Đọc truyện Thuyền Nhân sau 1975
#5
Đường tới các trại tị nạn




Trong suốt một thập niên rưỡi sau 1975, vượt biên với nhiều người miền Nam là lối thoát duy nhất, nhưng cũng là lối thoát đắt giá nhất. Hàng nghìn người đã phải trả bằng chính sinh mạng của mình. Hàng ngàn người khác tuy “tới được bến bờ tự do” nhưng sự bình yên không bao giờ trở lại sau những nỗi kinh hoàng trên biển.
Ngày 24-10-1977, toán vượt biên của Bác sỹ Nguyễn Đức Tuệ bước sang ngày thứ năm của hải trình thì xà lan bị hỏng máy. Họ phải gom hết “pông-sô” làm buồm lái về phía Thái Lan. Hai ngày sau, thực phẩm dự trữ mang theo bắt đầu cạn. Bác sỹ Tuệ kể: “Ban tổ chức cuộc vượt biên họp ‘mở rộng’ đưa ra ‘chính sách công xã’, gom thực phẩm của tất cả các nhóm trên xà lan, tập trung và chia đều khẩu phần hàng ngày. Thùng nước trên xà lan được khử trùng bằng chlorine, đun nấu ăn và nước uống. Mỗi gói cơm sấy được nấu thành cháo chia cho gia đình mười người… Ngày thứ mười, có bốn chiếc thuyền buôn lớn đi qua, chúng tôi đốt lửa báo hiệu, chúng tôi vẫy tay, chúng tôi đánh cờ semaphore bằng quần áo… Nhưng những chiếc thuyền ấy đã bỏ đi mặc dù thấy nhóm người chúng tôi bơ vơ giữa biển trên chiếc xà lan nhỏ bé”.
Chiều ngày thứ mười một của chuyến hành trình, theo Bác sỹ Tuệ: “Biển êm sóng lặng, chúng tôi chợt thấy một chiếc thuyền đánh cá neo lại từ phía xa chân trời. Hy vọng lại vươn lên trong buổi chiều trên biển. Chúng tôi vẫy tay, chúng tôi la hét, chúng tôi phất quần áo làm cờ ra hiệu nhưng không thấy những người trên thuyền đáp ứng. Cuối cùng, sự may mắn đã đến khi lưới đánh cá của chiếc thuyền đó trôi ngay gần chiếc xà lan! Hai người bạn trẻ tuổi, Đức và Thành, can đảm nhảy xuống biển, bơi đến, bám chặt lưới cho đến khi các ngư phủ Thái Lan kéo cả hai lên thuyền. Mọi người trên xà lan nhìn theo hồi hộp chờ đợi… Chiếc xà lan được những ngư dân Thái kéo vào thành phố Pattani ở bờ Đông Thái Lan vào ban đêm. Những ánh đèn thành phố nhìn từ ngoài biển là những ánh sáng hy vọng. Xà lan bị cô lập ở bến Pattani. Cảnh sát lên kiểm tra, chúng tôi không chánh thức được lên đất liền, nhưng được phép tiếp xúc với dân địa phương, được mua hàng và lần đầu tiên được uống Coca Cola sau hai năm kể từ ngày được giải phóng”.
Toán vượt biên của bác sỹ Tuệ chỉ được ở lại Pattani hai ngày để mua thêm thực phẩm. Sửa chữa máy xong, xà lan của họ bị tàu Thái hộ tống đưa ra biển hướng về phía Songkhla nơi có trại tị nạn cho người Việt. Xà lan đi hai ngày, đến Songkhla, thấy bến nhưng bị tàu tuần Thái chĩa súng đuổi ra. Bác sỹ Nguyễn Đức Tuệ kể tiếp: “Một ngày sau, xà lan lại chết máy. ‘Pông sô’, áo mưa lại kết lại làm buồm, xà lan trôi nổi bảy ngày, cuối cùng nhờ có luồng nước kéo trở lại Songkhla. Xà lan tấp bến. Chúng tôi bồng bế nhau, già trẻ lớn bé lội xuống biển. Cùng lúc, dân Thái Lan tràn lên quăng hành lý xuống và cướp đi luôn, máy tàu bị họ phá và giật xuống biển. Cả đoàn phải ở ngoài bờ biển, màn trời chiếu đất, ban đêm chúng tôi đào những hố cát để làm giường tránh gió và canh chừng cho các bà các cô, sợ dân Thái Lan hãm hiếp. Ban ngày dân địa phương bu quanh nhìn chúng tôi bị rào bởi vòng rào dây thừng như đi xem sở thú. Họ quăng đồ ăn, quăng trái cây vào như cho khỉ ăn. Tự do chưa thấy chỉ thấy cướp”.
Ba ngày sau, ông tỉnh trưởng Songkhla xuất hiện với lính cận vệ. Họ dẫn theo sáu mươi bảy thuyền nhân khác đi bằng thuyền từ Phú Quốc đến Songkhla. Chính sách Thái lúc bấy giờ không nhận người tị nạn. Những người này bị đuổi ra bãi để nhập chung với nhóm của Bác sỹ Tuệ. Ông Tuệ kể: “Tôi biết chút tiếng Mỹ, đứng nói chuyện với tỉnh trưởng Songkhla xin ở lại. Tỉnh trưởng Songkhla cầm gậy chỉ huy đánh vợ tôi đang bồng con trên tay, miệng thì la ‘let’s go’. Các con của những phụ nữ khác cũng bị giằng ra khỏi tay mẹ, ném từng đứa một lên xà lan, các bà mẹ đành phải theo con. Lính Thái đánh anh Hải chảy máu mũi. Tôi đứng bên cạnh ông tỉnh trưởng, nổi nóng tiến gần ngay cạnh ông ta, cận vệ sợ tôi đánh ông tỉnh trưởng, một người vội vàng rút khẩu súng Colt lên đạn chĩa vào đầu tôi. Một trung sĩ cận vệ tử tế, nói nhỏ: bác sĩ đừng chống cự, họ sẽ bắn ông thật đấy”.
Bác sỹ Tuệ kể tiếp: “Ở trên xà lan hơn mấy tuần, khói dầu diesel đóng lên mặt mũi, thân thể chúng tôi đen như mọi, đầu tóc ngứa ngáy, chải thì thấy chí rận rơi xuống. Nhiều trẻ em da bị lở loét vì nắng và dầu. Con bé Ngọc của chúng tôi, ngày xuống xà lan ăn mặc tươm tất, quần áo đẹp đẽ tự tay bà ngoại may, khi bước ra khỏi khoang xà lan đã thành ‘cô bé lọ lem’, quần áo dính nước sét hầm xà lan đổi thành màu cháo lòng… Một tuần ở Narathiwat, vợ chồng tôi thân với vợ chồng một y tá trẻ ngành quân y Thái. Biết chúng tôi sẽ phải ra đi chứ không được đưa về trại tị nạn ở Thái Lan như chúng tôi tưởng, họ nói với tôi là họ không nghĩ chúng tôi sẽ có thể sống sót trong cuộc hành trình sắp đến nên xin cho bé Ngọc ở lại làm con nuôi, nếu chúng tôi may mắn đến được đất liền, qua Mỹ lúc ấy chúng tôi có thể làm giấy tờ hội ngộ. Đề nghị tử tế và thành thật này làm chúng tôi bâng khuâng và suy nghĩ. Em tôi, Hồng và Hiến họp lại đêm hôm ấy nói rằng: Sống chết có nhau, nay đã đi đến đây chỉ còn một quãng đường ngắn, anh em có xui xẻo thì xui xẻo cùng. Vợ chồng tôi đã quyết định để bàn tay Trời định đoạt”.
Ngày 30-11-1977, nhóm vượt biên của bác sỹ Tuệ đến Trengganu, Malaysia, sau bốn mươi hai ngày lênh đênh. Cho dù có lúc sống chết chỉ còn trong gang tấc, chuyến đi của họ được coi là may mắn. Đoàn có 168 người, gồm sáu mươi phụ nữ và sáu mươi trẻ em, không bị nạn hải tặc, không có người bị bệnh nặng, không có người phải bỏ xác trên biển.
Chuyến vượt biên thứ sáu cũng đã đưa Thiếu úy Phan Ngọc Vượng tới được một trại tị nạn ở Malaysia. Nhưng trước đó, chuyến vượt biên thứ năm của ông vào cuối năm 1978 đã bất thành dù có nhiều tình cờ may mắn.
Chiếc ghe đưa họ ra khơi là loại ghe bầu chạy trên sông Tiền, thường được gọi là ghe cà dom. Đi được ba ngày, ba đêm thì chết máy, chiếc ghe trôi vô định ngoài hải phận quốc tế, gặp gần năm chục chiếc tàu chạy qua mà không có một chiếc nào cứu giúp. Ngày thứ tư, vào khoảng 5 giờ chiều, xuất hiện một chiếc tàu tên là Hegenburger, chạy gần. Ông Vượng quyết định nhảy xuống biển bơi ra chặn đầu.
Con tàu đồ sộ kéo còi giận giữ trong mấy phút rồi thả một chiếc ca-nô cùng một sỹ quan và ba người lính xuống. Ca-nô vừa chạm nước, viên sỹ quan rút súng, đạn găm ngay sau lưng ông Vượng. Rồi chiếc ca-nô chạy nhanh tới, trong tích tắc, ông Vượng được kéo lên. Viên sỹ quan hỏi: “Ông là ai?”. Ông Vượng: “Tôi là người tị nạn Việt Nam! Còn các ông?”. Viên sỹ quan: “Chúng tôi từ Đông Đức”. Ông Vượng: “Sao ông bắn tôi?”. Viên sỹ quan: “Ông không thấy hai con cá mập nó đang dí sau lưng à?”.
Trước khi gặp thuyền trưởng, ông Vượng được đưa vô nhà hàng trên tàu, ông được đặt ngồi trước một đĩa thịt bò và một lon Coca. Đó là bữa ăn ngon nhất trong cuộc đời của ông Vượng. Những người trên tàu đã rất lịch sự nhưng không chịu đưa những thuyền nhân đến Hong Kong. Thoạt đầu, họ đã bỏ đi, nhưng sau khi biết cơn bão tới gần có thể nhận chìm con tàu hỏng máy chở các thuyền nhân Việt Nam, tàu Hegenburger đã quay trở lại và sau khi thương lượng, những người vượt biên chấp nhận quay trở vào bờ tránh bão.
Gần sáng thì họ nhìn thấy bờ biển Vũng Tàu. Thủy thủ tàu Hegenburger báo cho chính quyền rồi quay đầu. Khoảng 5 giờ sáng, tàu công an xuất hiện. Thuyền trưởng chiếc ghe vượt biên, nguyên là một trung úy hải quân vừa đi học tập về, nhảy xuống biển. Ông Vượng biết, nếu bị bắt lại, những người như ông và viên trung úy sẽ phải mục xương trong tù. Ông Vượng cũng nhảy xuống biển. Mới bơi được mấy sải thì một thằng nhỏ trên ghe ném cho ông miếng xốp khá lớn. Chính miếng xốp đó đã cứu mạng ông. Viên trung úy hải quân lần ấy đã không thể bơi vào bờ.
Vài giờ sau, ông Vượng được mấy người Nga kéo lên một chiếc cano nhưng thái độ của họ khiến ông Vượng e rằng sẽ bị giao cho công an nên khi thấy một chiếc ghe câu nhỏ đi qua, ông Vượng gọi: “Ơi! Cứu anh!”. Hai thiếu niên trên ghe câu hỏi: “Vượt biên à? Nhảy đi!”. Ông Vượng nhảy xuống. Ông Vượng được hai cậu bé đưa về nhà trong một làng chài. Nghỉ ngơi, ăn uống xong, hai cậu bé đưa ông về Sài Gòn với giá một lượng vàng. Lúc đó, đi honda không hẳn là an toàn, nhưng đi xe đò thì chắc chắn không thoát vì công an sẽ xét, nếu không có giấy đi đường là bắt liền. Chập tối, họ lên đường, và tới 11 giờ đêm thì về tới nhà mẹ ông Vượng ở Gò Vấp. Bà mẹ già bật khóc: “Sao lần nào đi cũng không tới nơi vậy con?”.

Reply


Messages In This Thread
Đọc truyện Thuyền Nhân sau 1975 - by Be 3 - 2019-07-19, 09:41 PM
RE: Đọc truyện. - by Be 3 - 2019-07-19, 10:01 PM
RE: Đọc truyện. - by Be 3 - 2019-07-19, 10:02 PM
RE: Đọc truyện. - by Be 3 - 2019-07-19, 10:03 PM
RE: Đọc truyện. - by Be 3 - 2019-07-19, 10:03 PM
RE: Đọc truyện. - by Be 3 - 2019-07-19, 10:18 PM
RE: Đọc truyện. - by tuyetvan - 2019-07-20, 04:57 PM
RE: Đọc truyện. - by tuyetvan - 2019-07-20, 05:05 PM
RE: Đọc truyện. - by tuyetvan - 2019-07-20, 05:08 PM
RE: Đọc truyện. - by tuyetvan - 2019-07-20, 05:10 PM
RE: Đọc truyện. - by tuyetvan - 2019-07-20, 05:13 PM
RE: Đọc truyện. - by tuyetvan - 2019-07-20, 05:18 PM
RE: Đọc truyện. - by Be 3 - 2019-07-26, 01:42 PM
RE: Đọc truyện. - by tuyetvan - 2019-07-20, 05:20 PM
RE: Đọc truyện. - by tuyetvan - 2019-07-20, 05:26 PM
RE: Đọc truyện. - by tuyetvan - 2019-07-20, 05:29 PM
RE: Đọc truyện. - by tuyetvan - 2019-07-20, 05:31 PM
RE: Đọc truyện. - by tuyetvan - 2019-07-20, 05:33 PM
RE: Đọc truyện. - by tuyetvan - 2019-07-20, 05:34 PM
RE: Đọc truyện. - by tuyetvan - 2019-07-20, 05:39 PM
RE: Đọc truyện. - by tuyetvan - 2019-07-20, 05:40 PM
RE: Đọc truyện. - by tuyetvan - 2019-07-20, 05:42 PM
RE: Đọc truyện. - by tuyetvan - 2019-07-20, 05:43 PM
RE: Đọc truyện. - by Chàng Hiu - 2019-07-21, 11:01 AM