VietBest

Full Version: Mùa hoa tulip - Những Mẫu Chuyện Phật Giáo.
You're currently viewing a stripped down version of our content. View the full version with proper formatting.
Chuyện con cá

[Image: co-nen-phong-sinh-khong-2.jpg]

Hóa ra trong những góc chợ nhỏ nhoi, dơ bẩn, đều có những số phận và tấm lòng...



GN - Tôi rất thích phóng sanh. Nhưng tôi thường ra chợ bất cứ lúc nào thuận tiện thời gian, và mua những con cá, con ếch nằm trong những cái thau, rổ mà tôi biết chắc một lát nữa thôi chúng nó sẽ bị người ta mua về cho vô nồi, vô chảo. Có khi tôi vừa mua thì một bà xách giỏ trờ tới. Chị bán cá trả lời: “Cô này mua hết rồi, thím Ba ơi!”. Tôi thở phào nhìn lũ cá trườn trườn trong thau: “Hú vía nghen con. Hí hí chậm 5 phút thôi là tụi bây vô giỏ của bả rồi!”.

Tôi mua cá xong chạy xe thật nhanh lên dốc cầu gần đó, vừa chạy vừa niệm Phật và thì thầm với lũ cá: “Tụi con nghe má Hai niệm Phật nè, rồi nhớ kiếp sau nếu được đầu thai làm người thì tìm về với Tam bảo nghe hôn. Vô chùa quy y, tụng kinh, lạy Phật, làm công quả, làm từ thiện, sống tử tế nghe hôn! Nam-mô A Di Đà Phật, Nam-mô A Di Đà Phật…”. Tới dốc cầu, tôi dừng xe, mở miệng túi ni-lông trút cá xuống dòng sông nước đầy ăm ắp, miệng vẫn niệm Phật và mắt vui sướng nhìn lũ cá tung tăng trong dòng chảy mát rượi. Nhiều con ngoi đầu lên thở, loanh quanh rất lâu mới chịu đi. Tôi tưởng tượng chúng đang chào tôi. Tôi vẫy tay: “Bơi lẹ đi con. Bye bye. A Di Đà Phật!”. Tiếng Tây tiếng ta gì cũng nói tùm lum vì lòng vui quá.

Nhưng còn một niềm vui và ngạc nhiên nữa. Mấy chị trong chợ khi biết tôi mua cá phóng sanh liền bán với giá cực kỳ rẻ. Có lần tôi thấy hai con cá lóc nằm chơ vơ trong thau, tội quá nên hỏi mua luôn, thì chị nói: “Bảy chục ngàn”. Nhưng khi biết mục đích của tôi, thì chị hạ xuống ngay 35.000đ, khỏi cần tôi trả giá. Chị còn cười tươi: “Em không lời một cắc. Sau này cô có lên cực lạc thiên đường thì cho em đu theo cô nghen. Em biết làm nghề này tội lắm cô ơi! Nhưng hình như là cái nghiệp, bỏ không được. Mà điều, ai mua phóng sanh là em mừng lắm, cho em bớt tội”.

Một chị khác bán rau củ (đồ la-ghim) trong chợ, một bữa vui miệng tâm sự: “Cô biết hồi trước em bán cái gì không? Bán cá đó. Bên quận 1. Bán đắt dữ lắm, nhưng không biết tại sao bao nhiêu tiền cứ bị người ta gạt mất, mỗi lần mấy chục triệu chứ đâu có ít. Em nghĩ chắc là tại bán cá gây nghiệp? Em quyết định chuyển nghề, về Nhà Bè bán đồ la-ghim nè. Hồi mới chưa có khách, bán ế lắm, có lúc em thối chí muốn trở lại bán cá. Nhưng ráng, ráng chút nữa… và cầu xin Trời Phật phù hộ cho con… Giờ khỏe rồi. Em mừng mình thoát khỏi cái nghiệp sát sanh”. Tôi thật bất ngờ. Và cảm thương một con người quyết tâm chuyển nghiệp. Chẳng những vậy, nghe tôi nói nấu cơm từ thiện là chị bán thiệt rẻ, và còn thức khuya gọt củ, lặt rau giùm tôi, rồi mới đem giao hàng tận nhà. Nhờ thế, tôi không mất nhiều thời gian và sức khỏe trong chế biến. Tôi cảm động lắm. Và quyết định mua hàng của chị thường xuyên hơn nữa để giúp chị yên tâm chuyển nghiệp.

Hóa ra trong những góc chợ nhỏ nhoi, dơ bẩn, đều có những số phận và tấm lòng. Họ sống bình dị, ít ăn học, đôi khi lăn lóc như chính những con cá mà họ bán, họ giết hàng ngày. Nhưng trong tận cùng sâu thẳm của tuệ giác, vẫn lóe lên những tia sáng nhận thức. Biết. Và sợ nữa. Nhưng chuyển nghiệp được hay không thì tùy điều kiện và nghị lực mỗi người. Tuy nhiên, cứ BIẾT cái đã. Cái BIẾT ấy sớm muộn cũng sẽ kéo họ ra khỏi vũng lầy. Chỉ sợ không biết thôi, chứ đã biết rồi thì có hy vọng.

Diệu Kim

Giacngoonline.com
Sau cơn giông

GN - Giông!

Những tia chớp ngoằn ngoèo sáng rực rạch nát bầu trời. Những tiếng sấm lộng óc tưởng như ngày tận thế đã đến. Gió lồng lộn xé toạc, dồn ép, xô đẩy những đám mây cuồn cuộn đen xỉn như những lọn tóc xoăn khổng lồ kéo bầu trời chùng hẳn xuống. 

Gió rít từng cơn chơi trò kéo co với những ngọn cây bạch đàn, ngọn cây cau cao vút, thổi bạt, xô ngã giậu rào, quật đổ giàn ăng-ten của máy thu hình, hốt từng đám bụi lẫn rác rưởi cuộn xoay tròn lên cao rồi tung hê mù mịt cả một vùng. Cây cành gãy răng rắc, những tán lá rậm rạp vật vã quật cuồng điên trong cơn gió dữ… 

Từ phía Tây, làn không khí mát lạnh hăng mùi đất khen khét nồng nồng và tiếng ào ào như thác đổ của cơn mưa đầu mùa đang tràn tới…

[Image: a%20congiong.jpg]

Mưa! Mưa dữ dội! Mưa kết nối đất trời giao hoan…

Con Ba quần áo ướt sũng tay cầm một nhánh tre có cột một túm bao ni-lon ở một đầu cố lùa hơn hai mươi con vịt mới trổ lông huê vào chuồng gà. Đàn vịt đã quen ở trong mành, nhưng cơn gió quá quắt đã thổi bay cái mành nên đàn vịt cứ luẩn quẩn trước cửa chuồng gà mà không chịu vô. Đã thế, ánh chớp lóe sáng lên trong giây lát rồi tắt ngấm làm tầm nhìn của con bé với xung quanh càng tối đen hơn. Vừa lo, vừa sợ, con bé khóc, gọi:

- Anh Hai ơi! Vịt nó không chịu vô chuồng gà. Hu... hu... tối quá em không thấy. Anh Hai ơi! Hu… hu…

Trong bếp sát bên, thằng Hai đang chổng mông thổi lửa. Thường ngày nó vẫn nấu cơm giúp mẹ, nhưng hôm nay vì gia đình lộn xộn, nó phải đưa em nó tránh sang hàng xóm, tối mịt nó mới về. Củi bị nước mưa làm ướt hết nên cháy như hun muỗi, khói làm mắt nó cay xè. Bếp lửa bùng cháy, nó lấy đôi đũa cả khuấy sơ qua nồi cơm đang sôi rồi ra cửa bếp nói với con Ba:

- Mày cố giữ chút nữa! Cơm sôi rồi. Cơm cạn tao giần rồi tao ra lùa với cho!

Gạt lửa giần cơm xong, thằng Hai bưng cây đèn hột vịt ra đặt ngoài hè sát trụ cột để tránh gió lùa rồi lùa vịt với con Ba. Bây giờ có hai anh em chặn hai đầu, đàn vịt ngoan ngoãn chen lấn nhau vào chuồng.

Thằng Hai lên mặt với con Ba:

- Mày dở ẹc! Có mấy con vịt mà cũng khóc. Thấy tao không? - Chợt thấy em nó so vai đánh bò cạp, nó tiếp - Vô nhà thay đồ đi! Ướt hết rồi, bệnh chết!

Thằng Hai lại vào bếp. Con Ba bưng đèn lên nhà ngang thay quần áo.

Lên nhà, con Ba thấy thằng cu Tý, em nó, đang ôm con cún trong lòng ngồi khóc thút thít ở góc nhà. Cu Tý đã giật mình khóc thét từ tiếng sấm nổ đầu tiên. Vì phải đi lùa vịt nó đành phải để em nó ngồi khóc một mình. Tội nghiệp cu Tý, vừa sợ sấm, vừa sợ bóng tối, đành ngồi khóc với cún con.

Con Ba thay quần áo rồi dắt cu Tý ra sau nhà rửa mặt. Khi đi qua cửa hông thông lên nhà trên, trong ánh sáng của ngọn đèn hột vịt, con Ba thấy cha nó đang nằm sõng soài trên nền nhà ngủ ngáy ồ ồ. Bên cạnh là chiếc chiếu, lăn lóc trên đó là những cái chai và chén bát lổn ngổn.

***

Chị tất tả chạy dưới trời mưa như trút nước. Những hạt mưa nặng như hạt sạn xiên xiên theo từng cơn gió ngược quất vào mặt rát rạt. Chị đã vấp té không biết bao nhiêu lần. Ngón chân cái sau một lần vấp tóe máu nhưng chị không thấy đau mà chỉ thấy tê dại. Đường làng loang loáng nước không một bóng người.

Đêm nay chị đã nghĩ không trở về nhà. Trong cơn uất giận, chị đã bỏ lại tất cả để về nhà mẹ đẻ… Và bây giờ chị lại băng mình trong mưa gió để về với núm ruột của mình, để lại sau lưng người mẹ già lo âu thắc thỏm cho tình cảnh của con gái lớn.

Cuối cùng thì chị cũng về đến nhà.

Bây giờ chị mới thấy thấm lạnh, thấy đau ran ở ngón chân bị vấp toét móng, thấy thân thể bải hoải rã rời. Nhìn các con ôm nhau ngủ, chị cảm nhận một nguồn an ủi vô biên. 

Cảm ơn các con, những thiên thần bé bỏng của mẹ. Mẹ sẽ hy sinh vì các con nhưng mẹ không thể nhịn được những kẻ xâm phạm mái ấm của mình. Khi những kẻ xem gia đình của họ là tạm bợ thì mẹ không thể để cha các con kết thân, ngồi chung chiếu rượu với họ được. Phải! Mẹ đã từng muốn cha các con là người hoàn toàn không sai trái. Nhưng hỡi ơi! Có ai là người hoàn hảo? Nhất là hoàn hảo theo ý muốn của người khác, dù người khác đó là người thân thiết nhất. Và hôm nay mẹ mới biết rằng mẹ cũng đâu có hoàn hảo, mẹ cũng sai trái. Sự sai trái mà mẹ đã cố chấp để cha các con phải gánh chịu, để các con sống một tuổi thơ không trọn vẹn. 

Thốt nhiên chị nhớ lại lời mẹ: “Chỉ những người chồng sống không có trách nhiệm với gia đình mới không màng đến việc bị vợ lấn lướt. Cái sai của cha thằng Hai là uống rượu rồi đánh vợ. Nhưng sống với nhau có ba mặt con nó chưa từng đánh con một bạt tai, vì sao hôm nay như thế? Con phải tự xét lại mình. Mẹ thấy không phải lỗi hoàn toàn ở nó! Cha say rượu, mẹ bỏ đi, những đứa trẻ sẽ như thế nào trong cơn giông tố?...”.

***

Cảm giác đầu tiên hắn cảm nhận được là sự mát lạnh của nền xi-măng dưới lưng, vòm miệng và cổ họng khô khốc, đầu nặng như đeo đá và nhức kinh khủng. Hắn nằm yên nghe mưa gió gào rú bên ngoài. Trí óc còn u mê chưa tỉnh hẳn, hắn nhớ mang máng là ban chiều trời nổi giông, hắn và đám bạn tổ chức ăn mừng trước khi trời mưa xuống. Hắn và đám bạn đã cãi vã rồi đánh nhau và hắn đã… đánh vợ! Đánh vợ! Hắn rùng mình khi nghĩ đến điều đó.

Hắn hoảng hốt lồm cồm ngồi dậy, nhìn quanh quất. Im vắng. Chỉ có tiếng mưa gió bên ngoài làm tăng thêm cái quạnh quẽ của gian nhà. Chiếu rượu cùng chén bát đã biến đâu? Và vợ? Con?... Nhưng hắn không kịp nghĩ ngợi nhiều hơn. Cơn buồn ngủ ập đến kéo hai mí mắt díp lại. Hắn nằm vật xuống và lập tức chìm vào giấc ngủ say… Cảm giác nhồn nhột trên mặt, trong hai lỗ mũi lại làm hắn tỉnh dậy. Tỉnh hẳn!

Thì ra cu Tý đang cầm chiếc lông gà ngoáy vào hai lỗ mũi của hắn. Hắn ngồi bật dậy ôm con, dụi chiếc cằm đầy râu vào bụng thằng bé làm nó cười như nắc nẻ, cũng vừa lúc vợ hắn đi lên. Hắn bỗng nghe lòng se thắt khi nhìn thấy một bên mắt vợ sưng tím. Cảm xúc ân hận trào dâng, nhưng hắn chưa kịp nói gì thì nghe vợ nói:

- Cha thằng Hai chưa tỉnh rượu thì uống bát nước đậu xanh tôi giã rồi để trong chạn bát. Nồi cháo đậu xanh tôi nấu nhừ rồi, bốn cha con ăn đi cho con nó đi học. Đêm hôm giông tố thằng Hai không học bài được, vừa khóc đó.

Hắn quá đỗi ngạc nhiên. Chưa, chưa bao giờ sau cả trăm lần hắn say rượu vợ hắn chịu nói chuyện trước. Và bởi chính thái độ im lặng của chị làm hắn căm ghét. Rượu! Hắn uống và cứ uống. Uống để trêu tức vợ hắn, uống để tỏ rõ cho vợ hắn biết hắn là đàn ông, là chủ gia đình, mặc dù tỉnh dậy sau mỗi lần say, hắn đều ân hận tự sỉ vả cho sự yếu đuối của mình.

Hắn ngồi uống nước trà nhìn các con ăn cháo. Mỗi đứa một nết ăn khác nhau. Thằng Hai dùng muỗng gạn một lớp mỏng trên mặt chén cháo rồi ăn liền; con Ba thì dùng đũa quậy tròn cháo trong chén chứ chưa ăn; cu Tý thì dùng muỗng dầm cháo liên tục, vừa dầm vừa chu miệng thổi phù phù mà hơi thở chẳng đến chén cháo. Tình thương con dội lên trong lòng người cha để hắn chợt nghĩ dại: Nếu trong cuộc cãi vã dẫn đến đánh nhau với đám bạn và vợ hắn chiều qua, một hoặc cả hai vợ chồng hắn ngã xuống vĩnh viễn không trở dậy được thì cuộc sống của ba đứa trẻ?… Hắn rùng mình lạnh buốt sống lưng không dám nghĩ tiếp. Hắn nhìn ra vườn và cảm thấy quý vô ngần những gì hắn đang có được.

Ngoài vườn, sau cơn giông, những cành cây gầy guộc bị gió quật gãy nằm chỏng chơ, những khóm chuối bị quặt tàu, những cây đu đủ bị ngả nghiêng sát đất, trái vung vãi khắp nơi. Nhưng trong cảnh tan tác ấy, những cành, những lá còn trụ lại được xanh hơn, mượt mà, bụ bẫm hơn, bóng lên dưới ánh mặt trời của buổi ban mai.

Một ngày nắng đẹp bắt đầu.

Truyện ngắn Phụng T

GNOL
Ở nơi đó có hoa dã quỳ

GN - Cuối mùa lạnh Vẹn ra đi. Trong một đêm xao xác gió, Vẹn không đủ sức chống chọi với đời, Vẹn như chiếc lá bị gió cuốn bay giữa cánh đồng dã quỳ mờ mờ dưới chân đồi, đi mãi!

[Image: quy1.jpg]
Dã quỳ bình an - Ảnh minh họa

Những chiều buồn đổ dài trên con đường lát đá, ngôi nhà nhỏ nằm giữa đồng dã quỳ vẩn lên một ngọn khói là đà bay lên quyện vào bóng chiều rợn ngợp. Xa xa, vài đôi chim đập cánh thảng thốt kêu trong sương giăng. Nhà vắng tanh, Mơ lúi húi trong gian bếp tối sẫm thổi lửa nấu cơm, mẹ đứng lặng trước bàn thờ của Vẹn. Bàn thờ mới tinh, vải điều còn chưa ám màu hương khói. Mẹ thắp nhang khấn vái rồi lau sạch mớ tro nhang rơi vung vãi trên bàn. Mơ bưng mâm cơm dọn sẵn lên bàn, hai mẹ con, ba cái bát. Một bát Mơ bới thật đầy, gắp thêm khứa cá lóc kho khô với dĩa rau muống luộc mang lên bàn thờ cúng Vẹn. Trong bữa ăn mẹ con Mơ cúi mặt và cơm vào miệng, nuốt miếng cá miếng rau mà nghe như có cái gì nghẹn lại ở cổ, đắng không thể tả. Bỗng dưng nước mắt người già giàn giụa chảy xuống hai gò má tom hóp.

Cơm nước xong xuôi cũng là lúc trời bắt đầu u tối. Bóng đêm như ập xuống từ trên triền dốc cao bao phủ căn nhà liêu xiêu gió, tối ngập cả con đường lát đá và chập choạng trên cánh đồng dã quỳ. Vài bông hoa ngẩng cao phất phơ phía cuối chiều trước khi rũ mình kết thúc một vòng đời tội nghiệp. Mẹ nằm trên võng nhai trầu, Mơ ngồi lưng tựa vào vách xõa mái tóc ra chải bằng cây lược gỗ Vẹn mua tặng Mơ trong cuộc hẹn đầu đời, bây giờ bóng lên vì được cọ xát trên mái đầu theo thời gian mưa nắng. Mẹ nói bằng cái giọng trầm buồn:

- Thằng Vẹn ra đi là yên phần của nó. Đến chừng đoạn tang chồng, con không còn là người nhà này nữa. Thôi thì con đi tìm cho mình một chỗ dựa thân, chí ít cũng lo lắng cho con suốt đoạn đời còn lại. Tội nghiệp, người đàn bà không có bờ lưng đàn ông bảo bọc, chở che thì khổ lắm con ạ!

Tiếng mẹ thở dài bện chặt với tiếng võng kẽo kẹt làm thành một thanh âm não lòng. Đã bao lần mẹ nói với Mơ về nỗi khổ của người đàn bà không chồng, khổ như chính cuộc đời của mẹ. Mơ không cam lòng, Vẹn mất, Mơ quen dần với cuộc sống không chồng, sớm chiều thay anh lo lắng cho mẹ già đơn chiếc. Con đường ấy là do Mơ chọn lấy, cuộc sống này cũng là do Mơ chọn lấy. Bây giờ mẹ kêu Mơ đi thêm bước nữa, lòng Mơ đau như cắt, Mơ biết mẹ không muốn ghì chặt lấy tuổi thanh xuân vẫn còn đang mơn mởn của đứa con dâu bất hạnh. Mẹ luôn tỏ ra mình là người mạnh mẽ như lúc Vẹn bình an từ giã cuộc đời, mẹ không khóc, chính mẹ là người vực dậy những bước chân đầu tiên cho Mơ sau những ngày tuyệt vọng. Để rồi mỗi khi đêm về gần sáng Mơ giật mình thức giấc, không thấy mẹ bên cạnh, Mơ bàng hoàng ngồi dậy. Dưới mái nhà có dây tường vi giăng ngang, Mơ nhìn thấy mẹ ngồi lặng lẽ trước mộ Vẹn giữa cánh đồng hoa mịt mù sương gió. Bóng mẹ gầy gò, cô đơn trong màn đêm quạnh quẽ. Mơ bật khóc.

- Không đâu mẹ. Vẹn không còn thì con cũng là vợ của anh, là dâu của mẹ. Bỏ mẹ con không đành lòng. Mẹ đừng bắt con phải ra đi…

Nói dứt lời, Mơ nấc nghẹn. Người già động lòng sụt sùi nước mắt, thi thoảng lại kéo góc khăn rằn chấm chấm lên khuôn mặt chi chít vết nhăn. Mẹ thầm cảm ơn cho sự bao dung của Mơ, chẳng phải máu mủ ruột rà mà chừng ấy năm Mơ luôn làm tròn bổn phận của mình, Mơ là điểm tựa vững chãi cho mẹ trong những ngày xế bóng. Mẹ gằn giọng:

- Sao được hả con? Mẹ biết con thương mẹ, nhưng còn hạnh phúc? Mẹ đâu thể ích kỷ mà giữ con mãi bên mình, một mình mẹ vẫn ổn.

Mơ nhận ra tuổi già đọng dần trên đôi mắt kèm nhem của mẹ. Những chiều gió bấc đột ngột thổi từ bên kia sườn đồi, căn nhà và đồng hoa lồng lộng gió. Mơ thấy mẹ ngồi ho sù sụ, tiếng ho khan khan như vỡ tan trong tĩnh lặng ban chiều. Tim mơ se sắt. Nhìn ngọn dã quỳ lắt lay trong gió, Mơ nghĩ mẹ cũng như dã quỳ, một lúc nào đó cũng bất nhẫn mà khuỵu xuống giữa đời giông bão. Trước khi Vẹn trút hơi thở cuối cùng, anh nhìn Mơ trân trối. Trong đôi mắt người đàn ông le lói những tia sáng yếu ớt phút cuối đời, trong cơn đau quằn quại, Mơ thấy anh nhìn về phía mẹ. Người đàn bà khổ nhọc dắt Vẹn đi qua những mùa hoa, qua những cơ cực ấu thơ và an yên trong hiện tại. Mơ từng rỉ vào tai Vẹn mà nói: “Em sẽ thay anh chăm sóc cho mẹ, làm tròn bổn phận người con. Bình an mà đi, nghe anh!”. Bàn tay Vẹn lạnh dần rồi vuột khỏi tay Mơ. Giá mà trên đời không có những cuộc chia ly thì chắc đã đỡ khổ hơn nhiều! Mơ sợ nhất là những cuộc chia ly, đời mấy khi đi mà quay trở lại? Có cuộc chia tay là mãi mãi để rồi người ta chỉ còn biết tìm bóng dáng của nhau trong bảng lảng sương mờ…

Mẹ thường kể về những mùa hoa dã quỳ. Ai đã bao dung xới từng nhát đất, gieo từng mầm hoa, ai đã độ lượng trồng nên cánh đồng mênh mông có con đường xẻ dọc chia miền dã quỳ làm hai nửa. Cuối đường là căn nhà có hoa tường vi giăng ngang, mùa hoa nở ong bay vò võ, sắc vàng trải dọc ven đường trong ngày thu hết nắng. Hương thơm dịu nhẹ theo gió tỏa về muôn phương. Mơ thích nhất là khi được ngồi cùng Vẹn trên bờ đất cao ngắm đồng hoa trong chiều lặng gió. Hình như cái màu hoa ấy nhuộm thắm cuộc đời của những con người chân chất nơi đây, nó loang cả vào trong sâu thẳm tâm hồn, cả những ngã rẽ cuộc đời hay những chuyến đi xa người ta thường kháo nhau “Chừng nào hoa nở, ta lại về, mình nhé!”.

- Con biết không? - Mẹ nói bằng giọng buồn buồn - Ngày trước, mẹ để lạc mất con gái của mình trên cánh đồng dã quỳ trong một đêm định mệnh. Bọn nó ác thật, bọn nó ghì con mẹ xuống đồng hoa để thỏa mãn thú tính điên cuồng. Mẹ đau lắm! Mẹ kêu gào nhưng không thấy con gái của mẹ đâu… Nó rời mẹ đi mãi rồi, con à! - Mẹ dừng lại, chậm nước mắt rồi nhìn vào khoảng vắng xa xôi. Bầu trời đen với một vài vì sao cô độc, dã quỳ buồn tênh ngơ ngẩn nhìn trời.

Mơ không biết mình đã khóc theo mẹ tự bao giờ. Mơ quệt nước mắt, di bàn tay dọc trên sống lưng của mẹ, lí nhí hỏi:

- Còn Vẹn thì sao hả mẹ?

- Vẹn không phải con ruột của mẹ. Trong đêm mưa dầm dề năm ấy, mẹ nghe có tiếng trẻ khóc vọng lại. Không chần chừ, mẹ lao ra màn mưa đi về phía âm thanh đứt quãng. Một đứa nhỏ đỏ hỏn được quấn chặt trong chiếc khăn bông đẫm nước. Xót lòng, mẹ đem về nhà nuôi. Đứa nhỏ ấy là thằng Vẹn đó con! Mà lạ thật! - Mẹ tặc lưỡi - Hình như định mệnh cướp mất của mẹ đứa con gái rồi bù lại cho mẹ một đứa con trai để tuổi già đỡ quạnh hiu…

Mơ ngồi nghe bên mẹ mà thấy ngực mình nghẹn lại như là không thở được. Mơ nghĩ mẹ vĩ đại quá, mẹ âm thầm giữ bí mật ấy suốt thanh xuân cho đến khi mái đầu thấm bạc. Mẹ vẫn giữ nguyên như tình thâm máu mủ ruột rà, ngày Vẹn về với gió…

Ngoài kia mênh mông gió thốc. Lòng hai người đàn bà hoang lạnh, xốn xang. Vậy mà có lúc Mơ nghĩ đời mẹ là chuỗi ngày bình yên, là những đoạn đời trắc trở mọi đường trừ tình yêu thương ruột thịt.

- Đừng day dứt nữa, mẹ à! Mẹ vẫn còn con, bây giờ cũng vậy, sau này vẫn thế.

Mẹ nhìn Mơ, đôi mắt ngấn nước. Người ta bảo người già khó khóc. Mẹ có khóc đâu? Chỉ là những hạt nước tròn vo hiếm hoi lăn đều trên gò má hằn sâu những nếp nhăn của bao đêm thức trắng, của những lần lặn lội khắp nơi kiếm tìm mà tin con biền biệt phương trời.

- Không biết nó còn sống hay đã chết. Còn sống chắc bây giờ nó cũng trạc tuổi con, cũng y như con vậy. Nó thích dã quỳ lắm. Nhắc lại mẹ thấy nhớ nó quá!

… Có lúc Mơ ngồi ngẫm lại không biết mình đến đồng hoa dã quỳ này tự bao giờ, duyên cớ gì mà gặp Vẹn rồi nên nghĩa vợ chồng, rồi trở thành con dâu của mẹ. Hay bởi do duyên phận, hay tại những mùa gió chợt đến chợt đi không lời từ biệt? Hay vì Mơ cũng phải lòng hương sắc dã quỳ như con của mẹ?...

Chiều nay, Mơ bất chợt tỉnh dậy, thấy mình nằm giữa cánh đồng dã quỳ. Trên trời xanh, vài áng mây trôi lờ đờ rồi biến mất sau ngọn đồi xanh ngát. Bỗng dưng Mơ thấy mình lẻ loi quá! Mơ nào phải chim trời mà chơi vơi giữa dòng đời vô định. Dưới bờ lưng cỏ mềm ươn ướt. Dã quỳ co mình áp cánh hoa chảy tràn trên da thịt của Mơ. Mơ nhớ về ngày trước, cũng trong đêm giông gió bời bời, một mình Mơ chống chọi với đám côn đồ khát thịt. Mơ yếu đuối như dã quỳ, Mơ nhỏ nhoi giữa đồng bãi bao la, Mơ cố gắng gượng vẫn không sao thoát khỏi những đôi bàn tay bẩn dơ, thô ráp đang rê mạnh trên từng lớp thịt da Mơ. Mơ khóc, khóc đến không còn giọt nước mắt nào tuôn khỏi bờ mi. Hình như dã quỳ giập nát, Mơ ngửi thấy mùi hương hăng hắc chứ không thanh tao như dã quỳ trong thơ ấu cuộc đời. Mơ thức giấc ở một nơi xa lạ, đông người, nhìn quanh quất không thấy cánh đồng hoa sớm chiều lộng gió, không thấy khuôn mặt người quê tần tảo mà nặng nghĩa nặng tình.

Là những vết bầm dọc dài trên cơ thể.

Là dấu đau hằn sâu mấy mươi năm cuộc đời rồi trôi vào miền lãng quên.

Hình như là mẹ…

Mắt Mơ ráo hoảnh, hoảng hốt đạp trên những giậu hoa chạy nhanh về phía ngôi nhà dưới chân đồi cũ. Nơi đó có người già tóc bạc lưng còng, sớm chiều ngóng vọng phương xa, có trái tim bao dung và ấm áp.

Dã quỳ bình an.

Truyện ngắn Hoàng Khánh Duy

Người đàn bà về từ phía biển

GN - Cô không muốn ai nhận ra mình. Nhưng những gì đang diễn ra trong cô còn ly kỳ hơn rất nhiều cả sự hư cấu. Cho dù một nhà văn có óc siêu tưởng đến cỡ nào, khi bẻ câu chữ vặn vào nhau vẫn còn những kẽ hở để gió hay cát lọt vào. Câu chuyện của cô dầy đến nỗi gió phải nói, chị ơi em chào nhé.

[Image: hoasu.jpg]
Như những bông hoa sứ kết thảm ở cổng chùa. Luôn mở lòng đón cô trở về, từ phía biển.


Cô rất thích làm đỏm bằng những chiếc khăn. Cả khi tóc hãy còn đổ lọn loăn xoăn trên khuôn mặt trái xoan mà cô vẫn thích gọi là dài như cái bơm. Cho đến một ngày, những lọn tóc mềm bóng óng ấy đã nằm gọn trong một bịch ni-lon với cái tên của nữ chủ nhân. Cô kỹ thuật viên kịp hỏi nơi để trao trả nó về. Và cô kịp gật đầu theo một phản xạ của... nuối tiếc. Rồi khép hàng mi đủ bỏ lại tất cả. Đủ cho một ca phẫu thuật sọ não kéo dài gần 6 giờ đồng hồ và thêm chừng ấy nữa trong phòng hồi sức.

Khi tỉnh, cảm nhận đầu tiên về sự sống là cổ họng ứ nghẹn bởi một vật gì mềm mà neo rất chặt. Đó là cái dây thông chạm dạ dày để làm gì chỉ trời mới biết. Đồng lúc một bàn tay rất mềm, rất ấm chạm nhẹ. Khỏe chưa cô? Cũng là phản xạ, cái đầu ngúc ngoắc trả lời. Cô nhận ra giọng của vị bác sĩ đã nhận mổ cho mình. Giọng xứ dừa không lẫn với tổ hợp từ ngọt, ngữ điệu chậm chắc, lành đến mủi lòng. Cô vẫn trong trạng thái nhộng che mỗi tấm drap và vẫn bị bó cứng như tất cả các bệnh nhân hậu phẫu thần kinh khác, nên làm sao xoay đầu ngẩng cổ vào lúc này. Nhưng vẫn thấy rất rõ khuôn mặt phúc hậu ấy, đôi mắt ánh hiền, nụ cười chẳng khác lời giới thiệu về một ông Bụt.

À quên, cô nhận ra trước nhất phải là cái đầu bị bó cứng như thể ai đã chằng vào đó cùng một khối đá vô chừng. Đến nỗi, nó không thể cục cựa. Và khi cố gắng, thì lớp băng dày trục bó rọ quanh càng thít chặt hơn da đầu, rất đau đớn.

Những chiếc khăn, vô khối khăn yêu thích để làm điệu vào ngày trở mùa, dù có không muốn giờ bỗng trở thành vật bất khả ly thân cho người phàm đầu trọc.

Trước khi bước vào tái mổ u phát lần hai, cô còn đủ bình tâm để rảo nhiều shop Sài Gòn lùng tìm bằng được những màu sắc ưa thích. Các chủ quán bần thần không chịu lấy tiền, khi biết rằng đây là một người đi tìm cái đẹp trước cửa tử. Nhưng cô vẫn cười rất tươi, so đo trước gương ướm buộc đủ các kiểu như một người mẫu chuẩn bị bước lên sàn cuộc tranh đua nhan sắc.

Mà thật, bởi vậy trước khi chìm vào hôn mê sâu cho dao kéo rọc rạch, bóc tách, cô còn kịp nhận lời khen của các chị phụ mổ, em thật là đẹp. Hình như má cô có ửng lên trước lúc cô chả còn thiết gì nữa. Cũng đáng lắm chớ. Cô có thể bay lẫn vào mây, chạy ùa theo gió cùng với món quà lời khen tặng hào phóng của kíp mổ.

***

Ơn giời, sẻ nâu không bay chạy mà đậu xuống giường yên thế suốt rất lâu, rất lâu...

Đề tài về những cái khăn quả là bất tận. Nó như kiểu định mệnh buộc luôn vào cả số phận cô. Tuổi ba mươi bảy của người đàn bà rực lửa đã dừng lại trong ngấn lệ khô của người chồng Nẫu, trong đầu óc ngơ ngác của hai đứa bé lên năm, lên tám.

Cô vẫn nhớ ngày trước bước vào ca mổ, thì bạn kỹ thuật của cơ quan đã mở webcam cho mẹ con từ Sài Gòn - Đà Nẵng gặp mặt lần cuối. Não chớ đâu phải giỡn. Ác chớ đâu có lành. Chết thì cầm chắc hơn sống. Cô bám thanh giường đang trượt trên thang máy đến khoa Ung bướu nài nỉ tiếng khóc thút thít đang ám vào mình: không sao đâu mà, rồi cười, xoa xoa cái đầu nhẵn đến soi gương được, bảo thế càng đỡ mệt, em lười gội lắm.

Đời hình như thích đùa với người hay giỡn, nên khối u đã tái phát sau mười hai năm tưởng đã êm thấm.

Cũng vị bác sĩ tài ba đức độ ấy chủ trì mọi sự. Cô bình thản trao tin vào đôi bàn tay với tấm lòng vàng. Và... chả còn lời nào khác hay hơn TUYỆT buột từ miệng ông mỗi sớm thăm bệnh nhân đặc biệt.

Sao không tuyệt cơ chứ, khi mà mỗi ngày cô thay vì đã nằm yên chí trong mấy mảnh ghép gỗ, hoặc bất động nhìn con muỗi thản nhiên no căng vẫn sít vào da thịt. Thì nay cô đã có thể tự lực bíu vào cánh cửa sổ ngay sát giường, đá liên hồi vào bức tường tội nghiệp bên chân đang muốn nói lời vĩnh biệt các bước đi. Cô bắt ép các ngón tay dúm bốc từng múi cam trong tình trạng nó bại xuội tưởng như không cứu vãn.

Và cô đã thắng hội chẩn liệt nửa thân suốt đời, ngay tại phòng chăm sóc đặc biệt, mà chỉ phải mất có một ngày rưỡi trả tiền cho khoa Trị liệu hồi phục chức năng.

Sự sống được trao trả vào tay của người biết quý giá trị của nó, nên rất hứng thú. Đôi lúc, trong một điều kiện cho phép trễ nãi, cô thử cợt nhả chờn vờn với nó bằng cách dẫm lên trái tim mình, hay cấu vào nó một cái rõ là đau. Trái tim có hôm bật khóc, nhưng sự sống lắng chắt từ trong đáy khổ, rất biết chừng mực. Nó nhắc những hạt ngọc mặn chát biết rằng cần phải kềm giữ cho khi cần hơn, nên đôi con ngươi khẽ chỉ ánh ngấn loáng nước, đủ cho người ta mềm lòng.

Đi suốt. Cô nói, đời đã muốn cô phải dừng bất ngờ vào chính lúc đóa bung cánh đầy đặn căng mọng khát mưa sương nhất. Thì chân này tranh thủ phải bươn để bù những ngày bệt bạ lem luốc trong gối chăn xuệch xoạc.

Khăn là tình nhân luôn cận kề bên cô. Che mưa chắn gió như bàn tay của người yêu thương không khắc nào chịu rời.

Mỗi một ngày, sự sống nhắc cô làm nên một điều kỳ diệu để khắc vào năm, vào tháng, vào kiếp đời một vết tích mang tên Chiến thắng.

Có sớm quá không để gọi tên từ này ngay trong hai mươi tư tháng của một đời người. Nhưng dù chỉ là một ngày, thậm chí canh giờ hay khoảnh khắc thôi mà cười nhẹ được cả trong lúc đau vật vã vất vưởng của hơi thở mỏng tanh. Ồ, mà ngay từ cuộc đua đầu tiên, vị bác sĩ đáng kính chả đã bảo, sự sống của cô kể như vượt kỷ lục của thế giới rồi, đó sao!?

Nói thì nhớ, có một câu đại loại đời người không định đo bằng ngày tháng năm. Mà thuộc về ý nghĩa. Ta trượt trên đường ray đủ để nhanh không kịp nhớ một vết dấu gì đã trải. Nhưng viên sỏi vấp dọc đường lại là nhà hiền triết vĩ đại luận và nhắc ta nhớ về nhiều nhẽ.

Hay thật. Nhưng nhớ để làm gì cơ chứ khi dọc dài hành trình rặt tiếng lốc cốc leng keng đi lạc trên những mái cong.

Ừ, guốc mộc đấy. Trăng cũng đủ đầy để soi thấu tình ủ tầng trong sâu lớp lá bồ-đề nhuốm vàng.

Cô không nhận ra mình khác gì mấy trong màu sắc nâu lam, chứng tỏ một sự hòa quyện đâu từ tiền kiếp.

Ai bảo sự sống là ta có mỗi kiếp này rồi thôi, để đêm nào nó cũng nháo nhác. Trông chờ tiếng sóng vỗ trở lại. Nhưng biển thì cứ hoài xa, hình như sóng cũng biết rõ thân phận tầm gửi. Nên rất yên ắng, rất yên...

Nhiều ngày như thế, nhiều đêm như thế bờ cọ mãi mình vào thành quách, rồi quắp queo thành một thói không gỡ bỏ được. Mà cứ ở yên như vậy, đi qua sẽ dễ dàng hơn.

Không một ai nhận ra, trong dáng vẻ thản nhiên của bước trần trên lòng cát mỗi ngày, một trái tim mang trong sâu thẳm ký gởi nỗi nhớ sóng. Người đàn bà trong cô để mặc cho bình minh vuột qua. Như thể những cánh chim biển vô vọng nghe tiếng lích chích của chính mình chìm vào tiếng rền rĩ bất tận của đại dương.

Cô biết, có thể đứng lên được, dễ vắt vẻo trên đỉnh đi nước cờ cười với Lão Tiên. Nhưng khó lòng thoát lưới bủa kiếp đa đoan. Trái tim luôn lươn lẹo thoái thác. Và ai cũng biết rõ cơ khổ vì đâu, nhưng rút thoát ra khỏi không hề dễ.

Và vì thế, cô tự đào ngay dưới chân mình cái hố sâu hút mắt. Buộc mình phải lựa chọn nghiệt ngã của hoặc là.

Chân lý có khi nằm ngay trong phiến lá rơi đậu đầu thềm. Nó nhắn nhủ lẽ vô thường. Và bước chân định tĩnh nhiếp tâm hơn. Cô đã chọn một cách giải cho bài toán không giống ai. Bài toán không có con số, mà là những cuộc đời đi bên cạnh. Là người đàn ông đã khép mình cùng thời gian như thể đương nhiên. Là hai đứa trẻ tự biết phải lớn lên như thế nào. Là những dấu chấm than, chấm hỏi chưa biết điền thêm bao nhiêu thì đủ.

Người đàn ông ấy không khi nào nhấn giọng dù mâm cơm sơ sài đến bao nhiêu. Những đứa trẻ trời nuôi không biết khóc nỗi xa mẹ. Cho nên, chén bát chả mấy khi khua động. Trừ khi bão giông nổi từ chính nội tâm của người đàn bà không chịu nổi nhàm chán, không đầu hàng số phận.

Mỗi lúc như thế, cô lẳng lặng ngồi rất lâu như thể đóng đinh trên bờ cát. Sự im lặng bao trùm tứ phía khiến cảm giác về sự đơn lẻ, nhỏ bé nhưng không hề đơn độc. Vì sức nặng của ưu tư dường như đã tan theo bọt sóng. Dường như đước ủ tủ chôn lấp dưới lòng cát. Dường như đã bay hóa vào muôn gió.

Cô ngồi hướng mặt về phía triều dâng, về nơi giao thoa của bầu trời và mặt biển, là của đường đi về của ánh sáng. Nhưng cô chỉ nhìn độc mình. Khi đôi chút chểnh mảng thì dán nhìn vào chân lũ còng gió nhắng nhít. Rồi lại chỉ còn mỗi chấm thở rất mảnh, ở khướu tử sinh...

Tất cả cùng cô, đi qua duyên nghiệp từ nhiều tầng quá khứ, nên không một nút thắt nào không gỡ nổi. Và nếu có đặt câu hỏi vì sao thì thật khó đủ từ để lý giải. Sự rỗng lặng chứa chấp cả kho báu ý nghĩa vũ trụ. Nó như bản thể hợp chất của các thiên sinh đất và nước, gió và lửa. Ta giống như viên sỏi chịu thấu nắng mưa, hay chao trượt hoài thì sẽ bớt cạnh góc, xù nhám. Sẽ có vô khối hình thù khác biệt, nhưng sẽ không còn đầy những sắc lẹm luôn rình rập ám hại cả những bàn tay, bước chân Bồ-tát.

Khao khát sống không còn dừng chỗ ở nghĩa lý qua ngày. Mà gói ghém cả những thâu nhặt cho ngày xa nữa. Và cho nhiều những phần đời tựa hồ đang chìa tay vô vọng cầu khát trong sự bất lực của con người. Cô thách đố cái gọi là nan y. Và cô dành chiến thắng cho tất cả những người đồng cảnh. Những câu chữ nhảy múa thoát thai từ trong biển lửa mang thông điệp của loài sen sinh hương từ bùn.

Như những bông hoa sứ kết thảm ở cổng chùa. Luôn mở lòng đón cô trở về, từ phía biển.

Những bông sứ biết, cô vừa gột rửa đời nặng, gởi lại cho biển.

Cô đang rất nhẹ, thong thả từng bước chân...

Truyện ngắn Tâm Định
http://giacngo.vn/vanhocnghethuat/truyen...05/5362D8/
Thói quen của những con đường

GN - 1. Cách đây 30 năm, nơi này còn là một nghĩa địa, là một ngọn đồi. Cuộc di dời tất cả những nghĩa địa nằm trong thành phố hoàn tất. Để tránh sự lo ngại của người dân cho rằng phải sống chung với người chết, chính quyền đã hốt đi một lớp đất khá sâu rồi mới bắt đầu xây trên nền đất cũ một chung cư 7 tầng. Giờ đây, khu vực này có cái tên rất gọn là lầu 7. Khu lầu 7 rất ít người tới mua nhà hoặc thuê phòng để ở, dù giá đưa ra khá rẻ so với nhiều chung cư khác. Lý do có thể giải thích là người ta bị ám ảnh là phải sống trên một nghĩa địa cũ, mà đã từng là nghĩa địa thì sẽ có hồn ma. 


[Image: con%20duong%201.jpg]
Ảnh minh họa

Ở trên tầng 5 lại càng vắng vẻ người ở, còn rất nhiều phòng bỏ trống. Sau khi ly dị với vợ, bán căn nhà cũ chia làm mấy phần, ông Hưng chọn mua căn phòng nhỏ ở chung cư này để sống. Gần 30 năm sống có người đàn bà bên cạnh, giờ bước qua tuổi 50, nhẹ nhàng như con chim bay trong không gian của mình, ông Hưng có cảm giác như mình vừa trải qua một cuộc hồi sinh. Không hồi sinh sao được khi ông thoát ra khỏi cái tính nói dai, nói dài của bà Ngoạn, ông có thể thức dậy vào bất cứ lúc nào ông thích, ông có thể tự do ra quán nhậu với bạn bè mà không bị bà Ngoạn gọi điện chì chiết: “Ông già rồi mà như đứa con nít, giờ này còn la cà quán xá. Có về nhà ăn cơm không?”. Thế là phải bỏ cuộc vui nửa chừng, leo lên xe mà về, mặc kệ bạn bè bảo ông là người đàn ông sợ vợ thật.

Mà ông sợ bà Ngoạn thật. Cái sợ cứ thấm dần trong da thịt, trong tiềm thức của ông từ cái ngày ông bị tai nạn xe máy do đi ăn đám giỗ về, quá chén, lệch tay lái tự đâm xe vào một trụ đèn bên đường. Tai nạn làm cho chân trái ông bị gãy, sau khi điều trị xong thì ông trở thành tàn tật. Cũng từ ngày đó bà Ngoạn trở thành trụ cột, lo toàn bộ kinh tế gia đình.

Người đàn bà nắm quyền cai quản trong nhà đã thoát ra khỏi hình ảnh cô học trò lớp 12, áo dài trắng tinh khôi cùng hẹn hò với ông trong quán kem, chậm rãi múc từng muỗng kem đưa vào đôi môi đỏ xinh, trở thành một người đàn bà khó tính. Một gia đình muốn tồn tại không phải chỉ có những thành viên, mà là đủ mọi thứ phải chi tiêu từ cơm áo, mắm muối cho đến quan hệ tang gia, cưới xin, hiếu hỉ, giao tiếp bạn bè. Mọi thứ chi tiêu đó đều trút lên đôi vai của bà Ngoạn. Còn ông thì lại quá rảnh rang để thong dong đến nơi này nơi nọ. Ông bắt đầu làm thơ, và gia nhập vào hội thơ như niềm vui của mình, quên đi không khí ngột ngạt của gia đình.

Ông quyết định chia tay bà Ngoạn khi có bóng một người đàn bà khác xuất hiện. Đó là một cô gái mới vừa qua tuổi 30, bán cà-phê ở góc phố gần Hội Văn học nghệ thuật. Dẫu chỉ là quán cà-phê nhỏ nằm chen lẩn giữa hàng ngàn quán cà-phê cóc trong lòng thành phố. Nhưng quán cà-phê của Thúy rất có tính cách nghệ sĩ vì cô cũng làm thơ. Những người làm thơ mới có thể nghe người khác đọc thơ cho mình nghe. Bởi cuộc sống nhộn nhịp bây giờ, có nhiều người chỉ có mỗi việc mở màn hình tivi ra xem những phim truyện, chương trình ca nhạc. Họ không đọc báo để biết tin tức huống chi là đọc thơ và làm thơ. Ông yêu Thúy theo kiểu một người làm thơ.

Thúy có một đứa con gái nhỏ, kết quả của một cuộc tình rồ dại. Đó là mối tình diễn ra trong vòng một tháng ngắn ngủi với một anh chàng Việt kiều. Kết quả mối tình ấy để lại cho Thúy một đứa con gái, còn chàng Việt kiều rời khỏi nước và không hẹn ngày trở lại. Ông Hưng ghé chỗ Thúy khởi đầu chỉ là để uống cà-phê. Rồi cuộc sống luôn luôn có những bất ngờ không giải thích được, khi trong đám đông lô xô như những cây si chờ đợi nụ cười của cô bán cà-phê, ông Hưng đã trở thành thân thiết. Mỗi ngày dù bận rộn tới đâu, ông cũng dành chút thời giờ đến quán, để nhìn Thúy xinh tươi. Có Thúy, ông Hưng giống như một cây khô bắt đầu được bón phân, tưới nước.

Trong đời sống gia đình, khi có một nhân tố thứ ba xuất hiện thì có nhiều tình huống giải quyết. Thường thì người phụ nữ trong gia đình luôn cam chịu để giữ trọn vẹn hạnh phúc mà mình có dược, chỉ đợi một ngày người chồng chán chê người đàn bà đó mà trở về. Nhưng có người đàn bà dứt khoát tuyên bố chia tay, như bà Ngoạn chẳng hạn. Bà không đánh ghen ầm ĩ, cũng chẳng khóc lóc van xin. Bà cũng không làm một động tác gì để giữ chồng. Có thể trái tim của bà đã cạn những yêu thương, và có thể bà nghĩ rằng ông Hưng không thể tự sống một mình.

Nhưng khi ông Hưng dọn ra ở riêng trong căn phòng nhỏ ở tầng năm khu lầu 7 này thì chàng Việt kiều năm xưa của cô bán cà-phê tên Thúy xuất hiện. Tình cũ không rủ cũng tới, câu đó cổ nhân đã nói. Thúy rũ bỏ ông đi theo người tình cũ. Ông Hưng lại thành một người đàn ông độc thân.

2. Đôi khi người ta thèm một thứ gì đó nằm trong ký ức xa lắc. Ông Hưng cũng vậy. Ông bỗng nhàm chán sự tự do mà ông đang có mà ông gọi là tự do. Căn phòng ở tầng 5 của ông thường xuyên vắng cả bóng ông. Ông sợ trở về ở cái chốn riêng tư mà đằng đẵng một thời gian dài, đó là điều ông tìm cách để đạt được. Ông sợ phải tự mình mở cửa. Đôi khi say mèm vì quá chén với bạn bè ở một quán bia nào đó, ông loay hoay mãi không tra được chìa khóa vào ổ khóa. Trong cơn say, ông thèm được pha một ly nước chanh nóng với nhiều chanh và ít đường. Nhưng ai pha cho ông? Không có một ai ngoài ông trong cái chốn riêng tư mà ông chọn lựa. Thỉnh thoảng lại nhớ đến tô canh chua nấu với cá cơm hay cá lạt. Ông thích ăn món canh chua từ lâu rồi, ông quen cả cách nêm nếm gia vị cho tô canh của bà Ngoạn. Lạ cho ông, khi đã dứt khoát chia tay với người đàn bà ấy, lại nhớ về tô canh chua bốc khói. Khi bệnh, ông ước ao có một người đàn bà cạo gió hay nấu cho ông một nồi nước xông. Nhưng người đàn bà nào đây?

Ông có nhờ bên tư vấn tìm kiếm việc làm kiếm cho ông một người dọn nhà theo giờ. Theo quy định thì vào sáng thứ Bảy, chị Ấn tới giặt giũ, ủi đồ, lau nhà, xếp đặt lại mọi thứ bề bộn trong căn phòng của ông. Thỉnh thoảng chị giúp nấu cho ông bữa cơm. Người đàn bà 37 tuổi cần mẫn làm việc linh tinh cho các gia đình độc thân, chính xác là cho các người đàn ông độc thân, luôn dắt theo bên mình một đứa con trai khoảng 10 tuổi. Chị Ấn bảo: “Để cháu phụ với mẹ một số công việc”. Nhưng ông hiểu đó là cách bảo vệ an toàn của một người đàn bà. Bởi khi làm việc trong nhà của một người đàn ông neo đơn, có thể chị sẽ rơi vào tình huống phức tạp, nếu không có đứa con trai bên cạnh như một vật chắn cho mẹ. Thỉnh thoảng, ông nhờ chị cùng ngồi ăn chung với ông một bữa cơm, chị nhận lời. Bữa cơm có người so đũa, có người nói chuyện khiến cho ông ngon miệng hơn. Chị Ấn nói với ông: “Đàn ông chẳng bao giờ sống được một mình”. Câu nói của người đàn bà ít học ấy ngẫm lại như một triết lý.

Cái tuổi 50 của nhiều người có thể háo hức để tìm đến một cuộc tình mới, sau khi đã chia tay với vợ. Tuổi 50 không thể gọi là già, mái tóc của ông chỉ có dăm sợi bạc lả lơi làm duyên khiến cho ông trở nên có duyên. Trong đám đông của ông, hàng ngày có biết bao cô gái lượn lờ. Những quán xá bây giờ mở ra, có những phòng lạnh bí ẩn. Bước vào những căn phòng lạnh thơm mùi hương hoa ấy, ông sẽ trở thành thượng đế. Chỉ cần có tiền, bao quanh ông sẽ là những nõn nà. Ban đầu ông rộn ràng tận hưởng. Và sự tận hưởng ấy rơi vào khoảng không mênh mông, vì những nhan sắc ấy không thuộc về căn nhà của ông. Những nhan sắc ấy giống như những vật trang trí cho đẹp một khoảng thời gian lộng lẫy. Thỉnh thoảng, trong căn phòng lạnh với những cợt nhả ấy, ông đem bài thơ mới làm của mình đọc cho các cô gái nghe. Họ chẳng hiểu gì hết.

3. Ông Hưng bỗng giật mình khi phóng xe đi trên con phố như một thói quen trong buổi chiều nhạt nhòa ánh nắng. Ông đi theo quán tính theo con đường cũ, đó là con đường có ngôi nhà gần 30 năm ông ở đó, vui buồn ông ở đó, tình yêu ông ở đó. Thói quen đi và về trên một con đường thấm sâu vào ông, rất sâu đến độ không thể nào thay đổi được. Ông tưởng đã thay đổi mình, ông tưởng mình đã đi về con đường khác. Nhưng chiều nay, ông đã trở về con đường cũ, con đường rất cũ của cuộc đời ông.

Truyện ngắn Khuê Việt Trường
GNOL
Mùa hoa tulip
GN - Làng Fraser Valley - Canada, tuy thành lập đã 100 năm nhưng chỉ có 10 hộ gia đình, sống rải rác dưới chân dãy núi tuyết Chilliwack chuyên trồng hoa tulip.

Tháng Năm, khi mùa tulip nở, du khách đến đây sẽ được chiêm ngưỡng những cánh đồng hoa bạt ngàn, tuyệt đẹp với cả triệu đóa đủ màu nở rộ. Dù hoa chỉ khoe sắc có vài tuần, nguồn thu từ bán hoa, bán củ tulip đã nuôi sống dân làng từ năm này sang năm khác.


[Image: tulip4.jpg]
Hoa tulip
Mỗi năm có mấy mươi ngàn khách thập phương ghé thăm nơi đây trong mùa tulip. Mấy năm gần đây người dân để ý đến ông già tên Ken. Cứ mỗi hai ngày ông lái chiếc xe bán-tải (pickup) đã rỉ rét từ trên núi Chilliwack xuống làng vào sáng sớm khi khách thập phương chưa đến. Ông dừng lại bên bờ cánh đồng hoa, từ tốn xuống xe, chậm rãi đi quanh cánh đồng. Rất khác với khách thập phương năng động ồn ào, chụp hình, ríu rít tới lui, ông Ken rất nhẹ nhàng thư thái, khuôn mặt thanh khiết, tươi vui như cánh đồng hoa rực rỡ trước mặt.

Khi du khách bắt đầu lục đục đến cũng là lúc ông tới thăm chủ nhân cánh đồng, mua một ít hoa rồi lái xe trở về núi. Mỗi lần mua, ông luôn tặng họ bịch nấm rừng mồ-reo (morel) mà ông hái mỗi độ xuân về. Suốt mùa hoa, ông thăm đủ 10 cánh đồng, mua hoa cho cả 10 chủ nhân. Năm đầu tiên khi ông ghé thăm, nhận được bịch nấm rừng mồ-reo, người dân rất đỗi ngạc nhiên. Họ đều biết nấm mồ-reo có giá trị cao hơn số hoa ông Ken mua rất nhiều. Trước sự ngỡ ngàng của chủ vườn, ông chân thành, trầm ấm nói:

- Cám ơn quý bác đã bỏ công suốt cả năm làm đất bón phân, chăm nom từng ngày để tạo nên khung cảnh thần tiên như vậy. Khung cảnh này có bao nhiêu của cải cũng không làm ra được, chỉ có quý bác mới làm được, nên tôi có chút món quà núi rừng để tỏ lòng cảm kích.
Dân làng Fraser do cùng mưu sinh bằng nghề trồng tulip có tính cạnh tranh nên hầu như không gắn bó, ít giao thiệp qua lại với nhau. Sự xuất hiện của ông Ken làm dân làng tò mò, ngạc nhiên trước nhân cách tươi vui, nhẹ nhàng của ông. Họ tìm gặp nhau bàn tán. Hình ảnh ông bỗng trở thành điểm nối kết chung cho dân làng trò chuyện. John là người trẻ tuổi nhất trong làng và cũng là người muốn tìm hiểu về ông nhất. Mỗi khi thấy ông Ken xuất hiện, anh luôn chạy đến chào ông. Lần đầu, khi trò chuyện với ông, anh hỏi:
- Ông ơi! Ông ở đâu mà sáng nào cũng đến đây vậy?
Ông Ken chỉ về dãy núi xa xa, nói:
- Nhà ông ở lưng chừng núi, chạy xe xuống đây khoảng 30 phút. Hôm nào rảnh, cháu lên chơi. Đi theo tỉnh lộ 7 rồi vào đường 1B lên núi. Nhà ông ở gần cột mốc cây số 8.
John gật đầu:
- Cháu thấy ông lúc nào cũng tươi vui thư thái quá!
Ông Ken cười vang:
- Cháu nói lạ quá! Đứng trước cánh đồng hoa rực rỡ này thì bất cứ ai cũng hạnh phúc hết. Cháu có thấy ai đến đây buồn chưa?
- Dạ chưa! Nhưng cháu thấy ông khác lắm. Mọi người tới đây ai cũng vui nhộn, lao xao lui tới. Còn ông như một phần của cánh đồng hoa, nhẹ nhàng hòa nhập cùng hoa.

Hoa tulip nở được 2 tuần mới tàn cũng là lúc ông Ken không còn xuất hiện. Giữa cánh đồng xanh vắng lặng, làng Fraser trở lại nhịp sống nhà nông. Hàng ngày họ ra đồng bón phân, tưới nước cho cây tulip được khỏe mạnh. Sang đến đầu mùa thu, họ nhổ lấy củ đem bán cho các nhà cung cấp trên toàn thế giới. Cuối mùa thu, dân làng cày đất, làm luống, gieo củ cho vụ mùa mới.
Năm ấy như mọi năm, đến cuối tháng 3, trời dần ấm lên, tuyết bắt đầu tan. Dưới chân núi Chilliwack, những mầm xanh tulip xuyên thủng lớp tuyết nhấp nhô trên cánh đồng nhung trắng xóa. Làng Fraser như loài gấu ngủ đông nay thức dậy đầy sức sống. Sáng sớm tiếng xe máy công nông nổ rộn rã chuyên chở vật liệu ra đồng. Người dân làm việc tất bật để bảo đảm cánh đồng sẽ nở rộ chào đón khách phương xa trở về. Sang tháng 4 khi tulip đã có nụ, thời tiết bỗng biến đổi khác thường. Mây đen mang hơi ấm từ nam đại dương được gió trái mùa thổi đến gây mưa nặng hạt trong nhiều ngày liền. Bên cạnh lượng mưa lớn, tuyết ở trên núi tan nhanh do mưa ấm đã tạo nên dòng nước lũ khổng lồ ùn ùn chảy xuống đồng bằng. Chỉ sau vài ngày, cả làng Fraser chìm trong biển nước. Chính quyền đem thuyền cứu hộ đến ra lệnh di tản khẩn cấp.
***
Đầu tháng 5, sau khi nước lũ rút đi và các tuyến đường được khai thông, dân làng Fraser được phép trở về. Toàn bộ cánh đồng tulip đang chờ nở hoa đã bị hủy hoại hoàn toàn. Nhà, máy móc nông nghiệp cũng bị lũ làm hư hại nặng nề. Dân làng bàng hoàng, chán nản không biết phải bắt đầu như thế nào trước cảnh tượng ngổn ngang xà bần, cây rừng, bùn đá trên núi bị lũ đẩy xuống phủ dày cánh đồng. Đâu đó tiếng thở than từ người này đến người khác về ý định bỏ làng, bỏ nghề trồng tulip. Làng Fraser đứng trước viễn cảnh bị xóa sổ sau hơn 100 năm tồn tại.

Đêm đầu tiên trong căn nhà bị hư khá nặng sau lũ, John trằn trọc không ngủ được khi đối diện vốn liếng, sức lao động nay mất trắng. Sáng sớm, anh lẩn thẩn lái xe trên con đường tỉnh lộ chạy dọc cánh đồng làng. Mọi năm, mùa này hoa đã nở rực cả khung trời. Xe chở khách thập phương đã nối đuôi đến đây đông nghịt. Anh cho xe chạy mãi trong vô định, thả hồn theo suy nghĩ phải bắt đầu như thế nào đây?

Dãy núi Chilliwack ngày càng hiện rõ, chợt thấy bảng chỉ dẫn vào đường núi 1B, John nhớ đến ông Ken, người khách già đặc biệt hàng năm. Anh cho xe tách khỏi tỉnh lộ, chạy vào núi. Lên dốc một ngọn núi cao, xe chạy đến cột mốc cây số 8, John thấy có một khoảng trống, thấp thoáng bóng căn nhà gỗ rất thô sơ. Anh cho dừng xe, bước theo đường mòn đi về hướng căn nhà. Anh ngạc nhiên trước khu vườn nhà được chăm sóc rất tinh tế, như không bị tác động từ trận lụt vừa qua do nằm trên đỉnh. Đứng trước cánh cửa gỗ bạc màu, John ngập ngừng gõ nhẹ. Có tiếng chân người bên trong, lóc cóc tiếng mở cửa.
Ông Ken khuôn mặt thanh khiết, rất đỗi ngạc nhiên, mỉm cười nhìn John:
- Lên thăm ông à? Cháu trông tiều tụy hẳn, chắc quá lo vụ lụt vừa qua.
John gật đầu, giọng chán nản:
- Dạ đúng ông ạ, cả làng gần như bị tàn phá hoàn toàn. Hầu hết mọi người đều muốn bỏ làng đi.
Ông Ken trầm ấm nói:
- Làng đang đối diện với khó khăn rất lớn nhưng sẽ giải quyết được, thậm chí sẽ tốt hơn xưa.
John trố mắt:
- Ông nói sao? Có cách hả ông? Cháu chỉ mong bằng nửa ngày xưa là quý lắm rồi.
Nhìn khuôn mặt căng thẳng của anh, ông đặt tay lên vai, vỗ nhẹ:
- Cháu đi dạo ngoài vườn với ta cho thanh thản rồi vào nhà nói chuyện tiếp nhé.
John lẽo đẽo theo nhưng bước của ông Ken quá chậm. Chân John cứ muốn vượt lên trên, lóng ngóng. Ông Ken nhắc khẽ:
- Không có gì gấp gáp, cháu đi chậm chậm, hít vào thật sâu thật nhẹ. Thở ra cũng thế. Vừa đi vừa ngắm cảnh cùng ông.

[Image: tulip7.jpg]

Ông Ken dẫn John đi quanh đỉnh núi. Không khí buổi sớm mai thật dễ chịu. Từ từ anh nhận ra ở đây chim rừng nhiều vô kể, chúng hót líu lo hay chi lạ. Cây rừng mỗi cây mỗi hình thể, có những cây vươn ra trên triền đá như bonsai hùng vĩ… Đi giáp vòng đỉnh núi, ông Ken dẫn John trở lại. Khi ngang khu vườn trước nhà, John chợt chỉ vào bức tượng dưới gốc cây:
- Ô! Tượng Phật. Ông theo đạo Phật à?
Nhìn John, nét mặt anh giờ đây đã có phần an lạc bớt căng thẳng, ông gật đầu, khẽ đáp: 
- Đúng rồi.
John khoe:
- Hồi đại học, cháu có học về lịch sử tôn giáo trong lớp văn hóa thế giới. Cháu còn nhớ ông Phật vốn là thái tử sắp làm vua nhưng bỏ tất cả… Ông Phật lúc nào cũng mỉm cười tự tại. Nhìn khuôn mặt Phật, cháu cảm được sự an lạc.
Ông Ken hóm hỉnh nói:
- Ông nhìn cháu bây giờ cũng giống vậy đấy.
John phá lên cười vang:
- Ông giỡn chơi quá đỗi!
Vào bên trong nhà, ông dẫn John đến căn phòng gỗ trống trải yên tĩnh, trên sàn có vài chiếc gối xếp ngay ngắn đối diện chiếc bàn nhỏ thấp làm bằng cây rừng, bên trên có bức tượng Phật gỗ. Ông Ken mời John ngồi xuống trên chiếc gối, chậm rãi rót trà cho anh:
- Ông không đùa với cháu đâu. Hồi nãy cháu đến đây khuôn mặt đầy căng thẳng nhưng bây giờ trông cháu rất thong thả. Ông vui thấy cháu cười vang. Khi cười, nét mặt cháu cũng giống giống vị này (ông Ken chỉ vào tượng Phật gỗ).
John gãi đầu, cười bẽn lẽn:
- Ông đừng chọc cháu nữa, nghĩ đến chuyện dưới làng cháu lại rối lên đây. Mà chuyện dưới làng ông nói có cách, nhưng là cách nào thế?
- Đức Phật từ giã thế gian đã mấy ngàn năm nhưng đến nay nhiều người vẫn thương quý Ngài. Cháu biết vì sao không?
John nhanh nhẩu:
- Vì Ngài là giáo chủ của một tôn giáo.
- Không phải thế đâu cháu. Ngài được mọi người thương quý vì Ngài đem tâm ôm trọn cả thế gian vào lòng. Chuyện dưới làng, nếu cháu đem tâm ôm cả làng vào lòng, đừng nghĩ đến cánh đồng riêng của mình thì mọi chuyện sẽ dần tốt đẹp lên.
John trầm ngâm suy nghĩ, không khí trong phòng yên lắng như mọi vật không hiện hữu, một lúc lâu anh lên tiếng:
- Cháu hiểu rồi ông ạ. Cháu sẽ về gặp dân làng, hết lòng giúp đỡ, động viên họ để cùng tìm cách khôi phục làng.

Ông Ken hướng về bức tượng Phật:
- Như hồi nãy cháu nói, nhìn tượng Phật mỉm cười an nhiên tự tại, cháu cảm thấy an lạc. Cháu cũng tập như thế để đem lại an lạc cho cháu, cho mọi người. Cháu sẽ thấy sự nhiệm mầu này không chỉ giúp cho cháu mà cả làng. Cháu chịu khó mỗi ngày đi bộ như ta với cháu đi hồi nãy. Đi thật chậm, thở thật sâu thật nhẹ, để tâm vào cảnh vật chung quanh, cảm nghiệm sự nhiệm mầu của mỗi vật thể, cùng mỉm cười tri ân sự hiện diện của chúng.
John giã từ ông Ken, lái xe về làng lúc giữa trưa. Anh tới thăm từng gia đình, mời họ tham gia vào buổi họp chung để tất cả cùng tìm phương cách vượt qua nỗi khó khăn hiện tại. Dân làng rất đỗi ngạc nhiên khi thấy John có phong thái rất thân thiện, an lạc, tự tin. Cảm kích trước tấm lòng chân thành của anh, họ đồng ý tham gia vào buổi họp đầu tiên được tổ chức tại làng.

Khi đêm đến, dân làng ngồi quây quần quanh bếp lửa được John đốt trên cánh đồng. Ông Ken cũng lái xe xuống tham dự như khách mời. Bên ánh lửa hồng, người dân làng thảo luận sôi nổi với nhiều ý kiến được đưa ra. Tuy nhiên, từ từ mọi người nhận ra rằng tất cả các giải pháp huy động nguồn lực riêng lẻ đều khó lòng thực hiện được. Chỉ có những giải pháp tất cả cùng tham gia mới có cơ hội thành công.
Ông Ken ngồi lắng nghe, khuôn mặt từ ái của ông giúp buổi nói chuyện thêm thân thiết. Ông lên tiếng khi thấy mọi người đã nhận ra vấn đề nhưng lúng túng tìm giải pháp:
- Gần mười năm qua, tôi là người được hưởng nhiều nhất từ ngôi làng này. Đến mùa tulip, tôi nhìn thấy bức tranh tuyệt vời có một không hai trên thế giới từ ngôi nhà trên núi. Nay tôi rất cảm động biết được quyết tâm quý vị đồng lòng khôi phục lại ngôi làng. Tôi nghĩ rằng khách thập phương đã từng đến đây cũng sẽ hết sức cảm động nếu biết được.
Ngừng một lúc, ông Ken nói tiếp:
- Thế nên, nếu được sự đồng ý, khởi đầu xin quý vị làm một mảnh vườn nho nhỏ gần tỉnh lộ. Tôi sẽ trích tiền hưu của tôi mua vài trăm cây tulip từ nơi khác đến trồng, đánh dấu khởi đầu cho sự khôi phục của làng. Mong quý vị cho tôi góp phần như là sự tri ân của tôi đến làng.
***
Hai ngày sau, hành khách trên những chiếc xe chạy ngang qua tỉnh lộ 7 nhìn thấy dân làng tập trung làm sạch một khu đất nhỏ trên cánh đồng đầy bùn đá, cây rừng. Những ngày tiếp theo, mấy trăm cây tulip sắp trổ hoa được trồng trên mảnh đất này. Họ rất đỗi ngạc nhiên, cảm động vì tưởng rằng ngôi làng sẽ bỏ hoang trước sự tàn phá hết sức nặng nề của thiên nhiên. Nhiều xe dừng lại hỏi thăm, đề nghị dân làng lấy hoa tulip từ vùng khác bán cho khách thập phương để có thêm nguồn tài chính trong lúc khẩn trương khôi phục cho vụ mùa năm sau.

Những chuyến xe ngược xuôi đem tin làng Fraser phấn đấu hồi sinh, hoa tulip vẫn nở. Tivi, báo đài đến làm phóng sự. Chẳng mấy chốc khách thập phương đổ về làng với số lượng lớn hơn hàng năm dù nơi đây chỉ có mảnh vườn tulip nhỏ bé so với cánh đồng triệu hoa tulip trước đây. Khách đến để góp phần, để chứng kiến nỗ lực hồi sinh của ngôi làng. Họ mua rất nhiều hoa dù dân làng cho biết có nguồn từ nơi khác chứ chưa trồng lại được. Nhiều xe bán đồ ăn thức uống lưu động cũng kéo về làng để bán cho khách thập phương và chia lợi nhuận cho làng. Khung cảnh làng Fraser trong mùa hoa tulip năm ấy vui nhộn thân thương như ngày hội.

Chứng kiến sự biến chuyển thuận lợi hết sức nhiệm mầu, John và dân làng tràn ngập niềm xúc cảm. Gặp ông Ken thong thả dạo quanh vườn hoa tulip bé nhỏ, John chạy vội đến, cầm chặt tay ông, nhìn ông, anh sung sướng, rơm rớm nước mắt:
- Cháu cám ơn ông.
Ông Ken khuôn mặt chan chứa tình thương, mỉm cười, trầm ấm:
- Ông phải cám ơn cháu mới đúng chứ. Cháu đã nhận ra được sự nhiệm mầu và giúp cả làng thấy được sự mầu nhiệm. Mà cháu nhớ nhé, sự nhiệm mầu chỉ có khi ta còn cái tâm rộng mở với nụ cười an nhiên tự tại.
***
Ngày nay làng Fraser được biết đến là nơi có lễ hội hoa tulip hàng năm với nhiều gian hàng, tiết mục khác nhau được rất đông người tham dự. Khách thập phương có thể cảm nhận được không khí thân thương, nhẹ nhàng, thư thái của dân làng. Khách cho rằng đây là nơi có những người dễ thương nhất thế giới sinh sống. Khách đến đây sẽ được đắm chìm trong biển hoa rực rỡ và sẽ thấy giữa biển hoa ấy nổi lên một vòng tròn nho nhỏ cũng trồng hoa tulip nhưng khác màu. Dân làng gọi nơi ấy là vòng hoa ông Ken (the Ken circle) để tưởng nhớ cụ già ẩn mình trên đỉnh núi năm nào.

Truyện ngắn Huyền Lam