Nhìn Lại Quá Khứ
#1
Huê-khôi đầu tiên ở Nam-kỳ là ai?

[Image: 257571556_212538854319666_40171971052068...e=6199A6DC]


Lâu nay chúng ta quen gọi cô Ba-Trà là Huê-khôi đầu tiên ở Nam-kỳ, vì cô Ba quá nổi tiếng về sắc đẹp, làm rung rinh biết bao đờn ông giàu có lừng danh thời đó. Báo chí tốn không biết bao nhiêu giấy, mực để nói về cô Ba.

Thời điểm tổ chức cuộc thi " Concours élégant Saigon" ( Thi tuyển người lịch sự Saigon) tại vườn Bờ-Rô( tức Tao-Đàn) là năm 1937, năm đó cô Ba đã 31 tuổi Tây, không nằm trong tiêu chuẩn " 19 tới 25", nên không có dự thi.

Cuộc thi nầy tổ chức trong Hội-chợ, 19 cô gái từ 19 tới 25 tuổi bận áo dài đủ kiểu, đủ màu sắc có số thứ tự riêng, sau khi trình diện mọi người, đợi nghe gọi số thứ tự, sẽ được một vị trong Ban-tổ-chức nắm tay đi vòng quanh sân khấu cho Ban-giám-khảo, bà con xung quanh chiêm ngưỡng.

Nói qua về thành phần BGK, có Trạng-sư Kim, Bác-sĩ Lê-Quang-Trinh( tình nhơn của cô Ba-Trà) của Bịnh-viện Bạc-hà, tức là bv Hoa-Liễu trước năm 1975. Ngoài ra còn có mấy ông Tây trong Chánh-quyền.

Người đạt danh hiệu " Huê-hậu" năm đó là cô Liễu, tên đầy đủ là Nguyễn-thị-Liễu, con nhà giàu có, ba má cô có hai nhà máy chà lúa ở Hốc-Môn và Chợ-Lớn. Năm đó cô 24 tuổi.

Cô Liễu đẹp gái, năm 17 tuổi lấy chồng, nhưng chỉ được 6 tháng thì chồng cô chết vì bị bịnh. Cô đi thi cũng là tình cờ, trong một lần đi may đồ ở tiệm " Phúc-Thịnh" của ông chủ người Bắc-kỳ ngay cửa Bắc chợ Bến-Thành.

Thấy cô đẹp quá, ổng mới xin địa chỉ và dặn vài bữa nữa có thi " Huê-hậu" mời cô tham gia. Quần áo cô bận thi là ổng và ông Lê-Trương chủ tiệm vải trên đường Bonard đài thọ.

Như vậy cuộc thi nhan sắc lần đó cô Ba-Trà không có tham gia vì huốt tuổi, danh hiệu Huê-khôi của cô là " Huê-khôi hàm", do người thời đó tặng vì say mê nhan sắc của cô.

Tulip4 Tulip4 Tulip4
Reply
#2
Những gì tôi biết về cô Ba Trà

Vương Hồng Sển

Cô Ba Trà tức Trần Ngọc Trà, huê khôi số một ở Sài Gòn, khoảng 1920 -1935…

Trong quyến Hồi ký 50 năm mê hát xuất bản năm 1968 (Nhà xuất bản Phạm Quang Khải, 29 Yên Đổ, Sài Gòn) nơi trương 109, có mấy hàng như sau:

"Để thấy cái ngông cái gàn của kẻ này, xin nhắc một việc cũ, nay nhớ mà còn thẹn thẹn. Quả không có cái gì mà tôi không muốn không ham. Thậm chí, tiền không có, bề thế cũng không, mà đèo bòng nhiều việc lếu. Ngày mồng Một tháng Ba Dương lịch 1924 đi xem hát cải lương tại rạp Moderne, đường d’Espagne (Sài Gòn). Lá lay tôi được ngồi gần cô Ba Trà, lúc ấy đang sáng chói trong tiền, trong nhan sắc, và sắm xe hơi có tài xế phụ, để dành mở cửa. Cô Ba ngồi một dãy ghế thượng hạng với bản sĩ Lê Quan Trinh, ông tòa Trần Văn Tỷ và thầy Sáu Ngọ, tức Paul Daroll, "vua cờ bạc lừng danh thuở ấy". Trớ trêu thay, bên tay mặt và sát ghế cô là ghế của kẻ này. Cô ngồi xem mà mùi nước hoa làm tôi ngây ngất và khi nửa chừng cô ra về, tôi hết biết trên sân khấu hát ca những gì (1).

Cô Ba Trà vụt vụt lên như diều gặp gió, lên xe xuống ngựa mấy chục năm trường. Tôi thì một rương sách, một túi áo quần, để sau còn đùm đề thêm ba cái đồ sành cũ ưa bể và nứt rạn... Bỗng mấy chục năm sau, y như trong giấc chiêm bao, cô Ba Trà và tôi tình cờ gặp lại, nơi một sòng tài xỉu ở nhà Đại Thế Giới Chợ Lớn, sau trận phong ba 1945. Tôi thì đầu đã điểm sương, nhưng rắn rỏi phong trần già giặn. Cô thì đã mất phong độ năm nào nhưng sau khi tay bắt mặt mừng, cô hỏi nhỏ tôi, nhan sắc cô nay kém hơn trước tới bực nào. Tôi đáp tỉnh bơ: “Đối với tôi, tôi chỉ biết cô là người y như hình chụp treo trong tủ kiếng trước cửa nhà Photo Khánh Ký đường Bonard, lúc tôi còn học trường Chasseloup mà mặc trời mưa trời gió, Chúa Nhựt nào tôi cũng phải ra trường, đến ngắm tiên dung rồi mới trở về trường ăn ngủ được” và “đã khiến tôi thành thi sĩ, xin lỗi, thành thợ thơ nọ”.
Nhờ câu ấy, cô cười, hai hàm răng vẫn trắng đẹp như xưa, và cũng từ đó, cô thâu dụng tôi làm “bí thơ không nhận lương” suốt một thời gian khá lâu, khi thì nhơn danh cô, viết thơ cho bà tòa T. V. Tỷ, khi thì mượn danh bà trị bịnh trĩ Lê Minh Đường, cũng gởi thơ khẩn thiết nhắc việc cũ, tiền ân cựu ngởi, khi thì gởi cho đôi ba người khác. Thơ đi thì tôi viết, thơ trả lời thì cô nhận mà không bao giờ cho viên bí thơ này biết, nhưng có lẽ kết quả làm cho cô vừa lòng, nên tuy không trả lương nhưng thoảng cô cũng ban bố huệ ân mưa móc, đủ mát lòng đây!

Nếu tính sơ sơ theo cuốn nhựt ký hằng ngày năm 1952, tôi gặp cô những lần sau:
- Chiều Chúa Nhựt 4/5 đến 5 giờ sáng, nằm tiệm X.
- Chiều thứ Tư 14/5, chờ mãi ở viện Bảo tàng, cô hẹn mà không đến.
- Thứ Hai 19/5, 5 giờ chiều cô lại musée lấy bức đánh máy thơ viết ký L.M.Đ gởi bà Tỷ,
- Thứ Sáu 23/5, cô ghé V.B.T. nhờ đánh máy lại bức thơ riêng (…)

Sau đó, suốt bốn năm tháng, vẫn gặp thường thường trước ở sòng Đại Thế Giới, cùng với kỹ sư Phạm Kim Bảng, rồi bộ ba chạy xe vô động hút khu đất thánh nhà, nằm nghe cô vừa kéo ống ro ro vừa kể tâm sự, tỷ tê. Rồi đến lượt tôi kể vài đoạn éo le trong Tam Quốc Chí, đến một hai giờ khuya, Bảng mới lái xe đưa ai về nhà nấy, nhưng cô vẫn xuống xe góc Trần Hưng Đạo khu Hòa Bình, không cho biết nhà.

Cô thuật tiểu sử cho tôi lấy notes, vừa thấy hay hay, kế cô cho biết vì không tiền mua cơm đen, cô đã bán thiên tài liệu về cuộc đời cô cho một ông bạn nhà văn (Cố giao Trần Tấn Quốc lấy viết trong báo Tiếng Dội từ tháng 5/1952 (Dương lịch), làm 70 bài dài, lần lượt tôi sẽ ghi lại sau. Nghe vậy, tôi dửng dưng xin chép chuyện "Tiểu sử nhơiabã mía, và chỉ giữ lại cho đến hôm nay hình bóng một người tuyệt sắc từng vãi bừa bạc trăm bạc ngàn qua cửa sổ, hại sạt nghiệp không biết bao nhiêu tim can, nay không còn một xu teng "để cạo gió" và vẫn nuốt cơm trắng cơm đen kéo dài cái kiếp sống thừa, không biết cho đến ngày nào?

Cô Ba Trà kể lại cuộc đời

Dẫn: Tôi còn nhớ rành rành như chuyện vừa xảy ra hôm qua hôm kia đây, là bữa đầu tôi gặp cô Ba trong Đại Thế Giới, là lúc tôi đang đeo theo kỹ sư Phạm Kim Bảng để xin một miếng đất của đô thành, hầu như dựng lên vuông nhà hiện nay tôi đang ở. Còn cô Ba khi ấy gần như thường trực đêm nào như đêm ấy, cô vẫn có mặt tại các sòng me, để canh chừng khi thuận chiều "ké vô vài chén chạy gạo", hoặc khi nào các công tử quen xưa hết vốn, cô sẽ chuyển vận lương thảo cho các cậu gỡ gạc với điều kiện "tiền viện trợ cấp thời" này đẻ mỗi ngày là mười phần trăm số vốn, tỷ dụ cho mượn 2.000 đồng thì mỗi ngày tiền lời là 200, bạc vốn vẫn còn nguyên, khi trả phải chìa ra đủ 2.000 răng rắc. Mấy lúc sau đó, khi tôi hay được cô làm nghề mà tôi cho là quá mạo hiểm và phân tâm với cô rằng, cô "không sợ chúng giựt hay sao?", cô đã trở lời mấy tiếng cụt ngủn làm cho tôi toát mồ hôi vì quá thiết thực: "Các cậu bao giờ đi giựt tiền một con đĩ như tôi làm vầy? Tôi thuở nay đâu có ưa cờ bạc và tôi vào Đại Thế Giới hằng bữa để làm gì?”.

Nhưng như đã nói, lúc đó tôi đang theo sát kỹ sư Bảng, và Bảng là con sâu cờ bạc, khiến nên tôi gặp lại cô Ba cũng nhờ Bảng. Hai, cô Ba và tôi vẫn không xa lạ. Lúc tôi ở trọ nhà 108 đường Bonard, lối năm 1925-1926, thì cô có đến đây mỗi khi trong nhà có tổ chức "hốt me chạy". Lúc đó một bữa nọ, không biết ai đã chọt mất của tôi một sợi dây chuyền vàng đeo đồng hồ bỏ túi mà tôi để quên trên lầu. Trong khi tôi đang kiếm, cô hay được, cô thốt ra một lời bộc trực mà khi ấy tôi cho là chạm nhiều vào lòng tự ái: "Đi lấy làm chi của người ta? Người ta ăn lương một tháng không bằng mình đặt một tụ con con. Thiệt, ai đó, lấy làm chi của người ta như vậy?". Ngày nay tôi đã trên tám mươi và đã có nhà có cửa đàng hoàng, thì tôi xét ra câu nói của cô tỏ lòng thương hại hơn là khinh khi, nhưng lúc nhỏ háo thắng, "mình ước ao muốn nó mà nó đành lòng nói một câu như vậy, lúc đó tôi cho là "tổn đức" và định tâm phải làm sao cho có phương cách trả thù một phen mới nghe!". Bảng làm kỹ sư coi về đất địa đô thành, lúc đó ông đô trưởng họ Lê có hứa cho tôi một miếng đất nơi vườn Tao Đàn để cất "nhà xưa" với điều kiện khi tôi chết, nhà cho về đô thành vĩnh viễn và cuộc cắt đất cắm ranh tùy nơi Bảng, nên tôi đeo theo là vậy. Không biết hôm gặp, cô vui bực nào, mà trò truyện với tôi không ngớt. Rất may cho tôi là khiến thần khẩu thốt ra một câu "nịnh đầm" quá xá, làm cho cô xúc động tâm tình rồi keo sơn gắn bó từ đây cũng nhờ câu này. Cô hỏi nhỏ tôi, từ ngày xa nhau, sau lúc cô dự đám cưới của tôi và cô Tư Tuyết, con của bà Kính (Ông bô tôi là thông ngôn tòa Thượng thẩm, một tay chơi nức tiếng thời ấy), và sau này căn phố lầu số 260 đường Richaud (sau là đường Phan Đình Phùng) trở nên cảnh "Nguyệt tiên cung" của cô, vv. Tôi trả lời một cách rất tự nhiên cho câu cô hỏi: "Nay cô đã hương phai phấn lạt, còn săn đón cô làm gì?". Tôi khi ấy ngó ngay mặt cô và cúi đầu đáp nhỏ nhẹ: "Thưa cô Ba, tôi không cần biết cô nay ra thế nào, sa sút đến bực nào. Trong mắt tôi, trong hồn tôi, đối với tôi, cô luôn luôn vẫn là người đẹp, tôi không hiểu thành ngữ "khuynh quốc khuynh thành" là người ra thế nào, tôi chỉ biết cô qua bức ảnh chụp treo trong tủ kiếng nơi trước nhà nhiếp ảnh Khánh Ký năm xưa ở đường Bonard. Hình cô mặc một bộ y phục trắng, che cây dù cũng trắng và đứng thướt tha nhìn ngắm xa xăm, hại cho tôi Chúa Nhựt nào dầu trong túi không tiền cũng lội bộ từ trường Chasseloup ra ngắm dung nhan cho được mới nghe, mặc dầu trời mưa trời gió, và hại tôi đêm nào như đêm nấy, tiếng rằng cha mẹ cho tôi lên đây ở nội trú để sôi kinh nấu sử, mà sôi và nấu đâu không thấy, đêm nào như đêm nấy, tôi chỉ mơ mộng tưởng nhớ hình dung cô!

Lời nói không suy nghĩ mà tựa như sắp đặt trước, khiến nên gây được cảm tình. Một bữa tôi đang xỏ giày vào chưn, cô bỗng giựt mình mở mắt ngồi nhỏm dậy mà rằng: “Anh hãy yên tâm, rồi thong thả tôi sẽ kể lại đời sóng gió của tôi cho anh viết. Nói thiệt, tôi mê cảm anh nên mới làm như vậy. Nhưng tôi đã suy xét rồi. Tôi thích chị Năm diễn kịch khéo, nhứt là vai bà Phán Lợi, mẹ thằng Thân (Việt Hùng) trong tuồng Đoạn Tuyệt. Tôi đã phá gia cang biết bao nhiêu người! Tôi không muốn làm khổ cho chị Năm, anh hãy về nói lại: Tôi tha cho đó! Thôi, về hè!”.

Và nhờ vậy mà có thiên bút ký này cất kỹ suốt ba chục năm, nay xin chép lại đây, có lẽ ngày nào tôi ra đi tìm gặp cô Ba, và có gặp lại cũng chẳng chưa biết, khi ấy sẽ cho đăng báo hoặc sẽ cho in thành tập, tiếp theo tập Sài Gòn năm xưa gọi để bổ túc. Anh linh cô nếu còn, xin chứng minh lời này.
Và kể từ hàng này, là "Lời tự thuật của cô Ba Trà":

Anh từng đọc Tiếng Dội. Anh còn để dành được nguyên xấp, anh cứ dở ra xem: nơi tờ số 15/5/1952, báo ấy có in lại mấy hàng như sau, chính chữ tôi viết huếch hoác như vầy (Chữ tôi xấu lắm, vì tôi nào có được học tới nơi tới chốn!)

Chứng chắc
"Tôi, Trần Ngọc Trà, tự Cô Ba Trà, bằng lòng cho báo Tiếng Dội đăng về cuộc đời của tôi, từ buổi thiếu thời đến nay, chính tôi thuật cho người đại diện báo Tiếng Dội nghe chuyện của tôi để đăng báo".

Sài Gòn, le 9/5/1952. Ký tên: Trần Ngọc Trà"

Như vậy tạm đủ rồi, còn tên cha mẹ và lý lịch tưởng không cần ghi lại đây, vả lại nói ra không ích gì, chỉ làm đau lòng người nơi chín suối. Năm nay 1952 gặp lại nhau, thì anh đã 48 tuổi, tôi nhỏ hơn sáu tuổi và lớn hơn bà trước, cô Tư Tuyết ba bốn tuổi, trễ rồi bất thành duyên, họa may đổi tình cầm sắt ra cầm cờ, không chừng được lâu bền hơn, làm bạn này tới đâu hay tới đó như vậy mà tốt hơn.

Anh cứ yên tâm và vui lòng cứ viết, tôi lần lượt sẽ kể anh nghe cuộc đời bảy nổi ba chìm của tôi, như ruột thiên sám hối... Tôi đã kể như vậy cho một ông không nói tên ra mà đối với anh không xa lạ gì, nhưng với đó là vì miếng cơm đen cầm thực, khác với anh là vì chút lòng cảm mến chưa phải là "tình" nhưng cũng gần gần như vậy, anh không nên ngần ngại. Không ai cướp công ai đâu, cũng như tôi có quyền thuật lại cho một người thứ ba viết nữa nào có hại gì, vì đây là bầu tâm sự, tôi vui tôi trút, mạnh ai nấy muốn hốt thì nhào vô của đồng công chợ, con tôm con cá, tranh giành nhau cái thứ "chim trời cá nước" ấy mà.
Tôi nói sơ cho anh biết: Ba tôi là người kén vợ hơn ai hết thảy. Mà nghĩ cho cùng, nói ra thì mắc tội với đức sinh thành, chớ đàn ông đều ích kỷ mười người như một, chỉ biết có mình nào biết có ai. Sáu lần chọn lựa rồi đều đường ai nấy đi, đến khi gặp má tôi người làng Tân An (Cần Đước), quên nói ba tôi là người làng Phước Khánh, thuộc quận Cần Giuộc, hai người xứng đôi vừa lứa, mới sanh ra tôi, mà sanh làm gì để gánh chịu bao nhiêu khổ cực nói ra càng thêm đau lòng, và chưa biết chừng nào mới dứt. Ban nãy tôi nói đàn ông ích kỷ, vì nhớ lại tôi nào biết ba tôi có nựng nịu tôi không, chỉ biết khi tôi được lên năm, ba tôi ghen cho má tôi không một lòng một dạ, đến thổ huyết lâm ly mà thác. Quan tài vừa liệm, nắp đậy vừa xong, còn để ngờ ngờ giữa nhà, kế ngày sau bà nội tôi, mẹ của ba tôi, vì quá thương con, bỗng chết theo, và hai cái hòm đặt song song giữa nhà mới là hệ lụy. Chôn cất vừa xong, bác trai tôi nhẫn tâm gọi mẹ tôi bồng tôi lại, rồi lột cái mũ mấn không cho tôi đội, rằng: "Ba tôi lúc lâm chung trối lại không nhìn tôi là con" và đành lòng nào bác đuổi mẹ con tôi ra khỏi nhà, rằng bất xứng dâu con họ Trần.. Cơ khổ, có bắt được quả tang đâu mà đề án tử cho mẹ tôi, khiến cho lúc nào tôi cũng được bà nội cưng, thậm chí khi tôi biết đứng chựng, bà lấy vạt áo lót trên ván trên gạch trước khi đặt chân tôi đứng lên trên, vì sợ cát bụi sạn sỏi làm đau chơn Trà. Nay cha mất bà nội cũng nằm xuống, hai nấm mồ cỏ chưa mọc xanh, mẹ tôi bồng tôi lui về quê ngoại, phải bồng tôi không cũng khá, lại bồng theo một bụng bất mãn cành hông, và từ ấy, giận ai không biết mà mẹ tôi cứ tôi mà cho đòn, từ củi đòn củi chẻ, tôi đều nếm đủ thay vì lòng thương con con côi con cút! Chín tuổi, lớn chồng ngồng cái đầu, mẹ tôi chưa cho tôi đi học. Trẻ lối xóm chiều chiều cắp sách ở trưởng về, cười nói huyên thuyên mà tôi còn chớ: Khi mé vui thì ban bố bánh trái ăn không hết, khi khắc nổi cơn khùng thì roi vọt đấm đá gần mềm xương với một câu đả đớt mà cho đến ngày hôm nay tôi chưa hiểu cho tường tận: "Tao đánh mầy cho tiệt nòi tiệt giống quân đoản hậu! Mà ai đoản ai, có ông Trời mà biết? Ba tôi ư? Thì hãy chớ về dưới ấy sẽ hay! Mẹ tôi ư? Mà sao lại nhè tôi mà cho ăn đòn? Và oán ai mà để cho tôi chịu dốt? Thành thử tôi nay hư đốn, nào phải tội tại tôi! Thiếu tình cảm của cha, thiếu yêu thương của mẹ, thiếu hết, thiếu tất cả: không học không hành, và chỉ được một gia tài duy nhứt của trời cho là sắc đẹp! Mà đẹp làm chi để vừa mười bốn tuổi chưa biết gì, mẹ tôi đã đưa tôi vào vòng tay một quan thầy thuốc người Pháp, nói gả không xong, nói "bán" là phải hơn, và mười bốn tuổi đầu phải chịu nhiều cơn gió phũ phàng của một người dị tộc, sau nầy tôi như lá môn, nước xối bao nhiêu đều trơn trợt tuột ngoài da, cũng vì nạn tảo hôn "bán tôi cho thằng Tây có tiền chỉ mua nhục dục"! Nói chí đáng, ông này, một trai trên ba mươi, cũng có chút động lòng, cho tôi đi học nơi trường nữ chung lớp với trẻ đầu còn chứa chóp, ở lớp năm, lớp sáu, sớm chiều tụng A B C và tập đồ mấy hàng chữ quốc ngữ "Bờ a: Ba, v.v". Trong lớp học tôi có hai đứa cháu, tôi thuộc vai "dì của chúng" mà chúng nào nhìn nhận tôi là thân thuộc cũng vì tôi nghèo và sớm mồ côi cha. Ngày bà ngoại tôi mất, mẹ của mẹ tôi, thế mà trong gia đình sai người vô trường lãnh hai đứa kia về chịu tang của bà cố của chúng, còn tôi, nhớ ơn bà, khi lóng mía cho lén, khi củ khoai giấu giếm không cho các cháu trai kia biết, nhớ ơn bà, tôi phải bỏ trường mất học hay là thất học luôn từ đây và tôi phải leo rào về tới quê mẹ thì hòm đã đậy nắp, nào thấy mặt bà. Lớn lên tôi hóa ra chai đá cõi lòng, vì lúc nhỏ, ai thương cho mà biết thương lại? Những ai kia từng làm bạn với tôi, xin nhớ cho tôi điều này!

Từ tôi năm tuổi, mẹ tôi giao tôi cho bà ngoại nuôi dưỡng, đến khi tôi được chín tuổi má tôi mới nhớ rằng có một đứa con, sẵn nay bà ngoại mất, má tôi mới bắt tôi theo lên Sài Gòn. Quên nói, trong khi bỏ con cho mẹ là bà ngoại tôi săn sóc, má tôi đầu tắt mặt tối, tảo tần chạy đầu này đầu kia để sinh sống, và nói ra thêm tủi thẹn, một người còn trẻ và có nhan sắc như má tôi, mà sao nhè làm bạn, "đụng" một chủ tiệm bán á phiện ở chợ Xóm Chiếu? Đến nước trẻ đẹp mà "lấy chệt" là cùng đường! Có lẽ một duyên cớ không nói ra, là má tôi thù thâm xương người cùng một giống dòng "toàn là quân đoản hậu".
Cũng may má tôi thắng vụ kiện chia gia tài bên ba tôi được mớ nhắm, nhờ đó làm vốn liếng nên thôi ở Xóm Chiếu, đem tôi ra ở gần Chợ Bến Thành, đường d’Espagne, mà trong hẻm nhỏ mút đường gần ga xe lửa Mỹ Tho, chỗ mấy căn nhà lụp sụp phố huyện Cần, nay còn nhìn được.

Ba tôi mất được năm năm, má tôi mới về một lần viếng mộ chồng, thì lớp bị trâu bò leo ăn cỏ đạp nhầu, lớp không ai giẫy mã nên núm mồ sụt lì gần bằng mặt đất. Mười bốn tuổi, tôi vừa trổ mã con gái, chịu tang bà ngoại thì ông chồng quan ba thầy thuốc Pháp, mãn giao kèo, cút luôn về xứ không một tiếng giã từ, một đồng một chữ cũng quên cho. Khỏi ở ăn, khỏi nằm chung với chồng ngoại quốc, về nương náu với mẹ, tưởng chi, chỉ để trở lại lãnh đòn bọng như khi chưa chồng. Nhưng khỏi bỡ ngỡ lạ lùng trong vòng tay lông lá kia, bù trừ còn sướng. Lúc ở hẻm d’ Espagne, tôi đã biết làm dáng. Có người đặt biệt hiệu lúc nhỏ tôi bán chả giò, nên thỉnh thoảng tôi còn danh hiệu "Cô Ba chả giò". Sự thật má tôi bán đủ thứ hàng theo trên xe lửa chạy đường Sài Gòn ra Phan Thiết, lúc ấy đường xuyên Đông Dương chưa thông thương như hiện giờ. Tôi đã biết làm dáng, nhờ dành dụm chắt mót từ xu, từ cắc, tôi sắm được một chiếc áo bà ba xuyến đen, khi mặc lén lút má đi vắng, hai bên phố ai ai cũng trầm trồ "con chị Tám" nay đã coi được! Lúc ấy tôi thấy hạnh phúc tràn trề, là nài được một đôi guốc "ngù ngà". Ngày nay các cô tân thời đi guốc "Phi mã", guốc cao gót để dễ ẹo bên nầy ẹo bên kia cho đúng mốt, chớ mốt thời đó là guốc ngù ngà này.. Nguồn gốc do các ỷ, các vợ khách giàu trong Chợ Lớn từng qua Hạ Châu và Tân Gia Ba mang về theo kiểu đàn bà Bà lai du - Malais(e), chà và, và javanais(e) - đề xướng. Guốc vẫn guốc gỗ vông cho nhẹ, không quai da hòng sợ đứt, chỉ ngại đường trơn trợt, đi guốc ngù ngà, rủi trợt té thì đau thấu mây xanh, nhưng khi mang vào chơn thấy tăng vẻ đẹp thì đau cách mấy cũng ráng chịu! Ngà này tiện trong ngà voi, càng lớn càng sang, và đi lâu năm ngà lên nước thì đẹp hết chỗ nói. Mặc áo xuyến và diện đôi guốc ngù ngà, là chờ má đi vắng hay má nghỉ, Trà lúc ấu thơ, hạnh phúc đòi hỏi có bấy nhiêu mà ai biết cho Trà?

Tôi nói nãy giờ cho anh ghi chép, mà quên nói sau khi quan ba thầy thuốc, ông chồng tạm bợ của tôi về Tây, tôi giúp mẹ tôi đỡ đần công việc chạy hàng dọn từ toa xe gánh mang về nhà hoặc theo xe ra Phan Thiết tải hàng về cho má. Đi bán trên xe lửa vui lắm. Tôi không may mắn học ở trường, mà tha hồ học trên xe, nào tiếng lóng tiếng lái, tiếng éo le, tiếng đôi ba nghĩa. "Lái dúm" là gì? Anh là thầy lái, anh biết chớ? Trà cấm anh nói xuôi lại trước mặt Trà? Và nhờ học trên xe mà Trà bỏ túi được đôi ba tiếng Hải Nam, sau này có dịp sửa lưng mấy thằng Tàu con bên Xiêm mới sướng. Trà còn nhớ anh bán bánh mì chả lụa lúc ấy. Sáng sáng, xe bắt đầu lăn bánh là anh bắt đầu bày thúng bánh mì còn nóng hổi và rổ thịt giò chả lụa chả quế đủ thứ xuống sàn xe. Chẳng lành mà chớ, anh cũng bày ra cái điếu tre hút thuốc lào lên nước láng bóng. Xe lửa chạy cà rụp cà tang nghe êm tai buồn ngủ, anh lấy thuốc nhồi vào điếu, bật lửa mồi và kéo ro ro... Anh kéo một hơi dài, rồi lơ tơ mơ ngả đầu quẹo qua một bên say thuốc mà ngủ gà ngủ vịt. Trong khi ấy bọn đá cá lăn dưa chực sẵn hồi nào, đứa rút bánh đứa ăn cắp thịt, anh vừa mở mắt thì mọi việc an bài, có ông Trời mà biết. Thiệt tài tình hết sức, chớ chi Trà học được nghề của chúng thì sau này vào sòng me, Trà không thua đậm bao giờ…

Duyên gặp anh Toàn

Cái ông Tây quan ba thầy thuốc tôi không nhớ! Cho đến nay, tôi gặp không biết bao nhiêu mà đếm, nhưng anh Toàn, tôi còn nhớ mãi không quên. Một buổi chiều nọ, xe Phan Thiết về, từ Hòa Hưng đã kéo còi vang rân, cho bạn hàng chợ Bến Thành biết mà đón xe lãnh hàng.
Như thường lệ, trong bộ áo bà ba "vải san đầm" đen, vắn gọn cắt khéo, may khéo và vừa vặn - giàu thì mớ bảy mớ ba - tôi chỉ có duy nhứt bộ áo bà ba nầy, áo quần bó sát căng thẳng vóc mình như con chim óc cau mùa lúa trổ - mông von von, vú tròn tròn, đùi dài, cẳng son, gói ghém như cô học trò trường Áo tím chưa nếm mùi đời, nào ai thấu hiểu năm mười bốn tuổi đã bị Tây đè. Mặt trái xoan, má hồng môi đỏ, mũi dọc dừa, chân mày đều đặn, lông mi dài luôn luôn ướt và cặp mắt ngây thơ của con chim bồ câu khát tình, vóc mình không béo có hơi gầy, không cao cũng không thấp, đi đứng khoan thai, tôi đâu có dè: Như vậy là đẹp! Đẹp là vậy đó sao? Trời ôi! Nghèo rách mùng tơi, sát giường sát chiếu, nghe rao bột khoai, tàu hũ thèm chảy nước miếng mà trong mình không có một đồng xu, bổ dưỡng ngày ngày toàn tương chao rau muống, bữa nào có dưa leo là thịnh soạn trên đời, như vậy mà đỏ da thắm thịt. Trên toa xe cũng như ở sân ga, đâu đâu cũng dừng lại nhìn ngắm, trầm trồ: Nào Tây Thi xuất thế, nào nhan sắc phi thường! Cơ khổ! Hôm ấy tôi mải lo đề phòng bọn lăn dưa, sợ bọn chúng chọt mất một món là củi tre lên đầu, tôi quên đề phòng cặp mắt thèm muốn của một thanh niên con cháu họ Bùi, đã theo tôi từ chút! Toàn, mối tình đầu, con Trú khách, cha Tàu mẹ người Qui Nhơn, sanh bốn con, Toàn là con cưng nhứt. Cha của Toàn là tỷ phú xứ Phan Rang, Toàn vô ra Sài Gòn như ăn cơm bữa, nhưng Toàn hôm ấy thần tình mê mẩn đã bị tôi thu hồn mà cho vào túi áo ngắn từ lúc xe dừng bánh! Toàn là tay ăn chơi, biết mùi gái từ tuổi dậy thì, hôm ấy Toàn gặp chị Mười Ên (Anh) hất hàm hỏi:

- Con nhà ai đó, chị Mười?
- Ba Trà, con của chị Tám ở đằng kia kìa, chớ con ai mà hỏi?
- Chị làm mai nó cho tôi đi, tôi cho chị tiền. Chị o nó cho tôi mau mau đi!
- Trời đất! Thì ít ra cậu cũng phải bắt tình với nó trước đã chớ? Cậu viết thơ tỏ tình cho thật muồi, tôi lãnh đưa cho.

Năm đó tôi đã được mười lăm tuổi mà còn khờ ịch. Bao nhiêu thơ dài thơ vắn tôi đều đem về cho má tôi không sót thơ nào.
Nhưng quả là duyên nợ, vì má tôi không giận, có lẽ bả đã hỏi thăm gia thế của Toàn rồi, cho nên chấp nhận cho anh bước tới! Và mười lăm hôm sau, là có cha mẹ Toàn, chiều ý con, dẫn Toàn vô Sài gòn làm lễ cưới. Với mười lăm tuổi đầu, tôi theo chồng ra Phan Rang, vào làm dâu cho một gia đình Tàu, ăn ở theo phong tục Tàu. Cha chồng tôi là người Hải Nam, đã có vợ chánh để lại bên Tàu, và qua đây lập nghiệp, có đến ba bà vợ lẽ. Má của Toàn, kể như chánh, ở Phan Rang, hai bà kia gìn giữ mỗi người một hiệu buôn lớn, không ai đầu phục ai, và chuyên mua bán hải vật: vi cá, khô cá mặn, bào ngư, tôm hùm ổ yến, và chi nhánh lớn đặt tại Chợ Lớn cho nên Toàn ra vô hoài hoài là vì vậy. Tôi chỉ làm dâu cho bà ở Phan Rang, và mẹ chồng tôi là người nhơn đức, đối xử với tôi rất biết điều, duy bắt buộc tôi phải ăn vận theo Tàu, - chiếc áo xẩm bó ngực lòi cánh tay càng tăng thêm vẻ đẹp: cái đẹp lộng lẫy của một phụ nữ Việt mặc áo Tàu, một nhánh hoa với nước biển thanh nhẹ hay nhờ phong thổ miền này có núi xanh tía, bãi cát phau phau hòa với nước biển xanh biếc, mà về đây nhan sắc tôi càng thêm mặn mòi, nước da càng tươi thắm, bộ đồ xẩm khi tôi ra đứng trước ngõ là mẹ chồng tôi kêu trở vô, vì khách ngoài đường đều dừng chân xì xồ: Hoa lạ nào đây, gái Tàu hay Việt?

Tội nghiệp cho thân tôi, ngây thơ dường ấy và lộng lẫy dường ấy mà kềm không nổi Toàn. Toàn được cha mẹ cưng, cho sống theo phong tục Tàu: Vợ nhà, vợ bé, mèo chuột liền liền, khi tôi khởi sự biết ghen thì Toàn càng buông lung. Một hôm tôi nổi cơn sùng, làm trận gấu ó với một nữ phạm-nhe (điều dưỡng, y tá) giữa chợ đông, Toàn đã không binh vực tôi lại tỏ ra lạnh lùng vô trách nhiệm. Toàn quả là một con ong ham hoa mới, một con bướm chuộng bông lạ bông thơm, vợ nhà cũ kỹ phải chiều ý chồng, không thì chồng cũng cứ đường trường cho ngựa chạy. Cái thí nghiệm của tôi với mụ y tá bòng chanh đó đã làm cho tôi quá thất vọng và bực quá, tôi lén trốn lên xe lửa toan về với má tôi ở Sài Gòn, nhưng nhà bên chồng hay kịp, bắt về, tuy không quở phạt đánh đập, nhưng "cấm cung" không cho tôi nơi ra khỏi cửa.

Được hai năm đầu âu yếm, đeo khít bên đít không rời nửa tấc, và khi chán chê rồi, cái thứ đàn ông bọn anh mười người như một, đều như vậy hết.
Khi ấy tôi hết muốn sống trong cảnh giam cầm như vầy, dầu không thiếu món ngon vật lạ đổi thay, khi ấy tôi lén anh Toàn, viết thơ về cho má tôi, và má tôi hay tin tôi như vầy, sốt ruột gởi thơ ra than nhớ con và quả anh Toàn trúng kế đưa tôi về Sài Gòn.

Chuyến về, tôi cho ảnh về không, tôi ở lại với má tôi, tưởng làm sao, té ra nhẹ nhàng chỉ chưa được nửa tháng, và sau đó tuy tôi đã có chồng, vẫn bổn cũ soạn lại, má tôi cho tôi hưởng nhiều trận đòn đau điếng. Và như vầy, thôi thì trở lại với anh Toàn mà còn hơn, và nhờ một chị bạn xót tình mua cho tôi một vé hạng ba, và chuyến "vinh qui" nầy tôi nếm được mùi ngon ngọt không bao giờ nếm lại là năm đồng xu dưa leo ăn nhín với đường tán, ăn trừ cơm mà sau tôi nếm lại không bao giờ ngon ngọt như thuở ấy. Nay tôi đã trải xiết bao cảnh ngộ, tôi có chút triết lý là hạnh phúc không phải ngồi trên đống vàng, hạnh phúc là năm đồng xu dưa leo khi nhớ chồng bụng đói?

Vinh qui mà không chồng đi theo, tôi lừng khừng thấy xe ngừng lật đật xuống xe tưởng đã tới nhà, chừng xe chạy tôi chạy theo không kịp, đành bơ vơ nơi ga Mường Mán, may thời gặp lại người mai mối hai năm trước là chị Mười Anh. Mừng quá, tôi được chị này đưa tôi trở lại Phan Thiết, nơi nhà một người tài phú Tàu coi chi nhánh hãng của cha chồng. Hôm sau có tin đồn tôi té giếng sau nhà hoặc tôi tự tử, sự thật tôi ra sau xách nước và trật chân, suýt bỏ mạng chốn này.

Bỗng anh Toàn lù lù ra kiếm tôi, bốn mắt nhìn nhau, tám hàng lệ thảm: Mừng của chàng trai ăn năn vì thấy vợ tiều tuỵ làm sao đổi được cái mừng của tôi khỏi ăn củi đòn của người mẹ oán đàn ông ở đoản, mà nhè đầu tôi cho nếm củi nguyên cây? Hồn mẹ có linh? Con nói làm vầy, có đúng hay không, mẹ biết!
Những công việc tôi làm buổi ấy, nay nhớ lại, đều "trật chìa": Tưởng vô Sài Gòn để mẹ khuyên can cho chồng bớt bỏ bê gia đình, té ra mẹ tôi thẳng tay phân ly cặp oan ương không cho nối cánh. Toàn về Phan Rang định ra lấy nữ trang cho tôi rồi sẽ trở vô rước vợ. Trước khi ra đi, ảnh dắt tôi ra chợ cho ăn mì, ngon quá rồi để tỏ vẻ ăn năn chuộc tội, ảnh mua cho tôi một lần đó đến mười cây lãnh đen, mặc sức cho tôi may! Và có lẽ từ đó bất ngờ tôi đã lăng-xê cái mốt y phục ngắn quần áo lãnh cắt cùng một thứ hàng, vì với nước da trắng trẻo, vóc dáng thanh lại, bộ quần lãnh áo lãnh cắt cho vừa vặn, làm tăng vẻ đẹp người phụ nữ son trẻ Việt, không mốt nào dám bì, dẫu cắt trong hàng gì quý giá cách mấy cũng thế!

Trời đất ôi! Đất bằng sóng dậy! Khi tôi vô nhà lạy mẹ xin lỗi, nhưng má tôi nhứt quyết không cho tôi trở lại với anh Toàn: "Mày còn trở lại với nó, tao giết mày!". Không phải má tôi nhẫn tâm hay ác tâm đến thế, nhưng tình mẹ thương con của má tôi biểu rằng bọn đàn ông đều vậy, và cho con trở về với chồng là để con đi trên con đường lầm lạc của mình buổi trước hay sao? Hại cho chưa khi mẹ thương con nhưng thiếu học! Báo hại nhứt cho tôi là ngày ngày ngóng trông anh Toàn trở vô, năn nỉ mẹ lại nữa, mong bả hồi tâm cho vợ chồng tôi sum hiệp, nhưng ngày qua ngày hết sớm rồi lại tối, bặt âm vô tín người thương.
Đã mười bảy tuổi đầu mà mọi việc đều trái ý, và để tránh điều cay nghiệt củi đòn củi chẻ, chỉ còn một nước bỏ nhà mẹ ra đi: "Thử xem con tạo xoay vần đến đâu".
Trong mình tôi lúc ấy có sẵn nữ trang của anh Toàn để lại gồm một đôi bông tai vàng có nhẫn hột xoàn, trị giá lúc đó chừng bốn trăm đồng, vì với 400$ lúc đó có thể mua sáu bảy lượng vàng như chơi (Vàng 60$ mỗi lượng). Còn thêm mớ áo quần mới may, bao nhiêu ấy, chưa bay nhảy còn đợi chừng nào?
Con chim sổ lồng tập bay sập sận, tôi trốn mẹ tôi hôm ấy sau khi khóc hết nước mắt, và chỗ tôi tạm trốn là nhà chị Sáu Mão, từng quen biết, trong một hẻm nhỏ đường Paul Blanchy.
Chị Mão có chồng hút, chuyên nấu cơm tháng nuôi mấy thầy chưa vợ, cảnh nhà chật hẹp ồn ào còn hơn nhà chay bội, đình đám to. Mỗi đêm đều có tổ chức một cái đám cưới "chồng giờ vợ buổi", không đám cưới thì cũng mai mối cột anh nầy với chị kia, cắn rứt cấu xé nhau sáng đêm. Tôi gởi thân vào khốn này, không khác con nai tơ trong một hang hùm đầy hổ đói!

Khốn nạn nhứt là nhè lúc nầy tôi lại đau mắt. Cũng vì nhớ và khóc nhớ chồng bặt vô âm tín. Ba xôi nhồi một chõ: Ngoài việc bếp núc, phụ chị Mão xách nước rửa chén, ngờ đâu bụng dạ đàn bà không độ được, chị Mão a ý với chồng, thấy tôi nhặm mắt, bày cách để cho anh Sáu Mão lấy lưỡi rà nụ mắt cho hết nhặm, và một đêm khuya, anh Mão không rà lưỡi lại nhè má tôi mà hôn. Tôi la lên mét chị ấy, thì tỉnh bơ: "Anh Sáu mày đã nói với tao rồi! Chịu đại cho êm!".
Thiệt là hết chỗ nói? Một lần thứ nhứt, tôi mới thấy một người đàn bà thương chồng kiểu nầy! Mà gẫm lại cũng không lạ. Phần đông gái sa ngã, cũng vì lỡ bị anh nuôi đè với sự cho phép của chị nuôi.

Bây giờ để thoát nạn rà lưỡi, vả lại mắt tôi đã bớt, chỉ còn cách sấn thân cất bước ra đi một phen nữa, tức là trốn vợ chồng chị Mão. Nghiệt nỗi, bao nhiêu vốn liếng hồi sanh tôi đều gởi cho chỉ giữ, nay hỏi, chỉ lại hăm he, doạ mét với má tôi. Hỏi nữa chị Sáu đâm liều lĩnh, rằng đồ đạc đã cầm cố mới có tiền nuôi tôi hổm rày.

Ức lòng quá, tôi chạy qua khai thiệt hết tự sự cho chị Ba là người quen ở cách chị Sáu vài căn nhà. Chị Ba mới chỉ vẽ tôi về nói lại với chị Sáu rằng Trà đã gặp mẹ và mẹ dạy nếu chị không trả mấy món đồ gởi, má tôi sẽ xuống bót thưa. Nấn ná được vài hôm sau khi xảy ra vụ "chồng hôn em nuôi mà vợ bằng lòng", đến đây kế cùng lực tận qua học với chị Ba, chị này bàn nên bỏ hết vàng xoàn, và hãy qua ở với chị Ba cho yên thân. Tôi lại còn dụ dự, hỏi: "Rồi chị Sáu ganh, thì chị làm sao đây?". Nhưng hễ con người ngay thì lời nói cũng thật, chị Ba đáp tỉnh bơ: "Còn đồ còn đạc thì chị ta mới ganh, hết đồ hết đạc, còn ganh chỗ nào?".

Nghe có lý, tôi tức thì trở về nhà chị Sáu, từ giã hết thảy, ra đi mình không qua ở tạm trú nhà chị Ba nghĩa hiệp. Nay việc đã qua lâu rồi, gẫm lại đầu dây mối nhợ tôi hư thân, cũng vì đôi bông xoàn và lòng nham hiểm của chị Sáu Mão, muốn nuốt cho trôi đôi bông và nuốt cho trơn số tiền anh Toàn cho, mà làm cho thân tôi ra cớ đỗi, lìa mẹ, xa chồng, và dấn thân vào đường trụy lạc, cũng vì tiền.

Trớ trêu nhứt là buổi sáng tôi từ giã nhà chị Sáu Mão qua ở nhà chị Ba, thì đúng buổi chiều hôm ấy, anh Toàn lót tót từ Phan Rang vào Sài Gòn tìm vợ. Phải là trời đất sắp đặt làm cho tôi hư chồng. Số là tôi có gởi thơ cho anh Toàn cho hay hiện tôi ở nhà chị Mão, nên hôm ấy anh Toàn đi ngay lại nhà chị ấy để tìm tôi.
Vừa thấy Toàn, rằng vào nhà này tìm vợ, chị Mão đóng tuồng thật khéo, và bụm mặt khóc òa: “Trời đất quỉ thần ơi! Dượng Ba (Nghe ngọt quá?) dượng vào đây đã trễ rồi! Cô Ba đau mắt tưởng đã không xong! May nhờ người khuất mặt che chở, nên nay đã bớt. Dượng tính coi vợ chồng tôi thì nghèo, thấy cổ đau, làm ngơ không đành, nên chạy thuốc chạy thầy, công lao khổ cực không kể, nay đổ nợ vợ chồng tôi phải lo cho đủ tiền ngày tiền góp, tiền đứng tiền ngồi, tính ra trên bảy trăm đồng, không biết phải làm sao đây? Thiệt là khổ quá chừng!”.

Cái khổ của vợ chồng chị Mão, làm cho anh Toàn phải lòi ra năm trăm đồng mới êm tạm tạm, nhưng Toàn nóng nảy vụt hỏi: “Mà bây giờ vợ tôi ở đâu?”. “Tôi đã đem cô ấy giấu trên kia kìa, vì sợ chị Tám bắt về đang đau thêm khốn!”. “Giấu ở đâu, chỉ cho tôi biết đặng tôi rước về Nha Trang”. “Úy! Không nên! Chưa đặng đâu! Chỗ đó khó vô lắm! Để tôi nhắn cho cô Ba đến đây cho vợ chồng gặp mặt”.
\
Cho hay, sự đời éo le, không ai biết được. Trông vợ, nhớ chồng, vợ chồng cách nhau trong gang tấc, cách nhau vài căn nhà, mà chỉ vì vàng xoàn và mớ áo quần chị Mão muốn nuốt cho trọn, mà đành ngăn cách vợ chồng bằng muôn dặm quan san. Dám khuyên các cô nhỏ sau nầy, trước khi bỏ nhà chồng ra đi để tìm tự do, nên suy nghĩ lại cho chín chắn trước đã!

Bây giờ mọi sự đều trễ tràng. Mối tơ mảnh giữa Toàn và Trà đã đứt, muốn nối lại làm sao được. Trái đất cứ lăn, bánh xe cứ chạy, con chim một lòng với mẹ, hiếu đễ nhịn nhục vẹn bề, con chim ấy cũng một lòng với bạn, chung tình trinh thục có đủ, nhưng dịp tốt đã qua, con chim ấy bỗng bị gió thổi lọt ra khỏi ổ và cặp cánh tự nhiên biết dùng, "tung bay như cánh hồng cánh hộc", chỉ có ông Trời mà cản! Cản làm sao được khi nước vỡ bờ! Nói theo nhà Phật, cái "căn" cái "quả" đã gieo, thì “gieo dưa hái dưa, gieo đậu hái đậu".
Sau hơn hai tháng đùm đậu nhà chị Mão, ngày tôi lìa nơi này, cô Ba Trà không khác một nạn nhơn bị đắm thuyền, của cải sạch sành sanh, còn lại chăng là nhan sắc trời dành, nhưng với mớ nhan sắc có một không hồi ấy, số vốn ai nào dám gánh?
(...) Năm 1923, tôi ra trường, chân ướt chân ráo tập ăn chơi, thì cô Ba đã là một nàng tiên trên dương thế. Từ 1923 đến 1928, tôi đổi về tòa Bố Sa Đéc, cô Ba lên như diều gặp gió, chiều chiều ngồi một mình trên chiếc ô-tô mui trần lộng lẫy, xe êm nệm tốt, áo nệm trắng tinh, trước có hai người tài xế ăn vận lộng lẫy, cổ áo một màu với y phục cô Ba mặc, trắng toàn trắng, tím nâu toàn tím nâu. Một tài xế chánh để lái xe, một tài xế phụ để mở cửa xe, Ba Trà sang trọng sánh không thua thống đốc Nam kỳ vì chỉ có ông cầm đầu xứ này mới dùng hai tài xế cho chiếc xe chánh phủ mang số hiệu đặc biệt "C.20" (Buổi ấy toàn vùng Sài Gòn, công xa chỉ có một trăm chiếc, và chiếc xe của ông Nam trường máy Rosel là số 33, hiệu Lorraine - Dietrich, trong khi xe thống đốc hiệu Delage six cylindres và cô Ba ngồi "độc chiếc" trên xe có hai chauffeur, ai nào dám ngó cô cho chán chường, chỉ vì sợ bà móc nhãn! (2)

(...)

 
--------------------------------

 

(1) Đây là một cách nịnh đầm: Họ nhường cô Ba ngồi sát tôi, vì như vậy cô ngó ngay lên sân khấu, thầy Sáu là anh cả nên ngồi bìa, Trinh và Tỷ là tình địch đang tranh thủ trái tim nàng đẹp
(2) Mấy năm sau, tôi gặp Ba Lưu, một bạn cố tri quen nhau từ ở Sốc Trăng, lên đứng đầu phòng cho luật sư Nguyễn Văn Lúc, rồi Đoàn Ý Lưu cho tôi hay Trà mất đã lâu, chết trong tăm tối, Đạm Tiên không khác. Tôi không có một nén hương tiễn biệt, nay có chút hương lòng, xin cô nơi chín suối nhận cho (Vương Hồng Sển - Je me souviens chú thích)
Chú thích của Trung : ”Phạm nhe”: infirmiere , y tá.
Reply
#3
(2021-11-16, 04:49 PM)duke Wrote: "Khi mé vui thì ban bố bánh trái ăn không hết, khi khắc nổi cơn khùng thì roi vọt đấm đá gần mềm xương với một câu đả đớt mà cho đến ngày hôm nay tôi chưa hiểu cho tường tận: "Tao đánh mầy cho tiệt nòi tiệt giống quân đoản hậu! Mà ai đoản ai, có ông Trời mà biết? Ba tôi ư? Thì hãy chớ về dưới ấy sẽ hay! Mẹ tôi ư? Mà sao lại nhè tôi mà cho ăn đòn? Và oán ai mà để cho tôi chịu dốt?"

Hello Duke  Hello


Truyện hay, nhưng đọc xong thấy quá cảm thương cho số kiếp hồng nhan bạc mệnh cô Ba Trà. Chỉ vì người mẹ hận cha cô, mà đứa bé ngây thơ phải chịu roi đòn tủi nhục, khiến chai lì cả trái tim. Thế mới thấy trong tình yêu đôi lứa, tình ghen và tình hận thiệt là kinh hoàng nghiệt ngã nếu không ghen cho đúng cách, và không biết chín bỏ làm mười ... Crying-face4
Vui Là Chính  Dancer_4 Heavy-black-heart4
Reply
#4
Lịch sử từ đường Thiên lý cho tới đường Cái quan – Quốc lộ 1A ngày nay

12/04/2021

Con đường Cái quan (Ảnh minh họa)

[Image: con-duong-thien-ly-cai-quan-quoc-lo-1a-1...qltdhg.jpg]

Giới thiệu về đường Thiên lý

Việt Nam xưa là một nông nghiệp, nhân dân chỉ sống trong vòng kinh tế tự cung tự cấp, nếu cần giao lưu từ vùng này sang vùng khác ta thường sử dụng đường thủy. Vì thế vấn để giao thông đường bộ không quan trọng. Nhưng về mặt quản lý lãnh thổ, nhà nước vẫn phải có đường để nối liền các địa phương. Cho nên từ buổi đầu mới dựng nền độc lập, do yêu cầu quân sự, đường bộ Việt Nam đã ra đời.

Đường bộ Bắc Nam hay là đường Thiên lý chính thức được xây dựng vào năm 1375, dưới thời Trần, nối liền Thăng Long với Tây Đô (Thanh Hóa). Qua thời Hồ, vào năm 1402, con đường được đắp tiếp vào Châu Hóa (Huế). Dưới thời Nguyễn, đường Thiên lý được nối dài theo nghiệp mở nước về phương Nam của dân tộc (Nam tiến). Con đường vào đất Hà Tiên vào hoàn thành khoảng năm 1757 dưới thời của Võ vương Nguyễn Phúc Hoạt (Khoát).

Con đường Cái quan

Đường Thiên lý ngày xưa (Ảnh minh họa)
[Image: con-duong-thien-ly-cai-quan-quoc-lo-1a-4.jpg]
Đường Cái quan

Sau thời kỳ Nam Bắc phân tranh hàng trăm năm, vua Gia Long thống nhất đất nước (1802), ông thấy đường sá giao thông là vấn đề khẩn yếu cho việc chính trị nên sai quan trấn nhậm các doanh trấn phải sửa chữa, bắc cầu ván qua sông suối và uốn thẳng lại con đường Thiên lý. Cụ thể là vào năm 1809, vua sai Nguyễn Hoàng Đức và Lê Chất đi coi công việc sửa đường quan từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đến Bình Hòa (Bình Thuận, Khánh Hòa). Biện pháp và chính sách rất cụ thể: “Lấy dây dóng lại, phát dân sửa đắp. Muốn thế phải hoãn việc bắt lính, đình chỉ việc kêu kiện vặt. Hễ chỗ nào mở vào nhà dân và nhà mộ thì chi tiền cấp cho. Ven đường thì trồng cây thích hợp”. Đến đầu năm 1810, vua Gia Long lại sai Giám thành Nguyễn Văn Học lo việc sửa cầu cống đường sá ở các địa phương Quảng Đức (Thừa Thiên Huế), Quảng Trị, Quảng Bình. Công việc gồm có “đo xem thế đất, lấy dân sửa đắp, cấp cho (dân) lương ăn hàng ngày”. Vua dặn thêm Nguyễn Văn Học rằng: “.. trời mùa hè nóng nực, không nên đốc thúc (dân) làm quá, để nới sức dân”. Cũng trong năm 1810, vua Gia Long sai Quản cơ Cao Công Giang xem xét sửa cầu Lý Hòa ở Quảng Bình. Cầu cũ 138 nhịp, đến nay do bờ sông bồi đắp, chỉ còn rộng 71 nhịp, cho bớt đi 82 nhịp chỉ sửa chữa 56 nhịp.

Chính sách của nhà Nguyễn đối với dân phu làm đường lúc nào cũng rõ ràng. Tiếp tục sự nghiệp của vua cha, mới lên ngôi hai năm (1821), vua Minh Mạng cho phép Bình Thuận huy động dân chúng đi phát chặt những rừng cây rậm rạp ở hai bên đường mở rộng thêm mỗi bên 10 tầm (có lẽ là tân hay ngũ, mỗi ngũ tương đương 2m). Có 500 dân phu, từ lúc khởi công đến lúc hoành thành trong vòng 20 ngày. Mỗi người được phát 20 bát gạo và 6 tiền 40 đồng.

Để tiện cho việc đón đưa quan lại trú thêm trên đường Thiên lý, từ thời vua Gia Long, đường Thiên lý đã được chia thành nhiều cung, mỗi cung trung bình dài khoảng 15km, ở giữa hai cung có một nhà trạm lợp ngói, có hào và tường bao bọc chung quanh, có chòi gác bốn phía. Ở mỗi trạm có nhiều phu trạm lo chuyển tải các công văn, tờ giấy, khiêng cáng và đồ dùng của quan lại qua đường. Từ cửa Nam Quan vào đến tỉnh Bình Thuận có tất cả 98 nhà trạm. Từ Bình Thuận vào Hà Tiên đi đường thủy không cần nhà trạm. Đường Thiên lý chủ yếu dành cho quan lại sử dụng cho nên nó có tên là Con đường Cái quan.

Con đường Cái quan
Con đường Cái quan đi xuyên qua cổng ở đèo Hải Vân

[Image: con-duong-thien-ly-cai-quan-quoc-lo-1a-2.jpg]

Con đường Cái quan phải băng qua đồng ruộng, rừng núi, sông suối hiểm trở. Vì thế hàng năm sau mùa mưa lũ bão giông, đường sá hư hại nhiều. Đó là không có đề cập đến nạn trộm cướp, thú dữ luôn rình rập phu trạm và khách bộ hành. Do đó, công việc duy trì bảo dưỡng con đường Cái quan hết sức khó khăn, phức tạp. Tuy thế nhà Nguyễn vẫn giữ cho con đường luôn thông suốt.

Sau ngày Thất thủ Kinh đô (7.1885), thực dân Pháp tiến hành mở rộng con đường vượt đèo Hải Vân để kết nối cửa biển Đà Nẵng- nơi chiến hạm của Pháp đậu – với Kinh đô Huế. Công trình  do Đại úy công binh Besson đảm trách. Thực dân Pháp đã cưỡng bức nhân dân các làng xã lân cận đi làm đường mà không được trả công. Cho đến lúc nào làm xong phần đường của địa phương mình thì dân phu mới được trả về quê quán. Vì quá công phẫn cho nên vào cuối tháng 2.1886, dân chúng đã nổi dậy giết tên Đại úy Besson và tiêu hủy toàn bộ các thiết kế cùng phương tiện làm việc. Sau đó họ đồng lòng bỏ việc tập thể kéo nhau về lại quê hương. Bởi thế để hoàn thành đoạn đường Huế – Đà Nẵng thực dân Pháp đã gặp nhiều thử thách hết sức khó khăn.

Đường số 1 và Quốc lộ 1A ngày nay

[Image: con-duong-thien-ly-cai-quan-quoc-lo-1a-3.jpg]

Đầu thế kỷ XX, Pháp chú tâm vào việc xây dựng và khai thác các tuyến đường sắt, còn đường bộ chúng bỏ lửng. Mãi đến sau năm 1912, Toàn quyền Sarraut mới chú ý trở lại. Năm 1918, thực dân Pháp ký nghị định chia đường bộ Việt Nam thành hai loại: đường thuộc địa (routes colonials) và đường địa phương (routes régionales). Đường thuộc địa (21 đường) do tổng ngân sách Đông Dương đài thọ, đường địa phương do các ngân sách kỳ phụ trách.

Đường thuộc địa số 1 được vạch theo con đường Cái quan của nhà Nguyễn nối Hà Nội với Sài Gòn. Con đường Cái quan lại được điều chỉnh lại và mở rộng, lát đá, rải nhựa, xây dựng cầu cống và bến phà, trở thành đường Quốc lộ I.

Con đường Cái quan
Quốc lộ 1A (Ảnh minh họa)

Nối đường thuộc địa số 1 với các phương, ở Bắc Kỳ có đường số 2, số 3, số 4 kết nối Hà Nội với miền thượng du, đường số 5 nối Hà Nội với Hải Phòng. Ở Trung kỳ có 6 hoành độ chính xuyên dãy Trường Sơn qua Lào và Campuchia. Ở Nam kỳ có 3 đường thuộc địa nối Sài Gòn với Đà Lạt, Vũng Tàu, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bạc Liêu và Cà Mau.

Mặc dù thực dân Pháp đã cố tình chia nước Việt Nam thành ba kỳ với ba chế độ cai trị khác nhau nhưng nhờ con đường Cái quan nối liền ba kỳ mà lòng người Việt Nam ở ba kỳ vẫn thống nhất. Vào những năm nửa thế kỷ XX, nhạc sĩ Phạm Duy đã lấy tên con đường Cái quan đặt tên cho một trường ca của mình. Trường ca Con Đường Cái quan kể lại lịch sử cuộc Nam Tiến của đất nuớc.

Ngày nay không những chúng ta có Quốc lộ số 1A – hậu thân của đường Thiên lý/ con đường Cái quan / đường Quốc lộ số 1 – mà còn có Quốc lộ 1B kết nối hai miền Nam Bắc. Nhưng không có con đường nào mang trên mình bao nhiêu anh hùng và đau thương của dân tộc bằng con đường Cái quan / Quốc lộ 1A. Đó là con đường lịch sử mà dân tộc đã đi qua để giữ vững sự thống nhất của đất nước.

223110697
Reply
#5
GIÁNG SINH KỶ NIỆM

[Image: giang-sinh-tai-sai-gon-truoc-1975-13-1024x683.jpg]

HÌNH ẢNH GIÁNG SINH TẠI SÀI GÒN TRƯỚC 1975

https://cccbelpre.com/hinh-anh-giang-sin...qMOlodnzj4
Reply
#6
Hủ tíu là tên món ăn Miền Nam chánh thống

[Image: 267484585_1540449549621561_5742781860281...e=61C4DAC6]

Themdoan


[Image: 2618.png] Trưa hôm qua có bạn hỏi,cái món "hủ tiếu" và "hủ tíu",cái nào trúng và chính danh nhứt vậy ?

Xin thưa với em!Lẽ dĩ nhiên,đương nhiên là chữ "hủ tíu" rồi .Ban đầu,từ xưa ông bà Nam Kỳ mình đã kêu là hủ tíu
Cái chữ hủ tiếu là kiểu "dị dạng"sau 1954 thôi.Kiểu như Thạnh Đa thành Thanh Đa,Hàng Sanh thành Hàng Xanh ,Rạch Chiết thành Rạch Chiếc,Cây Da Xà thành Cây Da Sà sau 1975 vậy

Nguồn gốc hủ tíu là từ người Tàu Nam Kỳ,có 2 nguồn gốc xin ghi ra

- Mặc Nhân TVC trong bài về Mỹ Tho xưa có nói về nguồn gốc hủ tíu Mỹ Tho

Trong mục " Hủ tíu thời xa xưa" ông có ghi rằng:
"Từ hủ tíu không biết xuất xứ từ đâu vì người Hoa họ không gọi hủ tíu mà họ gọi là phảanh,còn hủ tíu chỉ là chất bột để làm phảanh
Do đó ăn hủ tíu họ gọi là xực phảanh. Vào tiệm hủ tíu gọi một tô hủ tíu có thêm xương, gọi là dách cô phảanh thím xực xí quách
Ngày xưa người Pháp gọi hủ tíu là soupe chinoise (súp Tàu). Đến bây giờ người ngoại quốc đến Mỹ Tho ăn hủ tíu cũng gọi là soupe chinoise hay chinese soup
Đến ngày nay hủ tíu đã thành một từ Việt Nam

Ngược dòng lịch sử, ta trở về Mỹ Tho một thế kỷ trước để thưởng thức hủ tíu Mỹ Tho do người Hoa chánh hiệu đứng nấu
Chú Sồi, hủ tíu chú Sồi, với một chiếc xe ba bánh, có thành vách ba bên, lộng kiếng vẽ đủ thứ cảnh hình trong truyện Tam Quốc như Quan Công phò nhị tẩu, Giang tả cầu hôn, Đương Dương trường bản, Khổng Minh tọa lầu…giong ruổi khắp các nẻo đường thành phố để mưu sinh, mà cũng để cho người dân Mỹ Tho có được một tô hủ tíu đậm đà

Ở giữa xe là một thùng nước lèo bốc hơi nghi ngút, những thúng, rổ nhỏ đựng hủ tiu, mì, bột nặn hoành thánh, dầu chá quảy…(để ăn kèm với mì, hủ tíu), tô chén úp bên cạnh đũa, muỗng lộn xộn với hủ nước tương, xì dầu, hột cải…"(hết trích)

Tác giả lớn tuổi nhớ về Mỹ Tho xưa đã khẳng định "hủ tíu" là món ăn của Mỹ Tho
Ông này lý giải kiểu Quảng Đông.Vì người Quảng gọi bánh sợi gạo trắng là “hồ phảanh” (河粉), âm Hán Việt là “hà phấn”.Khi xào thì họ cắt gọi  là “tài phảanh” (大粉), âm Hán Việt là “đại phấn”, nghĩa là sợi gạo trắng to hay chảo phảanh, tức là hủ tíu xào

Còn với món có nước thì xắt sợi mảnh gọi là hồ phảanh.Thành ra khi ăn hủ tíu họ gọi là xực phảanh là chính xác
-Học giả Vương Hồng Sển viết:
"Khi tôi từ Sốc Trăng năm 1947, chạy lên trên nầy, tôi không được mục kích cảnh sống trên đất Sài gòn nầy, những năm tao loạn 1945-1946 (...)
(...)
Lại nhắc đến tô hủ tíu của chú Ba Tàu.Hỏi chú chệc Tiều (Triều Châu), chú sửa cục thuốc xỉa qua bên môi, và cắt nghĩa:"Củi viết ra Hán tự là “Quế”, “tíu” muốn dịch là “tiểu” hoặc “thiểu” (nhỏ) đều nghe không thông,nhưng không dám đảm bảo là chắc, và “củi tíu” là bánh bột cọng nhỏ, nấu theo điệu Tiều, gia vị tôm tươi, chả cá, gan heo, bao tử luộc ram lại gọi là “phá lấu”, chút ít thịt gà, thì gọi “củi tíu cá gà”, hoặc vài miếng thịt heo thì gọi “củi tíu thịt” nhưng đó là “củi tíu” Tiều, sau đó ta chế lại, và gọi “củi tíu Nam Vang” hoặc “củi tíu Mỹ Tho” (Trích Sài Gòn Tạp Pín Lù)
Ông Vương Hồng Sển kể nguồn gốc hủ tíu.Đó là món Tiều tên là "củi tíu" nghĩa là bánh bột cọng nhỏ.Có củi tíu gà,củi tíu heo.Sau chuyển âm Việt thành "hủ tíu"

Một số người nói là "cổ chéo"
Một số lý giải là do người Quảng Đông đọc “wuở tíu”粿條 âm Hán Việt là “quả điều”,người Tiều phát âm là “quể tíu”
Chưa có học giả Việt nào có cuốn tự điển tiếng Quảng Đông và Tiều -Việt nên nói tùm lum chẳng biết rốt cuộc nó chính xác chổ nào
Nhưng khẳng định cái tên "Hủ tíu" là âm Việt rồi,bỏ lý lẽ là của Tàu đi nha

Trước 1954 Miền Nam viết là "hủ tíu".Sau đó sách giáo khoa,sách báo phần đông do người Bắc 54 họ viết thành ra chuyển  thành "hủ tiếu"
Các nhà văn hóa Miền Nam hầu như không viết về ẩm thực dù món ăn Lục Tỉnh tràn trề,nhiều vô số kể.Có lẽ vì quá thừa mừa và cũng do quan niệm "ăn có gì kể" mà các học giả Miền Nam vô tình để các học giả xứ Bắc lộng hành trong viết về ẩm thực và văn hóa Miền Nam
Một mình ông Vương Hồng Sển không làm lợi với một số đông kia

Người Bắc không nói âm "i" gọn được nên chuyển qua âm ê gần hết.Thí dụ Nam đọc "linh đinh",Bắc đọc "lênh đênh".Nam đọc "bịnh" ,Bắc đọc thành "bệnh",Nam đọc "gành" ,Bắc chuyển qua "ghềnh".Nam có "Cầu Kinh",Bắc tự đổi thành "Cầu Kênh"

Các nhà viết sách Bắc họ nghĩ rằng Nam Kỳ viết hủ tíu là sai chánh tả nên họ tự ý đổi qua hủ tiếu là trúng chánh tả
Thực ra "hủ tiếu" mới sai chánh tả.Tiếu là cái gì? Viết tiếu nó qua nghĩa Hán Việt rồi

Do sách giáo khoa tự quy định "hủ tiếu",thành ra học trò nghĩ hủ tiếu là đúng chánh tả nên chữ hủ tiếu đã đè bẹp,giết chết chữ hủ tíu
Tiệm hủ tíu nào giữ nguyên bổn sẽ đề chữ hủ tíu

Hủ tíu cũng như bạc sỉu,cái âm "i" là thường trực ban sơ

Bạc sỉu là món sữa đặc có đường,kem sữa đặc pha nước nóng,vì sữa đặc có quá nhiều mùi đường nên người Hoa bỏ một chút xíu cafe vô cho hãm mùi đường lại

Bạc sỉu là gọi tắt của "Bạc tẩy sỉu phé" trong tiếng Quảng Đông, bạc là trắng,tẩy là ly,sỉu là một chút,phé là cafe

Bạc sỉu nghĩa là ly sữa trắng kèm một chút xíu cà phê

Bạc sỉu không phải là cafe sữa,bạc sỉu và cafe sữa là hai loại khác nhau.Cafe sữa là phé nại

Vì bạc sỉu không rình rang như hủ tíu nên những người viết sách có máu Bắc quên ,nếu nhớ dám viết "bạc siểu" lắm á

Chữ Miền Nam âm "iu" khá thông dụng trong gốc Tàu

Xá xíu là món ăn có nguồn gốc từ Quảng Đông.Xá xíu trong tiếng Quảng được viết là 叉燒 (cha xiu)

Xíu mại cũng có âm "i"

Trong cải lương có một điệu hơi Quảng tên là “Xang xừ líu”.Nhớ "Bên cầu dệt lụa" có một đoạn Quỳnh Nga nói chuyện với Bích Vân hát “Xang xừ líu” nghe vui vui

Trần Văn Trạch hát "Hòn vọng phu"mà ta còn nghe được ông đệm thêm "Xang xê xang xê hò sự xang xê líu xề xang líu hò xang ú hò" rất dân tộc

Nhạc ngũ cung có "Hò, Xự, Xang, Xê, Cống " và âm thứ 6 là Líu

Hủ tíu Nam Kỳ là món vô địch thế giới

Hủ tíu là món gốc Tàu thôi chứ bên Tàu nó không thông dụng là mấy.Coi phim Tàu có thấy ai bán hủ tíu đâu.Tàu chỉ có mì là phổ biến

Món hủ tíu là món sanh ra và phù hợp phong thổ ở Nam Kỳ từ người gốc Hoa,từ bột gạo.Thành ra chúng ta cứ tự hào hủ tíu là món của Nam Kỳ là vậy
Chúng ta phân biệt được hủ tíu Mỹ Tho,hủ tíu Sa Đéc với hủ tíu người Hoa là ở cọng bánh

Sợi bánh hủ tíu Mỹ Tho là sợi dai,sợi hủ tíu người gốc Hoa là sợi mềm như phở.Sợi hủ tíu người Hoa mềm và kích cỡ của nó khá giống sợi phở

Hủ tíu dai là của người Việt sáng chế ra

Hủ tíu Nam Kỳ đã là hủ tíu Việt khi có nước mắm,rau sống xanh tươi,hai món này hủ tíu Tàu chánh gốc không đụng tới,Tàu ăn dấm, xì dầu

Có thể chia hủ tíu ra 2 trường phái nước và khô,hủ tíu dai và hủ tíu mềm

Liệt kê :Hủ tíu Nam Vang, hủ tíu Mỹ Tho, hủ tíu Sa Đéc, hủ tíu Lái Thiêu, hủ tíu mì, hủ tíu nui, hủ tíu hoành thánh, hủ tíu xá xíu, hủ tíu thịt băm, hủ tíu sườn heo, hủ tíu lòng heo, hủ tíu cá, hủ tíu cua, hủ tíu tôm, hủ tíu gà ta, hủ tíu gà ác, hủ tíu bò kho, hủ tíu bò viên, hủ tíu bò tái, hủ tíu bò sa tế, hủ tíu nai sa tế, hủ tíu vịt quay, hủ tíu nấm, hủ tíu măng, hủ tíu chay ,hủ tíu gõ , hủ tíu chiên,hủ tíu hồ.....

Đặc biệt ăn hủ tíu là phải có đôi đũa.Đũa không thể thiếu trong món nước như hủ tíu,mì

Đâu ai kỳ cục như dân Ý,xưa chôm mì của Tàu nhưng lại ..ăn nĩa

Hồi xưa khi Tây mới qua họ nhìn người Á như là làm xiếc với đôi đũa ,Tây cũng bắt chước làm nhưng không được

Đũa một cặp thể hiệm âm dương,đực cái trong văn hóa

"Đũa vàng dộng xuống mâm sơn
Thấy ai có ngãi, anh thương mặn nồng"


Đôi đũa xuất phát từ dân tộc nào?

Nhiều người nói là từ người Tàu.Tuy nhiên nhìn và soi kỹ văn minh Tàu,ta thấy người Huê Hạ xưa là du mục,ẩm thực thiên về lúa mì tức là xay ra bột làm bánh rồi bốc tay mà ăn

Cuốn” L'histoire culturelle de la Chine” nói người Tàu thời tiên Tần (trước Tần Thỉ Hoàng) vẫn còn ăn bốc. Riêng dân Tàu Huê Bắc  ăn bốc là một thói quen truyền thống

Chỉ có các dân tộc Bách Việt phía Nam làm lúa nước,nấu cơm ăn thì phải xài đũa và vô miệng,cây tre ở xứ Nam đã cho ra đôi đũa tre huyền thoại.Tàu bắt chước mà ra

Người Nam Kỳ chánh gốc tự hào hủ tíu,kêu hủ tíu thì mắc cái giống gì nói liên quan chánh trị? Nói chữ "hủ tíu" thì quy chụp cực đoan à?
Con người minh triết là phải biết điều ngay thẳng,biết gốc tích nguồn cội đàng hoàng thì nó mới ra cái kêu là "văn hóa ẩm thực"

Trong cuộc sống nầy có những quy luật bất thành văn, giới hạn của đạo đức, giới hạn của lý trí. Vượt qua chuẩn mực đạo đức là tự đánh mất mình
Chính thái độ dễ dãi,hề hà và sống luông tuồng đã bị người khác tự ý dẫn dắt văn hóa Miền Nam của mình theo ý của họ

"Hủ tíu" sao giống như "Hủ tiếu" được cho dù dân Lục Tỉnh đọc ra âm hủ tiếu như hủ tíu thôi,cũng là món của Miền Nam thôi

"Hủ tíu" khác "Hủ tiếu" cũng như bà Phạm Thị Chim khác bà Phạm Thị Chiêm vậy.Có khác gì tên "chim" mà vô đụng thằng hộ tịch hỏi đi hỏi lại rằng "Tên Chim có ê không?"  Biggrin

Ngày nay chữ hủ tiếu gần như bức tử chữ hủ tíu,lên google đánh chữ "hủ tíu" thì nó tự chuyển qua chữ "hủ tiếu".Nhưng đâu phải đó là cách đúng của lịch sử
Các bạn Miền Nam thân mến!

Bác bỏ lý lẽ chữ "hủ tíu" là do dân Miền Nam thích âm "i" nói gọn từ chữ "hủ tiếu".Hủ tíu có trước hủ tiếu,cũng như "bịnh" có trước "bệnh"
Hãy viết cho đúng chữ  nha các bạn.Người Miền Nam chánh thống hãy viết cho đúng,hủ tíu.

T/g Nguyễn Gia Việt
VuLe Bt (Bài & Ảnh)


Hình: Chỉ mượn cái chữ hủ tíu,còn chất lượng tác giả ...không chịu trách nhiệm theo khẩu vị từng người nhen.
Reply
#7
Cái bài về hủ tíu này hay quá Thankyou

Reply
#8
(2021-12-19, 10:58 PM)Ech Wrote: Cái bài về hủ tíu này hay quá Thankyou

[Image: e57aff6f5d248f1c9ebbeeb81b9899a7.gif] Ech  Cheer
Reply
#9
NGƯỜI ĐẶT TÊN CHO ĐƯỜNG PHỐ SÀI GÒN TRƯỚC 1975....

Cách đặt tên đường ở Sài Gòn-Gia Định của chính quyền VNCH rất khoa học, chúng được đặt theo từng cụm, đặt theo các nhân vật hay sự kiện gần gũi nhau mang nhiều ý nghĩa lịch sử và mang tính giáo dục cao...

Từ lâu, người Sài Gòn đã rất khâm phục cách đặt tên cho đường phố ở Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn.
Mọi người vẫn đinh ninh rằng đó là tập họp của một công trình có sự đóng góp trí tuệ của nhiều người, một Hội đồng gồm nhiều: học giả, sử gia, nhà văn uy tín…

Nhưng thật sự bất ngờ khi được biết kiệt tác lịch sử này đã được hoàn thành bởi một công chức.
Người đó là Trưởng Phòng Họa Đồ thuộc Tòa Đô Chánh-Sài Gòn.

Ông Ngô Văn Phát, Nhà văn – bút hiệu Thuần Phong, sinh ngày 16-10-1910 tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.

[Image: 271601159_1064086230826307_2467349369903...e=61E219A4]

Sau hiệp định Genève tháng 7 năm 1954 Pháp bàn giao chính quyền cho Chính Phủ Bảo Đại, với Thủ Tướng Ngô Đình Diệm.
Để đánh dấu việc giành độc lập từ tay người Pháp, Toà Đô Chánh Sài Gòn được lệnh gấp rút thay thế toàn bộ tên đường từ tên Pháp qua tên Việt trong khoảng thời gian ngắn nhất. Nhiệm vụ này được giao cho Phòng Hoạ Đồ.

Sau hơn ba tháng nghiên cứu, ông Ngô Văn Phát đã đệ trình lên Hội Đồng Đô Thành toàn bộ danh sách tên các con đường và đã được chấp thuận trong sự nể phục.
Các con đường được đặt tên với sự suy nghĩ rất lớp lang, mạch lạc với sự cân nhắc, đánh giá, bao gồm cả công trạng từng anh hùng, phù hợp với địa thế và các dinh thự đã có sẵn từ trước... Tác giả đã cố gắng đem cái nhìn vừa tổng quát lại vừa chi tiết, những khía cạnh vừa có tình vừa có lý, đôi khi chen lẫn tính hài hước, vào việc đặt tên hiếm có này. Phải là một con người có tâm, có tầm mới nghĩ ra và đặt tên cho hay, ý nghĩa, phù hợp với lòng người...

-Đầu tiên là những con đường mang những lý tưởng cao đẹp mà toàn dân hằng mơ ước: Tự Do, Công Lý, Dân Chủ, Cộng Hoà, Thống Nhất. Những con đường hoặc công trường này đã nằm ở những vị trí thích hợp nhất.

- Đường đi ngang qua Bộ Y Tế (xưa) thì có tên nào xứng hơn là Hồng Thập Tự.

- Đường De Lattre De Tassigny chạy từ phi trường Tân Sơn Nhất đến bến Chương Dương đã được đổi tên là Công Lý, vì đi ngang qua Pháp Đình. (Toà án xưa).

- Đại Lộ Nguyễn Huệ nằm giữa trung tâm Sài Gòn nối từ Toà Đô Chánh (Ủy ban Nhân dân Thành phố nay) đến bến Bạch Đằng rất xứng đáng cho vị Anh hùng đã dùng chiến thuật thần tốc phá tan hơn 20 vạn quân Thanh. Đại Lộ này cũng ngắn tương xứng với cuộc đời ngắn ngủi của Ngài-Nguyễn Huệ.

- Những danh nhân có liên hệ với nhau thường được xếp gần nhau như Đại Lộ Nguyễn Thái Học với đường Cô Giang và đường Cô Bắc, cả ba là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Yên Bái.

- Đường Phan Thanh Giản nằm gần đường Phan Liêm, Phan Ngữ là hai người con Ông, đã tiếp tục sự nghiệp chống Pháp sau khi Phan Thanh Giản tuẩn tiết.

- Ông Cao Thắng một chuyên gia làm súng chống Tây thì “được” ở gần 2 Nhà kháng chiến: Nguyễn Thiện Thuật và Phan Đình Phùng.

- Những đại lộ dài nhất được đặt tên cho các anh hùng Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Lê Lợi và Hai Bà Trưng. Mỗi đường rộng và dài tương xứng với công trạng dựng nước, giữ nước của các Ngài.

- Đường mang tên Lê Lai, người chịu chết thay cho vua Lê Lợi thì nhỏ và ngắn hơn, được nằm cận kề với đại lộ Lê Lợi. Như Quân và Thần xưa kia….

- Đường Khổng Tử và Trang Tử trong Chợ Lớn với đa số người dân là người Hoa cư ngụ nên gắn liền với họ.

- Bờ sông Sài Gòn được chia ra ba đoạn, đặt cho các tên Bến Bạch Đằng, Bến Chương Dương, và Bến Hàm Tử, để ghi nhớ những chiến công, các trận thuỷ chiến lẫy lừng trong lịch sử chống quân Mông Cổ, chống Nhà Nguyên của Hưng Đạo Đại Vương vào thế kỷ 13.

- Thẳng góc với hai đường Bà Huyện Thanh Quan và Đoàn Thị Điểm là đường Hồ Xuân Hương. Đó là Ba nữ sĩ nằm bên cạnh nhau, thật là có lý vì cả ba đều là văn thi sĩ nổi danh...

- Năm 1957, ông Ngô Văn Phát có bài đăng trên bộ Tự điển Encyclopedia – Britannica ở Luân Đôn (Anh Quốc). Đó là chuyên đề Khảo cứu về thành phố Sài Gòn. •Năm 1964 với chuyên đề Ca dao giảng luận in trên tạp chí Trường Viễn đông Bác cổ ở Paris (sau in thành sách ở Sài Gòn).

- Cùng năm này ở Trường Cao học Sorbonne (Paris), ông cũng có chuyên đề "Nguyễn Du et La  Métrique Populaire" (Nguyễn Du với thể dân ca) trong bộ sách nhan đề: Mélanges sur Nguyên Du (Tạp luận về Nguyễn Du).

- Những năm 1970, ông được mời thỉnh giảng môn Văn học dân gian tại Đại học Văn khoa, Sư phạm Huế và Cần Thơ.
Ngoài ra, hầu hết những con đường khác ở Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn đều do Ông và đồng sự đặt ra...

*TÊN NHỮNG CON ĐƯỜNG Ở SÀI GÒN-GIA ĐỊNH VÀ CHỢ LỚN TRƯỚC VÀ SAU NĂM 1975....

Cách đặt tên đường rất hay, rất có dụng ý và ý nghĩa. Đi từ cửa ngõ ngoại ô vào tới trung tâm Sài Gòn, nếu để ý bạn sẽ thấy cả một chiều dài lịch sử 4000 năm của Việt Nam.
Khởi đầu từ bến xe miền Tây sẽ có Hồng Bàng, An Dương Vương, Triệu Đà, Bà Triệu... rồi thì có Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục..., tiếp đến là Mai Hắc Đế, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh... Lý Chiêu Hoàng.

Với Nhà Trần thì có Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo và các tướng quây quần như: Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư...

- Các bến sông gồm có Vạn Kiếp, Hàm Tử, Chương Dương... Bến Cảng lớn nhất thì đặt tên là Bạch Đằng...

- Cứ thế càng vào gần Trung tâm thì càng tiệm cận đến hiện tại như Lê Lợi, Lê Lai, Nguyễn Trãi... rồi đến nhà Nguyễn lại càng gần trung tâm hơn nữa như Nguyễn Hoàng, Minh Mạng, Tự Đức cùng các tướng lãnh như Võ Tánh, Lê Văn Duyệt...

- Qua phía Bắc khu trung tâm có triều Tây Sơn và các nhà văn, nhà thơ, học sĩ như Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương... cùng với các tướng võ Tây Sơn Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu...

- Tân Định thì nhà Trần Cát cứ.

+ Hay nhất là sau dòng chảy 4000 năm lịch sử, thì tất cả đều tập trung vào một Đại lộ mang tên Thống Nhất, đẹp và rộng với quảng trường bao la dẫn thẳng vào cơ quan quyền lực cao nhất thời đó Dinh Độc Lập.

Con đường nhỏ một chiều, chạy ngang Tòa án và cổng Dinh mang tên Công Lý (mà nói đến chữ Công lý: thì không thể nào hai chiều được).

- Hai con đường song song với Đại lộ Thống Nhất được mang tên của hai danh nhân đã tạo ra chữ viết của Việt Nam là Hàn Thuyên và Alexandre de Rhodes với hàm ý biết ơn sâu sắc...

•Bùi Chu > Tôn Thất Tùng.
•Chi Lăng > Phan Đăng Lưu.
•Công Lý > Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
•Cộng Hòa > Nguyễn Văn Cừ.
•Cường Để > Tôn Đức Thắng.
•Duy Tân > Phạm Ngọc Thạch.
•Đoàn Thị Điểm > Trương Định (cả Đoàn thị Điểm và Trương Công Định đều đổi thành Trương Định).
•Đỗ Thành Nhân > Đoàn Văn Bơ.
•Đồn Đất > Thái Văn Lung.
•Đồng Khánh > Trần Hưng Đạo B.
•Gia Long > Lý Tự Trọng.
•Hiền Vương > Võ Thị Sáu.
•Hồng Thập Tự > trước là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Nay là Nguyễn Thị Minh Khai.
•Huỳnh Quang Tiên > Hồ Hảo Hớn.
•Lê Văn Duyệt (Gia Định) > Đinh Tiên Hoàng, và giờ đã đổi lại Lê Văn Duyệt.
•Lê Văn Duyệt (Sài Gòn) > Cách Mạng Tháng 8.
•Minh Mạng > Ngô Gia Tự.
•Ngô Tùng Châu > Nguyễn Văn Đậu.
•Ngô Tùng Châu (Sài Gòn)> Lê thị Riêng.
•Nguyễn Đình Chiểu > Trần Quốc Toản.
•Nguyễn Hoàng > Trần Phú.
•Nguyễn Huệ (Phú Nhuận) > Thích Quảng Đức.
•Nguyễn Huỳnh Đức > Huỳnh Văn Bánh.
•Nguyễn Minh Chiếu > Nguyễn Trọng Tuyển.
•Nguyễn Phi > Lê Anh Xuân.
•Nguyễn Văn Học > Nơ Trang Long.
•Nguyễn Văn Thinh > Mạc Thị Bưởi
•Nguyễn Văn Thoại > Lý Thường Kiệt.
•Pétrus Ký > Lê Hồng Phong.
•Phạm Đăng Hưng > Mai Thị Lựu.
•Phan Đình Phùng > Nguyễn Đình Chiểu.
•Phan Thanh Giản > Điện Biên Phủ.
•Phan Văn Hùm > Nguyễn thị Nghĩa
•Phát Diệm > Trần Đình Xu.
•Sương Nguyệt Ánh > Sương Nguyệt Anh.
•Tạ Thu Thâu > Lưu Văn Lang.
•Thái Lập Thành (Phú Nhuận) > Phan Xích Long.
•Thái Lập Thành (Q1) > Đông Du.
•Thành Thái > An Dương Vương.
•Thiệu Trị > Nguyễn Văn Luông.
•Thoại Ngọc Hầu > Phạm Văn Hai.
•Thống Nhất > Lê Duẩn.
•Tổng Đốc Phương > Châu Văn Liêm.
•Trần Hoàng Quân > Nguyễn Chí Thanh.
•Trần Quốc Toản > 3 Tháng 2.
•Trần Quý Cáp > Võ Văn Tần
•Triệu Đà > Ngô Quyền.
•Trịnh Minh Thế > Nguyễn Tất Thành.
•Trương Công Định > Trương Định (cả Đoàn Thị Điểm và Trương Công Định đều đổi thành Trương Định).
•Trương Tấn Bửu > Trần Huy Liệu
•Trương Minh Ký > Lê Văn Sĩ.
•Trương Minh Giảng > Trần Quốc Thảo.
•Tự Đức > Nguyễn Văn Thủ.
•Tự Do > Đồng Khởi.
•Võ Di Nguy (Phú Nhuận) > Phân thành 2 đường Phan Đình Phùng và Nguyễn Kiệm.
•Võ Di Nguy (Sài Gòn) > Hồ Tùng Mậu.
•Võ Tánh (Phú Nhuận) > Hoàng Văn Thụ.
•Võ Tánh (Sài Gòn) > 1 phần của Nguyễn Trãi, khúc giao với Cống Quỳnh.
•Yên Đổ > Lý Chính Thắng.


*** Ông mất vào năm 1983 tại Sài Gòn hưởng thọ 73 tuổi...
Một con người uyên bác, trí thông, học thức như ông vừa có Tâm, có Tầm, có Tài, có Đức đáng được người sau ngưỡng mộ và tri ân...!

(Đinh Trực sưu tầm)
Reply
#10
[Image: 274655481_152658483860442_59783713680394...e=621D950C]

Thời Pháp thuộc mà còn được giáo dục cho nên người. Thời cộng thuộc chẳng lẽ chỉ đáng nên vật chăng ?


CÒN MẤY AI NHỚ BÀI THƠ NẦY ?

Đây là bài thơ giáo khoa do TẢN ĐÀ làm cho trẻ em lên sáu tuổi, viết năm 1919. Bài thơ đã trên 100 năm nhưng vẫn còn nguyên ý nghĩa về sự giáo dục con người.

Trước khi dạy trẻ yêu nước, yêu đồng bào. Hãy dạy trẻ hiếu thuận với cha mẹ, kính quý thầy cô. Thì tất cả những cái "yêu" còn lại sẽ hình thành tốt đẹp.

***********
L Ê N S Á U

Sách quốc ngữ - Chữ nước ta,
Con cái nhà - Đều phải học.
Miệng thì đọc- Tai thì nghe
Đừng ngủ nhè -Chớ láu táu
Con lên sáu - Đang vỡ lòng
Học cho thông - Thầy khỏi mắng.
.
Trong trời đất - Nhất là người
Ở trên đời - Hơn giống vật
Con bé thật - Chưa biết gì
Còn ngu si - Phải dạy bảo
Cho biết đạo - Mới nên thân
Sau lớn dần - Con sẽ khá
.
Ai đẻ ta - Cha cùng mẹ
Bồng lại bế - Thương và yêu
Ơn nhường bao - Con phải ngẫm
Áo mặc ấm - Mẹ may cho
Cơm ăn no - Cha kiếm hộ
Cha mẹ đó - Là hai thân
.
Hai thân là - Là thân nhất
Trong trời đất - Không ai hơn
Con biết ơn - Nên phải hiếu
Nghĩa chữ hiếu - Đạo làm con
Con còn non - Nên học trước
Đi một bước - Nhớ hai thân
.
Con còn nhỏ - Có mẹ cha
Lúc vào ra - Được vui vẻ
Con còn bé - Mẹ hay chiều
Thấy mẹ yêu - Chớ làm nũng
Đã đi học - Phải cho ngoan
Hay quấy càn - Là chẳng hiếu.
.
Con còn bé - Mẹ hay lo
Ăn muốn cho - Lại sợ độc
Con ốm nhọc - Mẹ lo thương
Tìm thuốc thang - Che nắng gió
Con nghĩ đó - Sao cho ngoan
Hay ăn càn - Là chẳng hiếu
.
Anh em ruột - Một mẹ cha
Mẹ đẻ ra - Trước sau đó
Cùng máu mủ - Như tay chân
Nên yêu thân - Chớ ganh tị
Em coi chị - Cũng như anh
Trước là tình - Sau có lễ
.
Người trong họ - Tổ sinh ra
Ông đến cha - Bác cùng chú
Họ nội đó - Là tông chi
Cậu và dì - Về họ mẹ
Con còn bé - Nên dạy qua
Còn họ xa - Sau mới biết
.
Người trong họ - Có bề trên
Lạ hay quen - Đều phải kính
Có khách đến - Không được đùa
Ai cho quà - Đừng lấy vội
Ông bà gọi - Phải dạ thưa
Phàm người nhà - Không được hỗn
.
Con bé dại - Mãi vui chơi
Muốn ra người - Phải chăm học
Miệng đang đọc - Đừng trông ngang
Học dở dang - Đừng có chán
Học có bạn - Con dễ hay
Mến trọng thầy - Học chóng biết
.
Dạy con biết - Phép vệ sinh
Ăn quả xanh - Khó tiêu hoá
Uống nước lã - Có nhiều sâu
Áo mặc lâu - Sinh ghẻ lở
Mặt không rửa - Sinh u mê
Đang mùa hè - Càng phải giữ
.
Các giống vật - Thật là nhiều.
Như con hươu - Ở rừng cỏ
Như con chó - Nuôi giữ nhà
Con ba ba - Loài máu lạnh
Loài có cánh - Như chim câu
Còn loài sâu - Như bọ róm
.
Cây và cỏ - Có khác loài
Trông bề ngoài - Cũng dễ biết
Như cây mít - Có nhiều cành
Lúa,. cỏ gianh - Có từng đốt
Còn trong ruột - Lại khác nhau.
Vài năm sau - Con biết kỹ
.
Đá bờ sông - Không sống chết
Không có biết - Không có ăn
Không người lăn - Cứ nằm đây
Như đá cuội - Như đá xanh
Như mảnh sành - Như đất thó
Các vật đó - Theo loài kim
.
Các loài kim - Tìm ở đất
Nhất là sắt - Nhì là đồng
Làm đồ dùng - Khắp trong nước
Như vàng bạc - Càng quý hơn
Đúc làm tiền - Để mua bán.
Ai có vạn - Là người giàu.
.
Vốn xưa là - Nhà Hồng Lạc
Nay tên nước - Gọi Việt Nam
Bốn nghìn năm - Ngày mở rộng
Nam và Bắc - Ấy hai miền
Tuy khác tên - Đất vẫn một
Lào, Miên, Việt - Là Đông Dương
.
Đầu trị nước - Đức Kinh dương
Truyển Hùng Vương - Mười tám chúa
Qua mấy họ - Quân Tàu sang
Vua Đinh hoàng - Khai nghiệp đế
Trải Đinh, Lý - Đến Trần, Lê
Nay nước ta - Là nước Việt
.
Chữ nước ta - Ta phải học
Cho trí óc - Ngày mở mang
Muốn vẻ vang - Phải làm lụng
Đừng lêu lổng - Mà hư thân
Nước đang cần - Người tài giỏi
Cố học hỏi - Để tiến nhanh
.
Vừa ích mình - Vừa lợi nước
Chớ lùi bước - Là kẻ hèn

(Nghiêm Hàm ấn quán xuất bản, 1924)

Sưu tầm
Reply
#11
MỘT SỐ ĐỊA DANH BỊ VIẾT SAI TÊN TẠI SAIGON


[Image: 274629353_310283184417209_60348322809971...e=621C364F]

Thí dụ như Hàng-Sanh bị viết, đọc ra thành Hàng-Xanh, lâu ngày thành quen, riết rồi chúng ta mặc định Hàng-Xanh là tên trúng, việc nầy còn lặp lợi ở các Địa-danh khác tại Saigon, chúng ta thử điểm qua cho biết.

THẠNH-ĐA: giờ chúng ta quen gọi là Thanh-Đa, nằm trên quận Bình-Thạnh. Khi tra Địa-chí hành chánh ở Nam-kỳ, rõ ràng là Thạnh-Đa, mục Thống-kê hạt Tham-biện Gia-Định năm 1892, chép:

" Tổng Bình Trị Thượng có 16 làng: An Hội, An Lộc Đông, An Nhơn xã, An Phước, An Thạnh Trung, An Xuân, Bình An Đông, Bình Hòa xã, Bình Lợi Trung, Bình Quới Tây, Hanh Phú, Hanh Thông Tây, Hanh Thông xã, Quới An, Thạnh Đa, An Lộc"

Hoặc như tác giả Nguyễn-Thanh-Lợi trong cuốn " Saigon Đất và Người" cũng có đề cập việc nầy, theo đó ông cho biết, tên thôn Thạnh-Đa thuộc Tổng Bình-Trị( sau là Bình-Trị-Thượng), huyện Bình-Dương có từ năm 1818.

Sách xưa đề cập tên Thạnh-Đa ta thấy có " Gia Định Thành Thông Chí" và " Chuyên khảo tỉnh Gia Định, 1902( Monographie de la province de Gia-Định)" . Có lẽ do sau nầy người Pháp in bản đồ thiếu dấu, nên Thạnh ra Thanh.

Địa-danh có chữ Thạnh ở Saigon rất nhiều, như Thạnh-Lộc, Hưng-Thạnh, Bình-Thạnh, Tân-Thạnh, Thạnh-Phú, Thới-Thạnh... và có lẽ mang hàm ý là thạnh vượng.

Hanh-Thông: cũng ngay trong năm 1892, phần trong mục liệt kê cùng Tổng( Bình-Trị-Thượng), địa danh Hanh-Thông được lặp lợi vài lần trong phần " Tỉnh Gia-Định". Tra Tự-điển, chữ 亨通 ( Hanh-thông) có nghĩa là " thông suốt, suôn sẻ. Địa danh Hanh-Thông có lẽ có từ rất lâu, ít nhứt là trước khi Pháp chiếm Nam-kỳ.

Rạch-Ong: ngày nay là Rạch-Ông, nằm trên địa bàn quận 8. Các sách " Gia Định Thành Thông Chí, Đại Nam Nhứt Thống Chí( Lục Tỉnh Nam Việt)" chép tên địa danh nầy ra chữ Hán là " Đại Phong Giang" và " Tiểu Phong Giang", trong đó chữ " Phong" có nghĩa là con Ong. Người Khơ-me gọi rạch Ong-Lớn là Prê KimPon Khmum Thom, trong địa danh nầy có từ Khmum nghĩa là “con ong”.

Ngày xưa, trên 2 con rạch Ong-Lớn và Ong-Bé có rất nhiều Ong đến làm tổ, và dân xung quanh đó lấy mật đem bán các vùng lân cận, địa danh Cầu-Mật đến ngày nay vẫn còn.

Như vậy các địa danh như chợ Rạch-Ông, cầu Rạch-Ông, rạch Ông-Lớn, rạch Ông-Bé đúng ra phải là " Ong".

Ngoài ra còn có các tên gọi, địa danh bị gọi/viết sai, như: Gò-Vấp, Dần-Xây, Rạch-Chiếc, Cát-Lái... hoặc bị cố tình sửa chữ, như Tân-Sơn-Nhất.

Bản đồ Trần-văn-Học vẽ năm 1815, sau nầy( trước năm 1975) có thêm chú thích chữ Quốc-ngữ, ngay góc phía trên bên phải, có ghi Hanh-Thông.

223110697
Reply
#12
Những ngôi chợ nổi tiếng nhất Sài Gòn xưa

Kỳ 1 – Chợ Tân Định 

[Image: duong-hai-ba-trung-9.jpg]

Nằm ngay tại khu vực trung tâm thành phố Sài Gòn, chợ Tân Định được xây dựng vào năm 1926, là một trong những ngôi chợ có lịch sử lâu đời nhất Sài Gòn, với kiến trúc không thay đổi sau gần 100 năm qua. Bên trái là chợ Tân Định, bên phải là nhà thờ Tân Định. Tiền thân của chợ Tân Định là chợ Phú Hòa, theo các ghi chép của người Pháp từ những năm 1870, 1880 thì từ lúc đó, chợ Phú Hòa đã là một trong những chợ quan trọng nhất ở phía Bắc Sài Gòn, tuy nhiên không có hình ảnh nào của chợ Phú Hòa được ghi lại. 

[Image: tan-dinh2.jpg]

Đầu năm 1926, chính quyền thuộc địa đã bỏ ra ngân sách 110.000 đồng tiền Đông Dương để xây lại chợ, một phần là để nâng cao tiêu chuẩn cho ngôi chợ quan trọng này, phần khác là tạo thêm nguồn thu ngân sách từ việc bán quyền sử dụng mặt bằng mới của chợ cho các tiểu thương. Từ lúc này, chợ mang tên là Tân Định cho đến nay. Công ty xây dựng của Pháp là Société Indochinoise d’Études et de Constructions (SIDEC) đã trúng thầu thiết kế và xây dựng chợ Tân Định. Công ty này cũng xây dựng bệnh viện Saint Paul, vẫn còn đến ngày nay (Bệnh Viện Mắt). Chợ Tân Định có điểm khác biệt so với các ngôi chợ trước đó, nó có không gian mở rộng lớn và không phân khu. Điểm nổi bật của chợ là mặt trước được thiết kế ba tháp chuông, một tháp nằm giữa, hai tháp hai bên. Tháp chuông ở giữa vẫn còn giữ được quả chuông xưa và đồng hồ cổ ở trên cổng chợ. 

[Image: tan-dinh1.jpg]

Ngày khánh thành chợ là 26/7/1927, được tổ chức rất long trọng và tưng bừng không kém chợ Bến Thành trước đó 13 năm, với sự tham dự của các quan chức hàng đầu của chính quyền thuộc là Thống đốc Nam kỳ, Chủ tịch hội đồng quản hạt, thị trưởng Sài Gòn. 

Tờ Công Luận báo đã đưa tin về sự kiện quan trọng này như sau, xin trích nguyên văn: “Lễ khai thị chợ mới Tân Định Sớm mai ngày 26 Juillet vừa rồi lối 9 giờ sở đốc lý thành phố Sài Gòn có bày cuộc lễ khai thị ở Tân Định. Thiên hạ đến coi đông như kiến, lính tráng khó bề dẹp được. Giữa chợ treo cờ xí đủ màu coi đẹp lắm. Các quan và sở đốc lý phải đến bày cuộc lễ nầy, đứng nơi trong đợi quan nguyên soái Nam kỳ, chính giữa để một cái bàn có để rượu sâm banh, mấy người nấu ăn đứng xung quanh coi ngộ lắm. Bước vô bên tay mặt một tấm vải giăng ra và một giàn máy chớp bóng. Tám giờ đúng, một cái xe hơi đưa quan Nguyên soái Nam kỳ đến đậu trước chợ, gần hàng rào. Quan Nguyên soái Nam kỳ bước xuống bắt tay quan Đốc lý (thị trưởng) thành phố Sài Gòn, Lefebvre và ông Héraud hội trưởng hội đồng quản hạt, rồi bước thẳng vô chợ. Kế quan đốc lý đọc một bài diễn văn tỏ ý cho trước là quan nguyên soái Nam kỳ sau các chức việc biết rằng cái chợ nầy mà cất thành đây là nhờ sở đốc lý ham muốn mở mang hầu cho thành phố Sài Gòn nầy có nhiều nơi tốt đẹp. Bởi vậy sở đốc lý không dụ dự chút nào mà xuất tiền cất chợ và cũng là nhờ quan Nguyên soái Nam kỳ dự vào nữa. Ông hội trưởng hội đồng quản hạt đã ở Sài Gòn lâu rồi có thể biết những điều cần ích, nên muốn Sài Gòn này đứng hàng ngũ cho xứng đáng ở cõi viễn đông này vậy. Rốt hết quan đốc lý mời quan Nguyên soái Nam kỳ dùng rượu và chúc cho thành Sài Gòn nầy sung thạnh. Kế quan Nguyên soái Nam kỳ trả lời lại rất đại khái”. 

[Image: dakao-4.jpg]

Ngày nay, ngành nghề kinh doanh chính của chợ Tân Định là vải vóc, thực phẩm tươi sống, quần áo, ăn uống, thực phẩm khô, giày dép, trái cây… Xưa đến nay chợ có tiếng là chợ nhà giàu, với nhiều món hàng giá cao hơn các chợ khác một chút. Bù lại, hàng về chợ gì cũng tươi ngon và chất lượng. 

[Image: duong-hai-ba-trung-3.jpg]

Dù các mặt hàng đều giá cao hơn bình thường, nhưng có một loại hàng bày bán nhiều ở nơi này được người dân và du khách biết đến như là nơi bán rẻ nhất Sài Gòn, đó là vải vụn, được bày bán rất nhiều. 

[Image: duong-hai-ba-trung-4.jpg]
Dãy hàng quán gần trước chợ Tân Định Phía sau của chợ Tân Định, ngày nay vẫn còn một con đường tên Mã Lộ: là đường (dành cho) ngựa, một trong những con đường ngắn nhất Sài Gòn. Cách đây 50, 60 năm, đường Mã Lộ còn là bến xe ngựa chở khách đi chợ Tân Định hoặc chở hoa tết từ Gò Vấp lên bán ở chợ. Lúc đó có hàng chục chiếc xe ngựa chờ khách trên đường Mã Lộ; mỗi xe có thể chở tối đa 6 người ngồi co chân đối mặt nhau. Cách đường Mã Lộ khoảng 500m, khu vực bờ kênh Nhiêu Lộc, phía trước đình Xuân Hòa xưa là bến Tắm Ngựa. Cứ giữa trưa, khi vắng khách, các chủ xe ngựa thường chạy xe từ đường Mã Lộ sang đây, dẫn ngựa xuống bến tắm… 

[Image: duong-hai-ba-trung-68.jpg]

Chợ Tân Định ngày nay.

[Image: tan-dinh0.jpg]


Theo Chuyện Xưa
Reply
#13
Những địa điểm nổi tiếng ở Sài Gòn đã biến mất vĩnh viễn trong quá trình “đô thị hóa”

[url=https://nhactrinh.vn/nhung-dia-diem-noi-tieng-o-sai-gon-da-bien-mat-vinh-vien-trong-qua-trinh-do-thi-hoa/][/url][Image: txt-825x510.jpg]


223110697
Reply
#14
(2022-04-25, 07:43 AM)duke Wrote: Những ngôi chợ nổi tiếng nhất Sài Gòn xưa

Kỳ 1 – Chợ Tân Định 

Nằm ngay tại khu vực trung tâm thành phố Sài Gòn, chợ Tân Định được xây dựng vào năm 1926, là một trong những ngôi chợ có lịch sử lâu đời nhất Sài Gòn, với kiến trúc không thay đổi sau gần 100 năm qua. Bên trái là chợ Tân Định, bên phải là nhà thờ Tân Định. Tiền thân của chợ Tân Định là chợ Phú Hòa, theo các ghi chép của người Pháp từ những năm 1870, 1880 thì từ lúc đó, chợ Phú Hòa đã là một trong những chợ quan trọng nhất ở phía Bắc Sài Gòn, tuy nhiên không có hình ảnh nào của chợ Phú Hòa được ghi lại. 


Đầu năm 1926, chính quyền thuộc địa đã bỏ ra ngân sách 110.000 đồng tiền Đông Dương để xây lại chợ, một phần là để nâng cao tiêu chuẩn cho ngôi chợ quan trọng này, phần khác là tạo thêm nguồn thu ngân sách từ việc bán quyền sử dụng mặt bằng mới của chợ cho các tiểu thương. Từ lúc này, chợ mang tên là Tân Định cho đến nay. Công ty xây dựng của Pháp là Société Indochinoise d’Études et de Constructions (SIDEC) đã trúng thầu thiết kế và xây dựng chợ Tân Định. Công ty này cũng xây dựng bệnh viện Saint Paul, vẫn còn đến ngày nay (Bệnh Viện Mắt). Chợ Tân Định có điểm khác biệt so với các ngôi chợ trước đó, nó có không gian mở rộng lớn và không phân khu. Điểm nổi bật của chợ là mặt trước được thiết kế ba tháp chuông, một tháp nằm giữa, hai tháp hai bên. Tháp chuông ở giữa vẫn còn giữ được quả chuông xưa và đồng hồ cổ ở trên cổng chợ. 

Ngày khánh thành chợ là 26/7/1927, được tổ chức rất long trọng và tưng bừng không kém chợ Bến Thành trước đó 13 năm, với sự tham dự của các quan chức hàng đầu của chính quyền thuộc là Thống đốc Nam kỳ, Chủ tịch hội đồng quản hạt, thị trưởng Sài Gòn. 

Tờ Công Luận báo đã đưa tin về sự kiện quan trọng này như sau, xin trích nguyên văn: “Lễ khai thị chợ mới Tân Định Sớm mai ngày 26 Juillet vừa rồi lối 9 giờ sở đốc lý thành phố Sài Gòn có bày cuộc lễ khai thị ở Tân Định. Thiên hạ đến coi đông như kiến, lính tráng khó bề dẹp được. Giữa chợ treo cờ xí đủ màu coi đẹp lắm. Các quan và sở đốc lý phải đến bày cuộc lễ nầy, đứng nơi trong đợi quan nguyên soái Nam kỳ, chính giữa để một cái bàn có để rượu sâm banh, mấy người nấu ăn đứng xung quanh coi ngộ lắm. Bước vô bên tay mặt một tấm vải giăng ra và một giàn máy chớp bóng. Tám giờ đúng, một cái xe hơi đưa quan Nguyên soái Nam kỳ đến đậu trước chợ, gần hàng rào. Quan Nguyên soái Nam kỳ bước xuống bắt tay quan Đốc lý (thị trưởng) thành phố Sài Gòn, Lefebvre và ông Héraud hội trưởng hội đồng quản hạt, rồi bước thẳng vô chợ. Kế quan đốc lý đọc một bài diễn văn tỏ ý cho trước là quan nguyên soái Nam kỳ sau các chức việc biết rằng cái chợ nầy mà cất thành đây là nhờ sở đốc lý ham muốn mở mang hầu cho thành phố Sài Gòn nầy có nhiều nơi tốt đẹp. Bởi vậy sở đốc lý không dụ dự chút nào mà xuất tiền cất chợ và cũng là nhờ quan Nguyên soái Nam kỳ dự vào nữa. Ông hội trưởng hội đồng quản hạt đã ở Sài Gòn lâu rồi có thể biết những điều cần ích, nên muốn Sài Gòn này đứng hàng ngũ cho xứng đáng ở cõi viễn đông này vậy. Rốt hết quan đốc lý mời quan Nguyên soái Nam kỳ dùng rượu và chúc cho thành Sài Gòn nầy sung thạnh. Kế quan Nguyên soái Nam kỳ trả lời lại rất đại khái”. 


Ngày nay, ngành nghề kinh doanh chính của chợ Tân Định là vải vóc, thực phẩm tươi sống, quần áo, ăn uống, thực phẩm khô, giày dép, trái cây… Xưa đến nay chợ có tiếng là chợ nhà giàu, với nhiều món hàng giá cao hơn các chợ khác một chút. Bù lại, hàng về chợ gì cũng tươi ngon và chất lượng. 

[Image: duong-hai-ba-trung-3.jpg]

Dù các mặt hàng đều giá cao hơn bình thường, nhưng có một loại hàng bày bán nhiều ở nơi này được người dân và du khách biết đến như là nơi bán rẻ nhất Sài Gòn, đó là vải vụn, được bày bán rất nhiều. 

Dãy hàng quán gần trước chợ Tân Định Phía sau của chợ Tân Định, ngày nay vẫn còn một con đường tên Mã Lộ: là đường (dành cho) ngựa, một trong những con đường ngắn nhất Sài Gòn. Cách đây 50, 60 năm, đường Mã Lộ còn là bến xe ngựa chở khách đi chợ Tân Định hoặc chở hoa tết từ Gò Vấp lên bán ở chợ. Lúc đó có hàng chục chiếc xe ngựa chờ khách trên đường Mã Lộ; mỗi xe có thể chở tối đa 6 người ngồi co chân đối mặt nhau. Cách đường Mã Lộ khoảng 500m, khu vực bờ kênh Nhiêu Lộc, phía trước đình Xuân Hòa xưa là bến Tắm Ngựa. Cứ giữa trưa, khi vắng khách, các chủ xe ngựa thường chạy xe từ đường Mã Lộ sang đây, dẫn ngựa xuống bến tắm… 

Chợ Tân Định ngày nay.

[Image: tan-dinh0.jpg]


Theo Chuyện Xưa

Có bạn nào đã từng có kỷ niệm với chợ Tân Định thì cùng share ở đây nhé. Please

Kỷ niệm của duke: được ba dẫn đi nhổ răng ở tiệm nha khoa gần chợ Tân Định. Lúc đó chắc duke chỉ có 8, 9t gì đó. Chỉ nhớ là ông nha sĩ nhổ sao mà thằng bé bị chảy máu quá trời! Ngậm bao nhiêu bông băng mà máu trong miệng thấm ra đỏ lòm, làm sợ nên khóc bù lu bù loa, ông cụ mới dỗ cho mau nín bằng cách mua cho 1 cây kẹo bông gòn to tổ chảng cầm, dặn về nhà hết chảy máu mới được ăn. Nhưng trên xe xích lô chở về nhà, chưa tới nửa đường, nó đã nhấm nháp gần hết nửa cây kẹo bông gòn  Lol
Reply
#15
Kỳ thi tốt nghiệp thời Pháp diễn ra như thế nào?


Cuối mỗi cấp học đều cό những kỳ thi được tổ chức quy cὐ, tốt nghiệp học sinh cό thể mang bằng đi xin việc tὺy theo trὶnh độ.

Cuối thế kỷ 19, trường tiểu học được thiết lập tᾳi mỗi lỵ sở địa hᾳt (sau này là tỉnh). Cuối bậc tiểu học (nᾰm thứ ba), học sinh toàn quἀn hᾳt được sάt hᾳch. Học trὸ trường tư được dự sάt hᾳch với điều kiện ghi tên trước ở nσi dự thi.


Tốt nghiệp tiểu học cό thể đi làm công chức 


Kỳ sάt hᾳch tiểu học gồm hai phần, viết và vấn đάp. Cάc đề thi viết đều do Ủy ban thường trực giάo dục công cộng gửi từ Sài Gὸn. Mỗi thành viên cὐa Ủy ban này sẽ chὐ tọa lần thi vấn đάp ở cάc trường, hiệu trưởng và giάo viên phối hợp tham gia. Bài làm được đưa về Ủy ban chấm và công bố kết quἀ, xếp hᾳng trên Gia Định bάo.


Thί sinh đỗ sẽ được cấp chứng chỉ, cό thể xin làm công chức cấp dưới trong cάc cσ quan thuộc quἀn hᾳt với mức lưσng vài trᾰm Francs mỗi nᾰm. Ai giành thứ hᾳng cao cό thể làm đσn xin vào học trường trung học bἀn xứ Sài Gὸn.


[Image: dangnhocom-z0ih8rm.jpg?resize=500%2C344&ssl=1]

Học sinh tiểu học ở Nam Kỳ đầu thế kỷ 20. Ảnh tư liệu.


Ngày 9/1/1878, kỳ thi tốt nghiệp theo phưσng thức mới được άp dụng chung cho học sinh tiểu học khắp xứ Nam Kỳ. Hai trường được đᾰng cai tổ chức kỳ thi này gồm tiểu học Sài Gὸn dành cho thί sinh thuộc hᾳt miền Đông và tiểu học Vῖnh Long cho thί sinh cάc hᾳt thuộc tỉnh Định Tường cῦ và ba tỉnh miền Tây (Vῖnh Long, An Giang, Hà Tiên).


Học sinh tư thục muốn dự thi phἀi làm đσn gửi viên tham biện địa hᾳt nσi đặt điểm thi, cό xάc nhận cὐa tham biện địa phưσng về trὶnh độ kiến thức. Thί sinh đὐ điểm được cấp bằng tốt nghiệp, cό thể xin việc làm công chức cấp dưới.
Theo chưσng trὶnh Phάp – Việt, học sinh tốt nghiệp trung học (cấp hai) được cấp bằng khἀ nᾰng, cό thể xin làm giάo viên với mức lưσng 600 Francs hoặc thông ngôn, phụ tά thư lᾳi hᾳng nhất với lưσng 1.000 Francs mỗi nᾰm. Người điểm cao được xem xе́t cho sang Phάp học.


Nᾰm 1879, khi thống đốc Nam Kỳ ban hành nghị định cἀi tổ nền giάo dục Nam Kỳ, Ủy ban giάo dục công cộng sẽ lo ba kỳ thi sάt hᾳch ở từng cấp học. Mỗi kỳ thi vẫn duy trὶ hai phần, viết và vấn đάp như trước đây.


Nếu ở cấp một, thi vấn đάp sẽ diễn ra trước hội đồng gồm đᾳi diện giάm đốc Nha nội chίnh (chὐ tịch) và hai hội viên là những giάo sư thὶ cấp hai và ba, phần thi này cᾰng thẳng hσn. Ngoài chὐ tịch hội đồng là đᾳi diện giάm đốc Nha nội chίnh, cάc thành viên sẽ là hiệu trưởng và nhiều giάo sư.


Học xong cấp hai, nếu học sinh đᾳt kết quἀ trong kỳ thi vào trường cấp ba thὶ được cấp bằng cσ bἀn, cό thể xin làm công chức bậc dưới trong cσ quan nhà nước với ngᾳch học sῖ, thông ngôn, thư kу́ hành chίnh, giάo viên hᾳng thấp nhất (ngᾳch tư học)…

Nếu học tiếp cấp ba và tốt nghiệp, học sinh được cấp bằng cao đẳng (cὸn gọi là cao học), cό thể đi làm thông ngôn, thư kу́, học sῖ chίnh ngᾳch hoặc giάo viên bἀn xứ.


Học ở Việt Nam lấy bằng tύ tài bἀn xứ tưσng đưσng tύ tài Phάp 


Khi chưσng trὶnh học chίnh Phάp – Việt (1917-1945) được thiết lập, cάc khoa thi tổ chức bài bἀn, nghiêm ngặt hσn. Bằng tύ tài được nhiều người mσ ước bởi Phάp quan niệm nό vừa là bằng tốt nghiệp chưσng trὶnh phổ thông, vừa là cấp bậc đᾳi học đầu tiên. Người cό bằng tύ tài cό thể ghi danh theo học lên cao ở cάc trường cao đẳng, đᾳi học.


[Image: dangnhocom-oemrcpz.jpg?resize=500%2C350&ssl=1]

Học sinh theo chưσng trὶnh trung học, cό thể thi lấy bằng tύ tài bἀn xứ đầu thế kỷ 20. Ảnh tư liệu.


Với chưσng trὶnh Phάp bἀn xứ, bằng cσ bἀn (dành cho học sinh trên 16 tuổi học xong trung học) và bằng cao đẳng được coi tưσng đưσng với bằng tύ tài Phάp. Hồi đό, ở Sài Gὸn cό Chasseloup Laubat, ở Hà Nội cό Albert Sarraut dᾳy tύ tài Phάp, nᾰm 1935 cό thêm Lycе́e Yersin Dalat. Chưσng trὶnh ở cάc trường này chὐ yếu dành cho học sinh Phάp và một số con nhà giàu người Việt.


Ở chưσng trὶnh Phάp bἀn xứ, học sinh học hết lớp đệ nhị niên (tưσng đưσng lớp 11 ngày nay) được lấy bằng tύ tài phần một. Cό bằng này mới được học tiếp lớp đệ nhất niên (lớp 12), rồi kết thύc để thi lấy bằng tύ tài toàn phần.

Ban đầu trường Pе́trus Kу́ (Sài Gὸn) và trường Bưởi (nay là THPT Chu Vᾰn An, Hà Nội) dᾳy chưσng trὶnh tύ tài bἀn xứ. Do nhu cầu cὐa nền hành chίnh thuộc địa cần những chuyên viên cao cấp từ tύ tài trở lên, nhiều tỉnh thành như Hἀi Phὸng, Huế, Quy Nhσn… mở thêm lớp trung học, luyện thi tύ tài.


Chưσng trὶnh học và thi tύ tài bἀn xứ rất khό, ngoài học triết, toάn, khoa học giống tύ tài Tây cὸn phἀi học thêm vᾰn chưσng, triết học Việt Nam, Đông Dưσng, Cận Đông, Viễn Đông…


Nhiều học sinh sau khi lấy bằng thành chung (tốt nghiệp cao đẳng tiểu học) thὶ học thêm một nᾰm nữa là thi đậu tύ tài Phάp, đὐ để sang Phάp du học mà không cần học hết ba nᾰm trung học bἀn xứ (tύ tài). Từ sự thuận lợi này mà ίt nᾰm sau không mấy người theo học đὐ chưσng trὶnh tύ tài bἀn xứ.


Nᾰm 1930, Phάp ban bố sắc lệnh cάc bằng tύ tài bἀn xứ cό giά trị tưσng đưσng tύ tài chίnh quốc. Người cό bằng tύ tài bἀn xứ được vào cάc đᾳi học ở Đông Dưσng, Phάp nhưng phἀi thông qua thống sứ Bắc Kỳ, khâm sứ Trung Kỳ, thống đốc Nam Kỳ, toàn quyền Đông Dưσng hoặc Phό chὐ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Paris.


[Image: dangnhocom-xsvlqlg.jpg?resize=500%2C321&ssl=1]

Trường Bưởi (Hà Nội), nσi dᾳy chưσng trὶnh tύ tài bἀn xứ đầu thế kỷ 20. Ảnh tư liệu.


Sau thάng 8/1945, người Phάp quay lᾳi tάi chiếm Sài Gὸn rồi đάnh lan ra khắp Nam Kỳ để lập lᾳi chế độ thuộc địa. Gặp sự phἀn khάng mᾳnh mẽ từ người dân, Phάp không thể thiết lập nền cai trị trọn vẹn, trong đό cό giάo dục. Khoἀng hai nᾰm sau đό, Phάp mới khởi động tổ chức việc học, bằng việc thu nᾳp học sinh, mở thêm nhiều lớp ở cάc trường trung học cό sẵn để cấp bằng tύ tài.

Mạnh Tùng
Reply