2018-10-31, 09:18 PM
(2018-10-30, 03:37 PM)quexua Wrote: Khi mình nhìn hiện tượng mà đoán được thời thế nghĩa là gì? Và có tầm quan trọng của điều này như thế nào?
Thời xưa, những người tài khi học Kinh Dich, nhìn lên trời biết được thiên văn, nhìn xuống đất biết được địa lý. Người thức thời, biết được thời nào thì nên chuẩn bị để làm việc gì ...
...
Chào Quexua,
Đọc bạn viết bàn sơ về chữ THỜI của Dịch: biết khi nào thối, biết khi nào tiến, biết khi nào dừng đúng lúc..., thì tôi nghĩ chắc chỉ có bậc thánh nhân thông hiểu sâu sắc Dịch Lý mới áp dụng nổi.
Tôi nghĩ Kinh Dịch không phải là một cuốn sách dễ đọc đâu. Ngoài sự thông minh còn có cái tâm nữa. Tôi cũng đã có từng đọc qua, mà hiện nay phải tạm dừng lại, vì sau khi xem xong thì chẳng hiểu và nhớ được bao nhiêu, tức là hơi kém thông minh. Phải cần có thời gian nhiều mới có thể đọc, nghiên cứu nó được. Có lẽ sau này khi về hưu, có thời giờ nhiều thì tôi mới có thể trở lại nghiền ngẫm nó. :-)
Thế nên, tôi trích ra đây vài đoạn của bác Nguyễn Duy Cần giảng giải về Dịch để chia sẻ với bạn.
Theo nhà học giả và nghiên cứu là bác Nguyễn Duy Cần (1907 - 1998) thì: "Học Dịch rất khó, nếu không bền chí kiên gan thì không thể làm sao hiểu nổi bộ sách vĩ đại này."
Cũng theo bác Cần, phần tinh hoa huyền nhiệm Hình Nhi Thượng của Dịch là nằm ở hình Tượng và các con Số (của Hà Đồ và Lạc Thư). Gọi chung là Tượng Số học, tức là con Số ẩn chứa trong hình Tượng. Kể từ sau Thiệu Khang Tiết tiên sinh (1011 - 1077) của Trung Quốc, lập thành học phái gọi là Tượng Số học của Dịch, thì sau này hầu như không còn ai theo nổi, hầu như bị thất truyền.
Bạn là người công giáo, chắc có lẽ sẽ rất vui vẻ và sung sướng khi hiểu được những gì khó hiểu trong Thánh Kinh, vì có đôi lần tôi thấy QX nói, đôi khi mất vài tháng hay năm gì đó thì chợt hiểu ra được câu nào đó trong Thánh Kinh. Bác Cần có nói: "Nếu không hiểu Tượng Số học thì không dễ gì hiểu được phần bí truyền của Thánh Kinh, thí dụ Thánh Jean viết Apocalypse toàn dùng đến con số."
Và Bác nói thêm về Tượng và Số của Dịch: "Tượng học không thể tách rời khỏi những con Số (ở Hà Đồ và Lạc Thư), Số là tiếng nói Thiêng Liêng của cái Tượng. (...) Những con số là những tượng hình vĩnh cửu, bất diệt, được khắc sâu và không bao giờ phai vào "Tiềm Thức Chung" của con người từ vạn cổ. Chúng là những "khuôn thức bất di bất dịch" được gọi là những "khuôn thiêng" (...) mà Tạo Hoá đã dùng làm mô hình để tạo thành vạn vật. Nếu chẳng phải là một vật dùng làm biểu tượng độc lập để mà hiểu thấu được thần minh, thấu rõ được sự biến hoá của Trời Đất mà biểu tượng ấy là những con số, thì làm sao ta có đủ điều kiện để tham dự vào công việc sáng tạo huyền bí của Tạo Hoá."
Vì vậy, tôi nghĩ, muốn áp dụng được chữ Thời của Dịch, thì cần phải hiểu thấu được phần Hình Nhi Thượng nhất nguyên của nó, tức là Tượng pháp và con Số của nó, thì chắc mới có thể gọi là tuỳ duyên đúng thời hợp thế.
Tôi thích câu ngắn gọn này của Kinh Dịch: "Lý sương kiên băng chí." (Chân dẫm lên sương mà biết trước được mùa băng giá sắp đến chẳng còn bao lâu. -- Nguyễn Duy Cần dịch)
Xin cứ để cho tôi đốt ngọn đèn của tôi đi… mà đừng bao giờ hỏi nó sẽ làm tan được bóng tối hay không. R. Tagore