảm ơn câu ngắn đầy hào hiệp trong lá thư vĩnh biệt: "Em không hề giận anh". Chàng sẽ nhắc lại niềm xúc động của chàng khi ngắm hai thiên thần áo trắng đi ban phát lòng từ ái khắp các ngôi mộ lạnh thuở xưa. Chàng không theo đạo Thiên Chúa nhưng cũng thuộc vài đoạn cầu kinh để cầu cho linh hồn nàng an lạc. "Lạy Chúa, xin thương người quá cố này là tôi tớ Chúa.. xin vì lòng nhân từ Chúa cho linh hồn Maria được nghỉ yên muôn đời. và được hưởng ánh sáng nghìn thu..."

Chàng thuê ghế bố ngủ ngay tại bến xe Quảng Ngãi để sáng hôm sau đi chuyến xe tài l khởi hành lúc 4 giờ sáng về Tuy Hòa. Chàng may mắn gặp chiếc xe tốt, tài xế trẻ tuổi chạy bạt mạng nên khoảng 3 giờ chiều hôm ấy chàng đến Tuy Hòa. Bước ra khỏi bến xe cạnh quốc lộ, chàng mới thấy cuộc tìm kiếm của chàng vô vọng. Tìm một người hấp hối qua địa chỉ in nhòe của dấu bưu điện và một lý lịch thu góp qua lời đồn đãi? Chàng thấy thương hại con người hăm hở là chàng ở bến xe Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi! Nhiều bác phu xích lô đến mời chàng. Chàng do dự chưa biết về đâu, phác tay nói dối rằng nhà chàng ở gần. Đi bộ được một quãng, chàng lại tin tưởng. Phải! Nàng học quốc gia hành chánh, ngạch tham sự, như vậy chỉ cần xuống tòa tỉnh Phú Yên hỏi thăm phòng nhân viên là biết. Chàng hăm hở thuê xe Honda thồ xuống tòa hành chánh. Hai ba nhân viên tòa tỉnh chàng gặp đầu tiên lắc đầu không biết Tố Chân là ai. Chàng hỏi thêm vài người. Họ đi hỏi bạn bè một lúc lâu, rồi mới quay ra bảo:

- Ở đây không có ông phó đốc sự nào tên là Trân cả.

Chàng vội cải chính:

- Xin lỗi bác lầm rồi. Tôi muốn hỏi bà Chân. C.H.Â.N. chứ không phải Trân. Tố Chân, tham sự hành chánh làm việc ở đây từ mấy năm nay.

Bác công chức già ngơ ngẩn một lúc, rồi nói lơ mơ:

- Có lẽ bà Chân trước làm ở phòng hành chánh.

- Vâng, đúng rồi. Tố Chân. Maria Tố Chân.

- Có phải cái bà ôm ốm hay bệnh.

- Vâng, đúng lắm. Có phải...

Chàng không dám hỏi hết câu. Bác công chức liếc qua đôi kính lão thấy nét mặt chàng thảng thốt quá, tuy chưa hiểu tại sao nhưng vẫn xúc động, chịu khó chạy đi vào trong hỏi giúp chàng. Chàng chờ đợi như chờ cả thế kỷ. Bác trở ra vui mừng bảo:

- Phải. Ở đây có bà tham sự tên Tố Chân. Nhưng...

- Nhưng thế nào ạ?

- Nhưng hết làm ở tòa tỉnh lâu rồi. Bà ấy sức khỏe kém không xông xáo được như mấy cậu phó đốc sự, nên đã xin chuyển qua làm bên hội đồng tỉnh. Nghe đâu...

- Nghe sao ạ?

- Nghe đâu bà ấy xin nghỉ dài hạn không lương. Ông thử qua bên hội đồng tỉnh hỏi xem.

Chàng vừa hy vọng vừa thất vọng. Chàng đã tìm ra tông tích Tố Chân. Nhưng nàng còn sống hay đã chết, chàng chưa biết được. Nhìn đồng hồ, đã 3g45 chiều. Nhiều công chức sửa soạn giấy tờ, xếp đặt lại cho vào tủ, để chuẩn bị ra về. Chàng thuê xe thồ giục chạy nhanh lên hội đồng tỉnh. Cơ quan đại diện cho dân đóng ở một ngôi nhà gần chợ, loại nhà liên dây dùng làm cửa hàng buôn bán có một tầng lầu, bên dưới có cửa sắt kéo. Một phía cửa sắt đã khép, một phía kéo hờ vừa đủ cho hai người đi, bên ngoài che bằng một tấm che gió bằng dây nhựa đan. Nếu không có tấm bảng đề Hội Đồng Tỉnh Phú Yên treo trước cửa, chàng đã tưởng mình lầm địa chỉ. Cơ quan vắng vẻ quá, chàng lo sợ đã đến quá trễ. Chàng hồi hộp gõ cửa. May quá, bên trong còn có tiếng máy chữ lách tách. Không nghe ai trả lời, chàng bạo dạn bước vào.

Chàng sững sờ, vui mừng đến kinh ngạc. Maria Tố Chân còn ngồi đó, dáng nhu mì mệt nhọc y như đêm nàng tiễn chàng trên ga Nha Trang hơn 10 năm trước. Nàng ngồi ở cái bàn gỗ tạp đối diện với cô thư ký đang đánh máy, mặc áo dài màu hồng nhạt. Chàng đứng ở cửa không dám tiến thêm bước nữa. Còn Tố Chân vì chóa nắng và vì bị cận thị (chàng nhớ thuở quen chàng, nàng đã mang kính 2 dioptries) nên có lẽ chưa nhận ra chàng. Chàng nghẹn lời không nói được tiếng nào. Tố Chân thì ngơ ngác hỏi:

- Ông tìm ai?

Chàng tiến thêm hai bước nữa. Cô thư ký đánh máy dừng công việc tò mò quan sát hai người. Chàng bắt đầu lo ngại. Nếu không khéo, chàng có thể làm hại đến thanh danh và hạnh phúc gia đình nàng. Chàng làm đổ vỡ đời nàng một lần, đủ rồi. Đúng lúc đó, Tố Chân nhận ra chàng. Lúc nàng còn bàng hoàng chết lịm vì bất ngờ, chàng đã nhanh trí nói:

- Tôi là anh của Tưởng Dung, bà còn nhớ không? Em gái tôi biết tôi có công chuyện đi ngang qua Tuy Hòa, nên gửi cho bà một lá thư. Tôi có làm phiền bà lắm không?

Tố Chân hơi bất ngờ lúc nghe lời lẽ chàng. Nhưng trong một thoáng, nàng hiểu nói như vậy là cần thiết. Nàng lễ phép đứng dậy vồn vã vừa phải, khi đáp:

- Thế à? Quí hóa quá! À phải rồi, có phải anh Thiệu không? Hồi còn đi học, tôi vẫn nghe Tưởng Dung nhắc đến anh luôn. Anh ghé Tuy Hòa được bao lâu?

Chàng cố bi thảm hóa:

- Việc gấp quá. Ngày mai tôi phải vào Sài gòn. Nếu gặp chuyến, có thể ngay chiều nay tôi đi cũng chưa biết chừng.

Quả nhiên nét mặt Tố Chân hơi lo âu khi hỏi cô thư ký:

- Mấy giờ rồi em?

- Bốn giờ mười phút rồi chị.

- Thôi em lo xếp hồ sơ rồi còn về. Chị phải về sớm để lo cơm nước cho thằng CoCa. Nhà chỉ có hai mẹ con, bỏ nó một mình, chị ngại quá.

Rồi quay về phía chàng, Tố Chân nói:

- Có bận đến mấy, thế nào anh cũng thu xếp để ghé nhà tôi một lát. Gần đây thôi. Lâu nay không được thư từ gì của Tưởng Dung cả, tôi sốt ruột lắm. Hôm trước tôi có gửi cho nó lá thư, không biết có nhận được không?

Chàng vui mừng đáp:

- Nghe em nó nói có đấy. Nhờ thế tôi mới biết bà còn làm việc ở Tuy Hòa.

Nàng mỉm cười không nói gì nữa, lo xếp dọn hồ sơ, khóa tủ lại, rồi xách cái xắc da mầu vàng đi ra cửa. Chàng vội bước theo. Vẫn cái dáng đi khoan thai hơi lê bàn chân trên mặt đường y như trước.

Chờ cô thư ký khóa cửa sắt ra về, nàng mới thì thào hỏi:

- Anh nhận được thư em hồi nào?

Chàng nuốt nước miếng, dằn xúc động đáp:

- Chiều hôm kia. Sáng hôm qua đi suốt ngày tới được Quảng Ngãi. Ngủ ở bến xe, bốn giờ sáng khởi hành. May quá, đến đây còn kịp giờ công sở.

Nàng đỏ mặt vì vui sướng. Chỉ cần một câu ấy thôi, nàng có thể quên hết bao nhiêu năm cay đắng đã qua. Tố Chân di di đầu guốc lên nền thềm xi măng không nói gì. Chàng nói:

- Nghe tin em mệt nặng, anh cứ lo không kịp...

Nàng ngước lên cười buồn:

- Em đã tưởng không qua khỏi. Gửi thư cho bác y công đem đi rồi, em vừa hối vừa lo.

Chàng hiểu nàng muốn nói gì, nhưng cứ hỏi:

- Vì sao vừa hối vừa lo?

Tố Chân lại di di chiếc guốc, đáp nhỏ:

- Em chỉ sợ bác ấy quên không gửi giùm.

Chàng cười:

- Hèn chi tem dán cái xuôi cái ngược. Em đã khỏe hẳn rồi chứ? Bị bệnh gì nặng không?

Nàng bối rồi, ngập ngừng một lúc, rồi đáp:

- Em bị sẩy thai, sau đó băng huyết dữ vào lúc quá yếu.

Chàng khựng người, ngước lên chăm chú nhìn nàng, hơi xót xa. Bây giờ chàng mới nhớ nàng đã có một đời sống riêng, kể cả chuyện phòng the giữa vợ chồng. Đoán được tâm trạng chàng, Tố Chân vội nói:

- Anh về nhà em đã. Cứ kêu xe thồ bảo chở đến quân bưu. Em đi cyclo qua nhà chị bạn đem cháu về. Nếu em chưa về kịp, anh chịu khó đợi một chút. Một lần nữa chàng khựng lại. Chồng nàng làm ở quân bưu thật. Qua những câu nói khéo, chàng biết ông ấy đi vắng. Và một lần nữa, chàng lại xót xa. Chàng đến khu nhà tiền chế của trạm quân bưu lúc Tố Chân chưa chở con về kịp. Cửa các nhà khu gia binh đều mở, trừ một cánh cửa khóa ở dãy phía tay trái. Chàng đã đoán không lầm. Đúng là nhà nàng. Đứa con nàng dẫn về lên 4 thật kháu khỉnh, mạnh khỏe khác hẳn mẹ. Chàng vuốt tóc làm thân với nó. Sợ mẹ, nó để yên cho chàng vuốt ve một lúc, rồi gỡ tay chàng ra, đến nép sau tà áo hồng của mẹ. Nàng dẫn chàng theo cái dốc thấp lên chỗ cánh cửa khóa. Gió thổi hất tà áo hồng về phía chàng. Thoang thoảng mùi băng phiến! Chàng định nhắc lại kỷ niệm cũ, nhưng nhớ đến cảnh ngộ hàm hồ khác thường, chàng cho như thế là đi quá mức cần thiết. Tố Chân đã được sống sót, và phải trở lại chịu đựng những ràng buộc cũ. Chàng không được quên điều ấy!

Bên trong căn nhà thật trống trải: một bộ bàn ghế sắt hàn từ những mảnh lót sân bay, hai chiếc giường nhà binh kê cạnh nhau, cái nôi đã không cần thiết bị rỉ chỗ lót tã, đồ nấu bếp, cái tủ quần áo bằng tôn đựng hồ sơ ở các văn phòng.

Không có thứ gì riêng tư và trường cửu, như đời sống tạm bợ của các gia đình quân đội. Thằng CoCa mãi chơi bi một mình nên mẹ nó được thong dong ngồi tiếp chuyện chàng.

Tố Chân hỏi:

- Anh còn vẽ nhiều không?

Chàng chưa đáp vội, nhìn quanh tìm bức tranh thiếu nữ xoay lưng với môn đại số. Nàng hiểu, cảm động run run nói:

- Em đã gửi nhờ con em giữ hộ.

- Tại bố thằng bé không thích?

- Không phải thế. Nhưng...

- Nhưng thế nào?

- Anh không hiểu em đâu.

Chàng ngước lên cố đoán xem nàng đang nghĩ gì. Hai người nhớ lại chuyện cũ nên bùi ngùi im lặng. Một lát, chàng hỏi:

- Anh mong em hiểu anh. Hồi ấy...

Tố Chân cướp lời:

- Em hiểu anh chứ. Ban đầu em ngơ ngác, đau xót. Nhưng sau đó em hiểu. Nếu không...

Nàng dừng lại. Chàng chờ thật lâu, nàng mới tiếp:

- Nếu không, em đã không viết thư. Em không muốn anh áy náy về em.

Chàng cảm động, nhìn đôi bàn tay gầy đặt trước mặt đang cuống quít đan nhau, muốn nắm lấy để cảm ơn nàng, nhưng không dám. Chàng sống lại y cái thời e ấp cũ. Muốn dằn xúc động, chàng hỏi:

- Sao em biết được tin thầy mất?

Nàng chớp mắt, cười ranh mãnh:

- Anh nổi tiếng quá; có chuyện vui buồn gì, ai cũng được chia sẻ. Em biết nhờ đọc báo.

- Cảm ơn em. Nhất định là thầy được lên "miền lạc phúc" rồi!.

Nàng giật mình, ngước nhìn chàng hồi lâu. Không chịu đựng được cái nhìn đầy ngụ ý, nàng quay mặt đi, nói sang chuyện khác:

- Anh biết không? Em được gặp thầy rồi!

Chàng kinh ngạc hỏi:

- Hồi nào? .

- Hồi đó. Chính thầy vào Nha Trang thăm chú thím. Em vô tình qua thăm Tưởng Dung, thoáng gặp thầy, đã biết là ai liền. Sao đôi mắt của anh giống đôi mắt thầy thế. Nhưng thầy hiền hơn!

Họ lượn lờ quanh chuyện cũ, và cùng hưởng lại cái thú đau thương của những kẻ vừa qua được cơn vật vã đứng nhìn nỗi hiểm nguy với lòng thanh thản. Họ không đả động gì tới hai người thân vắng mặt, cũng không có chút mặc cảm tội lỗi nào. Chàng xin lỗi không dám tin còn gặp lại nàng nên không mua quà cho cháu.

Nàng hỏi thăm các con chàng. Chàng đưa cho nàng xem hình đứa con trai út bằng tuổi thằng CoCa. Nàng khen cháu dễ thương, nhất là đôi mắt nồng nàn. Câu chuyện vẫn lan man nhát gừng chẳng khác mấy với các câu chuyện cũ; chỉ khác một điều là bây giờ, trừ những lúc chới với tưởng sắp vĩnh biệt cõi đời, họ không còn có thể bổ khuyết chỗ thiếu sót lúc gặp nhau bằng những lá thư dài khi xa nhau.

Sau ngày mất nước, họ lại bặt tin nhau. Chàng mong ước gia đình Tố Chân may mắn vượt qua các bất trắc của buổi giao thời. Và chàng tin rằng, cho đến lúc này, nàng vẫn còn chịu đựng can đảm các hệ lụy của cuộc sống mới. Nàng chưa tuyệt vọng. Nếu tuyệt vọng "sợ không qua khỏi", thế nào chàng cũng nhận được một lá thư khác, dù chàng lưu lạc đến bất cứ phương trời nào.


Nguyễn Mộng Giác
Reply


Messages In This Thread
Tố Chân (Nguyễn Mộng Giác) - by schi - 2022-09-23, 05:10 AM
RE: Tố Chân (Nguyễn Mộng Giác) - by schi - 2022-09-23, 05:15 AM