VietBest
Linh Tinh - LTP - Printable Version

+- VietBest (https://vietbestforum.com)
+-- Forum: Miscellaneous (https://vietbestforum.com/forum-64.html)
+--- Forum: Du Lịch (Travel) / Địa Điểm Ăn Chơi (https://vietbestforum.com/forum-25.html)
+--- Thread: Linh Tinh - LTP (/thread-15584.html)



RE: Linh Tinh - LeThanhPhong - 2020-05-18

Lâu quá mới tạt vào Việt Nam Thư Quán đọc sách Khái Hưng.

Đội Mũ Lệch - Trang Sách Truyện Việt Nam thư quán

https://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvntn4n0ntn31n343tq83a3q3m3237nvn

Đội Mũ Lệch là một tập truyện ngắn khôi hài dí dỏm của Khái Hưng.  Sau đây là một trong những truyện ngắn nằm trong cuốn Đội Mũ Lệch.

Phá Cỗ


Thời ấy, con gái Hà thành còn đua nhau bày cỗ để khoe cái tay khéo nặn con giống, khéo gọt tỉa các thứ hoa bằng thu đủ. Nhất là những cô gái đến tuổi có cặp má dễ ửng đỏ trước đôi làn dương điện thì lại càng cần khoe lắm.

Ngày nay ta tự do hơn, trai gái thường được gặp nhau trò chuyện thì sự đo đắn cân nhắc trí thức của nhau có khó gì. Nhưng mười lăm, mười sáu năm về trước, các tiểu thư còn thẹn thò trong chốn phòng khuê, các công tử còn phải nhờ đến đến tay mụ mối để “dắp danh bắn sẻ” thì một bàn cỗ lộng lẫy hôm rằm tháng Tám gần như đứng ra giới thiệu cho hai bên.

Người con gái bày cỗ sẽ đem óc thông minh, tài mỹ thuật ra bài trí, người con trai sẽ ngắm cỗ bày mà đoán được trí tuệ của người kia đến bực nào. Ấy là chưa kể đôi bên còn được tự do (tự do trong hai đêm thôi, mười tư và rằm) trao đổi một vài ý kiến, một vài tư tưởng, ở trước mặt cha mẹ người con gái.

Năm ấy chúng tôi một bọn đương tuổi vui đùa, nghịch ngợm, tối hôm rằm tháng Tám rủ nhau đi phá cỗ. Xin nói ngay để những ai chưa từng nếm cái diễm phúc đi phá cỗ hiểu cho rằng đó không phải là thủ đoạn của bọn côn đồ vác gậy gộc đi phá phách, nhưng là cử chỉ rất tao nhã của bọn văn nhân, thi sĩ nhờ về tài biện luận (nói tán tỉnh cũng không sai nghĩa lắm) mà được hưởng cỗ của các cô trước khi có cái hy vọng chiếm trái tim các cô. Nói thế không phải là cổt để khoe rẳng chúng tôi là văn sĩ hay thi sĩ. Thực ra, chúng tôi chỉ là lũ học sinh “lém luốc”.

Nghe tiếng ở phố T..., nhà ông N..., một nhà giàu ngốt, có gái kén chồng, làm cỗ to ghê gớm (tôi nói cỗ đẹp), chúng tôi liền kéo nhau đến.

Quả lời đồn không sai. Nhà ông lang, một nếp nhà cao rộng đã biến thành một động... một động viên. Bao nhiêu các vị thuốc xấu xí nhường chỗ cho hàng trăm bông hoa đua nở trong hàng chục ngọn đèn điện.

Cố nhiên là chúng tôi khen. Trong bọn chúng tôi có anh Hướng, con nhà văn chương, khéo tìm được những câu cẩm tú để làm cho lời khen của anh thêm đậm đà, thêm có duyên. Cảm động, ông chủ cùng cô con gái ông mời chúng tôi phá cỗ, nghĩa là ông mời chúng tôi uống chè mạn sen và xơi bánh ngọt, xơi kẹo mứt chính tay “cháu” đã làm (hay mua ở phố hàng Đường thì cũng thế).

Giá tôi cứ lặng yên mà nuốt cho trôi cỗ thì cũng xong. Nhưng tôi lại muốn đền ơn cô em bằng những câu ca tụng không đâu khiến Hướng luôn luôn phải đưa mắt bảo tôi im đi.

Một lần tôi vừa nhai kẹo sìu vừa trỏ một chậu hồng mà khen rằng: “Chậu hồng này, cô làm khéo quá!” Cô kia đỏ ửng má lên mà nguýt dài tôi một cái, vì cho là tôi nói lỡm. Anh Hướng hiểu ngay rằng tôi lầm lỡ trông chậu hồng thực hóa giả, liền chữa thẹn cho tôi:

- Thế mới biết cô có đại tài, bày hoa hư hư thực thực như Gia Cát Lượng dàn thế trận trong đời Tam Quốc.

Cô ả và ông bố phổng mũi, cười. Từ đó, cô ta đem lòng yêu thầm anh Hướng và ghét tôi một cách độc địa. Dù tôi pha trò có duyên đến đâu, cô cũng giữ vẻ mặt nghiêm trang, còn anh Hướng chưa nói, cô đã chúm chím cặp môi son và lắng tai nghe rất là âu yếm, đến nỗi tôi sinh cáu và cố tìm dịp báo thù Hướng. Dịp ấy tôi tìm thấy, than ôi, lúc đã từ biệt ông lang và đã ra đến ngoài phố. Tôi bảo Hướng rằng:

- Cách bày cỗ của nhà ông lão lang và cô ả quả có vẻ thực thực hư hư như lời anh khen. Những hoa hồng giả làm khéo đến nỗi tôi tưởng là hoa thực. Nhưng là một đóa hoa giả, gọt khéo nhất thì anh quên nên không khen: đóa hoa ấy là cô con gái với bộ mặt bự phấn của cô ta. Thiết tưởng phải là hạng người ngu ngốc lắm mới tán tỉnh được, người thục nữ ấy.

Nói xong, tôi sung sướng hả cơn giận.

Rõ trẻ con: Mà trẻ con thực.


Hết: Phá cỗ , xem tiếp: Trong kỳ thi sơ học yếu lược



RE: Linh Tinh - LeThanhPhong - 2020-05-18

Trăng Suông

(Trích từ cuốn Đội Mũ Lệch của Khái Hưng)

Hôm ấy tôi đến thăm một người bạn cũ ở một làng nhỏ, làng Đoan Hạ thuộc huyện Thanh Thủy, tỉnh Hưng Hóa. Dân cư chỉ có bề dài chạy theo nẻo tả ngạn sông Đà. Bên kia sông Đà. Bên kia sông và xế về phía Đông nam núi Ba Vì đứng sững, đồ xộ, nguy nga.

Lúc bấy giờ đã gần tối. Mặt trời vừa lặn khuất ngọn Lưỡi Hai, bóng nằm dài, bắc qua sông. Tôi đi ven dòng nước, chỉ chực trượt chân vì trời nhá nhem mà bờ sông, đất phù sa, vừa cao vừa lở nhiều chỗ.

Đến cổng nhà bạn, một cái cổng tre xinh xắn, trông ngay ra sông, tôi lên tiếng thì một thằng bé con khoảng mười hai tuổi con vận tang phục chạy ra nói cha nó sang bên làng Hoàng Xa tử sáng và có lẽ hôm sau mới về.

Tôi buồn rầu, thất vọng, đứng ngẫm nghĩ, thì thằng bé, vẻ mặt thông minh, linh lợi, bàn với tôi một câu:

- Hay mời ông nghỉ lại nhà con một tối, mai thế nào thầy con cũng về.

Tôi hỏi:

- Bà Nhất có nhà không, em?

Nó ngơ ngác nhìn tôi rồi đáp:

- Mẹ con mất năm ngoái.

Tôi nhớ đến tang phục của nó.

Thằng bé đưa tôi lên nhà trên, rót nước mời tôi uống. Tôi mở va-li lấy tiền nhờ nó đi mua dùm vài cái bánh chưng ăn cho đỡ đói...

Mới vào khoảng chín, mười giờ làng xóm đã im phăng phắc. Thằng bé, con bạn tôi, cũng đã xuống nhà ngang ngủ từ lâu, một mình tôi ngồi đối ngọn đèn dầu tù mù xem sách.

Lúc mới đến, tôi đã để ý tới cái tủ sách sơn quang dầu của bạn đặt trên bàn thờ người vợ bày ở gian giữa. Tôi kéo cánh tủ lên thì mấy ngăn xếp chặt ních những sách cũ, đã bị mọt đục, dán nhấm nhiều chỗ; nào Đường thi, cổ văn, Tam quốc, Bắc sử, lại cả sách thuốc nữa.

Tôi toan đóng cửa tủ lại thì một con “ba đuôi” lớn chạy ẩn vào trong một quyển sách bìa đã nhàu, và bốn góc như bị dao cùn xén nham nhở. Tôi liền rút quyển sách ấy ra để giết chết loài rắn hại kia mà tôi vẫn ghét và sách của tôi ở nhà bị lũ đồng chủng của nó nhấm nát.

Rồi tôi tò mò mở sách ra xem thì đó là một bộ “Liễu trai chí dị” mười sáu quyền đóng làm một.

Hết một chuyện lại một chuyện, tôi đọc không biết chán, tuy chữ nhỏ khó xem và đèn tù mù. Tôi mê mải sống với bọn đạo sĩ, yêu tinh trong chuyện, hưởng những cuộc tình duyên mơ mộng, giữa những cảnh thần tiên êm đềm...

Tiếng gà gáy nửa đêm làm tôi giật mình, gập sách lại, tắt đèn toan đi ngủ. Nhưng lòng còn bâng khuâng nhớ cô Lý, cô Liên trong vườn Liễu, tai tôi còn vang dịp cười ròn rã của cô Ninh bên khóm bạch đào trổ bông tươi tốt. Thành thử tôi băn khoăn không sao yên giấc được.

Tôi liền chỗi dậy chống cái phên che cửa sổ chấn song tre, và ngồi đó nhìn ra sông. Trăng tròn có tán đã lên quá đỉnh đầu, và chiếu xuống trần gian một làn ánh sáng như có như không. Một làn sương mù chạy dài phủ khắp mặt nước như tấm lụa trắng hung bất tuyệt. Tiếng lá lau cọ vào nhau nghe lạt xạt. Bên kia sông, chòm núi Ba Vì nổi lềnh bềnh trên mây, ba ngọn nhọn hoắt và như bạt theo chiều gió.

Ngắm cảnh trăng suông, tôi mơ màng tưởng còn đương sống với những chuyện vừa đọc và tôi yên trí rằng không thể nào lại không có những cô yêu tinh diễm lệ chờ đợi, hẹn hò khách văn nhân đa tình, đa cảm.

Một con thuyền đi qua như lướt trong không. Ngọn lửa vàng nhợt nhạt chọc thủng màn sương. Phải chăng đó là thuyền đưa tiên tử xuống trần?

Thân thể mỏi mệt vì thức khuya, tôi đóng cửa sổ lên giường nằm. Song mắt tuy nhắm mà trí vẫn theo đuổi mộng dài đêm xuân.

Có lúc tôi thiếp đi độ mười phút, tức thì tôi thấy hiện ra trong ánh trăng suông đủ các nhân vật Liễu trai chí dị. Nhưng tôi tỉnh ngay và tự cười thầm cái lòng mơ mộng hão huyền của mình.

Bỗng nghe có tiếng động ở bàn thờ, như ai se sẽ lôi một vật gì.

Tôi nghĩ ngay đến cái tủ sách cũ mà có lẽ tôi quên chưa đóng cửa. Sợ chuột rủ nhau đến phá phách, tôi liền dậy đánh diêm thắp đèn xem lại...

Vừa soi xuống dưới bàn thờ, thì trong đó chui ra một người con gái, vận nâu sồng, đầu tóc bù rối. Người ấy đứng trân trân nhìn thẳng vào mặt tôi. Tôi đờ người ra, lưỡi díu lại, lắp bắp không ra hơi!

- Yêu tinh!

Cô kia mỉm một nụ cười bí mật, nửa như đùa, nửa như sợ, làm cho tôi rợn tóc gáy, rồi vừa lùi, vừa nhìn tôi sòng sọc, mắt không chớp, cặp mắt to đen láy, phản chiếu ánh đèn lấp lánh như mắt con cáo trắng, con bạch hồ ly.

Thật trong đời tôi chưa lần nào tôi kinh hãi như cái phút lặng lẽ ấy, và bây giờ kể lại chuyện, tôi còn trông thấy cái miệng cười huyền ảo, cặp mắt yêu quái nhìn đăm đăm.

Tôi ngây ngất, mướt mồ hôi, đứng như chôn chặt xuống đất. Cây đèn dầu cầm nghiêng ở tay đã tắt tự bao giờ mà tôi vẫn không hay.

Mãi nửa giờ sau, tôi mới hơi hoàn hồn và nghĩ đến thắp đèn. Tay tôi run lẩy bẩy đánh đến mười que diêm mới châm được bấc đèn cháy.

Một cánh cửa hé mở...

Và cái ví tiền để trong va-li, tôi không tìm thấy đâu nữa.




Hết: Trăng suông , xem tiếp: Bàn việc làng



RE: Linh Tinh - LeThanhPhong - 2020-05-18

Ba Nước Cờ

( từ cuốn Đội Mũ Lệch của Khái Hưng)

 Ngọc đến chơi nhà Kim thấy trên bàn có cái hộp Nhật Bản xinh xắn. Chàng cầm ngắm nghía khen ngợi nét vẽ, rồi mở ra xem: hộp đựng một quân cờ ngà đã lên nước.

- Trời ơi! Anh cao cờ lắm nhỉ?

Kim cười:

- Sao anh biết tôi cao cờ?

- Không cao mà lại chơi quân cờ ngà?

Ngọc đem kể cho bạn nghe câu chuyện cổ tích:

- Ngày xưa một tay danh kỳ có ba bộ quân cờ: bộ sừng để tiếp những khách đánh năm đồng (người ấy chỉ đấu cờ tiền), bộ xương để tiếp khách đánh mười đồng và bộ ngà để tiếp những ông khách đánh từ hai mươi đồng trở lên.

Kim lại cười:

- Vì thế mà anh biết tôi cao cờ đây?

Ngọc kể tiếp:

- “Một hôm có người đến xin đấu cờ. Người ấy nói chỉ mang theo đúng năm đồng, nhưng nếu chủ nhân ưng tiếp bằng bộ quân ngà thì xin hầu một ván, vì xưa nay chưa từng chơi quân sừng hay quân xương bao giờ.

Chủ nhân nghe nói biết khách là tay kỳ tài liền đem bộ quân ngà ra tiếp. Hai bên mới đi được ba nước, thì khách không nhìn tới bàn cờ nữa, ngửng lên hỏi thăm gia đình chủ nhân, rồi liên miên bàn về kỳ sử, kỳ trận, đến nỗi chủ nhân phải nhắc:

- Nhưng mời ngài đi...

Khách mỉm cười hỏi:

- Còn đi nữa kia à? Tưởng ngài biết rằng ngài thua rồi.

Chủ nhân xin vào nhà trong nghĩ lại. Loay hoay gần nửa ngày bàn tính với con, chàng ra xin chiu thua,

- Vâng, bốn mươi nước nữa, tôi sẽ bị thua về nước pháo bí.

Khách gật gù:

- Ngài tính được đến bốn mươi nước, kể đã khá lắm. Tính riết ra thì phải bốn mươi ba nước”.

Câu truyện cổ tích làm hai người cười ngất. Rồi Kim mời Ngọc đấu một ván cờ để đọ tài cao thấp.

- Vậy anh bảo đem bàn ra.

Ngọc yên trí rằng Kim đã có bộ quàn cờ ngà như thế kia, thì chắc chắn cái bàn cờ cũng chẳng phải là cái bàn cờ tầm thường. Nhưng chàng kinh ngạc biết bao khi thấy bạn mở ngăn kéo lấy ra một tờ giấy bìa mỏng gấp đôi mà nói rằng:

- Bàn cờ đây.

Những quân cờ ngà bày ra lên trên tờ bìa nâu trông không có một chút mỹ thuật nào.

Đi được ba nước - cũng đi được ba nước như trong câu chuyện cổ tích - Ngọc dừng cuộc đấu, ngừng lên bảo Kim:

- Sao anh chẳng sắm lấy một cái bàn cờ bằng gỗ lát, gỗ gụ, hay gỗ trắc chẳng hạn. Đánh bàn cờ giấy không những phí bộ quân ngà, mà lại mất hết cả nước cao.

Kim mỉm cười:

- Ấy, trước tôi vẫn có một cái bàn cờ bẳng gỗ gụ đẹp lắm.

- Thế bây giờ đâu?

- Tôi dùng làm mặt bàn ngủ rồi.

- Sao lại dùng bàn cờ làm mặt bàn ngủ? Anh thích ngủ hơn đánh cờ?

- Cũng chẳng thích hơn, nhưng vì một cớ quan trọng.

Ngọc tò mò hỏi:

- Có thể cho tôi biết cái cớ quan trọng ấy được không?

- “Sao lại không được. Có gì đâu. Một hôm tôi đến chơi anh Thuyết. Tới nhà không thấy Thuyết đâu. Nhưng dưới sập, nằm bên cạnh nhau hai đôi giầy, hai đôi giầy ta lớn nhỏ khác nhau.

Tôi ngẫm nghĩ: ‘Quái! Sao lại hai đôi giầy!’

Bỗng nghe có tiếng ‘huỵch huỵch’ ở sân sau. Tôi chạy vội ra.

Một cảnh tượng rất kinh dị, rất buồn cười, rất đau đớn, rất ngộ nghĩnh, rất hài hước hiện ra trước mắt tôi: hai người một tay dằng co cái bàn cờ, một tay giơ lên đấm vào đầu nhau.

Tôi đến gỡ ra thì là anh Thuyết và anh Ngôn.

Tôi hỏi:

- Các anh điên à?

Anh Thuyết vừa thở vừa đáp:

- Anh tính thế này thì có tức không. Mới ra quân được ba nước, tôi đặt lầm quân xe vào chân mã nó, chưa kịp buông tay lên nó đã vồ lấy, tôi không cho nó vồ, nó cầm bàn cờ phang tôi.

Ngôn không để cho Thuyết nói hết câu, cãi lại:

- Lại còn chưa buông tay ra. Đặt yên chỗ rồi, người ta mới chặt, lại còn bảo người ta vồ!

Tôi can một câu:

- Đánh cờ cần nước cao thấp, chứ sao lại cướp!

Thuyết được thể:

- Đấy, anh nghĩ có phải không?

Ngôn cãi:

- Thế ván trước, anh kém quân mà lừa chiếu tôi nước pháo bí, tôi chịu thua ngay, chứ có hượm anh đâu?

- Chiếu thua khác, bắt quân khác chứ!

- Khác thế nào? Cờ gì lại cờ hượm! Cờ gì lại cờ con khỉ thế!

Thuyết giật ngay cái bàn cờ ở tay tôi vừa phang bừa vừa thét:

- Anh bảo ai khỉ hở?

Nhưng anh Ngôn né mình về một bên, cái bàn cờ giáng mạnh xuống vai tôi. May mà chỉ đau thôi.

Bấy giờ hai nhà kỳ địch mới chịu hòa để cùng nhau xin lỗi tôi và lấy dầu long não bóp chỗ thương cho tôi.

Về đến nhà, tôi cất biệt ngay cái bàn cờ gụ của tôi đi. Rồi nhân một cái bàn ngủ đã mọt, lấy bàn cờ thay vào.

Vì thế mà hôm nay tôi chỉ được tiếp anh với cái bàn cờ giấy, tuy anh là một nhà danh kỳ, xin anh cũng lượng tình tha thứ cho”.

Ngọc vỗ tay cười. Kim cúi xuống bàn cờ, bảo bạn:

- Nhưng mời anh đi cho!

Ngọc vẻ mặt kinh ngạc:

- Còn đi nữa kia à?

- Chứ sao?

- Thế ra anh chưa biết anh thua.

Kim quên bẵng câu truyện cổ tích ban nãy, chau mày nói câu:

- Cờ này mà anh bảo tôi thua? Mới đi được ba nước, mà anh đã bảo tôi thua? Tôi lại cầm bàn cờ phang vào đầu cho anh mấy cái bây giờ!

Ngọc phá lên cười:

- May mà bàn cờ của anh chỉ còn là bàn cờ giấy!




Hết: Ba nước cờ , xem tiếp: Cờ điện thoại



RE: Linh Tinh - LeThanhPhong - 2020-05-19

Thoát

(Trích từ cuốn Đội Mũ Lệch của Khái Hưng)

Cái phiếu ấy số 695.014. Sở dĩ Linh nhớ lâu như thế là vì đã xảy ra cho Linh một câu chuyện hơi khó chịu.

Xưa nay Linh chưa từng mua một phiếu trong các cuộc xổ số lấy tiền cũng như trong các cuộc xổ số lấy đồ. Anh không tin ở số đỏ của anh, nhất anh lại bị một bác thầy tướng tán nịnh một câu đáng buồn là anh sẽ giầu nhưng chỉ nhờ về tài cán, chứ không hòng gì gặp may.

Biết bao lần thủng thỉnh trên hè phố hàng Ngang, hàng Đào, Linh thấy những tập phiếu vẽ màu, kẹp trong cái cặp gỗ, bày trên chiếc bàn con và sau bàn ngồi chồm chỗm một người đàn ông hay đàn bà mắt thao láo nhìn khách qua đường. Anh dửng dưng bước qua. Một đôi khi anh cũng tò mò ngắm một thiếu nữ xinh tươi đứng chọn mua lá phiếu, nhưng anh lưu ý đến thiếu nữ hơn là đến tập phiếu. Và anh mỉm cười nghĩ thầm: “Về tha hồ mà mong mỏi trúng số độc đắc!”

Nhưng một hôm mắt Linh để ý tới một con số trên một tập vé. Con số 695.014. Con số ấy chạy thẳng vào trí nhớ Linh, rồi không rời đi nữa. Linh cố quên cũng không được. Nó biến ra đủ các màu, từ màu nọ bật sang màu kia và nhảy múa ở trước mắt Linh.

Một tia hy vọng sáng lòe: Linh cảm thấy chắc chắn rằng phiếu 695.014 sẽ trúng số độc đắc! “Ừ! Có thể lắm chứ! Sao mọi hôm mình không để ý tới một con số nào mau chóng như thế?”

Thế là nhân trong ví có tiền, Linh trở lại để mua. Đến nơi và thấy phiếu số 695.014 vẫn còn bất giác Linh thốt ra một câu vui mừng: “May quá! Chưa ai mua mất!” Người đàn bà tưởng Linh khôi hài.

Trả tiền xong, Linh hối hận ngay: “Mình rõ ngốc! Bỗng dưng mất đồng bạc!” Như để tự trách. Linh mở quyển sổ nhật ký ra biên: “tiêu nhảm 1$00”. Và tiện tay chua luôn bên cạnh con số 695.014.

Rồi từ đó, Linh quên bẵng lá phiếu.




Sau gần hai tháng, một hôm một người bạn giữ Linh lại ở trước cửa Gô-đa để phàn nàn rằng kỳ này không mua được một số phiếu Đông Phảp nào, và nói tiếp:

- Phiền quá! Kỳ này lại xổ sáu vạn cơ chứ. Thế có chết tôi không!

Linh cười:

- Anh làm như anh đã trúng rồi không bằng. Bao giờ xổ số?

- Năm hôm nữa.

Linh cười càng to:

- Tưởng gì! Còn những năm hôm nữa thì làm gì chẳng có phiếu bán.

Người bạn chau mày nhìn Linh:

- Đây, tôi đưa anh một đồng hai, anh đi mua hộ tôi này. Anh phải biết, tôi đã lùng khắp các phố Hà Nội. Bói cũng không ra một phiếu.

- Được rồi, anh cứ đưa đồng hai đây.

Vừa nói Linh vừa mở ví:

- Tôi để lại cho anh một phiếu.

Sự thực Linh chỉ có một phiếu độc nhất... độc nhất trong đời anh. Người bạn hớn hở:

- Thế thì còn nói gì nữa! Anh để lại cho tôi một một phiếu thực nhé?

- Lại chả thực!

Nhưng moi hết các ngăn ví, Linh chẳng thấy số Đông Pháp đâu:

- Thôi đen cho anh quá rồi, tôi để ở nhà mất rồi!

Người bạn buồn rầu bỏ tờ giấy bạc vào túi, rồi bắt tay Linh, nói:

- Tôi phải lùng mua cho kỳ được một phiếu mới nghe.

Linh nhún vai mỉm cười:

- Sao lại có người ngốc đến thế? Bỏ đồng bạc ra mua cái mơ ước mà cũng phải chật vật, vất vả, khốn khổ!



Về nhà, Linh mở ví ra lục lại một lần nữa, vẫn không thấy lá phiếu đâu. Anh chống tay vào cằm ngồi nhớ lại: “Rõ ràng hôm ấy mình bỏ vào ví... Phải, hôm ấy mình qua hàng Đào... Ra đến bờ hồ, mình quay lại mua, vì con số ấy... vì bị con số ấy ám ảnh... con số, phải rồi con số 6.9.5.01.4 mà mình đã ghi cẩn thận... đây”.

Linh mở quyển sổ nhật ký ra xem lại và thầm reo: “Đích rồi! Đích rồi 6.9.5.0.1.4 rồi!”

Sau khi mất công lục lại hết các ngăn kéo trong gần nửa giờ. Linh mỉm cười tự hỏi: “Mình cũng lẩn thẩn như cái anh chạy khắp các xó Hà Nội để mua một số phiếu Đông Pháp!... Cứ coi như đã không mua gì cả là xong!”

Và Linh nghĩ tiếp: “Phải, số mình không gặp may bao giờ, sao lại đi mua phiếu mua phiếc làm gì! Rõ phí tiền! Mua thì cũng không trúng cơ mà!”

Thế là Linh bình tĩnh đi làm việc.

Nhưng chỉ bình tĩnh độ nửa giờ. Cái con số 695.014 vẫn hiện ra ám ảnh không thôi đến nỗi anh mở hết các sách ra xem có gập vào đó không. Giữa lúc ấy một người bạn đến chơi. Thấy sách vứt bề bộn trên bàn, trên ghế ngựa, bạn hỏi:

- Tra cứu gì mà ghê gớm thế này?

Linh bẽn lẽn:

- À... tôi tìm một cái...

- Một cái “date” phải không?

Linh cười:

- Phải tôi tìm một số... số 695.014.

Bạn cũng cười:

- Con số gì mà dài thế?

Người bạn đi khỏi, Linh ngồi im lặng ngẫm nghĩ. Đó là một vật không nhớ cất ở đâu. Sau nửa giờ tĩnh tọa, Linh kết luận: “Chắc khi mình mở ví lấy tiền đánh rớt... Thôi thế là xong, nhất định không nghĩ đến nữa”.

Nhưng không thể không nghĩ đến được. Linh tự trách: “Không mua thì thôi, chứ mua mà không trúng thì không thiệt một món tiền lớn còn bị người ta cười cho nữa!”



 
Qua một ngày. Một ngày khó chịu cho Linh, khó chịu không phải vì không đành lòng bỏ hẵng đi được. Thỉnh thoảng cứ phải tìm tòi chỗ nọ chỗ kia: “Y như một thằng điên!” Linh nghĩ thầm và tự ví với anh chàng phó may suốt ngày đập chiếu để tìm kim.

Buổi chiều Linh bỗng nảy ra một ý tưởng: trình cẩm. Có lẽ Linh định trình thế cho xong chuyện để khỏi phải loay hoay đến cái phiếu nữa. Linh hầu quả quyết ra đi thì lại thấy cái ý tưởng ấy gàn dở: “Trình cấm thì khi trúng số độc đắc liệu mình có lĩnh được sáu vạn không?”

Linh bật cười to và nhất định không đi trình báo gì hết. Rồi anh đem câu chuyện mất phiếu kể cho các bạn nghe cốt để ngầm hỏi ý kiến. Một người bảo Linh:

- Trình cẩm là phải!

- Để làm gì?

- Để nếu mình có trúng số thì cái thằng xoáy lá phiếu của mình không lĩnh được tiền. Tội gì lại đi làm cỗ sẵn cho nó xơi.

Linh như tỉnh ngộ. Phải, tội gì lại đi làm cỗ sẵn cho nó ăn, và Linh quả quyết đi trình cẩm.

Nhưng hết ngày ấy lại qua ngày nữa, Linh vẫn chẳng làm gì cả. Không phải là Linh quên lá phiếu. Còn quên sao được! Hơn thế, Linh mất cả bình tĩnh, thỉnh thoảng lại bỏ dở công việc đi tìm quanh quẩn trong một lúc lâu. Linh không đi trình cẩm là vì Linh vốn có tính lười biếng và do dự mà thôi.




Còn có một hôm nữa, ba tờ báo hàng ngày đều nhắc tới ngày quan trọng ấy: “Chín giờ sáng mai sẽ có xổ số Đông Pháp bộ thứ tư, lần thứ nhất. Nửa giờ sau, bản báo sẽ phát hành cùng với một trang phụ trương xổ số”.

Linh chau may, cáu kỉnh: “Vô lý!” Chẳng hiểu rằng anh tự mắng anh vô lý hay anh cho cái tin trong báo kia là vô lý. Rồi như chợt nhớ ra. Linh kêu: “Chết chửa! Mình vẫn chưa đi trình cẩm! Thôi, chiều nay thì nhất định không quên nữa!”

Buổi chiều quả nhiên Linh không quên. Nhưng anh vẫn không quyết đoán, nhất lại thấy việc ấy phiền phức mà không quan hệ lắm. Mãi năm giờ, anh sắp sửa ra đi thì gặp bạn đến chơi, ngồi chuyện gẫu cho đến bảy giờ rưỡi, giờ ăn cơm.

Sáng hôm sau, Linh dậy muộn, vì tối trước thức khuya. Mấy hôm ròng những loay hoay đi tìm phiếu Đông Pháp, anh bỏ dở cả công việc, nên nay phải làm gấp cho kịp.

Anh mệt nhọc ngồi rũ, như còn muốn ngủ lại. Bỗng tiếng chuông đồng hồ nhà bên cạnh làm anh giật mình, tỉnh hẳn. Xem lại đồng hồ con, anh tự hỏi: “Mười giờ?” Và anh chợt nhớ tới ngày xổ số: “Họ đã bắt đầu rồi! Bắt đầu một giờ rồi!”

Linh băn khoăn: “Nếu trúng, thì thực chết mình!” và hết sức mong mỏi cho con sõ 695.014 không trúng từ sáu vạn trở xuống đến mười. Anh cười lên tiếng nghĩ tiếp: “Xưa nay mua số mà mong không trúng dễ mới có mình là một”.

Thì giờ chờ đợi đi rất chậm. Ngóng tin sốt cả ruột mà vẫn chưa có báo bán. Mãi lúc Linh đương ăn cơm mới nghe tiếng rao: “Báo Trung bắc xổ số Đông pháp ơ!”

Linh đặt vội bát đũa xuống, chạy ra cửa sổ gọi: “Trung bắc! Trung bắc!

Tờ báo vừa mở ra, Linh rút ngay lấy tờ phụ trương. Và một câu reo mừng thốt ra: “Không trúng số độc đắc rồi! May quá!... Cả số ba vạn nữa! Ừ, có thế chứ!”

Rồi Linh xem ngược từ dưới trở lên, lòng hồi hộp, đầu nóng bừng, miệng lẩm bẩm: “Sáu nghìn không... bốn nghìn không... một nghìn cũng không... năm trăm... năm trăm cũng không nốt”.

Tới đây tâm trí Linh trở nên xao xuyến. Vì lãnh cho những số một trăm không đáng kể, dẫu có trúng cũng không tiếc.

Nhưng không trúng một số nào. Linh vứt tờ báo xuống đất thở ra khoan khoái cười nói:

- Thoát!




Hết: Thoát , xem tiếp: Chơi ô-tô



RE: Linh Tinh - LeThanhPhong - 2020-05-19

Chơi Ô Tô

(Trích từ cuốn Đội Mũ Lệch của Khái Hưng)

Mua xe

Ông giáo Quý về vui vẻ bảo vợ:

- Mợ ạ, mua xong rồi.

Vợ tuy trong lòng hớn hở vui mừng, nhưng còn hơi tỏ vẻ do dự lo lắng:

- Mua hấp tấp thế sợ hớ chăng?

Chồng cười:

- Hấp tấp! Nửa tháng trời mới mua xong cái ô-tô lại còn kêu hấp tấp!

- Vậy ba trăm đấy chứ?

- Ba trăm bốn mươi đồng. Không thể hạ được nữa.

- Đấy cậu coi, gần ba trăm rưỡi bạc thì rẻ nỗi gì! Cậu đừng vội vàng nóng nảy, cứ vờ như không thiết mua mà để dềnh dàng độ một hai tuần lễ nữa thì làm gì không bớt được thêm vài chục. Nhưng ông giáo tôi còn muốn có xe diện ngay cơ.

Nghe vợ mỉa mai, chồng cáu:

- Không mua nữa vậy. Tôi cũng chưa trả tiền, mà ông nghị ông ấy cũng chưa làm văn tự kia mà.

Vợ sợ chồng không mua thực, nói chữa:

- Ấy tôi cũng bàn với cậu một câu, còn sự mua bán là tùy ở cậu chứ.

Chồng được thể:

- Hừ bàn một câu! Bàn một câu mà như mắng vào mặt người ta ấy à? Thòi không mua nữa!

Vợ dỗi lại:

- Không mua thì thôi cần gì? Tưởng ngưòi ta thèm khát đi ô-tô lắm đấy!

Kể mọi lần câu chuyện cãi cọ xuềnh xoàng như rứa có thể kéo dài hàng giờ và nhiều khi trở nên cái cớ bỏ cơm, nhức đầu đau bụng, đau bão, đau ngực đủ thứ của bà vợ. Nhưng lần này đã có cái ô-tô làm lành hộ hai người, nên chỉ mười phút sau cả hai cùng cười xòa. Vợ âu yếm nhìn chồng, chồng sung sướng thuật lại cho vợ nghe câu chuyện mua xe:

- Cái xe ấy, tuy ông ta mua đã ba năm nay, nhưng ông ta có đi đâu mấy khi, chỉ thỉnh thoảng mới lên Hà Nội một chuyến. Mà mợ đã biết tính cẩn thận của ông ta đấy, giữ gìn cái xe như người ta nâng niu cái lọ cổ, may màn cho xe...

Vợ phì cười ngắt lời:

- Sợ muỗi đốt xe à?

- Không, để che bụi cho xe chứ. Lại được cái này nữa: là anh tài xế của ông ta cầm lái rất nương nhẹ, chả dám cho đi mau bao giờ.

Rồi Quý kể riêng từng đức tính một của cái xe mà chàng đã nhờ bác tài Linh rất giỏi máy móc đến xem hộ. Nào điện còn tốt nguyên, ma-nhê-tô mới thay, nào máy chưa “đề mông tê”, nào đỡ tốn dầu, đỡ tốn xăng, nhíp êm, mới lại kèm một bánh sơ-cua. Trong câu chuyện khoe khoang, chàng dùng toàn tiếng chuyên môn, lộn xộn những chữ “gíc lơ, cam, pi-nhông, rớt-xo, pít-tông, xi-lanh, rông-đen, ba-đia-réc-xông, vô-lăng” vân vân... làm như vợ có thể hiểu được tất cả những chữ kỳ quái ấy. Dẫu sao bà vợ vẫn lấy làm phục ông chồng lắm, nhất ông chồng lại cầm được lái ô-tô, như thế mỗi tháng đỡ tốn được đến hai, ba chục bạc lương tài xế chứ có phải ít đâu.

Sự sung sướng thường làm cho ta nghĩ đến cảnh khổ sở của người khác. Vợ phàn nàn!

- Chẳng biết vì sao ông nghị Xang lại phải bán xe thế nhỉ?

Chồng thì thầm:

- Nghe đâu để lo một ghế trị sự trị xiếc gì trong viện đấy mà! Rõ xuẩn ngốc!

Vợ nguýt một cái:

- Người ta không xuẩn ngốc thì mình đã chẳng mua rẻ được xe ô-tô của người ta.

Ông giáo gật gù:

- Kễ cũng đáng thương! Nhưng mình chẳng mua người khác cũng mua. Mà thực vậy, mợ ạ, chỉ một suýt nữa thì lão hàn Bảng mua tranh mất thôi. Tôi phải bắt ông nghị làm văn tự ngay.

- Vậy ra cậu trả tiền rồi?

- Trả rồi!

- Thế mà nãy lại bảo chưa.

- Trêu mợ một tí thôi đấy chứ, anh tài Linh sắp đánh ô-tô về bây giờ.

Vợ giẫy nẩy:

- Chết! Cậu thuê tài xế đấy à? Trời ơi, tiền đâu mà trả mỗi thảng hàng mấy chục bạc? Thôi, chẳng ô-tô thì đừng ô-tô.

Chồng chau mày:

- Làm gì mà sợ kêu rống lên thế? Người ta nhờ anh ấy đánh xe về đây hộ thôi mà.

Vợ cười xin lỗi. Rồi hai người đứng cửa chờ.


Thử xe


Một lát sau có tiếng kèn ô-tô kêu như tiếng dê gọi mẹ. Quý nhìn vợ, cảm động:

- Đấy!

Quả một cái xe bốn chỗ ngồi đến đậu giữa cửa sau khi cái hãm rít lên một tiếng ghê sợ và cái thân xe rùng lên một cái như người yếu gặp luồng gió lạnh.

Chàng vội trỏ xe bảo vợ:

- Mợ coi, còn khá lắm. Chỉ quét qua một nước sơn là như mới vậy.

Thực ra cái màu “vô danh” cũng làm mất vẻ chững chạc, bề thế của chiếc xe, dù nó là chiếc xe ô-tô. Màu ấy trước kia có lẽ là màu xanh bụi bám lâu ngày, đã mờ xạm hẳn đi. Lại thêm một vài chỗ bong mất mảng sơn phủ ngoài để lộ cái cốt đen bên trong ra, trông như những mụn loét sâu quảng ở chân một người ốm yếu, nước da xanh bủng.

Quý chạy vội ra đường. Vợ cũng chạy theo. Thằng Phủ vỗ tay reo gọi em gái:

- Mai ơi, ra xem ô-tô mới của cậu. Ô-tô đẹp quá!

Chúng nó bảo mẹ mở cửa xe cho chúng nó lên ngồi. Nhưng bà giáo lúng túng mãi, vặn hết cái nọ cái kia, kéo chán lại đẩy, cửa vẫn không mở được. Bà liền bảo con trèo qua cửa mà bước vào xe. Hai đứa ngồi nhún nhẩy trên đệm luôn mồm kêu:

- Êm quá, nhỉ!

Trong khi ấy thì ông chủ mới đương cùng bác tài Linh xem lại máy móc một lượt nữa.

- Bác mua xăng hộ tôi rồi chứ?

- Vâng, tôi mua có năm lít.

- Còn thừa một đồng, phải không?

- Vâng.

- Thôi, đãi bác nhé.

- Cám ơn ông. Cái xe này ông mua ít ra rẻ được bốn, năm chục.

Bà giáo mừng rỡ:

- Thế kia à?

Nếu bà ta biết rằng với ông nghị Xang bác tài đã nói một câu trái ngược, (nghĩa là ít ra lời được bốn, năm chục) thì bà cũng chẳng mừng đến thế.

- Nhưng bác tài ạ, phải cái nước sơn hơi cũ.

Bác tài cười có vẻ thương hại:

-Thưa bà, mua xe chỉ cốt máy tốt, còn bề ngoài có làm gì, sơn lại một lượt bất quả tốn mươi mười lăm đồng là cùng, lại mới nguyên.


Diện xe


Quý đứng lắng tai nghe máy chạy bảo vợ:

- Đều đấy chứ?

Rồi mở cửa xe mời vợ lên ngồi để đưa đi chơi mát một vòng. Hai đứa trẻ mừng quýnh hò reo:

- À, đi chơi ô-tô! Sướng quá!

Nhưng bà giáo lưỡng lự:

- Cậu cầm có vững không?

- Lại chả vững! Tôi cầm ô-tô đã mòn tay. Ngày xưa xe của thầy, tôi vẫn lái, mợ không coi à?

- Xe của thầy khác, nhưng xe của mình thì cậu nên cẩn thận hơn.

Xe đi từ từ. Quý lại vứt cái mũ vào lòng vợ, đưa tay vuốt ngược tóc có vẻ quan trọng lắm, rồi dận “hơi” sang tốc lực, tiếng kêu ken ket như tiếng nghiến răng khổng lồ.

Vợ sợ hãi hỏi:

- Sao thế cậu?

Quý không thèm trả lời, sang luôn một lần tốc lực nữa. Vẫn tiếng ken két, cạch cạch, vợ kinh hoảng rú theo máy:

- Trời, sao thế cậu?

Quý gắt:

- Làm gì mà cuống lên thế? Người ta sang “ví tét”.

Xe đi qua nhà một bạn đồng nghiệp. Thấy vợ chồng bạn đứng cửa nhìn, Quý giơ tay chào.

Khi xe vùn vụt chạy qua nhà hàn Bảng, Bảng gọi:

- Ông Quý! Mới mua xe đấy à?

Quý chỉ kịp gật đầu một cái, xe đã bon bon đằng xa.

Bảng nghĩ thầm:

- Thằng cha này vừa mua bát họ đã sắm ô-tô rồi!


Nhường nhịn


Ra khỏi tỉnh lỵ, đường vắng, xe chạy nước đại. Vợ vội kêu:

- Vừa vừa chứ, cậu!

Chồng nhìn thẳng giữ vững tay lái:

- Mợ cứ làm rối cả lên. Đi thế này thì độ sáu mươi thôi, chứ bao nhièu.

Ấy là Quý nói thăng lên đấy, chứ xe chỉ chạy vào khoảng bốn mươi nhăm thôi. Nhưng vì vỏ xe xộc xệch, kêu lách ca lách cách, lại thêm nhíp mềm yếu, trục lỏng lẻo nên xe đi lắc la lắc lư như người say rượu, khiến ba mẹ con bà giáo chóng mặt hoa mắt tưởng là mau ghê gớm lắm.

Quý toan cho xe chậm lại thì phía sau có tiếng còi điện của một chiếc xe đòi vượt.

Chừng tức khí, Quý ấn hết “ga”. Trời ơi! Bà giáo tối tăm cả mắt, chẳng nhìn thấy gì nữa, ôm choàng lấy hai con.

Đằng sau tiếng còi điện thúc giục càng kíp. Nhưng Quý vẫn găng không chịu tránh để nhường cho vượt. Nói cho đúng thì cũng hơi khó tránh: đường đã hẹp mà xe bò, xe tay lại nhiều. Tiếng bà vợ vẫn the thé đi liền với tiếng còi điện của chiếc xe sau.

- Hãm lại, cậu! Hãm lại cho người ta lên.

Một quán hàng nước ở bên đường. Quý cho xe đi từ từ rồi dừng hẳn lại, thản nhiên bảo vợ:

- Phải đấy, đỗ lại uống nước đã.

Giữa lúc ấy, cái xe sau vượt qua. Một người Pháp ngồi trên nói chõ vào Quý một câu chừng không được lễ phép cho lắm, nhưng may xe chạy mau, chẳng ai nghe rõ. Bà giáo lo lắng hỏi chồng:

- Người ta bảo gì thế cậu?

- À người ta xin lỗi. Thế là giữ đúng luật đi đường lắm đấy. Khi vượt một chiếc xe nào, phải xin lỗi.

Rồi Quý cười hè hè khoe mẽ:

- Hừ! Nếu không khát nước thì nó vượt thế nào được!

Nhưng khoe thì khoe, Quý vẫn không thể khiến được bà giáo không ngờ vực tài cán của mình. Chẳng thế mà bà ta cứ nằng nặc đòi quay xe về. Quý cũng muốn làm theo ý vợ, song đường hẹp quá, quay xe sao được. Chàng đành phải cho xe đi một quãng nữa để chờ gặp chỗ rộng.

Xe lăn rất thong thả, Quý bỏ cả hai tay vươn vai, làm vợ ngồi phía sau trông thấy hết hồn. Chàng thích chí cười khúc khích. Hai chiếc xe vưọt qua chàng quay lại nhìn vợ.

- Vượt được mình anh ta sướng lắm đấy. Lại đuổi cho một chập hết thở bây giờ.

Vợ vội vàng cản ngăn:

- Thôi, tôi xin cậu đừng làm mẹ con tôi hết hồn nữa đi.


Xe giở quẻ


Đến một cái quán trên con đường rẽ vào làng. Quý lùi xe để quay đầu về. Nhưng rõ đen, đít xe dáng đến phịch vào cái cột chống phên. Phên đổ ụp làm vỡ mất vài cái bát sành của cô hàng nước, khiến cô ta la om xòm.

- Rồi người ta đền! Làm gì mà nhắng lên thế?

Hết chuyện cô hàng nước chu chẻo bắt đền lại đến lượt cái xe gan lì ăn vạ, vì Quý xem máy mãi, nó chẳng chịu đi. Của đáng tội, cánh tay ông giáo cũng hơi yếu, mà xe cũ lại hay giở quẻ. Bần cùng Quý phải để ra năm xu thuê mấy người trong hàng nước đẩy hộ.

- À có thế chứ, tưởng nó không đi!

Đó là tiếng reo của thằng Phú khi máy quay xình xịch.

Nhưng khi còn cách nhà gần một cây số, thì nó lại ra gan không chịu đi nữa. Quý xuống hì hục quay máy rồi hí hoáy tháo cái nọ, tháo cái kia vẫn vô công hiệu.

- Làm thế nào bây giờ cậu?

Quý chợt nghĩ ra:

- Có lẽ hết ét-xăng?

Quả thực, khi đo lại thì thùng đựng dầu xăng ráo hoảnh.

Vợ chau mày:

- Hay anh tài Linh ăn bớt?

- Không có năm lít mà đi mãi rồi còn gì.

- Chỉ tại cậu, ai bảo không quay về ngay. Bây giờ biết làm thế nào?

Quý cười:

- Nhà kia rồi, đẩy một tí càng khỏe.


Tập thể thao


Thế là ba mẹ con xúm vào đun. Còn ông bố thì vừa đẩy vừa lái. Từ từ đi được một quãng, bốn người lại đứng thở, và đưa vạt áo lên lau mồ hôi. Chồng khuyến khích:

- Càng khỏe! Kém gì tập thể thao!

Vợ cười gượng:

- Thế này mới bõ lúc ngồi mát trên xe.

Con gái phụng phịu:

- Con mệt lắm rồi, cho con ngồi lên xe thôi.

Mẹ nguýt con!

- Đồ bất hiếu! Cậu mợ đẩy xe mà mày vắt vẻo ngồi trên à?

Hơn nửa giờ sau đến đầu phố, Quý lái xe rẽ sang bên đường đỗ lại, định ngồi nghỉ một lát rồi thuê xe tay đi mua ét-xăng, chứ đẩy xe qua phố sợ ê với kẻ quen, người thuộc, nhất là xe mình lại vừa mua ráo tay.


Ghen ghét


Thốt gặp phán Côn đi đến hỏi:

- Kìa chào hai bác, hai bác mới mua xe?

- Vâng, tôi cũng nể ông nghị Xang quá, ông ấy cần tiền.

- Bác mua bao nhiêu đấy?

- Có hơn năm trăm, rẻ quá bác ạ.

Côn xem xét một lượt:

- Chạy có khá không, bác?

- Khá lắm bác ạ, đi bảy mươi mà chưa thấm với sức nó.

- Nhưng có êm không?

- Êm lắm!

Phú đưa mắt nhìn mẹ và em, ý chừng để phản kháng một cách lặng lẽ câu khoe khoang của cha.

Côn ngả đầu chào quay đi mỉm cười và như nói một mình:

- Phải cái hơi cũ, nhỉ!

Quý chưa kịp trả lời thì Côn đã đi xa. Chàng tức tối bảo vợ:

- Nó ghen ghét đấy mà! Đã thế, khi nào sơn lại xong đến mời đi một vòng trêu tức chơi.

Vợ lo lắng vì biết rằng xe mình không êm liền nói gạt:

- Thôi! Hơi đâu mà trêu tức hắn!


*

Từ đó bắt đầu một cuộc đời mới của ông giáo Quý, đời chơi ô-tô.



Hết: Chơi ô-tô



RE: Linh Tinh - LeThanhPhong - 2020-05-20

Hai loại hôn nhân

  1. Có những hôn nhân là bến đỗ cho cuộc đời. 
  2. Có những hôn nhân là cái nhà ngục.
Quý vị có biết cái đó không?

Tôi hy vọng ở đây đừng ai bị trường hợp 2. Có những người hôn nhân là một bến đỗ, đó là chỗ để họ gửi thân, cuộc đời họ nhờ vậy ổn định. Nhưng cũng có những cuộc hôn nhân lẽ ra không nên có, không có tốt hơn.

Cuộc đời con gái đang ngon lành thế này tự dưng lượm một thằng trời ơi về nó đập từ sáng tới chiều, nó đập hai mươi tám ngày trừ ra ngày rằm. Và con thì đẻ đều đều như là Âu Cơ khi nào đủ trăm trứng thì thôi.
 
Mà nó lạ một chỗ là có những trường hợp lệ thuộc ông chồng về tài chánh nó đập mình mình không tức. Tôi biết Việt Nam vợ đi làm về nuôi chồng để nó đập mình. Qúy vị biết không? 

(Sư Toại Khanh)


RE: Linh Tinh - LeThanhPhong - 2020-05-21

Đòn Chồng
Tác giả: Nam Cao

https://sachvui.com/doc-sach/tuyen-tap-nam-cao/don-chong.html 


Khôn đòn quan, gái ngoan đòn chồng


Việc ấy đã xảy ra giữa chợ, có bao nhiêu người biết. Bao nhiêu người ấy là đàn bà cả. Bà thì lắc đầu, bà thì chép miệng. Có những bà cẩn thận với tai tiếng quá, rụt cổ lại, làm cái điệu bộ của một người khi rùng mình; Ấy là các bà ghê tởm quá. Còn những người chừng mực thì bình tĩnh hơn một chút: họ chỉ vác cái mặt lên cười bằng mũi, và đưa cái môi dưới ra như cái thìa. Ai cũng bảo: “Ầy, tôi thì tôi chịu đấy; có đói cho chết thì cũng chỉ riết chặt thắt lưng vào mà nhịn, chứ làm thế thì bố tôi có sống lại mà bảo tôi, tôi cũng không dám làm….”. Ai cũng bảo. Kể cả chị Cu với chị Bẻm vẫn lấy trộm mít nhà hàng xóm đem ra chợ bán với chị Thung toét mắt vẫn giả tảng thong manh để câu trộm gà. Ai cũng bảo, và ai cũng thấy như là hả dạ. Kể thì cũng phải. Cái xấu của người khác bao giờ chẳng làm ta sung sướng? Ta thấy ta còn tốt hơn chán người!

Cố nhiên là câu chuyện đồn đi. Thoạt tiên là các bà vợ về kể lại với chồng. Rồi các ông chồng đem kể lại với nhau. Bây giờ thì cả làng ai cũng biết. Ai cũng biết: con vợ thằng Lùng, mặt mũi như thế ấy, mà gian vô cùng. Chẳng gian mà lại làm cái trò nhập nhòa như thế này…Chẳng biết y xin ai hay là nhặt ở đâu được có mỗi một đồng xu. Nếu không xin, không nhặt được thì hẳn là ăn cắp. Bởi y làm gì mà có xu! Vườn có ba sào, chồng thua bạc cố rồi. Đồ bòn, thức bán không. Đi dệt cửi thuê cho người ta ngày được một hào thì chồng lấy cả một hào, thiếu một đồng xèng nó đánh cho gãy gối. Vả nó chẳng đánh thì cũng không dám thiếu: thiếu lấy gì mà đổ vào mồm? Gạo nước năm nay…Có một hào mà những hai cái miệng ăn, mà lại còn chực thiếu nữa thì có lẽ đến phải đếm mà chia nhau từng hạt. Bởi vì hai vợ chồng chỉ trông vào tiền của vợ để mà ăn gạo. Chồng chẳng chịu bỏ ra một đồng trinh. Hắn dận trai mỗi ngày cũng được vài hào. Có ngày bốn năm hào. Nhưng bốn năm hào thì cũng hết. Tiền hắn làm, uống rượu chưa chắc đủ. Huống chi lại còn đánh bạc.

Vậy đồng xu của vợ Lúng, không nhặt được hay ăn cắp, thì chắc là y xin. Y buộc vào dải yếm, trông chặt lắm. Lại hàng bánh dày, y hí hoáy cởi một lúc lâu mới được. Hay là y giả đận làm như thế thì chẳng biết. Làm thế, để đợi lúc có thật nhiều người ăn. Bởi vì lúc y ngồi xuống thì đã có bốn năm bà đang ăn rồi. Chị hàng bánh tới ta tới tấp. Vợ Lúng mân mê một lát, rồi nhặt lấy một tấm bánh dầy đậu, đưa lên ngoạm một miếng hết già nửa tấm. Còn non nửa tấm. Còn non nửa tấm nữa, y ném tọt vào miệng nốt. Y đưa đồng xu ra, chị hàng bánh dầy trợn mắt:

Sao lại có một xu?

Tôi ăn một tấm.

Thế là chẳng nói thêm một tiếng, chị hàng bánh nhảy ra bóp cổ y. Y giãy giụa, nhưng cái cổ y ngẳng quá, chỉ vừa một chét. Y lại mếu. Mà con mẹ hàng bánh sao mà khỏe thế. Nó dúi đầu y xuống, mắt y trợn ngược. Y kêu ằng ặc. Miệng y há hốc. Miếng bánh dầy nhả ra. Bây giờ chị hàng bánh mới chịu buông cổ y, và reo lên:

– Xem nào!

Một tay chị vẫn xoắn lấy áo y, một tay chị cúi xuống nhặt miếng bánh đầm đìa dãi nhớt. Chị tách miếng bánh làm hai và đưa cho những bà đứng đấy xem và phân bua.

Các ông, các bà trông giùm tôi xem chị ấy ăn một tấm hay là hai tấm, này! Một tấm mà lại tách ra được thế này! Tôi có mù đâu? Mắt tôi vẫn phải trông đấy chứ!..Bán hàng mà không mắt năm mắt mười thì mấy chốc cởi váy mà bán đi? Tôi biết chị ta chập hai tấm vào làm một, nhưng tôi lờ đi, để rồi xem chị ta làm ăn thế nào. Ấy thế mà chị ấy nhất định cãi là một tấm. Các ông các bà thử trông giúp tôi xem một tấm hay hai tấm mà nó lại như thế này?

Bao nhiêu người xúm lại, đứng vây thành cái cũi. Chị hàng bánh biết y không còn chạy được, mới chịu buông áo y ra; chị chỉ vào mặt y the thé:

– Cái mặt nhà chị! Chị thử mở mắt ra trông một tấm hay là hai tấm, nào!

Cái mặt bủng beo của y xám như chàm. Nó không còn đỏ được, bởi y làm gì có máu. Cái miệng y há ra như chực nói, nhưng nói thế nào? Chứng cớ trờ trờ ra đấy. Y cứng hàm. Những tiếng ấp úng trong cổ họng, một lúc lâu mới bật ra thành lời được:

– Thì tôi giả…., tôi giả hai xu….

Nhưng y làm gì còn xu! Y cúi mặt, nước mắt ra ròng ròng. Chị hàng bánh lộn tiết lên. Chị xỉa tay vào tận mặt y:

Thôi! Tôi cũng thí cho nhà chị. Tôi chỉ lu loa lên thế để cho cả chợ người ta biết; rồi giờ người ta vạch vôi lấy mặt chị, để thấy cái mặt nhà chị ở đâu thì người ta kiềng nó ra.

Câu chuyện đến tai Lúng. Lúng thâm tím mặt. Giá lúc ấy vợ hắn có nhà thì có lẽ hắn đã đâm chết vợ. Nhưng vợ hắn còn đi dệt cửi. Hắn đành nén giận, để đi làm trai đã. Hôm ấy hắn dận được nhiều trai lắm. Toàn những con to cả. Trai, chỉ ăn thua cái vỏ, bán cho người ta làm cúc hay khảm xà cừ chẳng hiểu. Chỉ biết người ta mua nhiều lắm. Lần này, tính nguyên vỏ đã được năm, sau hào. Ruột chỉ được hơn hào chỉ. Hắn không thèm bán nữa. Hắn đem nấu một nồi cháo ăn.

Cháo bắc lên bếp rồi, hắn chạy đi mua rượu. Cả chai. Với một cái đùi vịt hai hào nữa. Phải uống thật say mới được! Rượu có rồi. Cái nhắm có rồi. Nồi cháo đã gầy mấy cái nhẵng tre thật chắc, chỉ lát nữa sẽ sôi lúc búc. Nhưng hắn chưa uống vội. Hắn đi chặt một đoạn mây to. Một đầu khoanh lại thành cái vòng để xỏ tay vào, cầm cho dễ. Vả lại, kiểu roi mây phải thế. Hắn vụt thử lên không khí kêu vun vút. À! Tốt tệ! Hắn nhếch môi cười một tiếng ngắn. Còn phải đi tìm cái đòn gánh và sợi dây thừng nữa. Có cả rồi. Hắn xếp cả lên cái giường độc nhất trong nhà hắn. Hắn xếp cả hắn lên đấy nữa. Hắn ngồi xếp bằng, hai tay hắn chống xuống hai đùi. Hai đui hắn rung rung. Hắn nhìn chằm chặp vào cái đùi vịt và chai rượu. Nước dãi hắn chảy ra. Hắn thèm uống lắm, nhưng chưa uống vội. Còn đợi vợ.

Đây! Y đã về. Nhẹ và mạnh như con báo, hắn nhảy vọt từ trên giường xuống đất, chưa kịp trông rõ hắn, y đã bị tay hắn chộp. Y kinh ngạc:

Ô hay!

Mày lại đây!

Hắn nắm cổ y, đẩy vào chỗ cột nhà. Y không kháng cự. Bởi kháng cự thật là vô ích. Hắn cởi cái thắt lưng của y: trói ngang lưng vào cái cột. Như thế đã tha hồ vững chãi. Nhưng hắn còn muốn vững chãi thêm nhiều nữa. Hắn đặt ngay cái đòn gánh ở bên ngoài cột, dang hai tay vợ dang ra, lấy sợi dây thừng quấn. Hắn quấn cánh tay vợ vào đòn gánh. Được rồi. Hắn trở lại giường, rót rượu ra chén, uống. Vợ hắn hu hu khóc. Còn khóc nữa! Oan lắm đấy! Hắn khà một cái, cầm cái đùi vịt, chấm một tí muối, cắn, nhai nhồm nhoàm. Hắn vừa nhai vừa kể lại tội y cho y biết. Bao nhiêu là tội! Hắn cứ uống một ngụm rượu thì một tội lại bật ra. Toàn những tội ăn vụng, ăn trộm, ăn cắp, ăn mày, ănh nhặt! Chao ôi! Vợ hắn bêu hắn quá! Vợ hắn làm hắn nhuốc nhơ với làng với xóm. Sao vợ hắn lại vẫn cứ sống mà làm tội hắn? Sao vợ hắn chẳng chết đi cho rồi?… Không chết hắn sẽ đánh cho mà chết. Trăm nết mất cả trăm, còn sống làm gì nữa? Sống làm gì cho nhục nhã? Hắn bỗng nhiên vùng dậy, cầm cái roi mây chạy lại, nghiến răng vụt đen đét vào mông y. Y đau quắn đít. Y nhăn mặt lại. Y van lạy. Y gào. Trời ơi! Y gào!…

Hắn vụt xong một chập rồi, nghỉ tay. Lại uống, lại nhồm nhoàm vừa nhai vừa kể tội. Kể tội xong lại đánh. Đánh một chập rồi lại uống. Uống rồi lại đánh, cứ như thế mãi. Đến nỗi vợ hắn tê mông, không còn thấy đau.

Bấy giờ hắn mới thôi. Thôi bởi vì hắn líu lưỡi lại rồi. Mắt trông cái gì cũng chập chờn, cũng quay quay. Chân nọ cứ vướng vào chân kia, không đứng lên được nữa. Hắn lăn khoèo ra giường, mồm ú ớ. Rồi hắn ngủ. Hắn ngáy thật to, nghe khò khò…

Một người hàng xóm thấy im ắng rồi mới dám sang. Y rón rén vào nhà. Lúng vẫn ngủ mê, ngủ mệt. Có mà vần xuống sông cũng được! Người hàng xóm lại gần cột, cởi trói cho vợ hắn.

Vợ Lúng thấy người đau ê ẩm. Hai cánh tay dừng máu tím bầm. Mông xót như mất hẩn một lần da. Y khệnh khạng đi xuống bếp. Nồi cháo sôi lúc búc. Úi chà! Thơm quá! Mà đặc sệt rồi. Giá y không xuống thì khê mất. Y tra muối. Y múc một bát ăn. Ôi chao ôi! Cái cháo trai sao mà ngon đến thế. Y làm luôn bát nữa, rồi bát nữa, rồi bát nữa… Nồi cháo cạn. Chó! Cứ ăn hết đi cũng được. Không cho thằng quan ôn vật ấy ăn nữa. Tài đánh lắm! Vả lại nó cũng uống bao nhiêu rượu. Ăn một mình cả một cái đùi vịt. Ăn lắm, uống lắm rồi. Thì bây giờ đừng ăn… Y vét nồi sồn sột. Chị hàng xóm bảo:

Khe khẽ chứ!… Anh ấy dậy bây giờ thì được chết.

Cho chết! Đói bỏ cha đi ấy, hãy ăn cho sướng đã.

Nói xong, y nghiêng cái nồi ra ánh sáng. Còn cái gì đây nữa? Ô! Miếng trai! Còn sót một miếng trai trong góc nồi. Làm nốt đi!

(Hết)



RE: Linh Tinh - LeThanhPhong - 2020-05-21

Pháp Danh và Lễ Quy Y

... tôi phải nói là tôi thù cái chữ pháp danh lắm, pháp danh và lễ quy y. 

Tôi biết nhiều người sẽ ném đá tôi banh xác luôn nhưng tôi vẫn nói. Tại sao tôi thù hai cái chữ đó? Tại vì đó là một cái thứ mà tôi cho là đệ nhất cuồng tín, đệ nhất ngộ nhận. Cứ nghĩ rằng có pháp danh, có thọ lễ quy y là Phật tử, tôi ghét là ghét cái đó, ghét cái tào lao.


  1. Anh có pháp danh mà anh có hiểu đạo hay không? Anh không có học giáo lý mà pháp danh làm cái gì? 
  2. Thứ hai, anh nói với tôi là anh có thọ lễ quy y, đúng không? Anh thọ lễ xong rồi anh về anh có học giáo lý không? Anh có biết Phật dạy cái gì không? Không. 
  3. Cái thứ ba, cái này mới bậy nè, anh có pháp danh, anh có thọ lễ quy y xong anh chẳng biết Tam bảo thật sự là cái gì. Mà anh cứ cắm đầu anh thờ cái ông sư phụ mà ban cho anh cái pháp danh, truyền cái quy giới cho anh, anh chỉ thờ cái ông đó.

Cái đó còn tệ hơn vợ thằng đậu, cái đó còn tệ nữa nha. Cho nên tại sao tôi xài cái chữ thù, không phải tôi xài quá lố, xài cái chữ nặng, mà đó là sự thật, tôi ghét cái đó lắm, tôi ghét cái vụ mà đem cái pháp danh với lễ quy y. 

Cái này tôi nghe nhiều lắm: "Chị có thọ quy y chưa? Chị có pháp danh chưa?" Họ tưởng cái đó là cái hay ho lắm. Tôi nói cái đó nó còn tệ hơn là bằng cấp ngoài đời nữa, vì bằng cấp ngoài đời ít ra nó cũng phải trải qua một thời gian được đào tạo, được huấn luyện người ta mới có bằng cấp, ngay cả làm nail nó cũng có một cái giấy chứng nhận. Còn đằng này cái pháp danh, cái lễ quy y nó chưa đủ đâu vào đâu hết trơn. 

Cho nên đạo Phật nguyên thủy là chỉ giống cái phẩm chất, cái nội dung, cái chất lượng thôi. Chứ còn ba cái thứ pháp danh, ba cái lễ quy y đó không có đủ để gọi là một cái bằng chứng đâu, nhiều lắm nó là cái nhãn hiệu cho mấy cái người mê nhãn hiệu, mấy cái người tào lao, nha.


(Sư Toại Khanh)


RE: Linh Tinh - LeThanhPhong - 2020-05-24

Second Springfield, MO Great Clips hairstylist has COVID-19 | The Kansas City Star

https://www.kansascity.com/news/coronavirus/article242962271.html

second hairdresser working at Great Clips in Springfield, Missouri, has tested positive for COVID-19 and has potentially exposed the virus to clients, Missouri health officials said.


RE: Linh Tinh - LeThanhPhong - 2020-05-25

VŨ NỮ CẨM NHUNG - "ĐÓA HỒNG BẠC MỆNH"






bai hat cho nguoi ky nu   Elvis Phương






Nguồn Gốc Chữ Cave

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=296093177242127&id=206661312851981&substory_index=0

Hỏi: Xin hỏi Ad nguồn gốc của CAVE gắn với GMD từ đâu và khi nào ? ( mình chỉ nhớ khoảng năm 1993 có thằng bạn nói chuyện có cụm từ " dcm mấy con cave " nhưng lúc đó mình cũng k hiểu con ca ve là cái giống gì và đến bây giờ vẫn không hiểu :v )

Đáp: Cave là từ mượn tiếng nước ngoài, cụ thể là từ chữ cavalière trong tiếng Pháp. 

Danh từ tiếng Pháp chia làm hai giống: danh từ giống đực và danh từ giống cái, đi thành một cặp. Cavalière là danh từ giống cái. Giống đực của từ này là Cavalier. 

Vào đầu thế kỷ XVII, cavalier có nghĩa là “người đàn ông cưỡi ngựa”. Sau đó, lại có thêm nghĩa là “người đàn ông lịch lãm”. Đến năm 1688, cavalier có thêm nghĩa là “người đàn ông tháp tùng một phụ nữ”. Năm 1690, từ này lại có nghĩa là “người đàn ông khiêu vũ với một phụ nữ”. 

Sau đó, từ này cũng được dùng cho phụ nữ với dạng giống cái là cavalière – với nghĩa “người bạn khiêu vũ”. Trong một đôi khiêu vũ, người nam được gọi là “cavalier”, người nữ là “cavalière”. 

Người Pháp biến Việt Nam thành thuộc địa cũng mang cả bộ môn khiêu vũ vào nước ta. Tuy nhiên, không phải người nào cũng có sẵn bạn nhảy. Vì vậy, ở Việt Nam xuất hiện một nghề mới là nghề vũ nữ. Những vũ nữ này biết nhảy múa, nhưng không biểu diễn trên sân khấu mà mỗi đêm, họ đến ngồi ở các phòng trà để chờ có người mời mình ra nhảy, sau đó cho họ tiền thưởng. Những vũ nữ này không phải gái mại dâm, dù họ có thể vướng vào nhiều scandal tình ái. 

Theo những văn bản mà ngày nay ta có biết thì từ năm 1934, Vũ Trọng Phụng đã nhắc đến nghề ca-va-li-e (nguyên chữ của tác giả) trong cuốn Kỹ nghệ lấy Tây. Các cô gái làm nghề này đôi khi còn được gọi là “kỵ nữ”, chắc bắt nguồn từ nghĩa “người đàn ông cưỡi ngựa” của cavalier. (Câu cạnh khóe các cô gái hay ăn mặc đẹp đi chơi là “đĩ ngựa” cũng từ đây mà ra chăng?). 

Từ thập niên 40 của thế kỷ XX trở về trước ở Hà Nội và thập niên 50-60-70 ở Sài Gòn có nhiều cavalière nổi tiếng. Sau năm 1954, các vũ trường biến mất ở miền Bắc nhưng lại trở nên cực thịnh ở miền Nam. Cũng từ đây, chữ ca-va-li-e biến mất và thay bằng hai cách gọi: ca ve và ca nhe (giữ nghĩa, biến âm) theo cách phát âm miền Nam. Ca ve giai đoạn này vẫn chỉ thuần là vũ nữ, có thẻ đóng dấu cấp phép hành nghề đàng hoàng. 

Khi các vũ trường được mở lại vào thập niên 80 của thế kỷ XX, các ca ve này chủ yếu vẫn là bạn nhảy, nhưng nguồn thu nhập từ tiền thưởng (tiền bo) của khách trở nên không bảo đảm, do đối tượng khách đã khác trước. Vì thế, các ca ve này sau khi nhảy còn thường đi ra ngoài chơi với khách, gọi là đi dù, nhảy dù; nhưng cũng phải về sau nữa thì đi dù, nhảy dù mới mang lớp nghĩa hành nghề mại dâm hay bán dâm. Dần dần, do hoạt động bạn nhảy – mại dâm ngày càng khăng khít, cộng thêm một số người dùng từ gán ghép tùy tiện, ca ve bị đồng hóa với gái mại dâm cho đến ngày nay. 


RE: Linh Tinh - LeThanhPhong - 2020-05-25

Giàu Có

Một ngày kia trong công viên ấy có cái ông cụ đang tập khí công, 1, 2, 3, 4, vầy nè .  Pháp môn vẫy tay đó, thì ổng thấy một anh thanh niên đẹp trai lộng lẫy luôn đang lén lén, lút lút kiếm chỗ thẩy cái cọng dây lên treo cổ. Thì ổng mới hết hồn, ổng mò tới .  ng mới nói:

"Cậu muốn chết thì tôi can hỏng có nổi đâu, nhưng mà cậu cho tôi nói chuyện chút rồi cậu chết. Đúng là cậu muốn tự tử phải không?". 

Anh chàng đó mếu máo nói: 

"Đúng". 

Hỏi lý do thì cậu ấy nói: 

"Cháu không có tìm ra được việc làm, rồi người nhà coi cháu là gánh nặng, rồi người yêu lần lượt đội nón ra đi hết. Bây giờ cháu không có thiết sống nữa". 

Thì ông già ổng nói thế này: 

"Cậu có biết là cậu giàu có lắm hay không? Cậu có biết rằng trong đời của tôi, tôi đã bỏ ra không biết bao nhiêu tiền từ hồi trẻ, hồi trẻ là tôi phải đi nhổ răng, trám răng, làm răng tùm lum và cuối cuộc đời này nè tôi phải bỏ tiền tôi làm hai cái hàm răng giả biết bao nhiêu tiền, biết bao nhiêu đau đớn, biết bao nhiêu thời gian, tiền bạc và đau đớn. Cuối cùng tôi phải xài răng giả. Còn cậu, hai cái hàm răng của cậu nó đẹp quá đi. Chắc cậu chưa biết nha sĩ là sao, đúng không? 

"Thứ hai, cái tướng của cậu tôi nghĩ chắc là không có huyết áp, không có tiểu đường, không có cholesterol, nhìn cái tướng đã quá mà. 

"Rồi thêm cái nữa cậu biết không, biết bao nhiêu tỷ phú trên đời này họ sẵn sàng mất sạch tài sản để từ tuổi 80 quay lui về tuổi 20 như cậu, cậu biết không? Mất sạch mấy chục tỷ để được quay về cái tuổi 20 như cậu, cậu biết không? Nhưng mà cái chuyện đó không được, cậu biết không? Có tỷ phú 80 tuổi ổng sẵn sàng mất sạch, để mà quay về tuổi 20 của cậu, quay về mà tay trắng đó nha. Trong khi cậu thì sao? 

"Cậu có sức phát triển quá tuyệt vời, một cái cơ thể phải nói là khỏe mạnh, cường tráng, đẹp trai, ta nói đẹp từ tóc cho tới trán, rồi mũi, môi, răng, má, mông gì nhìn ta nói đã đời ông địa mà cậu coi thường nó. Cậu nghĩ là vì cậu nghèo, vì hỏng có tiền mặt, tiền cash, tiền tươi, rồi cậu chết, cậu biết cậu dở lắm không?"

Thì cậu thanh niên đó nghe như vậy, mắt cậu sáng lên, cậu nói: 

"Trời ơi, cháu ngon lành vậy sao?" 

Ổng nói: 

" Đúng, quá ngon. Bây giờ bao nhiêu cái thằng tỷ phú 90 tuổi, thí dụ ông Warren Buffett của Mỹ, bây giờ kêu ổng vứt tài sản để quay lại tuổi 20 cường tráng, đẹp trai, tay trắng, mỗi ngày đi lái Uber taxi, ổng cũng chịu nữa, miễn là quay lại cái thời 20 thôi, nha, mà đâu có được. Còn cậu? Quá đã, quá xá đã luôn".



--ooOoo--


Thì ở đây cũng vậy, các vị biết bây giờ các vị còn khỏe mạnh, các vị coi thường, các vị cứ lo tầm bậy tầm bạ. Chớ các vị nhớ có cái câu chuyện tôi đọc mà tôi nhớ hoài hà, là:

Có một cô bé nhà nghèo, cổ thèm một đôi giày mà mua hỏng nổi, cổ buồn lắm, nhưng mà trên đường từ trường về nhà cổ mới tình cờ thấy một người ăn xin bị cụt chân thì cổ mới nghĩ ra một chuyện "Không có tiền mua giày không đau bằng không có chỗ để mang giày". Nhớ cái đó nha.


(Sư Toại Khanh)



RE: Linh Tinh - LeThanhPhong - 2020-05-25

Con Nít vs Người Lớn

Thầy thuốc kêu nhiều cái nó oải lắm .  

Nhưng mà nếu mình là một bệnh nhân: 
  1. đầy đủ ý thức, 
  2. đầy đủ trí khôn, 
  3. đầy đủ về sự tỉnh táo 
thì mình phải nghe lời thầy thuốc thôi; 

Còn mình là: 
  1. con nít, 
  2. người lú lẫn, 
  3. người tâm thần 
thì thôi khỏi nói rồi. 

Con nít, lú lẫn, tâm thần, ba hạng này thuộc về ngoài vòng pháp luật mình đừng có đụng tới họ. 

Chứ còn một cái người bình thường phải nói là cắn răng gạt lệ mà tuân theo cái hướng dẫn thậm chí răn đe y bác sĩ, cấm đủ thứ hết trơn, cấm không có cái này không có cái kia, phải thế này phải thế nọ.


(Sư Toại Khanh)



Costco Customer Kicked Out for Not Wearing Face Mask






RE: Linh Tinh - LeThanhPhong - 2020-05-27

USA TODAY: 'America’s Got Talent': Singer Archie Williams gets second chance after wrongful conviction

Suốt ba mươi bảy năm tù oan ức từ năm 1982 (22 tuổi) cho đến năm  2019 (59 tuổi), Archie Williams giữ tâm mình được tự do qua cầu nguyện và hát ca. Cuối cùng, vào năm 2019, ông được minh oan. 

Trong buổi trình diễn tranh giải America's Got Talent 2020, Archie Williams, 59 tuổi, hát bài "Don't Let the Sun Go Down On Me" do ca sĩ kiêm nhạc sĩ Elton John sáng tác.

Tulip4 Tulip4 Tulip4

Wrongly Incarcerated Singer Archie Williams Delivers Unforgettable Song - America's Got Talent 2020




Don't Let the Sun Go Down On Me
Elton John

I can't light no more of your darkness
All my pictures seem to fade to black and white
I'm growing tired and time stands still before me
Frozen here on the ladder of my life

It's much too late to save myself from falling
I took a chance and changed your way of life
But you misread my meaning when I met you
Closed the door and left me blinded by the light

Don't let the sun go down on me
Although I search myself, it's always someone else I see
I'd just allow a fragment of your life to wander free
But losing everything is like the sun going down on me

Ladies and gentlemen 

I can't find
Oh, the right romantic line
But see me once and see the way feel
Don't discard me baby don't
Just because you think I mean you harm
Just because you think I mean you harm, oh
But these cuts I have, cuts I have
They need love
They need love, they need love to help them heal

Oh, don't let the sun go down on me
Although I search myself, it's always someone else I see
I'd just allow a fragment of your life to wander free
Cause' losing everything is like the sun going down on me

Don't let the sun go down on me
Although I search myself, it's always someone else I that see, yeah
I'd just allow a fragment of your life to wander free baby, oh
'Cause' losing everything is like the sun going down on me

Source: LyricFind
Songwriters: Bernie Taupin / Elton John



RE: Linh Tinh - LeThanhPhong - 2020-05-30

Hỏi Đáp

Có một cô gái đến hỏi Quý Thầy:
Thầy ơi đi tu để mà chi ?
Tương chao, dưa muối có ích gì !
Tuổi trẻ đời trai sao lại chán ?
Thôi về xây mộng với em đi !


Quý Thầy trả lời:
Xây mộng với em để làm chi?
Tử tử, thê thê có ích gì?
Đời khổ hoa tàn thầy chẳng thiết
Con đường Phật quốc quyết thầy đi.


Giải điều trần cấu nước dương chi
Ảo hóa trần gian có ích gì
Thinh sắc phù hoa tuồng giả tạo
Khuyên người mau tỉnh giấc mơ đi.


Đạo đời hai ngả luyến lưu chi
Thôi chớ hoài mong luyến tiếc gì
Oan trái đã thông duyên chẳng có
Đường hoa người bước, đạo thầy đi.


Thầy đây đi tu để thoát ly
Tương chao, dưa muối, dưỡng tánh bi
Tuổi trẻ đời trai đâu gì chán
Thôi đừng níu kéo để thầy đi.

https://thuvienhoasen.org/a34051/vi-sao-chung-ta-phai-tu-


RE: Linh Tinh - LeThanhPhong - 2020-05-31

[Quora] Is it ever possible to catch a speeding bullet with your hand?

Answer by Yuriy Usanov:

This question reminds me of a story which I've read in a book called "Physics for entertainment" by Yakov Perelman. Let me just cite it here:

"CATCHING A BULLET"

The following curious incident was reported during the First World War. One French pilot, while flying at an altitude of two kilometres, saw what he took to be a fly near his face. Trapping it with his hands, he was flabbergasted to find that he had caught a German bullet! How like the tall stories told by Baron Munchausen of legendary fame, who claimed he had caught cannon balls with bare hands! But there is nothing incredible in the bullet-catching story.

A bullet does not fly everlastingly with its initial velocity of 800-900 m/sec. Air resistance causes it to slow down gradually to a mere 40 m/sec towards the end of its journey. Since aircraft fly with a similar speed, we can easily have a situation when bullet ami plane will be flying with the same speed, in which case the bullet, in its relation to the piano and its pilot, will be stationary or barely moving. The pilot can easily catch it with his hand, especially if gloved, because a bullet heats up considerably while whizzing through the air."



13.4K views


--ooOoo--

Việt Nam mình dịch "World War I" là "Chiến Tranh Đế Quốc":

http://vietbestforum.com/showthread.php?tid=15082

Umbrella