2020-07-31, 08:38 AM
Chính vị lợi thế của mạng internet nằm trên quỹ đạo LEO nên các công ty lớn đã nhảy vào thị trường này để lập riêng một mạng internet độc lập.
• Google có dự án là Loon nhưng không phải là vệ tinh LEO nhưng là một loại khinh khí cầu, nằm lơ lửng trong không trung. Tuy không nằm ở quỹ đạo thấp nhưng trên đám mây, cao hơn tuyến bay của máy bay liên lục địa (10 km). Google sắp hoàn thành đường cáp quang Dunant nối liền Virginia đến Pháp (nằm dưới lòng Đại tây dương) vói tốc độ truyền dẫn chóng mặt 250Tbps (250 nghìn tỷ bit mỗi giây). Tính đến nay (2020), Dunant là đường cáp quang chuyển tải dữ liệu nhanh nhất với 12 cặp dây, so với 8 cặp của các công ty viễn thông khác. Một đường cáp quang khác, tên Curie, sẽ nối California với Chilê. Đường cáp quang Equiano sẽ nối Bồ đào nha với Nam Phi.
• Amazon đang thiết lập mạng Kuiper. Vệ tinh Kuiper cũng nằm trên quỹ đạo LEO chứ không treo lơ lửng giữa không trung như Loon. Kuiper mang những tính chất trổi vượt như Starlink, và nhắm vào thị trường Nam Mỹ.
• Facebook hiện đang dùng chung đường cáp quang Marea với Microsoft. Để chạy đua với đường cáp quang Dunant, FB đang mở đường cáp quang Simba dưới đáy biển, chạy chung quanh châu Phi.
LỢI THẾ CỦA MẠNG 5G
Từ đầu năm 2020, các công ty viễn thông đã ráp đặt các thiết bị cần thiết cho mạng 5G, bắt đầu từ các thành phố Atlanta, Chicago, Dallas-Fort Worth, Houston, và Kansas City. Mạng 5G sẽ phát triển và ráp đặt dần dần cho đến cuối năm 2022, lúc đó mạng 4G sẽ bị đào thải.
Mạng di động 5G hiện nay là một cuộc cách mạng kỹ nghệ trong thế giới mạng. Nó quan trọng vì năng lực của mạng 5G làm thay đổi nghiêm trọng cuộc sống của con người trong hầu hết mọi phương diện, từ kinh tế đến văn hóa, từ gia đình đến xã hội, từ hưởng thụ các tiện nghi đến tiện dụng và tiện lợi. Vì thế, gọi mạng 5G là cuộc cách mạng kỹ nghệ quả thật không ngoa.
1. Cuộc Cách mạng Kỹ nghệ lần thứ Nhất (1800, đầu thế kỷ 19) sử dụng nước và hơi nước để tạo năng lượng, cơ giới hóa sản xuất.
2. Cuộc Cách mạng Kỹ nghệ lần thứ Hai (1870) sử dụng điện để tạo năng lượng, tạo ra sản xuất hàng loạt.
3. Cuộc Cách mạng Kỹ nghệ lần thứ Ba (1969) sử dụng thiết bị điện tử và máy vi tính để tự động hóa sản xuất.
4. Cuộc Cách mạng Kỹ nghệ lần thứ Tư (2020) sử dụng các mạng và thiết bị 5G để cho phép điều khiển vô tuyến từ xa và điều phối sản xuất.
Công dụng của mạng 5G thì vô vàn. Dự kiến mạng 5G sẽ kết nối mọi người, mọi thứ, mọi dữ liệu, mọi ứng dụng, tất cả hệ thống giao thông với thành thị, tổ chức, cơ quan, hãng xưởng qua một môi trường giao tiếp mạng tinh vi. Hệ 5G sẽ vận chuyển một lượng dữ liệu khổng lồ nhanh hơn nhiều, kết nối vững vàng và xác thực với một số lượng thiết bị cực lớn và xử lý khối lượng dữ liệu rất cao với độ chờ tối thiểu.
Các công nghệ 5G dự kiến sẽ hỗ trợ các ứng dụng cho nhà thông minh (tiện nghi wireless trong nhà sẽ dễ dàng và trôi chảy hơn, các thiết bị điện tử trong nhà nối kết nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn) và thành phố thông minh (GPS chính xác hơn, xe không người lái), video 3D, làm việc và giải trí từ máy chủ đám mây (cloud server), dịch vụ y tế (như giải phẫu, khám bệnh) từ xa, tăng cường truyền tải giữa hệ thống máy móc và máy vi tính cho việc tự động hóa công nghiệp.
Nếu so sánh các tính chất như bước sóng λ chỉ 10 mm (tối ưu đạt được 1 mm), và tốc độ truyền dẫn (tối ưu) 10Gbps, và độ chờ tối thiểu 1-2 ms, mạng 5G hơn hẳn mạng di động 4G. Nhưng mạng 5G lại có những hạn chế sau:
• Vì bước sóng λ ngắn nên truyền dẫn dữ liệu không đi xa được. Vì thế, mạng 5G cần nhiều cột tiếp sóng hơn, và cách nhau chừng 150 - 500m. Ước đoán từ 2018 – 2026, các công ty viễn thông sẽ trồng thêm 750.000 cột tiếp sóng trên toàn nước Mỹ.
• Hiệu quả kinh tế khi trồng thêm nhiều cột. Bởi thế trong đô thị, thành phố đông dân thì có lợi vì có nhiều người đặt mua dịch vụ, nhưng ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, nơi ít người thì rõ ràng không. Thống kê cho thấy phí tổn đưa mạng 5G về vùng quê lên đến $40.000/người, trong khi ở thành phố chỉ tốn $800/người.
• Rất dễ bị mất sóng vì khó vượt tường, cửa kiếng, lúc trời mưa, cây cối rậm rạp...v..v.
Tuy mạng internet Starlink không xâm nhập thị trường di động nhưng một khi Starlink cải tiến độ chờ xuống ngang ngửa với hệ 5G, thì các vệ tinh Starlink có thể so sánh với các cột tiếp sóng dựng trên khắp mặt đất. Nếu Musk phóng lên quỹ đạo chừng 120.000 vệ tinh Starlink thì ý tưởng dùng chúng như các cột tiếp sóng (tuy có xa hơn, độ chờ cao hơn) cũng rất đáng được quan tâm. Đây chỉ là một ý tưởng của người viết: trong tương lai, Starlink có thể dùng trong hệ điện thoại di động. Thêm một trở ngại nữa là ăng-ten của Starlink còn quá lớn (kích thước như chiếc bánh pizza) so với ăng-ten của hệ 5G chỉ bằng đồng xu.
Nhưng không ai biết được tương lai. Thời đại điện tử, sự cải tiến nhanh đến độ chóng mặt. Nó thay đổi hầu như mỗi ngày. Con người miệt mài ngồi trong phòng thí nghiệm để tạo ra những sản phẩm mới, tốt hơn, rẻ hơn, hữu hiệu hơn. SpaceX sẽ nghiên cứu và cải tiến vệ tinh Starlink để giúp nhân loại thụ hưởng một mạng internet có phẩm chất cao nhất, và hiệu quả nhất.
Để thử nghiệm mạng 5G, quý vị phải mua một chiếc điện thoại mới, trong đó có ráp đặt cái modem Qualcomm SDX50M và 4 miếng ăng-ten như hình trên.
Hà Ngân