2018-05-26, 07:26 PM
TRÍ TUỆ Của TẾ BÀO
THE WISDOM Of YOUR CELLS
THE WISDOM Of YOUR CELLS
LuanLe dịch
Lời giới thiệu của người dịch: Tiến sĩ Bruce Lipton là nhà khoa học tiên phong chuyên nghiên cứu về lãnh vực sinh học tế bào. Ông viết bài này vào đầu năm 2007 gồm những kiến thức mới mẻ về sinh học, giúp cho chúng ta cập nhật thêm một số hiểu biết trong lãnh vực này. Không những ông bàn về sinh học với những khám phá mới làm đảo lộn lý thuyết về di truyền, mà ông còn dẫn dắt chúng ta đi vào những áp dụng của ngành này trong y khoa hiện đại và tương lai. Nhưng điều làm cho tôi thích nhất là ông đã kể lại những kinh nghiệm khai ngộ của ông về đời sống khi nghiên cứu tế bào. Ông giải thích cơ chế kích động và phản động trong tế bào, và cho rằng đây là cội nguồn của sức mạnh và sự sáng tạo trong đời sống chúng ta.
Tôi nghĩ rằng ông là một trong những khoa học gia hiếm hoi đang dấn thân xoá mờ biên giới giữa khoa học và đạo học. Thật vậy, trong bài này ông đã dùng hiểu biết khoa học soi sáng thêm vào các vấn đề quan trọng của đời sống như :
- Khí lực là gì ? Vai trò của khí lực trong khoa học, y khoa và đời sống ?
- Con người có khả năng làm chủ và sửa đổi số mạng hay không ?
- Thanh và trược điển ?
Nếu muốn tham khảo bản gốc anh văn xin vào trang web :
htttp://www.brucelipton.com/article/the-wisdom-of-your-cells
ooOoo
Phần I
Trí tuệ của tế bào nói về một ngành sinh vật học mới, nó có khả năng làm thay đổi tận gốc rể nền văn minh và thế giới chúng ta đang sống. Khoa sinh học mới này sẽ dẫn dắt chúng ta rời khỏi những niềm tin cho rằng con người bị lệ thuộc vào các gien (gene - nhiễm sắc thể), rằng con người là bộ máy sinh hóa (biochemical), không có khả năng làm chủ đời sống của mình. Khoa này mang chúng ta đến một thực tại mới, trong đó niềm tin và tâm trí điều khiển các gien, cũng như làm chủ những hành vi và kinh nghiệm sống trong cuộc đời. Môn sinh học này dựa trên nền tảng khoa học hiện đại và được bổ sung thêm với những kiến giải mới.
Ngành khoa học mới này sẽ biến đổi chúng ta từ kẻ thọ tạo trở thành người sáng tạo, trao cho ta quyền năng sáng tạo và khai mở đời sống của mình. Đây đích thực là sự hiểu biết về bản thân. Có câu ngạn ngữ, 'Kiến thức là sức mạnh', thật vậy, ta đang bắt đầu hiểu được quyền năng của chính mình. Đây là điều mà tôi tin mọi người sẽ gặt hái được khi tìm hiểu về môn khoa học mới này.
Du hành vào không gian bên trong
Tôi bắt đầu học môn sinh học khi lên lớp hai. Ông thầy mang vào lớp kính hiển vi để học sinh nhìn hình dạng tế bào. Tôi còn nhớ đã học rất hứng thú. Khi lên đại học tôi dùng kính hiển vi điện tử thay thế cho loại kính cũ để quan sát đời sống các tế bào. Những điều học được đã làm thay đổi đời sống cùng nhận thức của tôi một cách sâu xa và tôi muốn chia xẻ điều này với các bạn. Khi dùng kính hiển vi điện tử tôi có thể thấy không những hình dạng bề ngoài mà còn hiểu được cấu trúc cùng chức năng của các tế bào. Giống như người ta nói rất nhiều về du hành vào không gian, tôi cũng đang du hành vào vũ trụ bên trong và thấy được nhiều điều, bắt đầu có những nhận thức bao quát hơn về bản chất của đời sống, của tế bào và phần tham gia của ta vào đời sống các tế bào.
Khoảng năm 1968, tôi tham dự khoá huấn luyện về nuôi cấy tế bào, bắt đầu học tạo sinh vô tính (cloning) tế bào mầm (stem cells), tôi làm cuộc thí nghiệm đầu tiên với sự hướng dẫn của Tiến sĩ Irv Konigsberg, ông là một khoa học gia sáng giá đã tạo được tế bào mầm đầu tiên. Loại tế bào tôi đang nghiên cứu gọi là nguyên bào cơ (myoblast). Myo là cơ, blast là tiền bối, tiền sinh. Khi tôi để các tế bào vào đĩa trong môi trường thích hợp cho tế bào cơ phát triển, chúng sinh sôi nảy nở và kết quả cho tôi một loại mô cơ co dãn được. Tuy nhiên, nếu tôi thay đổi môi trường thì số phận của các tế bào cũng thay đổi. Khởi đầu tôi đặt các tế bào cơ nói trên vào một môi trường khác thì nó lại trở thành các tế bào xương. Nếu tôi lại thay đổi môi trường thì nó biến thành các tế bào mỡ. Kết quả của các thí nghiệm này khiến cho tôi rất phấn khởi bởi vì trong khi các tế bào gốc đều giống nhau, số phận của chúng lại bị qui định bởi môi trường do tôi tạo ra .
Trong khi thực hiện các cuộc thí nhiệm này tôi cũng đang đi dạy tại trường đại học y khoa Wisconsin, truyền đạt lại những kiến thức cổ điển cho rằng gien qui định số phận các tế bào. Nhưng thí nghiệm lại cho tôi thấy rằng số phận của tế bào lại bị qui định ít nhiều bởi môi trường. Dĩ nhiên, đồng nghiệp của tôi cũng bị bất ngờ bởi các thí nghiệm này. Mọi người đều đang tin theo thuyết di truyền bảo rằng 'gien làm chủ đời sống', trong khi đó công trình của tôi lại cho thấy môi trường làm thay đổi tế bào, họ bàn rằng đây chỉ là một biệt lệ.
Bạn là một cộng đồng gồm 50 ức tế bào
Bây giờ tôi thụ đắc một hiểu biết hoàn toàn mới mẻ về sự sống, điều này đã đem lại cách truyền đạt kiến thức mới về tế bào. Khi bạn tự nhìn mình thì thấy ta là một cá nhân riêng biệt. Nhưng nếu bạn hiểu thực chất ta là ai, bạn sẽ ngộ ra rằng mình thực ra là một cộng đồng của 50 ức tế bào. Mỗi tế bào là một cá thể sống động, một sinh linh có đời sống và chức năng riêng biệt, nhưng nó cư xử với nhau trong tinh thần của một cộng đồng. Nếu tôi có thể thu gọn bạn cho nhỏ lại thành một tế bào rồi đem đặt vào trong cơ thể, bạn sẽ thấy một thành phố rất bận rộn với hàng ức ức cá thể đang sống trong một bọc bằng da. Ðiều này mang nhiều ý nghĩa khi ta hiểu rằng cộng đồng hoà hợp tạo ra sự khang kiện và cộng đồng mất quân bình sinh ra bệnh tật. Vì vậy, sự kiện đầu tiên cần nhớ, mỗi chúng ta là một cộng đồng.
Sự kiện thứ hai : Không có một chức năng nào hiện hữu trong cơ thể mà lại không hiện diện trong từng tế bào. Ví dụ, bạn có các bộ máy như : tiêu hóa, hô hấp, bài biết, xương và cơ, nội tiết, sinh dục, thần kinh, miễn nhiễm, thì trong các tế bào cũng không thiếu những thứ đó. Thực vậy, chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của tế bào. Điều này rất hữu ích cho các nhà sinh vật học bởi vì họ có thể nghiên cứu về tế bào và áp dụng kiến thức này để tìm hiểu về cơ thể con người.
Tôi đang dạy học về cái gọi là một mô hình y khoa, theo đó sinh lý con người giống như bộ máy sinh học gồm có các chất sinh hóa do các gien quản lý. Thế nên khi bệnh nhân đến khám bệnh, các bác sỹ tin rằng bệnh nhân đang có vấn đề về mặt sinh hoá hoặc gien cần được điều chỉnh để đem lại sức khoẻ. Đến một lúc tôi thấy rằng mình cần phải thoát ly khỏi trường đại học bởi vì tôi phát hiện có một sự mâu thuẩn rất lớn giữa những điều tôi dạy cho sinh viên và những điều tôi biết qua thí nghiệm để tìm hiểu cái gì làm chủ các tế bào.
Một cách hiểu mới mẻ về khoa học
Khi rời khỏi trường đại học tôi có dịp đọc thêm về vật lý học. Tôi lại tìm thấy những kiến thức không phù hợp với môn mà tôi đã dạy. Ngành tân vật lý học, vật lý lượng tử, có nói đến một cơ chế hoàn toàn xung khắc với cơ chế cổ xưa dựa trên vật lý Newton mà tôi từng dạy. Môn tân vật lý này chưa được đưa vào chương trình trường y khoa. Trước khi có khoa học hiện đại, thì môn khoa học thuộc về thẩm quyền của giáo hội Thiên Chúa. Nó được mệnh danh là khoa thần học tự nhiên, thấm nhuần lãnh vực tâm linh. Khoa này dạy rằng bàn tay của Chúa can dự vào mọi việc của thế gian, trong thiên nhiên quanh ta nơi nào cũng có hình ảnh của Chúa. Khoa thần học tự nhiên có nhiệm vụ giúp hiểu môi trường chung quanh để biết sống hòa điệu với thiên nhiên. Điều này cũng có nghĩa giúp sống hoà hợp với Thiên Chúa bởi vì Chúa có liên hệ chặt chẻ với thiên nhiên.
Tuy nhiên, vì giáo hội lạm quyền và độc tôn chân lý, họ cố tình dìm đi những khám phá mới, thế nên Giáo Hội Cải Cách ra đời. Martin Luther thành lập tân giáo hội thách thức độc quyền của giáo hội Công giáo. Sau thời kỳ Cải Cách, người ta mới có dịp đặt lại vấn đề đức tin về vũ trụ. Môn khoa học cũ lột xác và trở thành như ngày nay. Ông Newton, nhà vật lý học chuyên khảo cứu về trọng lực và thiên văn đã đặt nền tảng cho ngành khoa học mới. Ông sáng tạo ra môn toán học giải tích để tính toán, tiên đoán được sự chuyển vận của thái dương hệ. Khoa học nhận định chân lý là những sự kiện có thể tiên đoán được. Môn vật lý Newton coi vũ trụ như là một bộ máy do vật chất tạo thành; khoa này lý luận rằng nếu ta hiểu được thành phần cấu tạo của bộ máy thì ta cũng sẽ hiểu rỏ được thiên nhiên. Từ đó mục tiêu của khoa học là điều khiển và chế ngự thiên nhiên, hoàn toàn khác với mục tiêu của môn thần học tự nhiên trước kia là để sống hoà điệu với thiên nhiên.
Vấn đề cái gì làm chủ đã trở thành một điểm rất quan trọng trong ngành sinh học. Vậy chứ cái gì đang qui định những nét cá tính thể hiện ra từ mỗi người chúng ta ? Theo môn vật lý Newton thì các sinh vật là những bộ máy do vật chất cấu thành. Nếu muốn tìm hiểu các bộ máy này thì cần phải tháo gở nó ra thành từng bộ phận, còn gọi là tiến trình giản hoá. Ta nghiên cứu từng bộ phận để hiểu rồi sau đó ráp chúng lại được thì coi như đã hiểu được toàn thể cái máy. Ông C. Darwin cho rằng cá tính của chúng ta đến từ cha mẹ. Tinh trùng và noãn phối hợp nhau tạo ra kết quả là một con người mới thừa hưởng một chất liệu có khả năng qui định cá tánh của các hậu duệ. Người ta khởi sự nghiên cứu về sự phân bào từ đầu thế kỷ 20, các nhà nghiên cứu họ thấy trong tế bào có những cấu trúc hình dây hiện diện trước lúc phân bào. Những cấu trúc này được gọi là nhiễm sắc thể.
Cũng đáng chú ý là trong khi nhiễm sắc thể được tìm ra vào khoảng năm 1900 thì đến năm 1944 người ta mới biết được bộ phận nào mang các đặc tính di truyền. Cả thế giới rất phấn khởi. Họ bảo, quỷ thần ơi, sau bao nhiêu năm dài cuối cùng mình đã biết được cái nào mang đặc tính di truyền; có lẽ nó là DNA. Vào năm 1953, J. Watson & F. Crick đã tìm ra mỗi sợi DNA chứa một loạt gien. Gien là những mẫu thiết kế (blueprint) cho từng loại phân tử protein. Protein là thành tố xây dựng nên cơ thể và có trên 100,000 loại như vậy. Một hàng tít lớn chạy trên tờ báo ở New York công bố khám phá của hai nhà khoa học : 'Bí mật của đời sống đã bật mí'. Và kể từ lúc đó khoa sinh học hầu như chỉ chú trọng nghiên cứu về di thể (gene). Các khoa học gia thấy rằng nếu hiểu được mã di truyền thì họ có thể thay đổi được cá tánh của sinh vật, họ hăm hở lăn xả vào dự án nghiên cứu di thể con người để hiểu rở bản chất của nó. Lúc đầu họ nghĩ rằng các gien chỉ qui định về hình dáng bên ngoài, nhưng khi họ tiếp tục thí nghiệm thì thấy rằng di thể cũng có ảnh hưởng đến tánh nết, cảm xúc. Khi biết rằng mọi sắc thái cá tính của con người đều do các di thể qui định, thì bổng nhiên các gien lại mang thêm một ý nghĩa sâu xa hơn.
Ta có phải là nạn nhân của sự di truyền ?
Nhưng cũng còn một câu hỏi chót : Vậy chứ cái gì làm chủ các DNA ? Câu hỏi này đưa ta leo lên nấc thang cuối cùng để tìm ra điều gì đang ở vị thế chủ động tối cao ? Các khoa học gia thực hiện thí nghiệm và thấy rằng DNA tự nhân bổn một mình! DNA kiểm soát các phân tử protein và các phân tử này chính là cơ thể chúng ta. Điều này muốn nói rằng DNA vốn đang làm chủ đời sống, đây là trọng tâm của chủ thuyết. Nó dẫn đến quan niệm cho rằng 'DNA có quyền lực tối thượng', theo đó số mạng của chúng ta đã được an bày bởi DNA từ lúc cha mẹ giao phối. Điều này đem lại hậu quả thế nào ? Số mạng và cá tánh của bạn phản ảnh sự di truyền thọ nhận từ khi sinh ra; thực vậy bạn là nạn nhân của sự di truyền.
Ví dụ, các khoa học gia quan sát một nhóm người để tính điểm về hạnh phúc, và họ cố dò ra coi có chăng một loại di thể hoạt động trong nhóm người có hạnh phúc mà lại bất động trong nhóm người bất hạnh. Đúng như vậy, họ đã tìm thấy loại di thể đó. Và họ đăng báo phổ biến ngay 'Đã tìm thấy di thể tạo ra hạnh phúc'. Bạn buộc miệng nói, 'Khoan đã, nếu tôi có di thể hạnh phúc, nghĩa là đời tôi đã được định sẳn. Tôi chỉ là nạn nhân của di truyền'. Đây chính là những điều đã được dạy trong trường, tôi cũng đã dạy như vầy : con người hoàn toàn bất lực trước cuộc sống bởi vì họ không thể thay đổi di thể của mình. Nhưng khi nhận định như vậy, họ sẽ trở nên vô trách nhiệm :
'Này nhé, thưa xếp, ngài bảo rằng tôi lười biếng, nhưng tôi muốn ông biết rằng cha tôi cũng lười. Vậy ông muốn tôi làm sao ? Ý tôi muốn nói di thể của tôi khiến cho tôi lười biếng. Và tôi không thể làm sao sửa đổi'.
Gần đây trên tuần báo Newsweek họ viết về những tế bào mỡ gây rối loạn sức khoẻ như thế nào. Điều này cũng đáng chú ý, bởi vì trong lúc đang có dịch béo phì thì khoa học lại đứng ra xa mà bảo : chính các tế bào mỡ gây rối loạn cho cuộc sống.
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore