VietBest
10 rượu danh tiếng ở miền Tây - Printable Version

+- VietBest (https://vietbestforum.com)
+-- Forum: Main Room (https://vietbestforum.com/forum-1.html)
+--- Forum: Văn Hoá Việt Nam (https://vietbestforum.com/forum-35.html)
+--- Thread: 10 rượu danh tiếng ở miền Tây (/thread-24885.html)



10 rượu danh tiếng ở miền Tây - TNNA - 2024-01-09

Tự dưng do Trà nhắc rượu đế Gò Đen cho nên tìm hiểu thêm thì mới biết thêm mấy thứ loại trước đây chưa hề nghe bao giờ. Tết Nguyên Đán Giáp Thìn sắp tới mà có một chai thì tâm hồn chắc cũng bay bổng như rồng trên chín tầng mây.


Rượu Dừa – Bến Tre
Nhắc đến Bến Tre là nhắc đến một đặc sản không thể bỏ qua đó là Rượu Dừa Bến Tre. Rượu có vị ngọt thơm, đặc trưng của trái dừa quê, có chút nồng nàn nhưng cũng vô cùng thanh tao, dịu êm làm say đắm lòng người. Rượu dừa Bến Tre 100% không hóa chất, không chất bảo quản, được chế biến theo phương pháp cổ truyền.

[Image: top_10_ruou_mien_tay_noi_tieng_nhat-545x400.jpg]
Rượu Dừa

Rượu được bảo quản trong trái dừa còn nguyên vẹn. Bình rượu được thiết kế mộc mạc, vị dừa ngọt dịu đậm chất quê hương. Đến Bến Tre, du khách có cơ hội thưởng thức và lựa chọn rượu dừa làm món quà ý nghĩa dành tặng cho người thân và bạn bè.

Rượu Phú Lễ – Bến Tre
Rượu Phú Lễ của Bến Tre từ lâu đã nổi tiếng khắp cả nước và được công nhận là một trong tam đại tửu của miền Tây gồm:
  • Rượu Phú Lễ (Bến Tre)
  • Rượu Xuân Thạnh (Trà Vinh)
  • Rượu Gò Đen (Long An)
[Image: top_10_ruou_mien_tay_noi_tieng_nhat_1-480x400.jpg]
Rượu Phú Lễ – Rượu miền Tây nổi tiếng

Rượu Phú Lễ được sản xuất dựa trên cơ sở kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Rượu có hương vị chuẩn Việt, không gây đau đầu. Rượu Phú Lễ Bến Tre chắc chắn là đặc sản không thể bỏ lỡ của khách du lịch.


Rượu Gò Đen – Long An
Nói đến đặc sản Long An không thể không nhắc đến rượu đế Gò Đen. Đây là loại rượu có hương vị độc đáo, được nhiều người yêu thích. Loại rượu này gắn liền với địa danh Gò Đen, vùng đất nổi tiếng có nhiều lò nấu rượu. 
[Image: top_10_ruou_mien_tay_noi_tieng_nhat_2-600x350.jpg]
Rượu Gò Đen – Tam đại danh tửu miền Tây

Quá không hổ danh “mỹ tửu”, rượu Gò Đen hấp dẫn thực khách bởi hương vị đậm đà, chất men nồng kích thích mọi giác quan. Ai chưa quen thì nhâm nhi từ từ, còn đã quen rồi thì cứ nhấp từng ngụm mà thưởng thức.
Trải qua thăng trầm thời gian, hương vị rượu đế Gò Đen vẫn thơm ngon, nồng nàn và quyến rũ lòng người. Du khách đến Long An ai ai cũng muốn thưởng thức vài ngụm rồi mua về làm quà cho người thân và bạn bè.

Rượu Thốt Nốt – An Giang
Từ lâu rượu Thốt Nốt đã trở thành đặc sản nổi tiếng An Giang. Rượu thốt nốt đi vào lòng người dân bởi hương vị đậm đà, mộc mạc, dân dã. Chất men nhẹ kèm theo mùi hương thoang thoảng của thốt nốt tạo nên cảm giác thanh mát khi thưởng thức.

[Image: top_10_ruou_mien_tay_noi_tieng_nhat_3.jpg]
Rượu thốt nốt

Vị ngọt thanh của thốt nốt tạo nên vị ngọt nơi đầu lưỡi khi vừa chạm môi, xen lẫn chút vị chua phần hậu vị cùng độ cồn nhẹ tạo nên khoái cảm đặc biệt. Bạn vẫn có thể cảm nhận được hương thơm và vị của thốt nốt vô cùng rõ rệt dù đã trải qua quá trình lên men tự nhiên.
Du khách gần xa nếu có dịp đến trải nghiệm du lịch An Giang thì chớ vội về khi chưa kịp thưởng thức rượu thốt nốt đặc biệt trứ danh đặc sản An Giang nhé!

Rượu Sim – Phú Quốc 
Có dịp đến với Phú Quốc – Kiên Giang, bạn không thể bỏ qua loại rượu đặc biệt này. Quá trình nấu rượu sim vô cùng công phu, sim được chọn để ủ là sim rừng, áp dụng phương pháp lên men thủ công cùng công nghệ hiện đại đã tạo nên một loại rượu sim có hương vị thơm ngon ấn tượng.

[Image: top_10_ruou_mien_tay_noi_tieng_nhat_4-600x371.jpg]
Rượu Sim – Rượu miền Tây nổi tiếng

Rượu Sim là đặc sản miền Tây được nhiều du khách lựa chọn làm quà sau mỗi chuyến du lịch. Không chỉ là món quà nổi tiếng, rượu Sim Phú Quốc còn có nhiều công dụng hữu ích như đối với sức khoẻ như:
  • Kích thích tiêu hóa
  • Giảm đau nhức
  • Cải thiện tuần hoàn máu
  • Chống lão hóa
  • Giảm quá trình xơ vữa động mạch.
Rượu Sen – Đồng Tháp
Rượu sen Đồng Tháp được nấu theo phương pháp cổ truyền từ xa xưa, sử dụng củ sen, hạt sen, tim sen và gạo nếp với cùng một loại men chiết xuất từ bột sen.

[Image: top_10_ruou_mien_tay_noi_tieng_nhat_5-593x400.jpg]
Rượu Sen Đồng Tháp

Ngoài dùng để uống, rượu Sen còn rất tốt cho sức khỏe. Rượu sen Đồng Tháp có tác dụng làm giảm chứng hồi hộp, tiểu đêm, xuất tinh sớm, khí hư ở nữ giới và tỳ vị hư yếu. Uống khoảng 1-2 ly rượu sen mỗi ngày bạn sẽ thấy sức khỏe được cải thiện rõ rệt.

Rượu Mận – Cần Thơ
Rượu mận đặc sản Cần Thơ còn nổi tiếng với tên gọi thương hiệu Rượu Mận Sáu Tia. Rượu mận cũng trải qua quá trình lên men như các loại rượu trái cây khác, điểm đặc biệt nằm ở hương vị của loại mận hồng đào đá trứ danh miền Tây. Những trái mận được hái, nghiền nhỏ rồi ủ mạch nha theo công thức đặc biệt của ông Sáu Tia.

[Image: top_10_ruou_mien_tay_noi_tieng_nhat_9-492x400.jpg]
Rượu mận 6 Tia

Rượu tuyệt đối không pha tạp chất, hóa chất phụ gia, cồn nên càng để lâu càng ngon mà không bị hư. Chén rượu mận tráng đục có vị ngọt thanh của mận và hương thơm đặc trưng dễ dàng mê hoặc người thưởng thức.

Rượu Nhãn – Bạc Liêu
Rượu long nhãn Bạc Liêu được làm từ những trái nhãn thơm ngon, hòa quyện với rượu nếp và các vị thuốc bắc tạo nên vị ngọt thanh rất riêng. Không chỉ là loại rượu nâng ly trong các buổi họp mặt, đây còn là thức uống cực kỳ tốt cho sức khỏe, không gây nhức đầu khi uống.
[Image: top_10_ruou_mien_tay_noi_tieng_nhat_-560x400.jpg]
Rượu Nhãn – Rượu đặc sản miền Tây

Chất men nồng mang đến cho người uống cảm giác ấm áp khó tả. Đây cũng là thức uống được sử dụng trong các lễ, tế chính vì thế mà nó còn chứa đựng giá trị truyền thống.

Rượu trái Giác – Cà Mau
Rượu trái Giác là một loại rượu nổi tiếng được làm từ trái giác rừng nơi Đất Mũi – Cà Mau. Rượu sau khi lên men vẫn giữ được trọn vẹn những gì tinh túy nhất của trái giác rừng. Nếu uống nhiều rượu vào đêm hôm trước thì sáng hôm sau bạn sẽ cảm thấy rất mệt mỏi. Nhưng với rượu trái giác thì khác, dù đêm qua bạn uống say tí bỉ thì sáng hôm sau thức dậy vẫn rất thoải mái, không hề đau đầu hay khó chịu. 

[Image: top_10_ruou_mien_tay_noi_tieng_nhat_6-533x400.jpg]
Rượu trái Giác – Rượu đặc sản miền Tây

Ông bà ta có câu: “Khách tới nhà không trà cũng rượu”. Khi đến với Cà Mau, ngoài những giây phút hòa mình vào thiên nhiên, bạn còn được thưởng thức rượu trái giác – một đặc sản Cà Mau mà thiên nhiên ưu ái ban tặng.

Rượu Xuân Thạnh – Trà Vinh 
Rượu Xuân Thạnh là một trong 3 loại mỹ tửu nổi tiếng miền Tây. Rượu chủ yếu được làm từ gạo nếp truyền thống với 14 loại men rượu, 48 chủng nấm mốc và 35 chủng nấm men. Tất cả nguyên liệu được cho vào lọ đậy kín trong 3 ngày. Kế đến, người ta cho một lượng vừa đủ nước giếng làng Xuân Thạnh vào hũ rượu và ủ thêm 3 ngày.

[Image: top_10_ruou_mien_tay_noi_tieng_nhat_8-534x400.jpg]
Rượu Xuân Thạnh – Rượu đặc sản miền Tây

Sau đó đem chưng cất dưới ngọn lửa cháy đều. Trải qua quá trình lên men cầu kỳ, rượu Xuân Thạnh mang hương vị nồng nàn say đắm lòng người mà không loại rượu nào sánh được.

Lời kết 
Còn gì tuyệt vời hơn khi được quây quần bên bạn bè, gia đình và cùng nhau nhâm nhi những ly rượu đặc sản miền Tây thơm ngon, độc đáo này?

https://phichatphac.com/ruou-mien-tay-noi-tieng.html


RE: 10 rượu danh tiếng ở miền Tây - phai - 2024-01-09

Mấy ông thần tự hào địa phương chắc quảng cáo cho cố, ngon lành như vậy sao không đầu tư vào làm nhiều để xuất cảng mà phải rủ người ta về đó để uống hihi.
Xem mấy cha làm Hennessy, Remy Martin, Courvoisier hay Johnnie Walker, Macallan vv... kìa,  họ đâu có phải rủ bợm nhậu về đất nhà mấy chả để uống đâu  Wink  .

Trong 10 loại trên tôi có uống qua đế Gò Đen rồi. Nói chung thấy dễ uống hơn mấy loại đế thường và sau khi say tỉnh lại cũng đỡ nhức đầu hơn. Nói chung nó chỉ như vodka loại thường ở bên này.

 Nếu đem qua đây chào hàng mà ghi như vầy là đen đời Gò Đen luôn hihi .
[Image: Screenshot-2024-01-09-3-43-40-PM.png]


RE: 10 rượu danh tiếng ở miền Tây - TNNA - 2024-01-10

(2024-01-09, 08:10 PM)phai Wrote:  Nếu đem qua đây chào hàng mà ghi như vầy là đen đời Gò Đen luôn hihi .
[Image: Screenshot-2024-01-09-3-43-40-PM.png]

Ghi hai câu đó thì chỉ có nước bán cho các đệ tử Lưu Linh gốc Mít thôi, chứ còn nuôi mộng "đem chuông đi đánh xứ người" thì quên đi Tám hihi. Nhưng công nhận kiểu chai, hộp bây giờ nhìn cũng khg khác gì mấy chai rượu của phương Tây.


RE: 10 rượu danh tiếng ở miền Tây - phai - 2024-01-10

Xuân sắp về, đọc hay nói về rượu cũng là điều thú vị phải không? Vì những ngày đầu năm mà không có hương nồng của rượu hẳn mâm cỗ Tết cũng kém phần hào hứng.

Mới đọc bài sau bàn về rượu nên đem về đây góp thêm vào với thầy Nho:

"VĂN HÓA UỐNG RƯỢU" CỦA NGƯỜI VIỆT NAM XƯA VÀ NAY
Tác giả: Nam Sơn Trần Văn Chi

Chén vui nhớ buổi hôm nay
Chén mừng xin đợi ngày rày năm sau.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Thức uống của người Việt mình chỉ có Rượu và Trà.
Ngày xưa các nhà Nho mời rượu nhau gọi là “Chén tạc, chén thù”. Chủ rót rượu mời khách gọi là “tạc”, khách đáp lễ gọi là “thù”. Trong các cuộc vui có uống rượu, người xưa thường đọc thơ, bình thơ, nên có chữ “bầu rượu, túi thơ”.
Đua chi chén rượu câu thơ
Thuốc lào ngon nhạt, nước cờ thấp cao
(Nguyễn Trãi, Gia Huấn ca)

Ngày xưa rượu trước tiên dùng trong lễ nghi: vô tửu bất thành lễ.
Trong đời thường, rượu trong tiệc tùng, ăn uống, bạn bè gọi là nhậu.

Người đàn ông Việt Nam xưa nay tự cho rằng Nam vô tửu như kỳ vô phong, và lắm người tự hào mình là đệ tử của Lưu Linh, một nhân vật văn học nổi tiếng về tửu lượng.
[Lưu Linh: Người đời Tấn (210-270), quê đất Bái (nay thuộc Từ Châu, Giang Tô). Là một trong “Trúc Lâm thất hiền”: Kê Khang, Nguyễn Tích, Sơn Đào, Hướng Tú, Lưu Linh, Nguyễn Hàm, Vương Nhung.] Cho nên nói không sợ quá lời là rượu thuộc phạm trù văn hóa Việt Nam!
Việt Nam là dân tộc có truyền thống uống rượu. Người Việt Nam uống rượu khi ăn, mang ý nghĩa tương sinh hài hòa, thuận theo nguyên lý “âm dương phối triển” của Phương Đông.
Rượu Ta rượu Tây
Rượu ta – quốc tửu, là rượu trắng, nấu bằng gạo/nếp thơm, đựng trong chai, đậy nút bằng lá chuối, bằng nút “cặt bần”, không nhãn hiệu, không ghi nơi sản xuất.
Rượu trắng được chưng cất theo phương cách thủ công trong dân gian có từ lâu đời rồi. Nên sách Lãnh Nam trích Quái mới viết: “Dân ta lấy gạo làm rượu”; còn sứ thần nhà Tống đi sứ qua nước ta về có nói rằng: “Lê Hoàn vừa hát vừa uống rượu…” (Lê Hoàn là người đánh thắng giặc Tống, lên làm vua tức Lê Đại Hành 980-1005).
Theo giòng lịch sử, rượu ngon nổi tiếng của ta là rượu làng Vân (Bắc Ninh), Nguyên Xá (Thái Bình), Trương Xá (Hưng Yên), Nga Mi (Hà Tây), Quảng Xá (Thanh Hóa), Bắc Hà (Lào Kai), Kẻ Diên (Quảng Trị), Phụng Hiệp (Cần Thơ), Gò Đen (Long An), Củ Chi Hóc Môn ( Sài Gòn-Gia Định), vân vân.
Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, rượu Kim Long ở Hải Lăng, Quảng Trị ngon hơn hết.
Hiện nay Việt Nam có bốn loại rượu trắng ngon nổi tiếng là rượu làng Văn xứ Bắc, Kim Long ở Quảng Trị, Bàu Đá Bình Định và đế Gò Đen Long An.
[Tên gọi rượu đế trong Nam xuất xứ từ chuyện người dân giấu rượu lậu dưới cây đế, sợ Tàu Cáo phạt. Cây đế là một loài cây giống cỏ năn, cỏ lác, cỏ tranh, lau sậy… mọc cao khỏi đầu. Cây đế tên khoa học Saccharum spontaneum, có thân cứng nhỏ, lá dày cứng cắt rất đau, mọc thành bụi hoang có tốc độ mọc rất nhanh, có nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long.]
Rượu đế Gò Đen, Củ Chi còn gọi là nước mắt quê hương, nấu bằng nếp, có nồng độ cao.
Rượu đế được đánh giá là ngon nhứt phải trong vắt, rót sủi tăm bọt nhỏ lăn tăn, uống có mùi vị thơm, ngọt, cay, có độ cồn tương đối cao từ 39 đến hơn 45 độ, uống vô thấy êm dịu và không gây nhức đầu chóng mặt.
Theo dân gian ngày xưa rượu cho vào chai hạ thổ, chôn xuống đất 100 ngày có màu cánh kiến, uống ngon hơn rượu thường.
Rượu đế trong miền Nam thường uống trực tiếp, hay dùng ngâm với các loại thuốc Bắc thuốc Nam, theo các bài thuốc gia truyền nổi tiếng như Minh Mang toa.

Rượu đế ngâm động vật hoặc một phần của động vật được ưa chuộng như rắn, tắc kè, bìm bịp, hổ cốt, cá ngựa… Các loại động vật hầu hết được ngâm sống, sơ chế hay nấu chín. Rượu rắn Phụng Hiệp Cần Thơ có tiếng là ngon từ năm 1960 tới nay vẫn còn.
Khi người Pháp mới đến Việt Nam, họ cấp phép cho dân nấu rượu cổ truyền, khuyến khích người Việt uống rượu để thâu thuế.
Đến khi các nhà máy sản xuất rượu ra đời, Pháp ra lịnh cấm dân nấu rượu, ngừng cấp giấy phép nấu rượu gia đình, thành lập tổ chức gọi là “Tàu cáo”, một loại thanh tra thuế, chuyên đi bắt phạt dân nấu rượu.

Nhà có môn bài bán rượu của Công ty rượu Đông Dương (Société françaises des Distilleries de l’Indochine) treo bảng trước cửa có hai chữ “RA” (Régie d’Acool – Sở rượu).
Rượu của Công ty rượu Đông Dương, dân mình gọi là rượu Phông – Tên, bởi công ty do A.Fontaine thành lập năm 1901, rượu nầy nấu bằng gạo bắp lạt hơn rượu ta, nhưng giá cao 16 xu mỗi chai so với rượu ta chỉ có 14 xu.
Người Pháp mang vào Việt Nam ngoài súng đạn, còn có rượu chát.
Nhiều người mình bắt chước cách uống rượu Tây. Như rót rượu vào ly phải ở mức 1/2-2/3 ly để giữ được hương thơm của rượu, như khi uống rượu khai vị và rượu tráng miệng chỉ nên dùng với lượng vừa phải, vân vân.
Người Việt cũng học nguyên tắc dùng rượu Tây là “rượu nào thức ăn nấy”.
Như:
– Rượu chát đỏ: uống buổi tối thường là rượu nguyên chất không pha, đôi khi hơi chát, được dùng cho những bữa tiệc thịnh soạn hoặc với những thức ăn như thịt bò, thịt heo, thịt rừng, vịt, ngỗng và mì xào.

– Rượu chát trắng: nhẹ hơn và có vị thơm, có thể dùng nguyên chất, vị chát hoặc ngọt và rất thơm. Nên dùng rượu chát màu trắng với các loại thức ăn như: gà ta, gà tây, cá, tôm cua sò, thịt jambon và thịt bê.
– Rượu hồng: nhạt hơn rượu đỏ, có thể dùng nguyên chất hoặc được pha ngọt. Những rượu này dùng với jambon, gà nướng, tôm sò cua, thức ăn nhanh và những món ăn buffet.
– Rượu khai vị: dùng như rượu cocktail hoặc dùng trước bữa ăn để làm tăng thêm sự ngon miệng. Rượu cocktail nhẹ thường được làm từ trái cây.
– Rượu tráng miệng: dùng sau bữa ăn là mạnh hơn và ngọt hơn rượu dùng trong bữa chánh. Có thể chỉ dùng rượu này không hoặc dùng thêm với trái cây, bánh nướng, phô-mai tráng miệng, bánh cake hoặc bánh quy.
Lời chúc rượu
Việt Nam mình là dân tộc có truyền thống uống rượu nhưng lại có rất ít “lời những lời chúc rượu” như các nước Tây phương!
Lời chúc rượu theo tiếng Anh là toast, là những lời nói trước khi chạm ly và uống rượu trong những dịp lễ, những cuộc gặp gỡ chánh thức cũng như trong những cuộc vui trong đời sống thường.
Trong các buổi tiếp đón, chiêu đãi chánh thức, lời chúc thường được nói sau khi đã dùng món tráng miệng, thường là khoảng 10–15 phút sau khi buổi tiệc bắt đầu.
Thường thì chỉ nâng ly chớ không chạm. Nếu chạm ly thì đàn ông luôn để ly của mình thấp hơn ly của phụ nữ. Trong khi nghe lời chúc thì không nên nói chuyện, không rót rượu.
Người nói lời chúc thường là đứng, tất cả mọi người giữ ly rượu trong tay và cũng thường là đứng.

Phụ nữ, nếu không phải là cô dâu, thì thường là tiếp nhận lời chúc bằng cách mỉm cười, ngồi và đôi mắt nhìn xuống trong khi tất cả đều đứng.
Phụ nữ giữ ly rượu trong tay mình và chưa uống, nếu tất cả chưa uống hết. Làm ngược lại sẽ được coi là người không khiêm tốn, không biết cách uống rượu!
Những lời chúc rượu quan trọng phải hướng về những nhân vật quan trọng. Thông thường là uống hết 100 phần trăm. Trong những buổi tiệc long trọng, đôi khi người ta uống xong, ném ly vào đá hoặc ném xuống sàn nhà.
Nói chung, từ chối uống rượu để chúc cho ai đấy, được hiểu là thiếu tôn trọng đối với người đó.
Nếu một người không thể uống được thì cũng nên làm ra vẻ như mình đang uống. Nếu nâng ly nước lã thì không được nói lời chúc.

Chúc rượu tiếng Anh: Cheers!
Tiếng Pháp: Santé!
Nếu nói tiếng Việt thì thường người ta nói: Chúc sức khoẻ! Bình dân thì nói trăm phần trăm. Vô! Vô!…

Từ đâu mà có lời chúc rượu?
Lời chúc rượu có từ thời Hy Lạp cổ đại. Thuở đó người ta quan niệm rằng ăn uống- ẩm thực bao gồm cả ngũ quan là thị giác, xúc giác, vị giác, khứu giác và thính giác.
Thông thường khi ta uống rượu thì Màu rượu mắt đã nhìn, Mùi rượu mũi đã ngửi, Vị rượu lưỡi đã nếm, bàn tay Rờ ly rượu… nhưng Thanh rượu tai chưa nghe.
Thế là cần phải chạm ly/cốc để rượu phát ra âm thanh của nó.
Người ta còn nói rằng cùng một cái ly, nhưng với những loại rượu khác nhau, khi chạm ly ta sẽ nghe ra những “tiếng rượu nói” khác nhau! Không biết đúng vậy không?

Ngày nay, những lời chúc rượu không quá ư lịch thiệp, cao kỳ như người xưa nữa, mà thường là ngắn gọn hơn, hoặc là vui nhộn nhiều hơn.
Trong những cuộc vui, người nói lời chúc rượu có thể là đọc một câu thơ, một câu danh ngôn hoặc là kể một câu chuyện vui, một tình huống vui nhộn nào đấy để làm cái cớ bắt vào lời chúc.
Nói chung, tính chất nghiêm túc hay vui nhộn của lời chúc phụ thuộc vào tình huống của cuộc vui và đối tượng mà lời chúc hướng đến.
Việt Nam là dân tộc có truyền thống uống rượu lâu đời. Nhưng chúng ta không phải là dân tộc có truyền thống nói lời chúc rượu như Tây phương.
Dầu vậy từ xa xưa người Việt đã có câu “Chén tạc, chén thù”. Chủ chúc khách gọi là “tạc”, khách chúc đáp lễ gọi là “thù”.

Ngày nay hầu như tiệc tùng nào người Việt mình cũng đều có dùng rượu.
Khi chúc nhau người mình nói: Chúc sức khoẻ!

Người Miền Nam thì thường nói “Trăm phần trăm”. Hoặc vừa nâng ly vừa nói: Vô! Vô!…
Cung cách uống rượu kiểu nầy được cả nước hưởng ứng làm theo.


Nam Sơn Trần Văn Chi