Tìm Hiểu Hôn Nhân và Gia Đình trong đời sống đạo .
#6
IV.  Các Giáo Phụ Với Tính Bất Khả Phân Ly


Giáo huấn của Giáo Hội về tính bất khả phân ly trong hôn nhân được coi là rõ ràng và mang tính liên tục, nghĩa là, truyền thống Giáo Hội để lại cho thấy lời dạy về tính bất khả phân ly thật sự đến từ Chúa Giêsu, qua các tông đồ, và luôn được Giáo Hội gìn giữ tính xác thực của nó.

Với các giáo phụ trong những thế kỷ đầu, đã có nhiều ý kiến trái chiều khi diễn dịch ý tưởng này. Thánh Gregory chấp nhận tái hôn: “Hôn nhân đầu tiên là hợp hoàn toàn với luật, hôn nhân thứ hai được dung thứ bởi ân xá, hôn nhân thứ ba là nguy hiểm. Và hôn nhân thứ tư khiến con người như con heo.”[16]  Thần học gia Athenagoras (thế kỷ II) viết: “Ai mà bỏ vợ, ngay cả khi đã chết, để lấy vợ khác là ngoại tình trá hình vì vi phạm điều Thiên Chúa đã sắp xếp, vì từ đầu Thiên Chúa tạo dựng chỉ một nam một nữ.”[17]

Trong tập giáo huấn Vị Mục Tử Của Hermas (cuối thế kỷ I - đầu thế kỷ II), một tác phẩm được coi là tiêu chuẩn giáo lý và giáo luật cho Kitô hữu trong hai thế kỷ đầu của Giáo Hội, đã dạy: “Hãy để cho người chồng ly dị bà và để người chồng sống độc thân. Nếu chồng ly dị vợ và lấy người khác, người đó phạm tội ngoại tình”[18] Justin Martyr (100-165?) cũng dạy những lời tương tự.[19] Origen (184-254?) khi chú giải Tin Mừng Matthew viết: “Một người đàn bà ly dị và lấy chồng khác trong khi người chồng trước còn sống là người ngoại tình, và người đàn ông đến với người đàn bà ly dị này không phải là kết hôn, nhưng theo lời Chúa chúng ta, ông này đang phạm tội ngoại tình với bà kia”[20]

Công đồng miền Elvira (năm 300) dạy rằng những bà nào bỏ chồng và ở với người khác sẽ không được rước lễ ngay cả khi sắp chết (canon 8). Cả trong trường hợp người chồng ngoại tình, người vợ cũng không được tái hôn. Ai tái hôn thì không được phép Rước Lễ cho đến khi xa lìa người chồng mới này (canon 9). Và nếu một người chồng ngoại (không có rửa tội) bỏ vợ mình mà không có lý do chính đáng để lấy một Kitô hữu, người vợ Kitô hữu này không được phép lấy người đàn ông đó vì như thế là chia rẽ gia đình họ. Nếu Kitô hữu lấy người ngoại đó, người vợ Kitô hữu này không được Rước Lễ, ngay cả khi nguy tử (canon 10).

Công đồng miền Arles (năm 314) dạy: “Với những ai còn trẻ và trung thành nhưng phát hiện vợ mình ngoại tình, công đồng chỉ thị rằng họ không thể tái giá bao lâu người vợ còn sống, ngay cả khi vợ ngoại tình” (canon 11).[21]

Thánh Basil Cả (330-379) viết: “Một người cưới vợ của một người khác sau khi hai người không còn ở với nhau vẫn bị coi là phạm tội ngoại tình.”[22]

Thánh Ambrose thành Milan (337-397) nghiêm cấm ly dị, và nếu vì lý do chính đáng mà ly dị thì hai người không được tái hôn khi người bạn đời kia còn sống.[23] Ngài nhắc lại con người không được phân ly việc gì Thiên Chúa đã kết hợp.[24]

Thánh Jerome (347-420) cũng nhắc đến vợ chồng không được tái hôn sau khi chia tay nhau,[25] ngay cả khi vợ phạm tội ngoại tình, người chồng vẫn không được tái hôn khi vợ mình còn sống.[26]

Thánh Gioan Kim Khẩu (349-407), khi chú thích Tin Mừng Matthew đã khẳng định nguyên tắc nghiêm khắc của Chúa Giêsu về tính không phân ly trong hôn nhân, viết: “Theo nguyên tắc tạo dựng và theo luật được ban cho (con người), Đức Giêsu Kitô dạy rằng người nam phải ở với người nữ luôn, và không chia tay nàng.”[27] Ngài khuyên Kitô hữu giữ mình, không tái giá ngay cả khi chồng chết (và được phép) vì như thế họ bất trung với người đã qua đời.[28]

Đức giáo hoàng Innocent I (trị vì 401-417) trong thư viết năm 408 dạy: “Chúng ta coi một phụ nữ là ngoại tình nếu bà lấy chồng lần thứ hai trong khi người chồng kia còn sống, và sẽ không cho bà đó được hưởng ân xá đền tội cho đến khi một trong hai người đàn ông qua đời.”[29]

Đến cuối thế kỷ thứ tư, thánh Augustine (354-430) nói rằng khi người chồng rẫy vợ vì vợ ngoại tình, và lấy một người vợ khác thì không chỉ người vợ mang tội ngoại tình mà cả người chồng cũng mang tội ngoại tình nữa. Ngài còn đi xa hơn và nói rằng cả người (vợ sau) lấy người chồng này cũng mang tội ngoại tình. Với những người chồng, nếu họ ly dị vợ dù với lý do tội gian dâm chính đáng hay chỉ tìm cớ ly dị để lấy người khác, cả hai đều mang tội ngoại tình, nhưng người ly dị vợ vì gian dâm ít tội hơn mà thôi.[30]Ngài cũng cắt nghĩa rằng một phụ nữ sẽ không là vợ của một người đàn ông khác cho đến khi nàng chấm dứt làm vợ người chồng trước… và đó là khi “chồng chết chứ không phải khi chồng phạm tội gian dâm. Một người có thể bị chia lìa (ly thân) bởi tội gian dâm, nhưng ràng buộc hôn nhân vẫn còn.”[31]

Tóm lại, ta có thể thấy được rằng các giáo phụ trong những thế kỷ đầu của Giáo Hội lên án việc ly dị và tái hôn, và lời dạy các Ngài được củng cố qua lời dạy các công đồng và các giáo hoàng.[32] Điều nhiều người đặt câu hỏi ở đây là liệu các giáo phụ lên án tái hôn vì tính bất khả phân ly của hôn nhân hay vì yếu tố luân lý của hôn nhân? Nói cách khác, trong các bài viết, các giáo phụ không nói đến tính bất khả phân ly mà chỉ nói đến tội khi ly dị và tái hôn, vậy tội các ngài nói đến là tội từ cám dỗ xác thịt hay tội vi phạm ràng buộc tính bất phân ly của hôn nhân.[33]
 
Reply


Messages In This Thread
RE: Tìm Hiểu Hôn Nhân và Gia Đình trong đời sống đạo . - by Hảo Hảo - 2018-03-12, 02:34 PM