2022-08-23, 09:50 PM
Thứ ba, 26/7/2022, 19:00 (GMT+7)
Những thực phẩm khiến bệnh trào ngược dạ dày thực quản nặng hơn
Thực phẩm cay, nhiều chất béo, dầu mỡ, chiên rán có thể gây đầy bụng, khó tiêu, tăng tiết axit… khiến tình trạng trào ngược dạ dày thực quản nặng hơn.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Bích, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa - Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, cho biết trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý rất phổ biến. Có thể do tính phổ biến này, mà nhiều người chủ quan không điều trị kịp thời gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như chán ăn, sụt cân, mất ngủ về đêm, mệt mỏi... Hơn nữa, trào ngược kéo dài dẫn đến những biến chứng như viêm hoặc loét thực quản, thực quản Barrett, hẹp thực quản... Đối với bệnh lý này, ở giai đoạn đầu, một số thói quen ăn uống và sinh hoạt khoa học có thể giúp kiểm soát bệnh.
Bác sĩ Ngọc Bích khuyên người bệnh nên hạn chế các loại thực phẩm dưới đây.
Thức ăn nhiều chất béo và chiên rán: Bao gồm phô mai, sữa nguyên kem, bơ, thịt mỡ, ba rọi, bánh snack, khoai tây chiên... Những thực phẩm này làm giãn cơ thắt thực quản dưới, cho phép axit dạ dày trào ngược lên. Chất béo tạo điều kiện cho thức ăn lưu lại dạ dày lâu hơn, dễ gây trào ngược. Nhóm thực phẩm này còn gây đầy bụng, khó tiêu, từ đó, làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Nhóm thực phẩm chiên rán có thể làm tình trạng trào ngược diễn tiến nặng hơn. Ảnh: Shutterstock
Thức ăn cay: Những món ăn chứa nhiều gia vị cay nóng như ớt, tiêu, mù tạt... sẽ làm nặng thêm tình trạng trào ngược dạ dày, sử dụng lâu dài có thể gây viêm hoặc loét dạ dày tá tràng. Cụ thể, nhóm thực phẩm này kích thích và làm tăng co thắt cơ vòng thực quản dưới, làm bệnh diễn tiến nặng hơn.
Rau củ và trái cây có tính axit: Là một phần không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Tuy nhiên, bác sĩ Ngọc Bích khuyến cáo, một số loại rau củ quả có khả năng kích thích tăng tiết axit dạ dày, làm nặng thêm tình trạng trào ngược. Người bệnh cần hạn chế ăn, uống nước ép từ cà chua và các loại trái cây có tính axit cao như cam, quýt, bưởi... đặc biệt là khi bụng đói.
Chocolate: Không tốt cho người bệnh trào ngược. Cụ thể, thành phần methylxanthine trong chocolate có khả năng làm giãn cơ thắt thực quản dưới và tăng trào ngược. Trong khi, bột cacao có tính axit gây kích ứng dạ dày. Caffeine và theobromine trong chocolate có thể làm tăng các triệu chứng khác của trào ngược dạ dày thực quản.
Các loại thức uống chứa cồn và caffein: Như rượu cà phê, trà, nước có gas... Những thức uống này làm tăng sự giãn nở cơ vòng thực quản dưới, tăng sự tiết axit dạ dày, gây đầy bụng, kích thích trào ngược dạ dày.
Bác sĩ Ngọc Bích tư vấn cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bác sĩ Ngọc Bích chia sẻ, để kiểm soát tình trạng trào ngược, người bệnh nên tăng cường các loại thực phẩm tốt cho dạ dày như bột mì, yến mạch, sữa chua, đạm dễ tiêu... Những thực phẩm này có khả năng giảm lượng axit dư thừa trong dạ dày, thúc đẩy quá trình tiêu hóa diễn ra nhanh hơn, từ đó làm giảm hiện tượng trào ngược.
Thói quen ăn uống khoa học cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc kiểm soát bệnh. Người bệnh nên chia nhỏ bữa ăn và ăn nhiều lần trong ngày, không ăn quá no, ăn chậm nhai kỹ, sau khi ăn 30 phút có thể đi bộ nhẹ nhàng để hỗ trợ tiêu hóa, bữa ăn cuối ngày nên cách giờ đi ngủ ít nhất 3 tiếng và không ăn đêm.
Bác sĩ Ngọc Bích cho biết thêm, điều trị trào ngược dạ dày thực quản sẽ tùy theo mức độ bệnh. Ở các trường hợp nhẹ, việc thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng sẽ cải thiện bệnh. Tuy nhiên, nếu trào ngược tiến triển nặng, kéo dài không khỏi hoặc các biện pháp điều trị tại nhà không đạt hiệu quả như mong đợi, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị. Trong trường hợp trào ngược nặng hoặc xuất hiện biến chứng nguy hiểm, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật.
Phi Hồng
Be Vegan, make peace.