VietBest

Full Version: S Cali: Đi du lịch VN, đừng tiếc tiền bảo hiểm
You're currently viewing a stripped down version of our content. View the full version with proper formatting.

PhongVien007

Du lịch, đừng tiếc tiền bảo hiểm
Đằng-Giao/Người Việt
September 22, 2018

[Image: Bao-Hiem_Du-Lich01.jpg?resize=696%2C511&ssl=1]Bà Lâm Thị Kim Sơn, người bị ngã nứt xương ở Việt Nam. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

GARDEN GROVE, California (NV) – “Chuyến này, nếu không có bảo hiểm du lịch mà bị té như vậy thì về đây, tôi ‘vỡ nợ’ chứ không phải đùa đâu.”

Như mọi lần, bà Lâm Thị Kim Sơn, cư dân Garden Grove, 72 tuổi, về Việt Nam thăm thân nhân và bạn hữu. Không như mọi lần, kỳ này bà bị ngã ngồi, làm xẹp một lớp sụn (dic) và nứt một vết ở xương sống.

Bà hồi tưởng: “Hôm ấy, vừa đi bộ về, tôi cảm thấy choáng váng. Vào phòng tắm, vì chưa quen, lại hoa mắt, tôi tưởng màn che là cái tường nên tựa vào đó, không ngờ bị ngã xuống đất.”

Đau quá, bà kêu lên thì người con gái ở phòng ngoài chạy ngay vào. Cô Lâm Quỳnh, con bà, quyết định gọi bệnh viện viện FV Hospital, một bệnh viện do người Pháp đầu tư ở Sài Gòn. Người trong nước quen gọi là “bệnh viện Pháp Việt.”

“Chắc chắn là phương tiện cấp cứu của bệnh viện Việt Nam chung quanh không thể so với bên này nên tôi lo lắm. Đường xá thì lúc nào cũng đông như kiến,” cô Lâm Quỳnh kể.

Bệnh viện FV Hospital không nằm trong phạm vi Sài Gòn. Cô nói: “Để được điều trị đúng cách, buộc lòng tôi phải chọn bệnh viện này, nằm ở Phú Mỹ Hưng, Quận 7. Từ Sài Gòn ra đó mất khoảng 30 phút.”

Sau khi chụp hình, bác sĩ kết luận rằng bà Kim Sơn bị nứt xương sống và một đĩa sụn bị đè bẹp. Trên hình chỉ thấy một vết nứt rất nhỏ. “Nhưng tôi đau lắm. Tôi chịu đau giỏi nhưng lần này rất khó mà chịu đựng,” bà Kim Sơn kể. “Họ cho tôi uống thuốc giảm đau nên cả ngày, tôi cứ như say say, không hoàn toàn tỉnh táo.”

Nằm điều trị từ ngày 23 Tháng Bảy đến ngày 10 Tháng Tám, tuy chưa bình phục hẳn nhưng bà Kim Sơn muốn về Mỹ chữa bệnh cho yên bụng. “Phần khác, tôi phải về vì cháu tôi sắp tựu trường,” bà Kim Sơn nói.

[Image: Bao-Hiem_Du-Lich02-e1537570480674-1024x7...C522&ssl=1]Hóa đơn bệnh viện FV Hospital của bà Kim Sơn ở Việt Nam. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Chi phí bệnh viện của bà là $7,009.50.

Xương sống còn đau, ngồi lâu không được, hai mẹ con rất lo lắng. “May quá, khi tôi gọi điện thoại về Mỹ, trình bày nỗi lo âu cho hãng bảo hiểm, họ sốt sắng cho biết họ sẽ giải quyết chuyện này,” cô Lâm Quỳnh kể. “Hôm sau, họ gọi lại cho tôi và cho biết họ đã hủy ba vé ‘economy’ hãng Eva của chúng tôi và đặt ba vé ‘business class’ hãng Cathay Pacific.”

Giá ba vé “business class” hiện giờ, nếu rẻ nhất trị giá $3,000 một người, một chiều, theo các đại lý bán vé ở khu Bolsa.

Chuyến đi này, cô Lâm Quỳnh mua bảo hiểm cho ba người, bà Kim Sơn, cô, và Audrey, con gái cô. Số tiền bảo hiểm cho ba người không rẻ. Cô nói: “Tôi mua loại ‘platinum’ nên phải trả $654 bảo phí cho một tháng, từ 19 Tháng Bảy đến 17 Tháng Tám.”

Cô cười: “Ai cũng nói là tôi lo xa quá, phí tiền. Nhưng tôi thấy thà tốn tiền nhưng mua lại sự an tâm. Và lần này, rõ ràng tôi ‘có lời.’”

Chuyện đi xa mà gặp tai nạn không phải chỉ xảy đến cho bà Kim Sơn.

Bà Trương Phạm Mỹ Tuyền, cư dân Westminster, cũng gặp chuyện không may lúc đang ở Việt Nam năm 2016.

Bà kể: “Bữa đó em gái tôi mướn xe đưa vợ chồng tôi ra Nha Trang. Đi được vài tiếng, xe ngừng cho mọi người nghỉ chân, uống nước. Hình như lúc xuống xe, anh tài xế xe tôi có lời qua, tiếng lại với một người tài xế xe van 14 chỗ. Lên xe, họ chạy đua trên đường. Người này chạy qua mặt người kia một chút thì người kia qua mặt lại. Trong xe, ai cũng năn nỉ anh tài xế bớt nóng, đừng thèm chấp. Rồi bất ngờ, tôi nghe tiếng bánh xe lết trên đường, rồi xe quay mòng mòng rồi lọt xuống ruộng.”

Sau khi người em gái bà gọi xe khác từ Sài Gòn ra để đưa mọi người về vì không ai có tâm trí đi Nha Trang nữa. Từ đó trở đi, bà Mỹ Tuyền thấy tức bụng như vừa ăn no trong lúc bà chỉ uống ly nước mía. Ba ngày sau, cơn tức bụng như nặng hơn. Bà đi bác sĩ ở Quận 3 và được cho biết không sao cả và chỉ cho uống thuốc đầy hơi.

“Không sao là sao? Tôi tức bụng muốn tắt thở mà nói không sao. Ráng ăn được miếng nào thì lại bị ói ra,” bà kể. “Cháu tôi đưa tôi ‘bệnh viện quốc tế’ ở gần Sài Gòn. Chụp quang tuyến xong, bác sĩ nói tôi bị sưng lá lách, phải mổ gấp và mấy cô tính sơ sơ cũng đã hơn $15,000.”

Bà có thương lượng là sẽ trả tiền mặt nhưng không bớt được đồng nào.
Bà nói: “Đó là tiền mổ và tiền nằm lại điều trị ba tuần.”

Trên đây không phải là những câu chuyện hiếm có. Thực ra, có những chuyện không may xảy ra cho khách du lịch rất thường.

Một người ở một thành phố hướng Nam Orange County, không muốn nêu tên, có vợ gặp chuyện rủi ro khi đang ở Việt Nam cách nay hơn ba năm.

Vợ ông, trong chuyến về thăm quê hương, bỗng nhiên, bị nhức đầu kinh khủng. Vào bệnh viện, bà bàng hoàng khi được bác sĩ thông báo là bà có một khối u ác tính trong đầu, phải mổ để lấy ra gấp. Sau khi nhận được hồ sơ bệnh án của bà, các bác sĩ ở Mỹ cũng đồng ý là tình trạng của bà rất nguy hiểm, không nên chần chừ. Họ cũng khuyên là không nên quay về Mỹ trong hoàn cảnh đó. Nếu muốn quay lại Mỹ thì phải có bác sĩ và phương tiện thuốc men 24/24.

Ông chồng đành phải đi đến quyết định là bán căn nhà để lấy tiền trang trải máy bay riêng cho vợ.

Theo lời ông kể, giá tiền thuê một máy bay riêng, có bác sĩ và y tá rẻ nhất trong thời gian ấy là hơn $160,000.

Ông đưa bà về đến Mỹ kịp thời điều trị.

Nói về chuyện này, cô Lâm Quỳnh chia sẻ: “Phải chi bà ấy có bảo hiểm du lịch thì đỡ phải mất nhà. Thường thì bảo hiểm này ‘cover’ y tế tới $1 triệu lận. Kệ, thà tốn chút tiền mà yên tâm.”

Không muốn quảng cáo cho hãng bảo hiểm nào, cô Lâm Quỳnh chỉ khuyên mọi người đừng tiếc tiền mua bảo hiểm khi du lịch. (Đằng-Giao)