Bốn hệ phược
#5
Thử thực chấp thân hệ


Điều sau cùng trói buộc chúng ta đó là, sự cố chấp một cách phiến diện, chỉ có đây mới là sự thật, ngoài ra đều hư vọng. Sự cố chấp này, một lần nữa lại nói lên chúng ta biến mình làm nạn nhân của cái nhìn rất hạn hẹp của mình. 

Nói một cách đơn giản là, khi mình chọn một món đồ, ăn một món ngon, mình nói đó là nhất rồi thì, nó thuộc về cái cột trói bởi sự tham chấp. Thấy như vậy nhưng không dễ sợ bằng quan niệm là, cái gì mình tin, tin vào quan niệm chỉ có đây mới là đúng, ngoài ra là hư vọng, chúng ta phủ nhận những giá trị khác, thì chúng ta có vấn đề. Đó là, một chứng bệnh trầm kha, đặc biệt, ở trong thế giới của tôn giáo, trong thế giới của học thuật. Một trong những đặc điểm khoa học là cho phép chúng ta đặt lại vấn đề, cho phép chúng ta lắng nghe người khác, xã hội của loài người và đặc biệt Tây Phương ở trong bốn thế kỷ qua phát triển mạnh mẽ là nhờ vào một nền tảng gọi là  Scientific, chúng ta gọi là khoa học, khoa học không phải là những khám phá mới đơn thuần, mà khoa học là một cách nhìn mới, cách nhìn đó giúp cho chúng ta dám thí nghiệm, dám chấp nhận những cái mới, dám cải thiện sự thất bại và dám bỏ đi cái cũ.

Khi con người bắt đầu tự đặt vấn đề rằng, nếu trên phương diện khí-động-lực học mình có thể dùng một lực đẩy để nâng một vật nặng lên, khiến cho vật đó bay ở một khoản cách xa thì, người ta mơ ước đến tạo ra những chiếc máy bay. Có một người không phải nhân vật tầm thường đã thốt lên một câu rằng, "Nếu Thượng Đế muốn cho loài người bay thì ngài đã tạo con người có cặp cánh". Câu nói đó nói ngày hôm nay thì chúng ta chỉ cười thôi, tại vì, chúng ta đã thấy những máy bay siêu thanh bay trên bầu trời và, chúng ta không có cảm nhận là câu nói đó có giá trị, nhưng, về thời kỳ bình minh của ngành động-khí-lực học, thời kỳ tôn giáo có ảnh hưởng lớn ở trong xã hội loài người thì câu nói đó nặng ký lắm, "Nếu Thượng Đế muốn cho loài người biết bay thì Thượng Đế đã tạo cho loài người đôi cánh", nhưng quả thật đó là, một quan niệm nghĩ  "chỉ có đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng".

Ngài Rahula viết một chương trong cuốn "Con đường thoát khổ" hay trong cuốn sách "Những lời Phật dạy", chương đó gọi là, thái độ tinh thần Phật học, trong đó Ngài nói một điểm quan trọng là, Phật Giáo nói đến một thứ chân lý không nằm theo nhãn hiệu:

 "Có gì trong một danh từ? 
 Hoa hồng hương ấy cho dù tên chi."

Gọi là rose cũng được, gọi là hoa hồng cũng được, gọi tên gì cũng được, nhưng, hoa hồng vẫn là hoa hồng, chỉ là danh từ thôi. 

Con người nếu sống có tâm từ, tâm bi thì dù ở tôn giáo nào, ở văn hoá nào, ở xã hội nào, ở hoàn cảnh nào, từ bi vẫn có giá trị của nó, lòng từ bi không phải là đi với danh nghĩa của một tôn giáo, hay, một tên gọi gì đó cho đẹp, cho kêu. Từ bi chỉ là từ bi thôi. 

Trong nhiều đoạn kinh điển của Đức Phật, đạo Phật giá trị của sự thực không nằm trong hệ thống tín ngưỡng, trong danh gọi. Một người đi tìm Đức Phật nhận Đức Phật là Thầy mình, chưa từng gặp Phật, tá túc trong một ngôi nhà cỏ, gặp một vị Samon và, nghe vị Samon thuyết pháp, vị đó đã hiểu pháp trước khi biết người nói pháp đó là Đức Phật, chúng ta nói trường hợp Tỳ kheo Pukusati, vị đó hiểu pháp mà không cần biết trước người giảng pháp đó là Đức Phật cho đến khi nhận ra được rằng, đây là bậc Đạo Sư của mình.

Có vô số trường hợp trong kinh điển, một người đọc được chân lý từ một đóa sen tàn, một người đọc được chân lý từ một giọt nước rơi từ gót chân của mình hòa với giòng nước, có những người đọc được chân lý ở trong nhiều nhiều hoàn cảnh khác nhau, chứ không phải trong những nhãn hiệu. 

Chúng ta ngày nay bị mê hoặc bởi nhãn hiệu. Trong thái độ khoa học, không phải khoa học là cái gì về máy móc, nói về khoa học là thái độ chấp nhận những sự thật do thực nghiệm và, nếu sự thật này được trải nghiệm đúng thì chấp nhận, còn nếu không thì chúng ta rất dễ rơi vào tình trạng phiến diện, quan điểm của mình là nhất, người khác nói là sai, cách nói võ đoán nói là chỉ có đây là sự thật ngoài ra là hư vọng khiến cho người ta trả giá rất đắt. Bởi vì sao vậy? chúng ta từ chối một hình thái tự nhiên nhất của sự thật, đó là sự thật nó không phải chỉ có một, ở một con người, ở một nơi, ở một khoản khắc, ở một nhãn hiệu, cái gọi là chân lý có mặt trong nhiều trạng thái, nhiều, dạng thức khác nhau.

Nếu một người Phật tử, thật sự yêu thích đạo Phật, thật sự quí lời dạy của Đức Phật thì, người Phật tử đó phải hiểu rằng, gọi là chân lý, gọi là sự thật, có thể tìm thấy ở rất nhiều nơi, ở rất nhiều trường hợp, trong nhiều ngọn ngành, và nhất là, mình không nên nghĩ là chỉ có gì mình nghĩ là đúng, còn ngoài ra tất cả là hư vọng hết. Điều đó tự mình nghiệt ngã chính mình, tự mình đóng khuôn với chính mình, tự mình trói cột lấy chính mình và, nó không có lợi ích gì cho mình hết. Chúng ta sống trong một thế giới con người càng lúc càng gần với nhau, chúng ta sống ở trong thời đại con người được nhiều hiểu biết với nhau, để thấy cái đẹp của nhau, không có lý do gì chúng ta nói là, cơm ngon hơn khoai mì, ngon hơn khoai tây, ngon hơn bánh mì.

Chúng tôi nhớ hồi nhỏ sống ở Long Thành, nhiều khi anh em ngồi nói chuyện với nhau, người thì mươi tuổi, người mười, mười một tuổi, người hai mươi tuổi, ngồi bàn luận rất tâm đắc, nói rằng, "Nói đi nói lại, ở trên thế giới này chỉ có thứ tiếng hay nhất, đẹp nhất, nghe thấm thía, dễ học nhất, đó là, tiếng Việt của mình, tiếng Việt đọc sao viết vậy và, rất là  tự hào tiếng Việt dễ học nhất. Nhưng mà, bây giờ mình mới thấy tiếng Việt không phải là dễ học đối với nhiều người, người nước khác đọc tiếng Việt muốn trẹo lưỡi, chứ không phải là dễ. Chúng ta cũng thường nghe câu nói rằng, tiếng Việt rất là phong phú, tại vì một chữ hai ba nghĩa. Nhưng thật ra, không chỉ tiếng Việt mà tất cả ngôn ngữ các ngôn ngữ khác đều như vậy hết. Chúng ta cứ ôm lấy và nói tiếng Việt là phong phú nhất. Thí dụ như vậy.

Thì sự cởi mở cho phép chúng ta mở mắt ra nhìn bầu trời cao rộng hơn. Một thế giới không có tự mình nghiệt ngã, tự mình cột trói chính mình. 

Chúng ta nhìn lại bốn hệ phược ở tại đây, chúng ta thấy rất rõ tại sao Đức Phật Ngài dạy rằng, chính mình làm cho mình uế trược, chính mình làm cho mình thanh tịnh, thanh tịnh và uế trược là do mình, không ai có thể khiến người khác thanh tịnh hay uế trược.

Khi chúng ta đọc về bốn cột trói:

- Bị cột trói vì quá thích.
- Bị cột trói vì quá ghét,
- Bị cột trói vì giới cấm thủ.
- Bị cột trói vì chấp rằng chỉ có đây sự thật và ngoài ra là hư vọng.

Chúng ta sẽ cảm thấy rất thấm thía là người mà cột mình chính là mình, mặt dầu truyện Kiều nói rằng, "chém cha cái số ba đào, cởi ra rồi mắc vào như chơi", cái số ba đào đó nghe như là định mệnh, nhưng mà, thật ra chính bản thân mình, mình là người cột trói chính mình.
Đó là vài điều chúng tôi chia sẻ về ý nghĩa của bốn hệ phược.

https://phathocvandao.blogspot.com/2020/...giang.html
Reply


Messages In This Thread
Bốn hệ phược - by abc - 2020-03-16, 01:43 PM
RE: Bốn hệ phược - by abc - 2020-03-16, 01:44 PM
RE: Bốn hệ phược - by abc - 2020-03-16, 01:45 PM
RE: Bốn hệ phược - by abc - 2020-03-16, 01:46 PM
RE: Bốn hệ phược - by abc - 2020-03-16, 01:47 PM