2020-03-16, 01:45 PM
Sân thân hệ
Con người một khi đã vương vào thù hận, vào oan trái rất là đáng sợ, nó khiến chúng ta có cái nhìn rất phiến diện. Cái nhìn của một người hận thù là không còn biết gì hết, thí dụ, những người vương vào hận thù người nào, thấy người đó xấu một thì, nói họ xấu mười, có câu nói "ghét thì ghét cả tông chi họ hàng". Khi cái xấu, cái tệ hại, mình phủ lên người khác thì ở trong lòng mình không còn một chút gì gọi là vô tư, gọi là công bằng, gọi là lẽ phải, mà chỉ biết một chiều thôi. Sự ghét bỏ này rất dễ sợ.
Chúng tôi nhớ, một lần ngồi nghe Ngài Ajahn Amaro, một vị sư người Anh nói rằng, cách biểu đạt của người Tây Phương ngày hôm nay họ thường dùng chữ "love and hate" .
Love nghĩa là yêu thích cái gì đó.
Hate là ghét cái gì đó.
Hai từ này, ngày xưa họ dùng ở mức độ chính xác thì ít có cái mình love (yêu thích), ít có cái mình hate (ghét), thường thường là mình like (thích) hoặc didn't like (không thích). Nhưng bây giờ, người ta nói xã hội "yêu cuồng sống vội", yêu cuồng là mình thích cái gì mình thích quá, cái thích đó làm cho chúng ta đánh mất sự quân bình, tạo cho chúng ta đánh mất bản thân tại bị cột trói. Giống như Trương Chi nhìn mặt Mỵ Nương, hay là, Mỵ Nương mê tiếng sáo Trương Chi, nó không còn là sự hưởng thụ, nó không còn là sự thưởng thức, thay vào đó là sự cột trói.
Bài học này lớn chứ không nhỏ, đối với chúng ta thường hễ cái gì thích thì thích cho tận cùng, thích cho đọa mạng, nhưng, cái thích đó nó trở thành cái gì đó cột chúng ta, cái gì đó khiến chúng ta bị giam hãm lại.
Yêu thích là như vậy, ghét bỏ cũng như vậy, đây là sự lầm lẫn lớn nhất của con người khi nghĩ rằng thù ghét là vô hại, tự buông mình lao đầu vào sự hận thù ghét đó, mình quên rằng thù ghét nó đơn thuần không phải chỉ là một thứ cảm xúc đến rồi đi, mà thù ghét nó khiến cho chúng ta trở thành một trạng thái bị nhuộm màu. Con mực có khả năng phun mực ra làm cho mặt nước đen ngòm một vùng nào đó để những con vật khác không còn thấy được và trở thành cái mồi cho con mực. Thì một khi người ta bị hận thù, ông bà chúng ta nói một câu đơn giản là, " khi thương, thương cả lối đi, khi ghét, ghét cả tông chi họ hàng", khi mình ghét ai, cái gì thuộc về người đó mình cũng ghét hết, khi mình thù ai, cái gì thuộc về người đó mình cũng thù hết. Tại vì thù ghét người khác nó làm chúng ta ăn không ngon, ngủ không yên, trằn trọc và, đầy những độc tố.
Cách đây hai tuần, chúng tôi nhận được một bức thư viết tay dày 18 trang giấy của một người ở tại California. Người đó vì sự tranh chấp trong một ngôi chùa, một bên là vị Thầy trụ trì, một bên là người hội trưởng, người viết bức thư đó là ông hội trưởng. Khi chúng tôi đọc thư đó, cảm giác đầu tiên của chúng tôi là, với 17, 18 trang giấy viết tay chi chít, chỉ nhìn thoáng qua thì thấy rằng người viết lá thư này viết ra ở trong sự phẫn nộ cùng cực. Nhìn bức thư đó chúng tôi có thể cảm nhận ngay sự đau khổ của một người đang trong cơn bực tức phiền muộn, phiền muộn lắm, giận dữ lắm. Nhưng, phải nói như vầy là, mình phải khách quan, phải ngoại cuộc, mình phải nhìn thấy đó là phiền muộn, con người của chúng ta khi đang sống trong sự thù hận, mình không thấy. Nhiều khi mình viết những giòng chữ của hận thù, mình viết có cảm tưởng như ở trong đó còn có sự khoái trá của một người thù hận một ai đó mà nói lên được những câu rất nặng nề. Giống như người ta nói, mình tức ai mình chửi được thì rất hả giận, hả hê khi mà chửi. Nhưng kỳ thật nó không phải là một sự hả hê, mà những cái biểu đạt về hận thù, về ghét bỏ, chỉ nói lên chúng ta đang bị thiêu cháy, bị đốt cháy.
Trong kinh Pháp Cú có câu chuyện người thợ săn tên Koka. Một buổi sáng dẫn chó vào rừng để đi săn thì gặp vị Tỳ-kheo đang vào làng khất thực. Thợ săn Koka là người chuyên sát sanh, bản tính hung hăng, gặp vị Tỳ-kheo thì không thích vì cho rằng gặp một kẻ xúi quẩy. Cả ngày đi săn mà không được gì hết nên bực bội, trên đường trở về lại gặp vị Tỳ-kheo đó khất thực và thọ thực xong trên đường trở về tịnh xá. Từ chỗ có ác cảm buổi sáng cộng thêm cái bực bội cả ngày không săn bắt được gì, bây giờ gặp lại thì cơn giận nổi lên phừng phừng, cơn giận đã không cho phép Koka nghĩ chuyện đúng sai phải quấy và, Koka chỉ bị nung nấu bị đốt cháy bởi một ý tưởng rất điên rồ, chính ông thầy tu này làm hại mình, chính ông thầy tu này khiến cho mình một ngày đi săn không được gì hết, đơn giản như vậy thôi, và ông làm một việc còn điên rồ hơn là, ông xông tới tấn công nhà sư này, ra lệnh cho những con chó tấn công nhà sư.
Vị Tỳ kheo đó không biết phải làm gì ở trong lúc hoảng hốt vị tỳ kheo leo lên cây, vừa leo vừa kêu gọi sự bình tỉnh của người thợ săn, giống như một lời phân bua, trong lúc vội vã nhà sư leo lên cây thì cái y của vị Tỳ-kheo rớt xuống và, khi y rớt xuống trùm lên người thợ săn koka, và do cái nghiệp của koka tấn công một nhà sư tu hành vô tội. Lúc đó những con chó của chính Koka thấy y ở trên rớt xuống thì nghĩ rằng nhà sư đang rớt xuống và chúng lao tới tấn công Koka, người thợ săn hung hãn đó đã tự mình biến mình thành nạn nhân của bầy chó mình nuôi để đi săn, bấy giờ thay vì mình là thợ săn lại biến thành một người bị săn, những con chó đó đã tấn công cấu xé giết chết Koka, và chẳng những vậy, Koka trong khoảnh khắc sau khi chết sanh vào địa ngục.
Con người một khi đã vương vào thù hận, vào oan trái rất là đáng sợ, nó khiến chúng ta có cái nhìn rất phiến diện. Cái nhìn của một người hận thù là không còn biết gì hết, thí dụ, những người vương vào hận thù người nào, thấy người đó xấu một thì, nói họ xấu mười, có câu nói "ghét thì ghét cả tông chi họ hàng". Khi cái xấu, cái tệ hại, mình phủ lên người khác thì ở trong lòng mình không còn một chút gì gọi là vô tư, gọi là công bằng, gọi là lẽ phải, mà chỉ biết một chiều thôi. Sự ghét bỏ này rất dễ sợ.