Duke lụm ... - Printable Version +- VietBest (https://vietbestforum.com) +-- Forum: Miscellaneous (https://vietbestforum.com/forum-64.html) +--- Forum: Chợ Trời (https://vietbestforum.com/forum-75.html) +--- Thread: Duke lụm ... (/thread-25006.html) |
Duke lụm ... - duke - 2024-05-29 Về việc cái bình ấy mà, cái bình, nhớ chưa? Những ngày này tôi chăm chút cho cái ban công. Phòng tôi ở có cái ban công hướng Tây, không có mái, mỗi khi mùa hè có mưa đá hoặc mùa xuân tuyết tan thì lênh láng nước. Tôi vốn không phải người khéo tay hay làm gì—tôi lười như hủi, những lúc cơn tự phụ nổi lên còn hay tự huyễn hoặc mình rằng con người ta sinh ra ở đời là để làm những điều vĩ đại chứ đâu phải để bứt cỏ trồng cây—nên từ lúc chuyển đến đây, cái ban công nó thế nào thì tôi cứ để nguyên như thế ấy. Lâu dần rêu phủ đầy nền xi-măng, rãnh thoát nước bị bít kín, rồi xuất hiện những vệt ngoằn ngoèo đen kịt trên tường, tôi vẫn kệ. Bạn bè đồng nghiệp, nhất là những đứa yêu cỏ cây đêm đêm nằm mơ hoa hoét, nghe nói tôi sở hữu cái ban công bỏ hoang bỏ phế như một nỗi niềm Trần Quang Lộc, thảy đều đố kị pha lẫn tức tối mà chửi tôi rằng đồ lãng phí, rằng có mà không biết quý, rằng ngu như heo.
Nhưng những ngày này tôi chăm chút cho cái ban công. Một hôm đang ngồi trong phòng nhìn ra, tự nhiên tôi thấy ban công dơ hầy. Thế là tôi vác cái xô, cầm bàn chải, giắt lưng chai nước tẩy bồn cầu, bỏ ra nguyên một buổi sáng hì hục cọ rửa cho đến khi cả sàn lẫn tường đều bóng loáng. Xong được đà hứng khởi, tôi mua thêm cây dù bãi biển rộng hai mét rưỡi cao hai mét mốt về che. Bà chủ nhà ở căn đối diện dòm sang, thấy thằng ôn vật thuê nhà đã ba năm lầy lội nay bỗng dưng thức tỉnh, bèn mừng rỡ tiếp tế ngay một tấm thảm lót ban công, kiểu thảm nhựa màu xanh giả cỏ mà ở ta hình như hay dùng lót sân banh, rồi trong cơn hào phóng lại cung cấp thêm bộ một bàn hai ghế sắt để tôi ngồi uống cà phê sáng sớm. Thế là từ bữa ấy, như một chàng Mỹ Thuật, cứ rảnh ra lúc nào tôi lại vẽ trò trang trí ban công.
Tôi mua một cây chanh, giống chanh Thái, cao chừng hai gang tay, bỏ trong cái chậu sành. Tôi mua một chậu sen đá, một chậu lưỡi cọp, mấy cây xương rồng—một cây có hai cái chỏm tròn tròn tua tủa những gai mà tôi đặt là Hòn Gai, một cây nở bông vàng hình tròn đâm lởm chởm mà tôi gọi là Corona Vàng, lại một cây khác nở bông đỏ hình tròn đâm lởm chởm mà tôi gọi là Corona Đỏ. Tôi lại mua thêm một cây gì bèn bẹt, có cơ man là cánh, giữa lại ken lùng nhùng những tơ như tơ nhện. Tôi rải hạt giống hoa mùa hè như một người Cao Biền rải đậu trên trái đất mùa. Tủ lạnh nhà tôi có mấy cọng hành tép tỏi còn sót lại từ lần đi siêu thị tháng trước, tôi vùi luôn xuống đất, như người ta vẫn chỉ trong chương trình Bạn của nhà nông rằng “bạn đi siêu thị lỡ mua quá nhiều tỏi nhiều hành để đến thối rùm cả tủ lạnh ư, vậy hãy vùi chôn đi còn chờ gì nữa.” Rồi tôi bắt tàu ra Viktualienmarkt mua bình tưới. Bởi vì tôi nay đã trở thành khách ruột, bà bán bình tưới đích thân đứng ra tư vấn miễn phí cho tôi, bà bảo hay là lấy cái màu xanh cho dịu mắt nhé, nhưng tôi nhất quyết bảo không, tôi bảo thảm đã xanh rồi mà lại mua bình xanh nữa thì chả hóa ngu à, tiệp màu nhỡ lạc mất cái bình đái dầm thì sao, đưa bình vàng đây. Bà bán bình tưới gật gù có vẻ đồng tình, bà bán cho tôi cái bình nhựa màu vàng giá bốn đồng rưỡi, tôi lại bắt tàu mang cái bình đái dầm về nhà tưới cây chanh Thái, tưới cây sen đá, tưới cây lưỡi cọp, tưới cây xương rồng, tưới cây tơ nhện, tưới hành tưới tỏi, tưới tới tưới lui tưới cật lực. Xong vì lâu ngày không vận động, tôi mệt quá quăng cái bình sang một bên, ngồi bệt xuống tấm thảm xanh lá cây mà thở phì phò.
Lúc đó tôi nhớ lại truyện Trại Hoa Vàng, “tác phẩm dành cho tuổi mới lớn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh” đăng hàng tuần trên báo Mực Tím hồi xưa lơ xưa lắc. Trong Trại Hoa Vàng có thằng Chuẩn mặc cái quần tam giác Béc-mu-đa chạy chiếc Huy Chương Vàng, sau nhà có mảnh vườn đầy hoa vàng, cứ mỗi buổi chiều tưới hoa xong lại học Phú ghẻ cầm cây đờn gảy “chách chách chách chùm chum.” Chuẩn Béc-mu-đa thích cô bé kia tên là Cẩm Phô, nhà Cẩm Phô là tiệm thuốc tây Hồng Phát, cứ mỗi buổi tối ba mẹ Cẩm Phô lại xách hai cái ghế ra ngồi trấn hai bên, bọn con trai trong thị trấn gọi là “thần giữ cửa.” Hồi nhỏ tôi thích cái tên Cẩm Phô, tôi phục ông tác giả sao nghĩ ra được cái tên này hay quá. Sau này tôi mới biết Cẩm Phô là tên một làng ở Hội An, cũng như Hà Lan với Trà Long những tên làng tên đất ở Điện Bàn, cũng như những Thanh Hà, Phú Chiêm, cũng như những Cẩm Nam, Gò Nổi vậy. Thành ra tôi hết phục ông tác giả vụ nghĩ tên, nhưng tôi chuyển qua phục ổng chuyện biết lựa tên để chôm đưa vào tác phẩm, tôi thấy đó cũng là một dạng tài năng mà không phải ai cũng có—thì bao nhiêu nhà văn nhà thơ Việt Nam chỉ cần phải đặt tên cho con chó ốm của nhân vật chính thôi là đã toát mồ hôi hột rồi.
Từ Trại Hoa Vàng, tôi nhớ sang Niệm khúc hoa vàng. Niệm khúc hoa vàng không phải là tác phẩm dành cho tuổi mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh, Niệm khúc hoa vàng là một bài hát của Hà Thúc Sinh mà ban đầu tôi nhầm sang Nguyễn Đình Toàn, cái ông nhạc sĩ kiêm thi sĩ viết nhạc thì hay mà làm thơ thì dở. Có một thời tôi suốt ngày nghe nhạc Hà Thúc Sinh với Nguyễn Đình Toàn. Tôi nghe “đời buồn từ vận nước lao đao,” tôi nghe “trong xiêm y nàng có gì hề,” tôi nghe “hẹn kiếp sau là dối thêm lần nữa, đất không dung người không tha.” Rồi tôi gần như không nghe Hà Thúc Sinh với Nguyễn Đình Toàn nữa. Tại sao ư? Tôi cũng không biết. Tôi không để ý. Có lẽ tại vì đã quá lâu rồi, đến một lúc nào đó đời cũng phải hết buồn, vận nước cũng phải hết lao đao, đất trời cũng phải biết dung thứ, con người cũng nên quên dần những chuyện đau lòng đi.
Tôi ngẩng mặt lên nhìn mây trời bay lững thững. Như mấy mươi năm trước, hồi còn là thằng bé con, tôi vẫn ngẩng mặt lên nhìn mây trời bay lững thững. Dưới bầu trời đó là khoảnh sân trước nhà tôi với cây mận nở từng chùm hoa trắng và bụi lưỡi cọp cạnh hồ cá thỉnh thoảng vẫn tràn nước khi trời mưa. Dưới bầu trời đó là khu vườn sau nhà tôi, có cây chanh bên ghè xi-măng, vồng cải xanh, luống hành ngò, góc vườn chỏng chơ cái bình tưới cũ bằng tôn đã ngả màu rỉ sét. Dưới bầu trời đó, mỗi trưa tôi đi học về ngang qua một ngôi nhà ở thôn hai, giờ tôi không còn nhớ là nhà ai, hàng rào có cây trạng nguyên lá đỏ, ngõ vào nhà có chậu sen đá và bụi xương rồng. Dưới bầu trời mây bay đó là tuổi thơ của tôi, tuổi thơ túng thiếu và cô đơn, và buồn tủi, lúc nào cũng thèm một cái gì đó, đợi một người nào đó. Thằng bé ngồi chơi một mình dưới gốc cây mận trắng mấy mươi năm trước, liệu có biết mấy mươi năm sau này và mấy mươi năm sau nữa sẽ có người nhớ nó hay không nhỉ? Chắc là không. Cũng không sao. Chỉ là đôi khi, trong những suy nghĩ lan man muôn thuở của tôi, nỗi nhớ cũng như một chuyến đi ngược về quá khứ—người-lớn-tôi đứng bên cạnh thằng-bé-tôi dưới gốc cây mận trắng, nhìn nó mà thương, muốn mua cho nó một que kem, muốn trồng cho nó một cây trạng nguyên lá đỏ, muốn chuyện trò một chút cho nó đỡ buồn. Nhưng nó không biết có tôi ở đó, nó cứ cắm cúi nhặt hoa mận làm con vụ, nó nhìn ra cổng đợi mẹ đi chợ về, nó ngẩng mặt nhìn bầu trời có mây bay lững thững. Rồi nó lớn lên, và đi xa.
Nhưng thôi nghĩ ngợi vậy đủ rồi, tôi lại phải tưới cây đây. Nói theo kiểu Tây, những cây xương rồng, những cây sen đá, những cây lưỡi cọp, những hành cùng ngò, chúng nó không tự tưới được đâu, tôi phải đích thân tưới lấy thôi. Cũng may tôi thông minh và đẹp trai, tôi chọn mua cái bình tưới màu vàng, chứ như bình tưới màu xanh thì tiệp màu với cái thảm xanh, lạc mất cái bình đái dầm rồi thì tìm đâu cho thấy nữa.
LTM.
Chúc các bạn một ngày vui vẻ, an lành, may mắn.
RE: Duke lụm ... - Dewdrop - 2024-05-29 (2024-05-29, 08:05 AM)duke Wrote: Về việc cái bình ấy mà, cái bình, nhớ chưa? - Anh Duke khỏe không? Cỏ đọc thoáng qua vì chữ chút hiu hà, câu chuyện dễ thương đó anh Duke Khi nào anh Duke nấu cho Cỏ và các bạn ngó ké Nhạc anh Duke hát nghe thoải mái khỏi phải dòm rồi đi ra Hoa anh Duke post đẹp lắm nhe mà Cỏ chưa kịp viết, thread ở đâu Cỏ không biết nữa - Câu tô đậm, không biết anh chàng " thông minh, đẹp trai " trong câu chuyện này có phải là anh chàng thích màu vàng cả xóm đều biết hông hah RE: Duke lụm ... - phai - 2024-05-29 (2024-05-29, 03:49 PM)Dewdrop Wrote: - Câu tô đậm, không biết anh chàng " thông minh, đẹp trai " trong câu chuyện này có phải là anh chàng thích màu vàng cả xóm đều biết hông hah Không phải đâu, anh chàng "thông minh, đẹp trai có cái bình tưới màu vàng" ngồi nơi đây vẫn nghe nhạc Nguyễn Đình Toàn và Hà Thúc Sinh . RE: Duke lụm ... - duke - 2024-05-30 (2024-05-29, 03:49 PM)Dewdrop Wrote: - Anh Duke khỏe không? Cảm ơn GSMM nhiều Anh khoẻ, em cũng khoẻ chứ? Câu chuyện trên anh ...lạng trên mụn đó em Em nói đúng, câu chuyện dễ thương nên anh nhặt về cho cả nhà đọc, và giờ thì em đã biết ai là anh chàng "thông minh, đẹp trai" vừa chưng cái bình dấm đài màu vàng rồi á! Em click vô đây là thấy cái thread hình Thư Giãn cùng hoa + RE: Duke lụm ... - Dewdrop - 2024-05-30 (2024-05-30, 02:48 AM)duke Wrote: Cảm ơn GSMM nhiều Dạ, không có chi anh Duke. Cám ơn anh Duke đem ... bền để lai Cỏ cứ ... sến như yêu ... hoài hà Anh Duke 1 ngày vui nhe RE: Duke lụm ... - Dewdrop - 2024-05-30 (2024-05-29, 05:05 PM)phai Wrote: Không phải đâu, anh chàng "thông minh, đẹp trai có cái bình tưới màu vàng" ngồi nơi đây vẫn nghe nhạc Nguyễn Đình Toàn và Hà Thúc Sinh . Anh phai, tấm hình với cái bình tưới màu vàng với anh thông minh, đẹp trai nhin thiệt là dễ thương quá chừng và dí dỏm RE: Duke lụm ... - duke - 2024-05-30 Khon cồng ưi gải cha oi Tôi ở đây không hay có thư. Hòm thư của tôi thường rỗng không, bám đầy bụi, lâu lâu mới có một thư thông báo đóng tiền phí radio, thư xin lỗi vì sau nhà có công trình đang xây dựng ồn ào, hay thư ngân hàng đòi đóng bảo hiểm, đòi đăng kí mã số thuế. Thuế nơi này cao chót vót, có đến đâu chừng ba mươi loại, từ loại cơ bản như thuế thu nhập cá nhân cho đến những loại kì quặc như thuế chó, thuế mại d - m, thuế nhà thờ, thuế chùa chiền ...bla bla bla...
Phí radio là một loại phí vô lí, ai ai cũng phải đóng, nhà có nghe radio có xem truyền hình hay không cũng mặc. Đồng nghiệp tôi bảo, ngày trước khi loại phí này chưa được phổ cập, nhân viên sở thuế còn trèo tường dòm vào nhà người ta như khỉ đu cột điện vậy, nếu thấy trong nhà có ti-vi cát-sét gì thì lập tức gửi giấy đòi tiền. Tôi bảo đất nước mày sao giống như có truyền thống trèo tường thế, xong đồng nghiệp tôi cười hề hề, nói một câu gì đó bằng tiếng Đức có cả đông tây nam bắc, và eins, zwei, và polizei.
Khi còn nhỏ tôi không thích viết thư – tôi vốn dị ứng với những gì mà tôi cho là sến súa, tôi chỉ hay đọc cho cha mẹ nghe những lá thư mà anh chị tôi gửi về từ Hà Nội, những lá thư lúc nào cũng kết thúc bằng dòng chữ bất di bất dịch “Cuối thư không có gì hơn con xin kính chúc cha mẹ mạnh khỏe, cầu cho gia đình mình được bình an, đừng lo cho con, con ở đây mọi thứ vẫn thường.” Lên cấp hai tôi bất quá cũng chỉ viết lèo tèo mấy lá thư quốc tế UPU gửi các chú bộ đội chắc tay súng canh giữ ngoài biên cương hải đảo, gửi những bạn Cu-ba bạn Miến Điện bạn Lào, những người tôi hoặc tưởng tượng ra hoặc chẳng hề biết đấy là đâu. Phải đến khi lên đại học tôi mới hay viết thư. Tôi chuyển từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, buổi trưa khi mọi người ngủ thì tôi vào hoạ thất, hí hoáy kể cho bạn nghe chuyện số nhà bên Bình Thạnh, chuyện quả chò nâu rơi dọc đường Điện Biên Phủ, chuyện cây đinh cắm trên hồ Con Rùa, chuyện con đường nước ngập tới gối khi trời mưa, chuyện những cây cầu sắt bắc qua sông, chuyện nhà ga xe lửa có đầu tàu gỉ sét. Bạn tôi cũng viết thư trả lời, kể chuyện đi chơi, chuyện họp lớp, bạn tôi viết “tau thấy cái trò thư từ ni thiệt là cũ kĩ lạc hậu” xong lại viết “mi đừng lo, tụi tau ai cũng nhớ mi, cái mặt mi câng câng.” Mỗi tuần tôi gửi một lá thư, nhận một lá thư.
Có tuần tôi gửi hai ba lá thư, rồi nhận hai ba lá thư. Dần dà tôi có cả một chồng thư. Chồng thư ấy tôi vẫn để trên kệ sách. Sau này bạn bè li tán, tôi không viết nữa, cũng không chờ thư nữa. Nói cho đúng ra, tôi không còn nghĩ đến thư từ gì nữa. Cho đến khi tôi đi châu Âu, nơi mà trước cửa mỗi nhà đều có một hòm thư.
Hòm thư trống, nhưng mỗi ngày đi làm về tôi vẫn mở. Chủ nhật người ta không đưa thư, tôi cứ mở. Thứ bảy tôi mở đến hai lần – một lần vào buổi trưa, một lần vào buổi tối khi tôi đi uống cà phê đọc sách về, hay từ thư viện về. Đó gần như là một thói quen. Tôi có đến hai chiếc chìa khóa của hai hòm thư khác nhau, một chiếc của phòng tạm khi mới đến, một chiếc sau khi chuyển sang phòng thuê dài ngày. Chùm chìa khóa của tôi vì vậy nặng hơn một chút, có chìa khóa cổng chính, chìa khóa phòng, chìa khóa hòm thư cũ, chìa khóa hòm thư mới, dạo gần đây lại móc lủng lẳng thêm tượng Phật. Tượng Phật nhỏ bằng lóng tay cái, làm bằng nhựa trong suốt, mẹ tôi dúi cho tôi hôm sau Tết tôi lại bay sang đây. Mẹ tôi mấy năm nay hay đi chùa cầu cho tôi đi xa có ông bà phù hộ, xin Trời Phật cho mình sống thêm mấy năm để còn được thấy tôi có vợ có con, có cửa có nhà. Nhà tôi ở Sài Gòn mấy năm nay hay có tiếng đọc kinh đều đều, trước sân nhà có cây mận nở hoa, thỉnh thoảng ngước nhìn lên còn thấy mây bay trắng xóa. Đợt trước tôi kí hợp đồng thuê nhà, kí làm hai bản, giữ một bản, bỏ một bản vào hòm thư, rồi nhắn tin cho chủ nhà. Nhưng chủ nhà chắc cũng lười như tôi, hoặc cũng hay quên như tôi, hoặc cả hai, nên chẳng bao giờ đến lấy. Thành thử mỗi ngày đi làm về mở hòm thư ra, nhìn thấy tờ hợp đồng, tôi lại tưởng có thư ai, lại hí hửng mừng một chút – mặc dù tôi vẫn biết tôi ở đây một mình, cũng chẳng mấy ai biết địa chỉ để mà gửi thư. Chừng vài tháng, không nỡ mừng hụt hoài, tôi mang tờ hợp đồng thẳng đến văn phòng cho thuê nhà, nhét vào khe cửa. Từ đó hòm thư của tôi lại rỗng không. Có lần chẳng biết làm gì, tôi cứ đứng tần ngần nhìn hòm thư rỗng, làm như cứ đợi đủ lâu thì sẽ có một lá thư nào đó hiện ra đâu đó từ không khí vậy. Một lúc sau, chợt nhận ra rằng không khí không tạo ra thư mà cũng không biết viết thư, tôi mới nhún vai bỏ lên phòng. Nhân tiện, hình như đã có lần tôi viết bâng quơ ở đâu đó rằng cuối cùng thì cũng chỉ có căn phòng là ở lại. Tôi đi Hamburg về, hay đi Paris về, hay đi Florence về, căn phòng vẫn thế. Cho dù tôi có lang thang những đâu, cho dù cuộc đời tôi có biến động thế nào, căn phòng vẫn còn nguyên như thế – nồi cơm điện, chồng sách cũ, chiếc khăn len màu xám vắt trên lưng ghế, cái ban công đẫm nước mỗi khi mùa hè có mưa đá hoặc mùa xuân tuyết tan, và ô cửa sổ mà trước khi đi ngủ tôi thường đứng trong bóng tối, nghĩ mông lung những điều nọ điều kia, và nhìn sang những căn nhà đối diện có người thức khuya vẫn sáng đèn.
Rồi có còn ai nhớ đến ai không? Rồi có còn ai viết thư cho ai không? Tôi cũng không biết nữa. Tôi như tảng đá, như gốc cây, như đám ruộng ngang mồ côi Gò Tiễn, ở một mình đã quen. Những người bạn từng viết thư cho tôi giờ đã có vợ có chồng, người thì mở công ty, quán xá, người thì mua nhà, bán đất, người vẫn còn lao đao lận đận, cùng lắm cũng chỉ thi thoảng đăng lên Facebook mà xuýt xoa những lá thư của Trịnh Công Sơn gửi cho Dao Ánh, của Vũ và Quỳnh gửi cho nhau. “Nếu chúng ta là kẻ không có tài chí lắm, không viết được điều gì to tát, thì cũng sẽ viết được những trang sách về những năm tháng ta sống, về những cay đắng và những niềm yêu thương đơn giản của con người.” Cái trò thư từ qua lại giữa bọn trẻ con chúng tôi từ hai mươi năm trước đã là cũ kĩ lạc hậu lắm rồi, còn nói gì đến hai mươi năm sau, rồi hai mươi năm sau nữa. Người ta lại bảo xa mặt thì cách lòng. Nhưng mỗi lần về Sài Gòn, chạy xe trên đường Điện Biên Phủ, tôi vẫn nhớ lá thư khoe bạn lần đầu tiên thấy quả chò nâu, đi ngang hồ Con Rùa nhớ một đoạn dài ba hoa những thuyết phong thủy thời Việt Nam Cộng hòa, đi ngang Lý Chính Thắng lại nhớ cái lần bốc phét chuyện trong này băng đĩa nhạc kiểu gì cũng có. Tôi cũng nhớ bạn tôi, nhớ chuyện bạn tôi bảo cái mặt tôi câng câng, và câu bạn tôi nói buồn cười “mi đừng lo, tụi tau ai cũng nhớ mi.” Thật ra tôi có lo lắng gì lắm đâu. Tôi nghĩ, cuối cùng thì nhớ thì tốt mà không nhớ cũng không sao, viết thư thì tốt mà không viết cũng không sao, làm chuyện gì to tát thì tốt mà chỉ nghĩ những điều đơn giản cũng không sao. Không sao cả, miễn bình an là được. Còn như tôi ở đây – tôi ở đây mọi thứ vẫn thường.
LTM. RE: Duke lụm ... - duke - 2024-06-25 MAI NÀY TRẨY HỘI NƯỚC NON
Chưa về trẩy hội mùa xuân
Mừng năm tháng lại thanh tân rỡ ràng Trời nam thương lắm, mai vàng Hồng đào đất bắc mơ màng em ơi Bao giờ mình lại rong chơi Quốc gia trọn vẹn con người tự do Nhân quyền, dân chủ, ấm no Trong ngoài ru lại câu hò yêu thương Mùa xuân bát ngát cung đường Lòng người hoan hỷ vẫn thường ước mơ Hội xuân phất phới phướn, cờ Màu dân tộc cũ đến giờ chưa phai Người còn xa cách dặm ngoài Ắt trong tâm tưởng vẫn hoài thiết tha Này em có biết chăng là Mình thương nhớ lắm nước nhà Việt Nam Nâu sồng pha sắc áo lam Hoa vàng pháo đỏ nghìn năm hãy còn Mai này trẩy hội nước non … Ất Lăng thành, 01/23 XUÂN Ta đã đón những mùa xuân rực rỡ Dệt mộng đời tình đẹp ngỡ như mơ Đêm trăng vàng viết lấy những trang thơ Từng tha thiết đợi chờ trong tâm tưởng Ta đang hưởng cả mùa xuân hương sắc Em thướt tha đôi mắt biếc xuân thì Ngập trong hồn gã du sĩ ra đi xa muôn dặm vẫn khắc ghi tâm cốt Ta sẽ đón một mùa xuân kết cuộc xác thân tàn hồn vẫn thuộc về nhau Thôi hết rồi, đời vất vả thương đau Mình về lại thuở ban đầu lưu luyến Những mùa xuân trong đất trời luân chuyển Dòng tử sanh vốn miên viễn muôn đời Hợp rồi ta như sóng nước trùng khơi Em hãy nhớ trong cuộc chơi bất tận Đẹp biết mấy những mùa xuân cố quận Pháo rộn ràng mang âm hưởng ngày xưa Xem hội hoa mình hò hẹn đón đưa Bướm vàng bay rập rờn trưa hoa nắng Hội Đống Đa mùng mùa xuân chiến thắng Đào Thăng Long về với xứ mai vàng Chuyện tìunh sử, sử dân tộc sang trang Mình trẩy hội lòng mang mang thương nhớ Đời đâu thiếu những mùa xuân dang dở Nhọc nhằn thay cả kẻ ở người đi Đời đoạn trường lắm tử biệt sinh ly Mùa xuân vắng bởi sầu bi nhân thế Xuân có nghĩa là cội nguồn tươi trẻ Lòng bao dung chan chứa lắm đam mê Dù thị thành hay cùng cốc sơn khê Xuân vĩnh viễn xuân chưa hề phai nhạt Ta đã nghe mùa xuân cao khúc hát Muôn lá hoa bát ngát hỷ hoan ca Tình tương tư trong trời đất bao la Thấy bóng em trong nụ hoa hàm tiếu Ất Lăng thành, 09/22 GÃ NHÀ QUÊ Gã nhà quê ngẩn ngơ giữa vô số bảng quảng cáo hai bên đường phố Băng vệ sinh, keo dính chuột, sản phẩm tâm linh… Những khẩu hiệu quang vinh Giở trang thơ và bình luận Phát hoảng thuật ngữ triết học tây phương Đánh đố tầm nhìn và tư tưởng Câu chữ bí hiểm, ngập tràn trí tuệ Đỉnh cao văn minh thời thượng Gã nhà quê nào biết gì bút pháp Lại càng ngu ngơ với thượng thừa thủ thuật cao siêu Chẳng cảm thì nói gì đến hiểu Thiên hạ vỗ tay rào rào Sách báo khen ngợi ào ào Bao nhiêu mỹ từ tung hê cả lên Gã nhà quê trố mắt Khiến những văn, thi sĩ lừng danh giận dữ quát: Sao ngươi không vỗ tay? Đui à? Đồ nhà quê hậu đậu! Gã nhà quê hoảng sợ Đành thú thật có biết chi mô! Nhìn xanh xanh đỏ đỏ Nghe ồn ã tưng bừng Y tủi phận rưng rưng Nghệ thuật cao siêu bao nhiêu trường phái Trừu tượng, siêu thực, siêu hình, hậu hiện đại… Đọc đến tên đã toát cả mồ hôi Gã nhà quê đứng lớ ngớ Chợt một một người điên bước tới Nhổ nước bọt và vả vào mặt y Người điên to tiếng” “Đồ điên” Ừ thì điên! Một người điên chửi người không điên rằng điên Gã nhà quê bần thần tâm trí ngã nghiêng Ai điên? Ta điên? Hắn điên? Toan làm thơ tiếp diễn Gã nhà quê cười thầm: Người điên sao có thể làm thơ? Người thông thái ắt phải làm thơ theo trường phái Ôi cái gã nhà quê hậu đậu! Georgia, 12/23 Thơ Tiểu Lục T.P RE: Duke lụm ... - duke - 2024-07-05 Quote:Thoughts without purpose are like foam and bubbles in a stream. Những suy nghĩ không có mục đích giống như bọt và bong bóng trong dòng suối.
RE: Duke lụm ... - duke - 2024-08-22 Trời bày chi cảnh quá tang thương Lũ lụt ngập nước khắp muôn đường Màn trời chiếu đất đầy cảnh khổ Còn tấm chân tình ở cuối chương. .............................................. TÌNH CUỐI Chu Thị Hồng Hạnh Chị ngồi trên nóc nhà, chờ chồng đã mấy giờ đồng hồ, mà chẳng thấy anh đâu. Trời thì ngày một tối dần. Bốn bề chỉ có tiếng nước vỗ vào tường nhà, xác chó mèo, lợn gà luẩn quẩn dạt vào, trôi ra. Dưới chỗ chị ngồi, trong căn gác xép hai đứa con chị đang ôm hai con chó và một con mèo nằm cuộn tròn, phía sát tường hai con heo đói quá gào thảm thiết không lúc nào ngơi. Lũ về bất ngờ quá. Cách đây 3 hôm, buổi chiều nghe tin nước sông lên cao anh đã khuân sẵn thùng mì tôm, vài bình nước, đèn dầu lên gác xép để chuẩn bị tránh lụt nào ngờ mới nửa đêm nghe chó sủa inh ỏi, bọn heo kêu như cháy nhà, anh chị chạy ra thì nước đã ngập vào tới sân. Vợ chồng nháo nhào chạy ra chuồng vác heo vào, đánh thức các con dậy rồi cả nhà hối hả mang đồ cất lên gác. Nước dâng lên ào ạt, trời mưa như trút nước, chả mấy chốc mà đã mấp mé sàn gác. Đã 3 ngày cả nhà sống bằng mì tôm ngâm nước. Người lớn thì cố gắng kiểu nào cũng qua, chỉ thương bọn trẻ con đứt ruột. Trong nhà sặc sụa đủ thứ mùi người và vật thải ra, thở không cũng đủ mệt. Anh dỡ một phần mái ngói trèo lên và nói với vợ: - Em và các con ở nhà, anh mới nhận được tin nhắn có đoàn cứu trợ về mang nhiều đồ ăn lắm, xóm nhà mình ở trong sâu, họ không vào tới được, để anh bơi ra mang về. Chị ngồi co ro trong màn đêm tối om, lạnh lẽo, càng lúc lòng càng như lửa đốt vì lo cho anh. Nước chảy xiết thế này bơi trong đêm tối nguy hiểm lắm. Điện thoại chị hết pin rồi không biết gọi cho ai mà cầu cứu. Nước mắt chị cứ lặng lẽ từng giọt chảy ra ướt nhòe cả mặt. Anh có bị làm sao thì chị và các con sẽ ra sao? Năm năm trước chị đang học năm thứ hai thì nhà gọi về gấp. Bố chị và em trai trên đường đi dự đám cưới thì bị tai nạn giao thông, bố bị gãy tay và chân còn em trai bị chấn thương sọ não, phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt. Cả một núi tiền. Gia đình chị chỉ trông vào mấy sào ruộng và đàn heo, thì chúng lại bị dịch lở mồm long móng. Đúng lúc đó anh đến hỏi cưới chị và hứa sẽ lo cho gia đình chị chu đáo. Anh nổi tiếng ở quê vì tự thân vận động, nhà nghèo, mồ côi cha mẹ sớm, nhờ chịu thương chịu khó, nuôi ba ba thành công nên nhà có của ăn của để. Ngày cưới cô dâu mặt buồn rười rượi nhưng vẫn xinh đẹp rạng ngời, bước bên cạnh chú rể đen đúa vì lao động nhiều. Lòng chị đau như cắt vì phải bỏ học, phải giã từ mối tình đầu với người bạn trai cùng lớp. Đêm tân hôn nằm bên chồng mà nước mắt chị giàn giụa nhớ tới người thương. 5 năm trời, hai đứa con ra đời nhưng chị vẫn hững hờ với anh. Bây giờ, khi cố nhìn xuyên bóng tối mịt mùng bủa vây xem có dấu hiệu gì là anh bơi về hay không, thì 5 năm vợ chồng như một cuốn phim cứ tua dần trong đầu chị. Cảnh anh chăm sóc kiêng cữ cho vợ suốt 2 lần sinh nở, cảnh anh đến bữa có miếng ngon đều nhường hết cho vợ con. Mang tiếng là con rể nhưng anh chăm sóc cha mẹ, em trai của chị còn hơn con ruột và anh ruột. Có lần anh nghe chị nói chuyện với bạn bè qua điện thoại rằng chị rất thích hoa hồng thế là vài ngày sau anh chở về một chậu hoa hồng to, để cạnh bậc thềm cho chị ngắm. Từ ngày lấy chồng đến giờ chị chỉ quanh quẩn ở nhà trông con, cơm nước chứ những việc đồng áng, nuôi ba ba là một tay anh làm hết. Gần Tết bao giờ anh cũng đưa tiền cho chị mang về biếu bố mẹ để ông bà sắm Tết. Vợ chồng đầu gối tay ấp, sống lâu bên nhau cái tình của anh cứ như dòng nước mát lay động tâm hồn chị. Chỉ đến lúc này chị mới hiểu rằng chị đã yêu anh từ lúc nào rồi. Đang chìm đắm trong những dòng suy nghĩ thì chị thấy phía xa xa có ánh đèn pin rồi có người chèo xuồng đi tới. Chị mừng quá vẫy tay rối rít. Tiếng chú Tâm đầu xóm cất lên: - Vợ thằng Hùng phụ chú khiêng chồng mày vào này. Nó xin được cả xuồng đồ ăn, bánh tét, cơm nắm, nước đóng chai nên nó dong đi chia cho bà con. Đến gần nhà chú nó bị cây gỗ đâm thẳng vào người nên bị choáng. Nước mắt chị giàn giụa, vừa ôm chặt cứng lấy anh vừa lẩm bẩm: - Anh ơi anh tỉnh lại đi, em và các con thương anh nhiều lắm! Đêm về khuya bọn lợn được ăn bữa no đã chìm vào trong giấc ngủ không còn rống rít nữa. Chị loay hoay vắt khăn mặt chườm cho anh vì dầm lâu trong nước anh bị sốt. Tuy mệt nhưng lòng anh như có hàng ngàn con chim nhảy múa ca hát. Lúc chị ôm ghì anh thốt lên những lời gan ruột, anh biết tình yêu của anh đã được đền đáp xứng đáng. Ngày trước khi anh hỏi cưới chị, ai cũng ngạc nhiên vì với tình cảnh nhà chị lúc đó ai dại gì ôm rơm cho rặm bụng. Mọi người đều không biết anh để ý chị từ lâu lắm rồi, khi còn là một cậu bé mồ côi ngày ngày dắt trâu qua nhà chị. Dù đang mải chơi với bạn bè thì cô bé con là chị bao giờ cũng dành cho anh nụ cười tỏa nắng. Anh biết vì hoàn cảnh gia đình mà chị phải nhận lời lấy anh, nhưng anh luôn thầm mong có một ngày chị sẽ mở lòng ra với mình. Chị thì thầm khẽ khàng: - Anh à! mấy bữa nữa nước rút không biết mình lấy gì mà sống đây. Trâu Bò chết hết, Ba Ba đi sạch, lúa và rau quả cũng tan tành hết rồi. Anh vuốt nhẹ tóc vợ: - Chỉ cần có em và các con bên cạnh là mọi chuyện sẽ ổn thôi. Chúng mình sẽ làm lại từ đầu. Ừ nhỉ, chỉ cần chúng mình có nhau! |