2019-07-19, 10:03 PM
Trước khi tới biển
Thời ấy, thường có hai dạng tổ chức vượt biển – tự túc, nghĩa là không dính líu gì đến công an, và mua bãi. Dạng thứ nhất thường gặp nguy hiểm hơn lúc xuống tàu rời đất liền. Mọi thứ đều lén lén, lút lút trong màn đêm. Những người này thường chọn những đêm không trăng, và chấp nhận bị bắt bất kỳ lúc nào. Dạng thứ hai, thường được mấy người tổ chức móc nối, sắp xếp ngày giờ trùng với ca trực của “tay trong” để đưa người xuống tàu. Không có dạng nào là chắc chắn, nhưng những người đã “móc nối” thì khả năng bị công an xông ra từ trong các lùm cây là ít hơn.
Thời ấy, thường có hai dạng tổ chức vượt biển – tự túc, nghĩa là không dính líu gì đến công an, và mua bãi. Dạng thứ nhất thường gặp nguy hiểm hơn lúc xuống tàu rời đất liền. Mọi thứ đều lén lén, lút lút trong màn đêm. Những người này thường chọn những đêm không trăng, và chấp nhận bị bắt bất kỳ lúc nào. Dạng thứ hai, thường được mấy người tổ chức móc nối, sắp xếp ngày giờ trùng với ca trực của “tay trong” để đưa người xuống tàu. Không có dạng nào là chắc chắn, nhưng những người đã “móc nối” thì khả năng bị công an xông ra từ trong các lùm cây là ít hơn.
Không phải ai cũng có tiền có vàng để đóng cho các chủ tàu: “đĩ điếm” thì coi như đã hết thời sau ngày 30-4-75; những “gia đình ác ôn” không phải đi học tập thì trước đó không phải ai cũng có chức tước tiền bạc; những người mà chồng con đang ở trong trại thì còn phải mang gánh nặng thăm nuôi – đối với nhiều người vợ tù, nước có thể bỏ nhưng chồng trong trại giam thì không thể.
Trở lại câu chuyện của Thượng sỹ Trần Văn Ngọt và cô em vợ của ông, Lục Phương Mai. Ngày 7-6-1979, từ nhà, mấy chị em, dì cháu Mai đi xích lô máy ra bến xe miền Tây rồi đi xe đò xuống Tiền Giang. Họ “ém” trong nhà một nông dân, chờ đêm ập xuống thì nhảy lên một chiếc xuồng con chạy ra ghe lớn đang đậu chờ ngoài cửa sông. Theo dự kiến, 12 giờ đêm chiếc ghe lớn ấy sẽ bắt đầu hành trình. Nhưng khi vừa thấp thoáng thấy cửa sông thì bỗng từ trong bờ dừa nước, một chiếc bo bo xé nước phóng ra, ép sát con xuồng. Thượng sỹ Trần Văn Ngọt chưa kịp phản ứng đã ăn một báng súng khuỵu xuống. Tất cả trai tráng lẫn đàn bà con gái bị đưa về trại giam Tiền Giang. Ngay trong đêm, đoàn bị chia hai: nam một bên, nữ một bên. Và lập tức, quản giáo quát: “Cởi áo ra”; rồi, “Cởi quần ra”; rồi, “Cởi luôn quần lót”. Quần áo, giày dép đều bị sờ nắn tới từng đường chỉ.
Trước khi ra đi, những người vượt biên đều đã dự liệu tình huống này nên khi chiếc bo bo vừa phóng ra, hạt xoàn, vàng, đô la đều đã bị ném không thương tiếc xuống nước. Với nhiều người, “thà để cá ăn, dứt khoát không để vàng bạc rơi vào tay Việt cộng”. Nhưng Lục Phương Mai vẫn cố giữ lại hai lượng vàng. Trước khi cởi đồ, chị lén lút chuyển hai lượng vàng ấy cho cô cháu gái tên là Thùy, Thùy chuyền cho em gái là bé Tí Hương, năm ấy mới lên sáu tuổi không bị quản giáo để ý. Tí Hương nhét vàng vào bụng để rồi khi mấy dì cháu về buồng giam liền đưa lại cho dì giấu trong một tuýp thuốc đánh răng.
Chín anh em, dì cháu nhà Lục Phương Mai nằm khoảng hơn một tháng thì được mẹ viết thư lên Quận ủy “nhận lỗi là đã không giáo dục tốt con em để chúng nó làm điều sai quấy”. Xét gia đình “có công với Cách mạng”, mấy chị em Mai được tha, riêng Thượng sỹ Trần Văn Ngọt thì bị kêu án ba năm tù .
Nếu như chiếc thuyền vượt biên của Lục Phương Mai bị chặn ngay từ cửa sông thì thuyền của chị em nhà Ngô Hồng Ngọc lại đã đi được nhiều giờ trên biển. Ngày 26-12-1983, Ngọc, lúc đó hai mươi ba tuổi, vượt biên cùng với một đứa em, hai người dì và bốn chị em họ khác. Ngô Hồng Ngọc kể: “Chúng tôi được đón bằng xe buýt lớn, giống như một đoàn người hành hương, được đưa tới lăng Ngọc Hà – Bà Rịa, vào một nhà dân đợi tới đêm thì lên một thuyền nhỏ. Chiếc thuyền taxi này chạy khoảng một giờ thì tới địa điểm đón, từ đó chúng tôi được đưa vào một thuyền đánh cá.
Chiếc thuyền nhỏ này – ngang khoảng 2,5m, dài 15m – do sáu gia đình hùn tiền: Gia đình bác sĩ Vận cùng vợ và hai con trai nhỏ (bác sĩ Vận và vợ là y sĩ, họ có trách nhiệm lo sức khỏe cho mọi người cùng đi); một người hoa tiêu cùng gia đình; ông tài công cùng ba gia đình chúng tôi. Thế nhưng, khi được đưa vào thuyền lớn, một nhóm người đông hơn cả số đóng tiền, ém sẵn trước ở đấy, nhân lúc lộn xộn, cùng lên tàu. Thế là con tàu phải chở tới 126 người, lớn, bé, già, trẻ. Từ các tai mắt ở khu vực cho đến lực lượng thường xuất hiện ngoài “bến bãi” đều được “lo bao”, lại đi vào dịp cận Tết, nên việc khởi hành diễn ra suôn sẻ”.
Ngô Hồng Ngọc kể tiếp: “Hai chị em tôi được mẹ đưa cho một túi sâm cắt lát với lời dặn, lúc khát và mệt thì lấy ra ngậm. Mẹ cũng may lẫn trong gấu áo, gấu quần tôi 1 số tiền đô la Mỹ, trên tay đeo bốn nhẫn nhỏ loại một chỉ, với hi vọng khi tới đảo có thể dùng liên lạc về cho bố mẹ. Xuống thuyền, đàn bà và trẻ em được đưa vào dưới boong, chúng tôi nằm chen chúc lên những thanh gỗ đan vào nhau quét đầy nhựa đường. Mỗi đợt sóng đánh, ruột gan ai nấy quặn lên và ói. Em gái nhỏ của tôi đói và khát, những miếng sâm nhỏ mẹ cho chúng tôi đã nhấm hết mà vẫn không hết mệt. Anh Lê, một người bạn của gia đình tôi, phải đi ‘ngoại giao’ để mang về từng bát nước cháo cho chúng tôi chia nhau. Ngày thứ ba trên biển, lâu lâu anh Lê dìu hai chị em tôi lên boong để hít thở chút ít rồi phải quay lại hầm tàu”.
Ngày thứ tư, thuyền bị cháy máy do tài công ngủ quên, cậu con trai châm nhớt không kịp. Một người em họ của Ngô Hồng Ngọc, Ngô Quang Hưng , năm ấy mới hơn mười tuổi, nhớ lại: “Trong mấy ngày đêm lênh đênh trên biển, mọi người cố lấy chăn mền căng ra làm buồm, cố ra được ngoài hải phận quốc tế. Có những đêm, nhìn thấy đèn tàu lớn ở phía xa, mọi người kêu gào, dùng đèn pin đánh tín hiệu SOS kêu cứu nhưng tàu lớn vẫn không vào. Có hôm, thấy máy bay bay ngang đầu, lại hò hét, lại hy vọng. Một chị đi tiểu trong cái ‘toilet’ được khoanh bằng một tấm bạt sát bên mạn thuyền, bị sóng đập rơi xuống biển… Cứ đêm đến là lại nghe tiếng sóng dập hòa lẫn với những lời cầu nguyện”. Theo Hồng Ngọc: “Thuyền càng lắc mạnh tôi càng nắm chặt tay em gái, chúng tôi chỉ muốn sống chết có nhau. Xung quanh, con gọi cha mẹ, vợ kêu chồng… Không ai còn hy vọng tới bến bờ tự do mà chỉ còn hy vọng sống”.
Cuối cùng, mọi người thở phào khi nhìn thấy đảo. Nhưng khi con thuyền dạt vào cách đảo chừng 300m thì bị đâm vào đá ngầm, thủng đáy. Mọi người bò hết lên boong. Dân đánh cá và một số người bơi giỏi thì nhảy xuống để bơi vào bờ thoát thân. Ngô Quang Hưng kể: “Khi nhảy xuống, bác sỹ Vận bị bánh lái tàu đập vào đầu, chết. Cái chị đi toilet rơi xuống biển đêm trước, khi ở ngoài khơi thì cứu được, lần này lại bị chết khi cố bơi vào bờ”. Theo Ngô Hồng Ngọc: “Hai mươi lăm người, cả nam lẫn nữ bị đập mạnh vào đá và bị sóng dập, chết ngay trước mắt chúng tôi: đàn ông nằm sấp, đàn bà nằm ngửa, xác họ nổi lên chỉ sau hai ba phút”.
Con thuyền từ từ chìm. Một số người nhanh trí, lấy dây buộc vào các mỏm đá để phụ nữ, trẻ em bám vào, từng bước leo qua từng phiến đá lớn, quanh những xác chết. Thêm một số người chết do sóng đánh mắc kẹt vào kẽ đá. Ngô Hồng Ngọc kể: “Chừng một giờ sau, một đợt sóng lớn ập tới, từ đảo nhìn ra, thuyền của chúng tôi vỡ vụn thành những tấm gỗ mỏng trôi lênh đênh, cùng với xác người và một vùng loang của máu”. Theo Ngô Quang Hưng: “Một ấn tượng cực kỳ khó quên là trên bờ có cơ man nào là dép Lào. Và nhiều mảnh gỗ không biết từ đâu dạt đến”. Ngọc nói: “Có lẽ, không chỉ thuyền của chúng tôi lâm vào cảnh ngộ này”.
Điều ám ảnh những người sống sót nhất, theo Ngô Quang Hưng: ““Khi các thuyền nhân đang đấu tranh với sóng, đá ngầm, bánh lái, để tìm cách lên bờ thì cũng là lúc thủy triều đang dâng. Cái mỏm đá mà chiếc ghe kẹt lại càng lúc càng xa bờ, chìm dần xuống. Không hiểu thế nào mà còn một cậu bé đứng trên mỏm đá đó khi những người còn sống sót đã lên hết trên bờ. Sóng thì quá mạnh. Vách đá dựng đứng. Ba bốn ngày đói khát. Khát khủng khiếp! Không ai có khả năng bơi ngược lại mỏm đá càng lúc càng xa bờ. Tất cả thẫn thờ đứng nhìn. Những cái xác bồng bềnh. Đàn ông sấp. Đàn bà ngửa. Biển ngập dần lên mỏm đá mà cậu bé đứng, lúc này chỉ còn là một cái chấm ngọ nguậy. Mọi thứ biến mất như chưa từng tồn tại trên đời: cái ghe, mỏm đá, cậu bé. Đoàn thuyền nhân quay lưng trèo lên đỉnh núi trước khi mặt trời lặn”.
Gia đình Ngô Hồng Ngọc và gia đình người tài công may mắn còn nguyên vẹn. Vách núi, về sau mọi người mới biết là hòn Bảy Cạnh, dốc đứng, nhưng mọi người vẫn cố gắng trèo lên vì nước thủy triều. Ngô Hồng Ngọc nói: “Chúng tôi nắm tay nhau cho qua cơn đói khát… Đau buồn nhất là gia đình bác sĩ Vận, ông chết trước mắt vợ con. Người vợ của ông giờ đó đã trở thành góa phụ lại bị gãy chân. Chị Thảo, em gái bác sĩ Vận, vừa dìu chị dâu vừa lo kéo hai thằng cháu nhỏ. Chúng vừa nhớ bố vừa đói khát, chốc chốc lại kêu: ‘Bố ơi! Con đói quá. Bố ơi! Con lạnh quá’. Tối như đêm ba mươi. Không mấy ai để ý đến thời khắc giao thừa. Chúng tôi chỉ đợi trời sáng để leo qua đỉnh núi, hy vọng ở phía bên kia có người”.
Nhưng ở phía bên kia vẫn chỉ là đảo hoang. Ngô Hồng Ngọc kể: “Chúng tôi bẻ củi, chất thành đống lớn, đợi trời tối để sưởi cho bớt lạnh và hi vọng tàu đi ngoài xa có thể nhìn thấy và tới cứu. Thêm một đêm ngóng trông. Khi đống lửa đã sắp tàn thì nghe có tiếng ca nô chạy vào bờ, tiếng súng bắn và sau đó tiếng loa phóng thanh: ‘Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam… Công an nhân dân Côn Đảo… Yêu cầu bỏ vũ khí…đầu hàng!’. Vẫn là ‘Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’. Không gì có thể làm chúng tôi đau đớn hơn. Sáng mùng Ba Tết, chúng tôi được một xà lan lớn đưa ra biển và đưa vào núi lớn Côn Đảo”.
Theo Hồng Ngọc: “Từ hôm đó chúng tôi được phát mỗi người hai bộ quần áo tù màu ghi đậm, vải thô xù xì rồi được đưa vào trong một phòng giam lớn, hai bên có hai bệ bê tông dài, ở giữa là lối đi. Chúng tôi nằm xếp lớp trên đó, không chăn, không gối. Hàng ngày, được phát hai lần cơm, lâu lâu mới có muối mè hay rau luộc. Sau giờ điểm danh sáng, cửa phòng mở, chúng tôi được đi lại, tắm rửa, hay lòng vòng quanh mấy hàng hiên. Một số người sẽ được gọi đi ‘làm việc’. Đối diện với trại nữ là khu trại nam. Các tù nhân nam bị nhốt trong nhà, trừ những giờ ra ngoài đi lao động, trồng rau hay dọn vệ sinh. Khi chúng tôi tới, Côn Đảo không còn tù chính trị. Những người đang ở đây, phần lớn là dân vượt biên, những người bị giữ lâu nhất thường là dân ‘có tóc’ như chủ ghe, tài công”.
Các thuyền nhân bị giữ ở Côn Đảo bốn tuần thì được đưa lên một xà lan lớn, chở vào trại giam Cỏ May, Vũng Tàu. Khác với Côn Đảo, trại giam Cỏ May giam đủ loại tù, tù chính trị hạng nặng bị nhốt riêng. Hồng Ngọc bị nhốt chung với các nữ tù chính trị và hình sự. Ngọc kể: “Trong phòng, có người tên là Dì Ba, nghe đâu từng làm sĩ quan tâm lý chiến thời Việt Nam Cộng Hòa, đã vượt biên sáu lần, cả sáu lần đều vô khám”. Ngọc bị giam bảy tháng ở trại Cỏ May. Một người lính hải quân Việt Nam Cộng Hòa vì tội tổ chức vượt biên đã bị nhốt năm năm trong trại.
Năm 1985, Bộ Luật Hình sự của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam lần đầu tiên ra đời, coi vượt biên là một tội hình sự, xếp chung vào nhóm tội “xâm phạm an ninh quốc gia”. Trước đó, những người vượt biên bị bắt có thể bị giam mà không cần xét xử hoặc bị xử theo Pháp lệnh Trừng trị các tội Phản Cách mạng do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 1967. Theo Luật sư Trương Thị Hòa, người đã từng bào chữa cho một số bị cáo “vượt biên”, tòa áp dụng khá linh hoạt các quy định trong Pháp lệnh 1967, tuy nhiên, phần lớn bị xử tù theo Điều 9: “Tội trốn theo địch hoặc vì mục đích phản cách mạng mà trốn ra nước ngoài”.
Trại Gia Trung đã dạy cho Chóe những bài học dài ngày trong buồng biệt giam, để khi vượt biên bị bắt, anh thôi không “cãi” là mình vô tội nữa. Tại trại giam Công an Long An, anh đã rất “ngoan” nên “án” ba năm chỉ ở hai năm là được tha. Nhưng bị bắt ngày ấy vẫn được gọi là may.
Anh Phùng Văn Vinh nhớ lại: “Mùa hè năm 1981, ở bãi biển Thanh Bình Đà Nẵng, có bốn người vượt biên bị bắn chết, xác trôi vào được xếp ngay hàng trên bờ chờ người tới nhận… Trên xác họ, đầy kín những lỗ đạn đen xỉn, ruồi vo ve bay… Một xác là của một người thanh niên lai Mỹ với mái tóc vàng óng, nằm dài ngoằng so với những người còn lại. Nghe đâu sau đó có ba người được thân nhân tới nhận xác đưa về chôn, còn anh thanh niên lai Mỹ vì không có ai đến nhận, nên đã bị đưa đi mất vì dân chúng quanh đó không chịu nổi mùi thối… Tôi nghe những người lớn lúc đó thầm thì bàn tán, chính quyền cố tình để vậy để răn đe dân chúng trong vùng. Chẳng là dân Đà Nẵng có tiếng về chuyện liều mạng vượt biển”. Nhưng đó chỉ là những cái chết được nhìn thấy.