2020-04-14, 12:18 AM
Lớp Kinh Tạng Vietheravada, Paltalk
TƯƠNG ƯNG BỘ KINH
TK Giác Nguyên giảng
Nhị Tường ghi chép
===//===
TƯƠNG ƯNG BỘ KINH
TK Giác Nguyên giảng
Nhị Tường ghi chép
===//===
Quote:
TẬP I: THIÊN CÓ KỆ.
CHƯƠNG 1. TƯƠNG ƯNG CHƯ THIÊN
Quote:CHƯƠNG 1. TƯƠNG ƯNG CHƯ THIÊN
l. PHẨM CÂY LAU
Kính thưa quí vị, tôi hy vọng có đủ thì giờ để thưa chuyện với quí vị một chút và thời gian còn lại dành cho bài Tương Ưng Bộ kinh đầu tiên. Mục đích của lớp học này chúng tôi đã nói rõ trên facebook. Từ lâu và rất lâu, trên mười năm nay, nhiều lần để ý trên youtube hoặc các băng giảng ấn tống phát hành rộng rãi đến được tay chúng tôi, chúng tôi rất ưu tư khi chưa bao giờ thấy một vị pháp sư nào dù là Nam Tông hay Bắc phái, giảng về kinh tạng Nikāya mà y cứ vào chánh sớ Aṭṭhakathā cả. Chắc chắn câu nói này sẽ làm phiền rất nhiều vị, nhưng tôi xin thưa thiệt chưa bao giờ tôi được nghe một vị nào giảng về Trung Bộ, Trường Bộ, Tăng Chi, Tương Ưng, Tiểu Bộ, mà y cứ vào chánh sớ Aṭṭhakathā. Tôi rất tiếc là chư tăng Nam Tông lẫn Bắc Tông giảng về Kinh tạng, nhất là Trung Bộ Kinh chưa vị nào nhắc về chánh sớ Aṭṭhakathā. Vị nào biết Vi diệu pháp thì giải thích theo Vi diệu pháp, vị nào không mặn mà lắm với Vi diệu pháp thì giải thích theo cách hiểu của mình dựa trên bản dịch của HT Thích Minh Châu, chỉ vậy mà thôi. Ví dụ như, bài kinh Lõi Cây, bản dịch cũ gọi là kinh Tài Dụ. Nếu quí vị cảm thấy rằng chúng tôi nói quá lời, có vẻ cường điệu thì quí vị cứ thử hỏi quí thầy Bắc Tông Nam Tông nào thường giảng kinh Trung Bộ. Hỏi rằng trong bài kinh đó, Đức Phật có ví dụ: danh lợi, lợi lộc trong đời tu, giới luật, thiền định v.v..., những thứ đó nếu mình không khéo, nó sẽ cám dỗ đời tu của mình như người đi tìm lõi cây tưởng đó là lõi cây và sớm hài lòng với nó. Có người tìm được vỏ ngoài của cây, có người tìm được vỏ trong của cây. Có những tỳ kheo xuất gia trong giáo pháp này chưa gì hết được lợi lộc danh xưng, được tôn kính, quyền lực, họ dừng lại ở đó và không đi xa hơn. Có vị không bị quyền lực danh lợi cám dỗ nhưng vị đó sau khi giữ giới luật thanh tịnh thì thấy rằng mình là số một, “thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” và vị đó coi nhẹ người khác. Trong trường hợp này vị đó được xem là bị mắc kẹt trong giới luật. Phật pháp mênh mông mà chỉ mới có giới luật trong sạch mà đã coi mình là số một. Xin hỏi quí vị, danh lợi là cành lá, giới luật trong sạch là vỏ ngoài, vỏ trong chính là thiền định. Vị nào chứng đạt được tầng thiền này thiền kia rồi cho đó là tất cả những gì mình cần phải chứng đạt trong giáo pháp này, thế là vị đó vẫn nằm trong vòng lẩn quẩn mà thôi. Đức Phật dạy rằng, có vị vượt qua được vỏ ngoài, vượt qua được vỏ trong, đến phần giác cây, phần thịt gần lõi nhất. Quý vị đã bao giờ nghe quí thầy Nam truyền Bắc phái giải thích giác cây là gì không? Làm ơn mở giùm tôi bài kinh Ví Dụ Lõi Cây. Tôi muốn hỏi, Đức Phật đã nói ẩn dụ: danh lợi như cành lá, vỏ ngoài như giới hạnh, vỏ trong như thiền định, còn giác cây, nó là cái gì? Đó chính là lý do sau nhiều trăn trở thao thức, tôi quyết định phải có một lớp học như thế này. Chưa hết, bài kinh đầu tiên của mỗi bộ kinh có một điều thú vị mà tôi ngờ rằng đó là dụng ý của các vị A-la-hán kiết tập. Đó là, trong cả 5 bộ kinh Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng, Tăng Chi, Tiểu Bộ, bài kinh số một bao giờ cũng là bài kinh phải nói rằng là sâu sắc, đáng được xem là tinh hoa của Phật pháp. Đó là lý do tại sao tôi muốn chiều nay cùng các vị bắt đầu lớp học này, để từ nay về sau, diễn giải kinh tạng có nguồn có gốc một chút. Đừng nói chi lời Phật, chỉ riêng truyện Kiều, nếu hôm nay chúng ta không có bản chú giải của cụ Bùi Kỷ hay cụ Đào Duy Anh mà chỉ đọc của Trương Vĩnh Ký thôi thì không thể hiểu được. Cũng vậy, đọc kinh tạng mà không đọc Aṭṭhakathā chỉ có chết thôi. Để khỏi mất thì giờ của quí vị, tôi xin đi thẳng vào bài kinh. Tôi chỉ giảng mười lăm phút, vì đường truyền chiều nay rất là hên xui.
BỘC LƯU
Vào một ngày kia có vị thiên nhân xuống đảnh lễ Đức Phật và hỏi Ngài một câu: “Làm sao ngài vượt thoát bộc lưu?”. Hiểu theo ngôn ngữ thời nay là “bằng cách nào ngài chấm dứt phiền não, bằng cách nào ngài chấm dứt sanh tử?”.
[1] Bộc lưu
Bộc lưu có thể hiểu theo hai nghĩa: Bộc lưu là ‘ogha’, là dòng nước lớn dòng nước mạnh (cuồng lưu, bộc lưu, bạo lưu). Phiền não của mình, có thể gọi là “bốn dòng bộc lưu” hoặc bốn dòng bạo lưu, cuồng lưu cuốn phăng hết mọi thứ. Dòng sanh tử là một dòng chảy. Danh sắc cũng vô thường biến dịch như một dòng chảy. Trong Duy thức có một câu là: “Hằng chuyển như bộc lưu”, là để chỉ cho tình trạng biến dịch không ngừng của danh sắc, của 5 uẩn. Như vậy ‘bộc lưu’ chỉ cho sanh tử luân hồi, phiền não, dòng chảy liên tục của danh sắc của 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới.
“Vị thiên nhân” tức là ‘vị trời’. Xin mở ngoặc chỗ này một chút, chúng ta thường nói câu này rất sai: “một vị chư thiên”. Chư Phật là phải từ hai vị trở lên; chư tăng, chư thiên cũng vậy, cũng từ hai vị trở lên. Cũng như vậy, trong tiếng Hán, chữ Chúa và Chủ giống nhau, nhưng bên Cơ Đốc giáo, ‘Sunday’ là ngày Chúa Nhật - ngày của Chúa. Người VN vẫn gọi là ngày Chúa Nhật mà lẽ ra phải gọi là ngày Chủ Nhật. Tương tự, người ta gọi “Năm 600 “trước Tây Lịch” hay “trước Công Nguyên”. ‘Công’ là ‘chung’, ‘Nguyên’ là ‘gốc’. ‘Công nguyên’ là gốc chung. Khi nào mình nhìn nhận có ba ngôi Chúa - Thánh - Thần, tin vạn vật do Chúa tạo ra, có Adam, Eva v.v... thì mới nên gọi là Công Nguyên. Còn lịch sử nhân loại bắt đầu từ trước khi Cơ Đốc giáo ra đời, tại sao mình gọi lịch 2014 là Công Nguyên được? Đó là của người Cơ Đốc nghĩ ra. Tôi vẫn dùng chữ ‘Tây Lịch’, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tương truyền ra đời năm 623 ‘trước Tây Lịch’. Mặc dù tiếng Anh họ ghi là BC tức là Before Christmas, mình là người VN, và là theo đạo Phật nữa, không thể xài chữ ‘trước Giáng Sinh’, hay ‘trước Công Nguyên’ mà phải xài là ‘trước Tây lịch’. Lâu nay mình là người VN mình thường niệm là “Mô Phật”, Nam Tông niệm “Namo Buddhaya” (Con xin đảnh lễ Đức Phật), nhưng trong chú giải Aṭṭhakathā có một câu niệm rất là hay, không có niệm “Namo Buddhaya” mà là “Namo Buddhanam” (Con xin đảnh lễ Chư Phật). Đó là sớ giải Kinh Tự Hoan Hỷ (Sampasādaniya) trong Trường Bộ Kinh.
Đức Phật biết rõ rằng vị Trời này từng gặp Đức Phật Ca Diếp và có lòng kiêu ngạo rất lớn, đến hỏi Ngài theo kiểu “dân nhà nghề” nên Ngài cũng trả lời theo cách đặc biệt. Ngài dạy rằng: “Ta vượt khỏi phiền não, ta vượt khỏi sanh tử (vượt khỏi bộc lưu) bằng cách rất riêng, ta không phải bước tới, mà cũng không đứng lại”.
Thông thường, nói tu hành nghĩa là mình có mặt trên một con đường; hành đạo là đi theo một phương pháp; sống đời là đang có mặt trên một hành trình. Sống đời hay hành đạo có nghĩa là đang có mặt trên một cuộc hành trình dù là đường bộ hay đường thủy. “Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền”. Đi trên bờ phải đi bằng ngựa, đi dưới nước phải đi bằng thuyền. Sau khi nghe Đức Phật nói “ta có mặt trên con đường đó nhưng ta có mặt theo cách của ta, ta không bước tới mà ta cũng không đứng yên”, vị thiên nhân ấy lập tức chứng quả Tu-đà-hoàn. Đó là do vị này có túc duyên từ đời trước.
Sẵn đây xin nói qua chữ ‘Túc’. ‘Túc’ có ba nghĩa: (1) ở nhờ qua đêm (tá túc), (2) đầy đủ (thọ cụ túc giới), (3) đời xưa (túc duyên).
“Thưa Tôn giả, làm sao không đứng lại, không bước tới, Ngài vượt khỏi bộc lưu?
- Này Hiền giả, khi Ta đứng lại, thời Ta chìm xuống. Này Hiền giả, khi Ta bước tới, thời Ta trôi dạt; do vậy, này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.”
Bước tới thì bị trôi dạt đứng yên thì bị chìm xuống. Theo chú giải:
Sự có mặt của phiền não là trôi dạt. Sự có mặt của pháp hành là chìm xuống. Sự có mặt của tham ái và tà kiến (taṇhādiṭṭhī ) là trôi dạt. Sự có mặt của các phiền não còn lại (avasesakilesā) là chìm xuống. Sự có mặt của thường kiến (Sassatadiṭṭhi) là trôi dạt. Sự có mặt của đoạn kiến (ucchedadiṭṭhi) là chìm xuống.
Thái độ sống tiêu cực (Olīyanā) là trôi dạt. Thái độ sống quá khích (atidhāvanā) là chìm xuống. Những thái độ sống này đều có vấn đề. Không biết đi đâu làm gì, tìm ai, gặp ai; hoặc có trường hợp quá lăng xăng, cũng không tốt. “Thái độ sống cũng là thái độ hành đạo”
Hôn thụy là trôi dạt. Trạo hối là chìm xuống
Lợi dưỡng là trôi dạt. Khổ hạnh là chìm xuống
Ác pháp (ākusalā) là trôi dạt. Thiện hiệp thế (lokiyakusula) là chìm xuống.
[2] Vô minh - Hành
I. Bốn vô minh
Có 4 thứ vô minh:
1. Không biết mọi hiện hữu là khổ là: vô minh trong khổ đế
2. Không biết 6 ái là nhân sanh khổ đế: vô minh trong tập đế
3. Không biết rằng có một cứu cánh vắng mặt hoàn toàn cả khổ và tập đế: vô minh trong diệt đế
4. Không biết rằng Bát chánh đạo là con đường dẫn đến Diệt Đế: Vô minh trong đạo đế
Người có 4 vô minh này (tất cả chúng ta, kẻ đang nghe và người đang nói đều có đủ 4 vô minh này hết), dứt khoát chọn một trong ba con đường sau đây để đi:
II. Ba hành
1. Phi phúc hành: khổ quá, sống trong bất thiện. Mượn tham, mượn sân, mượn si để làm các điều bất thiện. Ví dụ đói quá đi câu cá, đói quá đi ăn cướp, lừa đảo… Người sống bất thiện trốn khổ tìm vui gọi là người sống theo con đường Phi phúc hành
2. Phúc hành: Khổ quá nhưng nhờ có trí tuệ nên không làm việc bất thiện, mà làm thiện. Làm thiện thấp là bố thí, trì giới, hồi hướng, phục vụ. Cao hơn một chút là đắc được sơ, nhị, tam, tứ, thiền. Trường hợp này gọi là đi theo con đường phúc hành, tức con đường thiện là thiện Dục và thiện Sắc Giới. Rồi có một số ít người cũng có 4 vô minh này nhưng có trình độ. Trình độ ở đây là gồm 4 điều: (1) Thân cận hiền trí, (2) Phước xưa sẵn dành, (3) Có dịp học hỏi lắng nghe, (4) Hành trì theo điều học hỏi lắng nghe. Bốn điều này cho phép họ đời này được ly dục. Ly dục cấp thấp thì chứng được thiền Sắc. Ly dục cấp cao thì đắc được thiền Vô Sắc.
3. Bất động hành: Tu tập chứng được các tầng thiền Vô Sắc Giới, gọi là hành trình bất động hành.
Chỉ có người biết Phật pháp mới đi con đường ngoài ba nẻo đó. Người kiến văn hiểu biết, người biết đạo, trầm tư chín chắn, sẽ không thích thú trong việc đầu tư trong các cõi dục sắc và vô sắc. Một người không biết đạo thì chìm sâu vào con đường tội lỗi hoặc tạo được phước để sanh vào các cõi nhân thiên, ngũ uẩn. Riêng hạng cao nhất cũng có vô minh trong Bốn Đế nhưng có trình độ ly dục cao nhất sanh thì về cõi trời Vô Sắc. Dầu cõi Dục, Sắc hay Vô Sắc thì vẫn là tam giới như hỏa trạch, như ngôi nhà đang cháy. Hiểu được vô minh trong Tứ Đế dẫn đến ba hành thì mới hiểu được bài kinh Bộc Lưu này.
Nội dung bài kinh này là vị Trời hỏi Đức Phật bằng cách nào Ngài vượt được bộc lưu sanh tử, bộc lưu phiền não. Đức Phật biết đây là một người hiền trí nên Ngài đã trả lời theo cách vị này muốn: Ta đã vượt khỏi bộc lưu phiền não, ta đã vượt khỏi bộc lưu sanh tử bằng con đường rất là riêng, đó là ta đi trên đường mà ta không thèm bước tới ta cũng không thèm đứng yên; vì bước tới là trôi dạt và đứng yên là chìm xuống.
Ở đây các vị A-la-hán giải thích cho chúng ta, thế nào là trôi dạt và thế nào là chìm xuống. Trong hành trình tu chứng của Đức Phật, Ngài không bị chìm trong lợi dưỡng và khổ hạnh. Ngay trong thời pháp đầu tiên, bài kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật đã xác nhận: Này các tỳ kheo, có hai con đường cực đoan mà người xuất gia cần phải tránh: một là lợi dưỡng, hai là khổ hạnh. Ở đây ta thuyết giảng con đường Trung Đạo gồm có Bát Chánh Đạo… Ngay thông điệp đầu tiên Đức Phật gởi đến nhân thiên, theo kinh nói, có đến 18 triệu vị Phạm thiên đã chứng quả trong lúc Ngài giảng bài kinh Chuyển Pháp Luân.
Trong bài kinh Vượt Bộc Lưu này Ngài cũng xác định Ngài là người đã lìa bỏ cả thường kiến và đoạn kiến. Tôi nhớ cách đây không lâu, trong một bài viết ngắn tôi có nhắc đến điểm này: Hiểu được vạn hữu do duyên mà có thì bỏ được đoạn kiến. Hiểu được vạn hữu do duyên mà diệt thì bỏ được thường kiến. Ai bỏ được cả hai thì người đó có được chánh kiến. Chánh kiến là bước đầu tiên của Bát chánh đạo. Đầu tiên ở đây nghĩa là cái được kể đầu tiên trong Bát Chánh Đạo. Chánh kiến là gì? Trí hiểu tam tướng và trí hiểu luật nhân quả gọi chung là chánh kiến.
Ác pháp (ākusalā) là trôi dạt; thiện hiệp thế (lokiyakusula) là chìm xuống nghĩa là sao? Do vô minh trong tam tướng nên cứ tưởng ở đây khổ chạy lại kia hết khổ. Sợ cái khổ này quá, lại đi đầu tư cái khổ khác. Ví dụ như tôi cô đơn quá tôi đi tìm một mối tình. Người ta bỏ tôi đi, tôi thất tình, thế là tôi tìm đến người khác… gọi là tránh ô mồ gặp ô mã, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Hoặc, tôi ham tiền quá, tôi làm ăn bị chúng gạt, buồn quá, tôi đi uống rượu, bị đụng xe, nằm một chỗ. Mình tưởng người như vậy là ngu, nhưng thật ra không có ai là phàm phu mà không ngu hết, cứ đi trốn cái khổ này bằng cái khổ khác. Anh thứ nhất hèn nhất, trốn khổ bằng sát sanh trộm cướp, đầu tư tham sân si đến sa đọa. Anh thứ hai sang hơn một chút, trốn khổ bằng cách làm lành để sanh vào cõi Dục Thiên hay Phạm thiên Hữu Sắc. Anh thứ ba trốn khổ bằng cách chứng đắc các tầng thiền Vô Sắc. Nhưng Phạm thiên Vô Sắc sống lâu cho lắm rồi 84 ngàn đại kiếp ở cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng cũng sanh trở lại kiếp trầm luân mà thôi. Tất cả chúng ta ngồi đây cũng như tất cả những chúng sinh chúng ta nhìn thấy như con ong cái kiến…không một loài nào, cá nhân cá thể nào mà chưa từng đặt chân lên cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng. Trong dòng sinh tử luân hồi thì chỗ nào mình cũng từng ghé qua. Chỉ có một chỗ mình chưa tới thôi, đó là cõi Ngũ Tịnh Cư dành cho các vị A-na-hàm, mình vô đó rồi thì không ra nữa mà đi luôn. Cõi địa ngục dành cho những người đoạn kiến bất trị, thì từng người từng người trong tất cả chúng ta ở đây, cũng đã từng vào ra trong đó như hoàng tử vào cung. Vì mình luân hồi lâu quá, dài quá nên mình không tin. Chỗ nào mình cũng từng vào. Khổ nỗi, bạn lành thì ít mà bạn ác thì nhiều. Vì vậy, đã xuống rồi thì cơ hội quay trở về đường cũ, cõi Phạm thiên bị mất lối. “Tùng thiện như đăng tùng ác như băng” (làm thiện khó như leo núi, làm ác dễ như trượt tuyết).
Tại sao khi bước ra đường mình thấy cảnh khổ nhiều hơn cảnh vui, người giàu ít hơn người nghèo, người đẹp ít hơn người xấu, người khỏe ít hơn người bệnh, người có vấn đề về gia đạo luôn luôn nhiều hơn người bách niên hạnh phúc trăm năm hảo hợp? Vì sao nhìn đâu cũng cảnh khổ? Chỉ vì một ngày mỗi chúng sinh tâm thiện ít hơn tâm bất thiện. Ngay trong đời này đã vậy nói chi trong vô số kiếp quá khứ. Tâm bất thiện nhiều thì làm sao niềm vui nhiều hơn nỗi buồn được. Ác nhiều thì khổ phải nhiều. Đó là lý do vì sao chúng ta gọi đời này là bể khổ.
Có những cảnh giới người ta không có cơ hội để nhìn thấy những nỗi khổ. Ở cảnh Dục thì cơ hội nhìn thấy những nỗi khổ rất nhiều, bởi vì đây là một cảnh giới có những môi trường để tất cả ác nghiệp nảy sinh. Cõi trời như khói như sương thì làm gì có bịnh, làm gì có tai nạn. Như mình ở đây, chỉ riêng bịnh ngoài da thôi, cứ vào bệnh viện da liễu mà nhìn là hết muốn tái sinh. Vô viện Ung Bướu thì càng lạnh xương sống nữa. Ai muốn tu hành tinh tấn, cứ vô bệnh viện đảo một vòng, hoặc vô nhà xác, nghĩa trang, đảo một vòng là về đổi tánh liền. Còn vô chùa nghe pháp, gặp gỡ tăng chúng trong tình trạng vui vẻ thì không thấm được đời là khổ đâu.
Bài kinh này rất sâu, phủ nhận toàn bộ: lợi dưỡng là không chấp nhận được, khổ hạnh cũng không chấp nhận được, thường kiến đoạn kiến không chấp nhận được. Và cuối cùng, một phủ nhận mang tính toàn triệt, quyết định tuyệt đối, đó là, tất cả ác pháp phải bỏ đã đành mà tất cả thiện pháp hiệp thế cũng phải bỏ luôn. Thiện hiệp thế ở đây bao gồm: thiện Dục Giới, thiện Sắc Giới và thiện Vô Sắc Giới. ‘Bỏ’ ở đây không có nghĩa là không làm, mà làm trong một ý thức rất rõ rằng đây chỉ là phương tiện. Có câu này: Đồng tiền là một ông chủ tồi nhưng là một nô lệ tốt. Nghĩa là nếu mình coi đồng tiền là tất cả thì tệ lắm. Người thờ tiền thì chơi không vô. Người nào coi tiền là phương tiện sống, là món đồ để sinh hoạt, thì đó là người rất dễ thương. Thiện pháp cũng vậy, nếu coi thiện pháp là phương tiện để dẫn đến phước báu Ba-la-mật thì ok; nhưng nếu làm lành làm phước với tâm nguyện cầu được sinh về nơi này chốn nọ thì đó là ta đang đầu tư vào cái khổ - tức ba hành.
Quí vị có biết tại sao mình ăn ngon? Trong kinh nói rõ lắm. Có những người quán tưởng rằng món ăn này vốn không dơ nhưng cơ thể mình bất tịnh nên chỉ chạm vào cơ thể bất tịnh của mình, dính tí nước bọt thì đã dơ rồi. Nói gì là nó đã đi qua đường ruột đường bài tiết. Người hạ căn nghĩ như vậy thì mới ly tham trong chuyện ăn uống. Bậc thượng căn thì nghĩ mình ăn ngon là do nghiệp dục giới mình đã sanh vào thân người, không ăn thì sẽ chết. Con cú thích ăn thịt chuột, con cá thích ăn rong, con nai thích ăn cỏ, con người thích ăn lung tung. Như vậy cái ngon ở đây chỉ là một thứ nhu cầu rất là sinh học, rất là khoa học và thuần túy mang tính kỹ thuật mà thôi. Chúng ta thấy ngon vì nghiệp đẩy mình làm thân người, hễ mang thân người thì có nhu cầu ăn uống. Nếu ăn không thấy ngon làm sao nuốt được. Do nghiệp khiến cho mình đói, thèm ăn. Đến giờ thì cơ thể cần thêm dưỡng tố để sống. Ăn chỉ là chuyện trả bài mà thôi, ăn để sống để tiếp tục trả nợ đời trăm năm, trả nợ kiếp người. Hiểu như vậy mới thấy ăn là một thứ cực hình chớ không phải là một thứ khoái lạc để mình hưởng thụ.
Có người thấy rằng, được sống trong nhung lụa, sống trong điều kiện mình muốn là hạnh phúc; phải bị sống trong điều kiện bất toại thì đó là đau khổ. Nhưng có hạng người đặc biệt, họ thấy rằng, hễ có mặt trên đời này là một gánh nặng. Vì vậy, trong bài kệ này Đức Phật dạy một câu “bước tới là trôi dạt, đứng lại là chìm xuống”. Lời giải thích của vị A-la-hán: Ác pháp là trôi dạt, thiện hiệp thế là chìm xuống, nghĩa là hễ còn mang thân người trong điều kiện sống như thế nào đi nữa thì cũng là khổ. Tám chục tuổi rồi thì dù ông cụ ăn mày hay giáo hoàng cũng phải đi đứng khó khăn; cơ thể không còn nghe lời mình nữa dù đó là cư sĩ hay hòa thượng, dù có mười lăm bằng tiến sĩ hay không biết đọc biết viết. Voltaire có nói: Nếu muốn khóc thì hãy khóc khi một đứa bé chào đời chứ đừng khóc khi một ông già nằm xuống. Đó là một câu nói rất là thông minh. Điều đáng trách là biết đời là khổ sao còn chui ra làm gì.
[3] Tam Tướng
Người hiểu lời Phật thì biết rằng, có mặt trong điều kiện hoàn cảnh môi trường nào cũng đều khổ, vì ít nhất ba lý do:
III. Tam tướng
1. Vô thường. Cái gì cũng vô thường
2. Khổ: Là cái gì đó bị thúc đẩy (giống như áp suất) dầu muốn dầu không cũng bị đẩy về phía trước.
Dukha: Khổ. Kham không nổi (Du: xấu, khó chịu, Kha: sự chịu đựng). Chữ “kham” trong tiếng Việt hiểu như thế nào thì đúng là chữ “kha” này.
Dầu muốn dầu không mọi thứ luôn luôn bị đẩy về phía trước. Dầu muốn dầu không thì nhân thiện cho quả vui, nhân ác cho quả khổ. Dầu muốn dầu không thì quạ phải đen, cò phải trắng. Dầu muốn dầu không thì ngày vẫn trôi qua, xuân hạ thu đông vẫn xảy đến. Dầu muốn dầu không thì các pháp cứ theo duyên diễn ra. Đó gọi là khổ, mình không cưỡng lại được.
3. Vô ngã: mọi thứ do duyên, không do bàn tay nào hết.
IV. Ba khổ
Có 3 cái khổ:
1/ Sự có mặt của khổ là khổ khổ (dukkha dukkha)
2/ Sự vắng mặt của hạnh phúc là hoại khổ (vipariṇāma dukkha)
3/ Tất cả mọi hiện hữu ở đời là hành khổ (abhisaṅkhāra dukkha)
Người đời không biết đạo, chỉ hiểu khổ theo nghĩa thứ nhất, những gì khó chịu thuộc thân tâm. Cái khổ này chỉ là một phần ba cái khổ trong đạo Phật. Buổi trưa trời nóng quá, nóng là khổ khổ. Mở quạt mát mẻ bỗng bị cúp điện là hoại khổ. Sự có mặt của mình ở xứ nhiệt đới là hành khổ. Sự nóng nực ở đó là khổ khổ. Xa nhau là khổ khổ. Gặp rồi chia tay là hoại khổ. Sự quen biết giữa hai người là hành khổ.
Nói cách khác, sống trong tam giới này mà ở điều kiện bất toại gọi là khổ khổ. Được cái gì đó mà mất đi là hoại khổ. Sự có mặt trong tam giới này chính là hành khổ. Hành ở đây chính là pháp hành, nghĩa là các pháp do điều kiện mà có, do điều kiện mà diệt. Hễ có sanh phải có diệt, bản thân sự lệ thuộc nhân, duyên để sanh diệt là khổ. Một người học đạo phải biết, dù có sanh về cõi nào đi nữa, sống lâu bao nhiêu đi nữa, cũng có lúc lìa bỏ nó mà đi. Niềm vui nỗi buồn ở cõi này, qua cõi khác, với môi trường điều kiện khác, nhìn lại nó không bằng nhận thức cũ nữa, như vậy nên hạnh phúc hay nỗi buồn đó chỉ là đồ giả. Ví dụ có người nhìn thấy mâm cỗ ê hề thì ngán nhưng nhìn dĩa rau luộc thì thích, có người thì ngược lại. Có người thấy sống quạnh hiu là cực hình, nhưng có người thấy có thêm người thứ hai thì đó là cực hình. Có người thấy hoa hòe hoa sói thì thích, có người thấy diêm dúa thì sợ. Như vậy, hạnh phúc là vô thường, chỉ là giá trị ước lệ, biến kế sở chấp, thi thiết giả định mà thôi. Cùng một món ăn, lúc mình no, nhìn thấy khác, đói nhìn thấy khác. Cùng món ăn đó mà dọn chỗ dơ dáy mình ăn không được, dọn chỗ mâm cao cỗ đầy sạch sẽ, thì mình ăn được. Nói như vậy để thấy rằng những gì trong đời sống mình thấy là hay là dở, là ngon là không ngon, là vui là buồn là lệ thuộc vô số nhân duyên. Chính vì vậy ở đây Đức Phật dạy rằng, ác pháp Ngài bỏ đã đành mà đến cả thiện hiệp thế Ngài cũng bỏ là vì cả hai thứ này đều là những chất xúc tác dẫn đến sự có mặt trong ba cõi.
Tôi nói điều này sẽ làm phiền lòng không dưới 95% những người thờ Phật; nhưng tôi không thể không nói. Đó là, miệng mình nói mình tin Phật, miệng mình nói là mình cầu giải thoát, nhưng theo chỗ tôi nhận xét, 95% những người nói như vậy, 95% những người thờ Phật trên đầu hay thờ Phật trong lòng không sợ sinh tử. Họ không sợ chết từ kiếp này đi về kiếp khác, bấp bênh vô định. Hãy hỏi lòng mình, tu tập làm lành lánh dữ là để ‘được’ hay là để ‘bỏ’? Tu hành với lý tưởng là được thì xin thưa, những người này khó ưa lắm. Họ giữ được giới, họ thấy giới đó hay ghê lắm, họ bố thí được ba mớ họ thấy họ hay ghê lắm. Họ quen biết các vị cao tăng trưởng lão, họ thấy điều đó hay ghê lắm. Tu mà hướng đến chữ ‘bỏ’ thì lợi lắm. Thay vì hiểu thành Phật hoặc thành thánh thì được trí, được phước, được huệ…, mình hiểu thành thánh thì bỏ được phiền não, bỏ được tái sinh, lợi hơn biết bao nhiêu. Nếu mình nhắm lý tưởng bỏ thì chỉ cần mình có một chút kiêu ngạo là mình đã tự thấy xấu hổ rồi. Nếu tu hướng đến chữ được thì rất trẻ con, được người lớn xoa đầu thì vui, được khen ngoan thì thấy vui…
Chúng ta trưởng thành, có gia đình, tóc bạc hoa râm, muối tiêu; từ từ thấm thía chuyện đời, một ngày nào đó sẽ thấm thía rằng: thì ra đời sống này tất cả những cái mình có chỉ là để bỏ lại sau lưng chớ không phải để cầm. Bởi nếu cầm thì mình cầm được bao lâu? Trong một bài viết của tôi, tôi có thưa với độc giả: Chỉ hai động từ thôi: ‘được’ và ‘bỏ’. Tu để được cái gì và tu để bỏ được cái gì. Chỉ hai động từ này thôi đủ để làm thay đổi lịch sử Phật giáo suốt 2500 năm. Thay vì nghĩ A-la-hán được cái gì thì hãy nghĩ A-la-hán bỏ được cái gì. Tu hướng tới chữ ‘bỏ’ thì an toàn hơn. Trên hình thức, người tu nhắm đến chữ ‘được’ và chữ ‘bỏ’ giống nhau y chang, không khác gì hết; cũng làm lành lánh dữ, bố thí trì giới. Phật tử của mình nói chung nhắm đến chữ được nhiều, vì thế từ chỗ đạo tràng bát nhã biến thành bát nháo chỉ một xê xích nhỏ. Tôi nhớ một câu chuyện tôi kể hoài, ai mà Phật tử chùa Phật Pháp chắc thường nghe. Ngoài Bắc có một hòa thượng thấy trong chùa gây gổ hoài bèn họp chúng lại, quyên tiền đúc cái chuông mới. Mọi người mới hỏi chuông tốt quá rồi sao đúc thêm chuông khác. Hòa thượng nói, mỗi ngày khi tụng kinh kẻ đánh chuông bon bon, người đánh khánh kêu chen chen, tu hành mà cứ bon chen thì không khá. Mọi người hỏi vậy đúc chuông mới sẽ nghe ra sao, hòa thượng nói đúc chuông thế nào mà đánh vào nghe chữ ‘buông’ thì là chuông đúng. Có một anh đệ tử nghe vậy rất thích, anh ta đúc chuông rồi một thời gian sau hoàn tục. Thầy hỏi vì sao, anh ta nói, dạ thưa thầy khi đúc chuông đánh cho ra chữ Buông, con quên chữ G, nên con thành thương gia.
Ở mấy tiệm tạp hóa của Mỹ hay có câu này chỗ cửa toilet: “No merchandise beyond this point” (Đừng mang hàng hóa qua cánh cửa này). Người ta sợ khách đem đồ bỏ vào trong đó hoặc sợ khách tráo đồ bên trong toilet. Câu đó còn có ý nghĩa: “Bên trong cánh cửa này không có chuyện buôn bán”. Trong chùa cũng nên có câu này, người tu hành đừng có chuyện mặc cả, đừng có chuyện buôn bán. Tu hành mà nghĩ đến chữ ‘được’ có nghĩa là buôn bán rồi. Tu là để buông, cái cần thiết nhất trên đường sinh tử không phải là được mà là buông. Nếu cho chọn lựa hoặc có nhiều thức ăn để khi nào đói thì có cái ăn, hoặc cho không biết cảm giác đói mà vẫn sống được, thì tôi chọn lựa không đói vẫn sống được chứ không phải là đói có đồ ăn. Có người muốn đói là phải có ăn, có những món ăn; nhưng có người chỉ muốn đừng bao giờ đói. Đời sống chỉ là một sự lựa chọn. Cũng vấn đề đó nhưng tùy cách nhìn. Có người nói hạnh phúc là phải được cái gì đó (nhan sắc, tiền bạc, quyền lực...). Còn có người nói hạnh phúc là không có cái gì đó (không nợ, không oán thù, không vướng pháp luật…).
Hôm nay trong lớp học này có nhiều vấn đề bà con nuốt không nổi nhưng dù sao tôi vẫn tin là có người hiểu tôi muốn nói cái gì, đặc biệt là câu tôi vừa nói. “Có người nói hạnh phúc là được cái gì đó, có người nói hạnh phúc là không có cái gì đó. Có người nói tu là được cái gì đó, có người nói tu là bỏ cái gì đó”. Đó cũng chính là lời kết thúc của tôi trong buổi giảng chiều nay. Chúc các vị một ngày vô cùng an lạc, xin hẹn gặp lại ngày mai.
Nhị Tường ghi chép
Cập nhật 28/3/2017
:78: :78: :78: