Trump nỗ lực lôi kéo Pence trong tuyệt vọng - Printable Version +- VietBest (https://vietbestforum.com) +-- Forum: Main Room (https://vietbestforum.com/forum-1.html) +--- Forum: Chính Trị (Politics) (https://vietbestforum.com/forum-10.html) +--- Thread: Trump nỗ lực lôi kéo Pence trong tuyệt vọng (/thread-20627.html) |
Trump nỗ lực lôi kéo Pence trong tuyệt vọng - Xí Xọn - 2020-12-25 Trump nỗ lực lôi kéo Pence trong tuyệt vọng
Tối 23/12, Trump chia sẻ lại trên Twitter lời kêu gọi Pence từ chối phê chuẩn kết quả bỏ phiếu đại cử tri, dù kịch bản này bất khả thi. Rudy Giuliani, luật sư riêng của Donald Trump, khi đó cũng ở cùng Tổng thống Mỹ trên chiếc Không lực Một đang trong hành trình đến dinh thự Mar-a-Lago tại Florida. Đây là nơi ông chủ Nhà Trắng cùng đội ngũ của mình dự kiến tiếp tục thảo luận về nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử trong kỳ nghỉ lễ. "Ông ấy vô cùng kiên quyết với mục tiêu chống lại đại cử tri đoàn. Ông ấy vẫn nghĩ mọi chuyện chưa ngã ngũ", một nguồn tin am hiểu vấn đề cho hay. Trump sau đó dành phần lớn đêm Giáng sinh để lên Twitter phàn nàn, bao gồm bài đăng trách móc các thượng nghị sĩ Cộng hòa với lời tuyên bố "không bao giờ quên" điều mà ông coi là sự từ bỏ của họ. Vài giờ trước khi lên đường đến Florida, Trump đã họp hơn một tiếng trong Phòng Bầu dục với Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, người gần đây bị ông chủ Nhà Trắng chỉ trích chưa dốc hết sức ủng hộ nỗ lực đảo ngược tình thế. Một nguồn tin giấu tên cho biết cuộc thảo luận này "không liên quan" đến dòng tweet kêu gọi Pence từ chối phê chuẩn kết quả phiếu đại cử tri, song không nói rõ liệu chủ đề về cuộc họp quốc hội ngày 6/1 có được hai người nêu ra hay không. Hai người sau đó đi nghỉ lễ ở hai địa điểm khác nhau. Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và "phó tướng" Mike Pence trong sự kiện tại một căn cứ quân sự ở bang Virginia hồi tháng 9/2019. Ảnh: AP.
Vài tuần qua, Pence gần như trở thành trung tâm trong những nỗ lực tuyệt vọng và hỗn loạn nhằm giữ ghế tại Nhà Trắng của Trump, bình luận viên Colby Itkowitz và Josh Dawsey của Washington Post nhận xét. Các nguồn tin cho biết Tổng thống Mỹ bày tỏ thắc mắc tại sao "phó tướng" của ông không thể lật ngược kết quả trong phiên kiểm phiếu đại cử tri ngày 6/1. Với tư cách là Chủ tịch Thượng viện, Pence chịu trách nhiệm chủ trì quá trình này. Tuy nhiên, các trợ lý Nhà Trắng và bản thân Pence được cho là đều đã cố giải thích với Trump rằng vai trò của Phó tổng thống Mỹ trong phiên kiểm phiếu hầu như chỉ mang tính hình thức. Theo hiến pháp, Pence chỉ có nhiệm vụ mở và kiểm đếm phiếu bầu, không phải xác định tính hợp pháp của chúng, không thể đơn phương bác bỏ phiếu của đại cử tri đoàn. Hồi đầu tuần, Pence cũng có mặt trong cuộc họp giữa Trump và một nhóm khá đông hạ nghị sĩ Cộng hòa bảo thủ, để thảo luận về khả năng thách thức kết quả bầu cử vào ngày 6/1. Bất chấp việc Pence đã nói rõ quyền hạn của mình, những người dự họp vẫn tự tin rằng sẽ có một nhóm nghị sĩ lưỡng viện đồng ý tham gia nỗ lực "lật kèo". Người dẫn đầu phương án này là hạ nghị sĩ bang Alabama Mo Brooks. "Câu hỏi không phải là có ai tham gia không, mà là bao nhiêu người", Brooks cho hay, nói thêm rằng họ sẽ tìm cách thách thức kết quả ở ít nhất 6 bang chiến trường và Phó tổng thống đã dự "những phần khác nhau" của buổi họp. Theo quy tắc trong Hiến pháp và Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri năm 1887, quá trình này có thể bị chặn lại, nếu một hạ nghị sĩ và một thượng nghị sĩ cùng nhau đệ trình văn bản phản đối việc kiểm phiếu của một bang. Khi đó, nghị sĩ hai viện sẽ họp tại hai phòng riêng, thảo luận về kiến nghị trong tối đa hai giờ. Vì vậy, việc thách thức kết quả tại 6 bang có thể cần tới 12 giờ tranh luận, chưa kể thời gian bỏ phiếu cho mỗi đơn kiến nghị, dẫn tới viễn cảnh phiên kiểm phiếu kéo dài đến hôm sau. Bên cạnh đó, cả hai viện đều phải đồng ý với văn bản phản đối kết quả, nếu không, kiến nghị sẽ thất bại. Do đó, khả năng thành công của nỗ lực "lật kèo" gần như bằng 0, bởi đảng Dân chủ đang kiểm soát hạ viện. "Trump có thể sẽ nói với Pence rằng 'cứ tuyên bố chúng ta đã tái đắc cử đi'. Nhưng một phần nghĩa vụ theo hiến pháp của Pence là chịu trách nhiệm. Việc giữ chức phó tổng thống không có nghĩa là có thể đe dọa nền tảng của các thể chế dân chủ Mỹ", Joel Goldstein, giáo sư tại khoa luật thuộc Đại học Saint Louis, nhận định. Trump dường như gần đây mới nhận ra vai trò đáng chú ý của Pence vào ngày 6/1 và đã hỏi các trợ lý, bao gồm cả Phó tổng thống, rằng có thể làm gì để ngăn chặn chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Ông chủ Nhà Trắng còn "nổi đóa" sau khi một nhóm có tên "Dự án Lincoln" cho chạy đoạn quảng cáo về việc Pence đang "bỏ rơi" cấp trên, các nguồn tin cho hay. Bất chấp sức ép từ Trump và những người ủng hộ Tổng thống, đội ngũ trợ lý tiết lộ Pence lại hy vọng vào một phiên kiểm phiếu đơn giản và lặng lẽ, không dự định tiến hành bất cứ kịch bản giật gân không cần thiết nào, nói thêm rằng ông đang nhắm tới một chuyến công du nước ngoài ngay sau đó. Phó tổng thống được cho là còn tìm cách che giấu rạn nứt trong quan hệ với Trump, đồng thời cố gắng tránh đề cập đến một số bình luận cực đoan của ông chủ Nhà Trắng. Văn phòng của Pence đang tham gia việc chuyển giao quyền lực cho chính quyền mới, trong khi Trump đứng ngoài quá trình này. Trong buổi nói chuyện với một nhóm thanh niên bảo thủ tại bang Florida hôm 22/12, Pence không đề cập trực tiếp đến vai trò sắp tới của ông, giữa tiếng hô vang những khẩu hiệu như "4 năm nữa" hay "Ngừng đánh cắp bầu cử". Phó tổng thống chỉ cam kết họ sẽ "tiếp tục chiến đấu đến khi mọi phiếu bầu hợp pháp được kiểm đếm" và "tất cả phiếu bất hợp pháp bị loại bỏ". "Hãy tiếp tục đấu tranh vì sự toàn vẹn của cuộc bầu cử. Hãy tiếp tục đấu tranh để bảo vệ tất cả những điều chúng ta đã làm được", Pence nói. Pence không phải phó tổng thống đầu tiên bị rơi vào thế khó, khi phải tuyên bố tân tổng thống với vai trò chủ tịch thượng viện. Sau cuộc bầu cử đầy tranh cãi năm 2000, Al Gore, người giữ chức phó tổng thống khi đó và cũng là ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, phải đến Đồi Capitol để xác nhận chiến thắng của đối thủ Cộng hòa George W. Bush. Sự kiện này được coi là một nỗ lực hàn gắn đất nước sau kỳ bầu cử xuất hiện đầy xung đột gay gắt, đồng thời tái khẳng định sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.
"Tôi nghĩ quyền hạn của Phó tổng thống thực sự rất hạn chế. Tuy nhiên, một trong những điều ông ấy có thể làm là sử dụng nó để đoàn kết đất nước, đồng thời nhấn mạnh thực tế rằng chúng ta tuân thủ thượng tôn pháp luật trong nền dân chủ", giáo sư Goldstein đánh giá. "Nếu thua cuộc, bạn nên chấp nhận và bước tiếp".
Ánh Ngọc (Theo CNN, Washington Post) vnexptess |