Đức Mẹ Trọn Đời Đồng Trinh
#1
CÁC TÍN ÐIỀU VỀ ÐỨC MẸ


Tín Ðiều là những học thuyết Công Giáo được Hội Thánh khẳng định là chân lý được mạc khải. Tất cả mọi người Công Giáo phải tin những Tín Ðiều này:

Hoài nghi là coi thường chân lý được mạc khải hay ngoan cố chối từ chấp nhận nó. Lạc giáo là sự cố tình chối từ, sau khi rửa tội, một vài chân lý mà đức tin Công Giáo buộc phải tin, hoặc cố tình nghi ngờ những chân lý này; bội (phản) giáo là việc hoàn toàn chối từ đức tin Kitô Giáo; ly giáo là không tuân phục quyền bính ÐGH hoặc sự hiệp thông với các phần tử của Hội Thánh dưới quyền ngài.[GL 751] GLCG 2089

Các Tín Ðiều về Ðức Mẹ

Tất cả những gì Hội Thánh muốn chúng ta tin về Ðức Mẹ đều liên quan đến niềm tin vào Ðức Giêsu Kitô và cần thiết cho phần rỗi chúng ta. Chúng ta tôn kính Mẹ Maria, không phải vì Mẹ là Thiên Chúa, nhưng vì Thiên Chúa muốn chúng ta kính trọng Mẹ như là một bình rất quý giá Chúa dùng để ban nguồn ơn cứu độ, là Ðức Giêsu Kitô, cho chúng ta. Chúa Giêsu muốn chúng ta tôn kính Mẹ vì Mẹ là Mẹ Người và Mẹ chúng ta. Mẹ là gương mẫu đức tin của chúng ta. Cuộc sống khiêm nhường, đạo đức, và vâng lời của Mẹ là gương cho chúng ta noi theo. Hội Thánh nhìn lên Mẹ vì Hội Thánh tiếp tục sứ vụ của Mẹ là đem Chúa Giêsu đến cho thế gian và ban sự sống cho chi thể của nhiệm thể Chúa Giêsu. Học thuyết về Ðức Mẹ không phải những gì Công Giáo mới đặt ra như người Tin Lành kết tội. Ðức tin vào bốn Tín Ðiều về Ðức Mẹ đã được truyền dạy trong Hội Thánh từ thời s ơ khai và được tóm tắt bằng Kinh Kính Mẹ Thiên Chúa Cực Thánh của Thánh Ephraem xứ Syria (năm 306-373).

Ôi lạy Ðức Nữ Ðồng Trinh, Mẹ Thiên Chúa Tinh Tuyền, Ðức Nữ rất vinh quang, rất nhân từ, cao sang hơn thiên đàng, trong trắng hơn ánh quang mặt trời, hơn các tia sáng... Mẹ cưu mang Thiên Chúa và Ngôi Lời theo nhân tính, mà vẫn giữ trọn đức đồng trinh trước khi sanh con, và vẫn còn là một trinh nữ sau khi sanh con.
Reply
#2
F1. Maria, Mẹ Thiên Chúa

Từ thời các thánh Tông Ðồ, các Kitô hữu đã tin rằng Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa Nhập Thể. Vì thế, Người là Ngôi Hai Thiên Chúa với hai bản tính. Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật. Bản tính Thiên Chúa và loài người của Người không thể tách rời nhau được. Vì Ðức Kitô là Thiên Chúa làm người (Col 2:9, Ga 1:1,14), nếu Ðức Mẹ là Mẹ Ðức Kitô, thì Ðức Mẹ cũng đúng là Mẹ Thiên Chúa. Công Ðồng Êphêsô (năm 431) công bố rằng Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa để bảo đảm thiên tính của Ðức Kitô, lúc đó đang bị Nestoriô, Giám Mục Constantinople đả kích. Ông ta dạy rằng Ðức Kitô có hai cá thể với hai bản tính khác nhau, và Mẹ Maria chỉ là mẹ của con người Ðức Kitô mà thôi.

Lutherô, Calvin, và những nhà sáng lập các giáo phái Tin Lành chính đều đồng ý về tín điều này.

Nhưng Ðức Mẹ cũng là một tạo vật như chúng ta, và đạo Công Giáo không thờ Ðức Mẹ như một nữ thần. Chúng ta kính Ðức Mẹ vì vinh dự khôn lường của Mẹ là được Thiên Chúa chọn để cưu mang và nuôi dưỡng Ngôi Lời Nhập Thể.

Martinô Lutherô, người sáng lập đạo Tin Lành viết:

“Thật là chính đáng khi gọi Mẹ không những là mẹ con người, nhưng còn là Mẹ Thiên Chúa… Chắc chắn rằng Ðức Maria là Mẹ của Thiên Chúa thật.” Jaroslav Pelikan, ed., Luther’s Works, (St. Louis: Concordia), 24:107.


“Thiên Chúa được sinh ra... Hài Nhi uống sữa của Mẹ mình là Ðấng có từ muôn thủa, Người có trước khi có thế gian, và Người tạo dựng trời, đất… Hai bản tính này kết hợp quá mật thiết với nhau đến nỗi chỉ có một Thiên Chúa và Chúa, mà Mẹ Maria cho Thiên Chúa bú, tắm rửa cho Thiên Chúa, ru Người, và bồng bế Người.” Luther’s Works, 22:492-493.

“Loài người đã gồm tóm tất cả vinh quang Mẹ trong một câu: Mẹ Thiên Chúa. Không ai có thể nói gì cao sang hơn về Mẹ, dù người đó có nhiều lưỡi như lá trên cây.” (Commentary on the Magnificat).

“Có phải chỉ một mình Ðức Kitô được tôn thờ không? Chẳng lẽ Mẹ Thiên Chúa Chí Thánh không được tôn vinh sao? Ðây là Người Phụ Nữ đạp dập đầu con rắn. Xin hãy nghe lời chúng con, vì Con Mẹ không từ chối Mẹ điều gì.” Luther’s last sermon on January 17, 1546, shortly before his death.

“Chúng ta là con của Mẹ Maria; chúng ta có thể nghe bài hát của các thiên sứ!” (Luther’s Works, 11:224:8).


“Ðức Maria là Mẹ Chúa Giêsu và Mẹ mỗi người chúng ta. Nếu Chúa Giêsu là của chúng ta thì chúng ta phải ở cùng Người, và Người ở đâu thì chúng ta cũng ở đó, và tất cả những gì của Người cũng phải là của chúng ta, và như vậy, Mẹ Người cũng là Mẹ chúng ta.” Luther’s Works, 29:655:26-656:7.
Reply
#3
2. Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

Người Công Giáo tin rằng Thiên Chúa cứu độ Ðức Mẹ cách đặc biệt bằng cách ngăn ngừa Mẹ khỏi tội lỗi, vì vai trò quá đặc biệt của Mẹ trong chương trình cứu độ của Ngài (STK 3:15), và sự liên hệ của Mẹ với Ðức Chúa Con (Mẹ) và Chúa Thánh Thần (Hiền Thê) (Lc 1:35). Tổng thiên sứ Gabriel gọi Mẹ là được sủng ái hay đầy ơn phúc trong Lc 1:28. Tiếng Hy Lạp, κεχαριτωμενη (kecharitomene), có nghiã “hoàn toàn, hoàn hảo, được ban đầy ơn Chúa.” (Người Tin Lành cho rằng dịch đầy ơn phúc la sai. Nhưng trong bản dịch NIV, TÐCV 6:8, họ dịch đầy ơn phúc của Thiên Chúa cho Stêphanô). Vì lý do này và nhiều lý do khác, Người Công Giáo tin rằng Mẹ không vướng mắc tội lỗi từ khi thụ thai và suốt cả đời Mẹ. Ngay cả Lutherô cũng đồng ý!

“... vì vậy khi linh hồn được tạo thành, Mẹ cùng một lúc được sạch tội tổ tông.... Và như thế, ngay ngay từ giây phút đầu tiên của cuộc đời, Mẹ đã không vướng mắc tội lỗi”. (Luther's Works, 4, 694)


Các thần học gia thời trung cổ đưa ra một hình ảnh diễn tả Ðức Mẹ cũng được cứu chuộc giống chúng ta ra sao (Lc 1:47), nhưng bằng cách khác. Hãy tưởng tượng một hố sâu trên con đường mòn trong rừng, tượng trưng cho tình trạng sa lầy trong tội lỗi. Tất cả chúng ta đều rơi vào hố đó, và đắm mình trong bùn. Nhưng Thiên Chúa sẽ kéo chúng ta ra khỏi đó và cứu chúng ta, với điều kiện là chúng ta muốn. Với Ðức Mẹ, Thiên Chúa lại làm cách khác. Ngài không để cho Mẹ rơi vào hố này (như chúng ta). Nhưng trong cả hai trường hợp, qua sự ngăn ngừa hay qua sự giải thoát, thì thật sự chỉ mình Thiên Chúa cứu chúng ta được mà thôi. Ðức Mẹ được như vậy vì ơn sủng nhưng không của Thiên Chúa ban, không phải vì công lao của Mẹ, không phải vì sự siêu phàm Mẹ có mà không bắt nguồn từ Thiên Chúa.

Trong Cựu Ước, Hòm Bia Thánh, Ðền Thờ, và Lều Tạm đều ám chỉ Ðức Mẹ, Hòm Bia Sống của Giao Ước Mới, Ðền Thờ Sống Ðộng của Chúa Thánh Thần, và Nhà Tạm Mới của Thánh Thể. Càng gần Thiên Chúa, con người càng phải thánh thiện hơn (XH 3:5, TL 23:14). Sự hiện diện của Thiên Chúa san sẻ sự thánh thiện (1 Cor 3:13-17, 1 Ga 3:3-9). Thầy cả Thượng Phẩm của dân Do Thái chỉ được vào “cung Thánh” nơi Lều Tạm hay Ðền Thờ một năm một lần, nếu không sẽ chết (Lev 16:2-4,13). Hòm Bia Thánh cũng rất thánh đến nỗi chỉ một ít người được chạm đến (DS 4:15, 2 Sam 6:2-7). Kinh Thánh so sánh Ðức Mẹ với Hòm Bia Thánh (Lc 1:35 & XH 40:34-8 / Lc 1:44 & 2 Sam 6:14-16 / Lc 1:43 & 2 Sam 6:9). Nếu những vật vô tri như thế còn trở nên “thánh” vì gần Thiên Chúa, thì Mẹ Maria, Ðấng cưu mang Thiên Chúa còn thánh thiện hơn thế nào? Người Tin Lành thường không hiểu được quan niệm này vì quan điểm sai lầm của họ về sự công chính hóa bề ngoài theo pháp luật không nhất thiết đưa đến sự thánh thiện thực sự.

Lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội được cử hành ở Ðông Phương từ thế kỷ thứ 7 và ở Tây Phương từ thế kỷ thứ 9. Hầu hết các Giáo Phụ và các thánh (thánh Irênê, thánh Ephraem, thánh Ambrôsiô, thánh Augustinô, thánh Anselmô...) đều tin rằng Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Nhưng trong thời Trung Cổ, thánh Tôma Aquinô, thánh Bônaventura và thánh Albertô Cả không công nhận học thuyết Vô Nhiễm vì các ngài không giải thích được sự liên quan giữa học thuyết này và Tội Tổ Tông và công trình cứu độ chung của Ðức Kitô. Nhưng các ngài rất tôn sùng Ðức Mẹ và tin rằng Chúa giữ gìn Mẹ khỏi mọi tội lỗi suốt cả đời. Vấn đề này được giải quyết bởi các thần học gia thuộc dòng Phanxicô vào thế kỷ thứ 15 bằng cách giải thích rằng Sự Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ được thể hiện qua việc Thiên Chúa tiền đặt ơn cứu độ của Ðức Kitô cho Mẹ.

Hầu hết các nước Tây Phương, Anh, Pháp, Ðức, Ý và Tây ban Nha mừng Lễ Mẹ Vô Nhiễm từ thế kỷ 11 và 12. Ðến thế kỷ thứ 15, toàn thể Hội Thánh mừng lễ này.

Ngày 8 tháng 12 năm 1854, ÐTC Piô IX công bố rằng

“Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, ngay từ giây phút đầu tiên chịu thai, nhờ ơn riêng và đặc quyền của Thiên Chúa Toàn Năng, qua việc thấy trước công nghiệp của Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Chuộc loài người, đã được gìn giữ khỏi mọi tỳ vết của Tôi Nguyên Tổ.” (Ineffabilis Deus, 29).

Ðể chuẩn y Tín Ðiều này, Mẹ đã hiện ra cùng thánh Bernadette tại Lộ Ðức vào năm 1858 và cho thánh nữ biết rằng Mẹ là “Ðấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.”

Hầu hết người Tin Lành ngày nay không tin vào tín điều Vô Nhiễm, nhưng Lutherô đã viết:

“….cho nên khi linh hồn được thấm nhập, cùng một lúc đó Mẹ được tẩy sạch tội tổ tông……….. Và như vậy, ngay trong giây phút Mẹ bắt đầu cuộc sống, Mẹ không có tội gì cả.” Luther's Works, 4, 694

“Thiên Chúa đã tạo nên linh hồn và thân xác Ðức Trinh Nữ Maria đầy Thánh Thần, cho nên Mẹ không có tội lỗi gì cả.” Luther's Works, 52, 39


“Mẹ đầy ơn phúc, được công bố là hoàn toàn không vướng mằc tội lỗi… Ơn sủng của Thiên Chúa đổ tràn trên Mẹ mọi sự tốt đẹp và làm cho Mẹ tránh được mọi sự dữ…. Thiên Chúa ở với Mẹ, có nghĩa là mọi việc Mẹ làm hay đang làm giở dang là thuộc về Thiên Chúa, và là tác động của Thiên Chúa trong Mẹ. Hơn nữa Thiên Chúa giữ gìn và bảo vệ Mẹ khỏi tất cả những gì có thể làm tổn hại Mẹ.” Luther’s Works, 43:40.

Nhiều người Tin Lành tin rằng việc sùng kính Ðức Mẹ của Lutherô là một sai lầm của ông vì ông ta chưa loại bỏ được tất cả những sai lầm của Công Giáo. Nếu như thế thì làm sao họ có thể tin vào những học thuyết khác ông ta dạy như Duy Kinh Thánh và Duy Ðức Tin, vì ông ta cũng có thể sai lầm về những điều đó?
Reply
#4
"3. Trọn Ðời Ðồng Trinh

Hầu hết người Tin Lành ngày nay tin rằng Chúa Giêsu được sinh ra bởi một Trinh Nữ, nhưng không chấp nhận quan niệm là Ðức Mẹ đồng trinh trọn đời. Ðây không phải là giáo huấn mới của Hội Thánh Công Giáo. Niềm tin này bắt nguồn từ Tông truyền, và không trái nghịch với Thánh Kinh. Các Giáo Phụ, ông Tertullian (213), ông Origen (232), Thánh Athanasiô (362), Thánh Gioan Chrysostom (370), Thánh Gregoy thành Nyssa (371), Thánh Giêrônimô (383), Thánh Ambrosiô (396), và Thánh Augustinô (401),.. cho đến các ông tổ Tin Lành, Lutherô và Calvin, đều công nhận rằng Ðức Mẹ Trọn Ðời Ðồng Trinh. Mặc dầu người Tin Lành thời nay cố gắng dùng Thánh Kinh để chứng minh rằng Ðức Mẹ có con khác ngoài Chúa Giêsu. Lý luận của họ không có gì mới cả. Vào thế kỷ thứ tư, Helviđiô là người đầu tiên dùng cùng những câu Thánh Kinh (này) để đả kích giáo điều này, và thánh Giêrônimô, một học giả Kinh Thánh lừng danh, đã dùng Kinh Thánh để quở trách ông. Thánh nhân gọi luận điệu của Helviđiô là mới lạ, ác tâm, và cả gan lăng mạ đức tin của cả nhân lọai. (Về Việc Trọn Ðời Ðồng Trinh cuả Ðức Nữ Maria - chống lại Helvidiô).

Ðây là những luận điệu họ đưa ra để chứng mimh rằng Ðức Mẹ có nhiều con khác sau khi sinh Chúa Giêsu.

1) Tân Ước nói về anh chị em của Chúa Giêsu (Mt 13:55-56; Mk 6:3,4; Jn 2:12).

2) Chữ “cho đến khi” và “con đầu lòng” trong Matthêu 1:25.

Họ đúng khi đưa ra việc Chúa Giêsu có anh chị em, nhưng họ không thể chứng minh được rằng những người này là con Ðức Mẹ. Có 218 câu trong Tân Ước dùng chữ “anh em.” Hầu hết dùng để chỉ bà con họ hàng. Có rất ít dùng cho anh em ruột như trường hợp thánh Gioan và Giacôbê. Trong trường hợp anh em Chúa Giêsu, nếu chúng ta đọc kỹ Tin Mừng, chúng ta sẽ khám phá ra rằng họ là anh em họ của Chúa Giêsu như được tả trong Mt 27:56; Mc 15:40, 16:1; Lc 24:10 và Ga 19:25. Các câu này chứng minh rằng Giacôbê và Giuse là con của một bà Maria khác, vợ của ông Clêopa, là chị em của Ðức Mẹ.

Khi sứ thần Gabriel chào Mẹ, và loan báo việc Nhập Thể của Chúa Giêsu, Mẹ trả lời; “Chuyện đó xảy đến sao được, vì tôi không có quan hệ với người nam?” Nếu Mẹ không tính giữ mình trọn đời đồng trinh thì Mẹ đã không ngạc nhiên khi nghe báo là sẽ có con.

Khi Ðức Chúa Giêsu lên Ðền Thánh với Cha Mẹ Người lúc 12 tuổi, Tin Mừng không nói gì đến anh chị em của Chúa cả, nhưng nói rằng “hai ông bà tìm Người trong số bà con thân quyến.” (Lc 2:44).

Sau hết, trên Thánh Giá, Chúa Giêsu gửi Ðức Mẹ cho thánh Gioan và “từ lúc đó, người môn đệ này đem Bà về nhà mình” (Ga 19:27). Nếu Ðức Maria có các con khác thì tại sao thánh Gioan phải săn sóc cho Mẹ sau khi Chúa chịu chết?


Chữ “cho đến khi” trong câu “Ông không có liên hệ vợ chồng với bà cho đến khi bà sinh một con trai” chỉ nói rằng hai người không có liên hệ tính dục cho đến khi Chúa Giêsu sinh ra, chứ không nói rằng sau đó họ có liên hệ tính dục. Câu này không chứng minh, cũng không chối bỏ việc Ðức Mẹ trọn đời đồng trinh. Cùng một lý luận có thể được dùng cho chữ “con đầu lòng.” Theo Lề Luật, “con đầu lòng là đứa con mở bụng mẹ” (XH 13:2). Ðứa con này phải được thánh hiến cho Thiên Chúa, bất kể sau đó nó có anh chị em khác hay không.

Thêm vào đó, tuy Thánh Giuse thật sự là chồng Đức Mẹ theo Luật Môsên nhưng Mẹ đã chịu thai bởi Phép Chúa Thánh Thần trước khi thánh Giuse chính thức trở nên chồng của Mẹ theo Lề Luật và chương trình của Thiên Chúa. Khi ấy than xác Mẹ trở nên Đền Thờ Thiên Chúa. Một khi Mẹ đã trở nên Ðền Thờ Chúa Ba Ngôi, Hòm bia của Giao Ước Mới, thì không thể được dùng để sinh các con khác, hay có liên hệ tính dục với một người đàn ông khác mà không phạm đến Sự Thánh Thiện của vai trò của Mẹ.

Ông Martinô Lutherô gọi tín điều này là một điều luật của đức tin.

Việc Ðức Maria là Mẹ Chúa và vẫn còn đồng trinh là một điều luật của đức tin” Luther's Works,11, 319

“… biết rằng Mẹ sắp trở thành Mẹ của Con Thiên Chúa, Mẹ không ước mong thành mẹ của người phàm, mà muốn ở mãi trong tình trạng ơn thánh đó.” Luther's Works,11, 320

“Chắc chắn rằng không ai mạnh sức đến nỗi, dựa theo sự thông minh của mình, không theo Kinh Thánh, mà dám khư khư rằng Mẹ không còn đồng trinh”. Luther's Works, 11, 320


Ông Gioan Calvin viết:

“Helviđiô [một người lạc giáo vào thế kỷ thứ tư] đã tự chứng tỏ sự ngu dốt của mình, khi nói rằng Ðức Maria có vài người con, vì ở trong vài đoạn (Thánh Kinh) có đề cập đến anh em của Ðức Kitô. Quoted in Leeming, 9.

“Có môt vài kẻ muốn dựa vào câu này trong Mathêu 1:25, rằng Ðức Maria có các con khác ngoài Con Thiên Chúa, và thánh Giuse sau đó có ăn ở với Mẹ; nhưng lý luận này thật điên rồ biết bao! Vì tác giả Tin Mừng không muốn viết về những gì xảy ra sau đó; mà chỉ muốn làm sáng tỏ đức vâng lời của thánh Giuse, và cho thấy rằng thánh Giuse đã được đảm bảo chắc chắn rằng Thiên Chúa đã sai thiên sứ của Ngài đến cùng Mẹ Maria. Cho nên ông đã không bao giờ ăn ở với Mẹ hay chung chạ với Mẹ… Và ngoài chuyện này, Chúa Giêsu của chúng ta được gọi là con đầu lòng không phải vì có con thứ hai hay ba, nhưng vì tác giả Tin Mừng tôn trọng tiền lệ. Kinh Thánh như vậy nói đến việc đặt tên người con đầu lòng dù có hay không có vấn đề con thứ.” Calvin, Sermon on Mt 1:22-25, (published in 1562).

Và Ulrich Zwingli viết:

“Tôi tin chắc rằng theo lời của Tin Mừng thì một trinh nữ vẹn sạch đem lại cho chúng ta Con Thiên Chúa mà vẫn còn là một trinh nữ trong sạch và vẹn toàn lúc sinh con và sau khi sinh con, cho đến đời đời. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng Mẹ đã được Thiên Chúa nâng lên để hưởng niềm vui đời đời trên tất cả tạo vật, kể các các thánh và các thiên sứ. “Mary and the Protestants,” Marian Studies 83, April 1961, 1.

ÐTC Siriciô I (392), Leô I (450), và Công Ðồng Constantinople I (553) đều nói về Ðức Mẹ Trọn Ðời Ðồng Trinh. Sau cùng Công đồng Lateran (649) chính thức xác nhận là Tín Ðiều ở Ðiều Thứ Ba của Công Ðồng này.
Reply
#5
4. Mẹ Hồn Xác Lên Trời

Ngay từ thời các thánh Tông Ðồ, các Kitô hữu tin rằng Ðức Mẹ được đưa về Trời sau khi mãn phần. Người Công Giáo, Chính Thống, và các ông tổ Tin Lành đều tin tín điều này.

Tài liệu sớm nhất nói đến việc Mông Triệu là De Obito S. Dominae, được viết vào thế kỷ thứ tư hay thứ năm, và được cho là viết bởi thánh Gioan. Ở Ðông Phương, các thánh Andrê đảo Crete, thánh Gioan Damescene, thánh Modestô thành Giêrusalem, và nhiều thánh khác đều nhắc đến việc Mẹ Lên Trời. Bằng chứng hùng hồn nhất của việc Mẹ Lên Trời là “Ngôi Mộ Trống”. Năm 451, tại Công đồng Chalcedon, Hoàng đế Marcianô muốn làm chủ di hài của Mẹ, thánh Juvenal, Giám Mục Giêrusalem, thưa với ông rằng: “Ðức Mẹ tạ thế trước sự hiện diện của các thánh Tông Ðồ, trừ thánh Tôma. Khi thánh Tôma yêu cầu mở mộ Mẹ thì chỉ có ngôi mộ trống; từ đó, các thánh Tông Ðồ kết luận rằng xác Mẹ đã được đưa lên Trời.”

Lễ Ðức Mẹ Mông Triệu được cử hành tại Palestine trước năm 500. Khoảng năm 700, lễ này là một trong những lễ chính tại Rôma, và cũng là Lễ Buộc.

Ngày 1 thánh 11, năm 1950, ÐTC Piô XII công bố Tín Ðiều Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Như đã được dạy trong Thánh Kinh rằng chết là hậu quả của tội lỗi (Rom 5:12). Vì việc xác phàm bị tan rữa là hậu quả của tôi lỗi (TV 16:10, STK 3:19), nên sự không có tội làm cho thân xác được sống lại sau khi chết (như việc Mẹ Lên Trời). Mẹ Maria chia sẻ với Con Mẹ ơn chiến thắng tội lỗi, sự chết, và ma quỷ (Dt 2:14-15), như đã nói trước trong sách Sáng Thế Ký 3:15. Vì chúng ta Mẹ mà là “hoa quả đầu mùa” của Công Trình của Ðức Kitô, là Ðấng chung cuộc sẽ chiến thắng sự chết và làm cho các thánh có một thân xác vinh hiển và không hay chết. Ðiều này áp dụng cho Ðức Mẹ thật là hợp lý vì Mẹ là Mẹ của Con Thiên Chúa - để “biểu tượng” thế giới được cứu độ sẽ đến qua việc Vô Nhiễm Nguyên Tội và Hồn Xác Lên Trời của Mẹ. Thánh Kinh nói đến những biến cố tương tự như Mông Triệu: Enoch (STK 5:24; DT 11:5), Elijah (2CV 2:11), các người lành sống lại sau khi Chúa Giêsu chịu đóng đanh (Mt 27:52-3). Thật là phi lý và không chấp nhận được khi quả quyết rằng một sự kiện không xảy ra vì không được kể lại trong Thánh Kinh. Ðiều này cũng điên rồ như nói rằng Chúa Giêsu không làm một phép lạ nào khác ngoài những phép lạ tìm thấy trong Thánh Kinh (Xem Ga 20:30, 21:25). Nếu việc Ðức Mẹ Lên Trời không quá sức khác biệt với những gì xảy ra trong Thánh Kinh, thì những quan điểm thần học liên hệ được tìm thấy cách gián tiếp từ Thánh Kinh, và được minh xác bởi sự chứng nhận của Truyền Thống Kitô Giáo thời sơ khai, thì tin vào điều này không có gì gọi là “thờ thần tượng” hay “thiếu căn bản Thánh Kinh”.

Ðể kết thúc, tôi xin dùng lời của Mục Sư Charles Dickson, một Mục Sư phái Lutherô trong 30 năm qua rằng:

“Chúng ta có thể lập luận cách hợp lý rằng tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ðức Nữ Trinh Maria, thay vì làm mờ trọng tâm của công trình Cứu Ðộ của Ðức Kitô, thì thực sự làm nổi bật các tín lý căn bản có thể được mọi Kitô hữu chấp nhận.

Hiểu rõ giá trị cuả Thánh Mẫu Học qua nhãn quan chính xác là nhận ra sự liên hệ quan trọng của nó với nhân chủng học, Kitô học và Cứu Ðộ học. Thánh Kinh, Thánh Truyền và lý trí là những lý luận cấp bách cho toàn thể cộng đồng Kitô hữu để suy nghĩ lại về đề tài này và nhận ra sự quan trọng của tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội đối với mọi Kitô hữu. Nhờ việc mở ra hay mở lại đầu óc chúng ta, tùy trường hợp, chúng ta có thể thiết lập những con đường truyền thông mới trong việc tìm kiếm sự hợp nhất Kitô Giáo lớn lao và ý nghĩa hơn.

(Tiến sĩ Dickson là một Mục Sư giáo phái Lutherô và đã làm mục sư 30 năm qua. Ðọan này được trích trong bài Vô Nhiễm Nguyên Tội được in trong The Catholic Answer Tháng 11/Tháng 12, năm 1996.)

Bài này dùng nhiều tài liệu, nhất là dựa theo bài Catholic Marian Doctrines: A Brief Biblical Primer của Dave Armstrong, Một Mục Sư Tin Lành trở lại Công Giáo. Những bài viết của ông để bênh vực Ðạo Công Giáo được tìm thấy trong website: http://ic.net/~erasmus

GLV Phaolô Phạm Xuân Khôi
Reply
#6
Cheer Innocent :rose4: :rose4: :rose4:
Reply
#7
Innocent Innocent Innocent
Reply
#8
Trực tiếp: Thánh lễ kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima lúc 12giờ00 ngày 13/3/2018 tại G.x Tân Thông



Reply
#9
:rose4: Tulip4 :rose4:
Reply
#10
Đức Mẹ Dâng Mình Trong Đền Thờ

[Image: 2011-11-21medangminh3.jpg]


Những cha mẹ đạo đức thường dâng con mình cho Chúa, trong lúc mang thai cũng như sau khi sinh. Đối với một số người Dothái, họ có thói quen dâng con cho Chúa lúc chúng còn thơ ấu. Họ đem con đến Đền thờ, cho chúng ở lại đó phục vụ các tư tế trong việc phụng tự. Chúng ta gặp thấy nhiều cuộc dâng hiến như thế, như trường hợp của Samuen và nhiều vị thánh khác. Riêng Đức Maria, Phúc âm không nói gì về thời thơ ấu của ngài, nhưng truyền thống nói rằng lúc lên ba tuổi, cha mẹ đã đem dâng ngài trong đền thờ.
Hôm nay Hội thánh mừng ngày kỷ niệm Đức Mẹ dâng mình đó. Lễ này mới được Hội thánh công nhận và phổ biến rộng khắp vào thế kỷ 14. Việc Đức Mẹ dâng mình chắc chắn rất đẹp lòng Chúa, vì ngài đã được Vô nhiễm nguyên tội ngay từ buổi đầu thai, vì Chúa đã định chọn Mẹ cưu mang và sinh Con của Ngài. Và Mẹ đã dâng mình cách trọn vẹn, trọn hảo.

Chính trong đền thờ, Mẹ chuẩn bị sứ mạng làm Mẹ Thiên Chúa. Mười hai năm trời Mẹ suy niệm, cầu nguyện, sống gần gũi thân mật với Chúa. Theo thánh Giêrônimô, chương trình sống một ngày của Mẹ ở trong đền thờ gồm có kinh nguyện, suy gẫm, học hỏi Lời Chúa, hát thánh vịnh. Mẹ làm các việc thiêng liêng đạo đức đó với cả lòng sốt sắng nhiệt thành, nêu gương cho mọi người khác.

Mẹ luôn lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa, đó chính là điểm đặc sắc nhất của đời sống Mẹ. Theo thánh Augustinô: “Thánh Mẫu Maria đã thực hiện hoàn toàn ý định Chúa Cha, và vì thế, việc ngài được làm môn đệ Đức Kitô thì có giá trị hơn là việc được làm Mẹ Đức Kitô. Do đó, Đức Maria thật diễm phúc vì đã mang Chúa trong lòng trước khi sinh ra Người”.

Như thế, Đức chính Maria là Đền Thờ của Thiên Chúa. Việc Mẹ dâng mình vào đền thánh là thể hiện ngôi Đền thờ sống động trong tâm hồn.

Chúng ta cũng thế, chúng ta là đền thờ sống động của Chúa, nên chúng ta biết noi gương Mẹ, dâng mình cho Chúa, lắng nghe và thực hành Lời Chúa hằng ngày trong đời sống.

* Quyết tâm

Noi gương Đức Mẹ, tôi dâng mình hằng ngày cho Chúa, hiến trọn đời sống tôi để làm theo ý Chúa, chăm chỉ lắng nghe và làm theo Lời Chúa dạy suốt đời.

* Lời nguyện

Lạy Chúa, ngày hôm nay chúng con hợp mừng Đức Trinh Nữ Maria vinh hiển. 
Cúi xin Chúa nhận lời Người chuyển cầu, mà ban cho chúng con được dư đầy ơn phúc. 
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.
Reply
#11
ÐỨC MẸ DÂNG MÌNH TRONG ÐỀN THỜ
Ngày 21/11
 
Mt 12, 46-50

 

[Image: present1.jpg]

Mẹ Maria đã thực hiện tập tục, truyền thống của người Do Thái là dâng hiến tuổi thơ mình cho Thiên Chúa Giavê trong đền thánh. Ðây là tục lệ của người Do Thái là bất cứ trẻ nhỏ nào cũng được dâng vào đền thánh để được thánh hiến và sau đó sẽ ở lại đền thờ một thời gian để giúp việc và phục vụ các vị chủ tế. Mẹ Maria đã tuân theo truyền thống của người Do Thái.

 

MỘT CON NGƯỜI ÐƯỢC DÂNG HIẾN CHO THIÊN CHÚA GIAVÊ

Mẹ Maria đã được thánh Gioankim và thánh Anna đem dâng cho Thiên Chúa trong đền thánh Giêrusalem, để cuộc đời của Người được thánh hiến. Chính giây phút cha mẹ của Ðức Trinh Nữ Maria đem con mình là Maria vào đền thánh Giêrusalem để được Thiên Chúa thánh hiến. Maria đã hoàn toàn thuộc trọn về Chúa. Mẹ đã được Thiên chúa chuẩn bị để lãnh nhận sứ mạng hết sức cao cả là trở thành Mẹ Ðức Giêsu Kitô. Giây phút ấy trở thành hồng phúc vì chính Thiên Chúa đã biến cuộc đời của mẹ trở nên tinh ròng, vẹn tuyền khiến cung lòng của mẹ là đền thờ cho Ðức Giêsu Kitô ngự trị. Nơi đền thánh Giêrusalem, mẹ Maria đã thực hành biết bao hy sinh, biết bao cố gắng, biết bao gian khổ với một tâm hồn quảng đại, với con tim nhạy cảm, với con mắt yêu thương. Một quá trình xuyên suốt sống trong đền thánh, mẹ Maria đã thực hành biết bao nhiêu nhân đức, những nhân đức anh hùng trổi vượt nhất đã biến mẹ nên con người hoàn hảo nhất để dọn đường, dọn chức vụ mẹ Thiên Chúa của Ðức trinh nữ Maria. Mẹ âm thầm cầu nguyện, kết hiệp với Chúa, làm việc nội trợ, chân tay, rồi cầu nguyện, suy gẫm lời Chúa. Ðó là chương trình sống của mẹ trong ngày. Sự hy sinh, từ bỏ, kiên nhẫn đã thanh luyện mẹ và nhờ được thanh luyện mẹ trở nên ngôi đền thiêng liêng, xứng đáng cho con một Thiên Chúa là Ðức Giêsu Kitô đến cư ngụ.

 

DÂNG HIẾN MẸ VÀO ÐỀN THÁNH LÀ MỞ ÐẦU NHÂN ÐỨC TINH KHIẾT CỦA ÐỜI TẬN HIẾN

Mẹ Maria được dâng hiến trong đền thánh là bước đầu khai mở cuộc đời tận hiến, dẫn tới đức khiết tịnh Kitô giáo. Mẹ Maria đã biến cuộc đời mình, đã biến cái tinh hoa cao quí nhất của cuộc đời mình làm cái phúc. Chính cái phúc là con đường hướng mẹ Maria tới việc vâng phục ý Thiên Chúa. Mẹ chấp nhận tất cả với tâm hồn rộng mở, tâm hồn quảng đại, quả cảm. Mẹ là mẫu gương tuyệt vời để nhiều người noi theo. Tình yêu của mẹ đã biến đổi cái nhìn của con người. Nhờ tình yêu thanh luyện của mẹ đã có nhiều trinh nữ hiến trọn cuộc đời mình cho Thiên chúa trong cuộc đời tận hiến. Chính tình yêu mẫu tử của mẹ đã xóa nhòa mọi nỗi cay đắng khổ đau, để muôn đời mẹ vẫn là mẫu gương sáng chói, là Ðấng bảo trợ nhiệt thành và là Ðấng hướng dẫn con người, Ðấng soi chiếu mọi người trên con đường tận hiến.

 

Lạy mẹ Maria, xin giúp chúng con nhận ra con người chúng con để chúng con chỉ có một điều là hiến trọn thân cho Thiên Chúa.

 
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Reply
#12
Tại sao thánh Giuse già vậy?


[Image: 201603ThanhGiuseOlder.jpg]

Trong tháng 3 dương lịch, tại nhiều nhà thờ, người ta trưng bày ảnh của thánh Giuse để tôn kính vị đã được Chúa chọn làm cha nuôi của đức Giêsu. Nhưng mà tại sao hầu như hết các bức tranh đều vẽ thánh Giuse như ông cụ già? Thánh Giuse được bao nhiêu tuổi khi Chúa Giêsu ra đời?

Thiết tưởng nên lưu ý là các hoạ sĩ không phải là nhiếp ảnh viên: họ không chụp lại tấm hình căn cước một nhân vật. Khi vẽ một bức tranh, kể cả bức tranh chân dung, các hoạ sĩ thường tô thắm thêm những nét diễn tả một tư tưởng hay cảm nghĩ gì nữa đó. Vì thế mà họ sẽ lựa chọn màu sắc của y phục, cũng như bày trí cảnh vật vân vân. Dù sao đi nữa, để hoạ lại chân dung của thánh Giuse, thì không hoạ sĩ nào có thể đóng vai của nhà nhiếp ảnh được, vì hai lý do: a) thứ nhất là thánh Giuse không có để lại một di ảnh nào, vì thế chẳng ai biết mặt mũi của ngài ra sao; b) nhất là, lý do thứ hai, không ai biết gốc gác lai lịch của thánh Giuse hết.
Reply
#13
Phúc âm có nói về thánh Giuse đấy chứ?

Đúng như vậy, đặc biệt là Matthêu nói tới thánh Giuse khá nhiều trong hai chương đầu, vì vậy có người gọi Matthêu là thánh sử của Giuse (đối lại với Luca là thánh sử của đức Maria). Nhưng mà qua Phúc âm của Matthêu chúng ta chỉ biết được rằng Giuse là con ông Giacob (1,16) cũng giống như tổ phụ Giuse trong Cựu ước. Giuse đã đính hôn với Maria, nhưng mà Chúa Giêsu không phải sinh ra do sự giao hợp tự nhiên. Sang đến chương 2, thì chúng ta lại gặp Giuse ở cạnh đức Maria tại Bêlem khi ba vua đến tìm gặp Hài nhi Giêsu; và tiếp đó Giuse lại phải đưa hài nhi với bà mẹ lánh nạn sang Ai cập và từ đó trở về Nadarét. Có vậy thôi: chúng ta không biết được Giuse qua đời lúc nào, cũng như chúng ta không biết Giuse được bao nhiêu tuổi.

Dựa vào đâu mà vẽ thánh Giuse đầu râu tóc bạc như vậy?

Dựa vào những tác phẩm ngụy thư. Như vừa nói, trong toàn bộ Tân ước, Matthêu là người nói tới Giuse nhiều hơn hết, nhưng thánh sử chẳng cho ta biết nhiều chi tiết về tông tích Giuse, vì thế mà không khỏi để lại trong đầu óc chúng ta nhiều câu hỏi, khêu gợi tính tò mò muốn biết hơn về lai lịch của thánh Giuse. Các nhà chú giải Kinh thánh cận đại đã không ngừng nhắc nhở chúng ta rằng mục tiêu của bốn tác giả Phúc âm không phải là viết tiểu sử của Chúa Giêsu, nhưng tiên vàn là để loan báo một Tin mừng, tin mừng cứu độ. Trọng tâm của Tin mừng là cuộc tử nạn và phục sinh của đức Kitô, như chúng ta đọc thấy trong những bài giảng của thánh Phêrô trong sách tông đồ công vụ; kế đó, người ta kéo dài thêm một chút, tới những lời giảng và hoạt động của đức Kitô (quen gọi là cuộc đời công khai). Mãi về sau, người ta mới kéo dài thêm một phần gọi là nguồn gốc và cuộc đời thơ ấu của Chúa. Dù sao, trong Phúc âm của Matthêu, thánh Giuse chỉ xuất hiện như nhân vật phụ chứ không phải là nhân vật chính: Giuse được mời vào sân khấu bởi vì ông là con vua Đavít, nhờ vậy mà Chúa Giêsu cũng thuộc dòng dõi Đavit, và như vậy những lời tiên tri về Đấng Cứu thế thuộc dòng Đavit được thực hiện. Đó là lý do mà Matthêu kể lại gia phả của Giêsu từ đầu Phúc âm. Mặt khác, Matthêu cũng nhấn mạnh ngay từ khi thuật lại gia phả rằng Chúa Giêsu không phải là con của ông Giuse sinh bởi giao hợp vợ chồng. Vì thế ta thấy có sự gián đoạn mạch văn. Từ đầu, mạch văn của gia phả là ông A sinh ra ông B, ông B sinh ra ông C; thế nhưng tới cuối thì thay vì nói ông Giuse sinh ra ông Giêsu, thì Matthêu lại viết: “ông Giacop sinh ông Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu”. Cảnh thiên thần hiện đến cho ông Giuse từ câu 18 đến 25 sẽ giải thích điều đó.
Reply
#14
Những chuyện này có ăn thua gì đến ông thánh Giuse già hay trẻ đâu?

Có chứ! Chúng ta có thể tưởng tượng những người yếu bóng vía thì sẽ e ngại rằng nếu để ông thánh Giuse quá trẻ mà ở chung với cô Maria cũng còn trẻ, thì e rằng hai người khó mà giữ mình khiết tịnh được. Vì vậy, cho ông Giuse già đáng tuổi bố của cô Maria thì cô ta sẽ an tâm hơn. Tuy nhiên, như vừa nói, đó chỉ là mối bận tâm của những người yếu bóng vía, suy bụng ta ra bụng người. Các Kitô hữu đời xưa thì có mối bận tâm khác. Họ thấy rằng Phúc âm có nói tới các anh em của Chúa Giêsu. Tại sao có chuyện ấy được, khi mà tục truyền tin rằng đức Maria trọn đời đồng trinh, trước cũng như sau khi sinh Chúa Giêsu? Vì thế để giải quyết vấn đề, một số tác giả bèn nghĩ rằng những anh em đó phải được hiểu là các anh cùng cha khác mẹ với  Chúa Giêsu; nói cách khác, ông Giuse đã có một đời vợ rồi và đã có con; sau đó vợ mất, ông Giuse ở góa một thời gian thì tục huyền với cô Maria.

Đến đây thì chúng ta bước sang các Phúc âm ngụy thư phải không?

Đúng vậy. Như đã nói trên đây, các Phúc âm nói rất vắn tắt về cuộc đời thơ ấu và ẩn dật của Chúa Giêsu kéo dài hơn 30 năm, đang khi mà cuộc đời công khai chỉ hơn kém 3 năm. Kế đó, người ta cũng muốn biết lai lịch, gốc gác của đức Maria và thánh Giuse nữa. Vì thế mà hàng lô truyền kỳ đã ra đời từ thế kỷ II, quen gọi là “ngụy thư”. Thực ra, theo nguyên gốc Hy-lạp “ngụy thư” (apocrypha) lúc đầu có nghĩa là sách giấu kín; và kế đó, nó ám chỉ những sách không được ghi vào sổ bộ Sách thánh; chứ không phải lúc nào ngụy thư cũng có nghĩa là sách nói bậy bạ. Chúng ta lấy một thí dụ: tác phẩm mang danh là “Tin Phúc âm ca Giacôbê” là một ngụy thư; thế nhưng chính từ tác phẩm đó, mà chúng ta biết được danh tánh của song thân đức Maria là Gioakim và Anna; cũng từ tác phẩm đó mà phụng vụ đón nhận lễ Đức Mẹ dâng mình vào đền thờ.
Reply
#15
Tác phẩm ấy có nói gì về thánh Giuse không?

Dĩ nhiên rồi. Thực ra phần lớn của tác phẩm “tiền phúc âm của Giacôbê” dành để nói tới nguồn gốc lai lịch của đức Maria. Thánh Giuse xuất hiện vào lúc đức Maria thành hôn và mang thai. Theo đó, thì từ hồi 3 tuổi, đức Maria đã được dâng mình vào đền thờ. Đến tuổi dậy thì, thì thầy cả thượng phẩm phải tính chuyện lập gia đình cho cô. Nhờ ơn trên soi sáng, thượng tế hô hào các chàng trai tới, mỗi người mang một cái que và đặt trong đền thờ. Sáng hôm sau, thượng tế vào đền thờ cầu nguyện thì thấy các que còn y nguyên như trước, và mỗi chàng lại vác que về nhà. Thế nhưng còn sót lại một que của Giuse và chủ nhân được gọi tới; khi Giuse vừa lấy lại cây que của mình thì một con chim bồ câu thoát ra và đáp xuống trên đầu của Giuse. Thật đúng là dấu lạ. Nhưng Giuse không dám nhận Maria, viện cớ là mình đã già lại phải nuôi nấng một đàn con. Thầy cả phải doạ rằng nếu ai không tuân theo ý Chúa thì sẽ bị trời phạt; ông cụ sợ quá đành rước Maria về nhà.

Như vậy cụ Giuse lúc ấy đã già rồi hay sao?

Tác phẩm “tiền Phúc âm của Giacôbê” chỉ nói là Giuse góa vợ và đã có con, chứ không nói bao nhiêu tuổi. Nhưng câu chuyện chưa hết. Giuse nhận Maria về rồi thì để cô ta ở nhà, rồi ông ra đi kiếm việc làm. Đang khi đó, thiên thần hiện đến báo tin cho đức Maria về việc thụ thai và sinh hạ Chúa Giêsu. Sáu tháng sau đó, ông Giuse trở về nhà thấy bạn mình mang bầu: chúng ta có thể tưởng tượng được bi kịch đã diễn ra. May thay, đến đêm thiên thần hiện ra giải thích đầu mối nguyên do. Nhưng đó mới là chuyện nội bộ; đến lượt hàng xóm và nhất là vị Thượng tế trong đền thờ kêu Giuse lại mắng một trận vì đã xâm phạm tiết hạnh của bà Maria. Cả Giuse lẫn Maria đều một mực thanh minh thanh nga. Sau cùng để kiểm chứng, thượng tế bắt cả hai phải uống nước đắng theo luật của sách Dân số (chương 5) đã truyền khi có ai bị tố cáo về tội ngoại tình. Cả hai đều uống mà không bị nước hành: cả làng mừng rỡ tung hô Chúa. Và Giuse đưa Maria về nhà cho tới ngày đi Bêlem.
Reply