2021-02-25, 08:47 PM
(2021-02-25, 03:11 PM)SaoMai Wrote: Quận Tân Bình là chổ ngoại cháu ở. Phía sau nhà ngoại cháu đi bộ ra Đầm Sen khoảng 10 phút. Cháu nhìn hình chú chụp chổ ở khu đó vẫn như lúc xưa. Chú Đạn có thể cho biết biết bên đó còn có mấy vụ móc túi không? Cháu sợ nhất là bị móc túi đó. Cháu thấy vụ móc túi ở trạm xe buýt cũng nhiều. Vào năm 1990, cháu từ quê đi xuống Sài Gòn bằng xe bus khoảng 4 tiếng ở trọ nhà người quen một thời gian học tiếng Anh để chuẩn bị bay qua bên này, cháu bị móc túi một lần xém bỏ xác ngoài đường hẻm. Chú cũng phải cận thận khi đi nhà bank rút tiền mua sắm đồ cho mấy em nhỏ nhé. Cháu nói vậy không phải hù chú đâu à. Tại vì cháu thấy bên VN còn rất phức tạp về an ninh. Chúc chú nhiều sức khoẻ và cầu xin ơn trên phù hộ chú được bình an luôn nha.
Chào Sao Mai. Cảm ơn lời chúc của bạn.
Cái chuyện móc túi, cướp giật thì chắc chắn vẫn còn, làm sao mà tránh khỏi ở một thành phố lớn như Sài Gòn, vốn là nơi tụ họp của rất nhiều người từ các nơi khác kéo về đây làm ăn, sinh sống được. Hiện tại dân số SG khoảng gần 10 triệu người, trong đó số người ngụ cư lâu năm theo ước tính chỉ hơn phân nửa, phần còn lại đông đúc hơn là người từ các tỉnh khác kéo về làm ăn. Thường thì người ở khu vực phía Bắc lại lũ lượt trở về quê của họ bắt đầu từ ngày 20 Tết trở đi để đón đưa ông Công, Ông Táo về trời, sau đó phải qua hết tháng chạp, tức tháng 1 Âm lịch, họ lại kéo vào làm ăn tiếp, bởi ở miền Bắc trong tháng chạp có rất nhiều lễ, hội diễn ra. Còn người miền Tây thì chịu khó hơn, thường thì họ làm đến ngày 29, 30 Tết mới chịu về quê ăn Tết, sau đó khoảng mùng 10 là lại lục tục kéo lên. Ngoài ra còn có các em sinh viên, công nhân, lao động phổ thông... đến làm việc. Thế nên những ngày gần Tết và sau Tết chuyện đi lại rất khó khăn khi có một lượng người đi, về tấp nập, chuyện vạ vật nơi bến xe chờ xe về quê kéo theo số người xấu như móc túi, cướp giật là chuyện tất nhiên. Sài Gòn những ngày Tết rất vắng vẻ.
Sài Gòn cũng là nơi rất dễ kiếm tiền, chỉ cần một chiếc xe đẩy, một chiếc xe đạp, một chiếc ba bánh là có thể chở rau, chở trái cây, chở các món hàng gia dụng đứng ké bên các chợ lớn hay chịu khó luồn lách trong các con hẻm nhỏ bán cho người ta củ hành, miếng rau hay các loại trái cây ăn vặt cũng kiếm được tiền sống qua ngày, dư ra để dành, gởi về quê nuôi con, nuôi cha nuôi mẹ rồi. Thường thì có những nơi riêng biệt dành cho người dân quê vào làm ăn trú ngụ chung một chỗ, thí dụ như ở khu vực Kỳ Đồng, quận 3 là nơi lưu trú của đa số người dân từ Quảng Ngãi, Quảng Nam vào ở, chen chúc nhau mỗi đêm trong những nhà trọ tập thể nhỏ hẹp và đa số làm một cái nghề như là bán hũ tiếu gõ mỗi đêm hay nếu không có điều kiện thuê xe mỳ gõ để bán thì chỉ cần một đôi quang gánh thôi, họ có thể bán bánh tráng nướng, đậu phộng, mạch nha, bánh nổ... Người miền Tây lên bán vé số dạo cũng lựa những khu vực riêng để tạm trú, người miền Bắc ở các khu vực riêng. Cứ làm như họ thích sống ở những khu vực riêng gần nhau mỗi đêm để có gì thì giúp đỡ nhau, trò chuyện với người cùng quê bao giờ cũng đỡ cảm thấy cô đơn hơn vậy.
Chuyện Sài Gòn kể hoài không hết đâu. Cũng nhân đây xin kêu gọi các bạn gần xa nếu biết hay nghe thấy bất cứ một hoàn cảnh nào đáng thương, đáng giúp, xin cứ lên tiếng, trong khả năng và điều kiện cho phép, chúng tôi sẽ đến tìm hiểu và nếu được sẽ có cách giúp đỡ, xin đừng ngại. Đối tượng ưu tiên là trẻ em và người già khó khăn. Rất mong sự trợ giúp của các bạn.
Thân ái.
Love is now or never...