Nhìn Lại Quá Khứ
#4
Lịch sử từ đường Thiên lý cho tới đường Cái quan – Quốc lộ 1A ngày nay

12/04/2021

Con đường Cái quan (Ảnh minh họa)

[Image: con-duong-thien-ly-cai-quan-quoc-lo-1a-1...qltdhg.jpg]

Giới thiệu về đường Thiên lý

Việt Nam xưa là một nông nghiệp, nhân dân chỉ sống trong vòng kinh tế tự cung tự cấp, nếu cần giao lưu từ vùng này sang vùng khác ta thường sử dụng đường thủy. Vì thế vấn để giao thông đường bộ không quan trọng. Nhưng về mặt quản lý lãnh thổ, nhà nước vẫn phải có đường để nối liền các địa phương. Cho nên từ buổi đầu mới dựng nền độc lập, do yêu cầu quân sự, đường bộ Việt Nam đã ra đời.

Đường bộ Bắc Nam hay là đường Thiên lý chính thức được xây dựng vào năm 1375, dưới thời Trần, nối liền Thăng Long với Tây Đô (Thanh Hóa). Qua thời Hồ, vào năm 1402, con đường được đắp tiếp vào Châu Hóa (Huế). Dưới thời Nguyễn, đường Thiên lý được nối dài theo nghiệp mở nước về phương Nam của dân tộc (Nam tiến). Con đường vào đất Hà Tiên vào hoàn thành khoảng năm 1757 dưới thời của Võ vương Nguyễn Phúc Hoạt (Khoát).

Con đường Cái quan

Đường Thiên lý ngày xưa (Ảnh minh họa)
[Image: con-duong-thien-ly-cai-quan-quoc-lo-1a-4.jpg]
Đường Cái quan

Sau thời kỳ Nam Bắc phân tranh hàng trăm năm, vua Gia Long thống nhất đất nước (1802), ông thấy đường sá giao thông là vấn đề khẩn yếu cho việc chính trị nên sai quan trấn nhậm các doanh trấn phải sửa chữa, bắc cầu ván qua sông suối và uốn thẳng lại con đường Thiên lý. Cụ thể là vào năm 1809, vua sai Nguyễn Hoàng Đức và Lê Chất đi coi công việc sửa đường quan từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đến Bình Hòa (Bình Thuận, Khánh Hòa). Biện pháp và chính sách rất cụ thể: “Lấy dây dóng lại, phát dân sửa đắp. Muốn thế phải hoãn việc bắt lính, đình chỉ việc kêu kiện vặt. Hễ chỗ nào mở vào nhà dân và nhà mộ thì chi tiền cấp cho. Ven đường thì trồng cây thích hợp”. Đến đầu năm 1810, vua Gia Long lại sai Giám thành Nguyễn Văn Học lo việc sửa cầu cống đường sá ở các địa phương Quảng Đức (Thừa Thiên Huế), Quảng Trị, Quảng Bình. Công việc gồm có “đo xem thế đất, lấy dân sửa đắp, cấp cho (dân) lương ăn hàng ngày”. Vua dặn thêm Nguyễn Văn Học rằng: “.. trời mùa hè nóng nực, không nên đốc thúc (dân) làm quá, để nới sức dân”. Cũng trong năm 1810, vua Gia Long sai Quản cơ Cao Công Giang xem xét sửa cầu Lý Hòa ở Quảng Bình. Cầu cũ 138 nhịp, đến nay do bờ sông bồi đắp, chỉ còn rộng 71 nhịp, cho bớt đi 82 nhịp chỉ sửa chữa 56 nhịp.

Chính sách của nhà Nguyễn đối với dân phu làm đường lúc nào cũng rõ ràng. Tiếp tục sự nghiệp của vua cha, mới lên ngôi hai năm (1821), vua Minh Mạng cho phép Bình Thuận huy động dân chúng đi phát chặt những rừng cây rậm rạp ở hai bên đường mở rộng thêm mỗi bên 10 tầm (có lẽ là tân hay ngũ, mỗi ngũ tương đương 2m). Có 500 dân phu, từ lúc khởi công đến lúc hoành thành trong vòng 20 ngày. Mỗi người được phát 20 bát gạo và 6 tiền 40 đồng.

Để tiện cho việc đón đưa quan lại trú thêm trên đường Thiên lý, từ thời vua Gia Long, đường Thiên lý đã được chia thành nhiều cung, mỗi cung trung bình dài khoảng 15km, ở giữa hai cung có một nhà trạm lợp ngói, có hào và tường bao bọc chung quanh, có chòi gác bốn phía. Ở mỗi trạm có nhiều phu trạm lo chuyển tải các công văn, tờ giấy, khiêng cáng và đồ dùng của quan lại qua đường. Từ cửa Nam Quan vào đến tỉnh Bình Thuận có tất cả 98 nhà trạm. Từ Bình Thuận vào Hà Tiên đi đường thủy không cần nhà trạm. Đường Thiên lý chủ yếu dành cho quan lại sử dụng cho nên nó có tên là Con đường Cái quan.

Con đường Cái quan
Con đường Cái quan đi xuyên qua cổng ở đèo Hải Vân

[Image: con-duong-thien-ly-cai-quan-quoc-lo-1a-2.jpg]

Con đường Cái quan phải băng qua đồng ruộng, rừng núi, sông suối hiểm trở. Vì thế hàng năm sau mùa mưa lũ bão giông, đường sá hư hại nhiều. Đó là không có đề cập đến nạn trộm cướp, thú dữ luôn rình rập phu trạm và khách bộ hành. Do đó, công việc duy trì bảo dưỡng con đường Cái quan hết sức khó khăn, phức tạp. Tuy thế nhà Nguyễn vẫn giữ cho con đường luôn thông suốt.

Sau ngày Thất thủ Kinh đô (7.1885), thực dân Pháp tiến hành mở rộng con đường vượt đèo Hải Vân để kết nối cửa biển Đà Nẵng- nơi chiến hạm của Pháp đậu – với Kinh đô Huế. Công trình  do Đại úy công binh Besson đảm trách. Thực dân Pháp đã cưỡng bức nhân dân các làng xã lân cận đi làm đường mà không được trả công. Cho đến lúc nào làm xong phần đường của địa phương mình thì dân phu mới được trả về quê quán. Vì quá công phẫn cho nên vào cuối tháng 2.1886, dân chúng đã nổi dậy giết tên Đại úy Besson và tiêu hủy toàn bộ các thiết kế cùng phương tiện làm việc. Sau đó họ đồng lòng bỏ việc tập thể kéo nhau về lại quê hương. Bởi thế để hoàn thành đoạn đường Huế – Đà Nẵng thực dân Pháp đã gặp nhiều thử thách hết sức khó khăn.

Đường số 1 và Quốc lộ 1A ngày nay

[Image: con-duong-thien-ly-cai-quan-quoc-lo-1a-3.jpg]

Đầu thế kỷ XX, Pháp chú tâm vào việc xây dựng và khai thác các tuyến đường sắt, còn đường bộ chúng bỏ lửng. Mãi đến sau năm 1912, Toàn quyền Sarraut mới chú ý trở lại. Năm 1918, thực dân Pháp ký nghị định chia đường bộ Việt Nam thành hai loại: đường thuộc địa (routes colonials) và đường địa phương (routes régionales). Đường thuộc địa (21 đường) do tổng ngân sách Đông Dương đài thọ, đường địa phương do các ngân sách kỳ phụ trách.

Đường thuộc địa số 1 được vạch theo con đường Cái quan của nhà Nguyễn nối Hà Nội với Sài Gòn. Con đường Cái quan lại được điều chỉnh lại và mở rộng, lát đá, rải nhựa, xây dựng cầu cống và bến phà, trở thành đường Quốc lộ I.

Con đường Cái quan
Quốc lộ 1A (Ảnh minh họa)

Nối đường thuộc địa số 1 với các phương, ở Bắc Kỳ có đường số 2, số 3, số 4 kết nối Hà Nội với miền thượng du, đường số 5 nối Hà Nội với Hải Phòng. Ở Trung kỳ có 6 hoành độ chính xuyên dãy Trường Sơn qua Lào và Campuchia. Ở Nam kỳ có 3 đường thuộc địa nối Sài Gòn với Đà Lạt, Vũng Tàu, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bạc Liêu và Cà Mau.

Mặc dù thực dân Pháp đã cố tình chia nước Việt Nam thành ba kỳ với ba chế độ cai trị khác nhau nhưng nhờ con đường Cái quan nối liền ba kỳ mà lòng người Việt Nam ở ba kỳ vẫn thống nhất. Vào những năm nửa thế kỷ XX, nhạc sĩ Phạm Duy đã lấy tên con đường Cái quan đặt tên cho một trường ca của mình. Trường ca Con Đường Cái quan kể lại lịch sử cuộc Nam Tiến của đất nuớc.

Ngày nay không những chúng ta có Quốc lộ số 1A – hậu thân của đường Thiên lý/ con đường Cái quan / đường Quốc lộ số 1 – mà còn có Quốc lộ 1B kết nối hai miền Nam Bắc. Nhưng không có con đường nào mang trên mình bao nhiêu anh hùng và đau thương của dân tộc bằng con đường Cái quan / Quốc lộ 1A. Đó là con đường lịch sử mà dân tộc đã đi qua để giữ vững sự thống nhất của đất nước.

223110697
Reply


Messages In This Thread
Nhìn Lại Quá Khứ - by duke - 2021-11-16, 04:33 PM
RE: Nhìn Lại Quá Khứ - by duke - 2021-11-16, 04:49 PM
RE: Nhìn Lại Quá Khứ - by MTYC - 2021-11-17, 07:25 AM
RE: Nhìn Lại Quá Khứ - by duke - 2021-11-26, 12:17 PM
RE: Nhìn Lại Quá Khứ - by duke - 2021-12-08, 03:31 PM
RE: Nhìn Lại Quá Khứ - by duke - 2021-12-19, 08:46 PM
RE: Nhìn Lại Quá Khứ - by Ech - 2021-12-19, 10:58 PM
RE: Nhìn Lại Quá Khứ - by duke - 2021-12-25, 07:18 AM
RE: Nhìn Lại Quá Khứ - by duke - 2022-01-10, 08:38 PM
RE: Nhìn Lại Quá Khứ - by duke - 2022-02-25, 05:50 AM
RE: Nhìn Lại Quá Khứ - by duke - 2022-02-25, 05:57 AM
RE: Nhìn Lại Quá Khứ - by duke - 2022-04-25, 07:43 AM
RE: Nhìn Lại Quá Khứ - by duke - 2022-04-25, 08:01 AM
RE: Nhìn Lại Quá Khứ - by duke - 2022-04-25, 07:53 AM
RE: Nhìn Lại Quá Khứ - by duke - 2022-06-01, 06:48 AM