VietBest

Full Version: Phật Học Thường Thức-Trang Hỏi Đáp:Thắc mắc về nhân quả
You're currently viewing a stripped down version of our content. View the full version with proper formatting.
Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8
Cách dùng ngũ vị tân để chữa bệnh

GN - HỎI: Tôi được biết, ngũ vị tân là những gia vị cấm, người Phật tử không dùng. Hiện tôi có bệnh, thầy thuốc khuyên mỗi sáng ngậm một tép tỏi để trị bệnh. Vậy khi ngậm tỏi, để không mắc tội, tôi niệm A Di Đà Phật có được không? Có cách nào khác không?

(ĐỖ THUẤN, dothuan34@gmail.com)

[Image: nguvitan.jpg]
Ngũ vị tân (hành, hẹ, tỏi, nén, kiệu) là những gia vị có tính cay nồng, chứa các hoạt chất kích thích

ĐÁP:

Bạn Đỗ Thuấn thân mến!

Ngũ vị tân (hành, hẹ, tỏi, nén, kiệu) là những gia vị có tính cay nồng, chứa các hoạt chất kích thích, khó an tịnh thân tâm nên hàng Phật tử được khuyến cáo không dùng.

Ở phương diện khác, ngũ vị tân thường được ca ngợi là siêu thực phẩm vì chứa nhiều dược tính có tác dụng tốt cho sức khỏe, hỗ trợ chữa bệnh. Với một số bệnh, thầy thuốc khuyên dùng ngũ vị tân (như bạn dùng tỏi chẳng hạn) nhằm tránh tác dụng phụ của hóa dược, là điều hay cần phải tuân theo.

Theo tinh thần phương tiện, khi đau ốm, tỏi là vị thuốc thì người Phật tử được tạm dùng. Tuy nhiên, để không mắc tội khi dùng ngũ vị tân, không nhất thiết phải niệm Phật A Di Đà.

Trước khi dùng tỏi làm thuốc, bạn cần đối trước Tam bảo chí thành kính lễ, sau đó thành tâm khấn nguyện (lòng nghĩ sao thì nói vậy) xin chư Phật cho phép, rồi dùng tỏi bình thường. Đến khi bớt bệnh hay không dùng tỏi nữa, bạn cũng cần đối trước Tam bảo thành tâm kính lễ và phát nguyện tiếp tục không dùng ngũ vị tân như lúc ban đầu.

Chúc các bạn tinh tấn!

giacngoonline
Phật tử không chỉ là cư sĩ

GN - HỎI: Vừa qua, tại buổi họp về nhân sự của Giáo hội, trong danh sách Ban Trị sự ngoài các danh xưng như Hòa thượng A, Thượng tọa B, còn có cư sĩ C. Một vị lãnh đạo có đề xut: Gọi cư sĩ vi nhngngười tại gia có công vi Giáo hi, còn li phi gi là Pht tVy phải chăng Phật tử khác cư sĩ?

(THIỆN BẢO, hanhchon@yahoo.com)

[Image: a%20phattu.jpg]
Kính Phật, trọng Tăng - Ảnh: Pixabay

ĐÁP:

Bạn Thiện Bảo thân mến!

Phật tử là danh từ chỉ những người con Phật, các đệ tử Phật nói chung (bốn chúng Tăng, Ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ). Thế nên có hàng Phật tử, đệ tử Phật xuất gia (Tăng, Ni) và hàng Phật tử, đệ tử Phật tại gia (nam nữ cư sĩ). Còn cư sĩ là danh từ chỉ riêng các Phật tử tại gia, khác biệt với Tăng sĩ (Tăng, Ni) là các Phật tử xuất gia.

Trong văn bản hành chính của Giáo hội hiện hành, các Phật tử tại gia tham gia Giáo hội được gọi là cư sĩ (ví dụ cư sĩ C thay vì gọi ông C hoặc bà C), còn lại gọi chung tất cả nam nữ cư sĩ là Phật tử. Chúng ta hiện dùng các từ: Phật tử (đồng bào Phật tử, nam nữ Phật tử), cư sĩ (nam nữ cư sĩ), cư sĩ Phật tử (Hiến chương GHPGVN/Bản tu chỉnh lần thứ 5). Tùy theo ngữ cảnh mà Phật tử và cư sĩ có nghĩa giống hoặc khác nhau, tùy theo văn bản hành chính hay văn nói thông thường mà sử dụng danh từ cư sĩ hay Phật tử.

Cư sĩ hay Phật tử đều có công với Giáo hội. Thiết nghĩ, không nên mặc định “Gọi cư sĩ với những người tại gia có công với Giáo hội, còn lại phải gọi là Phật tử”.

Chúc các bạn tinh tấn!

Giacngoonline. 
Cách hóa giải đau buồn khi vô tình tổn hại chúng sinh?

GN - HỎI: Trong lúc đi lại, do vô tình đạp chết côn trùng (phạm giới sát sinh) khiến tôi thực sự buồn và rất đau lòng. Xin quý Báo hướng dẫn tôi phải làm sao để hóa giải tâm trạng này.
(THỦY TIÊN,roisechetthoi@gmail.com) 


[Image: susong.jpg]
Tôn trọng sự sống của mọi loài - Ảnh minh họa


ĐÁP:
Bạn Thủy Tiên thân mến!

Bạn cần biết rằng, tội nghiệp sát sinh được tạo ra khi hội đủ năm điều kiện: 1-Có một loài hữu tình (người, súc vật), 2-Người giết biết rõ về chúng, 3-Người giết có dụng ý giết, 4-Giết bằng một phương tiện thích hợp, 5-Hữu tình ấy bị giết chết. Do đó, vô tình giẫm đạp chết côn trùng thì chỉ khuyết giới mà thôi chứ không hội đủ nhân duyên phạm giới, không tạo nghiệp sát sinh.

Không riêng bạn, mà bất cứ ai cũng đã từng giẫm đạp làm tổn hại côn trùng. Trong kinh Đức Phật dạy, động chân cất bước là tạo nghiệp chính là ý này. Vì thế, mỗi nửa tháng bạn nên tham dự các khóa lễ sám hối để chuyển hóa sự khuyết giới này. Mặt khác bạn cần nỗ lực làm các việc lành, nhất là phóng sinh, tích cực bảo vệ môi trường để vun bồi phước đức.

Bạn quá “buồn và đau lòng” khi vô tình làm tổn hại côn trùng vì chưa hiểu rõ vấn đề khuyết giới và phạm giới. Phạm khuyết giới vì không tác ý, vô tâm nên tội nghiệp rất nhẹ, thành tâm sám hối sẽ thanh tịnh. Hiểu biết và thực hành được như vậy thì tội diệt phước sinh, thân tâm an lạc.

Chúc các bạn tinh tấn!

giacngoonline.com


Quán chiếu duyên nghiệp để nhẹ lòng hơn

[Image: 94652ed7412da2f91255bfc0f1cd6ca0.jpg]

GN - Thù hận và tìm cách rửa hận chỉ làm cho mình khổ đau hơn...

HỎI: Tôi có một người bạn, bạn ấy không may mắn bị hãm hiếp và có thai. Vì nhiều lý do và khủng hoảng về mặt tâm lý nên bạn ấy đã phá thai. Về sau trở thành Phật tử, bạn ấy suy nghĩ lại và rất ân hận vì hành động của mình khiến suy sụp tinh thần. Mong quý Báo có thể giúp cho những lời khuyên để bạn ấy vượt qua cú sốc tinh thần đồng thời khuyên bạn ấy nên làm gì để thai nhi được siêu thoát?
(NGUYÊN NHÃ, nguyennha0989@gmail.com)

ĐÁP:
Bạn Nguyên Nhã thân mến!

Mỗi người sống ở đời đều có một hoàn cảnh riêng, họ thường suy tư về đời mình “vì đâu mà nên nỗi” cũng theo những cách khác nhau. Có người thì cho rằng, cuộc đời mình được sắp đặt bởi ý chí của các đấng thiêng liêng. Người khác thì cho rằng, tất cả được mất buồn vui âu cũng là số mệnh. Người Phật tử thì không nghĩ như vậy, những diễn biến của đời mình là kết quả tất yếu của nghiệp cũ và nghiệp mới do chính mình đã làm trong quá khứ xa và gần tạo nên. Hoàn cảnh hiện tại là biểu hiện cụ thể Nhân quả-Nghiệp báo của chính mình. Người Phật tử cần thấy rõ Nhân quả-Nghiệp báo để bình tâm mà lập chí hướng thượng. Nghiệp cũ đã tạo thì chấp nhận, nghiệp mới đang tạo (mình hoàn toàn chủ động) thì cố trau dồi cho thanh sạch thiện lành để tạo nên quả tốt ở tương lai.

Trước đây, bạn ấy đã gặp bất hạnh (bị hãm hiếp), rồi bị khủng hoảng tâm lý nên tạo ác nghiệp (phá thai). Nay đã là Phật tử, bạn ấy cần nương vào giáo pháp để quán chiếu thấy rõ duyên nghiệp của chính mình. Ắt hẳn vì trong quá khứ mình đã tạo nghiệp nhân cưỡng bức người, nay nghiệp quả đến, và bạn ấy cũng đã trả. Điều cần làm trong hiện tại là xả buông, không oán hận và tha thứ cho người đã hãm hại mình. Thù hận và tìm cách rửa hận chỉ làm cho mình khổ đau hơn, oán đối chập chùng không bao giờ dứt được.

Ác nghiệp phá thai cũng vậy. Tạo nghiệp thì cũng đã tạo rồi. Người Phật tử khi đã biết tội thì hãy thành tâm sám hối. Bạn cần lễ bái Tôn hiệu chư Phật, thành tâm bày tỏ tội lỗi của mình, cầu Tam bảo chứng minh cho sự sám hối ấy, mong con tha thứ cho sự nóng giận và si mê của mình. Chí thành lễ sám lâu ngày cùng với nỗ lực làm thiện thì tội diệt phước sinh, duy trì mãi cho đến lúc thấy lòng bình yên, thanh thản.

Riêng vấn đề hương linh (con của bạn ấy) tái sinh vào đâu là tùy thuộc vào duyên nghiệp của vị ấy. Người thân chỉ có thể làm các việc phước thiện (bố thí, cúng dường, giữ giới, tu học…) rồi hồi hướng công đức, phước báo cho hương linh. Cho dù ở đâu thì hương linh người thân của mình đều được lợi ích. Để an lòng hơn, bạn ấy nên đến chùa nhờ chư Tăng cầu siêu cho con, ký linh vào chùa, hàng ngày đi chùa tụng kinh và tu học, đem phước đức ấy hồi hướng cho con và cho tất cả.
Chúc bạn tinh tấn!

Giữ giới “Không uống rượu” uống bia được không?

[Image: 291015223630_0256.jpg]

GN - HỎI: Ở nơi tôi sinh sống có hiện tượng một số Phật tử nói “Phật chỉ cấm uống rượu”, nên họ giữ giới không uống rượu nhưng lại uống nhiều bia. Xin quý Báo giải thích thêm về giới này để cho tôi được rõ.

(VĂN PHƯƠNG, Dĩnh Thạnh, Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn, Bình Định)

ĐÁP:

Bạn Văn Phương thân mến!

Y theo kinh văn ghi lại lời răn dạy của Đức Phật, người Phật tử giữ giới thứ năm là “Không uống rượu”. Vì rượu là chất gây say nghiện khiến người sử dụng mất tự chủ, không kiểm soát được lời nói và hành vi, dẫn đến tạo ác nghiệp.

Vào thời Đức Phật (cách nay gần 2.600 năm), chỉ có rượu là chất gây say nghiện mà thôi. Ngày nay, những chất gây say nghiện được con người tạo ra rất nhiều, ngoài rượu còn có ma túy các loại, bia cùng nhiều thức uống có cồn khác. Do vậy, những bậc thầy thời hiện đại đã nương theo ý của Đức Phật, diễn dịch giới thứ năm của hàng Phật tử cần giữ gìn là “Không uống rượu và dùng các chất say” hay gọn hơn “Không say nghiện”.

Như thế, tất cả những chất gây say nghiện ngoài rượu, người Phật tử đã nguyện giữ giới thứ năm đều không được dùng. Trong quá trình thọ trì giới thứ năm, Đức Phật có du di (khai mở), người nào vì bệnh phải sử dụng thuốc rượu thì trước khi dùng phải xin phép thầy hoặc đại chúng, dùng xong liệu trình phải bạch thưa để chấm dứt.

Hiện nay, bia rượu tràn ngập khắp nơi, gây không ít hệ lụy cho cá nhân, gia đình và xã hội. Đây cũng là thử thách to lớn cho người Phật tử trong việc thọ trì giới luật. Thiết nghĩ, vì một lý do bất đắc dĩ nào đó mà phải uống tí bia, dẫu không say nhưng người Phật tử cần tự biết rõ mình đang bị khuyết giới, sinh tâm hổ thẹn rồi chí thành sám hối. Biết hổ thẹn mới tìm cách diệt trừ, quyết nói không với bia rượu. Không nên cố tình hiểu sai “Phật chỉ cấm uống rượu” rồi tha hồ làm quấy, uống bia đến bí tỉ, tạo ác nghiệp “nay khổ đời sau khổ”.

 Chúc bạn tinh tấn!

GNOL

Nhân quả trùng điệp

[Image: 3510910862_7e7831afef_b.jpg]

GN - Nhân quả theo Phật giáo là những mối quan hệ đa tuyến, đan xen điệp điệp trùng trùng...

HỎI: Tôi  đọc khá nhiều những câu chuyện Phật giáo và rất tin tưởng vào nhân quả. Nhưng có hai vấn đề hiện tôi vẫn chưa hiểu rõ: 1- Ví như đời này tôi giết một con chó, đời sau đủ nhân duyên tôi và con chó đều được tái sinh, và con chó ấy giết lại tôi thì đúng vì tôi phải trả mạng lại cho nó. Nhưng nếu con chó giết tôi lại phạm phải tội nghiệp thì như thế có công bằng với nó không? 2- Nếu kiếp sau tôi là người biết tu học, sám hối, tụng kinh, niệm Phật…, thì những tội lỗi của tôi (kiếp trước giết chó) sẽ biến mất hay chuyển hóa thành nhẹ hơn? 
(ÁNH DƯƠNG, anhduong3997@gmail.com)

ĐÁP:

Bạn Ánh Dương thân mến!

Nhân quả là nói tắt của tiến trình nhân-duyên-quả. Nhân là tác nhân chính, duyên là những nhân phụ, quả là kết quả. Ngoài nhân, duyên có vai trò cực kỳ quan trọng, chi phối mãnh liệt đến việc hình thành quả. Thực tế có vô số tiến trình nhân-duyên-quả đang vận hành, những tiến trình nhân-duyên-quả khác nhau này lại luôn tương tác, chi phối lẫn nhau; làm nhân, làm duyên, làm quả cho nhau để tạo ra thiên biến vạn hóa. Nhân quả theo Phật giáo là những mối quan hệ đa tuyến, đan xen điệp điệp trùng trùng, là điều không thể nghĩ bàn.

Vì thế, nếu hiện đời bạn giết một chú chó, tạo ác nghiệp sát sinh thì có thể ngay đời này, đời kế sau hoặc nhiều đời về sau mới có quả báo. Quả báo ấy rất đa dạng, có thể bạn bị oan gia báo oán, có thể vô tình bị đoạt mạng, có thể bị đau ốm bệnh tật triền miên, có thể bị tai này nạn kia nhưng không ảnh hưởng gì nhiều đến thân mạng hay sức khỏe, v.v và v.v... Đó là chưa nói đến vô số các việc thiện ác khác mà bạn đã làm trong đời (các đời trước nữa) sẽ vận hành cùng tương tác lẫn nhau tạo ra vô lượng chuỗi nhân-duyên-quả tốt xấu khác nhau, vô cùng vô tận.

Như vậy, có nhân thì chắc chắn có quả. Nhưng quả ấy thế nào còn tùy thuộc vào duyên. Nếu hiện tại tạo được nhiều duyên lành (tu tập, tạo phước…) thì có thể chuyển hóa phần nào (hoặc gần hết) các nhân ác trong quá khứ. Điều cần lưu ý là những định dạng nhân quả theo chiều hướng đơn tuyến (như bạn ví dụ, kiếp trước người này giết chó rồi kiếp sau con chó ấy giết lại người này, rồi tiếp tục theo nhau oan oan tương báo) đều không đúng như thật với vận hành nhân-duyên-quả đa tuyến, trùng điệp của Phật giáo.

Nhân quả trong các câu chuyện hay các truyện tích Phật giáo phần lớn hướng đến việc giáo dục đạo đức, có tính phổ biến, nên thường triển khai theo nguyên tắc “nhân nào-quả nấy”, nhằm giúp cho người đọc dễ khái quát về nhân quả, thực sự đó chỉ đúng một phần nhỏ so với triết lý nhân-duyên-quả của Phật giáo.

Chúc bạn tinh tấn!


GNOL


Người tu Phật có được bốc thuốc chữa bệnh?

GN - HỎI: Trong kinh Tạp A-hàm, Tôn giả Xá-lợi-phất đã khái quát việc ‘kiếm ăn đúng pháp’ của hàng Thích tử là: Không cúi mặt xuống, không ngửa mặt lên, không xoay mặt bốn phương, không xoay mặt bốn góc. Đặc biệt, trong đó có lời dạy: Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào làm thuốc trị các thứ bệnh, kiếm ăn một cách tà mạng, những Sa-môn, Bà-la-môn như vậy xoay mặt bốn góc mà ăn. Xin hỏi quý Báo, nếu vậy thì người tu Phật không nên hành nghề y bốc thuốc chữa bệnh?

(HỒNG SƠN, nhson2001@gmail.com) 

[Image: bocthuoc.jpg]
Ảnh minh họa

ĐÁP:

Bạn Hồng Sơn thân mến!

Quan điểm về ‘kiếm ăn đúng pháp’ của Đức Phật nói trong kinh Tạp A-hàm dành cho hàng xuất gia Thích tử là phải khất thực hàng ngày để tự nuôi sống. Nghĩa là, ngoài khất thực ra, hàng xuất gia Thích tử không được làm bất cứ điều gì khác để ‘kiếm ăn’. Và dĩ nhiên, vào thời Đức Phật, ‘Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào làm thuốc trị các thứ bệnh, kiếm ăn một cách tà mạng, những Sa-môn, Bà-la-môn như vậy xoay mặt bốn góc mà ăn’.

Hiện nay, truyền thống Phật giáo Nam tông (Nguyên thủy) về đại thể vẫn vâng giữ quan điểm ‘kiếm ăn đúng pháp’ của Đức Phật bằng cách khất thực mỗi ngày. Một số thiền viện, tu viện lớn, chư Tăng đông đảo, dù không vào thôn xóm phố phường khất thực nhưng vẫn duy trì pháp thức trì bình khất thực tại trai đường (do thiền viện tự nấu hoặc do thí chủ mang đến).

Riêng Phật giáo Bắc tông ứng dụng tinh thần tùy duyên phương tiện để lợi ích chúng sinh nên tu học và hoạt động Phật sự có phần uyển chuyển, linh động hơn. Việc các vị Tăng hành nghề y, bốc thuốc chữa bệnh là một trong vô vàn phương tiện độ sinh nhưng tuyệt nhiên đó không phải là phương tiện kiếm sống. Cần lưu ý là về hình thức công việc có thể giống nhau nhưng dụng tâm khác nhau thành ra có giá trị khác biệt nhau.

Do đó chư Tăng Phật giáo Bắc tông hiện nay, một số vị có thể làm một số công việc chuyên môn khác nhau vì phương tiện độ sinh nhưng căn bản vẫn sống nhờ thí chủ phát tâm tịnh thí cúng dường. Nếu ai nghĩ rằng ‘hành nghề y, bốc thuốc chữa bệnh’ là phương tiện độ sinh thì việc ấy mang ý nghĩa Phật sự, ngược lại với dụng tâm kiếm sống thì rơi vào tà mạng, phi pháp.

Chúc bạn tinh tấn!

Giác Ngộ Online. 
Trước tròn bổn phận sau mới xuất gia


GN - HỎI: Tôi là Phật tử, 27 tuổi, đã có vợ và con trai 1 tuổi. Vì tôi biết đạo Phật muộn nên tôi mới kết hôn, còn nếu như biết đạo sớm thì có lẽ tôi đã xin xuất gia. Tôi thương vợ và con trai rất nhiều nhưng tâm tôi lại luôn hướng đến sự tu hành để cứu người, giúp đời.

Hiện có hai lý do khiến tôi chưa an tâm để xuất gia: 1.Nếu tôi xuất gia thì không ai lo cho vợ và con trai. 2.Số tiền chúng tôi đang có không đủ để vợ tôi tự lo cho mình và nuôi con. Vì thế, tôi đang cố làm ăn và đợi đến lúc con trai 18 tuổi sẽ sắp xếp gia đình và thực hiện ý nguyện.

Nhưng lúc đó tôi đã 45 tuổi, e rằng sức khỏe không tốt sẽ trở ngại trong việc tu; nhất là chỉ sợ không sống đến lúc đó vì vô thường. Hiện tôi rất phân vân, càng ngày càng thấy mình không thích hợp với đời mà hợp với đạo hơn. Tôi muốn ăn chay trường nhưng vì còn vợ và con. Tôi muốn có điều kiện kinh tế để giúp người nhưng hiểu bản chất kinh doanh, làm ăn là tham nên tâm không an. Rất mong nhận được lời khuyên từ quý Báo.



(PHÁT TÂM, vonga.phattam@gmail.com)


[Image: xuatgia%202.jpg]
Sau này, nếu đủ duyên thì hãy xuất gia... Ảnh minh họa


ĐÁP:

Bạn Phát Tâm thân mến!


Mỗi người có một nhân duyên đến với đạo khác nhau. Có người biết đạo rất sớm nhưng không đi nhanh trên đường đạo. Ngược lại có người biết đạo trễ nhưng tinh tấn tu tập, tiến bộ nhanh. Nhân duyên của bạn với đạo, với gia đình, với ý nguyện xuất gia cũng khá éo le, nhiều chồng chéo.

Bạn ‘luôn hướng đến sự tu hành để cứu người, giúp đời’ là điều tốt. Chữ tu hành và cứu người, giúp đời trong đạo Phật có ý nghĩa rất rộng lớn. Trong hoàn cảnh thực tiễn của bạn, tu hành chính là sửa mình; những gì thuộc về thân, miệng, ý chưa tốt thì chỉnh sửa lại cho tốt. Cứu người, giúp đời trước mắt chính là giúp cho vợ con an ổn, gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái nên người, thực hiện đầy đủ các bổn phận và trách nhiệm của công dân. Những điều rất căn bản này, nếu bạn chưa làm được thì khoan nói đến xuất gia tu tập giải thoát.

Chúng tôi hoan hỷ với ý tưởng “cố làm ăn và đợi đến lúc con trai 18 tuổi sẽ sắp xếp gia đình và thực hiện ý nguyện’ của bạn. Là Phật tử, một khi chúng ta đã tạo ra nhân duyên gia đình, vợ chồng, con cái thì phải có trách nhiệm. Thậm chí sau khi con cái đến tuổi trưởng thành mà vợ con chưa thuận thì vẫn tiếp tục gắn bó với gia đình. Hoặc lúc ấy bạn ‘đã 45 tuổi, e rằng sức khỏe không tốt sẽ trở ngại trong việc tu; nhất là chỉ sợ không sống đến lúc đó vì vô thường’ cũng phải chấp nhận.

Bởi theo thông lệ, người trẻ xuất gia phải có sự cho phép của cha mẹ. Người lớn xuất gia phải có sự đồng thuận của vợ/chồng con cái. Không có điều kiện này thì khó có thể được thầy tổ tiếp nhận vào chùa xuất gia. Mặt khác, nếu quyết dứt áo ra đi, thậm chí bỏ trốn gia đình để vào chùa, để lại sau lưng trăm mối ngổn ngang thì cũng rất khó an tịnh thân tâm tu hành lâu dài được.

Bạn ‘càng ngày càng thấy mình không thích hợp với đời mà hợp với đạo hơn’ cũng rất tốt. Vấn đề là bạn cần thấy rõ đạo và đời tuy hai mà một. Đạo cũng không xa rời cuộc đời và đời sống này cũng chính là đạo. Một số người cứ nghĩ rằng, vứt bỏ hết thế sự rồi vào chùa sẽ hết sạch tham sân si, thong dong nhẹ nhàng… Thực tế thì không hẳn như vậy! Đạo ở nơi tâm mà đời cũng chính nơi tâm. Ở đâu mà tâm thanh tịnh thì ở đó có đạo. Có rất nhiều vị cư sĩ Phật tử, tuy đời sống tại gia với nhiều nhân duyên ràng buộc nhưng vẫn thong dong, nhẹ nhàng, giải thoát. Ngược lại, có một số vị xuất gia nhưng chưa khéo chuyển hóa và ôm đồm công việc phụng sự quá nhiều nên thân tâm thường bất an, phiền não.

Bạn muốn giúp người, có nhiều cách chứ không phải có điều kiện kinh tế. Có tiền của chỉ là một nhân duyên trong việc phụng sự mà thôi. Muốn giúp người, trước tiên bạn cần tu sửa bản thân để trở thành người tốt. Kế đến, luôn phát tâm giúp người trong khả năng có thể, đôi khi sự giúp đỡ ấy chẳng cần đến tiền bạc. Cụ thể, cho người một lời nói động viên, tán thán; lắng nghe những nỗi khổ niềm đau của người thân; giúp sức một tay khi người khác cần mình…, tất cả đều là ‘Phụng sự chúng sinh tức cúng dường chư Phật’.

Vì thế, hiện tại bạn nên hoàn thành trách nhiệm và bổn phận của người Phật tử, người chồng, người cha của mình. Sau này, nếu đủ duyên thì hãy xuất gia.
 
Chúc bạn tinh tấn!
Sám hối hết tội, có còn thọ quả báo xấu?


GN - HỎI: Người Phật tử tu tập thường lạy Phật, niệm Phật, trì chú, tụng kinh, sám hối vì tin tưởng rằng nếu chí thành sẽ diệt được các tội trong quá khứ. Như vậy, nếu tội đã diệt thì trong tương lai có còn thọ quả báo xấu?

(THÀNH TÂM, thanhtam121261@gmail.com)

[Image: tuvan.jpg]
Nhân ác quá khứ thì đã tạo, không thay đổi được... 
Nếu dư tàn quả báo xấu còn vương lại và xảy đến thì hoan hỷ chấp nhận


ĐÁP:

Bạn Thành Tâm thân mến!

Trọng tâm tu học của người Phật tử là chuyển hóa mười nghiệp xấu ác của thân, khẩu, ý thành thiện lành. Mười nghiệp thiện là thân không giết hại, không trộm cướp, không tà hạnh; miệng không nói dối, không nói hung ác, không nói chia rẽ, không nói nịnh hót; ý không tham lam, không sân hận và không si mê. Những pháp tu như ‘lạy Phật, niệm Phật, trì chú, tụng kinh, lễ sám’ là nền tảng cho tịnh nghiệp, từng bước chuyển hóa những điều xấu ác.

Riêng pháp tu sám hối, sám là ăn năn về những việc xấu ác đã làm, hối là hối cải, nguyện với lòng không tái phạm nữa. Cao hơn là quán thấu “Tội tiêu, tâm tịnh thảy đều Không”. Pháp sám hối thông thường, mỗi nửa tháng tại chùa là lễ Phật theo nghi thức Hồng danh sám hối. Hồng danh chư Phật có oai đức không thể nghĩ bàn. Xưng tán và lễ bái chư Phật với tất cả sự chí thành sẽ khiến cho tội diệt, phước sinh.

Ngoài pháp Hồng danh sám hối ra, Phật tử (Bắc tông) còn sám hối theo các bộ sám pháp như Thủy sám, Lương Hoàng sám, Dưc Sư sám pháp… Quan trọng nhất vẫn là “Tội từ tâm khởi đem tâm sám/Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu”, phát nguyện tu tập và thành tựu Giới-Định-Tuệ trong đời sống hàng ngày. Nhờ sự chí thành tu tập và sám hối, thân tâm trở nên thanh tịnh nên tội lỗi được tiêu trừ. Song hành với sám hối là làm các điều thiện trong khả năng để tăng trưởng phước đức.

Đối với vấn đề, nếu tội đã diệt thì trong tương lai có còn thọ quả báo xấu? Cần lưu tâm là tội diệt ngay trong tâm và hạnh của mình nhưng hậu quả của tội lỗi ấy vẫn còn, rất cần trợ duyên để chuyển hóa. Ví dụ như mình lỡ gây ra một vết thương cho người, mình đã hối lỗi và hết lòng chạy chữa nhưng vết thương thì cần một thời gian mới lành, thậm chí lành rồi vẫn còn sẹo.

Từ nhân đến quả là một quá trình diễn tiến rất phức tạp. Không đơn thuần là nhân-quả mà là các chuỗi nhân-duyên-quả chi phối, tương tác lẫn nhau trùng trùng điệp điệp. Thành ra, nếu sám hối và phục thiện mãnh liệt thì phước đức mới tạo ra (duyên) có thể tương tác đến quả, làm cho quả lệch hướng khác với nhân. Nhờ đó mà quả báo từ nặng có thể thành nhẹ, từ nhẹ có thể thành không.

Điều quan trọng là thái độ tiếp nhận quả báo nơi mỗi người. Các bậc Thánh đã liễu tri nhân-duyên-quả, tâm bất động và tuệ hằng sáng nên nếu dư tàn của quả báo còn sót lại, khi nó xảy ra thì chư vị hoan hỷ chấp nhận. Đặc biệt là những quả báo đã chín muồi sắp xảy đến thì không có gì ngăn cản nổi. Trường hợp xả báo thân của Tôn giả Mục-kiền-liên là một điển hình, ngài đã an nhiên thọ nhận quả báo. Nói cách khác, với các bậc Thánh thì có quả báo mà không còn ‘người’ thọ báo.

Còn đối với chúng ta, sám hối rồi thì thân tâm trong sạch, nhân tạo ác không còn nữa, nhưng quả báo ác thì cần nỗ lực làm phước để chuyển. Nên quan trọng là không tạo thêm nhân ác rồi tích cực làm phước, vun trồng điều thiện. Chính phước đức trong hiện tại sẽ là duyên lành làm lệch hướng quả báo xấu. Cuộc sống hiện tại với nhiều cung bậc thăng trầm của mỗi cá nhân chính là trình hiện cụ thể, chân xác nhất nhân-duyên-quả của chính mình. Người con Phật luôn thấy rõ và tin chắc vận trình nhân-duyên-quả mà tinh tấn chuyển nghiệp.

Nhân ác quá khứ thì đã tạo, không thay đổi được. Những điều mà chúng ta có thể làm được là tạo ra nhân mới tốt, duyên mới thiện thì chắc chắn sẽ có quả báo lành. Nếu dư tàn quả báo xấu còn vương lại và xảy đến thì hoan hỷ chấp nhận. Chính tuệ giác (thành quả của Giới-Định-Tuệ) sẽ soi đường cho người tu Phật tiếp cận, chấp nhận sự thật Khổ-Vô thường-Vô ngã để ‘Tâm bất biến trong dòng đời vạn biến’.

Chúc bạn tinh tấn!

Giacngoonline.com



Thấy rõ nhân - duyên - quả để an nhiên

[Image: walk-842535_1280.jpg]
Ảnh minh họa

GN - HỎI: Tôi có người chị là Phật tử năm nay cũng khá nhiều tuổi, lập gia đình đã lâu nhưng vn chưa sinh con. Tôi hỏi thì chị nói lấp lửng rằng: “Chưa muốn, hoặc cứ từ từ, đợi kiếp sau cũng được, hay con cái cũng là nợ duyên, chắc tại không mắc nợ đường con cái nên không thấy ham thích con cho lắm”, mà thực chất thì chị ấy rất yêu trẻ con. Xin hỏi quan điểm về con cái của chị có đúng vi quan điểm nhà Phật không?

(HUY VŨ, Lạc Long Quân, P.9, Q.Tân Bình, TP.HCM)

ĐÁPBạn Huy Vũ thân mến!

Lập gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no, có con cái sum vầy và nuôi dạy chúng nên người là niềm vui, hạnh phúc đồng thời cũng là mong muốn chính đáng của mọi người. Tuy nhiên, không phải ai mong muốn gì cũng đều được như nguyện.

Tất cả biểu hiện của cuộc sống đều tùy thuộc vào nghiệp lực, nhân duyên tội phước của chính mình đã gieo trồng từ trong quá khứ cho đến hiện tại. Người phước nhiều thì được nhiều phần, của và con đều đủ. Người phước vừa thì chỉ được một phần, có cái nọ thì mất cái kia. Người phước mỏng thì vô phần, có khi chẳng được gì cả.

Lập gia đình đã lâu mà chưa sinh được con dĩ nhiên là thiếu phước về con cái. Trước thực tiễn không như ý này, mỗi gia đình có một thái độ và cách ứng xử khác nhau: tích cực hay tiêu cực, bi quan hay lạc quan, bất an hay an nhiên… tùy quan điểm, tuệ giác của mỗi người.

Theo quan điểm Phật giáo, trong cùng một hoàn cảnh, nếu biết nêu cao chánh kiến và chánh tư duy, quán chiếu đúng đắn về nhân-duyên-quả để chấp nhận thực tại và tìm cách chuyển hóa thì sẽ an nhiên hơn.

Cụ thể, khi chưa có con thì rất mong, tìm mọi cách để có con. Sau khi đã xoay xở mọi cách mà vẫn chưa có con thì sao? Buồn phiền, chán nản, bất an… liệu có giúp ta giải quyết vấn đề? Thế nên, song hành với quá trình chạy chữa, thuốc thang và hy vọng, người trong cuộc phải có thêm liệu pháp tinh thần.

Trước hết, hãy vui với những gì đang có, đó là sự nhẹ nhàng thong thả ‘cứ từ từ’, vì thực chất vội vàng cũng chẳng ích gì. Vẫn trông chờ, nuôi hy vọng nhưng không bực bội nôn nóng. Kế đến, quán chiếu sâu hơn để thấy ‘con cái cũng là nợ duyên’, bản chất là sự cộng nghiệp (thiện hoặc bất thiện) với mình. Nếu cộng nghiệp thiện lành thì con cái là hiếu tử, mà ngược lại là nghịch tử. Nên quán chiếu sâu sắc vấn đề thì có con chưa phải là hay, không con cũng chưa phải là dở. Tùy duyên!


Giacngoonline.
Sám hối hết tội, có còn thọ quả báo xấu?


GN - HỎI: Người Phật tử tu tập thường lạy Phật, niệm Phật, trì chú, tụng kinh, sám hối vì tin tưởng rằng nếu chí thành sẽ diệt được các tội trong quá khứ. Như vậy, nếu tội đã diệt thì trong tương lai có còn thọ quả báo xấu?

(THÀNH TÂM, thanhtam121261@gmail.com)

[Image: tuvan.jpg]
Nhân ác quá khứ thì đã tạo, không thay đổi được... 

Nếu dư tàn quả báo xấu còn vương lại và xảy đến thì hoan hỷ chấp nhận


ĐÁP:

Bạn Thành Tâm thân mến!

Trọng tâm tu học của người Phật tử là chuyển hóa mười nghiệp xấu ác của thân, khẩu, ý thành thiện lành. Mười nghiệp thiện là thân không giết hại, không trộm cướp, không tà hạnh; miệng không nói dối, không nói hung ác, không nói chia rẽ, không nói nịnh hót; ý không tham lam, không sân hận và không si mê. Những pháp tu như ‘lạy Phật, niệm Phật, trì chú, tụng kinh, lễ sám’ là nền tảng cho tịnh nghiệp, từng bước chuyển hóa những điều xấu ác.

Riêng pháp tu sám hối, sám là ăn năn về những việc xấu ác đã làm, hối là hối cải, nguyện với lòng không tái phạm nữa. Cao hơn là quán thấu “Tội tiêu, tâm tịnh thảy đều Không”. Pháp sám hối thông thường, mỗi nửa tháng tại chùa là lễ Phật theo nghi thức Hồng danh sám hối. Hồng danh chư Phật có oai đức không thể nghĩ bàn. Xưng tán và lễ bái chư Phật với tất cả sự chí thành sẽ khiến cho tội diệt, phước sinh.

Ngoài pháp Hồng danh sám hối ra, Phật tử (Bắc tông) còn sám hối theo các bộ sám pháp như Thủy sám, Lương Hoàng sám, Dưc Sư sám pháp… Quan trọng nhất vẫn là “Tội từ tâm khởi đem tâm sám/Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu”, phát nguyện tu tập và thành tựu Giới-Định-Tuệ trong đời sống hàng ngày. Nhờ sự chí thành tu tập và sám hối, thân tâm trở nên thanh tịnh nên tội lỗi được tiêu trừ. Song hành với sám hối là làm các điều thiện trong khả năng để tăng trưởng phước đức.

Đối với vấn đề, nếu tội đã diệt thì trong tương lai có còn thọ quả báo xấu? Cần lưu tâm là tội diệt ngay trong tâm và hạnh của mình nhưng hậu quả của tội lỗi ấy vẫn còn, rất cần trợ duyên để chuyển hóa. Ví dụ như mình lỡ gây ra một vết thương cho người, mình đã hối lỗi và hết lòng chạy chữa nhưng vết thương thì cần một thời gian mới lành, thậm chí lành rồi vẫn còn sẹo.

Từ nhân đến quả là một quá trình diễn tiến rất phức tạp. Không đơn thuần là nhân-quả mà là các chuỗi nhân-duyên-quả chi phối, tương tác lẫn nhau trùng trùng điệp điệp. Thành ra, nếu sám hối và phục thiện mãnh liệt thì phước đức mới tạo ra (duyên) có thể tương tác đến quả, làm cho quả lệch hướng khác với nhân. Nhờ đó mà quả báo từ nặng có thể thành nhẹ, từ nhẹ có thể thành không.

Điều quan trọng là thái độ tiếp nhận quả báo nơi mỗi người. Các bậc Thánh đã liễu tri nhân-duyên-quả, tâm bất động và tuệ hằng sáng nên nếu dư tàn của quả báo còn sót lại, khi nó xảy ra thì chư vị hoan hỷ chấp nhận. Đặc biệt là những quả báo đã chín muồi sắp xảy đến thì không có gì ngăn cản nổi. Trường hợp xả báo thân của Tôn giả Mục-kiền-liên là một điển hình, ngài đã an nhiên thọ nhận quả báo. Nói cách khác, với các bậc Thánh thì có quả báo mà không còn ‘người’ thọ báo.

Còn đối với chúng ta, sám hối rồi thì thân tâm trong sạch, nhân tạo ác không còn nữa, nhưng quả báo ác thì cần nỗ lực làm phước để chuyển. Nên quan trọng là không tạo thêm nhân ác rồi tích cực làm phước, vun trồng điều thiện. Chính phước đức trong hiện tại sẽ là duyên lành làm lệch hướng quả báo xấu. Cuộc sống hiện tại với nhiều cung bậc thăng trầm của mỗi cá nhân chính là trình hiện cụ thể, chân xác nhất nhân-duyên-quả của chính mình. Người con Phật luôn thấy rõ và tin chắc vận trình nhân-duyên-quả mà tinh tấn chuyển nghiệp.

Nhân ác quá khứ thì đã tạo, không thay đổi được. Những điều mà chúng ta có thể làm được là tạo ra nhân mới tốt, duyên mới thiện thì chắc chắn sẽ có quả báo lành. Nếu dư tàn quả báo xấu còn vương lại và xảy đến thì hoan hỷ chấp nhận. Chính tuệ giác (thành quả của Giới-Định-Tuệ) sẽ soi đường cho người tu Phật tiếp cận, chấp nhận sự thật Khổ-Vô thường-Vô ngã để ‘Tâm bất biến trong dòng đời vạn biến’.

Chúc bạn tinh tấn!

GNOL
Cúng mặn cho gia tiên có thất kính với Phật?



GN - HỎI: Nhà tôi vì chật hẹp nên thờ Phật và gia tiên gần nhau. Xin hỏi vào ngày giỗ, cúng mặn cho gia tiên thì có vấn đề gì không? Lễ phẩm cúng giỗ như thế nào là đúng nhất?

(HELICO,
xn6helico@gmail.com)


[Image: thocung.jpg]
Bàn thờ Phật và gia tiên gần sát nhau, khi cúng giỗ tổ tiên ông bà tốt nhất là nên cúng chay - Ảnh minh họa


ĐÁP:

Bạn Helico thân mến!

Vì hoàn cảnh nhà cửa chật hẹp, bàn thờ Phật và gia tiên gần sát nhau, khi cúng giỗ tổ tiên ông bà tốt nhất là nên cúng chay. Hàng ngày, các bàn thờ cần được lau quét sạch sẽ, rút bớt chân nhang. Ngày ba mươi, rằm cần mua hoa trái, nhang đèn, thay nước cúng dường.

Vào ngày giỗ, trên bàn thờ Phật ngoài hoa trái nhang đèn cần cúng thêm xôi chè. Riêng bàn thờ gia tiên, nếu không cúng chay được thì có gì cúng nấy. Lễ phẩm cúng giỗ chủ yếu là cơm nước, căn bản vẫn là “lễ bạc lòng thành”.

Mỗi người có một hoàn cảnh riêng, rất nhiều người muốn cúng chay mà vẫn không sắp xếp được sự đồng thuận của cả gia đình. Vì thế, cứ tùy duyên cúng kính ông bà tổ tiên, miễn lòng mình luôn thành kính Tam bảo thì không có gì phải băn khoăn cả.

Chúc các bạn tinh tấn!


giacngoonline.com
Có nên xả bớt một số giới?

GN - HỎI: Phật tử tại gia thường phát nguyện thọ trì 5 giới. Tôi thấy hiện nay đa số người thọ giới nhưng không giữ được, khiến phạm giới. Suy cho cùng, do nghiệp lực quá nặng, trong khi ý chí và niềm tin của ta chưa đủ để giữ vững giới luật. Nếu sám hối rồi lại phạm, phạm rồi lại sám hối nhiều lần cũng rất xấu hổ. Vậy có nên xả một vài giới nào mình cảm thấy chưa chắc chắn? Sự hiểu của tôi như vậy có đúng không?

(THÀNH TÂM, 
thanhtam121261@gmail.com)




[Image: hoasen.jpg]
Giữ gìn giới luật để tâm hồn được sáng đẹp thêm ra, giới luật không phải là sự ràng buộc - Ảnh minh họa

ĐÁP:

Bạn Thành Tâm thân mến!

Thường thì sau khi quy y Tam bảo, Phật tử được khuyến khích phát nguyện thọ trì 5 giới. Tuy nhiên, vì rất ít nơi chư Tăng (Ni) trước khi truyền giới giải thích rõ thế nào là phạm giới (không thể sám hối), thế nào là phạm khuyết giới (có thể sám hối) khiến cho hàng Phật tử lúng túng, phân vân về việc thọ trì, sám hối trong đời sống hàng ngày.

Theo Giới luật, giới thứ nhất Không sát sinh, nếu hội đủ 5 điều dưới đây là phạm giới, thành tội không thể sám hối: 1.Đối tượng bị giết là người, chứ chẳng phải dị loại súc sinh, 2.Biết rõ là người, 3.Có tâm giết người, 4.Dùng một cách nào đó để giết người, 5.Người bị giết chắc chắn đã chết. Nếu không hội đủ thì chỉ phạm khuyết giới, có thể sám hối để trở thành thanh tịnh.

Giới thứ hai Không trộm cướp, nếu hội đủ 6 điều sau đây là phạm giới, thành tội không thể sám hối: 1.Tài vật của người khác, 2. Biết rõ tài vật chẳng phải của mình, 3. Khởi niệm mưu tính trộm cướp, 4. Tìm cách trộm cướp (tự mình lấy hoặc bảo người khác lấy), 5. Giá trị tài vật từ “5 tiền” trở lên (tùy quy định từng quốc gia về giá trị của vật hay số tiền đủ để truy tố tội chết), 6. Dời tài vật đã trộm cướp ra khỏi vị trí cũ của nó (biến đổi hình trạng, thay đổi màu sắc v.v…) khiến cho chủ của tài vật nghĩ rằng đã mất. Nếu không hội đủ thì chỉ phạm khuyết giới, có thể sám hối để trở thành thanh tịnh.

Giới thứ ba Không tà dâm, nếu hội đủ 4 điều sau đây là phạm giới, thành tội không thể sám hối: 1.Không phải vợ chồng mình đã kết hôn, 2. Có tâm dâm, 3. Đúng chỗ  (miệng, cơ quan sinh dục và đường đại tiện) mà hành dâm, 4. Tạo thành sự hành dâm. Nếu không hội đủ thì chỉ phạm khuyết giới có thể sám hối.

Giới thứ tư Không nói dối, nếu hội đủ 5 điều sau đây là phạm giới, thành tội không thể sám hối: 1. Nói với người, 2. Biết rõ đối tượng nghe là người, 3. Có tâm dối gạt, 4. Tự mình chưa chứng Thánh mà nói đã chứng; cho đến chưa thấy thiên, long, thần, quỷ mà nói thấy, 5. Người đối diện nghe hiểu (không phải người điếc, người điên, súc sinh chẳng hiểu). Các phương diện khác của giới này là nói sai sự thật, nói thô ác, nói chia rẽ, nói thêu dệt. Nếu không hội đủ 5 điều trên thì chỉ phạm khuyết giới, có thể sám hối để trở thành thanh tịnh.

Giới thứ năm Không uống rượu, phải hội đủ 3 điều mới thành tội nhưng có thể sám hối: 1. Có rượu (và các chất say), 2. Biết rõ là rượu (và các chất say), 3. Uống rượu vào miệng nuốt (hoặc hít, chích các chất say).

Trong 5 giới của Phật tử, bốn giới trước đều có hai dạng không thể sám hối và có thể sám hối. Riêng giới thứ năm thì chỉ có một dạng là có thể sám hối. Nếu phạm giới thành tội không thể sám hối thì bị đọa ác đạo. Tuy nhiên, trường hợp này nếu người Phật tử có tu tập căn bản thì rất khó phạm (như chủ ý giết người, chủ ý trộm cướp tài sản lớn, chủ ý nói dối mình đã chứng Thánh để gạt người), riêng chủ ý ngoại tình (có hành dâm-dễ phạm hơn các giới kia). Còn lại các trường hợp phạm giới khác đều có thể sám hối.

Hàng Phật tử cần phải thấy rằng, thọ giới là để nương theo giới mà từng bước hoàn thiện nhân cách và đạo đức. Dó đó, nếu vì một nguyên nhân nào đó mà phạm khuyết giới (có thể sám hối) là chuyện bình thường của chúng sinh phước mỏng nghiệp dày. Quan trọng là thấy rõ giới hạn của mình rồi thành tâm sám hối, nguyện không tái phạm. Sám hối nhiều lần, sám hối cả đời cho đến khi thân tâm thanh tịnh, trong sạch. Xấu hổ (tàm quý) là một tâm thiện rất cần cho sự khắc phục lỗi lầm nhưng không vì xấu hổ mà tìm cách xả giới, đánh mất cơ hội tích phước và tiến tu.

Chúc bạn tinh tấn!


GNOL
Bố thí thanh tịnh

GN - HỎI: Tôi nghe thuyết giảng, quý thầy bảo rằng cúng dường và bố thí cần phải đúng người. Nếu sai thì chẳng những không được phước lại còn mang tội. Tôi rất băn khoăn vì nếu mỗi khi phát tâm bố thí và cúng dường mà lại khởi lòng nghi ngờ xét nét thì vô tình tạo khoảng cách, khó có thể phát khởi từ bi và tâm hộ trì Tam bảo trọn vẹn. Tôi suy nghĩ, khi bố thí thì chỉ phát khởi tâm từ bi là đủ, vì phụng sự chúng sanh trong đó có mình và người thân, mọi người đều được lợi; khi cúng dường ta chỉ nghĩ hỗ trợ Tam bảo để mong Tam bảo trường tồn lâu dài ở thế gian. Trừ trường hợp tai nghe, mắt thấy người được bố thí, cúng dường là xấu thì thôi. Nếu không biết thì không khởi tâm nghi. Sự hiểu của tôi như vậy có đúng không?

(THÀNH TÂM, thanhtam121261@gmail.com)

[Image: dangcung.jpg]
Bố thí và cúng dường thanh tịnh xong thì buông hết



ĐÁP:

Bạn Thành Tâm thân mến!

Bố thí và cúng dường là những hạnh tu phổ biến của hàng Phật tử. Hạnh lành này nếu được vun bồi và trưởng dưỡng liên tục trong đời sống thì mang đến quả phước vô lượng. Đức Phật đã dạy về bố thí thanh tịnh gồm: Người thí, vật thí, người nhận đều thanh tịnh; trong ba thời điểm trước, trong và sau khi bố thí tâm đều thanh tịnh thì thành tựu phước quả không thể nghĩ bàn.

Bạn đã thành tựu hai điều, người thí và vật thí thanh tịnh. Còn người nhận có thanh tịnh hay không, chẳng riêng bạn mà tất cả chúng ta không ai có thể biết được, trừ trường hợp chính mình mắt thấy, tai nghe về người nhận là không tốt. Ngay đây người thí đứng trước hai vấn đề: Không tìm hiểu người nhận thì sợ cúng-thí nhầm người; cố công tìm hiểu người nhận thì tâm dễ khởi niệm lăn tăn không thanh tịnh.

Vì không xét nét về người nhận thì không được mà băn khoăn về họ cũng không xong, nên chúng tôi đồng cảm với cách bố thí của bạn: “Khi bố thí thì chỉ phát khởi tâm từ bi; khi cúng dường ta chỉ nghĩ hỗ trợ Tam bảo”. Có thể, khi cúng thí với vật thí có giá trị nhỏ thì cứ tùy duyên. Cho người mà thực chất là cho mình; quyết không để tâm từ bi thí xả của mình bị thui chột. Còn khi cúng thí với vật thí có giá trị lớn thì cũng nên tìm hiểu kỹ rồi mới gieo duyên. Bố thí và cúng dường thanh tịnh xong thì buông hết. Dĩ nhiên, cúng dường và bố thí đúng người thì phước báo sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp cúng dường và bố thí mà chưa đúng người thì phước báo được ít hơn mà thôi, không thể vì làm lành cúng thí mà “không được phước lại còn mang tội”.

Chúc bạn tinh tấn.
Có thể tự thọ giới Bát quan trai?

GN - HỎI: Vì thời gian không cho phép nên tôi không thể tham dự các khóa tu Bát quan trai. Cho tôi hỏi là có thể “tự thệ thọ giới” trước bàn thờ Phật được không? Nếu không thọ giới mà vẫn giữ giới thì phước quả có tương ng như kinh nói không? Trong tám giới Bát quan trai có giới không nghe nhạc. Vậy nếu vô tình nghe nhạc có phạm giới không? Trì chú theo điệu nhạc có phạm giới không?

(NGƯNG KHÁNH, lamtheduong@yahoo.com.vn)

[Image: phattu.jpg]
Pháp thọ giới Bát quan trai của hàng cư sĩ phải do người xuất gia có giới đức trao truyền - Ảnh minh họa

ĐÁP:

Bạn Ngưng Khánh thân mến!

Về nguyên tắc, pháp thọ giới Bát quan trai của hàng cư sĩ phải do người xuất gia (Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa, Sa-di, Sa-di-ni) có giới đức trao truyền. Tuy vậy, trong tinh thần phương tiện, luận Thành thật và luận Đi trí đ có khai mở cho phép tự phát nguyện thọ giới. Luận Thành thật nói: “Nếu khi không có người, chỉ cần tâm nghĩ miệng nói tôi thọ Bát giới cũng được thành thọ” (Cương yếu Giới luật, HT.Thích Thánh Nghiêm).

Tuy nhiên, sự tự thệ nguyện thọ giới cũng có những nguyên tắc nhất định. Do hoàn cảnh bản thân không thể tham gia tu tập Bát quan trai. Do nơi mình sinh sống không có người xuất gia để trao truyền tám giới cao quý. Đối trước Phật, Bồ-tát thành tâm phát nguyện rồi vâng giữ và tu tập (đúng như đang tham dự khóa tu Bát quan trai cùng đại chúng). Trong trường hợp không phát nguyện thọ giới mà vẫn giữ giới Bát quan trai đầy đủ, trọn vẹn thì vẫn có phước quả thiện lành.

Trong quá trình vâng giữ, thọ trì tám giới Bát quan trai, nếu vô tình nghe nhạc mà không đắm nhiễm, không phóng tâm ưa thích thì không phạm. Bởi lẽ, sáu trần luôn hiện hữu, thường trực trong đời sống chúng ta. Xã hội hiện đại rất hào phóng với âm nhạc, mọi lúc mọi nơi đều có nhạc. Nên vấn đề là giữ tâm chứ không phải tìm cách ngăn cản hay tránh né tiếng nhạc. Người tu bảo vệ các căn nhưng không tìm cách xa lánh sáu trần mà chỉ chánh niệm, tỉnh giác với sáu trần.

Việc trì chú, niệm Phật theo điệu nhạc cũng vậy, đó là phương tiện để giúp người dễ hướng tâm. Nghe nhạc là một thói quen, tập khí sâu dày của người đời. Nên nghe niệm Phật, trì chú có nhạc tính, có vần điệu giúp cho người mới trì niệm cảm thấy quen thuộc, dễ chú tâm hơn. Việc phổ và nghe nhạc kinh chú ngày nay trở nên phổ biến, được nhiều người chấp nhận. Vấn đề này, tuy có nhạc nhưng vẫn có pháp để duyên tâm nên thiết nghĩ, trong ngày tu Bát quan trai cũng như trong đời sống hàng ngày đều có thể vận dụng phương tiện này nhằm tu học tinh tấn hơn.

Chúc bạn tinh tấn.

GNOL
Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8