2022-11-13, 11:16 PM
GIỌT NƯỚC LÀ ĐẠI DƯƠNG
58. Bahussutaṃ dhammadharaṃ bhajetha
mittaṃ uḷāraṃ paṭibhānavantaṃ,
aññāya atthāni vineyya kaṅkhaṃ
eko care khaggavisāṇakappo.
58. Bậc nghe nhiều trì pháp,
Hãy gần gũi người ấy,
Bạn người tâm rộng lớn,
Người thông minh biện tài,
Biết điều không nên làm,
Nhiếp phục được nghi hoặc,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.
(HT Thích Minh Châu dịch)
“Nên kết giao với người đa văn thạc học để giải quyết những chỗ nghi hoặc. Với vốn liếng đó hãy độc hành như loài tê ngưu”.
DUYÊN SỰ:
Trong thời Đức Phật Kassapa có tám vị tỳ kheo tu tập thiền định rất tinh chuyên. Hết kiếp sống ở đó, cả tám vị đều sanh về thiên giới rồi sau đó lại cùng sanh xuống cõi người như nhau. Một trong tám vị lại sanh làm vua ở Bārāṇasī và bảy vị kia thì làm vua ở các xứ biên địa khác nhau.
Như có hẹn trước, bảy nhà vua biên địa sau một thời gian ở ngôi đã bỏ đi xuất gia và đều chứng ngộ thành Độc Giác Phật.
Biết mình còn một vị đồng Phạm hạnh nữa chưa đi hết con đường giải thoát, bảy Đức Phật Độc Giác cùng bay xuống hoàng thành Bārāṇasī để gặp lại người bạn cũ tức vị vua đương triều. Sau khi xá chào bảy vị Độc Giác, vua hỏi tên các Ngài và được các Ngài cho biết rằng cả bảy vị đều có chung một biệt danh là những người Thông Thái hay cũng có thể gọi là nhóm Bác Học (Bahussuta). Vốn là một người hiếu học, nhà vua suy nghĩ:
-Chắc chắn ta sẽ học được rất nhiều điều hay từ những vị tu sĩ này. Xưa nay ta chưa bao giờ được học hỏi tường tận những gì muốn biết, bây giờ có lẽ họ sẽ làm ta thỏa mãn.
Rồi thỉnh bảy Đức Phật Độc Giác thọ thực ngay tại hoàng cung và sau đó ông ngỏ lời cầu thỉnh Đức Phật Độc Giác trưởng nhóm thuyết pháp. Trái với suy nghĩ của vua, Ngài chỉ nói một câu duy nhất:
-Mong đại vương sớm đoạn trừ tham ái.
Nói xong câu đó, Đức Phật Độc Giác im lặng không nói gì thêm. Vua Bārāṇasī cho rằng Ngài là vị ít học nhất trong nhóm nên đặt hết hy vọng vào các vị còn lại. Vua thỉnh các vị tiếp tục vào cung thọ thực thêm mấy hôm nữa. Chư Phật Độc Giác nhận lời.
Trong ngày kế tiếp, Đức Phật Độc Giác thứ hai như không màng gì đến niềm mong mỏi của vua, Ngài chỉ thuyết một câu ngắn gọn và nghe ra chẳng có gì là thâm sâu:
-Mong đại vương sớm đoạn trừ sân hận!
Vua lại thất vọng thêm lần nữa. Giờ thì chỉ còn lại năm vị. Vua cố tin rằng ít gì cũng phải có vị thật sự uyên bác để thuyết cho ông nghe một thời pháp thoại sâu rộng ra hồn, chớ đâu lại quá ít lời đến thế.
Nhưng các vị Độc Giác sau đó cũng không vị nào chịu thuyết nhiều hơn một câu. Vị thứ ba chúc vua sớm đoạn trừ si mê, vị thứ tư chúc vua sớm đoạn trừ sanh thú, vị thứ năm chúc vua sớm đoạn trừ luân hồi, vị thứ sáu chúc vua sớm đoạn trừ sanh y (upadhi) và vị thứ bảy chúc vua sớm đoạn trừ khát ái.
Chư Phật Độc Giác về núi, vua chẳng một chút luyến tiếc. Nhớ lại từng câu nói của mỗi vị Độc Giác, vua thấy mình như vừa bị lừa gạt. Họ tự xưng là bác học thế mà không biết nói gì hơn ngoài những câu chúc mơ hồ, tối nghĩa. Thật kỳ lạ, vua không sao quên được những lời chúc ngộ nghĩnh đó của các vị Độc Giác, chúng cứ văng vẳng bên tai vua. Thế rồi trong một khoảnh khắc sáng suốt nhất của nội tâm, có một cái gì đó buộc vua phải gặm nhấm lại những câu nói kia và vua chợt thấy thấm thía đến tận cùng tâm tưởng:
-Tất cả chỉ có thế, hiện hữu và tịch diệt, sinh tử và giải thoát, tương đối và tuyệt đối cũng chỉ nằm trong mấy lời nói đó.
Như sống lại một hình hài khác, vua bừng tỉnh và nhận ra mọi lẽ. Ông vừa trở thành một Đức Phật Độc Giác nữa. Bài kệ trên đây là lời cảm hứng của Ngài.
Việt Dịch" Tỳ Khưu Giác Nguyên