VietBest
Trong Mùa Dịch Covid-19 đọc lại Trăm Năm Cô Đơn - Printable Version

+- VietBest (https://vietbestforum.com)
+-- Forum: Giải Trí và Nghệ Thuật / (Entertainment and Art) (https://vietbestforum.com/forum-42.html)
+--- Forum: Thơ Văn (https://vietbestforum.com/forum-60.html)
+--- Thread: Trong Mùa Dịch Covid-19 đọc lại Trăm Năm Cô Đơn (/thread-17021.html)



Trong Mùa Dịch Covid-19 đọc lại Trăm Năm Cô Đơn - Mimo - 2020-04-14

Trong Mùa Dịch Covid-19 đọc lại Trăm Năm Cô Đơn
April 12, 2020

[Image: covid19.jpg]

Thuở còn đi học, lũ nam sinh chúng tôi thuộc loại thứ ba trong “nhất quỷ nhì ma” rất chăm học nên cuối tuần được vinh dự ‘cấm túc’ trong lớp ở nhà trường, không được viết văn mà viết vài trăm lần “Từ nay về sau em không dám phá phách trong lớp học”. Vài trang đầu tôi viết nghiêm chỉnh đúng câu, lặp đi lặp lại mãi cũng chán nên những trang sau với óc sáng tạo viết xen kẽ câu có chữ dám, câu không, bạn bè cũng toa rập như vậy. Khi thầy cô phát hiện, cuối tuần sau rủ nhau đến trường… Thời gian qua đi, những ngày xưa thân ái đó nay còn đâu!

Nay, giữa mùa dịch Covid-19 từ Trung Cộng lây lan sang xứ tạm dung Hoa Kỳ, bạn già cà-phê-cà-pháo không còn gặp nhau tán gẫu, đấu láo, ngoan ngoãn tự nguyện cấm túc. Đọc hết các tác phẩm của bạn văn gởi tặng. Xem TV mãi toàn tin chết chóc. Tờ báo đã hoàn tất nhưng tạm ngưng phát hành, không biết làm gì cho khuây khỏa nên viết.
Trong nỗi cô đơn, đọc lại Trăm Năm Cô Đơn bởi tựa đề hay quá, thích nghi với hiện tại. Chỉ vài tuần cô đơn cảm thấy chán ơi là chán, thử tưởng tượng cả thế kỷ mà đời người có mấy ai đại thọ được như vậy.
Trăm Năm Cô Đơn (One Hundred Years of Solitude – Cent Ans de Solitude) là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nhà văn người Colombia Gabriel Garcia Marquez (1928-2014). Tác phẩm dày bảy trăm trang do nhà xuất bản Sudamericana ấn hành lần đầu bằng tiếng Tây Ban Nha Trăm “Cien años de Soledad” vào năm 1967 tại Buenos Aires.
G.G Marquez đã ấn hành các tuyển tập (thời điểm trước năm 1975):
Con Mắt Củả Con Chó Xanh (Eyes of a Blue Dog) năm 1947
Trận Bão Lá (Leaf Storm) năm 1955
Không Ai Viết Thư Cho Ông Đại Tá (No One Writes to the Colonel) năm 1961
Đám Táng của Bà Má Lớn (Big Mama’s Funeral) năm 1962
Một Người Rất Già Với Các Cánh Lớn (A Very Old Man with Enormous Wings) năm 1968
Tiểu thuyết Vào Giờ Độc Ác (In Evil Hour) năm 1962…

Tên tuổi của ông không được nổi tiếng cho đến năm 1967 với kiệt tác Trăm Năm Cô Đơn (One Hundred Years of Solitude) ra đời.
Tác phẩm nầy đã được dịch ra gần bốn mươi thứ tiếng trên thế giới đánh giá tài hoa của nhà văn theo phong trào hiện thực huyền diệu (magical realism movement). Năm 1972, G.G Marquez lãnh giải thưởng Romulo Gallegos. Giải thưởng Romulo Gallegos ra đời năm 1967, mang tên của nhà văn Venezuela Romulo Gallegos, người từng làm tổng thống nước này trong năm 1948, và được chính phủ Venezuela xét tặng hai lần mỗi năm dành cho các tác phẩm viết bằng tiếng Tây Ban Nha.
Trước năm 1975 ở miền Nam Việt Nam có nhiều bài viết trên vài tạp chí về G.G Marquez nhưng chưa ấn hành tác phẩm nầy. Năm 1982 tác phẩm Trăm Năm Cô Đơn của G.G Marquez đươc Giải Thưởng Nobel Văn Chương Năm 1982, ở trong nước vẫn mù tịt.
Tháng Tư năm 2014, G.G Marquez qua đời, tưởng nhớ nhà văn, Công Tử Hà Đông (Hoàng Hải Thủy) đề cập đến chuyện dịch sách.
“Lần thứ nhất tôi cầm quyển “One Hundred Years of Solitude” của Gabriel Garcia Marquez, lần thứ nhất tôi biết tên ông. Truyện tiếng Anh, khoảng 800 trang chữ nhỏ. Nếu dịch trọn truyện bản chữ Việt phải ít nhất là 2000 trang. Nhà văn viết “One Hundred Years of Solitude” bằng tiếng Espagnole: Spanish – Tây Ban Nha, Y Pha Nho –  tác phẩm được dịch sang tiếng Anh…
Lẽ ra phải chọn “Trăm Năm Cô Đơn,” cái tên Việt tuyệt đúng với tên Anh, tôi ngớ ngẩn chọn “Trăm Năm Hiu Quạnh”. Ngớ ngẩn hết nước nói. Cảnh hiu quạnh, người cô đơn. Thay vì nói “Trăm Năm Cô Đơn” hay hơn, đúng hơn, Trùng Dương không nói, nàng để tôi chọn “Trăm Năm Hiu Quạnh”…
Trước khi dịch, tôi để hai đêm đọc “One Hundred Years..” Tôi mê mẩn vì truyện. Những lời văn Anh bay như Thơ, đẹp như Hoa, mịn như Lụa. Nghe tôi ca tụng, có người bảo: “Đọc nguyên bản tiếng Ét-ba-nhon còn hay, còn mê hơn nhiều.” Tôi mê mải dịch. Tôi dịch xong trong khoảng 60 ngày. Việc dịch “One Hundred…” làm tôi có cảm giác trong hai tháng tôi già đi mười tuổi. Nguyễn Đức Nhuận cho xếp chữ, làm thành bản in mẫu như quyển sách, khoảng 800 trang. Đưa đi Sở Phối Hợp Nghệ Thuật Bộ Thông Tin xin kiểm duyệt. Sách kiểm duyệt về, tôi xem thấy bị cắt khoảng 60 trang – toàn những đoạn tả Tình Dục tuyệt tuyệt – tôi nghĩ: “Truyện 800 trang, bị cắt 60 trang, như mất  một ngón tay. Được”…
Khoảng mười tháng sau Nguyễn Đức Nhuận (phụ trách nhà in Nhân Chủ của báo Sóng Thần) có giấy in thì Sở Phối Hợp Nghệ Thuật có lệnh mới: “Sách đã kiểm duyệt quá sáu tháng chưa in phải kiểm duyệt lại”. Lần thứ hai “Trăm Năm” đến Bộ Thông Tin chịu kiểm duyệt, rồi Nhuận bảo tôi:
“Trăm năm bị cấm, không cho xuất bản.”
Tôi hỏi tại sao, Nhuận nói:
“Hoàng Đức Nhã không cho xuất bản vì tác giả thân bọn cộng sản, chống chiến tranh Việt Nam, chống Mỹ, là bạn thân của Fidel Castro.”
“Trăm Năm Hiu Quạnh” bị chết khi chưa được chào đời. Tôi tiếc công tôi dịch. Nếu “Trăm Năm…” được in ngay sau lần kiểm duyệt đầu tiên.. Hay biết bao nhiêu.
… Tháng Tư 2014, Gabriel Garcia Marquez giã từ trần thế. Tôi viết bài này. Tôi ngậm ngùi tiếc “Trăm Năm Hiu Quạnh” không được chào đời ở Sài Gòn những năm đầu 1970; tôi tiếc công tôi dịch”.
Marquez ca tụng và bênh vực Fidel Castro, tán thành cả việc nhà độc tài nầy Castro xử tử, giam tù chung thân những văn nghệ sĩ Cuba đòi tự do, nhân quyền. Thái độ khuynh tả của Marquez không thể chấp nhận vào thời điểm đó ở miền Nam VN. Tuy tác phẩm Trăm Năm Cô Đơn vào lúc đó được đánh giá là là cuốn sách hay nhất trong năm và được giới phê bình văn học đánh giá là một trong 12 cuốn sách hay nhất trong thập niên 1960. Marquez cũng bị Mỹ cấm nhập cư (cho đến năm 1995).

* Cuộc đời nhà văn G.G Marquez trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm từ quê nhà đến khi xa xứ.
Garcia Marquez sinh ngày 6/3/1928 trong một gia đình nghèo, tại thị xã Aracataca trong tỉnh Magdalena, nước Colombia, Nam Mỹ. Đất nước nầy bị bất ổn trong cuộc tranh giành quyền lực nội bộ với nhau.
Garcia Marquez theo học ngành Luật Khoa và Báo Chí tại đại học Quốc Gia của thành phố Bogota và đại học Cartagena.
Khi còn đi học, năm 1948, ông bắt đầu vào nghề báo, thông tín viên nước ngoài cho tờ El Espectador, hầu hết các bài phóng sự ở thành phố Cartagena, Barranquilla và Bogota. Trong phóng sự điều tra của Maequez đăng lên báo, Tướng Gustavo Rojas Pinilla, nhà độc tài Colombia, ra lệnh bắt nên phải trốn sang châu Âu. Năm 1955 ông làm đặc phái viên cho tờ El Espectador ở Thụy Sĩ, khi đến Paris, tờ báo bị đình bản, không trở về nước, ở lại Paris ông làm đủ nghề để mưu sinh, kẻ cả nghề bán rượu lậu.
Năm 1960, Marquez đến Havana, Cuba làm phóng viên cho hãng thông tấn nhà nước Prensa Latina và trở thành bạn của Fidel Castro. Marquez có tham vọng viết văn nhưng ở đất nước không phải là môi trường sáng tác nên sang Mexico.
Gacia Marquez qua đời vì bị bệnh sưng phổi ở tuổi 87 vào ngày 17 tháng 4 năm 2014, tại thành phố Mexico, để lại một người vợ và 2 con trai.
G.G Marquez bắt đầu viết Trăm Năm Cô Đơn vào đầu năm 1965. Trước đó, ông chỉ là nhà báo, ấn hành số tác phẩm ít được quan tâm. Tháng 1 năm 1965, khi đang lái xe từ Thành phố Mexico tới khu nghỉ mát Acapulco, Marquez bỗng dừng xe và nói với vợ, bà Mercedes Barcha: “Anh đã tìm được giọng điệu rồi! Anh sẽ kể lại câu chuyện này với gương mặt khô cứng như gỗ của bà ngoại khi kể cho anh nghe những câu chuyện lạ, bắt đầu từ cái buổi chiều nọ khi đứa bé được bố đưa đi xem nước đá”.
Marquez gom được 5,000 USD tiết kiệm và bạn bè giúp đỡ để đưa cho vợ lo chi tiêu trong gia đình, còn ông đóng cửa viết trong 18 tháng. Khi cuốn sách hoàn thành cũng là lúc vợ ông cho biết gia đình đã nợ lên tới 10,000 USD. Để có tiền gửi bản thảo Marquez phải bán nốt một số vật dụng trong nhà để lo chi phí ấn hành…
Tác phẩm Trăm Năm Cô Đơn là chuyện kể tưởng tượng, hư cấu về dòng họ và ngôi làng họ sống ở Macondo, Columbia trải qua bảy đời, một trăm năm trong bối cảnh lịch sử của xứ sở nầy.
Câu chuyện lôi cuốn, hấp dẫn như Nghìn Lẽ Một Đêm (Alf Laylah wa – Laylah). Từng câu chuyện dân gian Ả Rập của nàng Sheherazade vừa huyền bí, thần thoại, cổ tích mang tính nhân bản. Ý nghĩa của từng câu chuyện có sự liên kết với nhau rất hấp dẫn
Tác phẩm Les Mille et Une Nuits của học giả pháp Antoine Galland (1646 – 1715) xuất bản từ 1704 đến 1717. Năm 1840, E.W. Lane và Richard Burton
dịch sang tiếng Anh The thousand and One Nights
Vua Ba Tư Chahrizar bị vợ phản bội nên oán ghét phụ nữ, mỗi đêm chọn một thiếu nữ làm vợ để rồi cho lính giết vào sáng hôm sau. Nàng Schéhérazade, con một quan đại thần, tự nguyện làm vợ vua. Mỗi đêm, nàng kể cho vua nghe một câu chuyện ly kỳ hấp dẫn, sao cho đến khi trời sáng chuyện vẫn còn dang dở, khiến vua phải hoãn việc giết nàng để đêm hôm sau còn được nghe nàng kể nốt đoạn tiếp. Cứ thế, chuyện đêm trước dính với chuyện đêm sau… Sau 1.001 đêm, vua được nàng cảm hóa, bỏ ý định giết phụ nữ, cưới nàng làm vợ.

Trở lại với tác phẩm Trăm Năm Cô Đơn, cũng như Kim Dung chỉ dựa vào vài nhân vật có trong bối cảnh lịch sử để tạo dựng tiểu thuyết kiếm hiệp, Marquez dựa trên ký ức bản thân về ngôi làng thời niên thiếu và vài nhân vật trong dòng tộc để tạo dựng thành tác phẩm. Các nhân vật của Kim Dung dễ nhớ và trở thành bút hiệu như Hư Trúc (Nguyên Sa), Kha Trấn Ác (Chu Tử), Kiều Phong (Lê Tất Điều), Hoàng Dược Sư (Đông Duy), Lão Ngoan Đồng (An Chi)… và tôi.
Trong tác phẩm Trăm Năm Cô Đơn với sáu mươi tên vật chính và phụ dài thòng, khó nhớ, tác giả lần lượt kể qua dòng họ với bảy thế hệ. Khó tóm lược tác phẩm nầy vì trải qua nhiều thời kỳ, thế hệ tiếp nối thế hệ khác qua từng nhân vật với 20 chương. Sơ lược qua các nhân vật trong bối cảnh tác phẩm:

Thế hệ thứ nhất
Macondo nằm sau rặng núi xa lạ xã hội bên ngoại. José Arcadio Buendía, cụ tổ của dòng họ Buendia, cùng vợ là Úrsula Iguarán sáng lập ra làng Macondo – tương tự như bộ tộc – đã sống và chứng kiến nhiều thế hệ con cháu sinh ra, lớn lên và chết đi. Vượt xa cả tuổi 100, cụ Úrsula Iguarán chết sau cơn lụt kéo dài, khi Macondo đang bước vào thời kỳ suy tàn.

Thế hệ thứ hai
José Arcadio, con cả của hai cụ, sinh ra trên đường khi mọi người đi lập làng Macondo. Sau khi đã 65 lần đi vòng quanh thế giới, José trở về Macondo với cơ thể đầy hình xăm. José cưới em nuôi là Rebecca rồi khi về già chết bí ẩn. José Arcadio là ân nhân cứu Đại Tá Aureliano Buendía khi bị đưa về Macondo để hành hình. Aureliano Buendía là nhân vật chính trong hai phần ba tác phẩm.
Aureliano Buendía ảnh hưởng từ cha, phát động 32 cuộc chiến tranh, trở thành tư lệnh các lực lượng vũ trang vùng duyên hải, chiến đấu cho phái tự do. Aureliano trở thành một kẻ độc tài, kiêu ngạo, hiếu chiến nhưng rồi khi thất sủng quay về xưởng kim hoàn, tiếp tục ngồi sản xuất những con cá vàng cho đến khi chết già.
Trong thời gian 32 cuộc chiến, Đại Tá Aureliano Buendía đã có 17 người con trai với 17 phụ nữ khác nhau mà với mỗi người chỉ trải qua một đêm. Đó là theo một tập quán, những bà mẹ gửi con gái mình đến ngủ với những chiến binh dũng cảm nhất như một biện pháp cải tạo giống nòi.
Remedios Moscote, vợ Buendía, con dâu chăm sóc cụ José Arcadio Buendía và nhận con của Aureliano Buendía và Pilar Ternera làm con đầu lòng của mình. Remedios chết không lâu sau khi cưới trong lúc đang mang thai; do uống phải ly cà phê có độc vốn được Amaranta pha để đầu độc Rebecca.
Rebecca, đứa trẻ mồ côi tới trở thành con nuôi của José Arcadio Buendía và Úrsula Iguarán, Rebecca lớn lên cùng Amaranta, tranh giành tình yêu của Amaranta với Pietro Crespi. Khi đám cưới sắp được tổ chức thì José Arcadio trở về và Rebecca trở thành vợ của José Arcadio. Sau cái chết của chồng, Rebecca tự giam hãm mình trong căn nhà gần nghĩa địa của hai vợ chồng cho tới khi chết vì tuổi già.

Thế hệ thứ ba
Arcadio là con trai của José Arcadio và Pilar Ternera nhưng không bao giờ biết thân thế của mình. Sau khi José Arcadio bỏ đi, Pilar Ternera sinh Arcadio rồi mang đến trả cho gia đình Buendía. Khi chiến tranh nổ ra, trước lúc đi, Aureliano Buendía đã để lại tại làng Macondo cho Arcadio. Arcadio trở thành kẻ độc tài hống hách, quản lý Macondo với một chế độ hà khắc. Arcadio lấy Santa Sofía de la Piedad và hai người có tất cả ba đứa con. Khi quân chính phủ về làng, Arcadio bị đem ra xử bắn.
Con trai của Pilar Ternera và Đại Tá Aureliano Buendía là Aureliano José lớn nên, được nuôi dạy bởi Amaranta và cậu ta đã có tình cảm với chính người cô ruột của mình. Sau một thời gian tham gia chiến tranh, Aureliano José trở lại Macondo và bị một sĩ quan bảo hoàng bắn chết trước cửa rạp hát trong một lần đi xem kịch.

Thế hệ thứ tư
Remedios là con gái của Arcadio và Santa Sofía de la Piedad. Nguyện vọng của Arcadio trước khi bị tử hình là con gái mình mang tên Úrsula. Thừa hưởng sắc đẹp của người mẹ, Remedios lợi dụng nhan sắc chết người, nhiều chàng trai si mê đã chết oan uổng vì cô.
José Arcadio Segundo và Aureliano Segundo là con song sinh của Arcadio và Santa Sofía de la Piedad. Khi hai anh em chết cùng lúc. Khi chôn, người ta đã lầm lẫn, chộn quan tài người này vào huyệt người kia.

Thế hệ thứ năm
Renata Remedios (Meme), con gái của Aureliano Segundo và Fernanda del Carpio. Sau một thời gian đi học xa, Meme trở về vào thời kỳ thịnh vượng nhất của Macondo. Meme hòa mình với cuộc sống và say mê Mauricio Babilonia, anh chàng học nghề cơ khí ở công ty. Tuy bị cha ngăn cản, hai người vẫn tiếp tục quan hệ cho tới khi Mauricio Babilonia bị bắn trong lúc trèo vào nhà tắm để gặp Meme. Bị mẹ đưa đến một tu viện, Meme chết sau khi sinh một đứa con trai.
José Arcadio, con trai của Aureliano Segundo và Fernanda del Carpio. Được nuôi lớn với ước vọng của cụ Úrsula Iguarán gia đình gửi sang Ý học. Sau thời gian sống nghèo khó ở Ý, José Arcadio trở về Macondo khi cả cha và mẹ đã chết, căn nhà chỉ còn Aureliano Babilonia sống. Tình cờ may mắn tìm lại được số vàng do những người lính gửi trong thời gian chiến tranh, José Arcadio tận hưởng một cuộc sống xa hoa. Cuối cùng, José Arcadio bị nhóm trẻ vẫn giao du cùng giết chết để chiếm số vàng.
Cô Amaranta Úrsula là con thứ ba của Aureliano Segundo và Fernanda del Carpio. Cô lớn lên cùng Aureliano Babilonia nhưng cả hai không biết mối quan hệ của họ với nhau. Khi sang Bỉ học, Amaranta kết hôn với Gastón. Sau khi Gastón trở lại châu Âu, Amaranta ở lại sống cùng Aureliano Babilonia. Thời kỳ này Macondo đã suy tàn. Do không biết mối quan hệ của mình, cô và Aureliano Babilonia yêu nhau và sinh một đứa con trai. Amaranta chết vì mất máu sau khi sinh.

Thế hệ thứ sáu
Aureliano Babilonia, con trai của Meme và Mauricio Babilonia. Mauricio Babilonia bị bắn khi treo vào nhà tắm tìm Meme. Còn Meme sau đó bị dẫn tới một tu viện và ở đó sinh hạ Aureliano Babilonia. Aureliano Babilonia được gửi về Macondo, lớn lên nhưng không biết gốc gác của mình. Sau cái chết của Fernanda del Carpio, rồi José Arcadio, Aureliano Babilonia sống một mình tới khi Amaranta và Gastón trở về. Vì không biết Amaranta chính là dì ruột của mình, hai người yêu nhau. Sau khi Amaranta chết khi sinh hạ, Aureliano Babilonia đọc được những bí mật ghi trên tấm da thuộc và biết được gốc gác của mình. Đó cũng là khi cơn lốc nhấn chìm toàn bộ làng Macondo.

Thế hệ thứ bảy
Aureliano là người cuối cùng của dòng họ, con trai của Amaranta và Aureliano Babilonia. Aureliano là đửa trẻ duy nhất được sinh ra bởi tình yêu trong suốt 100 năm của dòng họ Buendía. Amaranta Úrsula chết ngay sau khi sinh Aureliano. Aureliano Babilonia đau khổ bỏ quên Aureliano, rồi mải miết đọc các chữ ghi lại trên tấm da thuộc. Aureliano bị bỏ quên và bị kiến cắn cho đến chết.
Theo nhận xét của Phạm Văn Tuấn về Marquez thì giá trị của tác phẩm này không chỉ nằm trong cách dùng thể văn mới mẻ, hiện thực và ma thuật mà còn hàm chứa vẻ đẹp của ngôn ngữ Tây Ban Nha. Thể văn cô đọng, hoàn cảnh phức tạp của cốt truyện đã làm cho nhiều người phải nhớ tới đại văn hào William Faulkner của Hoa Kỳ.
Theo nhà văn Mario Vargas Llosa, Trăm Năm Năm Cô Đơn là tác phẩm nới rộng và phóng đại thứ thế giới đã được dựng nên bởi các cuốn truyện trước kia của tác giả” bởi vì qua tác phẩm này, Garcia Marquez đã pha trộn nhiều yếu tố của các câu chuyện viết ra vào thời trước, kể cả các câu chuyện ngụ ngôn trong Thánh Kinh, các kinh nghiệm cá nhân và các yếu tố của loại truyện giả tưởng của các nhà văn viết tiểu thuyết người Hoa Kỳ.
Cũng như Kim Dung, bối cảnh câu chuyện tuy hư nhưng tưởng chừng thật. Các nước Nam Mỹ vào thời điểm đó dưới thời kiểm soát của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, hầu hết cuộc sống xa thị thành như bộ lạc. Vì vậy, Marquez xây dựng cốt truyện lẫn lộn giữa ảo và thực. Lối hành văn giản dị dẫn dắt câu chuyện sinh động. Tác giả nói về thân phận con người, tranh giành, cấu xé nhau cả quyền lực và dục vọng… cuối cùng đối diện với cô đơn. Ảo ảnh cuộc đời là vậy.
Chủ thuyết hiện thực huyền ảo được dàn trải qua tác phẩm với ngôn ngữ diễn đạt cho kiếp người cõi ô trọc nầy cuối cùng rồi trở về cát bụi trong cô đơn.

* Nghe ca khúc Cô Đơn của Nguyễn Ánh 9 “Đã quen cô đơn rồi. Quen sống thế này thôi… Đã quen cô đơn rồi. Quen chỉ mỗi mình thôi” viết Trăm Năm Cô Đơn, hợp tình hợp lý.
Buổi tối, ngồi trong phòng với cái PC, bên ngoài trời mưa. Hiền thế thấy chồng vừa suy tư vừa gõ… Hỏi: Làm gì siêng vậy?. Đáp: Bị cấm túc nên siêng năng. Là nữ sinh, cô giáo mà không biết cấm túc là gì, thảo nào thuở đi học, cuối tuần bị cấm túc, chẳng có bóng hồng nào. Quá cô đơn. Hết ý!

Little Saigon, April 9/2020
Vương Trùng Dương
Cali Today News