Tìm Hiểu Hôn Nhân và Gia Đình trong đời sống đạo .
#5
III.   Nguồn Gốc Kinh Thánh



Kinh Thánh nói gì đến tính bất khả phân ly của hôn nhân và việc tái hôn? Trước hết, ta bàn đến tính bất khả phân ly. Sách Đệ Nhị Luật ghi lại trong thời Cựu Ước, ly dị và tái hôn được chấp nhận.[7] Khi li dị, người chồng trao cho vợ chứng thư li dị, và người vợ được tự do đi lấy chồng khác (Deut 24:1-4).[8] Chiếu theo luật này, chỉ người chồng mới có quyền li dị, và người vợ chỉ nhận chứng thư li dị chứ không có quyền ly dị người chồng.
[9]
Sau khi Chúa Giêsu sống lại, Kitô hữu quen thuộc với lời dạy: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mk 10:9). Đọc Tin Mừng Luke 16:8, Mark 10:2-12, Matthew 5:32 và 19:3-9, các nhà kinh thánh đồng ý rằng Chúa Giêsu chắc hẳn đã đi ngược lại truyền thống của Do Thái lúc bấy giờ khi kêu gọi con người không được ly dị và tuyên bố tính bất phân ly của hôn nhân vợ chồng.

Tin Mừng Mark và Matthew kể khi những người Pharisiêu đến chất vấn Chúa Giêsu về việc luật Môsê cho phép ly dị và tái hôn (Mk 10:2-12; Mt 19:3-12), Ngài đã nhắc cho họ nhớ rằng ngay từ ban đầu Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ (Gen 1:27), và ý định của Thiên Chúa là kết hợp hai người nên một, mỗi người phải từ bỏ cha mẹ mình để đến với nhau (Gen 2:24). Việc Môsê cho phép rẫy vợ chỉ vì “các ông lòng chai dạ đá, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu” (Mt 19:8).

Không chỉ từ chối ly dị, Chúa Giêsu còn dạy thêm “ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngọai tình đối với vợ mình, và ai bỏ chồng đế lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình” (Mk 10:11-12).[10] Đây được xem là bằng chứng rõ ràng nhất, mà hầu hết các nhà chú thích Kinh Thánh đồng ý rằng Chúa Giêsu khẳng định tính bất khả phân ly của hôn nhân.

Dù biết luật Môsê cho ly dị hợp pháp, Chúa Giêsu cảnh cáo những ai ly dị vợ để lấy người khác là phạm tội ngoại tình, mà tội này chỉ có thể được hiểu khi ràng buộc hôn phối vẫn còn.[11] Nói cách khác, dù hợp pháp khi ly dị, luật đạo của Thiên Chúa vẫn không cho phép.[12] Việc Môsê cho phép rẫy vợ chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu mục vụ khi con người yếu đuối, nhưng không thể thay thế luật Thiên Chúa đã có ngay từ ban đầu, đó là “cả hai nên một… và không được phân ly(Mk 10:9; Mt 19:4-6).

Thêm vào đó, phản ứng rất ngạc nhiên của các môn đệ càng củng cố tính chính xác của những lời dạy quá nghiêm khẳc của Chúa Giêsu, nếu không nói là táo bạo, vì đi ngược với lối sống bấy giờ: “Các môn đệ thưa Người: “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn” (Mt 19:10). Không trực tiếp trả lời câu hỏi các môn đệ, Chúa Giêsu nói đến ơn sống độc thân: “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu. Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu” (Mt 19:11-12).

Thánh Phaolô cũng xác nhận lời Chúa Giêsu dạy qua thư gởi tín hữu Côrintô: “Còn với những người đã kết hôn, tôi ra lệnh này, không phải tôi, mà là Chúa: vợ không được bỏ chồng, mà nếu đã bỏ chồng, thì phải ở độc thân hoặc phải làm hoà với chồng; và chồng cũng không được rẫy vợ” (1Cor 7:10-11). Việc xác nhận này giúp các nhà chú thích Kinh Thánh và thần học quả quyết rằng chính Chúa Giêsu đã dạy tính bất khả phân ly trong hôn nhân.[13] Trong đoạn trích trên, thánh Phaolô không nói đến lý do ly dị, nhưng cho dù có lý do chính đáng, Ngài vẫn kêu gọi không tái hôn. Lời dạy này được nhắc một nữa trong thư gởi tín hữu Roma: “Vậy bao lâu chồng còn sống, mà vợ đi lấy người khác, thì sẽ bị gọi là kẻ ngoại tình. Nhưng nếu chồng chết, thì vợ được tự do không phải giữ luật đó nữa, và có đi lấy người khác, cũng không phải là ngoại tình” (Rm 7:3).

Tóm lại, các Tin Mừng Matthew, Mark, Luke và thư của Phaolô cho ta cơ sở vững chắc để tin rằng Chúa Giêsu đã dạy tính bất khả phân ly của hôn nhân.
Thứ hai, về việc tái hôn. Truyền thống Do Thái giáo cho phép tái hôn khi người phối ngẫu qua đời, hay ta thường nói “cho đến khi sự chết chia lìa chúng ta.” Tính bất khả phân ly được trân trọng không có nghĩa là sự gắn bó muôn đời với một người, mà chỉ bao lâu người đó còn sống mà thôi. Kitô hữu tin rằng cả Chúa Giêsu cũng không lên án việc các bà goá tái giá (trong câu chuyện một người đàn bà lấy 7 anh em làm chồng – Lk 20:29-31), nhưng Ngài chỉ nói đến con người sau khi sống lại trong nước Thiên Chúa thì sinh hoạt như thiên thần, và việc dựng vợ gã chồng không còn nữa (Mk
12:25). 

Thánh Phaolô cũng có cùng kết luận chấp nhận vợ lấy chồng khác khi người chồng chết (Rm 7:2-3; 1 Cor 7:8-9). Và khi giảng dạy về thời kỳ sau hết (tức thời kỳ thánh Phaolô tin là Ngài đang sống và đang chuẩn bị đón Đức Kitô trở lại lần thứ hai), thánh nhân nhắn nhủ con người ưu tiên chuyên tâm cầu nguyện, chay tịnh, sửa mình… hơn là lo dựng vợ gã chồng (điều này áp dụng cho người goá cũng như độc thân). Tuy nhiên, thánh Phaolô cũng rất thực tế khi chấp nhận việc dựng vợ gã chồng như một điều kiện bất đắc dĩ cho những ai “nếu không tiết dục được, họ cứ kết hôn, vì thà kết hôn còn hơn là bị thiêu đốt” (1 Cor 7:9).

Hiểu được tính yếu đuối của con người, trong thư gởi cho Timôtê,[14] thánh Phaolô đã có những lời khuyên hợp lý cho từng hoàn cảnh cá nhân (1Tim 5:11-16). Ngài cũng khuyên các goá phụ còn trẻ nên tái giá để tránh những dịp tội khác: “vậy tôi muốn các bà goá trẻ hãy tái giá, sinh con cái, lo việc cửa nhà; đừng để cho đối phương có dịp bới móc” (1 Tim 5:14).[15]

Điều đáng chú ý ở đây là dù tái hôn được phép, nhất là trường hợp người phối ngẫu đã chết, nhưng những cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên vẫn ưu tiên chọn những người không tái hôn làm lãnh đạo. Trong thư gởi cho Timôtê, tác giả đưa tiêu chuẩn cho người giám quản cộng đoàn (tương đương với giám mục ngày nay) là “người chỉ một đời vợ” (1 Tim 3:2), và những người tự nguyện phục vụ giáo hội (trong nhóm các bà goá) là những người “vợ của một chồng” (1 Tim 5:9). Thánh Phaolô thì cho rằng “nếu chồng chết rồi, thì vợ được tự do muốn lấy ai thì lấy… nhưng theo ý tôi, người ấy có phúc hơn nếu cứ ở vậy” (1 Cor 39-40).
Reply


Messages In This Thread
RE: Tìm Hiểu Hôn Nhân và Gia Đình trong đời sống đạo . - by Hảo Hảo - 2018-03-11, 08:26 PM