2021-09-06, 10:00 PM
Dòng Chảy Liên Tục Hiện Tại Diệt Ý Niệm Tôi, Ta và Tà Kiến
Có câu truyện thiền kể rằng có một vị pháp sư thuộc nhiều kinh điển và giảng kinh thuyết pháp rất nổi tiếng. Khi gặp một bà lão bán nước, bà lão hỏi ngài pháp sư rằng: “Tâm quá khứ đã qua, tâm tương lai chưa đến, tâm hiện tại thì luôn liên tục trôi chảy. Ngài lấy tâm gì để thuyết giảng?!” Vị pháp sư không đáp được liền bỏ đi thẳng vào trong núi để chuyên tâm hành thiền.
Nếu vị pháp sư ấy đã trải nghiệm hành thiền Tứ Niệm Xứ thì câu trả lời không còn là vấn đề nữa. Vì ngay khi bà lão hỏi xong câu hỏi thì câu hỏi ấy cũng trở thành quá khứ. Nếu vị pháp sư trả lời thì khi âm thanh truyền đến tai của bà lão thì cũng là quá khứ. Bất cứ cái gì chúng ta nắm bắt qua sáu giác quan đều trở thành quá khứ ngay khi chúng vừa nắm bắt. Nói cách khác hiện tại mà chúng ta nắm bắt nó trôi chảy liên tục như tuột khỏi tay chúng ta ngay khi vừa nắm bắt. Cũng giống như khi chúng ta dùng tay vốc nước lên rồi nắm chặt tay lại. Cho nên vị pháp sư chỉ cần trả lời bà lão rằng: Bà dùng tâm gì để nói thì tôi cũng dùng tâm ấy để thuyết giảng. Đây cũng là điều đã được dạy trong thiền Tứ Niệm Xứ, phần quán nội tâm và ngoại tâm: Tâm của hành giả quán như thế nào thì tâm của người khác cũng cùng cách quán như thế.
Ngay khi bạn vừa đọc những dòng chữ này thì những dòng chữ này đã trở thành quá khứ trong cái nhìn của bạn. Tâm đọc những câu chữ tiếp theo là một tâm khác sinh lên thay thế cho tâm vừa đọc, trong dòng chảy sinh diệt bất tận của tâm và cảnh và cứ tiếp nối như vậy mãi trong đời sống chúng ta.
Điều gì xảy ra trong tâm bạn khi bạn chứng kiến mình không thể nắm giữ được bất cứ cái gì qua sáu giác quan?! Bởi bạn đã thấy rằng chúng biến mất ngay khi chúng vừa có mặt. Bạn sẽ cảm thấy bất lực khi nắm giữ bất cứ cái gì và thấy rõ có lực của sự áp chế nào đó trong dòng chảy sinh diệt liên tục này. Áp chế bởi sinh diệt liên tục gọi là Khổ (dukkha). Bất cứ cái gì hiện hữu dưới dạnh thân tâm (sắc và danh) đều bị áp chế diệt ngay khi chúng vừa hiện hữu nên chúng là Khổ đế. Sự bất lực khi không thể thoát khỏi lực áp chế này thể hiện sự vô ngã của mọi hiện hữu. Nghĩa là nếu bạn có ngã, có cái tôi và của tôi, thì không có cái tôi nào muốn bị diệt ngay khi nó vừa sinh lên. Đây là sự phủ định cái tôi hiện hữu bằng sự thực chứng, hành giả thấy được sự sinh diệt liên lục của danh sắc, nhất là khi sự diệt rõ hơn cả sự sinh. Nghĩa là không cái gì là chính nó khi nó vừa được sinh ra. Cái tôi ảo tưởng bị huỷ diệt trong khi hành thiền minh sát. Chúng ta không còn là chúng ta khi vừa có mặt. Bởi sự thật chúng ta là vô ngã, cái tôi, chúng tôi là một ảo tưởng do sự vô minh bởi không thấy dòng chảy sinh diệt của vật chất và tâm, của danh và sắc, hay không thấy Khổ đế như lời Đức Phật định nghĩa về vô minh.
Để phá tan sự vô minh, Đức Phật để tuyên bố con đường duy nhất là Tứ Niệm Xứ. Nghĩa là trong Tứ Niệm Xứ, hành giả sẽ thấy được dòng chảy sinh diệt liên tục của thân tâm. Thấy được sự mất ngay khi vừa có trong từng hơi thở, bước chân, co tay, quay đầu, nhai nuốt…. hay bất cứ cái gì trong bốn xứ là thân, thọ, tâm, pháp. Hành giả thấy được sự áp chế buộc phải diệt đi của mọi tư thế, mọi cảm thọ, mọi ý muốn, mọi cảnh được thấy qua sáu giác quan trong sự vô thường (sinh diệt liên tục). Hành giả thấy không gì có thể nắm giữ được trên cái thân và tâm gọi là thân tôi, tâm tôi này. Chẳng có gì để hành giả có thể nương tựa, nắm giữ trong cái dòng chảy sinh diệt nhanh đến mức sự nối tiếp của thân và tâm như bị cô đặc, như đang đứng yên.
Do không thực chứng sự sinh diệt vô cùng nhanh chóng gần như đứng yên của tâm, mà ý niệm tánh thấy, tánh biết của tâm là bất sinh bất diệt được tạo ra trong pháp môn “tự tánh”, “chân tâm” trong sáng, thanh tịnh, thường hằng, thường trú. Một tà kiến mới khởi sanh lên bởi ý niệm này tạo ra. Một cái ngã có tên gọi là “tánh thấy”, “tánh biết” được tạo ra để tu tập trên ý niệm về sự bất sinh bất diệt, nên không thể có Chánh kiến bằng sự tu tập trên ý niệm tà kiến này.
“Sự kiện này không xảy ra, này các Tỷ-kheo, không có được: Một người thành tựu chánh kiến có thể chấp nhận các hành là thường còn, sự kiện này không xảy ra. Và sự kiện này có xảy ra, này các Tỷ-kheo, kẻ phàm phu có thể chấp nhận các hành là thường còn, sự kiện này có xảy ra.” (Kinh Chấp Nhận Các Hành Là Thường Còn, HT T.M.Châu dịch)
Như Đức Phật đã dạy trong câu nói trên: Một khi đã thực chứng nghĩa là có Chánh Kiến về sự sinh diệt của thân tâm thì tà kiến về thường hằng thường trú của các hành (thân hành và tâm hành) sẽ không thể có nữa. Chỉ có phàm phu chưa có Chánh kiến mới chấp nhận các hành (thân hành và tâm hành) là thường còn. Bất cứ cái gì bên trong và bên ngoài thân tâm này đều đang vận hành theo quy luật sinh diệt liên tục của vô thường. Chúng ta không thể tìm thấy bất cứ cái gì bên trong và bên ngoài thân tâm chúng ta mà không bị biến đổi, vô thường.
Tà kiến về thường còn của vật chất và tâm bị diệt ngay khi chúng ta thực chứng sự sinh diệt liên tục của thân tâm. Tà kiến về đoạn diệt (diệt rồi không sinh lên nữa) của vật chất và tâm cũng diệt theo vì không có cái gì bị diệt trên thân tâm mà không sinh lên ngay sau sự diệt đó để nối tiếp dòng chảy liên tục của sự sinh diệt.
Đồng thời mọi tham muốn và ghét bỏ trở nên vô nghĩa trong tâm hành giả. Ảo tưởng về cái tôi, ta cũng biến mất theo trong khoảnh khắc đó. Chúng ta sẽ không thể thực chứng được dòng chảy liên tục sinh diệt trong hiện tại này ở bất cứ đâu ngoài thân tâm, ngoài các đề mục trong Tứ Niệm Xứ. Nghĩa là chúng ta không thể phá vỡ vô minh, không thể phá vỡ tà kiến về thường còn và đoạn diệt, không thể phá vỡ ảo tưởng “tôi, ta” để thực chứng vô ngã, một khi không thực hành thiền Tứ Niệm Xứ. Khi thực chứng vô ngã, theo thời gian, mọi gánh nặng của nghiệp sẽ được đặt xuống từng phần và toàn phần. Nghĩa là khi nhân quả và nghiệp xảy ra nhưng vị hành giả ấy sẽ không còn thấy đó là gánh nặng nữa như Đức Phật đã dạy: “Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước vật gì ở trên đời.” (Kinh Đại Niệm Xứ)
(Thấy Biết, tuniemxu.org)
Share this: