Ánh Đạo Vàng - Nguyễn Đình Cường
#5
ÁNH ĐẠO VÀNG

Tác Giả: Nguyễn Đình Cường


[Image: %C4%90%E1%BB%A9c_Ph%E1%BA%ADt.jpg]

[Image: 78.gif][Image: 78.gif][Image: 78.gif]


Phần 3



Võ Đình Cường


Nguồn: Võ Đình Cường




Đường trong thành Ca-tỳ-la-vệ đã được quét chùi bóng loáng. Cờ phất phới bay trên những cành cây cao. Tường phố đều tô vôi lại như mới. Những đóa hoa trong chậu cảnh đều xoay mặt ra phía đường. Khói hương trầm bay nghi ngút trong những hương án thờ Nhật thần và các vị thần khác, dựng lên ở các ngã ba, ngã tư. Từng đoàn lính nhà vua, hôm trướe đã đi khắp các đường dõng dạc rao: “Ngày mai Thái tử Tất-đạt-đa được lệnh đi thăm thành phố. Hoàng thượng truyền rao cho các phố xá phải trang hoàng đẹp đẽ để tiếp Thái tử. Không aỉ được để lộ cảnh tượng xấu xa hay buồn thảm. Những người già ốm hay tật nguyền không được lảng vảng ngoài đường. Các lễ hoả táng phải hoãn sang ngày khác. Ai không tuân lệnh sẽ bị trừng phạt nặng”.


Nên thành Ca-tỳ-la-vệ hôm ấy được trang hoàng như ngày đại hội. Thái tử từ trong thành ra, ngồi trên một cỗ xe, có hai con bò trắng như tuyết kéo. Một nỗi hân hoan lan tràn trên các đường phố và Thái tử sung sướng nhìn đám dân vui vẻ trong những bộ quần áo sặc sỡ đang quấn quýt quanh xe. Ngài cười mãi, hai mắt vui như hai vành trăng thượng tuần, chứa đầy một niềm âu yếm trướe cảnh tượng hoan lạc của đám bình dân, và đám bình dân kéo nhau theo sau xe Ngài như một dòng nước chảy, vừa tung lên mình Ngài những đoá hoa rực rỡ, vừa hoan hô:

“Thiên xuân Thái tử! Thiên xuân Thái tử!” Ngài quay mặt về phía tên đánh xe:

– Ồ! Ðời bình yên quá, Xa-nặc ơi! Ta không ngờ đám thường dân ở dưới quyền thống trị của phụ hoàng cũng được hưởng hạnh phúc chẳng kém gì ta. Chỉ nhìn vẻ sung sướng của bao nhiêu người ấy, ta cũng thấy tràn vào lòng ta bao hạnh phúc rồi. Ồ dễ thương quá! Ðứa trẻ đang bặm môi tung hoa vào xe ta đó? Ngươi hãy bảo nó lên ngồi với ta đi. Chao ôi! Sung sướng quá, ngươi hãy cho xe đi xa nữa đi.

Cỗ xe khoan thai tiến tới, hai bánh ngập một nửa dưới đường đầy hoa. Ðến một quãng đường cong, bỗng từ trong chòi tranh lảo đảo bước ra một ông già nương mình còng trên chiếc gậy ngắn. Tóc ông ta bạc như vôi và bờm xờm như ổ quạ làn da nâu nhăn nhíu giống hạt cau khô; đôi mắt sâu và đục ngầu tượng trưng cho hai vũng nước đọng. Tất cả mình ông chỉ là một bộ xương người biết cử động, dán ở ngoài một lớp da nhăn. Trước những tiếng nạt nộ và xua đuổi của quân hầu, bộ xương ấy lập cập vấp ngã ra giữa đường. Quân hầu hối hả chạy lại, kéo lão ra một bên. Nhưng Thái tử truyền giữ lại:

– Xa-nặc! Cái gì đấy? Có phải một người không? Sao ta trông không giống chút nào với những người đang ở xung quanh ta thế?

–Thưa Thái tử, đây là một người già. Lúc mới sinh, ông ta cũng như mọi người khác, nhưng vì thời gian mỗi ngày một tàn phá mà sanh ra như thế! Ðấy là một việc thường, có gì lạ đâu mà Thái tử phải để tâm đến?

– Người bảo là một chuyện thường? Thế thì ta, Da-du và mọi người sẽ thành như thế cả sao?

– Thưa, rồi sẽ như thế cả, nếu sống lâu.

Thái tử nhìn trân trân vào mặt Xa-nặc một hồi, như để nhớ lại một điều gì, rồi bảo quay liền xe về cung.

***

Từ chiều ấy trở đi, Ngài không vui nữa. Những món ăn như có tro lẫn vào, Ngài không làm sao nuốt qua khỏi cổ; những tiếng đàn như hoà theo với tiếng khóc than; và vẻ uể oải không biết tự lúc nào đã len vào trong những dáng điệu của đoàn vũ nữ.

Nàng Da-du rướm nước mắt, quỳ xuống bên chân Ngài, van vỉ:

– Hôm nay đi chơi về, sao Ngài lại buồn quá thế? Chuyện gì đã làm phật ý Ngài chăng? Nhưng dầu có chuyện gì xảy đến đi nữa, thì ái tình của đôi ta cũng đủ đem hạnh phúe lại cho chúng ta rồi, can chi mà Thái tử buồn lắm thế?

– Em ơi? Cái hạnh phúc ấy không vĩnh viễn. Ta nghĩ đến một ngày chúng ta sẽ già yếu và xấu xa; thời gian sẽ phủ lên đầu chúng ta những lớp tro bạc. Ôi! Mất trong của em rồi sẽ mờ đục. Môi đỏ của em sẽ úa màu! Và hai bàn tay đẹp đẽ thế này sẽ co quắp lại như những que củi khô! Ta nghe trong ta, trong em và trong cả mọi người, mỗi ngày mỗi đổ vỡ dưới sức tàn phá của búa thời gian, tất cả những gì quý giá của đời người. Ta nghe trong ta, trong em và trong cả mọi người, tiếng rần rộ của những cỗ xe đang theo nhau chở những của báu ấy đi dần! Ôi tức tối! Thế mà chỉ đứng nhìn sự tàn phá ấy, không thể cản ngăn!.

Chúng ta ôm giữ một cách tuyệt vọng những bảo vật ở trong ta, như ôm giữ một cái bóng, như nắm bất một làn hương!

Em ơi ! Chúng ta đang ngồi yên trong ánh sáng, mà ta nghe như đang xê xích mãi về trong bóng tối! Chúng ta thật có xê dịch vào trong bóng tối không? Hay chính bóng tối đang xê dịch về phía chúng ta đấy, em nhỉ? Nhưng tìm hiểu mà làm chi? Ðiều chắc chấn là chúng ta sẽ xa ánh sáng hạnh phúc, xa những của báu trong chính chúng ta, mà xưa kia, ta đã tưởng sẽ bất di bất dịch ở với chúng ta cho đến ngày tận thế!

Ðêm ấy, Thái tử trằn trọc mãi, không ngủ được.

Và cũng đêm ấy, trong giấc ngủ say, Tịnh-phạn vương mơ thấy bảy điềm mộng dữ, báo trước rằng Thái tử sắp xuất gia. Ngài lo sợ lắm, lại tuyển thêm vũ nữ, ca nhi để làm khuây lòng Thái tử và để giữ Ngài lại trong “Cung Vui”.

Nhưng bao nhiêu cố gắng eủa bọn cung phi, mỹ nữ đều vô hiệu. Thái tử không thể vui lên! Tâm trí của Ngài mỗi ngày mỗi bị một sức mạnh gì lôi kéo ra ngoài đường phố. Ngài đoán chắc ở đấy còn có nhiều sự bí ẩn khác mà Ngài chưa thấu rõ đấy thôi. Một hôm, Ngài đến triều, xin với vua cha:

– Tâu phụ hoàng, lần trước phụ hoàng vì muốn làm vui lòng con mà truyền cho dân gian che giấu những cảnh tượng xấu xa, đau đớn và chỉ truyền bày toàn những cảnh tượng vui tai, vui mắt trong các phố phường. Cái ân huệ ấy, thật con không biết lấy gì đền đáp cho vừa. Nhưng con tưởng đây không phải là đời sống thật hàng ngày. Vậy dám xin phụ hoàng mở lượng hải hà, cho con được chung đụng với cuộc đời của đám thường dân, thấy tường tận những cách sống và làm việc của họ, để con biết được một đôi phần kinh nghiệm.

Tịnh-phạn vương ngẫm nghĩ một hồi lâu, rồi truyền cho con ngài được như nguyện. Ngài tự bảo: “Con ta đã xúc động nhiều trước cảnh khổ, vì mới thấy một lần đầu, nhưng lần này, có lẽ nó sẽ quen với nhiều cảnh khổ khác mà không xúc động mạnh như lần trước nữa chăng? Mà phải, ta cũng nên để cho con ta quen dần với những cảnh thực tế. Ừ, sáng suôt là những kẻ đứng ngoài. Sự chung đụng sẽ làm lờn xúc cảm”.

Ngày hôm sau, lúc giữa trưa, Thái tử và Xa-nặc đổi dạng thành hai người lái buôn đi bộ ra cửa thành. Hai người chen lẫn trong đám thường dân, thấy cảnh tượng vui cũng nhiều mà buồn cũng lắm: người bán hàng ngồi xếp bằng tròn giữa những thúng hàng bày la liệt ra tận đường cái; kẻ gánh kiệu vừa đi vừa hát; những cỗ xe bò kềnh càng chở đầy hàng hoá; từng đoàn thiếu phụ đội hay xách những vò nước múc ở giếng về; một đàn lạc đà cao nghều nghệu ngơ ngác đi giữa đám đông. Từng cụm người chen chúc quanh một người dụ rắn, kẻ đứng sau kê cằm lên vai người đứng trước, say sưa xem những con hổ mang đang phồng má theo nhịp tiếng kèn, hay bò quanh thân hình chủ nó. Thỉnh thoảng một đám người mang kèn trống đi qua, rồi đến một toán người, ngựa trang hoàng rực rỡ đi rước cô dâu về nhà chồng. Một vài thiếu phụ kính cẩn đội một khay hoa quả đến đền cầu thần cho chồng mình đi buôn xa mau về, hay cho mình sanh được con trai. Trong các trường học, những cậu bé đầu trọc ngồi quanh nửa vòng, hát những đoạn thơ lịch sử về các vị Thánh. Cái gì đối với Thái tử cũng lạ mắt, lạ tai, và chân Thái tử đưa Ngài đến bờ sông bao giờ Ngài không hay. Ngài định đứng ngắm cảnh tấp nập của thuyền bè đi qua. Nhưng gần bên gốc cây có tiếng ai rên rỉ: “Cứu tôi với, các người ơi! Ôi, ôi đau quá! Tôi chết ở đây thôi! A, tôi chết ở đây rồi!” Người ấy nằm sấp trên đất, hai tay bấu vào cỏ, đầu ngước lên trời, mình run cầm cập; miệng méo hẳn lại, hai mắt trắng như bạch lạp, hơi thở gấp gấp; từng giọt mồ hôi toát trên trán lạnh. Người khốn nạn cố bám vào một gốc cây để đứng dậy, nhưng vừa đứng chưa vững đã ngã xuống, rên rỉ: “Ai cứu giùm tôi, tôi chết rồi!”

Thái tử liền chạy đến, đỡ người đau dậy, kê đầu ông ta vào đầu gối mình và lau mồ hôi chảy trên trán. Ngài vừa vuốt ve vừa hỏi:

– Người đau gì thế? Nói cho ta hay đi, sao lại rên siết mãi thế? Xa-nặc ơi. Người này vì sao mà rên la thảm thiết như thế? Có cách gì chữa được cho người ấy, hãy nói cho ta nghe.

– Thưa Thái tử, người ấy mắc phải chứng dịch hạch, không có cách gì chữa được.

– Chắc là đau đớn lắm?

– Thưa Thái tử, chính thế. Chỉ nhìn những cử chỉ, nét mặt của người ấy cũng đủ biết ông ta đau đớn biết chừng nào! Nhưng xin Thái tử hãy để người ấy xuống, đừng ôm vào lòng như thế, bệnh sẽ truyền sang Ngài.

–Sang ta?–Thái tử hỏi, vẻ ngạc nhiên.

– Thưa Thái tử, sang cả Ngài cũng như sang cả mọi người. Nhưng nào phải chỉ riêng một bệnh này. Còn bao nhiêu bệnh khác cũng nguy hiểm như thế cả, bệnh dịch tả, đậu mùa, ho lao, phong... ôi làm sao kể xiết được. Và nào có ai biết chúng sẽ nhập vào mình lúc nào! Chúng đi đến, lặng lẽ như một con rắn bò dưới cỏ, như một con hổ đứng rình trong bụi, nhưng khi nó phát ra thì nhanh như một tiếng sét.

– Thế thì người đời luôn luôn sống trong sợ hãi, lo âu?

– Thưa như thế đó, Thái tử ơi! Không có thể tự hào : “Tôi sống yên ổn và sung sướng hôm nay, và ngày mai, tôi cũng sung sướng và yên ổn như hôm nay”. Bao nhiêu sự bất ngờ, đau đớn đang rình đón ở hai bên đường đời, người ta không bị lâm vào hoạn nạn này thì lâm vào hoạn nạn khác, cho đến một ngày kiệt quệ, không thể bước tới nữa, người ta buông xuôi tay, ngã lăn ra bên dường, nhắm mắt lại và nằm lẫn lộn với đất đai! Thưa Thái tử, đến chết là kết liễu một đời.

– Ðến chết là kết liễu một đời?

Thái tử đang ngạc nhiên và băn khoăn vì câu nói ấy, thì phía trước Ngài, một đám tang đi qua.

– Thưa Thái tử, kia kìa, một cảnh chết đang đi qua!

Ngài nhìn lên. Một đám người đang đi về phía bờ sông. Mở đầu là một người bưng một lư trầm bằng đất; theo sau, năm sáu người, đầu cạo trọc, áo choàng lôi thôi, vừa đi vừa kể lể: “Hỡi Rama! Rama cao cả ! Sao ngài không nghe tiếng cầu nguyện của chúng tôi! Hãy cầu nguyện giùm chúng tôi, các anh em ơi! Hãy cầu nguyện cho Rama nghe rõ!”

Sau cùng, tám người khiêng một tấm tre đan buộc vào bốn đòn tre; người chết nằm ở trên, chân trở ra đàng trước, mắt nhắm lại, miệng hơi mở, má thóp vào, hai tay gác lên bụng lép. Đến bờ sông, mấy người khiêng quay đầu thây ma về phía trước và kêu to : “Rama! Rama!” rồi đặt lên một dàn củi đã dựng sẵn ở đấy. Một người cầm bó đuốc châm vào củi. Ngọn lửa lan dần, thập thò một lúc quanh giàn hoả, rồi thè những cái lửa đỏ liếm cùng thây ma, và một lúc, hùa nhau táp mạnh vào. Trong chốc lát, giàn hoả cháy rực lên, khói toả nghi ngút, mùi khét lan một vùng.

– Thưa Thái tử–Xa-nặc nói và nói mãi như có ai xúi sử–rồi cái thây ấy sẽ cháy ra tro xám, người ta sẽ rải cùng bốn phương. Và thế là xong một đời. Không ai có thể tránh khỏi cái luật chung ấy được. Người đang bị thiêu trên giàn hoả kia, trước kia cũng đã ăn uống, rượu chè, say sưa với cuộc đời xây dựng chung quanh mình những thành trì vật chất tưởng như là vững chắc lắm. Nhưng có gì đâu! Một cái nọc rắn, một cái xương cá, một viên ngói rơi, một bước sẩy chân, một làn gió độc cũng đủ cắt ngang mạch sống của một đời. Thế là thôi, không còn cảm giác nữa, mình nằm trơ ra đấy, làm mồi cho thần hoả hay những bữa tiệc dài cho côn trùng trong đất!

Thưa Thái tử, chính bên chân Ngài, một người nữa vừa chết!”

Thái tử nhìn xuống. Người bệnh đã tắt thở, thân hình co quắp bên cạnh gốc cây!

Ngài ngước mắt lên trời, đôi hạt lệ thiêng rung rinh trong đôi mắt tràn đầy từ bi. Rồi Ngài cúi đầu xuống trong dáng điệu trầm tư để hội lại trong trí bao cảnh tượng xa xôi đã tản mác khắp nơi. Bên tai Ngài lại phảng phất những lời than của nhạc gió buổi chiều nào ở trong “Cung Vui”.

Bấy giờ, một tình thương thiết tha mãnh liệt trào dậy ở giữa lòng. Ngài dang hai tay lên như để ôm cả vũ trụ–cử chỉ của người mẹ ôm vào lòng đứa con đau khổ–mà dỗ dành:

– Hỡi thế giới khổ đau! Hỡi tất cả anh em quen và lạ đang giãy giụa trong lưới đau thương của cuộc đời! Ta đã thấy, đã cảm nghe rồi hơi thỡ thoi thóp của trần gian đang hấp hối. Ta đã nhận rõ bóng ảo huyền của lạc thú, sự mỉa mai của hạnh phúc, cái áo não của những nỗi lao khổ, nhọc nhằn! Thú vui chỉ mở đường cho đau khổ, trong hội ngộ đã sẵn mầm chia ly, trẻ trung đưa dần đến già yếu, sống đến chết, chết đến những cuộc sống vô định khác; và cứ như thế, từng hạt đau thương chạy vòng trên chuỗi hạt thương đau để đưa nhau về vô tận. Ðời chỉ có thế mà chính ta cũng đã say đắm với những khoái lạc huyển hoặc của bả đời.

Ta đã tưởng đời là một dòng nước trong xanh reo chảy mãi giữa hai bờ hoa thấm. Nhưng nước chỉ trong xanh được trong chốc lát, bờ hoa hiện nhanh như một làn chớp, và đây, dòng sông kéo mình qua những đoạn bùn lầy để lăn nhào vào trong biển nhớp! Ta đã thấu rõ chân tướng của sự sống rồi. Ta sẽ đi tìm cho nhân loại một con đường giải thoát. Ta đã thấy nhiều rồi! Ði về thôi Xa-nặc.

Hai thầy trò lặng lẽ đi về trong ánh sáng le lói của mặt trời hồng sắp tắt; bóng của hai người chập chờn bổ về phía trước, mỗi lúc một dài thêm.

Khi Thái tử bước lên thềm gạch của “Cung Vui” thì bóng Ngài dài dằng dặc bổ nhào vào trong cung trước. Và từng dấu giày bám bụi của cuộc đời bên ngoài in lần đầu tiên trên những tấm đá hoa trắng.

Còn tiếp

[Image: with-love-smiley-emoticon.gif]
Reply


Messages In This Thread
RE: Ánh Đạo Vàng - Nguyễn Đình Cường - by Xí Xọn - 2020-06-27, 10:53 PM