2022-08-18, 11:18 PM
(2022-08-17, 12:47 AM)JayM Wrote: Một thư viện nhỏ bé, một tủ sách khổng lổ với toàn là sách tiếng Việt, nghe thấy mà mê. Nhớ hồi mới qua Mỹ, thư viện thành phố nơi Jay ở có dành một góc cũng phải gần chục kệ cho sách tiếng Việt. Hồi đó rất là đói, tham đọc sách. Cứ mỗi hai tuần là vác về và ngốn hết 20 cuốn sách, tối đa được mượn. Sách của Nhã Ca, Duyên Anh, Hồ Biểu Chánh, Kim Dung, và bao tác giả khác. Về sau còn thử mấy sách về triết nữa cơ, nhưng mà, thấy thu hút mình được. Bây giờ thì lười thật.
Cuối thập niên 70 đến đầu thập niên 80 người Việt tị nạn cs mới lò mò lên nước Đức, văn hoá xa lạ, ngôn ngữ mới mẻ và khó khăn, người Việt rất ít, chỉ khoảng lối chừng 40, 50 ngàn người ở khắp nơi trên nước Đức nên tìm sách tiếng Việt là chuyện vô cùng khó. Ở Stuttgart có một đại lý nhà sách duy nhất. Là đại lý, nghĩa là họ chuyên mua đi bán lại bản quyền, in lại từ các nhà xuất bản bên Mỹ. Sách rất đắt. Mà việc ấn loát và đóng sách cũng thô sơ. Sách mua về, đọc chưa hết quyển sách là giấy bắt đầu rơi rớt ra vì gáy sách quá tệ. Tuy vậy có dịp 5 vẫn cứ mua. Mua dần dà thành nhiều. Hơn 500 quyển, là tiểu thuyết hoặc sách Phật giáo. Chứ nếu tính luôn sách khoa học, tham khảo và truyện ngoại ngữ thì phải hơn 1600 quyển.
Nhớ thời đầu thập niên 80, 5 đi Houston chơi. 5 nói ông chú ruột chở đi nhà sách mua sách. Ông nói ở Houston làm gì có nhà sách mà mua, con muốn đi chùa thì chú chở lên chùa chơi. Vậy là chỉ có đi chùa, rồi ngồi đọc mấy quyển sách của chùa. "Thỉnh" được mấy quyển kinh Phật. Lúc về đến Frankfurt, mới biết sách vở là sản phẩm văn hoá (Việt Nam hay gọi là văn hoá phẩm) cần phải được kiểm duyệt đàng hoàng. Cũng may đó là kinh Phật, có mấy tấm hình Phật trong đó nên hải quan không làm khó dễ mình, chỉ bắt đóng thuế theo giá biểu mà thôi.
Thời nay sướng quá, có rất nhiều sách đặt hết qua mạng internet hoặc là coi cọp. Vì người ta scan bỏ lên mạng cũng nhiều.