2021-08-07, 03:59 PM
Chương Thứ I
I. LỊCH SỬ MÔN NỘI CÔNG SƠN ĐÔNG
Về nguồn gốc lịch sử các môn tuyệt học võ thuật Trung Hoa, các võ gia đương thời cũng như ngày xưa đều có hai khuynh hướng nhận định khác nhau. Một số người cho là mọi môn tuyệt học ngày nay còn lưu truyền đều do Tổ Sư Đạt Ma trước tác dùng huấn luyện các tăng tử đệ tử rồi lưu mãi cho đến ngày nay. Nếu có thiếu sót là do người đời quên lạc chánh bổn chớ khởi đầu không chỗ nghĩ bàn. Tức Tổ Sư đặt ra là đâu vào đó, đúng nguyên tắc, tinh vi, cao minh tối thượng, v…v… Lớp người nầy hoàn toàn tin nơi chân bổn cổ truyền, coi như giá trị bất di bất dịch.
Số người khác không tin là Tổ Sư trước tác tất cả tuyệt học công phu trong buổi sanh thời. Họ cho rằng một số bài bản và môn học tinh hoa thuộc môn phái Thiếu Lâm đều do các môn đồ ưu tú của Tổ Sư và sau nầy trước tác, chế biến. Người ta đưa ra những chứng minh cụ thể về các công trình nghiên cứu giá trị dưới thời vua Càn Long, thời đại võ học cực thịnh cũng như các triều đại trước đó, v..v…
Nhưng dù bàn cãi sôi nổi đến đâu người ta vẫn để tâm nghiên cứu và luyện tập các môn học cao siêu mà lịch sử của nó còn trong bóng tối.
Ngày nay văn minh khoa học tiến bộ đến nỗi các khoa học gia có thể khám phá ra những điều mà bộ óc con người thuở xa xưa không thể nghĩ tới và cũng khám phá được một vài điều để thẩm định thời đại phát triển những ngành học thuật, tư tưởng một cách chính xác nhờ dựa vào những dữ kiện lịch sử, tranh ảnh điêu khắc, v…v… mà ngành khảo cổ học đã khai quật được. Những di vật tìm thấy được đưa vào các máy điện tử phân tích và người ta tìm được câu trả lời, dù cho 5-10 ngàn năm máy vẫn trả lời được huống hồ có hơn ngàn năm từ ngày Tổ Đạt Ma trụ trì chùa Thiếu Lâm (sau năm 520 Tây Lịch, sau khi từ Ấn Độ vượt biển sang Quảng Châu được quan đầu tỉnh Quảng Châu đón tiếp rồi được vua Lương Võ Đế mời về triều hỏi đạo lý… nhưng vua nhà Lương không hạp nên Tổ Sư sang nước Ngụy ở Lạc Dương nhằm đời vui Hậu Ngụy Hiếu Minh Đế niên hiệu Chánh Quang, lúc bấy giờ đã 23 tháng 11 năm 520. Khi Tổ Sư đặt chân lên Tung Sơn chùa Thiếu Lâm thì chắc đã sang đầu năm 521 rồi).
Những tài liệu, di vật còn rất nhiều nhưng hiện chưa có khoa học gia nào nghiên cứu nên chưa thẩm định rõ rệt. Các sử gia thì lờ mờ biên chép cho có lệ, còn các hệ phái Thiền Học thì thêm vào dư vị thần bí cho thêm phần long trọng, hậu học thì dốt nát dị đoan nên cũng không truy cứu được những gì chân thật của Tổ Sư để lại. Người hiếu sự và con buôn khai thác thị hiếu quần chúng bằng cách bày vẽ hoang đường, nhiều thiên cố sự về đời Tổ Sư được bày ra, v…v… để bán sách. Rốt cuộc đến đời nay mọi việc chúng ta đều phải suy nghĩ lại. Điều nầy không dễ, chắc chắn là không dễ khi đang thiếu nhiều phương tiện cần thiết để khảo cứu. Vỉệc nầy để rồi có dịp sẽ tính tới, bàn lại cho chánh lý, vì cuộc đời Tổ Sư là cả một huyền thoại ly kỳ nhất thời đâu dễ bàn suông.
Riêng trong ngành võ học, quyền thế về Quyền Luận đã có lắm sự bày vẽ rất nhiều… Trong khoa Nội Công tu dưỡng Thần Lực cũng không thiếu sự vẽ vời: nào là Dịch Cân Kinh, Tẩy Tủy Kinh, Nội Công Đạt Ma, Kim Cang Nội Công, Kim Cang Thần Công, v…v… đủ thứ sách đều gán cho Tổ Sư trước tác, kể cả sách bậy bạ viết bừa về nội công không có căn bản gì cả như cái gì là Kim Cang Nội Công, Kim Cang Thần Công, v…v… người đời nghe danh từ Kim Cang (cương) là loại đá quý bán được nhiều tiền nên tưởng đặt tên là bán chạy, mà quả sách đó cũng bán chạy thiệt. Ở trình độ cao hơn có người trí tuệ xem qua bộ Kinh Kim Cang (tên Ấn Độ Va-j-ra Pra-j-na Paramita Su-tờ-ra, là bộ kinh do ngài A Nan Phật, đệ tử thứ hai của Phật Thích Ca chép lại lời Phật giảng về cách loại bỏ phiền não một cách cấp tốc để thành Phật) nhận thấy sự hay quý của lời giảng dạy và sự tôn kính của nhiều chúng đệ tử của Phật mới đặt ra một loại phép luyện công gán cho tên Kim Cang. Kết quả sách bán chạy và được lưu truyền, sự luyện có thành công hay không đều chưa ai kiểm chứng nhưng vì tôn kính Phật nên người ta nễ luôn chữ Kim Cang, v…v… đó là trường hợp dựa hơi Phật của bọn buôn thần bán thánh đời nào cũng có rất nhiều. Kỳ dư sách dạy luyện Nội Công của Tổ Sư chắc chắn không có nhiều bộ như thế, nhiều lắm là một bộ. Với sự giác ngộ thành Phật của một vị Tổ Sư (ngài là học trò đời thứ 28 của Phật Tổ Thích Ca đã thành Phật tại Ấn Độ, nói theo võ học, ngài Bồ Đề Đạt Ma là sư điệt đời thứ 28 của Tổ Sư Thích Ca) thì ngài có thể viết một cuốn sách dạy về cách luyện cho thân tâm cường kiện linh mẫn tâm hồn hầu mau tinh tấn trong đường tu luyện giác ngộ chánh đạo thành Phật, sách dạy tu luyện thân tâm đó gọi là Nội Công được chia làm nhiều bậc, lớp tùy theo trình độ trí hóa mỗi người học trò, cái đó gọi là tùy duyên giáo hóa. Có khi nội công ẩn trong quyền thế, có khi trong động tác thể thao dạy cho các kẻ sĩ không thích luyện quyền, và phép tĩnh luyện dùng dạy cho các cao tăng không còn thích vọng động múa máy tay chân…Trong ba giới trên có thể viết riêng rẽ mỗi người một cuốn sách tùy theo sở học của mình, việc này như thể người mù sờ voi, người sờ (rờ) đựng đuôi thì nói lên cái đuôi, chỉ biết có cái đuôi, người khác rờ chân voi chỉ biết được chân, kẻ rờ đụng vòi biết vòi voi…. Rồi theo ý kiến riêng mà biên thành sách để đời. Sau có kẻ thông minh đọc cả ba sách mới tổng hợp, phân tích, v..v… rồi viết ra sách mới, v…v… sách mới ra vô số làm người kém trí hóa đâm ra như kẻ ở chợ lạc vào rừng sâu không khỏi ngơ ngác. Nhưng với người trí lực tất đã có chỗ suy nghĩ, có chỗ thấu lý. Chữ Tùy Duyên Giáo Hóa của Phật là ngọn đuốc cho bậc trí giả thượng thừa.
Thế thì tới đây chắc học giả cũng giảm phần thắc mắc về lịch sử của môn Nội Công. Những phương pháp luyện không có nhiều, sở dĩ có ba phép là đều chỗ tùy duyên, tùy sở thích năng khiếu của người đệ tử mà bậc thầy dạy cho cách luyện vậy thôi. Cách nào cũng tới chỗ hiểu thấu lẽ đạo, tinh thần linh mẫn thân thể cương kiện…
Nhưng học giả hỏi thêm là do đâu mà có ba phép luyện đó để ngài Đạt Ma huấn dạy đệ tử thì soạn giả xin thưa:
-- Tất cả ba phép luyện Nội Công đều nằm trong giáo lý của Phật Tổ, tiếng nói đời nay gọi là Phép Tu Thiền Định, nhưng có sự biến hóa một chút xíu để thích nghi duyên, đó là điều mà bậc Giác Ngộ Đạt Ma Tổ Sư đã mở ra một kỷ nguyên mới mẻ trong lãnh vực Thiền Học, cũng do sự sáng tạo tùy duyên đối cảnh đó mà ngài được tôn xưng là vị Thiền Tổ đời thứ nhất hay là vị Sáng Tổ Thiền Tông Trung Hoa trong khi tại Ấn Độ ngài đứng số 28.
-- Dù vậy cho đến nay những môn đồ Thiền Học của Tổ Sư đa số quên hết những giáo lý về Thiền Định cho thành Phật, cũng ít người biết cách luyện Nội Công. Nếu có người biết Thiền Định thì cũng chỉ biết thiền suông chớ không biết cách xài cái Thiền Công (công năng của Thiền định, tức sự kết quả do Thiền định mà có). Người luyện võ cho sự luyện Thiền là môn khác biệt xa vời, kẻ sĩ nhìn về hai phía cũng có chỗ ngờ vực…. cũng đều là ngu si ám chướng che lấp trí tuệ, việc nầy xưa kia Phật gọi là u mê, vô minh che lấp. Trong cuốn Tự Luyện Nội Công Thiếu Lâm Tự soạn giả có viết người cao tăng đã đủ quả Thiền định được chỉ sơ yếu lý là thành quả nội công thường thừa, cái lý ấy là đây vậy. Nhưng tiếc thay đời nay ít ai luyện thiền cho đúng sách vở, mà đa số luyện theo sách Yoga tầm bậy bán ngoài chợ nên ai cố luyện đều bị bệnh trầm trọng mà chẳng thành được gì, soạn giả mất công chữa trị cho nhiều người bị trường hợp nầy có nói tới trong các mục trả lời thơ.
Giờ đây chư học giả và quân tử, trí giả đều đã rõ chỗ tùy duyên của Tổ thì sự luyện nội công không còn chỗ ngi ngờ phân biệt nông cạn như kẻ mù sờ voi. Khi đã sáng trí thì tất biết, biết thì luyện được thành mà không có chỗ thất bại. Hiện nay nhiều vị Tăng Sĩ và Tu Sĩ, Linh Mục xin nghiên cứu nơi soạn giả bí quyết luyện nội công nầy, chắc chắn rồi đây sở học của các vị ấy sẽ tinh tiến không ít. Đạo lành mạnh thể chất, linh mẫn tinh thần, sống vui giác ngộ sẽ lan rộng mãi ra không còn là bí truyền, số người chuyên bày vẽ hoang đường vì thiếu hiểu biết phải có dịp suy nghĩ lại. Chắc chắn họ phải suy nghĩ lại vì xưa nay họ nói hoang đường nhiều quá mà tự ngẫm lại bản thân thấy chẳng có thành quả gì ngoài mớ lý thuyết học thuộc lòng trong sách thánh hiền. Đến như tấm thân mang đầy bệnh tật, đau khổ thường xuyên mà cũng không biết làm sao cho được lành mạnh, khổ đầy trong bụng ăn ngủ chẳng vui mà làm sao mơ được lên thiên đàng, niết bàn để thường an lạc, bình an…. Các vị nầy thường thì có tâm cầu tiến nhưng vì không có ai giác ngộ để hướng dẫn nên gặp nẻo cùng đường rồi đâm ra tự lừa mình và thường tự hối, tự trách khi thần trí tịch mịch. Nếu quí vị có đọc qua sách nầy, suy nghĩ kỹ chắc sẽ tìm được lối sáng mà thân thường an vui cực lạc. Thiên đàng tại thế, đắc đạo giữa đời là chỉ cho người sống tại hiện tiền mà thân thường vô bệnh, thần trí thảnh thơi, vui tươi chân chánh. Ai còn câu nệ nầy, khác là chưa biết chỗ thiên đàng…. Dù cho chết đi cũng chẳng thấy được.
Nói thì dông dài quá, thật ra lịch sử môn Nội Công chẳng có gì xa vời huyền bí khó hiểu khó tìm. Nó là sở học bắt nguồn từ môn học Thiền Định của Phật học tại Ấn Độ, do sự sáng kiến tùy duyên của ngài Đạt Ma mà lập ra ba phép truyền dạy cho thiền chúng và cư sĩ ngoại đồ khi ngài trụ trì tại chùa Thiếu Lâm bên Tàu. Khoảng thời gian năm 521 sau Tây Lịch trở đi chưa rõ đích xác là năm nào ngài viết sách, nhưng môn Nội Công do ngài truyền ra là chánh lý. Từ đó về sau nhiều học giả sao chép, sáng tác thêm bớt, mãi cho đến nay hơn 14 thế kỷ rồi. Nhiều bản nội công được bày bán ngoài chợ không chắc chắn là nguyên tác của Tổ Sư, nhưng có thể cũng dùng luyện tập có kết quả được không nhiều thì ít. Có điều có lẽ khó tập luyện cho đặng thành công vì sự sao chép của người đời là những người chưa biết gì về nội công thì không tránh khỏi có chỗ sai trật, tối nghĩa, phải thông minh lắm mới học được các sách đó.
Riêng sách nầy, cuốn sách do soạn giả biên soạn và quí vị đang cầm trên tay đây mang tên là Nội Công Sơn Đông cũng chắc chắn không phải là chân bổn của Tổ Sư. Có lẽ do một bậc học giả uyên thâm về Võ Học và Đạo Lý Thiền Định sáng tác truyền đời. Mặc dù có nhiều huyền thuyết ám chỉ nầy nọ nhưng soạn giả không tin nên cũng không biên vô đây làm bận mắt học giả và đôi khi còn có người để tâm huyền hoặc có hại cho tư tưởng chánh đạo chánh kiến. Chỉ biết đây là phép luyện Nội Công bằng quyền thế, gọi là động luyện, khác hơn tĩnh luyện của các cao tăng trong chùa, (các Thượng Tọa Đại Đức, tiểu nhỏ nhỏ cũng luyện môn nầy tức động luyện cho có sức khỏe và sự linh hoạt thân thể) dùng huấn luyện cho hạng ham võ tăng tiến thể chất, sức mạnh đạt đến kinh người, khi khai hợp quyền thế kình lực phát ra không một đối thủ nào chịu nổi, cọp beo, trâu ngựa mà bị một đòn của bậc đại thành cũng dập xương, nát ruột, tim, gan, tỳ, phế, v…v… là thứ nội công có sức phá hoại ghê gớm. Chính các võ gia bên Tàu thuở trước rất ham luyện tập môn nầy để biểu diễn trong các đoàn hát dạo bán thuốc mà người mình quen gọi là Sơn Đông Mãi Võ. Ngày nay bên Tàu, kể cả Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Nam Dương quần đảo đều có nhiều võ gia chuyên luyện và truyền bá sâu rộng. Tại Việt Nam mấy chục năm trước cũng có vài vị võ gia nổi danh ngoài Chợ Lớn có sức mạnh vô địch có luyện tập, nay vị ấy qua đời, các dụng cụ được con cháu chất đống coi chơi. Có lần soạn giả ghé thăm cố nhân không khỏi thương tâm phút giây, người hay như thế suốt đời cũng chỉ tạo dựng được một mái nhà trong con hẻm chật chội, chết đi tài năng tiêu tan, còn lại chỉ là tấm ảnh lọng kiếng trên bàn thờ sau bóng đèn điện đỏ lờ mờ… Quí vị võ sư cao niên đọc tới đây chắc động tâm nhớ tới vị bằng hữu tài danh nầy. Còn hiện nay không mấy người nghiên cứu rèn luyện ngoài soạn giả ra, cho nên phương pháp vẫn còn được coi như bí truyền.
Vì chỗ dễ tập, dễ thành, dễ biểu diễn nên các võ gia thuộc ngành bán thuốc dạo ham mộ trình bày, mà người đời biết đến. Do đó soạn giả lấy tên là Nội Công Sơn Đông cho dễ hiểu, cho đại chúng hóa môn học. Kỳ dư cái tựa không thể đủ mang nội ý của sách, mà sách cũng không mang hết được ý của môn học.
Nhưng dù sao thì cho tới câu nầy, học giả cũng đã biết được nguồn gốc môn học mà chúng ta sắp nghiên cứu tới một cách không có gì mơ hồ xa cách. Mời quí vị sang mục kế tiếp.
...
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore