2018-11-08, 06:53 PM
Nuốt Lời Hứa
Đời tôi có ba lần đáng nhớ:
Lần đầu khi ông chú thân với gia đình tôi về phép, ông ghé qua cho biết ngày mai sẽ đến chơi với chúng tôi.
Cả ngày hôm đó chúng tôi lăng xăng dọn dẹp, chuẩn bị ngày mai đón chú. Cái ngày mai đó, mỗi một tiếng động ở cửa là tôi ngóng cổ ra - có lẽ chú đến. Niềm đợi chờ tắt dần theo ngày. Tôi tự nghĩ, có lẽ chú bận chuyện gì quan trọng lắm mới thất hứa với gia đình tôi, mai chú sẽ đến. Và ngày mai, ngày mai nữa... lịch được đếm từng tờ. Chúng tôi không dám đi chơi đâu hết, sợ chú đến không gặp. Chờ từng ngày, đến hai năm sau thì chú đến, chuyện qua khúc quanh khác. Và ở đây tôi không định kể chuyện đó. Năm đó, tôi học đệ tam.
Lần chờ đợi thứ hai, rõ nét và sâu đậm hơn. Nó để lại một ấn tượng mạnh trong tôi, cho mãi đến bây giờ gần hai mươi năm tôi nghe như niềm tin và sự chờ đợi đó vẫn còn.
Mỗi sáng, ba tôi với sự hiền hòa ngồi chờ tôi pha café, ông nói về sự ân hận của ông đã làm khổ chúng tôi đêm qua. Ông bảo chiều nay ông sẽ về sớm ăn cơm, chúng tôi chờ cơm ông.
Sáu giờ chiều tôi dọn bàn ăn, chờ ông. Với hy vọng vui vẻ, mấy chị em bàn luận đủ chuyện. Rồi bảy giờ, chúng tôi lôi sách vở ra học bài. Rồi tám, rồi chín. Nhìn nhau, chúng tôi lắc đầu, khi một hồi còi hụ dài, báo giờ giới nghiêm, ông được chở về tới, chúng tôi khiêng ông vô. Sau đó thì chuyện đáng buồn, tôi không muốn nhắc lại làm gì, dù rằng ấn tượng đó bây giờ có phai nhưng chưa mất.
Sáng hôm sau, khi tỉnh rượu, ông lại hiền hòa, lại ân hận, lại nhất quyết chiều về sớm - nhất định. Tôi lại chờ đợi, lại tin tưởng. Rồi vẫn 6 giờ, 7 giờ, 8 giờ cho đến nửa đêm ông được khiêng về.
Chiều nào tôi cũng chờ ông, và luôn luôn tin chắc ông về đúng hẹn. Đến bây giờ tôi không hiểu sao qua năm tháng dài như vậy mà niềm tin đó không mất, nó chỉ pha lẫn sự đau buồn của tôi.
Tôi xin mở một cái ngoặc nhỏ: Cuối đời ba tôi đã đi tu.
Lần thứ ba, thâm trầm hơn, dai dẳng hơn, có lẽ vì tuổi tác gần bốn mươi của tôi. Niềm tin và chờ đợi có từ ngày tôi nhận chức Bảo trì. Khi sắp đặt ngăn nắp thì tôi tin đâu sẽ vào đó ổn thỏa. Sự chờ đợi đó rõ nét hơn khi tôi đóng xong cái kệ để nón. Tôi luôn tin rằng đâu sẽ vào đó ổn thỏa. Ngày nào tôi cũng nhăn nhó, rằn ri khi phải dọn dẹp tìm kiếm. Sắp đâu vô đó rồi tôi lại hy vọng ngày mai, ngày mai nhất định đâu đó ngăn nắp. Mỗi lần đứng trước kệ, tôi thấy lại sự chờ đợi năm cũ. Có lẽ vì niềm tin, vì hy vọng nên tôi có thể làm mọi điều và chờ đợi, chờ đợi.
Tại sao lại tin vào một điều khó có thể làm được? Chúng ta dễ dàng hứa và dễ dàng nuốt lời. Hồi mới học kinh, tôi thường phục các vị Bồ-tát tin chúng sanh - một loài nuốt lời hứa dễ dàng hơn bất cứ làm điều gì.
Khuya nào trên bồ đoàn tôi cũng hiền hòa, sáng suốt tự hứa "tự tư dĩ hậu"... nhất định không sân si, quạu quọ, không u mê như hôm qua, không... Khi tuột xuống khỏi bồ đoàn, bước vô mê hồn trận thì ôi thôi! Nếu có vị Bồ-tát nào chờ đợi sự tỉnh giác của chúng tôi, thì có lẽ chờ từng phút này qua phút kia cho đến khi ba tiếng kẻng thiền khiêng chúng tôi lên bồ đoàn. Tôi lại ân hận, lại tự hứa. Và như vậy, thời gian đi qua cả chục năm.
Tôi đành phải để chuyện dang dở nơi đây. Đoạn kết có lẽ bạn chờ đợi nơi chính cuộc sống chúng tôi vậy.
Thuần Chánh
Đời tôi có ba lần đáng nhớ:
-oOo-
Lần đầu khi ông chú thân với gia đình tôi về phép, ông ghé qua cho biết ngày mai sẽ đến chơi với chúng tôi.
Cả ngày hôm đó chúng tôi lăng xăng dọn dẹp, chuẩn bị ngày mai đón chú. Cái ngày mai đó, mỗi một tiếng động ở cửa là tôi ngóng cổ ra - có lẽ chú đến. Niềm đợi chờ tắt dần theo ngày. Tôi tự nghĩ, có lẽ chú bận chuyện gì quan trọng lắm mới thất hứa với gia đình tôi, mai chú sẽ đến. Và ngày mai, ngày mai nữa... lịch được đếm từng tờ. Chúng tôi không dám đi chơi đâu hết, sợ chú đến không gặp. Chờ từng ngày, đến hai năm sau thì chú đến, chuyện qua khúc quanh khác. Và ở đây tôi không định kể chuyện đó. Năm đó, tôi học đệ tam.
-oOo-
Lần chờ đợi thứ hai, rõ nét và sâu đậm hơn. Nó để lại một ấn tượng mạnh trong tôi, cho mãi đến bây giờ gần hai mươi năm tôi nghe như niềm tin và sự chờ đợi đó vẫn còn.
Mỗi sáng, ba tôi với sự hiền hòa ngồi chờ tôi pha café, ông nói về sự ân hận của ông đã làm khổ chúng tôi đêm qua. Ông bảo chiều nay ông sẽ về sớm ăn cơm, chúng tôi chờ cơm ông.
Sáu giờ chiều tôi dọn bàn ăn, chờ ông. Với hy vọng vui vẻ, mấy chị em bàn luận đủ chuyện. Rồi bảy giờ, chúng tôi lôi sách vở ra học bài. Rồi tám, rồi chín. Nhìn nhau, chúng tôi lắc đầu, khi một hồi còi hụ dài, báo giờ giới nghiêm, ông được chở về tới, chúng tôi khiêng ông vô. Sau đó thì chuyện đáng buồn, tôi không muốn nhắc lại làm gì, dù rằng ấn tượng đó bây giờ có phai nhưng chưa mất.
Sáng hôm sau, khi tỉnh rượu, ông lại hiền hòa, lại ân hận, lại nhất quyết chiều về sớm - nhất định. Tôi lại chờ đợi, lại tin tưởng. Rồi vẫn 6 giờ, 7 giờ, 8 giờ cho đến nửa đêm ông được khiêng về.
Chiều nào tôi cũng chờ ông, và luôn luôn tin chắc ông về đúng hẹn. Đến bây giờ tôi không hiểu sao qua năm tháng dài như vậy mà niềm tin đó không mất, nó chỉ pha lẫn sự đau buồn của tôi.
Tôi xin mở một cái ngoặc nhỏ: Cuối đời ba tôi đã đi tu.
-oOo-
Lần thứ ba, thâm trầm hơn, dai dẳng hơn, có lẽ vì tuổi tác gần bốn mươi của tôi. Niềm tin và chờ đợi có từ ngày tôi nhận chức Bảo trì. Khi sắp đặt ngăn nắp thì tôi tin đâu sẽ vào đó ổn thỏa. Sự chờ đợi đó rõ nét hơn khi tôi đóng xong cái kệ để nón. Tôi luôn tin rằng đâu sẽ vào đó ổn thỏa. Ngày nào tôi cũng nhăn nhó, rằn ri khi phải dọn dẹp tìm kiếm. Sắp đâu vô đó rồi tôi lại hy vọng ngày mai, ngày mai nhất định đâu đó ngăn nắp. Mỗi lần đứng trước kệ, tôi thấy lại sự chờ đợi năm cũ. Có lẽ vì niềm tin, vì hy vọng nên tôi có thể làm mọi điều và chờ đợi, chờ đợi.
-oOo-
Tại sao lại tin vào một điều khó có thể làm được? Chúng ta dễ dàng hứa và dễ dàng nuốt lời. Hồi mới học kinh, tôi thường phục các vị Bồ-tát tin chúng sanh - một loài nuốt lời hứa dễ dàng hơn bất cứ làm điều gì.
Khuya nào trên bồ đoàn tôi cũng hiền hòa, sáng suốt tự hứa "tự tư dĩ hậu"... nhất định không sân si, quạu quọ, không u mê như hôm qua, không... Khi tuột xuống khỏi bồ đoàn, bước vô mê hồn trận thì ôi thôi! Nếu có vị Bồ-tát nào chờ đợi sự tỉnh giác của chúng tôi, thì có lẽ chờ từng phút này qua phút kia cho đến khi ba tiếng kẻng thiền khiêng chúng tôi lên bồ đoàn. Tôi lại ân hận, lại tự hứa. Và như vậy, thời gian đi qua cả chục năm.
Tôi đành phải để chuyện dang dở nơi đây. Đoạn kết có lẽ bạn chờ đợi nơi chính cuộc sống chúng tôi vậy.