The following warnings occurred:
Warning [2] count(): Parameter must be an array or an object that implements Countable - Line: 895 - File: showthread.php PHP 7.2.34 (Linux)
File Line Function
/showthread.php 895 errorHandler->error





TRẦN HOÀI THƯ & NGỌC YẾN VỚI CON CHIM CHẰNG NGHỊCH & NỖI NHỚ QUÊ (Ngô Thế Vinh)
#1
Lời Dẫn Nhập: Trần Hoài Thư là một tên tuổi có trong danh sách các tác giả của Tuyển Tập Chân Dung VHNT & VH II, nhưng cũng để thấy rằng đây là một chân dung văn học rất khó viết, do đã có quá nhiều người viết về đủ mọi khía cạnh của THT. Hơn thế nữa cuộc đời và sự nghiệp của THT quá phong phú nên với một bài viết dù chỉ là phác thảo cũng vẫn là một thiếu sót. Gần đây, qua bao nhiêu biến cố dồn dập trong cuộc đời Trần Hoài Thư, đã đến lúc không thể không có một bài viết về người bạn văn, như một tấm thiệp mừng 50 năm ngày cưới – 50th Gold anniversary của đôi vợ chồng Nguyễn Ngọc Yến – Trần Hoài Thư, một “đám cưới nhà binh” của thế kỷ, với  rất nhiều hạnh phúc cùng với nhiều khổ đau khi cả hai sắp bước vào tuổi 80. Cũng nhân đây, có một gợi ý với các bạn trẻ trong và ngoài nước đang chuẩn bị luận án tiến sĩ văn học, thì chân dung văn hoá của Trần Hoài Thư cùng với nỗ lực phục hồi Di Sản Văn Học Miền Nam 1954 – 1975 là một đề tài vô cùng phong phú và hấp dẫn, rất xứng đáng để các bạn khám phá và dấn thân vào. Các bạn cũng không còn nhiều thời gian – nói theo cách ví von của nhà văn trẻ Trần Vũ, chiếc kim đồng hồ trên tay anh Trần Hoài Thư đã chỉ 12 giờ kém 5 phút sắp qua nửa đêm và chỉ sau năm phút phù du đó, khi Trần Hoài Thư trở thành “người của trăm năm cũ”, tất cả sẽ bị lớp bụi thời gian mau chóng phủ mờ.  

[Image: THT1.jpg]
Hình 1: trái, thầy giáo Trần Hoài Thư (1967) ở tuổi 25 khi mới chuẩn uý về làm trung đội trưởng thám kích sư đoàn 22Bộ binh. [nguồn: “Nhà văn Việt Nam” của Lương Trọng Minh]; phải, nửa thế kỷ sau nhà văn Trần Hoài Thư (2017) ở tuổi 75 đang ngồi khâu Di sản Văn học Miền Nam dưới tầng hầm căn nhà 719 Coolidge Street, Plainfield, New Jersey 07062, là địa chỉ Thư Ấn Quán, cũng là toà soạnThư Quán Bản Thảo. [nguồn: ảnh THT tự chụp từ video với iPhone 5; Chân Dung VHNT & VH, Việt Ecology Press 2017]

TIỂU SỬ TRẦN HOÀI THƯ

Trần Hoài Thư tên thật Trần Quí Sách, sinh ngày 16/12/1942 tại Đà Lạt. Tuổi thơ bị thất lạc cha, theo mẹ sống khổ cực ở thành phố Nha Trang, có một thời gian sống trong cô nhi viện Bethlehem Hòn Chồng. Sau khi được đoàn tụ với thân phụ – là một ông đồ còn mặc áo lương đen, THT mới được theo học trường Quốc Học Huế, rồi vào Đại học Khoa học Sài Gòn. Từ năm 1964-1966 là giáo sư Toán đệ nhị cấp trường trung học Trần Cao Vân, Tam Kỳ tỉnh Quảng Tín (nay đã sát nhập vào tỉnh Quảng Nam).

Năm 1967, nhập ngũ khóa 24 SQTB Thủ Đức. Phục vụ tại đại đội 405 Thám kích sư đoàn 22 Bộ binh. THT bị thương 3 lần. Lần đầu tiên do một viên đạn AK VC bắn vào ngực trái khi đơn vị anh tới tăng viện cho mặt trận Quy Nhơn trong Tết Mậu Thân 1968, THT phải nằm Quân Y viện Quy Nhơn một thời gian. Hai lần sau đều là những vết thương miểng do lựu đạn trong hai cuộc giao tranh khốc liệt trên chiến trường Bình Định: một trên ngọn đồi Kỳ Sơn với 4 sĩ quan tử trận 2 sĩ quan còn lại bị thương trong đó có THT, một trên trận địa xứ dừa Bồng Sơn. THT rời đơn vị Thám kích sau 4 năm với 3 chiến thương bội tinh, rồi về làm phóng viên chiến trường ở vùng IV nơi anh mới có một người vợ đồng bằng – Ngọc Yến là một cô gái Cần Thơ mê văn anh, cho tới ngày 30/4/1975.

MỘT MỐI TÌNH VĂN CHƯƠNG

Trần Hoài Thư khởi sự viết văn từ năm 1964, có lẽ sớm hơn. Truyện ngắn đầu tay Nước Mắt Tuổi Thơ được đăng trên tạp chí Bách Khoa Sài Gòn. Ngoài Bách Khoa, những năm sau đó THT còn cộng tác với Văn, Văn Học, Đời, Bộ Binh, Thời Tập, Vấn Đề, Khởi Hành, Ý Thức...

Không biết cô gái Cần Thơ Nguyễn Ngọc Yến bắt đầu đọc và hâm mộ Trần Hoài Thư từ bao giờ. Trên Tạp chí Sóng Văn (1997), Ngọc Yến cho biết: “cũng vì yêu mến văn chương, nên duyên văn nghệ đã đưa chúng tôi gặp nhau, và nhà văn Nguyễn Lệ Uyên là ông mai”. Từ trước đến nay, tôi vẫn đinh ninh anh Lê Ngộ Châu chủ nhiệm Bách Khoa là ông mai. Qua Đỗ Nghê, tôi đã liên lạc được với Nguyễn Lệ Uyên, và anh đã mau mắn trả lời tôi ngay trong đêm qua một email [viết ngày 05.05.2021]:

“Chuyện là thế này: hồi học Sư Phạm Đại học Cần Thơ (1968), lúc làm hồ sơ nhập học bị trễ mấy ngày, bị làm khó. May sao gặp chị Yến làm ở phòng Hành Chánh của Viện nói giúp với ông Khoa trưởng. Sau đó thì thân nhau, bởi chị cũng biết tôi có võ vẽ mấy truyện ngắn trên Văn, Khởi Hành... mà chị thì mê văn chương, đọc nhiều, các tạp chí văn học chị hầu như ít bỏ sót, nên chúng tôi coi như chị em, chị lớn hơn tôi 7, 8 tuổi. Những dịp nhận nhuận bút, tôi thường chở chị đi ăn món gì đó. Rồi trên số Văn chủ đề Những cây bút trẻ, lại có truyện của tôi và anhTrần Hoài Thư. Khi nhận nhuận bút, tôi mời chị đi ăn bún bò Huế ở quán ông Ba Mập ngoài Bình Thủy, trên đường đi Long Xuyên. Ăn, chị hít hà, chảy nước mắt và khen ngon. Trong lúc ăn, chị hỏi tôi có biết, quen anh THT không, có nhận xét gì về truyện anh Thư. Tất nhiên là quen nhiều, vì ảnh, từ Quy Nhơn hay vào chơi với anh em văn nghệ Tuy Hòa năm ba hôm, thường thì ăn uống rồi ở lại nhà tôi.

Thâm tâm, tôi chỉ nghĩ chị hỏi để hiểu rõ thêm về một tác giả, nhưng không ngờ, chị mê truyện anh Thư, mê các nhân vật khốn khổ của ảnh, như hiện thân của một THT được bê nguyên xi vào truyện rồi yêu cả truyện và người viết!Tới cuối năm 69 đầu 70, nhóm sinh viên chúng tôi thực hiện chương trình ca nhạc, đọc, ngâm thơ hàng tuần ở giảng đường lớn, chị mới biểu lộ tình cảm thật của chị đối với anh Thư. Chị hỏi tôi gia cảnh, sinh hoạt cá nhân, tính tình... Vậy là đã rõ. Tôi ra sức vẽ vời anh THT còn hay hơn truyện tôi viết. Tôi sơn phết anh Thư cho tròn trịa hơn một chút, bặm trợn, lãng mạn như cụ Hemingway một mình giữa biển khơi. Tối đó, tôi viết cho anh Thư đến 4, 5 tờ pelures về chị Yến. Kể thật về điều tai nghe mắt thấy, về nhan sắc, tính tình của chị trong gia đình gia giáo (ông cụ thân sinh chị là GS Tổng Giám thị trường Trung học Phan Thanh Giản). Với anh THT, tôi viết thư nói đây là một mẫu người lý tưởng để làm vợ, anh đừng để mất cơ hội. Chị Yến thì gần, gặp nhau hai chị em nói chuyện thơ văn, tán dương ông anh Quí Sách, khuyến khích chị viết thư làm quen với các nhân vật của ảnh. Sau vài ba lần như vậy, tôi nói thẳng với chị: Anh Thư là một người tuy không hoàn hảo, nhưng sẽ là người chồng tốt…” [hết trích dẫn]

Từ đó địa chỉ Toà soạn Bách Khoa, trở thành hộp thư để cô gái miền Tây làm quen và liên lạc với người lính lang bạt Trần Hoài Thư. Sau đó Bách Khoa cũng là điểm hẹn cho lần gặp gỡ đầu tiên của hai người.  Rồi trong một chuyến về phép ngắn ngủi, Thư có hẹn lần đầu gặp Yến ở Bách Khoa. THT vui bạn bè nên trễ buổi hẹn với Yến. Khi Đỗ Nghê chở Thư tới 160 Phan Đình Phùng thì Yến đã giận bỏ đi. Và cũng chính anh Lê Ngộ Châu đã tất bật đuổi chạy kịp theo Yến đưa trở lại toà soạn gặp THT. Những kỷ niệm trân quý với anh Lê Ngộ Châu là điều mà mãi sau này THT không bao giờ quên. Rồi không lâu sau đó hai người nên duyên vợ chồng. Thư đã làm lễ thành hôn với Yến ngày 18/6/1971.

Nguyễn Lệ Uyên viết tiếp: “Cuối cùng, như duyên tiền định với tô bún bò Huế cay xè tôi đãi chị, hai người hẹn hò nhau ở tòa soạn Bách Khoa, đến tháng 6/1971 hai người làm đám cưới;  khi ấy  tôi đang ở quân trường Thủ Đức, nhận được thư chị viết mấy dòng ngắn: Chị và anh Thư cưới nhau, ngày... tháng... năm... Em gắng lấy giấy phép về dự, không anh chị buồn".

Đúng là một “đám cưới nhà binh” tại Sài Gòn không thể nào đơn giản hơn, chỉ với mươi người bạn nơi một căn nhà trong xóm Bàn Cờ, không có rước dâu cũng không có cả nhẫn cưới.

Một tuần lễ sau, ngày 23/6/1971 Cơ sở Xuất bản Ý Thức tổ chức một buổi ra mắt sách cho Trần Hoài Thư với tác phẩm đầu tay “Những Vì Sao Vĩnh Biệt” có Trần Phong Giao thư ký toà soạn Văn tới tham dự.

TIỂU ĐĂNG KHOA ĐẠI ĐĂNG KHOA

Trong tờ Văn 181 tháng 07/1971, nhà văn Trần Phong Giao viết: “Người xưa coi đại đăng khoa là thi đỗ, tiểu đăng khoa là cưới vợ. Đối với người cầm bút trẻ thời nay, phải “xếp bút nghiên theo việc đao cung” thì đại đăng khoa không còn là thi đỗ, mà (có lẽ vậy) là có tác phẩm được in. Cây bút trẻ Trần Hoài Thư viết rất nhiều hiện nay, qua cả tiểu lẫn đại đăng khoa, cùng lúc. Ngày 18 tháng 6, anh đã làm lễ thành hôn với cô Nguyễn Ngọc Yến tại Sài Gòn trong vòng thân mật. Ngày 23 tháng 6, vào hồi 19 giờ 30, Cơ sở Xuất bản Ý Thức vừa tổ chức một buổi tiếp tân trình diện tập truyện đầu tay của Trần Hoài Thư “Những Vì Sao Vĩnh Biệt”. Tiểu đại đăng khoa xong, Trần Hoài Thư vội vã lên đường trở về đơn vị ở Quân khu II. Lính chiến chỉ có một tuần nghỉ phép. Chạy ngược chạy xuôi, không có tuần trăng mật, cũng như không kịp đem sách mới đi tặng anh em bà con. Vui vậy đó! Nhân dịp vui mừng này, chúng tôi xin có lời cầu chúc đôi bạn Thư -Yến một hạnh phúc bình dị, lâu dài và bền chặt. Cũng xin cầu chúc tác giả “Những Vì Sao Vĩnh Biệt” sẽ sớm có thêm nhiều tác phẩm mới khác, những tác phẩm não tuỷ và tinh tuỷ."

Một năm sau, đứa con trai đầu lòng Trần Quí Thoại cũng là đứa con duy nhất chào đời. Đôi uyên ương Thư-Yến cho dù qua bao thăng trầm, họ đã có một cuộc sống lứa đôi hạnh phúc bình dị, lâu dài và bền chặt cho tới bây giờ, đúng một nửa thế kỷ (1971 – 2021).

[Image: THT2.jpg]
Hình 2: Chủ nhiệm Lê Ngộ Châu và báo Bách Khoa, người chọn đăng truyện ngắn đầu tiên Nước Mắt Tuổi Thơ của Trần Hoài Thư trên Bách Khoa 1964.

[Image: THT3.jpg]
Hình 3: phải, nhà vănTrần Phong Giao Thư ký Toà soạn báo Văn [photo by Lê Phương Chi, Tin Sách Hội Bút Việt]; giữa, bản tin trên báo Văn số 181, tháng 7/1971 loan tin THT cưới vợ: tiểu đăng khoa, và THT ra mắt tác phẩm đầu tay: đại đăng khoa; trái, bìa cuốn Những Vì Sao Vĩnh Biệt do Nhóm Ý Thức xuất bản 1971. [tư liệu Thư Quán Bản Thảo]

Sự thực tác phẩm đầu tay của Trần Hoài Thư là cuốn Nỗi Bơ Vơ của Bầy Ngựa Hoang cũng do cơ sở Ý Thức xuất bản năm 1969, tại Phan Rang một tỉnh lỵ nhỏ của miền Nam, dưới hình thức “phổ biến hạn chế” theo cái nghĩa không qua kiểm duyệt. Mẫu bìa 2 màu do Lê Ký Thương vẽ, bản kẽm bìa làm từ Cliché Dầu Sài Gòn, được in typo bằng máy đạp / pedal thô sơ, và in 2 lần, mỗi lần cho một màu chồng lên nhau. Ruột sách thì  in ronéo và khi thực hiện trên giấy stencil, được chị Kim Phương bạn của Nguyên Minh canh lề bằng chân sao cho giống bát chữ typo. Đợt đầu 100 ấn bản được ra mắt và phát hành từ nhà sách Huy Hoàng Nha Trang, cũng là quê hương tuổi thơ nghèo khó của Trần Hoài Thư. Và kết quả Nỗi Bơ Vơ của Bầy Ngựa Hoang đã được độc giả miền Nam đón nhận trong sự ngạc  nhiên và thích thú.

Như vậy, Những Vì Sao Vĩnh Biệt phải được kể là tác phẩm thứ hai của Trần Hoài Thư nhưng là tác phẩm thứ nhất hoàn toàn được in theo kỹ thuật typo. 

[Image: THT4.jpg]
Hình 4: Les Trois Mousquetaires – Ba Chàng Ngự Lâm ít nhiều có “hệ luỵ” với cuộc đời Trần Hoài Thư, từ trái: Lê Ký Thương, người vẽ bìa cho tác phẩm đầu tay Nỗi Bơ Vơ của Bầy Ngựa Hoang của THT do Ý Thức xuất bản (1969), Nguyễn Lệ Uyên, “ông mai” xe duyên cho đôi uyên ương Ngọc Yến - THT (1969), Đỗ Nghê người chở THT tới buổi hẹn đầu tiên của Ngọc Yến - Trần Hoài Thư tại toà soạn Bách Khoa (1970). [tư liệu Đỗ Nghê, hình do Cao Kim Quy vợ Lê Ký Thương chụp tại nhà LKT 09/05/2021]

PHÓNG VIÊN CHIẾN TRƯỜNG VÙNG IV

Trần Hoài Thư sống sót sau 4 năm trong một trung đội Thám kích, với 3 lần bị thương, được coi như một phép lạ. Sau khi lập gia đình, Trần Hoài Thư đã nghĩ tới dừng chân lại. Phải được sống và tiếp tục được viết như một nhân chứng. Rồi bằng một cách thế không giống ai, không tuân theo hệ thống quân giai, một lỗi rất nặng về quân kỷ, Trần Hoài Thư tự viết một thư riêng cho vị tướng cao cấp nhất trong Tổng cục Chiến tranh Chính trị, với nguyện vọng vẫn được  ở trong quân ngũ nhưng chuyển ngành sang làm một phóng viên chiến trường. Trong phong thư riêng ấy, có những trang báo, những bài viết, những tác phẩm đã xuất bản và dĩ nhiên cả những tin tức liên quan tới ba lần bị thương cùng với các huy chương.

Không phải chờ đợi lâu, một sự việc lạ lùng nhất đã xảy ra. Trần Hoài Thư đã viết báo tin ngay  cho Yến: “Không thể tưởng tượng cho một kẻ xuất thân từ đơn vị hai quản trị mà tờ sự vụ lệnh vẫn còn ghi: sĩ quan đương sự phải phục vụ ở đơn vị tác chiến, xa trục lộ giao thông. Nhưng cái công điện đánh lên từ Tổng cục Chiến tranh Chính trị, cho biết Tổng cục chấp thuận ý nguyện của anh và hỏi anh muốn về nơi nào: vùng I, II, III, IV hay thủ đô. Dĩ nhiên anh chọn vùng IV nơi có Yến, người nữ độc giả của anh, và nay trở thành người vợ mới cưới của anh. Có lẽ anh may mắn hơn cả những người may mắn, bởi vì khó có ai được quyền lựa chọn một đơn vị mình ưa thích trên toàn cõi miền Nam như anh.”

Như một tự sự, THT viết: “Xin cảm tạ văn chương. Nhờ văn chương mà tiếng chuông ngân vang, như những niềm vui lẫn tự hào kỳ diệu. Nhờ văn chương mà ta quên đi thân phận nhục nhằn, nhờ văn chương mà ta thấy ta cao lớn hơn bao giờ.” 

Hành Phương Nam là những dòng chữ mới mẻ của một Trần Hoài Thư khác, của một người lính đang từ Cao nguyên nay xuống dưới Đồng bằng:

“Phương Nam. Tôi bắt đầu làm quen với những chiếc xe lôi hay những chiếc xuồng tắc ráng. Hay những cánh đồng mênh mông bạt ngàn. Hay những rừng tràm rừng đước. Tôi bắt đầu làm quen với những bãi đầm sình lún ngập đến cổ người. Những hàng ô môi, những chòm  bông điên điển, những lời kinh giảng vang vọng trong đêm trăng, những tấm lòng hiền như đất, trọng tình trọng nghĩa mà tôi đã gặp. Tôi cám ơn, rằng cuối cùng Ơn Trên đã cho tôi một cõi nương tựa sau những tháng ngày lênh đênh trôi nổi… Cánh cửa đã mở ra như Phương Nam đã mở ra, đón tôi. Có mùi thơm khó có thể quên của bông lúa, hương cau, của mùi đất phù sa lan toả. Cánh cửa ấy đã được kết bằng những chùm mận trĩu nặng trên cành, rực đỏ giữa màu xanh của lá. Nơi nào, từ vườn sau nhà, hay bên dòng kênh, hay trước nhà, hay cạnh bờ ao, hai bên đường quốc lộ, những vườn mận sum suê trái quả. Có trái màu đỏ, có trái màu xanh, trái ửng hồng. Mời mọc ngọt lịm như đôi môi hồng muốn cắn, no đầy tròn trịa như bầu ngực con gái thanh tân, bầu bĩnh au au như đôi má ửng hồng của người gái quê quấn chiếc khăn sọc vằn chèo thuyền xuồng đưa người qua sông trong một ngày mùa hạ để bắt người khách không muốn về:

      Qua sông mùa mận chín
      Tháng nắng ngại đường xa
      Em ra vườn sau nhà
      Hái mời anh chùm mận
      Bông mận rơi lấm tấm
      Da mận hồng như môi
      Ôi con mắt có đuôi
      Má hồng đào ửng đỏ
      Si em người em nhỏ
      Ta ở mãi quên về
      Trái mận nào dậy thì
      Ta giữ hoài không cắn…

NGƯỜI VƯỢN TRẦN HOÀI THƯ

Nhưng rồi cũng chẳng được bao lâu, tới ngày 30/4/1975 lại một đổi đời. Trần Hoài Thư bị bắt đi tù cải tạo khi thằng con trai mới 2 tuổi. Cây mận trước sân nhà bông đã nở trắng, trắng như tóc của bà ngoại nó.

Hơn 4 năm tù khổ sai, mấy tháng đầu bị giam tại Trung tâm Huấn luyện Chi Lăng cũ, thuộc huyện Tịnh Biên tỉnh An Giang; sau đó THT bị chuyển qua trại tù Kiên Lương, trong một khu đầm lầy còn hoang vắng phía tây bắc tỉnh Kiên Giang gần biên giới với Cam Bốt.

Kiên Lương cũng như mọi trại tù cải tạo cộng sản khác, không bỏ tù nhân chết đói nhưng luôn luôn phải thiếu ăn. Thiếu ăn ngay giữa một vựa lúa ĐBSCL có thể nuôi sống cả nước.  

Nhân danh nhân đạo, ban quản giáo trại cho phép đám tù nhân được lập thêm toán cải thiện: trồng rau trái và hái lượm để có thêm chất tươi xanh. Vì Kiên Lương là vùng trũng [thuộc khu tứ giác Long Xuyên, vùng trũng  thứ hai là Đồng Tháp Mười], giữa mênh mông rừng tràm với rất nhiều tôm cá, cua ốc. Với cơ duyên đó THT tình nguyện xung phong ngay vào nhóm đi câu, gọi là nhóm chứ đó là thứ lao động mà đám tù nhân muốn xa lánh: do sợ đỉa vắt và cả vô số trăn rắn trong khu rừng tràm; họ còn sợ nước phèn ăn da thịt và cả sợ sa chân vào vùng đất lún trong khu đầm lầy. Do nghĩ rằng chẳng có lối nào mà trốn thoát, nên lính canh trại cũng không cần phải đi theo canh gác. Với THT đó lại chính là cơ hội để có những khoảnh khắc sống tự do cho một tên tù thám kích đã quá quen với mưu sinh và thoát hiểm. Chàng Robinson Crusoe bất đắc dĩ thời hiện đại THT viết: “Tôi thì muốn tránh những con mắt. Tôi muốn trong rừng tôi có quyền la hét, hát hò, ỉa đái, cười ha hả. Tôi muốn ôm lấy đời tôi cùng thiên nhiên, mây trắng. Tôi muốn ngồi trên cây tràm như một con vượn người.”

Do nguồn cá thì ê hề: cá lóc, cá trê, cá rô… câu được với lưỡi câu tự chế với mồi trùn, những con trùn béo nhẫy rất dễ kiếm. Người tù khổ sai THT mỗi ngày dễ dàng “đạt chỉ tiêu” với số ký cá bỏ vào bao cát mang về nộp cho tổ anh nuôi. Dĩ nhiên phần cá ngon thì anh nuôi phải lựa ra nộp đem cho cán bộ quản giáo, phần còn lại mới là nguồn chất đạm / protein cải thiện cho anh em.

Hình ảnh mà THT không bao giờ quên là khuôn mặt đen đủi của Yến bám đầy bụi than mỗi lần đi thăm nuôi, do  phải đi những chuyến xe đò cải tiến chạy bằng than củi.

Rồi cũng ra tù, THT trở về Cần Thơ quê vợ, với tấm thân xác nặng chưa tới 35 ký lô, để tiếp tục sống những ngày bị quản chế.

Ban ngày THT gò lưng trên chiếc xe đạp cũ nát với một thùng mốp cà-rem, đi vào các làng mạc, sáng chiều lắc chuông bán dạo, làm bầu bạn với đám con nít để kiếm sống. Cũng chính cái nghề rung chuông mua vui cho con nít ấy đã khiến một ông chủ ghe cảm kích, hơn nữa ông cũng đang cần một người dò đường mà đó cũng là nghề của chàng sĩ quan Thám kích THT. Ông cho Thư một vé xuống ghe “miễn phí” vì biết Thư quá nghèo. Chỉ có một chỗ, nhưng Thư thì còn vợ và một đứa con.  Mãi sau này Thư mới được biết, chính Ngọc Yến vợ anh đã lén lút tìm đến ông chủ ghe  năn nỉ. Ông chủ ghe nói: ‘Chị suy nghĩ lại, chúng tôi không muốn làm anh chị phải chia lìa’. Nhưng Yến vẫn cương quyết: ‘Tôi sẵn sàng để cho chồng tôi ra đi. Xin ông cứu giùm ảnh.’

Trần Hoài Thư viết: “Ở lại hay ra đi? Tôi đã sống trong sự giằng xé ghê gớm ấy. Ở lại thì ôm nhau mà chết, mà ra đi thì tôi sợ là một lần vĩnh viễn. Tôi đã thấy con thuyền ấy. Khoảng 20 thước bề dài, thuyền ván mong manh, chỉ dành đi trên sông sao lại đem nó ra thử với biển sóng hãi hùng?”  Chính Yến giục giã chồng không thể bỏ qua cơ hội mà phải ra đi. THT viết tiếp: “Tôi chấp nhận. Tôi hèn nhát để chấp nhận. Ích kỷ để chấp nhận.

Rồi trước khi đi tôi phải đóng kịch, phải làm sao hàng xóm láng giềng biết việc tôi đào thoát không có sự đồng loã của gia đình. Nếu không Yến sẽ bị đuổi việc, vì sát bên vách là nhà của một mụ đảng viên. Không ai khác hơn chính bà mẹ Yến, một bà mẹ quá hiền quá tội, mẹ chưa một lần nói dối, lại là tác giả của vở tuồng cười ra nước mắt này. Bà khuyên hai con: “Con à, mình phải đóng tuồng. Hai vợ chồng con giả bộ gây lộn để hàng xóm biết, từ nay hai vợ chồng con mạnh ai nấy đi. Con hẳn biết, bên nhà hàng xóm là đảng viên.”    

Tôi phải chứng tỏ rằng tôi bỏ bê, phụ bạc vợ con. Vở kịch chỉ có hai diễn viên. Người chồng và người vợ. Không gian là cái bếp. Thời gian là buổi chiều. Chỉ có chai đập nồi liệng, tiếng hét tiếng la, tiếng khóc, lớn chừng nào tốt chừng ấy. Với tiếng của Thư: Tao chán cái nhà này quá rồi. Tao sợ cái nơi này quá rồi. Tao đập hết, tao phá hết. Rồi với tiếng Yến: Tới nay thì liên hệ giữa tôi và anh kể như chấm dứt… Vai vợ chồng tôi đóng xuất sắc lắm. Đến nỗi thằng con trai 6  tuổi của tôi phải sợ hãi khóc oà. Và bà má vợ tôi phải sụt sùi nước mắt. Và chỉ có ba người biết rõ những gì trong lòng.

Tôi đi khi con tôi ngủ như một thiên thần. Tôi đi chỉ có một bộ đồ độc nhất. Vợ tôi đứng đầu ngõ dõi mắt nhìn theo. Sau đó nàng vào lại buồng chúng tôi ôm gối mà khóc ngất, khóc như chưa bao giờ khóc như vậy.” Và đó là một ngày cuối năm 1979, ngày anh đi cũng là ngày “xả chế”, chúng trả lại anh quyền công dân.

TỰ DO HAY LÀ CHẾT

Phải bỏ lại vợ con, Trần Hoài Thư vượt biển trên một chiếc ghe nhỏ đi sông dồn nén cũng chở được 93 người. Chuyến đi gian truân nhưng cuối cùng cũng tới được bến bờ tự do, đảo Pulau Bidong Mã Lai.

“Cuối cùng anh cũng quỳ xuống trên bãi cát để cảm tạ Ơn Trên. Tự do, mơ ước là đây. Biển  bây giờ sao quá êm và quá xanh biếc. Sóng bây giờ sao quá đỗi hiền từ. Anh quỳ, dù hai tay anh đã che đỡ những cú đánh, cú thoi, cú đá từ người lính Mã Lai. Anh nhắm mắt lại, không kêu đau, không van xin. Để biết thêm về cái giá của một cuộc ra đi và thấm thía thêm thân phận của một người không có đất nước. ‘Này đất này là của vua ta, bãi biển này là bãi biển của vua ta… Còn ngươi, một thằng từ đâu lạc chợ trôi sông, mang bao khổ luỵ phiền toái tới đất nước  này.’

… Cứ chửi, cứ rủa đi anh lính đội chiếc nón bê-rê đen, cầm thêm cây gậy, bên mình lủng lẳng khẩu súng ngắn. Tự do đâu phải quá dễ dàng như một lần du ngoạn. Bao nhiêu người đã không may. Bao nhiêu người đã nằm dưới lòng biển. Bao nhiêu người con gái đã bị hãm hiếp và bị bắt cóc. Và có người con gái tóc dài tung toé, nhảy ào xuống biển. Còn nữa, còn bao nhiêu người đã lênh đênh trong vô tận của ngày của đêm, không thức ăn, nước uống, trên những vùng đá ngầm san hô, cá mập… Tự do hay là chết. Chết hay là tự do. Anh cứ đập tôi đi, nhưng cơn đau bầm của tôi, bụm máu khạc ra từ cửa miệng tôi, đâu có thấm gì với cái bóng tối mà tôi bỏ lại. Tôi đã chờ đợi quá lâu, trong ngôi nhà mồ. Tôi đã muốn nhảy xuống biển tự tử khi nghĩ đến một lần họ bắt tôi trở lại. Bây giờ là ánh sáng rồi. Nó đã rực rỡ như muôn ngàn hào quang ân sủng. Nó vô hình vô dạng nhưng nó nồng nàn như mùi thuốc hồi sinh trong phòng cấp cứu. Tôi không buồn hay giận anh đâu. Bởi vì, tôi sẽ đứng lên, dù run rẩy đi nữa, dù đau tận cùng đi nữa.” 6 

Khi Tôi Đi Rồi, bài thơ đầy cảm xúc của Trần Hoài Thư khi phải cắn răng bỏ lại vợ con, lao mình ra biển khơi đi tìm tự do:

"... tôi ra đi thành thị sau lưng
chào từ biệt, quê hương mình lần cuối
tôi có thằng con chưa đầy bốn tuổi*
tôi có mẹ già tóc bạc tợ sương
tôi có vợ tôi cay đắng đoạn trường
đêm nay, đêm nay, trời ơi bỏ hết
khi tôi đi rồi một là chết biển
hai là bỏ xứ làm kẻ lưu vong
khi tôi đi rồi hai bàn tay không
giữa vùng mênh mông ngàn trùng bát ngát
khi tôi đi rồi, chắc hồn khó thoát
bởi quê hương cứ giữ chặt, không buông"

(*Năm 1979, con của Trần Hoài Thư - Ngọc Yến lúc đó 6 tuổi)

Trên đảo, tuy phải mòn mỏi chờ đợi nhưng là của hy vọng. Khi có phái đoàn Mỹ tới phỏng vấn, THT được hỏi có gì chứng minh ông là sĩ quan hay lính miền Nam, THT cởi áo vạch ngực chỉ vết thương đạn với sẹo lớn cắt đứt một núm vú nơi ngực trái; sang câu hỏi thứ hai ông dự tính làm gì nếu được vào Mỹ, THT nói anh là nhà văn anh sẽ tiếp tục viết về những nỗi khổ của miền Nam trong và sau chiến tranh. Không hỏi gì thêm, người Mỹ phỏng vấn tươi cười bắt tay anh và chúc may mắn. Rất sớm sau đó, THT được đi định cư tại Mỹ, thời gian đầu anh được đưa tới Maryland, sống tạm bợ tá túc khi thì trong một ngôi chùa nhỏ, khi trong nhà thờ rồi lang bạt qua nhiều nơi khác nhau sau đó.

NGỌC YẾN NỖI KHỔ NGƯỜI Ở LẠI

Trước 1975, Ngọc Yến là nhân viên hành chánh của Viện Đại học Cần Thơ, là thư ký của Giáo sư Viện trưởng Nguyễn Duy Xuân. Sau 1975, Gs Nguyễn Duy Xuân bị cộng sản bắt đi tù cải tạo 11 năm, cuối cùng chết tức tưởi ở trại tù Hà Nam Ninh, miền Bắc Việt Nam.

Chuyện chỉ được Yến kể lại về sau này, là sau 1975, chức thư ký cho Gs Viện trưởng của Yến ban đầu được “cách mạng” đánh giá là quan trọng: Ngọc Yến như là “bí thư” của Gs Nguyễn Duy Xuân, có thể là đối tượng bị thanh lọc để cho đi học cải tạo. Nhưng do ý kiến “nhân dân”, đám công nhân viên cũ bảo rằng Yến chỉ là một thư ký hiền lành lo giấy tờ, đánh máy trong văn phòng chứ chẳng có một quyền hành gì khác, và Yến đã không bị bắt đi cải tạo, không bị sa thải.

Nhưng vẫn chưa yên, sau khi chồng đi rồi, Yến là đối tượng được chăm sóc của đảng uỷ nhà trường. Yến  luôn luôn được nhắc nhở rằng chồng chị là một tên sĩ quan “nguỵ” phản quốc đã trốn đi, chị hãy quên nó để xây dựng cuộc đời mới. Khi ấy Ngọc Yến là gái một con, còn trẻ đẹp nên có nhiều cán bộ theo bám. Rồi Yến được đảng uỷ chuẩn bị tác thành cho lấy một tên Đại uý phục viên và cũng là cán bộ của trường. Đang là công nhân viên, tuy với đồng lương chết đói nhưng Yến cần phải giữ hộ khẩu với sổ lương thực cho hai mẹ con. Uất hận nhưng Yến không dám dứt khoát nói không và chỉ xin cho một thời gian nguôi ngoai.  

Đầu năm 1980, khi biết được tin chồng đã đi thoát, Ngọc Yến quyết định bế đứa con trai chưa đầy 7 tuổi tìm ghe vượt biên, cũng lại là một “chuyến đi chùa”  do một ông chủ ghe có tâm Phật cho đi. Thêm chuyến đi thừa sống thiếu chết với đói khát nhiều ngày trên biển cả, rồi gặp hải tặc và tiếp theo đó những ngày dài phải bồng con đi ăn xin nơi một ngôi làng hẻo lánh bên Thái Lan. 

TỚI NGÀY MỘT GIA ĐÌNH ĐOÀN TỤ

Trần Hoài Thư kể lại, không hiểu bằng cách nào, Đại tá Nguyễn Bé nguyên chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Cán bộ Xây dựng Nông thôn Chí Linh Vũng Tàu, có được số phone của THT. Ông báo cho Thư biết là có nhận được một phong thư gửi từ Thái Lan. Không chờ thư chuyển, Thư yêu cầu Đại tá Bé mở thư đọc qua phone, chỉ có vẻn vẹn một câu: “Em và con đã tới Thái Lan.”

Nhờ phước đức ông bà nay anh sẽ lại có một gia đình đoàn tụ. Sắp bước vào cái tuổi “tứ thập nhi bất hoặc”, THT thấy chỉ có một con đường tiến thân duy nhất là đi học trở lại. Từ Maryland, theo lời khuyên của một người bạn trẻ gặp được trong nhà thờ, THT quyết định  đưa gia đình sang Philadelphia. Do không có tiền nên phải thuê một căn phòng giá rẻ trong một khu “slum” phía bắc thành phố, nghèo nàn mất an ninh, cư dân đa phần gồm nhóm người tỵ nạn Đông Dương như Lào, Cam Bốt và Việt Nam mới tới. Chỉ có một tay Đại Hàn hảo hớn là dám mở một tiệm Grocery store nơi đây. Đám tội phạm thường là từ bên ngoài đến, ra vào như chỗ không người. Có lần ban đêm, thấy cửa hàng Đại Hàn dưới lầu bị trộm phá cửa với các thùng hàng lớn nhỏ lũ lượt được khiêng ra. THT kêu 911, thì được sở cảnh sát cho biết: cửa hàng ấy đã có bảo hiểm, họ sẽ được bồi thường, và cảnh sát còn lưu ý là nên thận trọng, vì nếu tụi nó biết có người báo cảnh sát có thể bị trả thù. Hiểm nguy rình rập nhưng không có chọn lựa nào khác, gia đình THT vẫn phải tiếp tục sống trong khu ổ chuột ấy, trong một căn phòng chật hẹp với cửa sổ luôn luôn đóng kín, có đóng thêm cả đinh nhọn 10 phân làm chông.

Trần Hoài Thư đi học, vợ đi làm công nhân lắp ráp đồ điện tử với đồng lương tối thiểu. Thằng con trai thì được ba hoặc mẹ dẫn đến trường và hết giờ học thì nó phải tự về nhà một mình. Nó còn nhỏ và quá thấp, vợ chồng Thư phải kê thêm hai cục gạch để nó có thể vói tới ổ khoá mở cửa vào nhà. THT lúc đó là sinh viên toàn thời gian ngành điện toán của Spring Garden College, ban ngày đi học, ban đêm thì làm janitor quét dọn phòng ốc để có thể trang trải cuộc sống.

Hai vợ chồng Thư đều biết luật pháp ở Mỹ, cho dù có lý do bận sinh kế đi nữa  nhưng việc bỏ con nhỏ vị thành niên ở nhà một mình là phạm pháp. Vợ chồng vẫn phải luân phiên gọi điện thoại về thăm chừng con, khi không thấy ai lên tiếng, không biết chuyện gì xảy ra cho con, Thư phải tức tốc bỏ học về nhà nhưng đa phần là do nó ngủ quên không nghe chuông reng.

Rồi THT cũng xong học trình 4 năm, Thư tốt nghiệp cử nhân điện toán với thứ hạng cao trong nhóm top five. Khi hãng AT&T tới trường tuyển chọn sinh viên vừa tốt nghiệp với thứ hạng cao, THT qua được cuộc Interview khó khăn, và ít lâu sau đó được nhận vào làm cho một chi nhánh của hãng này ở tiểu bang New Jersey. Đó là lý do gia đình THT dọn về đây, nơi có rất ít người Việt. New Jersey từ nay là nơi đất lành chim đậu. Ban đầu Thư ở nhà thuê, không còn phải lao động tay chân cực nhọc như một blue-collar worker, với đồng lương khá hơn hai vợ chồng dành dụm mua được căn nhà 4 buồng như hiện nay. Rồi thằng Thoại xong trung học, điểm cao nên được nhận vào trường Y khoa chương trình 7 năm, thuận buồm xuôi gió, nó tốt nghiệp bác sĩ y khoa.

Trong công việc của hãng, Thư chứng tỏ rất có khả năng và có sáng kiến, lại giỏi toán. Như một đầu tư lâu dài, hãng AT&T trả tiền cho Thư đi học thêm bán thời gian. Sau hai năm, Thư đậu thêm văn bằng Cao học Toán Ứng dụng / Master of Applied Mathematics. Nghiệp vụ tiếp tục thăng tiến. Khi chi nhánh của Thư được chuyển nhượng cho hãng điện toán IBM, Thư lên tới chức vụ Project Leader cho tới khi nghỉ hưu.

[Image: THT5.jpg]
Hình 5: trên, qua cơn bĩ cực, sau khi THT tốt nghiệp cử nhân điện toán, có công việc ổn định của một white-collar worker, hai vợ chồng Ngọc Yến và Trần Hoài Thư từ nay bắt đầu biết thế nào là vẻ đẹp muôn màu của mùa Thu miền đông bắc nước Mỹ. [photo by Trần Quí Thoại 1990 Poconos, Pennsylvania]

 PHỤC HỒI DI SẢN VĂN HỌC MIỀN NAM

Từ năm 2001, tuy còn đi làm Trần Hoài Thư đã cùng với người bạn lính Phạm Văn Nhàn, người bạn văn thuở nào, sáng lập tạp chí Thư Quán Bản Thảo và nhà xuất bản Thư Ấn Quán.

Khi chi nhánh của công ty IBM outsourcing chuyển qua Ấn Độ, THT quyết định nghỉ hưu. Không còn bận bịu về sinh kế, đây cũng là thời điểm Thư có thể thực hiện điều mơ ước. THT có toàn thời gian bắt tay vào việc thực hiện tủ sách DI SẢN VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM.

Trần Hoài Thư có hùng tâm và gần như đơn độc trong suốt nhiều năm nỗ lực khôi phục lại những văn bản của một thời kỳ văn học bị CS Việt Nam trong nước đã không ngừng truy lùng và huỷ diệt.

[Image: THT6.jpg]
Hình 6: trái, nhóm bạn văn thuở thanh xuân, Phạm Ngọc Lư, Trần Hoài Thư, Nguyễn Lệ Uyên, Phạm Văn Nhàn. [nguồn: tư liệu Nguyễn Lệ Uyên, hình chụp năm 1969]; phải, Trần Hoài Thư và Phạm Văn Nhàn, hai người bạn lính và cho đến nay 2021 vẫn là hai bạn đồng hành của Thư Quán Bản Thảo và Thư Ấn Quán, cả hai vẫn bền bỉ trên con đường phục hồi Di Sản Văn Chương Miền Nam, trên đỉnh ngọn núi Watchung, Green Brook, N.J. là một cao điểm từng được tướng George Washington 1777 dùng để theo dõi các đạo quân Anh di chuyển, nay là Washington Rock State Park với con đường ngoạn cảnh 30 dặm tuyệt đẹp rất hấp dẫn du khách. [photo by Tô Thẩm Huy] 

ĐƯỜNG XA CHI MẤY: TỚI THƯ VIỆN CORNELL

Qua các thư viện Đại học lớn ở Mỹ, Thư có thể tìm ra một số sách báo miền Nam. Tương đối gần nhà là thư viện Đại học Yale, chỉ cách nhà 2 tiếng lái xe, nơi có học giả Việt Nam nổi tiếng Huỳnh Sanh Thông, người đã dịch truyện Kiều của Nguyễn Du sang tiếng Anh, ông cũng là người giúp nhà văn Võ Phiến tài liệu để hoàn thành bộ Văn Học Miền Nam. Rồi đến thư viện Đại học Cornell tuy xa hơn, cách nhà 5 tiếng lái xe, nhưng thư viện Đại học Cornell, khu Đông Nam Á phải nói là nơi có đầy đủ sách báo miền Nam nhất.

Thường thường Trần Hoài Thư chỉ lái xe ban ngày lúc trời còn sáng, còn Yến giúp lái xe ban đêm vì biết chồng dễ ngủ gục khi lái. Đường rất nguy hiểm, có đoạn là đường núi, nhiều khi tuyết băng đông đặc. Cũng hai lần suýt chết vì tai nạn khi đi Cornell trên những đoạn đường mưa tuyết trơn trợt. Và không thể tưởng tượng được, tại Cornell sách báo Tiếng Việt của miền Nam rất dồi dào là thế nào; họ có cả tờ truyền đơn chiêu hồi cũng được lưu trữ.

Có lẽ do bản chất của dòng máu thám kích nên THT rất liều lĩnh với những bước chân khai phá. Rời nhà lúc 4 giờ sáng trời còn tối Yến lái xe, khi trời sáng là phiên THT. Thường là tới nơi thư viện Cornell lúc 10 giờ sáng. Đằm mình trong khu thư viện Á châu, lục lọi tìm tòi, ghi chép, làm photocopy cho tới sẩm chiều – ngoài một lunch break ngắn của hai vợ chồng, cho tới giờ ra về. Không phải chỉ một ngày, mà nhiều ngày, không phải một tuần mà nhiều tuần, trong nhiều năm như vậy. Nhiều chục ngàn trang sách thơ văn miền Nam của Thư Ấn Quán là thành quả tích luỹ của công sức bền bỉ của vợ chồng Trần Hoài Thư trong nhiều tháng, nhiều năm, cho tới năm 2012. 

[Image: THT7.jpg]
Hình 7: Đại học Cornell thành lập từ 1865, nơi lưu trữ đầy đủ nhất sách báo của miền Nam Việt Nam trong khoảng thời gian 20 năm từ 1954 tới 1975

Về máy móc thì THT lên Craigslist tìm kiếm đồ phế thải. Có khi họ cho không, có khi họ bán rất rẻ. Sau khi thỏa thuận, họ cho biết địa chỉ, mình đến, với cái screwdriver trong túi. Họ hỏi máy nặng cả tấn sao ông lại khiêng nổi? Tôi cười, tao biết cách. Rồi tháo máy ra, đến mức không thể tháo. Fuser, ngăn giấy, mực, assembly parts, khung… Mấy anh chàng Mỹ trố mắt nhìn, ngạc nhiên. Chỉ có mực là mới có vấn đề. Lên eBay mua, nhưng làm sao biết ống mực tốt hay xấu?

Vậy mà đã 46 năm qua đi 1975-2021, với đời người như một cơn gió thoảng, với lịch sử chỉ là một chớp mắt, nhưng lại là một chặng đường rất dài trải nghiệm những tang thương. Thêm một chớp mắt nữa, thế hệ những người cầm bút 1954-1975 đều trở về với cát bụi, một số có thể còn được nhắc tới qua tác phẩm nhưng rồi cũng phải kể tới cuộc sống đầy đoạ và cả những cái chết tức tưởi của họ trong các trại tù cộng sản. Nói tới Văn Học Miền Nam, không thể không có một “cuốn sách trắng/ livre blanc” về thời kỳ đó, một Wikipedia mở, như một “bộ nhớ” cho các thế hệ Việt Nam tương lai.

[Image: THT8.jpg]
Hình 8: trái, địa chỉ 719 Coolidge Street, Plainfield, New Jersey 07062 là ngôi nhà vợ chồng Trần Hoài Thư đã sống ngót 30 năm, cũng là địa chỉ của Thư Ấn Quán, và là Toà Soạn Thư Quán Bản Thảo; phải, nhà văn Trần Hoài Thư đang còng lưng cắt xén những số báo Thư Quán Bản Thảo. Ước mong sao, rồi ra nơi đây sẽ là một landmark văn hoá của Thế hệ thứ Nhất cần được lưu giữ cho các thế hệ Việt Nam tương lai. [photo by Phạm Cao Hoàng] 

[Image: THT9.jpg]
Hình 9: một phần của tủ sách Di sản Văn học Miền Nam củaThư Ấn Quán, bộ Văn Miền Nam 4 tập: I, II, III, IV (2013); bộ Thơ Miền Nam trong thời chiến 2 tập: I, II (2017); bộ Thơ Tình Miền Nam (2017); Một Thời Lục Bát Miền Nam (2008); Thơ Tự Do Miền Nam (2009). Tất cả đều do Trần Hoài Thư thực hiện bằng phương pháp thủ công và có thể nói THT là người đi tiên phong trong kỹ thuật POD / Print On Demand trong lãnh vực sách báo tiếng Việt ở hải ngoại. [photo by Phạm Cao Hoàng]3

Tác phẩm đã xuất bản:

Trước 1975: 1. Nỗi bơ vơ của bầy ngựa hoang; 2. Những vì sao vĩnh biệt; 3. Ngọn cỏ ngậm ngùi; 4. Một nơi nào để nhớ. 

Sau 1975

VĂN: 1.  Ra biển gọi thầm (Tập truyện); 2.  Ban Mê Thuột ngày đầu ngày cuối (Tập truyện ); 3.  Về hướng mặt trời lặn (Tập truyện); 4.  Mặc niệm chiến tranh (Tập truyện); 5.  Đại đội cũ, trang sách cũ (Tập truyện); 6.  Thế hệ chiến tranh (Tập truyện); 7.  Thủ Đức gọi ta về (Tạp bút); 8.  Đánh giặc ở Bình Định (tự truyện); 9.  Hành trình của một cổ trắng  (truyện vừa); 10. Ở một nơi trên Trường Sơn (tập truyện); 11. Truyện từ Bách Khoa (Tập truyện); 12. Truyện từ Văn (Tập truyện); 13. Truyện từ Trình Bầy, Văn Học, Khởi Hành... (Tập truyện); 14. Truyện từ Vấn Đề (Tập truyện); 15. Tản mạn văn chương (tập I); 16. Giấc mơ Giáng Sinh (Tập truyện); 17. Cảm tạ Văn chương (Hồi ức).

THƠ: 1.  Thơ Trần Hoài Thư; 2.  Ngày vàng; 3.  Nhủ đời bao dung; 4.  Ô cửa; 5.  Xa xứ; 6. Quán; 7.Vịn vào lục bát
Reply


Messages In This Thread
TRẦN HOÀI THƯ & NGỌC YẾN VỚI CON CHIM CHẰNG NGHỊCH & NỖI NHỚ QUÊ (Ngô Thế Vinh) - by schi - 2022-10-09, 02:56 AM