2022-10-04, 10:31 PM
7 ĐIỀU NGƯỜI MỚI HÀNH THIỀN TỨ NIỆM XỨ CẦN BIẾT
1/ Tại sao phải thọ trì Tam quy và Ngũ giới trước khi hành thiền?
Tam quy là nương tựa vào giáo pháp (giới, định, tuệ) để thực hành theo các phẩm hạnh của Phật, Pháp, Tăng. (10 ân đức Phật, 6 ân đức Pháp, 12 ân đức Tăng).
Ngũ giới là giới cần làm trong sạch trước khi thực hành Định và Tuệ. Ví như 2 cây củi chà vào nhau ra lửa. Giới ô nhiễm như cây củi bị ướt. Giới trong sạch như cây củi khô. Định ví như sự ngọn lửa phát ra khi chà sát hai cây củi. Tuệ ví như ánh sáng của ngọn lửa.
2/ Tại sao phải tụng kinh tiếng Pali và tiếng Việt?
Phật giáo có 2 truyền thống Pháp Học và Pháp Hành. Pháp học là duy trì, bảo tồn kim ngôn hay lời dạy của Đức Phật trong thế gian. Pháp hành là để đưa người đến sự diện tận các phiền não tham, sân, si. Việc tụng kinh có 2 ý nghĩa:
2-1. Duy trì Phật ngôn có mặt trong thế gian khi tụng bằng tiếng Pali và làm chư thiên hoan hỷ. Khi tụng bằng tiếng Việt tăng thêm hiểu biết Phật ngôn bằng tiếng mẹ đẻ và để mọi người dễ hiểu dễ thuộc, phát sinh tâm muốn học và hành theo lời dạy của Đức Phật.
2-2. An trú thân tâm trước khi hành thiền.
3/ Tại sao cần rải tâm từ và hồi hướng sau khi hành thiền?
3-1. Rải tâm từ là một thiện pháp giúp cho bản thân và chúng sinh luôn được an vui
3-2. Hồi hướng công đức sau khi hành thiền hay làm phước thiện cũng là một thiện pháp làm tăng trưởng phước thiện cũng như tỏ lòng tri ân tới tất cả.
4/ Cách điều thân trong 3 tư thế ngồi: bán già Trung Quốc, Miến điện và kiết già. Cách xả thiền. Lưu ý các tư thế cằm tỳ yết hầu, cổ thẳng, lưng thẳng, răng chạm nhau, hai bàn tay trên đùi chạm nhau, mắt nhắm (khi quan sát hơi thở).
5/ Quan sát hơi thở trong tư thế ngồi bán già hoặc kiết già: 4 giai đoạn quan sát hơi thở: Có 3 tâm tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác khi quan sát hơi thở.
a/ Tinh tấn là siêng năng chú tâm nơi quan sát đề mục.
b/ Chánh niệm là quan sát ở mức chân đế: đụng chạm, nóng lạnh, cứng mềm khi hơi thở vào ra.
c/ Tỉnh giác (trí Tuệ) là thấy biết sự thay đổi tự nhiên của đề mục ở thực tại chân đế, chứ không phải cố giữ đề mục không thay đổi. Điều này chỉ có trong thiền Tứ Niệm Xứ. Trong thiền Định (Vắng Lặng Samatha) hành giả sẽ cố định đề mục để neo tâm vào.
5-1. Hơi thở vào hơi thở ra ở đầu mũi
5-2. Hơi thở dài hơi thở ngắn ở đầu mũi
5-3. Hơi thở bên trong bụng (cảm giác toàn thân) khi thở vào, thở ra.
5-4. Hơi thở tự nhiên nơi đầu mũi hay trong bụng (an tịnh toàn thân) khi thở vào, thở ra.
6/ Quan sát các oai nghi chính đi, đứng, ngồi, nằm: Quan sát với ba tâm tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác như đã nói ở mục 5. Đặc tính khi đi là sức nặng nơi bàn chân thay đổi. Đặc tinh khi đứng là sức nặng nơi bàn chân liên hệ chặt chẽ với hơi thở vào ra. Đặc tính khi ngồi là sức nặng nơi mông. Đặc tính khi nằm là sức năng nơi lưng (khi nằm ngửa) hay bụng (khi nằm úp), nơi sườn (khi nằm nghiêng)
7/ Quan sát các oai nghi phụ (co tay duỗi tay, nhai nuốt, ăn uống,…). Trong quán thân, các oai nghi chính và phụ cần làm chậm lại thì mới thấy rõ các đặc tính chân đế của sắc pháp cứng mềm, co giãn, nóng lạnh, nâng đỡ, nặng nhẹ nổi bật rõ ràng. Ví dụ khi nhai thức Ăn cần nhai chậm lại 20 lần nhai trở lên trong mỗi lần cho thức ăn vào miệng để quan sát.
Tuniemxu.org