VietBest
Cho tôi bát nước - Printable Version

+- VietBest (https://vietbestforum.com)
+-- Forum: Tôn Giáo (https://vietbestforum.com/forum-18.html)
+--- Forum: Tìm Hiểu Tôn Giáo (https://vietbestforum.com/forum-23.html)
+--- Thread: Cho tôi bát nước (/thread-10283.html)



Cho tôi bát nước - anatta - 2018-10-31

CHO TÔI BÁT NƯỚC
Cao Huy Thuần dịch


[Image: cho-toi-bat-nuoc.jpg]


Ananda là đại đệ tử của Phật. Là em chú bác của Phật, ngài từ bỏ đời sống vương giả, xuất gia theo Phật, hầu cận bên cạnh Phật suốt đời. Ananda là đệ tử thông minh nhất, đa văn nhất của Phật. Tên ngài thơm trong kinh. Chuyện về ngài làm đẹp sử Phật. Ngài lại là người có dung mạo đẹp đẽ không ai bằng. Vì vậy mà có chuyện sau đây.

Một ngày kia, Tôn giả Ananda trở về tịnh xá sau khi đi khất thực. Ăn xong, ngài cầm bát đi tìm nước uống. Bên đường, một cô thiếu nữ đang thả gàu trong giếng. Ngài bước đến gần, tay bưng bát không.

Prakirti (cô thiếu nữ): Thưa Tôn giả, ngài cần gì ạ?

Ananda : Tôi xin cô bát nước.

Prakirti : Con là dân hạ tiện.

Ananda : Tôi chỉ cần nước uống thôi.

Prakirti : Con là dân hạ tiện. Không ai uống nước của con.

Ananda : Tôi chỉ xin nước uống cho hết khát thôi. Nước làm cho bất cứ ai đều hết khát cả, đâu có phân biệt đẳng cấp.

Prakirti : Con là con gái hạ tiện. Nước giếng thì trong, nhưng đối với người ở đẳng cấp trên, nước của con không sạch. Chẳng có ai ngoài đẳng cấp của con uống nước giếng này cả.

Ananda : Tôi có hề hỏi cô thuộc đẳng cấp nào đâu? Tôi chỉ xin nước uống.

Prakirti : Chẳng lẽ ngài không biết sao? Trong xứ này có hai đẳng cấp, cấp trên và cấp dưới. Con là người cấp dưới.

Ananda : Tôi đâu cần biết đẳng cấp của cô. Tôi chỉ cần nước uống.

Prakirti : Làm sao con dâng nước cho ngài được? Con là con gái hạ tiện. Những người ở trong lâu đài đàng kia kìa, những người ấy thuộc cấp trên. Còn những người như con, chúng con khkkông có được cả quyền nhìn họ. Họ không giẫm chân lên bóng của chúng con. Khi chúng con đến gần, họ tránh. Nếu họ thấy chúng con, họ phải rửa mặt với nước hương hoa, vừa rửa vừa nói: “Ta vừa thấy dân hạ tiện”. Vậy thì làm sao con dâng nước cho ngài được? Làm sao con đến gần ngài để dâng nước? Nếu bóng con trải trên người ngài, ngài cũng sẽ trở thành dân hạ tiện.

Ananda : Tôi không quan tâm gì đến đẳng cấp. Tôi chỉ biết rằng cô cũng là người như tôi. Tôi chưa bao giờ nghe nói đẳng cấp có thể tạo ra khác biệt giữa người này với người kia. Tôi không chấp nhận ý nghĩa ấy. Tất cả mọi người mà tôi thấy đều có hai tay, hai chân, hai mắt, một miệng, một khuôn mặt, một mũi. Mặt trời đâu có mọc ở phương Tây đối với người cấp dưới? Các người này có bao giờ cảm nhận hạnh phúc hay khổ đau khác ai đâu? Khi ăn, bụng họ cũng đầy. Họ khác chỗ nào?

Prakirti : Bề ngoài không có gì khác lắm. Nhưng những người ở cấp trên nhờ được xứng đáng mà sinh vào cấp trên. Chúng con thì phạm tội: vì vậy chúng con sinh vào cấp dưới. Họ sinh ra từ miệng Brahma. Còn chúng con sinh ra từ bàn chân Brahma. Chúng con không có quyền học kinh Vệ Đà. Bởi vậy chúng con thấp kém mọi bề. Chúng con là dân hạ tiện.

Ananda : Thầy của tôi không dạy như thế. Cô nghe tôi đọc câu này:

“No jaccà vasalo hoti – Na jaccà hoti bràhmano. Kammanà vasalo hoti – Kammanà hoti Bràhmano”
(Không ai sinh ra đã thành hạ tiện. Không ai sinh ra đã thành Bà la môn).

Sợ hãi và thẹn thùng, cô thiếu nữ ngó quanh. Tay run run, cô cúi xuống đưa gàu nước kề miệng bát rót bát nước đầy. Tôn giả Ananda cám ơn cô rồi mang bát nước đi. Cô thiếu nữ nhìn theo cho đến khi Ananda khuất dạng đàng xa.

Nhìn theo bóng Tôn giả, cô gái như còn nghe văng vẳng bên tai: “Xin cô bát nước”, “Xin cô bát nước”, “Xin cô bát nước”. Lời nói ngọt ngào làm sao! Lời nói dịu dàng làm sao! Người đâu mà đẹp thế! Chẳng lẽ không có giếng nước nào khác ở trong vùng này? Chẳng lẽ chỉ có nước ở giếng này thôi? Tại sao người ấy lại đến ngay mình xin nước? Chẳng lẽ mình là người con gái duy nhất trong vùng này? Mà có thật người ấy chỉ xin nước thôi, không cần quan tâm rằng mình là con gái hạ tiện? Người ấy phải biết chứ! Trẻ con cũng biết mình là dân hạ tiện , nhìn áo quần mình bận là biết ngay. Người đẹp đẽ kia là ai vậy? Từ đâu đến? Cám ơn trời đưa người ấy đến lại giếng này. Nhờ người, tôi học được rằng tôi là người, là người thiếu nữ. Từ trước đến nay, tôi cứ nghĩ tôi là thú vật, là thiếu nữ thú vật. Ôi, gương mặt quyến rũ! Ôi, đôi mắt tràn ngập nhân từ! Ôi, dáng người thanh nhã, trẻ trung, sáng chói! Làm sao gặp lại người lần nữa bây giờ? Làm sao nghe lại giọng nói ngọt ngào lần nữa? Sống làm gì nếu không thấy lại người? Ôi, giá như ngày nào cũng được dâng nước cho người! Ngày nào cũng được nói với người vài lời! Nếu người lại đến, nhất quyết tôi không để cho người đi. Tôi sẽ mang ngườivề nhà và giữ người lại. Nếu tôi được ngắm người, tôi không cần ăn uống. “Xin cô bát nước”, “xin cô bát nước”, ôi lời nói khắc sâu vào tận đáy lòng.

Mẹ cô thiếu nữ hạ tiện: Prakirti! Prakirti! Mẹ gọi con nãy giờ sao không thấy? Con gái tôi đi đâu rồi vậy? Có chuyện gì xảy đến cho con? Bộ con mọc rễ bên bờ giếng rồi hay sao vậy? Lần nào đi lấy nước cũng thế! Cứ trò chuyện sa đà với bạn bè thôi! Prakirti! Prakirti!

Prakirti: Mẹ ơi, con đây!

Người mẹ: Con đâu?

Prakirti: Con đây! Bên giếng!

Người mẹ: Đã trưa rồi. Đát đã nóng phỏng chân. Con gái nhà người ta đi múc nước đã về cả rồi, con còn la cà ở đấy làm gì vậy một mình?

Prakirti: Mẹ ơi, giọng nói ngọt ngào quá, mẹ ơi. “Xin cô bát nước!”

Người mẹ: Xin cô bát nước? Ai xin con nước?

Prakirti : Một người đàn ông trẻ đẹp vô ngần! Đầu cạo, mình khoác áo vàng, tay bưng bát nước. Một chàng thanh niên dáng dấp thư thái.

Người mẹ : Cạo đầu? Làm sao một người đàn ông trẻ cạo đầu mà đẹp được? Bộ con không biết họ cạo đầu để đuổi cái đẹp đi?

Prakirti : Con không biết. Nhưng người đàn ông ấy đẹp vô ngần. Toàn thân người ấy sáng rực ánh vàng. Cặp mắt dịu dàng. Phong thái bình dị. Người ấy là hiện thân của nhân từ và bình dị.

Người mẹ : Người ấy có cùng đẳng cấp với mình không?

Prakirti : Có. Người ấy nói cùng với con một đẳng cấp.

Người mẹ : Đẳng cấp gì?

Prakirti : Đẳng cấp người.

Người mẹ : Chắc con giấu đẳng cấp của con khi nói chuyện chứ gì? Bao nhiêu người hạ tiện ở vùng này không muốn lộ đẳng cấp của mình. Thái độ ấy thật là nhục nhã. Nếu ai cũng hãnh diện về đẳng cấp của mình, làm gì còn đẳng cấp thấp nữa! Con không nói cho người ấy biết con là con gái hạ tiện, phải không?

Prakirti : Con nói con là hạ tiện. Nhưng người ấy không chịu nhận như vậy. Người ấy chỉ nhắc đi nhắc lại xin nước uống thôi. Người ấy nói: một người trở thành Bà la môn hay hạ tiện không phải do sinh ra mà do hành động.

Người mẹ: Người ấy nói gì nữa?

Prakirti: Người ấy nói: đừng làm trái lại tự do mà ta vốn có như là người. Chối bỏ bản chất người của mình bằng cách nghĩ rằng mình có một bản chất riêng, bản chất riêng ấy là thấp, đáng khinh miệt và không thay đổi được, là tai hại còn hơn là giết bản chất thật của mình. Thiếu tự trọng là một hành động thấp hèn hơn cả hủy diệt bản chất. Người ấy nói như vậy. Mọi người sinh ra trên trái đất này đều là những con người tự do. Người ấy nói: sau khi sinhra như vậy, tự do bị thu hẹp lại vì những chướng ngại như chủng tộc, đẳng cấp, tôn giáo, ngôn ngữ, phong tục, cha mẹ, thầy giáo, giáo sĩ, tục lệ. Trong đầu con, con cứ nghĩ về con như là một người thấp hèn bị ràng buộc bởi tập tục xã hội. Con cứ nghĩ về con như là con chó hoang sục sạo tìm thức ăn thừa ngoài đường. Người ấy mang đến cho con ánh sáng. Con tưởng như sống một đời mới. Chỉ đến ngày hôm nay con mới học được rằng con là thành viên mới của xã hội loài người . Người ấy là ánh sáng. Người ấy là ánh sáng của con. “Xin cô bát nước!”, “Xin cô bát nước!”. Lời nói ngọt ngào làm sao!

Người mẹ : Người ấy không biết gì về đẳng cấp hạ tiện, nhưng con ơi, mẹ biết. Người ta sinh ra thế này hay thế nào là do nghiệp.

Prakirti : Vậy những người ở đẳng cấp cao đã làm gì mà được sinh ra như vậy?

Người mẹ: Họ cũng vậy, đó là kết quả của nghiệp.

Prakirti : Dù thế nào chăng nữa, người ấy nói với con rằng người ta không trở thành cấp cao hay cấp thấp vì sinh ra nhưthế. Người ấy nói: dù là vua, dù là Bà la môn , dù là tăng sĩ, nếu sát sinh, nếu trộm cắp, nếu tà dâm, nếu nói điều độc ác, nếu rượu chè say sưa, thì đều là dân hạ tiện.

Người mẹ : Đó là điều mẹ vừa nói với con: đó là kết quả của nghiệp.

Prakirti : Mẹ ơi, không phải bất cứ điều gì cũng xảy ra vì nghiệp. Mình là dân hạ tiện không phải vì nghiệp mà là vì xã hội. Con không muốn chấp nhận những chuyện vô nghĩa lý ấy. Người đàn ông trẻ xin con nước tên gì vậy? Đó là điều con muốn biết. Người ấy làm gì? con chỉ muốn biết chuyện ấy thôi.

Người mẹ: Mẹ đã hỏi rồi. Người ấy tên là Ananda. Người ấy là đệ tử của Phật. Người ấy thuộc dòng dõi Thích Ca.

Prakirti: Người ấy làm gì?

Người mẹ: Người ấy là một vị Tăng đã từ bỏ đời sống trần tục.

Prakirti: Mẹ ơi, người ấy tốt vô cùng. Con chẳng cần biết người ấy là ai. Con chỉ muốn được nhìn ngườiấy mãi hoài. Con không thể sống không có người ấy. Con cần có Ananda. Nếu con không có được người ấy con sẽ nhịn đói đến chết. Mẹ ơi, mẹ làm phù phép đi, mẹ dùng hết phù phép mà mẹ biết để mang Ananda đến lại với con. Nếu không, mẹ sẽ không bao giờ thấy lại con gái độc nhất của mẹ. Con sẽ nhịn đói cho đến khi mẹ mang Ananda đến cho con.

Người mẹ: Vua Kosala của chúng ta là người rất mộ Phật. Vua đến hầu Phật mỗi ngày. Nếu vua biết con yêu Ananda, vua sẽ đốt nhà con. Vua sẽ cấm dân hạ tiện chúng ta sống trong xứ này. Con làm hại mọi người trong đẳng cấp chúng ta.

Prakirti: Nếu vậy thì mẹ đọc thần chú đi. Mẹ đọc thần chú thì Ananda đến liền. Con mà không có Ananda thì con chết.

Người mẹ: Phật là người không còn dục vọng. Mà Ananda thì biết thần chú của Phật, Phật chú diệt hết mọi thần chú. Thôi được , mẹ thương con, mẹ đọc thần chú cho con.

Người mẹ đốt phân bò khô, cỏ khô, thêm củi vào cho lửa rực cháy. Bà ném hoa vào lửa, từng cánh, từng cánh, miệng đọc thần chú:

“Amale, vimale, kunkume sumane, yena baddhasi vidyut icchaya devo varsati, vidyotati garjati, vismayan , Maharajasya , samabhi vardhayitum , devebhyo manushyebhyo gandhavebhyah shikigraha deva, visikhigraha grahadeva, Anandasyagamanaya, Samgamanaya, kramanaya, grahanaya juho svaha”.

Trong khi người mẹ hạ tiện đọc thần chú như vậy. Tôn giả Ananda trong tịnh xá cảm thấy đầu óc bị rối loạn. Ngài rời tịnh xá và đi thẳng đến nhà mẹ con cô thiếu nữ hạ tiện. Thấy Tôn giả từ xa đi đến, người mẹ bảo con gái sửa soạn giường gối. Ananda bước vào nhà, đứng lại, lặng yên. Ngài để ý thấy cô thiếu nữ Prakirti trang điểm đỏm dáng và hiểu thâm ý của người mẹ. Tôn giả biết mình đang gặp nạn. Ngài bèn nghĩ đến Đức Phật , và bằng ý nghĩ, ngài cầu Phật hộ trì. Bằng tuệ nhãn, Đức Phật thấy Ananda đang gặp nạn, bèn đọc một câu chú:

“Sthi racyutith sunitih svastih sarva pranibhyah sarah prasannam nirdosham prashantam sarvatobhayam itayo yatra shamyanti sarva siddhasca yoninani etena satya vakyena svastyanandaya bhiksave”.

Thần chú của người mẹ tan biến. Tôn giả Ananda lấy lại được sáng suốt và trở về lại tịnh xá. Cô thiếu nữ Prakirti bảo mẹ làm cho Ananda quay lại, nhưng người mẹ trả lời rằng Phật chú dẹp tan mọi thần chú trên đời này. Bà nói với con gái: chắc Ananda đã đọc chú của Phật.

Tôn giả Ananda thoát được phù phép của người mẹ, trở về tịnh xá, đảnh lễ Phật và cung kính đứng hầu bên cạnh. Phật nói với Tôn giả: “Này, Ananda, con phải nghe và nhớ kinh Sadaksara Vidyà này. Đây là bài kinh sẽ hộ trì cho tăng, ni, thiện nam, tín nữ. Này Ananda, con phải nhớ, phải suy ngẫm”. Đức Phật đọc:

“Andare pandare karande keyurerci haste svara grive Bandhumati, viramati, dhara vidha cilimile, vilodaya, visani loke visa cala golamati gandavile cili mile satiminmena yatha samvibhaketa golamati ganda vilayai svaha”.

“Ananda, người nào đọc kinh này, người ấy sẽ được tự do nếu bị hành hạ. Người ấy sẽ được giải phóng khỏi trừng phạt nếu có ai ra lệnh trừng phạt. Nếu người ấy khiếp sợ, người ấy sẽ được giải phóng khỏi khiếp sợ. Này Ananda, người nào được kinh này che chở sẽ không bao giờ bị một hành động gì vùi dập ngoài kết quả của nghiệp kiếp trước.”

Tôn giả Ananda thoát khỏi phù phép của mẹ cô gái. Nhưng Prakirti, cô thiếu nữ hạ tiện, vẫn cứ yêu thầm ngài. Một ngày kia, Tôn giả đi khất thực, Prakirti đi theo. Ananda không đi khất thực nữa, quay về lại tịnh xá, bạch Phật. Cô thiếu nữ theo gót Tôn giả đến tịnh xá, đứng tần ngần trước cổng. Đức Phật cho gọi cô vào.

Đức Phật: Có thật là con cứ theo đuổi Ananda?

Prakirti: Bạch thế Tôn, dạ đúng, con có theo đuổi.

Đức Phật: Tại sao?

Prakirti: Bạch Thế Tôn, để Ananda làm chồng của con.

Đức Phật: Song thân của con có bằng lòng như vậy không?

Prakirti: Cha mẹ con chấp thuận.

Đức Phật: Vậy con mời song thân của con đến đây.

Prakirti đi về nhà, nói với cha mẹ rằng Đức Phật muốn gặp hai người. Rồi cô đi cùng cha mẹ đến tịnh xá.

Đức Phật: Con gái của hai vị nói muốn có Ananda làm chồng. Hai vị có đồng ý không?

Cha mẹ cô thiếu nữ hạ tiện: Bạch Thế Tôn, chúng con đồng ý. Con gái chúng con nói rằng nó không sống được nếu không có Tôn giả Ananda. Nó nói nó sẽ tự tử nếu không lấy được Tôn giả.

Đức Phật: Được rồi. Hai vị có thể đi về nhà, để Prakirti ở lại đây.

Cha mẹ cô thiếu nữ đảnh lễ Phật rồi lui ra.

Đức Phật: trong thành Savatthi này con muốn bao nhiêu thanh niên cũng có. Tại sao con chỉ thương yêu Ananda?

Prakirti: Con thích chàng. Con yêu chàng. Lòng con sáng lên vì chàng. Con học được cách suy nghĩ tự do nhờ chàng. Nhờ chàng mà con hiểu rằng con là một người, thành viên của nhân loại. Chính chàng đã làm cho con biết con cũng có mọi ưu tiên, mọi quyền, mọi tự do mà bất cứ người nào cũng phải có. Trong lúc con bị xã hội ruồng rẫy, gạt bỏ xuống tận cùng hố rác, hành hạ với đòn roi của đẳng cáp, y như một con chó hoang, chàng là người duy nhất dạy cho con rằng con cũng là thành viên của chủng tộc loài người. Bởi vậy, chàng là ánh sáng của con. Chàng là cuộc đời mới của con. Con không thể sống được nếu không có chàng. Chỉ thấy chàng là mắt con gặp ân huệ. Giọng chàng ấm bên tai con. Chàng nhìn con dịu dàng, lời nói nhân từ của chàng khắc sâu vào tim con. Con phải có chàng.

Đức Phật: Được rồi. Ta sẽ cho con Ananda. Nhưng con phải theo lời Ta nói.

Prakirti: Con làm bất cứ điều gì cũng được, nếu Thế Tôn cho con Ananda.

Đức Phật: Nếu con muốn Ananda, con cũng phải mặc áo như Ananda mặc. Ananda cạo đầu, con cũng phải cạo đầu. Ananda đắp y vàng, con cũng phải đắp y vàng. Nếu con làm những việc đó, con có thể có Ananda.

Prakirti: Bạch Thế Tôn, con sẽ chạy về nhà và sẽ trở lại đây sau khi làm những điều Thế Tôn bảo.

Prakirti chạy về nhà, kể lại sự việc cho mẹ nghe. Người mẹ mắng cô. Prakirti khóc. Cô nhịn đói.

Người mẹ: Con ơi , con điên rồi sao? Con tuyệt thực đến khi chết sao con?

Prakirti: Mẹ ơi, xin mẹ cạo đầu cho con. Mẹ không làm, con sẽ chết thôi.

Người mẹ: Con điên rồi, con ơi, người phụ nữ đẹp nhất là ở nơi đầu tóc. Cạo đầu rồi thì nhan sắc đâu nữa! Con đui mù rồi sao? Có gì làm người phụ nữ xấu xí hơn? Nếu tóc con bị cắt, nều đầu con bị gọt, con sẽ xấu xí như thế nào! Trong thành Savitthi này có cô thiếu nữ nào đẹp bằng con đâu? Mẹ sẽ tìm cho con một chàng trai xứng đáng. Đừng vội con ạ. Kiên nhẫn thêm chút nữa. Còn nhan sắc gì nữa nơi người con gái bị gọt tóc! Đừng điên con ơi!

Prakirti: Con không muốn bất cứ ai khác. Con chỉ muốn Ananda. Đối với con, chàng là tuyệt đẹp, mặt chàng sáng rực như vàng. Con thích quá cách chàng nhìn, giọng ngọt chàng nói, dáng uy nghi chàng đi. Trên trái đất này, con không muốn bất kỳ ai khác, ngoài chàng.

Người mẹ: Thôi được rồi, con ăn đi.

Prakirti: Con nhịn đói cho đến khi nào mẹ gọt tóc cho con.

Prakirti tuyệt thực cả mấy ngày sau đó. Mẹ cô quá sợ cô chết, phải cắt tóc cho con.

Người mẹ: Rồi đó, bâygiờ con giống như ni cô. Chắc chắn ai cũng sẽ thất vọng về con. Đây là mưu chước của Thầy của Ananda. Chẳng có ai trở về nhà sau khi bị Ngài ấy lừa. Ngài ấy có phép thôi miên.

Prakirti: Điều đó chẳng quan hệ gì. Con bất cần tất cả nếu được Ananda. Con bất cần nếu phải đi xin ngoài đường với chàng. Mẹ ơi, con chạy đến tịnh xá Jetavana đây.

Người mẹ: Con đi đi. Rồi xem việc gì xảy ra.

Cô thiếu nữ Prakirti đầu trọc đi đến tịnh xá Jetavana, mình đắp y vàng. Cô đảnh lễ Phật rồi chắp tay đứng hầu bên cạnh. Hàng trăm vị Tăng, trong đó có Ananda, ngồi quanh Phật.

Prakirti: Kính lễ Đức Thế Tôn! Con đã làm y như lời Thế Tôn đã dặn. Xin Thế Tôn cho con Ananda.

Đức Phật: Tốt lắm, con bây giờ xứng đáng để nhận Ananda. Trước khi Ta trao Ananda cho con, con hãy trả lời Ta vài câu.

Prakirti: Xin Thế Tôn cứ hỏi.

Đức Phật: Cái gì nơi Ananda làm con yêu thích? Dáng dấp? Mặt mày? Cặp mắt? Cách nói? Dáng đi? Cái gì?

Prakirti: Đối với con, mặt Ananda tươi tốt. Mũi đẹp Mắt dễ thương. Tai mời gọi. Giọng nói ngọt ngào. Ý nghĩ đúng đắn. Toàn thể dáng dấp đều quyến rũ. Như vậy đó, con yêu tất cả vẻ người của chàng.

Đức Phật: Con xem thân hình Ananda là đẹp. Nhưng nếu da Ananda bị thương, da đó chảy máu. Nếu không chữa lành, da đó sưng lên. Nó đau. Mủ chảy ra. Cái mà con tả là đẹp, chỉ là bề ngoài con thấy, hạn chế nơi da bọc ngoài. Như vậy, vẻ đẹp hay vẻ quyến rũ chỉ là do cái nhìn bề ngoài da thịt. Nếu da của một người bị lột ra, chẳng ai thèm nhìn người đó nữa. Nếu cái gì ở bên trong thân thể bị lật ra bên ngoài, chó quạ sẽ đến tấn công, phải cầm gậy gộc đuổi đánh. Thân thể đó không phải làm bằng vàng bạc, ngọc ngà. Cũng không phải bằng đá quý, san hô. Thân thể đó làm bằng xương , da, gân,thịt, máu, nước bọt, phân… Thân thể đó không đáng giá gì cả khi con nhìn nó. Nếu con nhìn vào thực chất của nó, nó đáng ghê tởm. Người không có trí tưởng rằng nó đẹp. Thực chất nó vô thường như bọt nước, như bong bóng, tan biến như tia chớp, huyền ảo như ảo thuật, như giấc mộng. Thân thể là phù du, bất trắc, giả dối. Nó giống như chiếc bao chứa đầy đồ phế thải. Khi nó bênh hoạn, ta trở thành kẻ thù của chính ta. Nếu ta nhịn ăn một ngày, nếu ta không tắm một ngày, nếu ta không súc miệng một ngày, ta sẽ thấy chính ta là đáng tởm. Tất cả những gì ghê tởm ứa ra ngoài thân. Thân thể là nơi nương tựa của bệnh hoạn, của buồn bã, của sợ hãi, của nguy khốn. Không ai biết mình sẽ chết hôm nay hay ngày mai. Đồ phế thải của thân thể làm chính ta ghê tởm. Thân thể là nhà chứa của ghê tởm. Ta không thể đem thân này đi theo được. Ta không cho ai thân này được. Bộ xương này gồm 300 đốt, không kể răng. Các đốt xương nối kết với nhau nơi 180 khớp, 900 gân cột thịt lại. 900 mảnh thịt bám chặt vào gân. Toàn thể bộ xương được da bao quanh, cho nên ta không thấy gì bên trong. Da được đánh bóng nhờ lớp sợi tơ đan kết. Thân này có hàng triệu lỗ chân lông. Đố phế thải ứa ra ngoài thân như mỡ đọng quanh chảo. Đó là nơi trú ẩn của hàng triệu con trùng. Đó là nơi than khóc chọn làm chỗ ở. Đó là bị da chứa đồ phế thải với 9 lỗ thoát hơi.

Khi hơi thở lìa khỏi thân này, ai cũng sợ hãi, không dám sờ lên. Hai ngày sau, nó bốc mùi thối với đồ phế thải rỉ ra. Thương cái xác chết này hay thương cái xác chết kia, nào có gì khác nhau? Tình yêu là do ham muốn mà có. Ở đâu không còn ham muốn, ở đấy không còn đắm đuối. Ở đâu có tình yêu, ở đấy có buồn khổ. Từ ngày con bắt đầu yêu Ananda, con đã thực chứng bao nhiêu buồn khổ, khóc lóc, thở than, mất ăn, mất ngủ, suy nhược, hôn mê. Tất cả những điều đó đâu có phải là hạnh phúc? Bây giờ, con hãy suy nghĩ cho kỹ với trí tuệ của con, xem thử thân thể của Ananda có phải là cái gì đáng yêu không?

Prakirti: Ôi, Bạch Đấng Giác ngộ, con đã thấm sự thật qua lời giảng của Ngài rồi. Con đã thấy thực chất nơi thân thể mà Ngài tả. Lòng còn nhẹ hơn khi nghe Thế Tôn nói. Con thông suốt mọi lời Thế Tôn dạy.

Đức Phật: Nếu thật như vậy, Ta sẽ thực hiện lời hứa trao Ananda cho con. Bây giờ con có thể đi về nhà với Ananda.

Prakirti: Ôi, Bạch Đấng Giác ngộ, con không cần Tôn giả Ananda nữa. Lời Thế Tôn đã chữa lành tâm bệnh của con, chữa lành điên cuồng của con. Con không phải là người thiếu nữ có thể hạ mình xuống để điên cuồng như vậy nữa. Tất cả cơn đam mê đã lìa khỏi tâm con rồi. Xin Thế Tôn rủ lòng thương xót thâu nhận con vào Ni đoàn của Ngài.

Đức Phật: Đoàn thể Tăng Ni của Ta rộng như biển. Bao nhiêu sông đều chảy vào biện, trộn chung nước với nhau, chẳng còn phân biệt nước của sông này với nước của sông kia, tất cả chỉ còn một tên là biển. Cũng vậy, Ta không phân biệt người thấp hay cao, chủng tộc, đẳng cấp, xứ sở, ai cũng vào đoàn thể Tăng Ni của Ta được cả. Khi vào, tất cả những gì khác biệt trước đây đều tan biến, mọi người cùng sống với nhau như con chung một cha, mang tên chung là Phật tử.
Bởi vậy, không có gì cản trở con gia nhập Ni đoàn.

Prakirti gia nhập Ni đoàn và đắc đạo trở thành A la hán.

Tin đồn về Đức Phật thu nhận một cô gái hạ tiện vào Ni đoàn lan rộng ra khắp thành Savatthi. Giới tướng tá, Bà la môn, quý tộc, phú gia rúng động. Họ tự hỏi làm sao một phụ nữ hạ tiện , khi trở thành ni cô, có thể đi vào nhà một người sinh ở cấp trên, làm sao một người sinh ở cấp trên có thể đến gần phụ nữ ấy, làm sao phụ nữ ấy có thể nhận thức ăn khất thực từ người sinh ở cấp cao. Họ đến thưa chuyện với vua Kosala. Vua cùng với một đoàn tùy tùng gồm những người trong đẳng cấp thượng lưu, thân hành đến hỏi Phật. Đức Phật gọi Ni cô Prakirti, Tôn giả Ananda và tất cả Tăng Ni đến quanh Ngài,rồi Ngài hỏi vua và mọi người có muốn nghe kể chuyện kiếp trước của Prakirti không. Ai cũng muốn nghe Đức Phật bèn kể:

Thuở trước, bên bờ sông Hằng, có một vị tộc trưởng thuộc đẳng cấp hạ tiện tên là Trishanka. Vị ấy có một người con trai dung mạo thanh tú, thông minh, học hết kinh Vệ Đà. Khi thanh niên ấy đến tuổi lập gia đình, người cha đến cầu hôn con gái của một người Bà la môn. Người con gái ấy tên là Prakirti. Người Bà la môn tức giận, cho rằng việc cầu hôn ấy là sỉ nhục. Người tộc trưởng hạ tiện đem hết lý lẽ ra để giải thích rằng phân biệt đẳng cấp như vậy là không đúng, bởi vì ai cũng là người cả. May sao, người cha Bà la môn ấy học rộng, hiểu nhiều, nên nghe giải thích như vậy thì chấp nhận, bằng lòng gả con gái.

Cô thiếu nữ Prakirti xinh đẹp của người Bà la môn thượng cấp kia chính là kiếp trước của Ni cô Prakirti đang có mặt ở đây. Con trai của vị tộc trưởng hạ tiện là Ananda. Ta là người tộc trưởng hạ tiện Trishanka của kiếp đó.

Mọi người thích thú nghe chuyện. Vua Kosala và tùy tùng đảnh lễ Phật rồi ra về.


(TC. Văn Hóa Phật Giáo 34)

(Divyàvadàna – Shìardùla Kamàvadàna)

(trích : Buddha’s Constant Companion, Ven Ananda

Tác giả: Ven. Weragoda Sarada Maha Thero)

Thư Viện Hoa Sen