Duy Liêm, họa sĩ của đại chúng (Phạm Công Luận) - Printable Version +- VietBest (https://vietbestforum.com) +-- Forum: Giải Trí và Nghệ Thuật / (Entertainment and Art) (https://vietbestforum.com/forum-42.html) +--- Forum: Truyện (https://vietbestforum.com/forum-61.html) +--- Thread: Duy Liêm, họa sĩ của đại chúng (Phạm Công Luận) (/thread-24031.html) |
Duy Liêm, họa sĩ của đại chúng (Phạm Công Luận) - schi - 2022-09-13 Sài Gòn có nhiều họa sĩ tên tuổi được báo chí nhắc đến, nhất là từ thập niên 60 trở về sau. Tranh của họ hiện diện trong các cuộc triển lãm sang trọng, các phòng khách lộng lẫy. Nhưng trong cuộc sống đời thường, có lẽ số người biết và thích tranh của Duy Liêm, một họa sĩ vẽ theo phong cách lập thể, chủ yếu vẽ tranh để in trên bìa nhạc và tạo mẫu sơn mài với số lượng khá lớn. Có thể nói, ông là một tài năng nghệ thuật riêng lẻ, đứng hẳn một góc đời và vẫn còn lấp lánh trong ký ức nhiều người Sài Gòn khi hồi tưởng về cuộc sống một thời ở thành phố này cách nay ngoài bốn mươi năm. Có người từng ví ông như là họa sĩ Katsushika Hokusai (Nhật Bản) của Việt Nam vì có cùng sự nghiệp sáng tác đồ sộ, tuy là tầm cỡ khác nhau nhưng đều gắn bó với đời sống của dân tộc mình và ảnh hưởng tới nền nghệ thuật đương thời. Duy Liêm Họa sĩ Duy Liêm tên thật là Trần Duy Liêm, sinh năm 1914 ở xứ biển Phan Thiết, là một người Công giáo. Hai đấng sinh thành của ông được nhiều người Phan Thiết biết đến là ông Trần Duy Hinh - một nhà tư sản và bà Trương Thị Hạnh - nữ hộ sinh có tiếng trong vùng. Ông có một người em là Trần Duy Chánh từng làm diễn viên chính trong phim “Trọn với tình” là một bộ phim sớm xuất hiện ở giai đoạn còn non trẻ của phim truyện Việt Nam vào thập niên 1930. Từ hồi còn trẻ, Duy Liêm đã bộc lộ khuynh hướng nghệ sĩ rất rõ. Ông vào Sài Gòn nhập học Trường Dạy vẽ Gia Ðịnh (Ecole de Dessin), khoa Hội họa trang trí, và tốt nghiệp năm 1937. Không chỉ thích mỹ thuật, ông còn thành thạo rất nhiều loại nhạc cụ như Violin, Accordeon, Banjolin, Guitar và cả đàn Tranh… Sau một thời gian sống với gia đình tại Phan Thiết, bản tính nghệ sĩ đưa ông tham gia hoạt động du ca và lang bạt khắp nơi. Ông hưởng ứng phong trào Tân Việt Nam của giới trí thức giữa thập niên 1940. Phong trào này có sự tham gia của các ông như Ðào Duy Anh, Phan Anh, Vũ Ðình Hòe, Nguyễn Văn Huyên v.v… Tại Hội An năm 1946, Duy Liêm gặp ca sĩ Cẩm Vân, tên thật là Phan Thị Dục - em họ giáo sư Phan Ngô - và lập gia đình với bà. Từ thời điểm 1946, chiến tranh Việt - Pháp lan rộng khắp đất nước. Ðang ở Bình Ðịnh, Duy Liêm ra Quảng Ngãi, đảm nhận việc vẽ giấy bạc tín phiếu cho cơ quan in tín phiếu Liên Khu V ở An Lão, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Ðịnh trong khoảng thời gian 1947-1948 và sinh cô con gái đầu lòng đặt tên là Duy Nga vào năm 1948. Năm 1949, ông chuyển sang làm cho Sở Thông tin của Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến Liên khu V Nguyễn Duy Trinh. Từ 1950 - 1951, ông gia nhập Trung đoàn 802 Quân Y, liên khu 5, xã Nghĩa Hành, huyện Ðức Phổ, Quảng Ngãi và tham gia ban văn nghệ bao gồm những nghệ sĩ nổi tiếng như Nguyễn Ðỗ Cung, Lê Trọng Nguyễn. Thời điểm đó, ông tá túc ở nhà ông Ðoàn Nhiệm, người Công giáo. Gia Đình Duy Liêm Thời điểm này, Quảng Ngãi tuy là tỉnh nghèo nhưng đời sống còn tương đối dễ thở. Nhờ có thể chăn nuôi gà vịt, trồng trọt, gia đình ông Duy Liêm sống ổn định. Sau một thời gian tham gia đoàn văn nghệ Liên khu 5, Duy Liêm trở về đời sống dân sự. Tuy vậy, cuộc sống dần khó khăn hơn vì gia đình đã có thêm cô con gái tên là Duy Mỹ vào năm 1951. Năm 1952, chiến tranh lan rộng ra khắp Liên khu V, Duy Liêm cùng vợ và người bạn là Ðinh Lân (anh của thi sĩ Ðinh Hùng) đưa hai con ra Hội An sống với gia đình ông Bùi Cam là bác họ của bà Duy Liêm. Sau 1954, ông Phan Ngô quyết định vào sống ở Sài Gòn, gia đình ông Duy Liêm cùng vào theo. Ở Sài Gòn, ông Phan Ngô mở trường học lấy tên là Tân Phương ở khu Xóm Gà - Gia Ðịnh và trường Văn Hiến ở đường Trần Quang Khải. Cũng từ khoảng thời gian này, nhạc sĩ Lê Mộng Bảo được ông Tăng Duyệt là Giám đốc Nhà xuất bản Tinh Hoa - Huế phái vào Sài Gòn mở chi nhánh Nhà xuất bản Tinh Hoa, gọi là Tinh Hoa Miền Nam, và mời Duy Liêm vẽ bìa nhạc cho Nhà xuất bản này. Ðồng thời ông vẽ bìa nhạc và bìa sách cho các Nhà xuất bản khác như An Phú, Minh Phát, Phạm Văn Tươi, Diên Hồng, Sống Mới, báo Phổ thông của Nguyễn Vỹ, Nhà xuất bản Ly Tao của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và tạp chí Sáng Dội Miền Nam v.v… Ðến năm 1956, Duy Liêm kéo theo “đệ tử” Phạm Cung, làm maquette cho tranh sơn mài, các vật dụng sơn mài, thảm… cho hãng Thành Lễ với tư cách là họa sĩ chánh. Ðây là một công ty mỹ nghệ danh tiếng nhất miền Nam thời đó, có sản phẩm được giải nhất Hội chợ Paris và các nơi khác trong nhiều năm liên tục. Ông đã góp phần quan trọng tạo nên tên tuổi của Công ty này. Sau hai năm làm ăn khấm khá, ông Duy Liêm mua một căn nhà ở khu cư xá Kiến Thiết ở đường Trần Quốc Tuấn, gần cầu Hang, Gò Vấp. Các bìa nhạc của Duy Liêm Với sức sáng tạo dồi dào, họa sĩ Duy Liêm miệt mài vẽ nhiều tranh cho bìa nhạc và sáng tác mẫu cho tranh sơn mài. Tác phẩm của ông với tính chất là tranh mẫu được in hay vẽ lại trên tranh sơn mài nên được phổ biến khắp nơi, có mặt trong nhiều gia đình từ 1937 đến 1990, tạo nên thị hiếu thẩm mỹ vô cùng rõ rệt cho người thưởng ngoạn. Ông không vẽ nhiều tranh sơn dầu và lụa nhưng có những tác phẩm tranh lụa được nhắc tới như các bức “Giấc Hè”, “Du Xuân”, “Hái sen”. Ðặc biệt, bức sơn dầu tựa đề “Nhạc Sầu” đoạt Giải nhất Ðông Nam Á năm 1954 tại Exposition ở Manille và được mua bởi ông Tổng thống nước ấy thời bấy giờ. Theo trí nhớ của bà Duy Liêm hiện còn sống tại Mỹ, lúc sinh tiền ông Duy Liêm có nhắc đến một bức tranh sơn dầu có tên “Chài lưới rạng đông” đã lấy giải thưởng cao nhất về hội họa tại Tokyo khoảng thời gian 1938-1939 và có nhận được một thư khen của Nhật hoàng. Sau năm 1975, họa sĩ Duy Liêm vẫn tiếp tục vẽ tranh tạo mẫu cho Cơ sở sơn mài Vietnam Export từ năm 1976. Khi ông Quân, Giám đốc cơ sở này ra nước ngoài, ông chuyển qua vẽ tranh tạo mẫu cho hãng tranh thêu Thu Hà và cho Công ty sơn mài Lam Sơn nổi tiếng một thời. Ðến năm 1994, họa sĩ Duy Liêm qua đời ở Việt Nam, di cốt hiện đặt tại nhà thờ Huyện Sĩ. Họa sĩ Phạm Cung cho biết tranh của Duy Liêm với phong cách lập thể rất được ưa chuộng những năm trước 1975. Nét vẽ của Duy Liêm độc đáo, không nhầm lẫn với bất cứ họa sĩ nào, sinh động và lột tả được tâm trạng nhân vật trong tác phẩm, tạo được cảm xúc của người xem bằng các nét vẽ gẫy khúc rất riêng biệt… Tuy nổi tiếng, Duy Liêm sống lặng lẽ như người ở ẩn, không tham gia triển lãm tranh, không thích tiếp xúc với đám đông và ít la cà kết bạn với giới báo chí, nên không mấy khi được nhắc đến. Trong cuốn sách “Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Ðại” (in tại Hoa Kỳ năm 2009) của nhà phê bình nghệ thuật Huỳnh Hữu Ủy, phần “Tiến vào nghệ thuật mới”, tác giả xếp họa sĩ Tạ Tỵ và Duy Liêm vào một nhóm. Theo tác giả Huỳnh Hữu Ủy, sau 1954 cho đến những năm 70 của thế kỷ trước, Duy Liêm đã rất thành công với trường phái “Lập thể Duy Liêm” trong đại chúng, xâm nhập mạnh mẽ vào trong cuộc sống hằng ngày của mọi giới. Ðặc biệt là các minh họa trên các bìa nhạc của các nhạc sĩ nổi tiếng như Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Hoàng Trọng, Nguyễn Hữu Thiết, Phạm Ðình Chương... và vẽ nhiều mẫu tranh độc đáo cho hãng Thành Lễ. Ông Huỳnh Hữu Ủy dẫn nguồn của ông Nhất Uyên trong một bài báo phỏng định là Duy Liêm đã để lại một số lượng rất lớn từ 40.000 đến 50.000 tác phẩm từ sơn mài, sơn dầu, lụa, gốm, thảm…, và khẳng định đó là một công trình đồ sộ không mấy họa sĩ đạt được. Theo ông Huỳnh Hữu Ủy, bên cạnh “tiếng nói của Tạ Tỵ có tiếng vang trong một mức độ cao thuộc các tầng lớp trí thức, các giới hoạt động Văn hóa nghệ thuật”, thì họa sĩ Duy Liêm “đưa được tiếng nói mới mẻ của nghệ thuật hiện đại trên bề rộng, đến với quần chúng khắp nơi”. Và ông khẳng định : “Chính ở điểm này, chúng ta phải công nhận một cách rất khách quan là họa sĩ Duy Liêm đã có công rất lớn trong việc nâng cao và hiện đại hóa cảm quan thẩm mỹ của đại chúng Việt Nam”. Những tác phẩm sứ do Duy Liêm vẽ mẫu Ông bà Duy Liêm có tới chín người con. Thừa hưởng tài hoa âm nhạc và mỹ thuật của cha mẹ, các con của ông bà đều thành đạt ở nước ngoài bằng các nghề nghiệp khác nhau trong các lĩnh vực như tâm lý học, kiến trúc, vi tính, điện, tài chính và nghệ thuật hoạt họa, nhưng hầu hết đều thích vẽ tranh, chơi nhạc và dạy đàn. Họa sĩ Phạm Cung, với tư cách là người đệ tử gần gũi với sư phụ Duy Liêm trong nhiều năm, từng cho rằng Duy Liêm là một tài năng đã bị lãng quên. Ðiều đó có phần đúng, có thể từ bản tính khép kín của ông và những đánh giá thiển cận cho rằng tranh Duy Liêm đa số gắn liền với mục đích thương mại, nên báo chí đương thời và sau này hầu như rất ít viết về ông. Dầu vậy, có một thực tế không thể phủ nhận là ký ức về tranh Duy Liêm trên tác phẩm sơn mài, bìa nhạc và bìa sách của người sống ở Sài Gòn trước 1975 luôn âm ỉ sống, mặc dù có thể họ không biết tác giả. Họa sĩ Duy Liêm, họa sĩ tiên phong đầy tài năng của hội họa lập thể tại Việt Nam, đã góp phần làm nên giá trị văn hóa trong đời sống tinh thần của Sài Gòn những năm tháng chưa xa lắm… Không hề bị lãng quên... PHẠM CÔNG LUẬN |