2019-07-19, 10:18 PM
Toàn bộ số người còn lại trên chiếc ghe cà dom bị đưa về Vũng Tàu, mọi người khai hết “tội” cho Phan Ngọc Vượng. Họ bị giam giữ tại trại Cỏ May hai tháng rồi được phóng thích. Câu chuyện Phan Ngọc Vượng một mình tổ chức vượt biên, tuy không trót lọt, nhưng với trình độ ngoại ngữ và khả năng ứng phó trong những tình huống hiểm nghèo khá tốt đã được dân vượt biên đồn thổi. Ông Vượng sau đó đã được những người giàu có chi tiền đề nghị ông chủ trì một cuộc vượt biên cho gia đình họ. Chuyến đi ấy tổng cộng bốn mươi chín người trong đó có năm người em của ông Vượng. Khác với năm lần trước, chuyến vượt biên thứ sáu của ông may mắn bất ngờ.
HUY ÐỨC
Chập tối ngày thứ tư, một tàu đánh cá Thái Lan cặp vào mạn của chiếc ghe vượt biên. Ông Vượng kể: “Tôi kêu tất cả phụ nữ chui xuống hầm, đề phòng. Phía tàu đánh cá cho một đại diện lên gặp thuyền trưởng nói chuyện. Vào, thấy trong phòng ông thuyền trưởng trang trí đầy tượng Phật, tôi đã thấy mình may mắn. Ông thuyền trưởng hỏi: ‘Các anh cần gì?’. Tôi nói: ‘Cần một ít nước uống và xin chỉ đường giùm’. Ông cho nước uống và chè đỗ xanh, rồi hỏi: ‘Còn dầu không?’. Tôi nói: ‘Thưa còn’. Ông chỉ tay và nói: ‘Cứ đi theo hướng này thì chiều mai mày sẽ tới Malaysia’. Khoảng bốn giờ chiều hôm sau, chúng tôi nhìn thấy một rặng dừa”.
Thay vì được chào đón, khi chiếc ghe vượt biên tới gần bờ, điều mà họ nhìn thấy là những họng súng đen ngòm trên tay mười hai cảnh sát mặc đồ rằn ri đang chĩa thẳng vào những người tị nạn. Ông Vượng, khi ấy chỉ mặc một chiếc quần jeans, quyết định nhảy xuống biển, vừa giơ hai tay, vừa đi vào. Cảnh sát quát: “Stop!”. Ông Vượng nói: “Refugees”. Cảnh sát: “Bao nhiêu người?”. “49”. “Có vàng, đô-la không?”. “Có”. “Ok, ra mang vàng vào đây tao cho vô”. Ông Vượng đi ra, chủ tàu lấy năm lượng cùng một ít nữ trang đưa ông Vượng mang vào bờ. Sau khi nhận vàng, cảnh sát nói: “Đục tàu đi rồi cho vô”.
Vào bãi, bốn mươi chín người phải chịu cảnh màn trời chiếu đất. Các viên cảnh sát thỉnh thoảng qua gặp nói đưa tiền, muốn mua gì họ mua cho. Bốn ngày sau, có thêm một tàu của người Hoa “vượt biên bán chính thức” đến. Họ có 140 người đa số là người Việt. Thêm một tuần lễ sau đó, 189 người phải tự xoay xở trên bãi, đào giếng kiếm nước, lượm củi nấu ăn. Ngày thứ mười một, một người bận quân phục sỹ quan, đầu đội nón bê rê xanh đến, gặp ông Vượng, người duy nhất biết tiếng Anh, nói: “Tôi là người của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc”. Không phải ai vượt biên cũng có cơ hội gặp được người của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc.
Ngày 27-5-1989, chỉ cần biên phòng khám xét lâu thêm vài tiếng nữa là Phạm Thanh Tùng cùng chín mươi sáu người khác có thể bị đông cứng trong khoang chứa cá. Sau một hành trình dài từ Sài Gòn về Châu Đốc giống như những người đi vía Bà, nhóm vượt biên của Tùng lần lượt được xếp nằm trên những chiếc xuồng chở dừa. Chủ thuyền lấy lá dừa tươi tấp lên những người vượt biên rồi chở về hướng Bắc Mỹ Thuận. Bốn giờ sáng thì tàu cặp ghe lớn lúc đó đang neo đậu giữa dòng. Tổng cộng chín mươi bảy người, gồm cả vợ con người chủ tàu, được xếp vô khoang cá. Hàng chục cây đá được xếp chồng lên nhiều lớp để che. Ra tới cửa biển thì đụng tàu biên phòng, cuộc khám xét kéo dài cho đến khi da một đứa trẻ trên tàu đã bắt đầu tím tái. Chủ tàu cho chạy thêm khoảng một giờ, cầm chắc đã ra khỏi tầm truy đuổi, mới huy động những thanh niên còn khỏe liệng hết đá cây xuống biển. Khi đó nhiều người đã lịm đi vì rét cóng. Đó là chuyến vượt biên lần thứ mười một của Phạm Thanh Tùng. Ngày 1-6-1989, con tàu của Tùng vào tới đảo Talampulan (Philippines).
Chỉ đi sau chuyến tàu của Tùng một ngày, ngày 2-6-1989, có một chiếc tàu vượt biên khác cũng vào gần tới đảo Talampulan. Thay vì đậu ngoài xa chờ dẫn đường, khi thấy một cơn bão đến gần, con tàu tiến nhanh vào đảo. Tàu của họ bị kẹt vào bãi san hô và ngay sau đó, con tàu bị sóng lớn đánh vỡ ra từng mảnh. Khi bão tan, chỉ có năm người sống sót bơi được vào bờ. Họ nói, con tàu khởi hành với 117 người.
Ngày 7-8-1987, để tránh bị biên phòng phát hiện, ông Trần Quang Phước, một cựu trung úy hải quân Việt Nam Cộng hòa, quyết định ra đi khi Nha Khí tượng dự báo có bão cấp 7. Con tàu chở hai mươi bảy người trong đó có bốn người trong gia đình ông Phước. Con trai ông, anh Trần Minh Triết kể: “Con tàu đi tới khuya thì bắt đầu bão. Cả tàu say sóng nằm la liệt chỉ còn lại hai cha con. Ba tôi cầm lái. Đi tới trưa hôm sau thì ra tới ngoài khơi xa. Ba tôi giao tay lái cho tôi. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy những con sóng tiếp nối những con sóng, cứ ập tới con thuyền nhỏ bé như những ngọn núi. Tôi chỉ còn biết nghe lời cha tôi mà tiếp tục đi, chỉ biết trao thân cho đại dương, lúc nào cũng có cảm giác mình sắp bị những con sóng nhấn sâu xuống lòng biển”. Như có phép màu, chỉ bốn ngày sau, con tàu nhỏ đi tới Malaysia. Trần Minh Triết nói: “Sau mười lăm lần vượt biên không thành kể từ năm 1982, cha con chúng tôi được đưa vào trại Sungeipesi”.
Tại trại Sungeipesi, cuối năm 1987, Trần Minh Triết ở chung nhà với một phụ nữ trẻ. Triết kể: “Chiều chiều, xuống cầu thang, tôi thấy chị ấy cứ nép người vào một góc tối, khóc lên rưng rức. Chúng tôi phải để cho chị ấy khóc bởi chỉ cần đụng vào là chị ấy hoảng lên, co rúm lại. Không ai dám hỏi han. Trên biển, chị ấy đã bị hải tặc hiếp dâm nhiều lần”. Khi chuyển vào trại Paulo Bidong, Triết gặp một cô gái khác trạc tuổi mình. Cô cùng một người khác được vớt lên và được coi là hai người sống sót trên một con tàu vượt biên bị hải tặc trên vùng biển Thái Lan. Cô gái bị hãm hiếp nhiều lần trong khi chứng kiến anh trai mình bị chặt làm ba khúc. Trần Minh Triết kể: “Chiều nào cô cũng rủ tôi ra biển. Nhưng chỉ khi ánh mắt chúng tôi chạm tới biển là cô lại lăn đùng ra đất, mắt trợn ngược lên, miệng cứng lại”. Dung, tên cô gái, chỉ ở Paulo Bidong bốn mươi lăm ngày, thay vì ở gần hàng năm như những thuyền nhân khác. Cô được một tổ chức thiện nguyện bảo lãnh đưa đi chữa bệnh.
Ông Nguyễn Văn Mai kể: “Trong thập niên 1980, tôi bay đến các trại tị nạn nhiều lần và chứng kiến hàng ngàn câu chuyện đau lòng. Ở một trại tị nạn ở Thái Lan, tôi gặp một phụ nữ bị hải tặc cưỡng hiếp nhiều lần, khi được Hội Chữ thập đỏ giúp chữa trị, những vết thương của chị đã mưng mủ. Mùi hôi thối lựng một góc lán. Các bác sỹ còn phát hiện ra là chị bị dính thai. Thai đôi và không bình thường. Theo các bác sỹ thì giữa các ngón tay của hai đứa trẻ có các màng dính, họ khuyên nên bỏ. Người chồng là một nông dân chất phác, đã có bốn đứa con, nói: đứa nhỏ này không có tội, ông trời định cho nó cái nghiệp ở trong vợ tôi thì không có lí do gì để tôi phá”. Ông Mai kể tiếp: “Không ai có thể ngờ người chồng đã quyết định như thế. Khi người vợ bị hiếp, bọn hải tặc đã cầm mã tấu bắt anh và các con đứng xem”. Không ai biết chắc có bao nhiêu nạn nhân của hải tặc Thái Lan trong những ngày tháng đó. Cho đến ngày 16-4-1989, tại vùng biển Malaysia, một thuyền chở 130 người tị nạn vẫn bị hải tặc tấn công. Theo Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, sau khi hãm hiếp phụ nữ, hải tặc đã phóng lửa đốt tàu, chỉ có một người sống sót trên chuyến vượt biên xấu số đó .
Tại Hội nghị Quốc tế lần II về người Tị nạn Đông Dương, tổ chức trong hai ngày 13 và 14-6-1989, UNHCR cho biết: Chỉ trong vòng từ cuối năm 1988 cho đến tháng 6-1989 đã có hai mươi tám tàu cùng 590 thuyền nhân được ghi nhận là mất tích . Theo số liệu của UNHCR, con số thuyền nhân Việt Nam đã từng cập bến các quốc gia lên đến gần một triệu người: Australia 1.750 người; Macau 7.128 người; Singapore 32.000 người; Philipines 51.722 người; Thái Lan 117.321 người; Indonesia 121.708 người; Hong Kong 195.833 người; Malaysia 254.495 người; một số không nhiều lắm cũng dừng chân ở Nhật Bản, Đài Loan, Đại Hàn … Nhưng, biển mênh mông, những gì thống kê được chưa phải là toàn bộ sự thật.
Nhiều thuyền nhân còn nhớ, tại trại Palawan, Philippines, có chiếc thuyền gỗ được đặt trước cửa văn phòng Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc. Khi chiếc ghe này bị tấp vào bờ, bên cạnh những xác chết trương phình, người ta thấy chỉ còn một phụ nữ mang thai sắp đến ngày sinh. Không ai hiểu bởi phép mầu nào, bà mẹ này cho đến lúc ấy vẫn còn thoi thóp. Bà đã sống sót cho đến khi sanh hạ đứa bé và kịp cho biết, con thuyền khi khởi hành có tất cả năm mươi người. Không phải chuyến vượt biên nào cũng có người sống sót để nói đến số phận của những nạn nhân còn lại. Vĩnh viễn không ai biết có bao nhiêu người Việt Nam vượt biên trong giai đoạn từ 1975 đến đầu thập niên 1990 đã bỏ mình trên biển, bao nhiêu con tàu đã bị biển nhận chìm, bao nhiêu con tàu đã bị hải tặc cướp và giết hết, bao nhiêu phụ nữ và trẻ em đã bị chúng hãm hiếp.
Lịch sử thuyền nhân Việt Nam bắt đầu khép lại từ năm 1996, khi Liên Hiệp Quốc quyết định đóng cửa các trại tị nạn trong khu vực và khi cuộc sống trong nước bắt đầu dễ thở hơn, chấm dứt một bi kịch kéo dài suốt hai thập niên trên biển.
HUY ÐỨC