Người về qua cõi phù vân ... Nghiêng vai trút gánh phong trần bỏ đi...

Cơn bĩ cực của điện ảnh Hong Kong
#1
Cơn bĩ cực của điện ảnh Hong Kong 
Thứ bảy, 19/5/2018, 00:22 (GMT+7)



Hollywood tăng sức ảnh hưởng và sự trỗi dậy của điện ảnh Hàn Quốc, Thái Lan... khiến Hong Kong không còn là kinh đô điện ảnh châu Á.

Theo số liệu trang điện ảnh Mtime công bố mới đây, năm 2017, Hong Kong chỉ sản xuất khoảng 60 bộ phim trong khi con số năm 1993 là 234. Từ thập niên 2000 đến nay, số lượng phim sản xuất theo chiều đi xuống, trong đó thấp nhất là năm 2013, với 42 phim.

Từ nửa cuối thập niên 1990, chất lượng phim giảm sút, chủ yếu ở các mặt đề tài phim, xây dựng kịch bản. Các tác phẩm gây tiếng vang trong khu vực ngày càng hiếm hoi. Những phim đặc sắc giai đoạn này chủ yếu của những đạo diễn nổi tiếng từ thập niên 1980 như Vương Gia Vệ (Tâm trạng khi yêu, 2000), Châu Tinh Trì (Tuyệt đỉnh kungfu, 2005), Diệp Vỹ Tín (Diệp Vấn, 2009). Sohu đánh giá chưa có gương mặt đạo diễn mới nào của Hong Kong đủ tầm thay thế những tên tuổi trên.

Doanh thu phòng vé phản ánh rõ nét sự suy yếu của nền điện ảnh từng được coi là Hollywood phương Đông. Bao giờ trăng sáng của đạo diễn 71 tuổi Hứa An Hoa đoạt "Phim hay nhất" tại LHP Kim Tượng 2018, có dàn diễn viên tên tuổi như Châu Tấn, Bành Vu Yến nhưng doanh thu chỉ đạt 63 triệu nhân dân tệ (khoảng 10 triệu USD).

Phim Hoàng kim hoa do Mao Thuấn Quân đóng chính, chiếu ở Trung Quốc từ 28/4, đến nay chỉ thu được hơn một triệu nhân dân tệ - con số quá thấp với một tác phẩm chiếu ở thị trường tỷ dân. Phim được chiếu ở Trung Quốc một phần lớn vì Mao Thuấn Quân đoạt "Nữ diễn viên chính xuất sắc" tại Lễ trao giải Kim Tượng 2018.

Phim Thành phố dục vọng do Trương Gia Huy đạo diễn và đóng chính có vốn đầu tư 22 triệu USD nhưng doanh thu ảm đạm. Nhà phê bình Thôi Đinh nhận định cho dù phim thương mại hay thuần nghệ thuật, điện ảnh Hong Kong đều ở thế gian nan. Ngay trên đất Hong Kong, khán giả cũng không mặn mà với phim bản địa. 10 năm qua, phim ngoại nhập thống trị phòng vé. Chỉ có ba năm phim Hong Kong dẫn đầu doanh thu trong năm là 2001 (Đội bóng Thiếu Lâm), 2002 (Vô gian đạo) và 2004 (Tuyệt đỉnh Kungfu).

Năm 2017, phim Trùm Hương Cảng do Vương Tinh đạo diễn, quy tụ hai tên tuổi Lưu Đức Hoa, Chân Tử Đan, được xây dựng đậm chất Hong Kong. Tuy nhiên Trùm Hương Cảng không gây tiếng vang đáng kể và không vào top 10 ăn khách nhất năm ở bản địa. Phần đông khán giả nhận xét tác phẩm chỉ đủ sức gợi nhớ thời hoàng kim của điện ảnh Hong Kong.

* 10 phim doanh thu cao nhất ở Hong Kong (tính đến hết năm 2017)

Thứ tự Tên phim Doanh thu (triệu USD) Năm công chiếu
1 Avatar 22,6 2009
2 Avengers: Age Of Ultron 17 2015
3 Titanic 16,3 1997&2003
4 Captain America: Civil War 14,4 2016
5 Iron Man 3 13,3 2013
6 Transformers: Age of Extinction 12,5 2014
7 The Avengers 12,3 2012
8 Jurassic World 12,2 2015
9 Toy Story 11,3 2010
10 Transformers 3 10,8 2011

Trong khi đó thập niên 1980 và nửa đầu thập niên 1990, phim Hong Kong chiếm thế thượng phong. Địch Long, Hứa Quán Kiệt, Châu Tinh Trì, Thành Long, Châu Nhuận Phát, Lưu Đức Hoa... hô phong hoán vũ phòng vé. Phim của các tài tử này đóng chính thường dẫn đầu doanh thu của năm.

Hiện, các nhà làm phim Hong Kong sản xuất phim theo hai phương thức. Một là theo kiểu Hoàng kim hoa, Đả lôi đài... Êkíp chủ yếu gồm nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên Hong Kong, kinh phí thấp. Mục đích khi sản xuất những phim này không phải lợi nhuận mà là tạo cơ hội thực tập, cọ xát cho các nhà làm phim trẻ. Phim dạng này được các quỹ phát triển điện ảnh của Hong Kong hỗ trợ kinh phí. Dạng thứ hai giống Bao giờ trăng sáng, nghĩa là đạo diễn Hong Kong hợp tác nhà sản xuất, diễn viên Trung Quốc đại lục. Những phim này thường có kinh phí cao. Các tác phẩm như Mỹ nhân ngư, Tây du ký: Mối tình ngoại truyện, Sát phá lang: Sói tham... đều theo hướng này. Tuy nhiên, những tác phẩm đó không còn mang đậm "chất Hong Kong".

[Image: thien-lac-1943-1526462890.jpg]
Cổ Thiên Lạc trong "Sát phá lang: Sói tham".

Có nhiều lý do dẫn tới phim Hong Kong mất dần sức hút, kể từ nửa cuối thập niên 1990. Thứ nhất, phim Hollywood tăng sức ảnh hưởng toàn cầu, khiến phim Hong Kong mất dần vị thế ở các thị trường quan trọng như Đài Loan, Đông Nam Á, Hàn Quốc, Trung Quốc. Phim Nhật, Hàn Quốc cũng xâm nhập và gây tiếng vang. Năm 1999, Ringu của Nhật Bản dẫn đầu doanh thu phòng vé trong năm ở Hong Kong.

Thứ hai, khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 giáng đòn mạnh vào kinh tế Hong Kong, ảnh hưởng trực tiếp tới lĩnh vực đầu tư phim ảnh. Sự lộng hành của băng đĩa nhái cũng làm giảm sút sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh. Quan trọng không kém là đề tài hạn hẹp, kịch bản kém hấp dẫn khiến chất lượng phim đi xuống.

Vấn đề chảy máu chất xám cũng gây thiệt hại cho ngành điện ảnh. Cuối thập niên 1990, các nhà làm phim như Thành Long, Châu Nhuận Phát, Lý Liên Kiệt, Từ Khắc, Ngô Vũ Sâm... đều hợp tác với Hollywood. Nhiều nhà làm phim phải chuyển nghề vì không có việc làm trong khi các đạo diễn, diễn viên trẻ ít cơ hội rèn luyện, nâng cao kỹ năng, khiến điện ảnh Hong Kong lê lết trong khi điện ảnh các khu vực khác phát triển vũ bão.

[Image: san-luong1-4446-1526462890.jpg]
Sản lượng phim Hong Kong từ 1990 đến hết năm 2017. Ảnh: Mtime.

Hồi tháng 3, Thành Long gây tranh cãi khi nhận xét: "Một số phim Hong Kong chỉ thực hiện để người Hong Kong xem. Các nhà làm phim cần mở rộng đề tài, làm phim bao quát hơn để đưa phim ra quốc tế". Không ít người chỉ trích Thành Long quên gốc rễ và đặt câu hỏi: "Chẳng phải anh nổi tiếng thế giới nhờ phim Hong Kong sao?". Một số khác nhận định sao hành động thức thời, phản ánh hiện trạng ngành điện ảnh. Xu thế hiện nay là nhà làm phim Hong Kong sang Trung Quốc đại lục làm việc. Về sau, phim Hong Kong và phim Trung Quốc đại lục không còn ranh giới rõ rệt.

Cổ Thiên Lạc - nhân vật cốt cán của ngành điện ảnh Hong Kong hiện nay - cho biết trên On dù cơ hội phát triển sự nghiệp ở Hollywood, anh không đi vì muốn ủng hộ điện ảnh Hong Kong. "Bây giờ thưa thớt người làm phim, đi một người là thiếu một người", anh nói.

[Image: binh-5064-1526462890.jpg]
Chỉ đạo võ thuật Viên Hòa Bình.

Tuy đang trong cơn bĩ cực, với bề dày kinh nghiệm, các nền điện ảnh nước ngoài vẫn cần sự tư vấn kỹ thuật sản xuất phim của Hong Kong. Viên Hòa Bình từng chỉ đạo võ thuật cho phim Hollywood The Matrix (Ma trận, do Keanu Reeves đóng chính). Tác phẩm này để lại ảnh hưởng to lớn đối với những phim hành động ra đời sau năm 1999 ở Hollywood.

Năm 2013, Keanu Reeves tiếp tục hợp tác Viên Hòa Bình trong phim Man of Taichi (Thái Cực Hiệp). Ở tuổi 73, chỉ đạo võ thuật kỳ cựu của Hong Kong vẫn miệt mài đứng sau các cảnh hành động trên phim. Kế hoạch chỉ đạo của ông được xếp tới năm 2020, trong đó có phim Hong Kong, Trung Quốc đại lục lẫn Hollywood. Dấu ấn phim võ thuật Hong Kong còn có trong Mission: Impossible 2, Lara Croft: Tomb Raider, Casino Royale... Ngô Kinh - đạo diễn Trung Quốc thành công nhất về doanh thu phòng vé - cũng cho rằng anh cần học hỏi những tinh túy trong kỹ thuật làm phim của Hong Kong.

Nghinh Xuân
Reply