The following warnings occurred:
Warning [2] count(): Parameter must be an array or an object that implements Countable - Line: 895 - File: showthread.php PHP 7.2.34 (Linux)
File Line Function
/showthread.php 895 errorHandler->error




Người về qua cõi phù vân ... Nghiêng vai trút gánh phong trần bỏ đi...

Bí Mật của Sự Sống
#1
 Từ Tiên đề Thứ tự tới Bí mật của Sự Sống
From The Order Axiom to the Secrets of Life



Trong cuốn “Tiên đề Thứ tự và Không-Thời gian Sinh học”, Giáo sư Tiến sĩ Vật lý Vũ Hữu Như chỉ ra rằng sự sống là một Hệ Thứ Tự trong khi các hệ vô cơ thì không. Đây là một nhận định rất quan trọng nhằm phân biệt sự sống với vật chất không sống. PVHg’s Home hân hạnh giới thiệu công trình nghiên cứu của GSTS Vũ với độc giả…


GIỚI THIỆU TÓM TẮT TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM

Tác giả Vũ Hữu Như (tên khai sinh Vũ Như Ngọc), sinh ngày 07/ 09/ 1943 tại Bình Giang, Hải Dương. Từ nhỏ đã sống tại TP Hải Phòng, là học sinh trường Ngô Quyền. Bút danh “Vũ Hữu Như” là tên ghép hai bên nội ngoại: Vũ Như và Vũ Hữu.

Tốt nghiệp Khoa Vật lý Đại học Tổng hợp Hà-nội năm 1967 (nay là Đại học Quốc gia). Từng tham gia giảng dạy vật lý tại một số đại học ở Việt Nam. Sau chuyển về Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, chuyên nghiên cứu về tác dụng của tia phóng xạ trên các hệ sinh học. Năm 1980 hoàn thành luận án Tiến sỹ tại Viện Khoa học Việt Nam. Sau đó đi tu nghiệp tại Trung tâm Nguyên tử Bombay, Ấn Độ (BHABHA Atomic Research Centre).

Từ 1975 dưới sự hướng dẫn của GS Nguyễn Hoàng Phương đã nghiên cứu vấn đề “Tương tác của trường sinh học và các trường điện từ với các hệ sinh học”. Công trình nghiên cứu về TIÊN ĐỀ THỨ TỰ CỦA CÁC HỆ SINH HỌC cũng bắt đầu thu được kết quả vào thời gian này, dưới sự hướng dẫn của GS Toán học Nguyễn Văn Khuê. Công trình này nhằm hai mục tiêu.
  • Tìm cách thể hiện Bốn Tiên đề Sinh học của B.M.Mednikov dưới dạng ngôn ngữ toán học.
  • Tìm hiểu quan hệ giữa TIÊN ĐỀ THỨ TỰ với Khái niệm Không Thời gian của Vật lý học.
Những vấn đề trên đã được trình bày trong cuốn sách TIÊN ĐỀ THỨ TỰ & KHÔNG THỜI GIAN SINH HỌC, do NXB Đại học Quốc gia Hà-nội xuất bản Tháng 02/2014.


Sau đây là toàn văn bài báo của GS Vũ Hữu Như:

Thứ Tự và Không Thứ Tự
Thứ Tự và Quy Luật Tư Duy

Vũ Hữu Như
Đà Lạt 2018



I. TIÊN ĐỀ THỨ TỰ (THE ORDER AXIOM)

Trong các nghiên cứu khoa học, chúng ta thường sử dụng hai quan hệ nhị nguyên, đó là quan hệ tương đương và quan hệ sắp thứ tự. Trong bài viết này chúng ta sẽ đi sâu vào nghiên cứu quan hệ sắp thứ tự, thông thường nó không được thấy hết ý nghĩa và tầm quan trọng về mặt khoa học cơ bản.

1.1) Ký hiệu Logic

Để việc diễn đạt được gọn gàng, chúng ta cần thiết sử dụng một vài ký hiệu của Lý thuyết tập hợp dưới đây:

[Image: 21.jpg?w=638&h=550]


1.2) Quan hệ tương đương và quan hệ sắp thứ tự

a) Quan hệ R ⊂ XxX được coi là quan hệ tương đương trên X nếu R là một quan hệ có tính phản xạ, đối xứng và bắc cầu. Cụ thể:
・∀x ∈ X: xRx
・∀x, y ∈ X: xRy ⇒ yRx
・∀x, y, z ∈ X: (xRy ∧ yRz) ⇒ xRz

Ví dụ quan hệ “=”, A = B là một quan hệ tương đương

b) Quan hệ sắp thứ tự

Quan hệ Φ gọi là quan hệ sắp thứ tự trên XxX hay vắn tắt gọi là “Quan hệ thứ tự” (order relation) nếu Φ có các tính chất phản xạ, không đối xứng và bắc cầu. Cụ thể:

・∀x ∈ XxX: x Φ x
・∀x, y ∈ XxX (và x ≠ y): x Φ y ⇒ ⏋(y Φ x)
・∀x, y, z ∈ XxX: (x Φy ∧ y Φ z) ⇒ x Φ z

Ví dụ quan hệ ≤ hoặc quan hệ < , (x < y) hoặc quan hệ A ⊂ B là các quan hệ thứ tự.

Các kiểu quan hệ thứ tự tuyến tính, thứ tự trù mật và sắp thứ tự tốt là rất quan trọng trong các ứng dụng.

Tuy nhiên việc định nghĩa quan hệ sắp thứ tự như trong mục b) sẽ gây trở ngại khi ta muốn xây dựng khái niệm các “hệ thứ tự” và ứng dụng để nghiên cứu các hệ sinh học. Để vượt qua trở ngại này chúng ta phải vận dụng đến khái niệm “tích Descartes” (Descartes products) và bổ đề Kuratowski-Zorn.

Tích Descartes là một khái niệm quan trọng của lý thuyết tập hợp, nó được ứng dụng trong nhiều ngành khoa học kể cả tự nhiên và xã hội. Vấn đề cơ bản là tích Descartes đưa ta đến khái niệm “Cặp thứ tự” (order pair). Nói đơn giản nếu a, b là các phần tử thuộc tập hợp X thì tích Descartes là các cặp (a, b) và (b, a) thuộc XxX sẽ phải khác nhau.

∀a, b ∈ X: (a, b) ≠ (b, a)

Thực ra điều này ta đã quá quen thuộc khi sử dụng hệ toạ độ Descartes, nhưng chưa chú ý đến tính khái quát của nó mà thôi. Ví dụ :


[Image: 31.jpg?w=374&h=254]


Khi nghiên cứu Kinh Dịch, chúng ta sẽ ngỡ ngàng vì loài người đã sử dụng tích Descartes từ cách đây hơn 6000 năm.

Nhân đây xin độc giả cũng tranh thủ ghi nhớ một điều, đó là các điểm M và N là các điểm của một không gian hai chiều XxY. Vì vậy thay vì nói đến “các điểm” ta sẽ nói đến “các cặp thứ tự”. Điều đó đồng nghĩa khi nói đến một “không gian” ta sẽ nói đến “một tập hợp các cặp thứ tự”. Thường là trong tư duy, chúng ta không liên kết được sự tương đương này. Do đó giữa “không gian thực” Euclide 3 chiều và “không gian trừu tượng” không tiếp cận được với nhau. Xin nhớ rằng sang phần cuối bài viết, chúng ta sẽ sử dụng các “bộ ba thứ tự” (các triplet) của mã di truyền, và xây dựng khái niệm “Không gian di truyền học”.

Bổ đề Kuratowski-Zorn nói rằng: Nếu (X, ≤) là một tập hợp được sắp thứ tự theo quan hệ ≤ và nếu A là một tập hợp con của X, thì tập hợp A cũng sẽ được sắp thứ tự theo quan hệ đó, và để đơn giản ta có thể viết (A, ≤)

Với sự chuẩn bị ở phần trên ta có thể nêu ra “tiên đề thứ tự” dưới đây.

Cho (X, ≤) là một tập hợp được sắp thứ tự theo quan hệ ≤, khi đó với mọi phần tử a, b ∈ XxX ta sẽ có
(a, b) ≠ (b, a)

Tương tự với mọi phần tử a, b, c ∈ XxXxX ta sẽ có
(a, b, c) ≠ (b, a, c) ≠ (c, a, b)

Một cách khái quát ta có thể nêu lên “bổ đề thứ tự” sau
Cho (X, ≤), ∀a, b ∈ X và a ≠ b

(a Φ b) (a, b) ≠ (b, a)

Ý nghĩa đơn giản của bổ đề này là nếu a, b là các phần tử khác nhau thuộc X được sắp thứ tự theo quan hệ ≤ thì cặp (a, b) ≠ (b, a) (và ngược lại).

Để kết thúc phần này ta cũng cần nói thêm rằng mô hình biểu diễn “quan hệ tương đương” là một tập hợp các điểm trên một “đường tròn”. Trong khi “Quan hệ sắp thứ tự” được biểu diễn bởi tập hợp các điểm trên một “đường thằng có hướng” (một vector).

1.3) Tập hợp các số tự nhiên N

Tập hợp các số tự nhiên là tập hợp các số nguyên dương N = {1, 2, 3, 4, 5, …}

Khi chúng ta ba bốn tuổi, cha mẹ đã dạy chúng ta học đếm: một, hai, ba, bốn, … Thế là tập hợp các số tự nhiên từ từ ngấm vào tiềm thức của chúng ta. Sau khi được học ở tiểu học các phép tính cộng, trừ, nhân, chia, chúng ta bắt đầu làm quen với tập hợp các số thực R. Rồi các con số như một dòng sông lớn đưa chúng ta tới các khái niệm “Hàm số”, các phép tính vi phân, tích phân … khiến chúng ta ngày càng trôi xa khỏi quê hương của tập hợp các số tự nhiên N. Không mấy ai còn biết quê hương của tập hợp các số tự nhiên là đâu…! Cả các nhà toán học lớn như Leopold Kronecker cũng bàng hoàng nói rằng “Chúa trời đã tạo ra các số nguyên, phần còn lại là của chúng sinh”.

Câu nói này cũng thật kỳ lạ, bởi chúng ta sẽ phải kinh ngạc khi nghiên cứu bức “Hà Đồ” nguồn cội của Kinh Dịch tìm thấy cách đây hơn 6000 năm. Dưới đây xin giới thiệu bức “HÀ ĐỒ” in trong bộ sách cổ nổi tiếng của Trung HoaSách Tam Mệnh Thông Hội (1)

[Image: 52.jpg?w=298&h=420]


Trên bức Hà Đồ này độc giả thấy xuất hiện đầy đủ các con số từ 1 đến 9 dưới dạng các dãy chấm tròn. Với con số “5” nằm ở chính giữa. Chúng ta sẽ còn kinh ngạc hơn khi sự sắp xếp các “con số” đó tạo ra một “bảng tính cộng

5 + 1 = 6
5 + 2 = 7
5 + 3 = 8
5 + 4 = 9

Xin nói thêm rằng mãi đến thế kỷ VI (sau CN) loài người mới phát minh ra con số “zero”, tức số “0” ngày nay.

Theo truyền thuyết, dựa trên bức Hà Đồ, vua Phục Hy đã vạch ra cấu trúc “Tiên Thiên Bát Quái”.

Cũng theo truyền thuyết, vào khoảng những năm 2205 – 2163 TCN, vua Hạ Vũ khi tiến hành trị thuỷ 9 con sông lớn đã gặp một con rùa thần nổi lên tên sông Lạc, trên lưng cũng có một bức đồ hình có cấu trúc tương tự và được gọi là “Lạc Thư”. Dựa trên các cấu trúc của Lạc Thư, vua Hạ Vũ đã vạch ra đồ hình “Hậu Thiên Bát Quái” và đặc biệt hơn vua Hạ Vũ đã xây dựng nên bảng “Cửu Trù Hồng Phạm”.


[Image: 61.jpg?w=270&h=266]

Đây là một ma trận chứa đựng nhiều sự huyền bí, lưu hành ở nhiều quốc gia với tên gọi “Carré Magique”.

Việc nghiên cứu, phân tích hai bức Hà ĐồLạc Thư mà các tiền nhân đã coi đó là các “bức thông điệp của trời đất” đã đặt nền móng cho sự phát triển thiêng liêng khoa học dịch lý trong hàng ngàn năm sau.

Chúng ta đứng trên góc độ của những người nghiên cứu số học sẽ phải chấp nhận một sự thật là “số học đã ẩn chứa ngay trong các cơ thể sống”.

Vì mục đích của công trình nghiên cứu này là đi tìm “sự ẩn chứa số học trong cơ thể sống” nên nó đã được nêu lên với cái tên, mà với nhiều độc giả nó có vẻ khó hiểu: “tiên đề thứ tự”.

Các tập hợp được sắp thứ tự được sử dụng rất rộng rãi trong các ngành khoa học và đời sống thường nhật, khiến mọi người hầu như quên hẳn lịch sử ra đời của nó, và hơn nữa hầu như không ai nhận ra rằng nó là mẹ đẻ của khái niệm không gian và thời gian:

Vắn tắt thì lịch sử ra đời của tập hợp các số tự nhiên kéo dài suốt mấy chục ngàn năm, ban đầu là do nhu cầu “đếm”. Thời kỳ sơ khai loài người chỉ biết đếm “một” và “nhiều”. Cách thức ghi số đếm dần dần tiến bộ nhờ các vạch trên một ống xương hoặc một khúc cây hoặc dùng các dấu chấm tròn kết hợp với các dấu gạch ngang. Đương nhiên khi gặp số lượng lớn, chẳng hạn của đàn gia súc, thì hệ thống đếm này luôn xảy ra nhầm lẫn. Nhu cầu đếm theo nhóm xuất hiện, chẳng hạn thay cho nhóm 5 vạch người ta dùng ký hiệu “V” và nhóm 10 vạch bằng ký hiệu “X”. Trên thực tế các bộ tộc, các dân tộc sử dụng các hệ ký hiệu khác nhau (như Ai Cập, Ả Rập, Hy Lạp, Trung Hoa, Maya, …) cho mãi đến khoảng thế kỷ X hệ thống ký hiệu số đếm của người Ấn Độ có nhiều ưu điểm đã được phổ biến rộng rãi ở nhiều vùng lãnh thổ. Đó chính là hệ số đếm ngày nay được sử dụng trên toàn thế giới.

D = {1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 0}

Tóm lại sự ra đời của tập hợp các số tự nhiên là quá trình của hoạt động tư duy trừu tượng của con người nhằm xây dựng hệ thống số đếm. Có thể nói hệ thống số đếm là thông điệp cấu trúc thứ tự của các hệ sống.

HỆ THỐNG SỐ CỦA NGƯỜI MAYA (TRUNG MỸ) LÀ HỆ NGŨ PHÂN (5 ngón tay) (Năm 1000 TCN)


[Image: 71.jpg?w=600]


1.4) Tiên đề Tập hợp các số tự nhiên

Không phải vô cớ mà các sách viết về cơ sở toán học hiện đại đều đưa khái niệm các tập hợp được sắp thứ tự (ordering) và đặc biệt là tập hợp các số tự nhiên lên các chương đầu của cuốn sách. Và sau đây là một cách phát biểu tiên đề về tập hợp các số tự nhiên.

Tiên đề I: 1 là một số tự nhiên, tức 1 ∈ N
Tiên đề II: 1 không phải là một số tiếp sau của bất kỳ số tự nhiên nào (chưa có số 0)
Tiền đề III: Đối với mọi số tự nhiên n có đúng một số tự nhiên m sao cho m là số tiếp sau của n.
Tiền đề IV: Nếu số tự nhiên m là số tự nhiên tiếp sau của số tự nhiên n và nếu m cũng là số tiếp sau của số tự nhiên k thì n = k
Tiên đề V: (Nguyên lý quy nạp) Nếu A là một tập hợp con của tập hợp N và mọi số tự nhiên n đều thuộc A thì A = N

Hệ tiên đề này do nhà toán học người Italy – G. Peano đề xuất vào năm 1891.

Rất nhiều độc giả khi nghiên cứu hệ tiên đề này sẽ bật cười – nhưng mà thật như vậy đấy! Cả thế giới các nhà toán học đã coi đó là một bước tiến quan trọng, một công trình toán học có tính logic sâu sắc, một hệ tiên đề chặt chẽ. Thực chất về mặt tư duy logic hệ tiên đề này thừa nhận “có một phần tử đứng đầu – con số 1” và “có một và chỉ một phần tử đứng ngay sau nó – con số 2” và “có một và chỉ một phần tử đứng sau con số 2 – con số 3” và cứ tiếp tục mạch tư duy ấy mãi mãi.

Về mặt triết học ý nghĩa của hệ tiên đề này là thừa nhận “có một điểm bắt đầu” và có một điểm đứng sau” (2). Từ sự thừa nhận đó ta sẽ có một tập hợp các phần tử được sắp thứ tự. Nghĩa là thừa nhận “có trước” và “có sau”, có “quá khứ” và có “tương lai”.

Nhân đây cũng nói thêm rằng tập hợp các số tự nhiên của G. Peano là một ví dụ tốt về một tập hợp được sắp thứ tự tuyến tính nhưng không trù mật. Điều này phải chờ đến tập hợp các số thực R.

Một điều khiến chúng ta phải ngạc nhiên là tập hợp các số tự nhiên cũng đã được Lão Tử nêu lên như một dạng tiên đề từ cách đây 2500 năm, rất huyền bí:


[Image: 8.jpg?w=272&h=121]

1.5) Tập hợp số thực R

Việc buôn bán, giao thương giữa các miền trên quả đất đã đẻ ra nhu cầu tính toán lời lãi, thâm thụt, khiến các phép tính số học đã được vắt óc tạo ra. Phép cộng các số tự nhiên đã đưa đẩy ta đến khái niệm “số vô cực”. Phép trừ các số tự nhiên đã đẩy ta tới khái niệm “số không” và “số âm”. Phép chia đã dẫn ta tới các phân số và các “số thập phân”. Con đường vô tận này đã dẫn tới sự hình thành “tập hợp các số thực” R. Từ đó, tất cả các ngành khoa học, kể cả các nhà thơ và các tiểu thuyết gia đều đã sử dụng tập hợp các số thực R được biểu diễn dưới dạng một đường thằng có hướng

[Image: 9.jpg?w=439&h=68]

Khi đại thi hào J. W. Goeth viết rằng “Mọi lý thuyết đều là màu xám”, tức là ông đã sử dụng “số âm” và “Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi” là ông đã sử dụng số +∞ !
Tập hợp số thực được sử dụng rộng rãi trong toán học, chúng ta có khái niệm các hàm số liên tục, đạo hàm, vi phân, tích phân,… Cao hơn chúng ta có giải tích hàm, v.v…

Tuy nhiên tập hợp các số thực chứa đựng nhiều “lỗ hổng nguy hiểm”.

Hãy xét ví dụ một tam giác vuông có hai cạnh a = 1m và b = 1m, hỏi cạnh huyền c dài bao nhiêu. Độc giả thấy ngay:

[Image: 10a.jpg?w=403&h=165]


Nghĩa là ta gặp một “số vô tỷ”. Tương tự một đường tròn có bán kinh r = 1m thì đường tròn đó có chu vi C (circumference), cũng là một số vô tỷ (số vô ước).

[Image: 10b.jpg?w=340&h=133]




Một lỗ hổng rất lớn khác là một “định lý cơ bản của số học” thường được gọi là bài toán phân tích một số ra thừa số nguyên tố. Định lý đó được phát biểu đầy đủ như sau:

Mọi số nguyên dương lớn hơn 1 đều có thể được viết duy nhất dưới dạng tích của các thừa số nguyên tố theo thứ tự tăng dần.


Ví dụ: 252 = 2 x 2 x 3 x 3 x 7

Mặc dù đó là một định lý cơ bản của toán học nhưng lại “không thể chứng minh”!

Rõ ràng là có một mối liên hệ chưa rõ ràng giữa tính chất sắp thứ tự của tập hợp R với hệ tiên đề G. Peano.

Điều này khiến ta nghĩ tới Định lý Bất toàn của Kurt Gödel, công bố năm 1931. Định lý này khẳng định rằng mọi hệ tiên đề toán học đủ mạnh để chứa số học đều bất toàn, nghĩa là không thể vừa đầy đủ vừa phi mâu thuẫn ─ nếu đầy đủ thì sẽ chứa đựng mâu thuẫn; muốn tranh mâu thuẫn thì sẽ không đầy đủ. Vì thế hệ tiên đề Peano là một hệ tiên đề không đầy đủ.

Tập hợp số thực còn dẫn tới vô số những hệ quả quan trọng khác, bởi trước hết nó là nền tảng của ngôn ngữ toán học, điều này các nhà khoa học đã thể hiện sự cố gắng qua việc xây dựng “lý thuyết số”. Nếu độc giả đã từng đi sâu nghiên cứu một số vấn đề toán học hiện đại hẳn sẽ nhận ra rằng luôn tìm thấy “vết chân” của tập hợp số thực ở trong đó.

Tập hợp số thực lần đầu tiên được nhà toán học Đức Georg Cantor đề xuất vào khoảng năm 1878 khi đưa ra khái niệm “liên tục” (continuum) của đoạn thẳng được tạo nên bởi vô hạn các điểm phân biệt – mỗi điểm biểu thị một số. Đề xuất này không được các nhà khoa học hưởng ứng. G. Cantor cũng là người xây dựng hệ tiên đề đầu tiên của lý thuyết tập hợp và được gọi là “Lý thuyết tập hợp của G. Cantor”. Hệ tiên đề này về sau được bổ sung thêm ba tiên đề nữa để tạo ra hệ 7 tiên đề của Lý thuyết tập hợp. Tuy nhiên hệ các tiên đề này có liên quan mật thiết đến hệ tiên đề G. Peano về sự tồn tại của tập hợp các số tự nhiên N. Đây là một mối liên hệ rất khó giải trình – ví dụ khái niệm “Lực lượng của một tập hợp” được định nghĩa là số phần tử thuộc tập hợp ấy. Vậy có bao nhiêu phần tử trên một đoạn thẳng. Tập hợp các số tự nhiên không trả lời được câu hỏi này. Mô hình tập hợp số thực R trả lời: có một số vô hạn các phần tử trên đoạn thẳng đó.

[Image: 111.jpg?w=446&h=70]

Kết quả là: lực lượng của đoạn [a, b] tương đương với lực lượng của cả đường thẳng (-∞, +∞). Đó là lực lượng Continuum C. Nói một cách tổng quát, chúng ta đang đứng trên một bờ biển và đang cố gắng đếm các hạt cát và phải trả lời câu hỏi:

“Cái gì là vô hạn; Cái gì là hữu hạn?”

Phải chăng vấn đề nằm ẩn chứa trong các tập hợp được sắp thứ tự …?
Reply


Messages In This Thread
Bí Mật của Sự Sống - by Sunnata - 2018-09-02, 11:35 AM
RE: Bí Mật của Sự Sống - by Sunnata - 2018-09-02, 11:44 AM
RE: Bí Mật của Sự Sống - by Sunnata - 2018-09-02, 12:13 PM
RE: Bí Mật của Sự Sống - by quexua - 2018-09-02, 02:17 PM
RE: Bí Mật của Sự Sống - by quexua - 2018-09-02, 01:10 PM
RE: Bí Mật của Sự Sống - by quexua - 2018-09-02, 02:44 PM
RE: Bí Mật của Sự Sống - by Sunnata - 2018-09-02, 04:43 PM