Tìm Hiểu Hôn Nhân và Gia Đình trong đời sống đạo .
#8
1.  Giáo Hội Sơ Khai Với Ly Dị và Tái Hôn



Khác với những người tái hôn khi người phối ngẫu qua đời, trong phần này chúng ta nói đến những người ly dị và tái hôn khi người phối ngẫu còn sống. Những người bênh vực lý do tái hôn sau ly dị thường lấy trường hợp thánh Phaolô cho phép tín hữu Corintô như một ví dụ.
Thánh Phaolô đưa ra trường hợp những anh chị em trở thành Kitô hữu trong khi vợ hay chồng vẫn là người ngoại đạo, hay những Kitô hữu lấy người ngoại đạo, mà nếu người phối ngẫu (ngoại đạo) bằng lòng sống với Kitô hữu, thì họ không được phép ly dị. Trái lại, nếu người ngoại đạo muốn bỏ Kitô hữu, thánh Phaolô phán quyết là Kitô hữu được phép bỏ chồng hay vợ ngoại đạo: “Nếu người ngoại đạo muốn bỏ người kia, thì cứ bỏ; trong trường hợp đó, chồng hay vợ có đạo không bị luật hôn nhân ràng buộc” (1Cor 7:15). Lý do Ngài đưa ra là để Kitô hữu bảo vệ đức tin và được sống bình an trong Chúa.

Điều đáng chú ý ở đây là ta không thấy thánh Phaolô nói thêm về việc tái hôn trong trường hợp này (vì người phối ngẫu vẫn còn sống), nhưng sự im lặng của Ngài đã tạo ra nhiều diễn dịch đối nghịch nhau. Một số cho rằng Ngài không cho phép tái hôn khi vợ hay chồng kia vẫn còn sống (1 Cor 7:39). Một số khác cho rằng không thấy thánh Phaolô ngăn cấm những Kitô hữu ly dị người phối ngẫu ngoại đạo và muốn tái hôn, dù thánh nhân chỉ khuyên họ tốt hơn là không tái hôn mà thôi (1 Cor 7:8, 40).
Khi cộng đoàn Kitô hữu phát triển, và các sách Tin Mừng bắt đầu hình thành (từ những năm 70-90 AD), có hai điều ta nên chú ý. Thứ nhất, nếu chỉ dựa vào Thánh Kinh mà thôi, người ta có thể diễn dịch nhiều ý nghĩa khác nhau của những lời dạy về ly dị và tái hôn, hoặc của Chúa Giêsu, hoặc của Giáo Hội. Thứ hai, những lời dạy về ly dị và tái hôn được kiện toàn qua lịch sử của Giáo Hội khi Kitô giáo đến những vùng đất mới và phải đối thoại với những thử thách mới của văn hoá, tập tục địa phương.[37] 

 Ví dụ, thánh Matthew đã không ngần ngại thêm một cụm từ vào lời Chúa Giêsu dạy “không được ly dị ngoại trừ hôn nhân bất hợp pháp” (Mt 19:9). Cụm từ “ngoại trừ hôn nhân bất hợp pháp” này được thêm, theo các nhà Kinh Thánh, là vì nhu cầu mục vụ của cộng đoàn thánh Matthew với nhiều người gốc Do Thái nay trở thành Kitô hữu nhưng họ vẫn còn sùng mộ và giữ luật Do Thái bao gồm cả luật ly dị (Deut 24:1-4).[38] Hay khi Phaolô và Mark nói đến trường hợp người vợ ly dị chồng (Mk 10:11-12; 1 Cor 7:11), độc giả ngày nay biết rằng chuyện này không thể xảy ra trong Do Thái giáo nhưng có thể xảy ra trong vùng văn hoá Hi lạp và Roma (nơi vợ có thể ly dị chồng).[39]

Với các giáo phụ, phản ứng về ly dị và tái hôn không đồng nhất, và không có một hệ thống thần học hay luật pháp nào rõ rệt. Tái hôn ngay khi người phối ngẫu còn sống được chấp nhận cách bất đắc dĩ thời Origen.[40]
Luật khoản 8 của công đồng Nicea (năm 325) nói đến những người lấy vợ, lấy chồng lần thứ hai (digamoi) khi người phối ngẫu còn sống là phạm trọng tội, và họ cần làm một số những việc đền tội và hình phạt cần thiết trước khi được hoà giải lại với Giáo Hội.[41]

Thánh Basil Cả (330-379) khi viết thư cho giám mục vùng Caesarea, nhắc đến trường hợp một người đã ly dị vợ và lấy vợ khác, nhưng sau bảy năm thật lòng ăn năn, sám hối, ông đã được Giáo Hội tha thứ và cho phép trở lại sinh hoạt trong Giáo Hội mà không phải từ bỏ người vợ thứ hai này. Thánh Basil nói đến “đáng được tha thứ” và “sự tha thứ sẽ được ban cho ông để ông tái hội nhập với Giáo Hội.”[42]  Lý luận của thánh Basil Cả trở thành nền tảng cho những cắt nghĩa thần học của giáo hội Đông Phương khi họ chấp nhận cho việc ly dị và tái hôn như hiện nay.[43]
Reply


Messages In This Thread
RE: Tìm Hiểu Hôn Nhân và Gia Đình trong đời sống đạo . - by Hảo Hảo - 2018-03-12, 03:09 PM