VietBest

Full Version: Không gian không phải là pháp vô vi - PG & Khoa Học
You're currently viewing a stripped down version of our content. View the full version with proper formatting.
Đối chiếu Khoa học và Phật giáo



Xưa nay đã có rất nhiều sách báo đối chiếu hay so sánh Khoa học và Phật giáo. Người ta so sánh hai môn học rất khác biệt này và thấy chúng có nhiều điểm tương đồng quan trọng, tuy nhiên cũng có những khác biệt rất lớn. Trong bài này, chúng tôi có mục đích muốn tìm ra những điểm tương đồng và dị biệt đó. Vì đề tài này đã được bàn luận rất nhiều rồi, nên ở đây chúng tôi không đi quá sâu vào chi tiết mà chỉ cố gắng làm rõ những điểm tương đồng và dị biệt đó dưới cái nhìn tổng quan.

A.   Những điểm tương đồng giữa Khoa học và Phật giáo

1. Cấu trúc của vật chất và Thuyết Thập nhị Nhân duyên của Phật giáo.
Khoa học ngày nay đã hiểu biết khá nhiều về thế giới vật chất mà đa số tuyệt đối các nhà khoa học cho là khách quan ở ngoài ý thức (quan điểm duy vật). Người ta biết rằng vật chất không phải là một thể đồng nhất, mà nó được cấu trúc từ những phần tử rất nhỏ gọi là nguyên tử. Khoa học thế kỷ 20 còn thâm nhập vào bên trong của nguyên tử để tìm hiểu những hạt cơ bản tạo ra vật chất, vì những hạt này ở mức độ nhỏ hơn, thấp hơn nguyên tử nên người ta gọi chúng là những hạt hạ nguyên tử (subatomic particles)  và thấy rằng trung tâm nguyên tử là một hạt nhân được cấu tạo bằng hai loại hạt : proton và neutron. Bên ngoài hạt nhân có những hạt electron chuyển động rất nhanh chung quanh tạo thành một khối hình cầu mà vỏ là electron và nhân là proton và neutron. Có những nguyên tử đơn giản nhất chỉ có một hạt proton và một hạt neutron, đó là hydrogen, nguyên tố chính tạo thành nước. Nguyên tử Helium thì có hai proton, hai neutron và hai eletron.

 [Image: Nguy_n_t__Hydrogen_735161477.gif]                 [Image: Nguy_n_t__Helium_894672158.jpg]

            Nguyên tử Hydrogen                                           Nguyên tử Helium

Trong hậu bán thế kỷ 20, người ta còn thâm nhập sâu hơn nữa vào cấu trúc của hạt proton và hạt neutron và thấy rằng chúng được cấu tạo bằng hai loại hạt quark : quark up và quark down

[Image: proton_569933425.gif]

Như vậy chỉ với 3 loại hạt : quark up, quark down và electron, đã tạo ra tuyệt đại đa số vật chất trên quả địa cầu của chúng ta. Các sinh vật cũng hình thành từ những hạt này mà thôi, tiến hóa từ chất vô cơ đến chất hữu cơ, rồi chất sống và cuối cùng là con người vô cùng phức tạp và kỳ diệu.

Thuyết Thập nhị Nhân duyên của Phật giáo cũng mô tả thế giới vật chất và thế giới sinh vật bằng cấu trúc trùng trùng duyên khởi của nhân duyên mà yếu tố căn bản là vô minh và yếu tố cuối cùng trong chuổi 12 nhân duyên là Lão tử (già chết- Xem bài Thập nhị nhân duyên). Khoa học (KH) và Phật giáo (PG) giống nhau ở chỗ mô tả thế giới là cấu trúc, cấu trúc chính là bản chất của thế giới, đó là sự tương tác lẫn nhau của đủ loại cấu trúc, khác nhau về hình tướng nhưng đồng nhau về bản chất. Nhưng cấu trúc bằng vật liệu gì thì chúng ta sẽ trở lại ở phần dị biệt.
 
2. Sự biến đổi, tuổi thọ hữu hạn của vạn hữu và Tính chất vô thường của vạn vật.
Khoa học đã chứng minh là tất cả mọi vật từ một hạt cơ bản hạ nguyên tử cho đến vũ trụ bao la đều có tuổi thọ hữu hạn, mọi sự vật đều luôn luôn biến đổi, luôn luôn chuyển hóa từ trạng thái này sang trạng thái khác, lâu hay mau tùy vật nhưng biến đổi là bản chất của mọi vật. PG cũng nêu tính chất vô thường của vạn vật, mọi vật đều luôn biến đổi qua 4 trạng thái là : thành (hình thành), trụ (tồn tại và lớn lên), hoại (hao mòn và huỷ hoại), và diệt (mất đi) và không gì có thể thoát khỏi qui luật này. Tính chất vô thường hay bản chất sinh diệt là điểm đặc trưng của thế giới chúng ta đang sống.

3. Đa vũ trụ theo KH và Tam thiên đại thiên thế giới theo diễn tả của PG
Khoa học với các phương tiện quan sát và thám hiểm không gian hiện đại, biết rằng vũ trụ rất rộng lớn, bán kính có thể đến 14 tỷ quang niên. Trong vũ trụ có vô số thiên hà, mỗi thiên hà có hàng tỉ mặt trời với hệ hành tinh của nó tương tự như dải ngân hà và thái dương hệ của chúng ta. Những năm gần đây Khoa học cũng khám phá ra nhiều hành tinh hơi giống giống trái đất của chúng ta, tuy nhiên Khoa học chưa tìm thấy tín hiệu của một nền văn minh khác ngoài trái đất. Có rất nhiều tin tức chưa được kiểm chứng về những vật thể bay không xác định (UFO Unidentified Flying Objects) mà người ta ngờ là của những nền văn minh khác ngoài địa cầu. Tuy nhiên chưa có một trường hợp nào được xác định rõ ràng. Kinh điển PG thì đề cập đến Tam giới là Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới. Chỉ riêng Dục giới thôi đã rộng lớn hơn vũ trụ mà chúng ta quan niệm vì ngoài cõi vật chất, Dục giới còn bao gồm cõi trời Lục Dục thiên mà các giác quan của chúng ta không thể tiếp xúc được. Như vậy Tam giới của PG vô cùng rộng lớn được diễn tả bằng thuật ngữ “Tam thiên Đại thiên thế giới”, tức là 1000 lũy thừa 3 (10003) Đại thiên thế giới, mỗi Đại thiên thế giới có 1000 Trung thiên thế giới, mỗi Trung thiên thế giới có 1000 Tiểu thiên thế giới, mỗi Tiểu thiên thế giới là 1000 thế giới nhỏ, một thế giới nhỏ là tương đương cõi thế gian của chúng ta. Nếu dùng toán học để tính ra số lượng thế giới nhỏ thì như sau : 10003 x 1000 (Đại thiên) x 1000 (Trung thiên) x 1000 (Tiểu thiên) = một tỉ tỉ (1018) thế giới nhỏ (tương tự thế gian). Thật ra đây chỉ là con số tượng trưng có ý nghĩa là rất lớn, đến mức vô lượng vô biên. Như vậy ta thấy PG đã đưa ra quan niệm đa vũ trụ, các vũ trụ chồng chất lên nhau mà phần lớn là vô hình đối với các giác quan của chúng ta, các cõi trời Lục Dục thiên thuộc Dục giới, các cõi trời thuộc Sắc giới, các cõi trời thuộc Vô Sắc giới đều hoàn toàn vô hình đối với chúng ta nên tuyệt đại đa số con người không thể thấy được các cõi giới đó. Không thấy không cảm nhận được, con người bèn cho rằng không có. Cũng giống như chung quanh ta có rất nhiều sóng vô tuyến, sóng điện từ, sóng cực vi mà ta không thể cảm nhận trực tiếp được. Chỉ khi có các thiết bị như radio, tivi, smartphone, hoặc những người có đặc dị công năng, mới thấy có âm thanh, hình ảnh, tín hiệu, thế giới vong linh cõi âm…Đa vũ trụ cũng được các nhà khoa học hàng đầu thế giới hiện nay mô tả. Stephen Hawking (nhà vật lý người Anh, hiện mang chức danh Giáo sư Lucasian tức giáo sư Toán học của Đại học Cambridge, chỉ những nhà khoa học xuất sắc như Isaac Newton hay Paul Dirac mới có chức danh này) và Neil Turok (sinh năm 1958 tại Johanesburg South Africa, Giáo sư Vật Lý của Đại học Princeton, Giám đốc Viện Perimeter về Vật Lý lý thuyết), hai người nói trong một định đề (postulate) : “The quantum world is one of virtual particles continually fluctuating in and out of existence, even in a vacuum, of superstrings vibrating and twisting in ten or eleven dimensions, most of which are ‘rolled up’ and invisible, of a reality in which gravitation, spacetime and matter are or were merged in one ‘instanton” (Thế giới lượng tử là thế giới của các hạt ảo không ngừng dao động qua lại giữa hiện hữu và cả hư không, của siêu dây rung động và biến dạng trong 10 hoặc 11 chiều kích_ mà phần lớn những chiều kích ấy bị cuốn lên và vô hình_của một thực tại trong đó lực hấp dẫn, thời không, và vật chất, được hoặc đã được kết hợp lại trong ‘hiện tiền’).

Cái mà chúng ta thấy và cảm nhận được trong “hiện tiền” chỉ là một phần rất nhỏ của đa vũ trụ vô lượng vô biên mà PG từ lâu đã diễn tả trong thuật ngữ “Tam thiên Đại thiên thế giới”

4.     Thuyết tương đối của Einstein và Tam giới duy tâm của PG
Thuyết tương đối của Einstein tập trung ở 3 điểm quan trọng : không gian, thời gian và khối lượng vật chất là tương đối. Tương đối có nghĩa là không tồn tại độc lập, là phụ thuộc vào một cái khác, hay phụ thuộc lẫn nhau. Tương đối cũng có nghĩa là có thể co dãn, có thể thay đổi. Thuyết tương đối ngày nay đã được kiểm chứng.

-Khoảng cách không gian tương đối. Một mặt trời có đường kính một triệu km, khi cháy hết nhiên liệu, có thể co rút lại chỉ còn vài km, trở thành lỗ đen. Như vậy khoảng cách không gian cấu tạo bằng vật chất có thể thay đổi. Điều đó có nghĩa là khoảng cách bằng đường bộ tính theo đường thẳng từ Sài Gòn đến Hà Nội là 712 dặm (miles) hay 1146 km có thể thay đổi. Khoảng cách không gian chân không (không có vật chất đất đá, không khí) từ Sài Gòn đến Hà Nội cũng không có thật. Hiện tượng rối lượng tử (quantum entanglement) đã chứng minh rằng một photon không mất chút thời gian nào để truyền tín hiệu qua lại giữa hai nơi cách nhau 18km (tại Thụy Sĩ). Hiện tượng rối lượng tử thật sự đã làm cho Einstein bối rối vì nó trái với định đề của ông đưa ra, rằng ánh sáng là tốc độ cao nhất của vật chất. Vậy tại sao photon có thể truyền tín hiệu đi nhanh hơn ánh sáng. Ông không thể lý giải được và gọi đó là tác động ma quái từ xa (spooky action at a distance). Eintein qua đời năm 1955, không kịp nhìn thấy thí nghiệm tại Thụy Sĩ, nếu nói tín hiệu truyền đi từ hạt photon này sang hạt photon kia thì nó phải đi nhanh hơn gấp hàng triệu lần tốc độ ánh sáng. Điều đó không đúng mà phải hiểu khác đi là khoảng cách không gian không có thật.

– Thời gian tương đối. Thí nghiệm đầu tiên chứng minh thời gian co giãn thực hiện năm 1938. Các nhà khoa học Mỹ sử dụng hiệu ứng Doppler (hiện tượng sắc thái âm thanh của một vật – chẳng hạn tiếng còi tàu – thay đổi khi đến gần hoặc đi xa tai người nghe) để làm dụng cụ đo. Nhưng lúc ấy mức độ chính xác của công cụ đo lường  còn hạn chế nên thí nghiệm chưa có sức thuyết phục cao. Năm 2005 người ta làm thí nghiệm với máy gia tốc, họ phát đi 2 chùm nguyên tử chạy theo hình một cái bánh rán – thể hiện cho chiếc đồng hồ đang chuyển động của Einstein. Sau đó, họ đo thời gian của các chùm nguyên tử này bằng máy đo phổ laser có độ chính xác cao. Khi so sánh với thế giới thực bên ngoài, họ nhận thấy thời gian di chuyển của các nguyên tử quả thực chậm hơn bình thường. “Chúng tôi đã có thể xác nhận hiệu ứng này chính xác chưa từng có”, trưởng nhóm nghiên cứu Gerald Gwinner từ Đại học Manitoba ở Winnipeg, Canada, nói. “Và trong sự nhất trí tuyệt đối”, ông bổ sung. Thí nghiệm này đã chứng minh thời gian chạy nhanh lên hoặc chậm đi phụ thuộc vào tốc độ di chuyển của một vật so với vật khác.

– Khối lượng tương đối. Theo Walter Kaufmann, vào năm 1901 ông là người đầu tiên xác nhận  khối lượng điện từ phụ thuộc vào vận tốc. Khối lượng điện từ là khối lượng gắn liền với sự chuyển động của electron trong nguyên tử. Khi một vật di chuyển nhanh đáng kể (tức gần với vận tốc ánh sáng) thì khối lượng của các electron cũng tăng lên rõ rệt. Điều đó chứng tỏ khối lượng cơ học của vật thể là không cố định, không có thực thể, chỉ có khối lượng điện từ biểu kiến (apparent) mà thôi, hay nói cách khác, khối lượng của mọi vật thể đều có nguồn gốc điện từ. Trên địa cầu, khi một vật đứng yên, nó vẫn có khối lượng bởi vì thực ra địa cầu chuyển động, thái dương hệ chuyển động, dải ngân hà chuyển động, do đó không có vật gì thật sự đứng yên. Vì vậy mọi vật đều có khối lượng. Nguồn gốc của khối lượng là năng lượng đã làm cho electron chuyển động. Năng lượng đó được tích lũy trong hạt nhân nguyên tử. Vì vậy giữa khối lượng và năng lượng có sự tương đương, được thể hiện trong công thức nổi tiếng của Einstein :

E (năng lượng) = M (khối lượng) x C2  (vận tốc ánh sáng)

Khối lượng tương đối được chứng minh rõ ràng trong các máy gia tốc hạt, khi các electron tự do di chuyển với tốc độ bằng 99,9999875 phần trăm tốc đô ánh sáng. Lúc đó khối lượng electron tăng  gấp 2000 lần so với khối lượng bình thường của electron.

Giữa khối lượng và năng lượng có sự liên hệ chặt chẽ qua công thức trên, nên nếu khối lượng là tương đối, nghĩa là có thể thay đổi, thì năng lượng cũng thế, có thể thay đổi, năng lượng có thể biến thành khối lượng vật chất. PG nói rằng Tâm cũng là một dạng năng lượng, chẳng những vậy, Tâm còn là một năng lượng vô hạn. Nếu làm chủ được Tâm thì cả vũ trụ này chỉ là món đồ chơi của Tâm làm ra. Đó chính là ý nghĩa của câu Tam giới duy Tâm.  Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, dẫn đến một hệ quả hết sức ngạc nhiên, đó là số lượng cũng tương đối, nghĩa là có thể thay đổi. Số lượng là số đếm dựa trên vật thể tức là các hình tướng khác nhau của vật chất. Mà vật chất là tương đối dù xét theo khối lượng hay năng lượng, nên số lượng cũng là tương đối, nó không có thực chất, chỉ là quan niệm, là tâm thức mà thôi. Hiện tượng rối lượng tử (quantum entanglement) là một thực nghiệm chứng minh rõ ràng và chắc chắn số lượng là không có thực. Một photon có thể xuất hiện đồng thời ở hai hoặc nhiều vị trí khác nhau, khi photon tại một vị trí bị tác động, thì photon tại các vị trí kia bị tác động y hệt, tức thời, bất kể khoảng cách là bao xa. Vậy ta không thể nói là chỉ có một photon, cũng không thể nói là có nhiều photon khác nhau. Không thể xác định được, xác định nào cũng không đúng.

Chính ở đây Khoa học đã gặp Phật giáo vì trong Kinh Kim Cang có câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm-應無所住而生其心” (Không có chỗ trụ thì xuất hiện cái tâm ấy). Tất cả đều chỉ là cái Tâm ấy thôi, khắp không gian, khắp thời gian, không thể xác định được là ở đâu, lúc nào. Nó bất nhị, không thể nói là thật hay giả, có hay không. Thuyết tương đối đã đến gần với nhận thức PG, những cái mà con người cho là có thật, khách quan, ở ngoài ý thức, PG đều nói là không có thật. Khi con người bước vào thế giới lượng tử, họ mới thấy, mới hiểu tất cả đều là tương đối, không có cái gì là thực thể độc lập tồn tại, kể cả những cái từ bao đời nay họ vẫn tin tưởng là có thật như không gian, thời gian, vật chất, số lượng.

Nói về số lượng, tưởng cũng nên nhắc tới nhà toán học David Hilbert và chương trình của ông : Xây dựng một hệ thống siêu-toán-học (meta-mathematics) – một hệ thống toán học tuyệt đối siêu hình, tuyệt đối thoát ly khỏi thế giới hiện thực, cho phép XÁC ĐỊNH tính trắng/đen, đúng/sai của bất kỳ một mệnh đề toán học nào và chứng minh tính phi mâu thuẫn của toàn bộ toán học.
Để cho dễ hiểu, xin nói một cách đơn sơ, Hilbert muốn thoát ly khỏi thế giới hiện thực bằng cách thay thế đẳng thức :

1 con cừu + 2 con cừu = 3 con cừu
Thành đẳng thức thuần túy toán học  1+2= 3
không còn dính dáng gì tới vật chất nữa.
Nhưng ông không ngờ rằng đẳng thức  1+2=3 là bất toàn, nghĩa là không phải lúc nào cũng đúng, bởi vì về bản chất số lượng là không có thật, đó chỉ là ý niệm mà thôi, ý niệm đó phải gắn với hiện thực mới có ý nghĩa.  Trong hiện tượng rối lượng tử, ta có thể thành lập đẳng thức :

1 photon + 2 photon = 1 photon  [trong đẳng thức, vế đầu mang ý nghĩa thực chứng (positivism), vế sau mang ý nghĩa bản thể học (ontology) nhiều photon xuất hiện tại nhiều vị trí khác nhau, thực tế chỉ là 1 photon]

Phật giáo nói hàng tỷ tỷ chúng sinh trong tam giới chỉ là ảo ảnh của một Phật tính bất nhị mà thôi.

Chính nhà toán học Kurt Gödel đã công bố Định lý bất toàn (Theorem of Incompleteness)  vào năm 1931, chỉ ra rằng giấc mộng của Hilbert chỉ là ảo tưởng vì dù cho lô gích của toán học chặt chẽ thế nào, vẫn có mâu thuẫn, chính vì có mâu thuẫn nên giá trị của toán học cũng chỉ là hữu hạn, có tính cách tùy tiện trong một phạm vi nào đó thôi. Kinh điển Thiên Chúa giáo cũng có kể chuyện, trong một buổi giảng đạo bên hồ Galilea, có năm ngàn đàn ông tham dự, chưa kể đàn bà và trẻ con, họ đói, nhưng người thân cận của Chúa Jesus chỉ có 5 cái bánh và 2 con cá, Jesus đã bẻ bánh chia cho tất cả những người tham dự buổi giảng đều được ăn no bụng. Nhiều người cho rằng những câu chuyện như trên chỉ là truyền thuyết hoang đường, ít ai biết rằng chúng cũng có cơ sở khoa học. Đó là số lượng hay khối lượng tương đối, nhiều hay ít chỉ là tâm thức chứ không phải thực thể, nên 5 cái bánh chia cho 10 ngàn người, mỗi người một cái, ăn đủ no, đẳng thức toán học của Hilbert đã thành vô dụng. Nếu chúng ta cho rằng câu chuyện trên chỉ là hoang đường, không có thật, vậy thì nói sao về hiện tượng rối lượng tử, một photon có thể xuất hiện đồng thời tại nhiều vị trí khác nhau, chẳng phải một tức là nhiều đó sao ? Đây không phải là giả tưởng, đây là hiện thực, chúng ta cũng có thể thực nghiệm việc tương tự trên internet, ta chỉ có một tấm hình nhưng ta có thể gởi cho vô số người, ai cũng biết điều này có thể làm được trên máy vi tính nối mạng.   
  
B.   Những điểm dị biệt giữa Khoa học và Phật giáo 
Tuy có một số điểm tương đồng, nhưng giữa KH và PG cũng có nhiều dị biệt. Dị biệt là do KH đang trong quá trình mò mẫm để hiểu thế giới, còn kinh điển PG liễu nghĩa được thuyết giảng bởi những người đã tự mình chứng được cái chân lý tột cùng mà kinh gọi là trí tuệ Bát nhã, Chánh biến tri, hay phiên âm từ Phạn ngữ là A nậu đa la tam miệu tam bồ đề 阿耨多羅三藐三菩提 dịch nghĩa là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác ( sanskrit : Anuttara-samyak-sambodhi,  tánh biết chân thật, bình đẳng không có gì cao hơn). Dưới đây xin liệt kê một số điểm dị biệt quan trọng.

1. Đối tượng : Đối tượng của khoa học tự nhiên là thế giới vật chất, khách quan, ở ngoài ý thức ; từ vũ trụ mênh mông sau Big Bang đến thế giới vi mô hạ nguyên tử ; từ thế giới không có sự sống đến thế giới sinh vật. Đối tượng của khoa học xã hội là là những gì quan hệ tới con người như Xã hội học, Chính trị, Luật học, Văn học, Triết học, Nghệ thuật, Âm nhạc… KH muốn tìm ra các chân lý tương đối như định luật (tự nhiên), qui luật (xã hội), các hằng số tự nhiên như số pi, vận tốc ánh sáng, hằng số Planck…để phục vụ cho sự tiện ích của con người và để xã hội phát triển.

Đối tượng của Phật giáo là chúng sinh đang chịu khổ trong sinh tử luân hồi, đang sống mê muội, vô minh. PG muốn cứu độ tất cả chúng sinh muôn loài thoát khỏi đau khổ, mặc dù biết rằng đau khổ đó chỉ là ảo tưởng chứ không phải thật, nhưng vì chúng sinh chấp là thật nên phải chịu đau khổ. Chẳng hạn con người chấp cái ta là có thật (chấp ngã) do đó cũng chấp cái của ta (ngã sở ) là có thật, ví dụ thân bệnh cũng khổ, cái gì của ta như tài sản, tài nguyên bị đe dọa mất mát thì sinh lòng lo âu, quyết tâm đem cả thân mạng ra bảo vệ, dẫn đến chiến tranh đau khổ. Tóm lại PG chỉ quan tâm đến cái tâm lý chủ quan của chúng sinh, mà thuật ngữ PG gọi là chấp trước tưởng. PG muốn chúng sinh, chủ yếu là con người, buông bỏ chấp trước tưởng mà kiến tánh, tức ngộ được bản chất chân thật của mình. Bản chất đó là bản lai diện mục của chúng sinh, còn gọi Phật tánh, hay Trời (Nho giáo) hoặc Thượng đế (Thiên Chúa giáo).

Phật giáo biết là thế giới khách quan không có thực, chỉ có thế giới chủ quan do tâm tạo, do đó Phật giáo không có kiến lập chân lý. Đức Phật trước khi nhập diệt đã nói rõ : « Trong 49 năm qua, ta chưa có nói một chữ » 84.000 pháp môn chỉ là phương tiện giả lập để đối trị với các loại căn tánh khác nhau của chúng sinh, đó chỉ là thuốc giả để trị bệnh giả. Kinh Hoa Nghiêm nói : « Chúng sinh là Phật đã thành » Nghĩa là tất cả chúng sinh đều là Phật, hiện tại cũng là Phật, chỉ vì ham vui, mê chấp những cảnh giới ảo tưởng, lâu ngày tạo thành thói quen, quên mất mình là Phật, tưởng mình là chúng sinh khác với Phật. Đó là bệnh giả, Phật phải dùng thuốc giả để trị. Hết bệnh rồi, thuốc giả phải bỏ.

Tóm lại Khoa học tìm kiếm chân lý tương đối trong thế giới mà khoa học gia cho là khách quan. Phật giáo phủ nhận thế giới khách quan, không kiến lập chân lý (thực chất là không có chân lý) chỉ muốn chúng sinh thoát khỏi mê lầm và khổ vì sinh tử luân hồi.

2. Phương pháp. Khoa học sử dụng tư duy của bộ não, suy luận lô gích, dùng phương pháp so sánh để nhận biết. Càng ngày Khoa học càng phát triển các thiết bị đo lường, các phương pháp tính toán chính xác, các phương trình toán học để từ những cái đã biết, suy luận ra cái chưa biết. Khoa học rất chú trọng về định lượng, do đó phương trình toán học không thể thiếu trong nghiên cứu khoa học. Cho đến ngày nay, Khoa học đã có những bước tiến khổng lồ, chế tạo được vô số công cụ, thiết bị để phục vụ tiện nghi cho mọi nhu cầu vật chất và tinh thần của con người.

Phật giáo chỉ chú trọng phương pháp quán tưởng để phá bỏ tri kiến vô minh, đạt tới sự thấu hiểu cực kỳ sâu xa mà suy luận của bộ não không thể đạt tới. Phương pháp đó gọi là thiền định, hành giả có thể đạt tới những cảnh giới như Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, hoặc cao hơn nữa như Phi tưởng phi phi tưởng xứ, hay cao nhất là Không vô biên xứ. Đến cảnh giới này thì mọi chấp trước về không gian, thời gian, số lượng đều bị phá bỏ, tâm thức vô trụ, tư duy ngừng nghỉ.

Ngoài quán tưởng, Phật giáo Thiền tông còn dùng phương pháp khác là tham công án và về sau là tham thoại đầu. Đây là phương pháp tối thượng thừa của Thiền. Công án là một tình huống bất chợt mà người đã ngộ, tạo ra cho người chưa ngộ để có thể phát khởi nghi tình. Nghi tình là tâm thức hoài nghi, ở đây không dùng tới tri kiến và suy luận, mà chỉ duy trì sự hoài nghi kéo dài, miên mật cho đến một lúc nào đó thì bùng nổ, tức là kiến tánh. Thoại đầu không phải là câu thoại mà là  cảnh giới trước khi có câu thoại, gọi là vô thủy vô minh. Để tới cảnh giới đó, dùng một câu thoại đề khởi liên tục để phát sinh nghi tình và duy trì nghi tình cho miên mật càng lâu càng tốt. Câu thoại là một câu nào đó rất khó hiểu làm cho hành giả sinh nghi, nhưng không tìm cách giải đáp mà chỉ kéo dài nghi tình mà thôi. Chẳng hạn câu thoại “Bản lai diện mục trước khi cha mẹ chưa sinh là gì ?-父母未生前如何是本來面目?”.

Tóm lại, Khoa học phát triển tư duy, hướng ra thế giới vật chất bên ngoài, chú trọng định lượng. Còn Phật giáo tìm cách chấm dứt tư duy, chấm dứt tận ngọn nguồn sâu thẳm của nó là 18 giới (lục căn, lục trần, lục thức) bởi vì tư duy là sở tri chướng che khuất Phật tánh, khi đã dừng được tư duy thì Phật tánh tự hiện.

3. Cứu cánh. Cứu cánh của Khoa học là tri thức, càng nhiều tri thức càng tốt, tri thức càng rộng lớn, chuẩn xác thì càng tốt. Tri thức đó được ứng dụng để sản xuất lương thực thực phẩm, chế tạo quần áo, vật dụng sinh hoạt như nhà cửa, đường sá, xe cộ, máy bay, tàu thủy, máy vi tính, điện thoại di động…khiến cho đời sống con người ngày càng tiện nghi, đầy đủ.

Cứu cánh của Phật giáo là Giác ngộ, thoát khỏi mọi lo âu sợ hãi, thoát khỏi sinh tử luân hồi, đạt tới sinh tử tự do, làm chủ tâm lực, điều này cũng có nghĩa là làm chủ cả tam giới vì tam giới là do tâm tạo. Hành giả đạo Phật không còn thiết tha mê lầm với cái ta giả nữa, mà trở về với cái bản tâm chân thật, đó là Tâm như hư không vô sở hữu. Tất cả mọi chúng sinh đều cùng chung một Tâm ấy cả, nó chẳng phải một mà cũng chẳng phải nhiều nên PG gọi bằng thuật ngữ Tâm bất nhị.

4. Sự Hạn chế. Khoa học mặc dù làm được sự nghiệp vĩ đại nhưng vẫn còn nhiều hạn chế :
–  Khoa học không thể làm chủ được thiên tai, Khoa học không đủ khả năng chế ngự động đất, sóng thần, bão lụt, núi lửa. Lý giải của Khoa học về thiên tai như động đất, núi lửa, dông bão…là không tới nơi tới chốn, nên không bao giờ chế ngự được chúng. Lúc Huệ Năng tới chùa Pháp Tánh vào năm 676 (nay là chùa Quang Hiếu 光孝寺 ở Quảng Châu) gặp hai ông tăng tranh luận không dứt về việc gió động hay phướn động, ngài nói rằng “chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, tâm của các ông tự động” Khoa học thì giải thích là gió làm phướn động, quá hợp lý phải không,  nhưng từ đâu có gió ? không khí nhiệt độ ư, nếu cứ tiếp tục hỏi tới mãi, vật chất từ đâu mà có ? Khoa học sẽ bế tắc không giải thích được nữa, lúc bấy giờ chúng ta mới có thể hiểu ý nghĩa câu nói của Huệ Năng. Tâm lực mới đích thực là nguồn gốc chuyển động của electron. Vậy nếu làm chủ được tâm thì làm chủ được thiên tai, làm chủ được vũ trụ.

–  Khoa học không thể mang lại hòa bình cho thế giới.  Khoa học không thể giúp con người sống hòa bình thân thiện hơn trên thế giới. Tại sao ? Bởi vì khoa học dựa trên một cơ sở sai lầm về nhận thức cơ bản, khoa học vẫn cho rằng thế giới ngoại cảnh là có thật, con người là có thật, mỗi người có cái ta (bản ngã) và nhiều thứ khác thuộc về ta (sở hữu của ta, gọi tắt là ngã sở). Có những cái thuộc lãnh vực vật chất như giang sơn lãnh thổ, lãnh hải, tài nguyên. Có những cái thuộc lãnh vực tinh thần như lịch sử, văn hóa, tôn giáo. Những cái ngã sở đó là đầu mối tranh chấp, xung đột như : tranh chấp về lãnh thổ, lãnh hải, xung khắc về văn hóa, tôn giáo, xung đột về quyền lợi, từ đó dẫn tới chiến tranh. Những tranh chấp về lãnh thổ không thể giải quyết một cách hòa bình được, vì ai cũng cho lãnh thổ là thiêng liêng, quyết không thể nhượng bộ, nên cuối cùng chỉ có thể giải quyết bằng vũ lực. Những xung khắc về niềm tin tôn giáo cũng rất dễ dẫn tới chiến tranh, ví dụ trong lịch sử đã có ít nhất 7 lần người Công giáo La Mã tổ chức Thập tự chinh (Crusade) chống lại người Hồi giáo. Ngay trong nội bộ Ki Tô giáo, người Thiên Chúa giáo cũng có chiến tranh với người theo Tân giáo hay còn gọi là Tin Lành (Protestantism – Evangelicalism). Xung đột giữa người theo Ấn Độ giáo và Hồi giáo cũng rất trầm trọng. Người Hồi giáo đã tấn công tiêu diệt Phật giáo trong thế kỷ 12, 13 khiến Phật giáo bị diệt vong ngay tại quê hương của nó là Ấn Độ. Trong những cuộc chiến tranh, xung đột như thế, khoa học bất lực không thể giúp được gì, nếu không muốn nói khoa học lại càng làm cho chiến tranh tàn khốc hơn với vũ khí ngày càng tối tân, vũ khí hủy diệt hàng loạt…

–  Khoa học dù cho có tiến bộ, vẫn không thể giải quyết được những nỗi khổ cơ bản trong đời sống con người, đó là sinh, lão, bệnh, tử. Khoa học chỉ có thể tạm thời xoa dịu được phần nào thôi. Con người hay nói tổng quát hơn là chúng sinh khi chết đi lại tái sinh trong một kiếp sống khác, sinh ra, già đi, bệnh hoạn cả tinh thần và thể chất, rồi cuối cùng chết đi, đó là vòng tròn luân hồi khép kín mà khoa học không thể nào phá vỡ được.

Tóm lại khoa học dù có những tiến bộ ngoạn mục, thần kỳ, tưởng có thể cướp quyền tạo hóa, nhưng thật ra vẫn không thể giải quyết  nhiều vấn đề rất cơ bản của con người, lý do là Khoa học vẫn còn nhiều vướng mắc (chấp pháp, cho rằng thế giới là có thật) và chấp ngã (cho rằng cái ta có thật) và suốt đời con người chạy theo danh vọng, tiền tài, tính dục, rồi đến tổ quốc, dân tộc, văn hóa, tôn giáo…và nhiều ảo vọng khác.

Chính vì Khoa học có những hạn chế như vậy nên Phật giáo mới còn lý do tồn tại. Như trên đã nói, Phật giáo chỉ là một thứ thuốc giả để trị bệnh giả của chúng sinh. Nói là giả, vì thuốc và bệnh chỉ có trong tâm thức, trong tưởng tượng của con người, chứ bản chất thực sự của thế giới là Không, không có gì cả. Trong bài kệ nổi tiếng của Huệ Năng, có nói :

Bản lai vô nhất vật  本 來 無 一 物  Xưa nay không một vật
Hà xứ nhạ trần ai    何 處 惹 塵 埃  Bụi trần bám vào đâu ?

Phật giáo luôn luôn phá chấp, phá cái tâm chấp ngã (cho cái ta là có thật), phá cái tâm chấp pháp (cho vũ trụ là có thật). Kinh Kim Cang nói : Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm (Không có chỗ trụ thì xuất hiện cái tâm đó) Cái tâm đó chính là Phật tánh bất nhị, hoàn toàn không có chút gì hạn chế. Không bị hạn chế bởi không gian, thời gian, số lượng, năng lượng. Không có bắt đầu, không có kết thúc, không có quá khứ, hiện tại, vị lai gì cả. Tâm đó đích thực là sức mạnh tạo ra Tam giới, trong đó có vũ trụ của chúng ta, một cõi giới ảo cao cấp hơn thế giới ảo của tin học hàng ngàn vạn lần . Vũ trụ chính là cái dụng của Tâm bất nhị. Vô minh lại chính là điều kiện cần thiết để phát sinh vũ trụ. Vũ trụ vạn vật cần hai cái vô minh để hiện hữu : Một là vô thủy vô minh (Thiền gọi là thoại đầu), đó chính là cấu trúc ảo của vật chất mà Immanuel Kant gọi là Das Ding an Sich (vật tự thể) và cho là bất khả tri. Hai là nhất niệm vô minh tức là tâm niệm, ý thức thông thường của chúng ta (Phật giáo gọi là thế lưu bố tưởng). Nhất niệm vô minh được thành lập khi cấu trúc ảo của vật chất hình thành được các cấu trúc ảo kỳ diệu là lục căn, trong đó xuất sắc nhất là bộ não của sinh vật, tuyệt đỉnh là bộ não của con người. Lục căn phối hợp với lục trần sinh ra lục thức. 18 giới chính là bộ máy ảo hóa kỳ diệu có thể biến cái vô thủy vô minh vốn không có gì là thực cả, thành ra vũ trụ vạn vật.

Khoa học khi đi sâu vào thế giới hạ nguyên tử, thế giới lượng tử, mới bật ngữa, hiểu rằng vật chất không có gì là thật cả, ý thức mới chính là căn bản của thực tại. Von Neumann (1903-1957 nhà toán học người Mỹ gốc Hungary, có nhiều đóng góp cho vật lý lượng tử và khoa học máy tính) phát biểu : “Nothing would be real unless consciousness exists, that all real things are constituents of consciousness – which is a complete reversal of materialism”  (Không có cái gì là thật trừ phi ý thức hiện hữu, tất cả vật thật đều cấu thành từ ý thức- điều này hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa duy vật).

Sự thật này khiến cho Vật lý học hiện đại lâm vào khủng hoảng. Các khoa học gia hàng đầu thế giới hiện nay, hiểu rằng toàn bộ lâu đài tri thức của nhân loại là xây trên cát.

http://www.daophatngaynay.com/vn/pg-ngan...-giao.html
Không gian không phải là pháp vô vi


Ngày xưa khi các thầy nhìn và thấy rằng các vật thể như cái bàn, cái nhà, cái hoa, đám mây… đều thay đổi, đều vô thường, đều vô ngã, đều thay đổi hết. Cái gì cũng do những nhân duyên, những điều kiện tập hợp lại mà biểu hiện. Vì vậy cho nên chúng là hữu vi. Cái bông, con người, cái bàn hay là đám mây… tất cả đều bị điều kiện hóa. Và khi những điều kiện đó không còn đầy đủ nữa thì chúng tan rã. Những vật đó được gọi là những pháp hữu vi.

Vào thời xa xưa các luận sư Phật học quan niệm rằng không gian (hư không) là một pháp vô vi. Quan điểm này còn lưu lại trong tác phẩm ĐẠI THỪA BÁCH PHÁP MINH MÔN LUẬN (Mahāyāna-śatadharmavidyā-dvāra-śāstra) do thầy Thế Thân (Vasubandhu) ở vào thế kỷ thứ IV (~316-396) biên soạn. Nhưng theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh thì Không gian không phải là một pháp vô vi bởi vì nó còn bị chi phối bởi thời gian, vật thể và tâm thức. Quan điểm này phù hợp với Thuyết tương đối rộng của ngành vật lý hiện đại. Theo giáo sư Phạm Xuân Yêm giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học CNRS của Pháp thì các hạt cơ bản của vạn vật  là quark và lepton tương tác, gắn kết để tạo thành vật chất, hơn nữa còn dựng nên cấu trúc cong xoắn của không – thời gian trong vũ trụ, vì theo thuyết tương đối rộng, vật chất và không – thời gian được thống nhất, cái trước tạo nên (và là) cái sau. Bác học gia Einstein cũng đã nói rằng : "Xưa kia người ta nghĩ rằng nếu mọi vật trên đời biến mất thì sẽ còn lại thời gian và không gian, nhưng theo thuyết tương đối rộng thì không – thời gian cũng biến mất theo vật chất mà thôi". (Xem bài: Vật lý học lượng tử và Phật giáo của giáo sư Phạm Xuân Yêm).
 
Không hẹn mà gặp, tuy hai phương tiện nghiên cứu hoàn toàn khác biệt : một bên là tuệ giác của thiền quán, một bên là khoa học thực nghiệm nhưng lại có chung một cái thấy và cùng cập nhựt với thời gian. Phải chăng đây là ứng nghiệm lý thú của tiên liệu cách đây khá lâu của nhà bác học lừng danh người Đức khi tuyên bố rằng : "Nếu có một tôn giáo phù hợp vơi khoa học hiện đại, thì đó là Phật giáo".
 
Bài Pháp thoại của Thiền Sư như dưới đây sẽ giúp những ai đang trên đường hành trì giáo pháp thâm diệu của Đức Thế Tôn có thể vượt thoát mọi buộc ràng của tư duy lưỡng nguyên và từ đó khám phá ra cái vô tận, vô thỉ, vô chung của cái Không trong Bát Nhã. Và nếu bạn là nhà khoa học bạn sẽ chạm được tánh Không trong Phật học nhờ cái Không của lượng tử mà các bạn đã quan sát được trong quá trình thí nghiệm. Và từ đó, nhà Khoa học có thể nắm tay nhà Phật học đi chung trên con đường nghiên cứu và phụng sự.
 
Phù Sa.
Không gian không phải là một pháp vô vi. Không gian chỉ biểu hiện chung với thời gian, vật thể và tâm thức. Chúng ta có thể bắt đầu bằng ý niệm về không gian (spaces) mà trong “Một trăm pháp” được liệt kê là một trong những Pháp vô vi. Hư không là vô vi.
 
Tại Làng Mai chúng ta không chủ trương Hư không là một pháp vô vi. Cho nên chúng ta nói rằng hư không, không gian không phải là một pháp vô vi.Không gian chỉ biểu hiện chung với thời gian, vật thể và tâm thức. Và quý vị có thể ghi lại câu đó như một trong những chủ trương của Làng Mai. Cố nhiên chủ trương này kéo theo nhiều chủ trương khác cùng một loại.
 
Ngày xưa khi các thầy nhìn và thấy rằng các vật thể như cái bàn, cái nhà, cái hoa, đám mây… đều thay đổi, đều vô thường, đều vô ngã, đều thay đổi hết. Cái gì cũng do những nhân duyên, những điều kiện tập hợp lại mà biểu hiện. Vì vậy cho nên chúng là hữu viCái bông, con người, cái bàn hay là đám mây… tất cả đều bị điều kiện hóa. Và khi những điều kiện đó không còn đầy đủ nữa thì chúng tan rã. Những vật đó được gọi là những pháp hữu vi.
 
[Image: outer-space-stars.jpg]
 
Nhưng hư không nhìn thấy giống như là thường hằng, nó không bị dính tới những cái khác. Dầu có mây hay không có mây, dầu có mưa hay không có mưa, dầu có tâm thức hay không có tâm thức, dầu có mặt trăng hay không có mặt trăng, dầu có mặt trời hay không có mặt trời thì hư không vẫn là hư không. Hư không là một Pháp vô vi, không bị lệ thuộc vào các pháp khác. Đó là cái thấy của một số thầy trong quá khứ.
 
Học “Một Trăm Pháp”, chúng ta thấy rằng có nhiều Pháp vô vi. Chân như là một Pháp vô vi. Chân như không sinh không diệt, không tùy thuộc vào những điều kiện. Vì vậy Chân như là vô vi. Khi các thầy quan sát không gian thì các thầy thấy rằng không gian cũng không sinh không diệt. Không gian không có tùy thuộc vào những điều kiện. Và vì vậy cho nên không gian được gọi là một Pháp vô vi.
 
Nhưng Làng Mai không đồng ý. Tại Làng Mai chúng ta thấy rằng không gian là một ý niệm. Ý niệm về không gian được tạo ra bằng các ý niệm về thời gian, vật thể và tâm thức. Nhà bác học Einstein[1] có nói tới không gian bốn chiều. Không gian ba chiều có: chiều ngang, chiều dọc và chiều sâu. Nhưng không gian còn có chiều thứ tư là chiều thời gian. Nếu quán sát kỹ thì chúng ta thấy rằng: không gian được làm bằng thời gian và thời gian được làm bằng không gian. Không gian được làm bằng vật thể, vật thể làm bằng không gian. Và trong ánh sáng của khoa học hiện đại chúng ta có thể thấy rõ là không gian trước hết là một ý niệm. Ý niệm không gian không thể tách rời ra khỏi ý niệm thời gian. Ý niệm về không gian không thể tách rời ý niệm vật thể. Và nhất là không tách rời ra khỏi cái ý niệm về tâm thức. Vì vậy cho nên không gian không làmột thực tại khách quan, màkhông gian là một sáng tạo của tâm thức. Không gian chứa đựng thời gian, chứa đựng vật thể, chứa đựng tâm thức. Nếu lấy tâm thức ra, lấy vật thể ra, lấy thời gian ra thì không gian không còn là không gian nữa. Vì vậy cho nênkhông gian không phải là một Pháp vô vi.
 
Trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta cũng thấy được điều này: cái một chứa đựng cái tất cả, một vi trần chứa đựng tam thiên đại thiên thế giới. Mà vi trần tức là vật thể, vật thể có liên hệ tới không gian. Khoa học cho biết là nơi nào có vật thể thì không gian ở đó, nơi nào có sự cô đọng nhiều của vật thể thì không gian ở đó nó cong lại. Vì vậy cho nên vật thể với không gian tương tức, chúng ảnh hưởng với nhau. Nói rằng không gian không bị ảnh hưởng bởi vật thể là nói sai, không gian là vật thể, vật thể là không gian. Sắc với Không rất gần nhau, chúng là nhau. Và cái một nó chứa đựng cái tất cả, đó là nói về không gian.
 
Đứng về phương diện thời gian cũng vậy. Thời gian được chia ra làm ba thời : quá khứ, hiện tại và tương lai. Tại Làng Mai chúng ta hay nói rằng sống trong giây phút hiện tại và không bị quá khứ và tương lai kéo đi. Nếu không khéo, chúng ta nghĩ rằng ba cái : quá khứ, hiện tại và tương lai chúng tồn tại độc lập. Chúng ta sẽ rơi vào chủ trương của Hữu bộ[2] là tất cả đều có: quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhưng cái thấy của Làng Mai là ba thời tương tức. Quá khứ hiện tại và tương lai dung chứa nhau. Trong quá khứ có hiện tại có tương lai. Trong tương lai có quá khứ và hiện tại. Và trong hiện tại có quá khứ và có tương lai. Nếu chúng ta tiếp xúc được với hiện tại một cách sâu sắc, chúng ta có thể tiếp xúc được quá khứ và tương lai ngay trong giây phút hiện tại. Đó là cái thấy của Làng Mai. Nếu chúng ta hành xử, chăm sóc giây phút hiện tại với tất cả tấm lòng với tất cả năng lượng niệm định tuệ tức là chúng ta đang chăm sóc quá khứ, đang chăm sóc tương lai. Và vì vậy cho nên đứng về phương diện thời gian cũng là tương tức, một giây phút chứa đựng tất cả các giây phút khác, một giây phút chứa đựng thiên thu.
 
Đứng về phương diện không gian cái một chứa đựng cái tất cả. Đứng về phương diện thời gian thì giây phút chứa đựng thiên thu.
 
Đi xa thêm bước nữa, theo kinh Hoa Nghiêm, không những không gian chứa đựng không gian, thời gian chứa dựng thời gian mà không gian còn chứa đựng thời gian, và thời gian chứa đựng cả không gian. Chúng ta có những câu kinh trong kinh Hoa Nghiêm nói rất rõ ràng về chuyện này. Không những một hạt bụi chứa đựng cả vũ trụ mà hạt bụi đó chứa đựng cả thời gian. Thời gian chứa đựng không gian và không gian chứa đựng cả thời gian. Vì vậy cho nên không gian và thời gian không phải là những Pháp vô vi. Và nó cũng tương tức.
 
Chúng ta đã bắt đầu thấy được chủ trương cái thấy về không gian nó kéo theo cái thấy về thời gian. Cái thấy về không gian là cái thấy tương tức, là thấy cái một trong cái tất cả và chúng ta cũng đã bắt đầu thấy được cái thời gian nó cũng như vậy, cái giây phút nó chứa đựng cái thiên thu. Tính tương tức của không gian mình thấy được, tính tương tức của thời gian mình thấy được và mình thấy luôn được tính tương tức của không gian và thời gian. Ý niệm của mình về không gian có được là nhờ mình có ý niệm về thời gian. Ý niệm không gian và thời gian mình có được là cũng nhờ mình có ý niệm về vật thể. Vì vậy rõ ràng không gian không phải là một Pháp vô vi. Nếu chúng ta chia ra các Pháp làm hai loại, một là vô vi hai là hữu vi thì chúng ta không có thể nói không gian thuộc về Pháp vô vi.
 
Nếu mà nói có Pháp vô vi thì chỉ có một Pháp thôi, đó là Niết bàn, đó là Chân như, đó làtự tính không sinh không diệt, đó là nền tảng của tất cả các Pháp.
 
Vì vậy cho nên ở Làng Mai, nếu chúng ta cần phân biệt tất cả các Pháp thì chúng ta nói rằng tất cả các Pháp đều là hữu vi trừ một Pháp là không hữu vi thôi, Pháp đó là Niết Bàn. Cũng như là tất cả các đợt sóng ở trên biển đều có lên có xuống, chỉ có một cái không lên không xuống đó là nước. Niết Bàn là nền tảng của tất cả các Pháp. Nhưng tới đây chúng ta thấy rằng chia các Pháp ra làm hai loại, một loại là hữu vi, một loại là vô vi cũng là tạm bợ. Chúng ta không có thể để Niết Bàn ngang hàng với các Pháp hữu vi và gọi nó là một Pháp. Thật ra chúng ta không có thể nói Niết Bàn là một Pháp được. Dể hơn là chúng ta nói Niết Bàn là nền tảng của tất cả các Pháp. Cũng như chúng ta không có thể nói nước là một trong những đợt sóng. Chúng ta phân biệt ra nước và sóng thì chúng ta thấy rằng có hàng ngàn đợt sóng. Chúng ta gọi những đợt sóng đó là những Pháp hữu vi có lên có xuống, có sanh có diệt. Và chúng ta có một cái Pháp không sanh không diệt không lên không xuống, gọi là nước. Và chúng ta cho nước là một Pháp và chúng ta đặt nước lên ngang hàng với sóng, đó là một sự sai lầm. Sóng với nước không có thể đặt ngang hàng được. Không có thể coi nước là một đợt sóng.
 
Đứng về phương diện Niết Bàn và các Pháp hữu vi cũng như vậy. Chúng ta đã học đủ để có thể thấy rằng đứng về phương diện hiện tượng thì Niết Bàn và các Pháp hữu vi đều có sinh, có diệt, có có, có không, có còn, có mất. Đó là đứng về phương diện hiện tượng, đứng về phương diện tích môn mà nói. Còn đứng về phương diện bản môn thì các Pháp không sinh không diệt không tới không đi. Các Pháp đó đứng về phương diện hiện tượng ta nói là hữu vi. Như những cái bông cúc này, bông cúc là một Pháp hữu vi là tại vì mình thấy rằng bông cúc này nó tùy thuộc vào các điều kiện để nó biểu hiện và nó tùy thuộc vào những điều kiện để nó tan rã. Và vì vậy cho nên bông cúc là hữu vi.
 
Các pháp đều là vô vi.
Nhưng đứng về phương diện bản môn thì tự tánh của bông cúc là không sinh không diệt, không có không không, không còn không mất. Và vì vậy cho nên nhìn kỹ thì bông cúc nó cũng là vô vi. Đứng về phương diện hiện tượng ta nói nó là một Pháp hữu vi, đứng về phương diện bản thể ta gọi nó cũng là một Pháp vô vi. Điều này thấy rõ trong giáo lý đại thừa thị chư Pháp không tướng, bản tính của chư Pháp là không, không sinh không diệt không dơ không sạch không thêm không bớt. Và như vậy không có Pháp nào là hữu vi hết, tất cả các Pháp đều là vô vi hết. Ta thấy nó là hữu vi nhưng kỳ thực các Pháp vốn thật là vô vi, không sanh không diệt không lên không xuống không có không không. Và vì vậy cho nên ban đầu ta nói rằng là không gian không phải là một Pháp vô vi. Nhưng bây giờ chúng ta lại nói ngược lại không gian cũng là một Pháp vô vi. Thành ra câu này là một cơ hội, nó là một phương tiện để chúng ta đi vào chứ không phải là một giáo điều chúng ta mắc kẹt. Ban đầu chúng ta nói rằng hư không không phải là một Pháp vô vi, mà giống như chúng ta bị kẹt vào cái sự phân biệt giữa hữu vi và vô vi. Nhưng nh có quán chiếu, chúng ta có thể buông bỏ được danh từ, buông bỏ được ý niệm cho nên chúng ta có thể thấy được rằng là cái hư không nó cũng là vô vi. Trước hết nó là một ý niệm, cũng như là cái bông cúc. Và khi ta kẹt vào cái tướng của hư không cũng như cái tướng của bông cúc đó thì ta không có an lạc không có hạnh phúc. Chúng ta còn sợ hãi, còn luyến tiếc. Nhưng mà khi chúng ta tiếp xúc được cái tự tánh không sanh không diệt, tự tánh Niết Bàn của không gian và thời gian của bông cúc. Lúc đó chúng ta không còn luyến tiếc, chúng ta không còn sợ hãi nữa. Vì vậy cho nên cái định đề thứ nhất nó đưa tới cái định đề thứ hai. Đứng về tích môn tất cả các Pháp đều hữu vi, đứng về bản môn tất cả các pháp đều vô vi. Đó là chủ trương của Làng Mai.
 
Sinh tử chính là Niết bàn, cái Hữu vi chính là cái Vô vi
Vì vậy ta thấy được rằng vô vi không phải là một Pháp, mà vô vi là nền tảng của các Pháp. Nếu quý vị tới từ truyền thống của Cơ đốc giáo quý vị có thể có những khó khăn trong khi nghĩ tới Thượng đế. Tại vì trong thần học Cơ đốc giáo Thượng đế là tạo hóa, còn tất cả những gì mình thấy đây, mình cảm nhận, mình tiếp xúc đây là tạo vật. Và có những nhà thần học Cơ đốc giáo đã từng tuyên bố rằngThượng đế là nền tảng của hiện hữu, quan niệm đó rất gần với vô vi Niết Bàn. Nếu nói rằng Thượng đế là nền tảng của hiện hữu thì cũng gần giống như nói rằng Niết Bàn là bản môn của tất cả các sinh diệt, của các cái mà mình gọi là sinh diệt. Đi tìm Niết Bàn không phải tìm trong cái sinh diệt, ở trong sinh diệt có Niết Bàn. Sinh diệt chẳng qua chỉ là những cái ảo giác của mình. Sự thật bản chất của bông cúc hay là của đám mây nó là Niết Bàn, nó là vô sinh bất diệt. Đạo Phật có cái thấy đó và có sự chấp nhận đó. Tất cả các Pháp hữu vi đều dựa trên một Pháp vô vi mà có, mà biểu hiện đó là Niết Bàn. Nhưng vô vi không phải là một Pháp riêng biệt, vô vi là chiều sâu của hữu vi. Phải tiếp xúc được với hữu vi tức là thấy được cái tính vô vi của tất cả các Pháp. Và vì vậy cho nên không rời tích môn mà vẫn tiếp xúc được với bản môn, bản môn nằm trong tích môn. Còn trong Cơ đốc giáo nó vẫn còn có sự khó khăn của một số nhà Thần học coi mình là tạo vật, mà tạo vật thì không thể nào được lẫn lộn với đấng Tạo hóa. Cái nhìn đó vẫn còn nặng nề tính chất lưỡng nguyên. Nói như vậy thì câu tuyên bố Thượng đế là nền tảng của thực hữu của nhà Thần học kia thì nên hiểu như thế nào? Trong đạo Phật thì rất rõ, cái không sinh diệt nằm ngay trong cái sinh diệt. Và mình không cần phải chối bỏ cái sinh diệt, mình không cần chạy trốn cái sinh diệt mà mình vẫn tìm ra được cái không sinh diệt, như đợt sóng nó không cần đi tìm nước, nó chính là nước. Sinh tử chính là Niết Bàn, cái hữu vi chính là cái vô vi. Cơ đốc giáo vẫn còn có sự lúng túng ở điểm này. Đã có những nhà thần học bước tới và nói rằng mình chính là Thượng đế, Thượng đế chính là mình, Thượng đế chính là gốc gác bản chất của mình. Bản chất của mình là thiêng liêng, là thần. Nhưng đứng về phương diện bản thể học thì nó vẫn còn có cái gì kẹt, tại vì nhận thức lưỡng nguyên vẫn còn đó.
 
Khuynh hướng cho rằng Thượng đế là nguyên nhân của mọi vật, Nguyên nhân là một cái gì đó tách rời với kết quảcái nhân không phải là cái quả, điều đó không phù hợp với cách quán chiếu, cách nhận thức của đạo Phật. Trong đạo Phật cái nhân với cái quả nó không phải là hai, quả là sự tiếp nối của nhân, nhìn vào trong quả mình thấy nhân được. Và trong đạo Phật chúng ta nói tới cái chân như duyên khởi, chân như là một điều kiện làm phát sinh ra tất cả mọi sự vật. Và chân như nó giống như là nhân và vạn hữu tức là quả.
 
Về điểm này trong đạo Phật rất là thông suốt, chân như không phải là một cái gì có mặt ngoài vạn hữu. Nếu tiếp xúc vạn hữu sâu sắc thì mình tiếp xúc được chân như, cái tánh và cái tướng không phải là hai. Tướng tức là hiện tượng còn tánh tức là bản thể. Và vì vậy cho nên để Niết Bàn ngang hàng với các Pháp khác là một sai lầm. Chia các Pháp ra làm hai loại, những Pháp hữu vi là khác, những Pháp vô vi là khác cũng là sự sai lầm. Cho nên câu thứ hai này nói rõ được lập trường của Làng Mai là đứng về phương diện hiện tượng, đứng về phương diện tích môn thì các Pháp là hữu vi có sinh có diệt, có có có không, có còn có mất. Nhưng đứng về phương diện bản môn, đứng về phương diện bản thể thì tự thân của các Pháp là không sinh không diệt, không có không không, không đi không tới. Và đó là điều chúng ta thấy ở trong Tâm Kinh Bát Nhã : “Thị chư Pháp không tướng bất sinh bất diệt bất cấu bất tịnh”…
 
Cửa vô sinh mở rồi
Sự thực tập ở Làng Mai căn cứ trên những nhận thức như vậy về giáo lý. Chúng ta sẽ tiếp tục khám phá những chủ trương giáo lý của Làng Mai. Đây không phải là triết lý, không phải là siêu hình học. Ví dụ khi chúng ta đi thiền hành, nếu niệm và định của chúng ta hùng hậu thì không những ta tiếp xúc được với tích môn, tiếp xúc được với những mầu nhiệm của vạn hữu. Những mầu nhiệm đó có tính cách vô thường vô ngã, nhưng chúng rất đẹp, rất là nuôi dưỡng. Phải có niệm, có định mới tiếp xúc được với cái đẹp, cái mầu nhiệm của cuộc sống có khả năng nuôi dưỡng trị liệu. Nhưng nếu cái niệm cái định đó hùng hậu hơn nữa thì ta tiếp xúc luôn được cái bản môn và thấy được những cái mầu nhiệm đó cũng không sinh không diệt, không có không không. Và đó là ý nghĩa câu chót của bài hát “Đã về đã tới bây giờ ở đây”.
 
“Đã về đã tới bây giờ ở đây” là những Pháp môn hữu vi. “Vững chãi thảnh thơi, quay về nương tựa, nay tôi đã về, nay tôi đã tới, an trú bây giờ, an trú ở đây” là mình an trú trong tích môn và nhờ an trú đó cho nên mình có vững chãi và thảnh thơi. “Vững chãi như núi xanh, thảnh thơi dường mây trắng”. Nếu mình thực tập sâu sắc thì khi mình tiếp xúc với tích môn, với cái hiện tượng, mình tiếp xúc luôn được với bản môn tức là bản thể. Mình tiếp xúc được với cái tướng và mình tiếp xúc luôn được với cái tánh. Mình tiếp xúc được với đợt sóng nhưng mình tiếp xúc được luôn với nước ở trong đợt sóng, cái đó gọilà cửa vô sinh mở rồi. Cửa vô sinh mở rồi nghĩa là con đang đi trong tích môn nhưng mà con dẫm được vào bản môn, cửa vô sinh mở rồi là như vậy. Vô sinh tức là không sinh không diệt, không có không không, đó là Niết bàn, đó là Pháp vô vi. Mà Pháp vô vi không phải là một Pháp riêng biệt nằm ngoài Pháp hữu vi. Pháp vô vi là nền tảng của tất cả các Pháp gọi là hữu vi nhưng mà thật sự không phải là hữu vi; tất cả đều vô vi. Trong kinh Pháp Hoa cũng nói vậy, bản chất của các Pháp từ xưa nay vẫn là tịch diệt, Chư Pháp tùng bản lai thường từ tịch diệt, các Pháp từ xưa đến nay nó an trú trong cái tự tánh Niết Bàn của nó, nó không có sanh không có diệt như là mình tưởng đâu.
 
Vì vậy cái thấy của Làng Mai căn cứ trên cái thấy của Phật giáo nguyên thủy và nó thừa hưởng được những cái thấy sâu sắc của Phật giáo đại thừa trong khi mình tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống, của thế giới tích môn. Nó rất đơn giản nhưng lại có tính cách nuôi dưỡng và trị liệu. Hơn thế nữa, nếu chúng ta tu tập khá hơn thì niệm  định của mình giúp mình tiếp xúc luôn với bản môn để mình vượt thoát sinh tử. Mình đang đi trong thế giới sinh diệt, tự nhiên mình dẫm được vào thế giới chân như, đó là cửa vô sinh mở rồi. Cửa vô sinh chưa bao giờ đóng, chỉ vì niệm và định của mình không đủ sâu sắc cho nên mình không dẫm lên được cái vô sinh. Và vì vậy cho nên đi thiền hành cũng có thể đạt tới sự vượt thoát sinh tử, khi mình dẫm được vào cái chỗ vô sinh./.
 
Trích trong Pháp thoại Thầy Nhất Hạnh giảng ngày 17/11/2005 tại Xóm Mới - Làng Mai trong mùa An cư kiết Đông 2005. Bài này cũng đã được chọn làm định đề đầu tiên trong 40 định đề giáo lý Làng Mai đã được in thành sách dưới tựa đề LÀNG MAI NHÌN VỀ NÚI THỨU xuất bản lần đầu vào mùa Xuân năm 2014. Để có sách này, bạn có thể hỏi Văn phòng Xóm Mới tại địa chỉ : nh-office@plumvillage.org hoặc điện thoại : +33 (0) 5 56 61 66 88.
 


[1] Albert Einstein (1879-1955). Nhà Khoa học vật lý người Đức,Giải Nobel (1922). Theo Einstein : Nếu có một tôn giáo phù hợp vơi khoa học hiện đại, thì đó là Phật giáo.
[2] Phái Hữu bộ hay Nhứt thiết hữu bộ, (Thời vua A Dục- Thế kỷ thứ 3 trước Thiên chúa); cho rằng mọi sự vật  đều tôn tại. Tác phẩm nổi tiếng của phái này là A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận.