Ca sĩ Hoàng Oanh: Tiếng hót Oanh vàng Mê Đắm Một Thời - Printable Version +- VietBest (https://vietbestforum.com) +-- Forum: Giải Trí và Nghệ Thuật / (Entertainment and Art) (https://vietbestforum.com/forum-42.html) +--- Forum: Thế Giới ShowBiz (https://vietbestforum.com/forum-54.html) +--- Thread: Ca sĩ Hoàng Oanh: Tiếng hót Oanh vàng Mê Đắm Một Thời (/thread-2810.html) |
Ca sĩ Hoàng Oanh: Tiếng hót Oanh vàng Mê Đắm Một Thời - PhongVien007 - 2018-02-17 Ngỡ Ngàng Ca Sĩ Hoàng Oanh Tiết Hót Oanh Vàng Mê Đắm Một Thời Oct 21, 2017 Tiếng hát mật ngọt của Hoàng Oanh trải qua nhiều năm tháng, không thể lẫn lộn với bất cứ giọng ca nào. Nó đi sâu vào lòng người, gợi nhớ muôn trùng kỷ niệm, đầy ắp yêu thương, khiến người ta ngất ngây như uống phải thứ men say lịm ngọt của đất trời. “Vượt núi, tiếng hò ra xứ Huế…” Ca sĩ Hoàng Oanh tên thật là Huỳnh Kim Chi, sinh năm 1950 tại Mỹ Tho, Định Tường (nay là Tiền Giang), trong một gia đình ngoan đạo có sáu chị em. Bà theo gia đình lên Sài Gòn từ khi còn rất nhỏ. Cha của bà là người cực kỳ nghiêm khắc trong cách giáo dục con cái, nhưng cũng hết lòng yêu thương và tạo điều kiện cho bà phát triển nghiệp cầm ca. Ông chính là người thầy đầu tiên của bà trong việc đàn ca hát xướng từ lúc bà mới lên năm. Với giọng hát trong trẻo, ngọt ngào, lên tám bà đã được cha cho biểu diễn hai bài Hương lúa miền Nam và Có một đàn chim tại Liên trường Võ khoa Thủ Đức. Ca sĩ Hoàng Oanh thời trẻ Thời trung học, Hoàng Oanh theo học tại trường nữ sinh Gia Long – ngôi trường “phượng vĩ dâng hoa” đậm chất Huế với khuôn viên lối đi rợp bóng mát, với những tà áo dài tím thướt tha đọng lại trong ký ức bao người và đi vào thơ ca của biết bao thi sĩ một cách nhẹ nhàng, sâu lắng. Lớp của Hoàng Oanh khi ấy có vài cô bạn người Huế nói giọng “trọ trẹ” – khiến cô nữ sinh nhu mì, ngoan hiền và chăm học bị thu hút. Dần dà, qua bạn bè cùng lớp, Hoàng Oanh biết đôi chút về Huế. Điều ấy càng kích thích trí tò mò và sự tưởng tượng của cô học sinh đang ở tuổi mộng mơ về Huế đẹp, Huế thơ với mái tóc thề xõa bờ vai, với nón bài thơ, với cầu Tràng Tiền cong cong như chiếc lược chải vào sông Hương trong vắt, hiền hòa có núi Ngự Bình nghiêng nghiêng soi bóng. Hoàng Oanh nhớ lại: “Tôi rất thích trò chuyện với những cô bạn người Huế và cảm thấy có điều gì đó rất hợp với tâm hồn mình.” Những bài ca Huế bà hát dễ dàng, trọn vẹn bởi giai điệu tâm tình, sâu lắng của xứ Huế đã thấm vào bà tự lúc nào. Chuyến Tàu Hoàng Hôn qua tiếng hát của ca sĩ Hoàng Oanh.[/align] Năm 1964, khi ấy Hoàng Oanh vừa tròn 14 tuổi và đang theo học nhạc ở lò luyện ông bầu Nguyễn Đức và nhạc sĩ Nghiêm Phú Thi, được hãng đĩa Việt Nam mời thu âm thử bài Ai ra xứ Huế của nam ca sĩ Duy Khánh. Hoàng Oanh nhận lời ngay, không chút chần chừ. Dường như với tuổi trẻ mộng mơ, trong lòng sẵn có cảm tình với Huế nên hôm đó Hoàng Oanh hát với lòng thiết tha, mến yêu như một ca sĩ hát cho quê hương chôn nhao cắt rốn. Ca sĩ Duy Khánh nghe Hoàng Oanh hát xong không giấu được sự vui thích bởi theo ông, Hoàng Oanh đã diễn tả đúng lời nhạc, ý nhạc ông muốn gởi gấm cho thành phố thân yêu ông vừa từ giã. Duy Khánh – khi ấy là một ca sĩ nổi danh đã trao cho cô nữ sinh đang tập tễnh trước ngưỡng cửa nghiệp cầm ca niềm vinh hạnh thu bản Ai ra xứ Huế với tiếng sáo réo rắt, tha thiết của cây sáo Nguyễn Đình Nghĩa. Khi đang dợt với ban nhạc tại phòng thâu băng Võ Duy Nguy (chợ Cũ) thì Hoàng Oanh được nhà văn Lê Thái Thanh chụp cho vài bô hình kỷ niệm tặng kèm một bài thơ khá dài, nhưng qua thời gian, bà chỉ nhớ được hai câu: Vượt núi tiếng hò ra xứ Huế/ Oanh vàng dìu dặt gợn dòng Hương… Liên Khúc Lính - trình bày bởi ca sĩ Duy Khánh và Hoàng Oanh.[/align] Cũng trong năm đó, Hoàng Oanh được mời đi trình diễn đại nhạc hội ở Huế. Niềm khao khát được đặt chân lên xứ Huế ngày nào của bà đã được toại nguyện. Giọng oanh vàng vút cao, mê đắm lan tỏa, rung động những tai nghe khó tính nhất. Hoàng Oanh kể lại rằng, dù sau này bà thành công với nhiều ca khúc ở các thể loại khác nhau nhưng Ai ra xứ Huế và Chiến đò vĩ tuyến là hai ca khúc bà được người nghe yêu cầu hát nhiều nhất mỗi khi bà bước lên sân khấu. Cuộc đời Hoàng Oanh có nét gì đó gần giống với cuộc đời ca sĩ Phương Dung, bởi hai nữ danh ca đều có gốc gác miền Tây và xuất thân trong những gia đình gia giáo nhưng lại ủng hộ hết lòng niềm đam mê ca hát của con cái. Điều khác biệt nhất là nếu như Phương Dung khởi nghiệp và thành công với những ca khúc đậm chất Nam Bộ thì Hoàng Oanh lại được công chúng biết đến qua những ca khúc xứ Huế. Âu có lẽ là do cái duyên vậy! Líu lo tiếng hót Hoàng Oanh Ngoài ca hát, Hoàng Oanh còn có khiếu ngâm thơ. Trong giờ Việt văn tại trường Gia Long, sau khi bình giảng bài Tiếng sáo thiên thai của Thế Lữ, cô giáo có ý mời một học sinh lên diễn ngâm cho giờ học sôi động thêm. Cả lớp đồng thanh chỉ Kim Chi. Và, cái tên Kim Chi – Hoàng Oanh trở nên nổi tiếng bởi tài năng “đủ mùi ca ngâm”. Không như nhiều ca sĩ cùng thời vì mê ca hát mà bỏ bê việc học, Hoàng Oanh luôn nỗ lực cân bằng giữa việc học và việc hát hò. Tốt nghiệp trung học, bà theo học Đại học Văn Khoa Sài Gòn và kết thúc với tấm bằng Cử nhân văn chương. Hoàng Oanh khi ấy đã có dự tính nối nghiệp “gõ đầu trẻ” của thầy cô, nhưng vì nặng lòng với nhạc và thơ nên ý định mô phạm đó được xếp sang một bên. Băng Tuổi học trò – phát hành 1963 – khi Hoàng Oanh còn theo học tại trường Gia Long Từ đấy, Hoàng Oanh bước chân vào con đường ca sĩ chuyên nghiệp, bà đã góp tiếng hát - tiếng ngâm tràn ngập tình cảm của mình trong nhiều chương trình nhạc và thơ uy tín của Đài phát thanh và Đài truyền hình như: Tiếng tơ đồng của Hoàng Trọng, chương trình của Phạm Mạnh Cương, Tiếng hát đôi mươi của Nhật Trường, Trường Sơn của Duy Khánh, Tao Đàn của Đinh Hùng, Tiếng Thơ của Thanh Nam, Ly Tao của Thái Thủy,… Hoàng Oanh là một tài năng đa diện. Với một làn hơi ngọt ngào, nồng nàn tình cảm, bà có thể trình bày tất cả các loại nhạc cũng như lối ngâm. Từ những nét sang trọng, dịu dàng, quý phái của nhạc tiền chiến đến những bản dân ca ba miền, những bài tình tứ quê hương, từ những câu hò mái đẩy miền Trung đến bài vọng cổ miền Nam hay câu Sa mạc, hát ví của miền Bắc, … Hoàng Oanh đã tiếp nối những giọng ngâm thơ ba miền nổi tiếng như Hồ Điệp, Quách Đàm, Bích Thuận, Giáng Hương, Tô Kiều Ngân, … Tiếng hát cũng như giọng ngâm của bà có chút gì thật sâu đậm, buồn man mác nhưng thật tình tứ, đã chinh phục được đa số thính giả. Từ khi có phong trào thâu dĩa hát và băng nhạc, Hoàng Oanh là một trong những nữ ca sĩ được mời thâu dĩa nhiều nhất. Riêng địa hạt thâu dĩa, bà đã thâu khoảng hơn hai trăm dĩa với các hãng Asia, Sóng Nhạc, Việt Nam, Sơn Ca, Thiên Thai, Continental v.v… Đĩa hát đầu tiên của bà gồm hai bài Nếu Một mai anh biệt Kinh Kỳ và Về đâu mái tóc người thương. https://www.youtube.com/watch?v=Rkll...ature=youtu.be[/url] Về đây anh - Hoàng Oanh (trước 1975) https://www.youtube.com/watch?v=R8cpWY04_YA[/url] Về đâu mái tóc người thương - Hoàng Oanh (trước 1975)[/align] Điều đáng lưu ý là, dù thành công vang dội như vậy, nhưng người ta không bao giờ thấy Hoàng Oanh xuất hiện tại các phòng trà hay vũ trường. Bà bảo rằng, do từ nhỏ bà ở với ông cậu rất nghiêm khắc nên ông không cho bà hát phòng trà hay vũ trường, thỉnh thoảng chỉ cho hát Đại nhạc hội mà thôi. Có lẽ, chính sự giáo dục nghiêm khắc của gia đình và với bản tính nhu mì, hiền hậu nên Hoàng Oanh có một cuộc đời không sóng gió. Bà đi hát, đi học, sống êm đềm trong hạnh phúc gia đình, trong tình thân bằng hữu và trong cảm tình nồng hậu của thính giả. Cho đến năm 1972, cô ca sĩ dịu dàng khả ái sang ngang, vui duyên cầm sắt với một chàng dược sĩ trẻ và cũng là một nhạc sĩ, xây dựng một tổ ấm với tình yêu và sự hiểu biết. Năm 1975, bà và gia đình sang Mỹ định cư. Tại hải ngoại, bà đã tự vạch cho mình một lối đi: Làm sao để bảo tồn văn hóa cổ truyền và nuôi dưỡng tâm hồn Việt Nam trong cộng đồng người Việt cũng như trong lớp ca nhạc sĩ trưởng thành ở hải ngoại. Bà cũng là nữ nghệ sĩ hiếm hoi lưu giữ những sản phẩm băng dĩa của mình như một sự trân trọng và cảm ơn cuộc đời đã ưu ái cho bà biết bao điều tốt đẹp. Ngoài Ai ra xứ Huế và Chuyến đò vĩ tuyến, Hoàng Oanh còn được biết đến qua các ca khúc như Hòn vọng phu (Lê Thương), Khối tình Trương Chi (Phạm Duy), Giọt mưa thu (Đặng Thế Phong),... cùng nhiều bài hát mang âm hưởng dân ca như: Làng Tôi (Chung Quân), Trúc xinh,... RE: Ca sĩ Hoàng Oanh: Tiếng hót Oanh vàng Mê Đắm Một Thời - PhongVien007 - 2018-03-05 KỶ NIỆM 40 NĂM LY HƯƠNG 29/04/1975 - 29/04/2015 Tối hôm nay (theo giờ Việt Nam) là đúng 40 năm Hoàng Oanh bước xuống tàu rời khỏi Saigon. Đây là hình ảnh của gia đình Hoàng Oanh đi tỵ nạn đến Hoa Kỳ vừa sau biến cố tháng 4 - 1975. Đã vượt qua biết bao nhiêu nỗi gian nan, nguy khó nơi biển cả, trên con tàu Hải Quân (số #800) rồi lại được chuyển sang hạm đội của Hải Quân Hoa Kỳ để đến được đảo Guam. Rồi trại tỵ nạn Indiantown Gap (Pennsylvania). Rồi định cư tại New Jersey (Tháng 7 - 1975). Hình nầy chụp khi đã dọn ra ở Appartment tại Bound Brook (New Jersey) cuối tháng 10 - 1975 (Sau 3 tháng rưỡi tạm trú nơi nhà gia đình người Sponsor là Mr - Mrs Johnson). Một hôm được nhà báo của tờ Daily News trong vùng đến chụp ảnh và phỏng vấn, may quá có chiếc áo dài Hoàng Oanh mang theo được, nên lấy ra mặc để chụp hình đăng báo. Đâu đó, có người ta tặng cho cây đàn guitare cũng cho lên ảnh luôn. Còn tất cả các thứ khác đều do nhà thờ tặng cho. Nhìn kỹ tấm ảnh nầy, nếu quý vị để ý, sẽ thấy trên gương mặt của hai người trong ảnh tuy lúc đó cũng còn trẻ, tuy rằng có cười đó nhưng vẻ ngơ ngác và hốt hoảng vẫn còn in đậm trên gương mặt. Thế mới biết, tháng 4 năm 1975, cuộc chiến tàn khốc trên quê hương Việt Nam đã được kết thúc bằng một cuộc vượt biển tìm tự do cũng tàn khốc không kém, rồi sau đó là những mảnh đời nổi trôi trên đất khách… Cho đến nay, 40 năm trôi qua (1975 - 2015), sau cuộc đổi đời tan tác đó, hình như vết thương vẫn chưa lành… — FB của cô Hoàng Oanh : https://www.facebook.com/photo.php?fbid=837337036349790&set=t.100002205035123&type=3&theater RE: Ca sĩ Hoàng Oanh: Tiếng hót Oanh vàng Mê Đắm Một Thời - PhongVien007 - 2018-11-20 Những chuyện ly kỳ về danh ca Hoàng Oanh: Chế Linh bị đem ra so sánh và "dìm hàng" (P1) Oct 26, 2018 Với lòng tự trọng hiếm có, nhân cách cao đẹp và giọng hát trời phú, Hoàng Oanh xứng đáng là huyền thoại Bolero. Giọng hát nội lực đặc biệt của đại ngàn Hoàng Oanh chưa từng một lần về Việt Nam biểu diễn sau khi sau khi sang hải ngoại cách đây hơn 40 năm, và cũng không đi hát quá nhiều. Bởi vậy, cô không được nhiều người biết đến như Thanh Tuyền, Chế Linh, Hương Lan, Như Quỳnh… Tuy nhiên, Hoàng Oanh vẫn luôn được xem là một trong những trụ cột lớn, có công kiến tạo và đưa dòng nhạc Bolero cũng như Tân nhạc đi đến đỉnh cao. Những cống hiến của cô là vô cùng quý báu, tạo nên cả một gia tài đồ sộ, ít ai sánh kịp. Hoàng Oanh sở hữu tài năng đa dạng. Cô được gọi với nhiều danh hiệu như tiếng hát thiếu nhi, tiếng hát của thưở học trò, tiếng hát của tình ca quê hương, tiếng hát của thời chinh chiến, tiếng hát cho người lưu vong, tiếng hát gợi nhớ quê hương và giọng ngâm thơ trác tuyệt. Ở thời hoàng kim, Hoàng Oanh ngự trị trên hầu khắp các sóng phát thanh và truyền hình. Cô chính là ca sĩ được mời thu âm nhiều nhất, với hơn 200 đĩa nhạc tính tới năm 1975, tại nhiều hãng đĩa khác nhau. Độ phủ sóng của cô rộng khắp và bao trùm tới mọi ngõ ngách ở Sài Gòn ngày ấy. Hoàng Oanh - Sương Lạnh Chiều Đông - Thu âm trước 1975 Về tầm ảnh hưởng và sức nặng của tiếng hát Hoành Oanh, nhà văn Lê Thanh Thái từng nói qua hai câu thơ: “Vượt núi tiếng hò ra xứ Huế
Oanh vàng dìu dặt gợn dòng Hương…” Ca sĩ có tự trọng bậc nhất, không bao giờ hát ở vũ trường Là một ca sĩ nổi tiếng và được săn đón, nhưng Hoàng Oanh từ xưa đến nay vẫn luôn dè dặt, khiêm tốn và giữ được phẩm hạnh sáng ngời của mình, đúng như lời nhà văn Hồ Trường An từng nói: "Trong hàng ngũ các nữ ca sĩ nổi tiếng thuở xa xưa chỉ có Lệ Thanh, Thanh Thúy và Hoàng Oanh là nhu mì, khiêm tốn, ngoan hiền và biết tự trọng". Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã từng so sánh Hoàng Oanh với Chế Linh để lột tả sự cao đẹp trong nhân cách của cô. Ông nói: "Hoàng Oanh thật là một con người trung hậu, nghĩa là cô nghĩ đến mình và cả đến người khác. Thêm một yếu tố quan trọng nữa là những cuộn băng, những đĩa hát, những CD, một khi cô đã phát hành cô đều lưu giữ lại và gìn giữ cẩn thận như đó là những đứa con tinh thần của cô. Trong khi đó ca sĩ Chế Linh thì lại khác, cuốn băng nào đã phát hành, những bài bản nào đã hát anh đều quên bẵng đi, giống như kiểu bán tiếng hát lời ca để làm thương mại mà trung tâm băng nhạc nào mời anh và khi tiền đã trao và cháo đã múc là anh vội quên ngay. Đôi khi tôi có ý nghĩ so sánh anh làm công việc giống như người ta nói là "đẻ thuê". Nghĩa là mình cũng tự đẻ ra đứa con, nhưng lại chỉ đẻ giùm và vì thế mà chóng quên và không hề lưu luyến". HOÀNG OANH - Nhớ Nhau Hoài (ASIA 69 - 2012) Hoàng Oanh từ nhỏ đã nhận được sự giáo dục nghiêm khắc từ cha, nên sống rất chuẩn mực và đoan trang. Từ khi lên 5, cô đã được cha mình (là một nghệ sĩ) dạy hát và tới 8 tuổi thì bắt đầu đứng trên sân khấu. Nếu các sĩ khác phải rất khó khăn mới nổi tiếng thì Hoàng Oanh với giọng hát trời phú và kĩ thuật điêu luyện đã nhanh chóng được biết đến ngay từ những năm đầu đi hát. Cô chiếm được cảm tình của đông đảo công chúng và được săn đón nồng nhiệt. Trong thời gian đi học, cô liên tục được mời thu âm và biểu diễn. Bởi vậy, Hoàng Oanh được mệnh danh là thần đồng ca hát. Nhưng không phải vì thế mà cô lao vào cuộc sống sân khấu, để chạy show kiếm tiền. Hoàng Oanh vẫn rất tập trung học hành đến nơi đến chốn và tốt nghiệp loại ưu Đại học Văn khoa Sài Gòn, với bằng Cử nhân văn chương. Nhờ đó, cô sở hữu được vốn kiến thức rộng lớn về văn thơ, cũng như ca dao, dân ca của khắp các miền đất nước. Đây chính là lợi thế lớn giúp Hoàng Oanh phát triển tài năng ngâm thơ có một không hai của mình, tạo nên sự khác biệt hoàn toàn giữa cô và những ca sĩ cùng thời. Nhờ sự giáo dục nghiêm khắc từ nhỏ và học thức toàn vẹn của một nữ sinh Văn khoa, Hoàng Oanh luôn giữ được phẩm hạnh cao đẹp trong suốt sự nghiệp. Dù đứng trong ánh hào quang và phải chịu nhiều xô bồ, thị phi, cô vẫn không hề đánh mất nhân cách, đạo đức của mình. Nỗi Buồn Hoa Phượng - Hoàng Oanh Khác với tất cả các ca sĩ khác, Hoàng Oanh tuyệt đối không hát vũ trường, kể cả hát phòng trà cũng không. Vào thời gian đó, nhạc sĩ Phạm Đình Chương có mời Hoàng Oanh hát cho phòng trà Đêm Màu Hồng của ông nhưng Hoàng Oanh từ chối với lí do bận chuyện bài vở vào buổi tối. Người ta chỉ thấy Hoàng Oanh xuất hiện trên các sân khấu hoặc sự kiện lớn. Lí giải về điều này, Hoàng Oanh cho rằng, do hồi nhỏ cô ở với một ông cậu rất nghiêm khắc nên bị cấm không được hát vũ trường. Cô kể lại: "Thời gian đó, tôi còn đang đi học. Ngoài thời gian đến đài phát thanh và đến trường, tôi phải tập trung học bài và ôn thi. Và tôi nhận thấy không khí náo nhiệt ở phòng trà hay vũ trường không phù hợp với tính tình hiền hòa, nhút nhát của tôi. Tôi muốn giữ gìn nhân phẩm của mình". Sống một cuộc sống khép kín và bình lặng như vậy, nhưng tin đồn và thị phi thi thoảng vẫn bủa lấy Hoàng Oanh. Vào năm 1967, cô từng bị đồn đụng xe chết. Tin đồn này kéo dài dai dẳng tới mức hãng dĩa Sóng Nhạc và đài truyền hình phải lên tiếng đính chínhh. Ban giám hiệu của trường Gia Long cũng phải mời Hoàng Oanh vào trường gặp mặt các nữ sinh để xóa tan dị nghị. RE: Ca sĩ Hoàng Oanh: Tiếng hót Oanh vàng Mê Đắm Một Thời - Vâng - 2018-11-20 Má tôi thích H.O. hát, mà tôi cũng mê luôn . She hay ngâm thơ trước khi hát. RE: Ca sĩ Hoàng Oanh: Tiếng hót Oanh vàng Mê Đắm Một Thời - PhongVien007 - 2018-11-20 (2018-11-20, 02:32 PM)Vâng Wrote: Má tôi thích H.O. hát, mà tôi cũng mê luôn . She hay ngâm thơ trước khi hát. ca sĩ xưa hát hay và truyền cãm hơn ca sĩ nay |