VietBest

Full Version: Kinh Thánh Tân Ước Công Giáo .
You're currently viewing a stripped down version of our content. View the full version with proper formatting.
Pages: 1 2 3
Các Sách Tân Ước

I. GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT

1. Nội dung
Trong toàn bộ Thánh Kinh, các sách Tân Ước, đặc biệt là các sách Tin Mừng chiếm một địa vị quan trọng hơn cả. Tân Ước cho chúng ta biết Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa cứu độ nhân loại như thế nào nơi Đức Giêsu. Tân Ước còn cho ta biết về Hội Thánh: những bước khởi đầu, sự phát triển kỳ diệu và sự kết thúc đầy vinh quang của Hội Thánh trong tương lai.


2. Tác giả
Do các tông đồ và các cộng sự viên của các ngài viết ra. Các sách đều được viết bằng tiếng Hy lạp và được hình thành trong nửa sau thế kỷ thứ nhất từ năm 50-100.


3. Gồm có
– Bốn sách Tin Mừng do thánh Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan biên soạn
– Sách Công Vụ Tông Đồ do thánh Luca biên soạn.
– 14 thư của thánh Phaolô gửi cho các giáo đoàn và các cá nhân
– 7 thư chung: thư của thánh Giacôbê, thánh Phêrô (2), thánh Gioan (3), thánh Giuđa.
– Sách Khải Huyền.
II. CÁC SÁCH TIN MỪNG


1. Tin Mừng nghĩa là gì?
Trong các sách Tân Ước, hạn từ “Tin Mừng” dùng để chỉ lời của Đức Giêsu rao giảng về Nước Trời và cũng chỉ lời của các tông đồ rao giảng về Đức Giêsu đã chết và phục sinh.
Về sau, hạn từ “Tin Mừng” được dùng để chỉ bốn tác phẩm đầu tiên của tập sách Tân Ước nhằm loan báo Tin Mừng vĩ đại cho cả nhân loại là Con Một Thiên Chúa nhập thể làm người và ở giữa chúng ta để cứu độ chúng ta.
Tóm lại, hạn từ “Tin Mừng” có hai nghĩa: vừa là lời loan báo ơn cứu độ, vừa chỉ các tập sách chép lại lời loan báo đó.

2. Nội dung
Bốn sách Tin Mừng cho ta biết về cuộc đời và các lời giáo huấn của Đức Giêsu. Ngài là Con Một Thiên Chúa đã làm người để cứu độ chúng ta, để cho ta biết tình yêu của Chúa Cha và để trở nên khuân mẫu cho chúng ta noi theo mà sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa và là anh chị em của nhau.
Các sách Tin Mừng không phải là một tập sách do các phóng viên ghi chép lại từng lời, từng việc làm của Đức Giêsu, nhưng là một tập sách được viết ra do cả một tập thể lãnh nhận, chia sẻ, suy niệm rồi mới biên soạn thành sách với sự hiểu biết sâu xa về những điều mà họ biết và sống với Đức Giêsu.

3. Các sách Tin Mừng Nhất Lãm
Khi đọc các sách Tin Mừng, người ta nhận thấy Tin Mừng theo thánh Mátthêu, theo thánh Máccô và theo thánh Luca có rất nhiều điểm giống nhau, như các trình thuật về các phép lạ, các lời giảng của Đức Giêsu, . . . Nên người ta gọi ba Tin Mừng này là Tin Mừng Nhất Lãm.

a. Tin Mừng theo thánh Mátthêu
Trước khi theo Đức Giêsu, thánh Mátthêu có tên là Lêvi. Ông làm nghề thu thuế. Ông viết Tin Mừng nhằm củng cố niềm tin của các Kitô hữu là người Do thái. Ông dùng Sách thánh Cựu Ước để minh chứng rằng Đức Giêsu Nazareth đích thực là Đấng Mêsia – Đấng Cứu Thế mà Thiên Chúa đã hứa ban cho dân Do thái qua lời các ngôn sứ.

b. Tin Mừng theo thánh Máccô
Thánh Máccô là môn đệ của thánh Phêrô. Ông là bạn đồng hành với thánh Phaolô trên đường truyền giáo. Ông viết cuốn Tin Mừng này tại Rôma cho các Kitô hữu tại đây, nhằm minh chứng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Dưới con mắt người đời, Đức Giêsu đã thất bại vì bị người ta chống đối và giết chết, nhưng thái độ đó xứng đáng với thiên chức của Ngài là Đấng Cứu Thế.

c. Tin Mừng theo thánh Lu-ca
Thánh Luca là một y sĩ có tâm hồn nhạy cảm. Ông là bạn tâm phúc của thánh Phaolô trên đường truyền giáo. Ông viết cuốn Tin Mừng này cho các Kitô hữu là người Hy lạp, La mã, để rao giảng lòng nhân từ của Đức Kitô với người tội lỗi, người cùng khổ.

4. Sách Tin Mừng theo thánh Gioan
Thánh Gioan là người “môn đệ Chúa yêu”. Ông đã được sống trực tiếp với Đức Giêsu. Ông viết Tin Mừng để chúng ta tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế, và nhờ tin vào Người mà chúng ta được sống đời đời.
III. SÁCH CÔNG VỤ TÔNG ĐỒ


Sách Công Vụ Tông Đồ là tác phẩm thứ hai của thánh Luca

1. Nội dung
Tóm lược những trang sử đầu tiên của Hội Thánh, từ khi còn là “hạt cải”, cho đến khi thành cây to cho chim trời đến nương náu.

2. Sách được chi làm hai phần
– Phần I (từ 1,12 – 15,35): tường thuật những sinh hoạt đầu tiên của Hội thánh, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Hội Thánh lớn lên ngay giữa những chướng ngại của những người thù ghét và chống đối, cũng như những lời rao giảng Tin Mừng của thánh Phêrô trong khung cảnh thành Giê-ru-sa-lem, xứ Giuđêa và Syria.
– Phần II (từ 15,35 – 28,31): Tập trung vào hành trình truyền giáo của thánh Phaolô, nhờ đó Tin Mừng được loan báo cho thế giới dân ngoại và Hội Thánh lan rộng khắp nơi.
IV. CÁC THƯ CỦA THÁNH PHAOLÔ


1. Tóm lược cuộc đời thánh Phaolô

Dựa vào Sách Công Vụ Tông đồ và các thư của thánh nhân, chúng có một bản tóm tắt về cuộc đời của thánh nhân như sau:
– Khoảng năm 10 SCN: Sinh tại Tarsô xứ Kilikia, trong một gia đình Do thái, thuộc chi tộc Benjamin, đồng thời là công dân Rôma. Đến Giêrusalem rất sớm, theo học với ông Gamalien thuộc phái Pharisêu. Vì vậy, sau này ngài kịch liệt ngược đãi Hội Thánh mới hình thành.
– Khoảng năm 30 SCN: Đức Giêsu chết và phục sinh.
– Khoảng năm 36: thánh Stephanô tử đạo. Phaolô có tham gia vụ án này.
– Cũng năm 36: Trên đường Damas, Đức Giêsu hiện ra và trao cho ngài sứ mạng làm tông đồ dân ngoại. Ngay sau đó, ngài bắt đầu công việc rao giảng Đức Giêsu Kitô.
– Năm 39: Lên Giêrusalem gặp các tông đồ lần đầu tiên, trở về Xyria, Kilikia, rồi sau đó qua Antiokia với thánh Barnaba.
– Năm 45 – 49: Chuyến đi truyền giáo đầu tiên: Sýp, Pamphilia, Pixidia và Lycaonia. Ở đây ngài bắt đầu được gọi là Phaolô (tên Latinh), về sau tên này thường được dùng hơn là Saolo (tên gốc Do thái).
– Năm 49: Dự Công Đồng Giêrusalem. Tại đây, có lẽ nhờ ảnh huởng của ngài, các tông đồ quyết định không buộc người Kitô hữu gốc ngoại phải giữ luật Do thái ; đồng thời các ngài cũng công nhận Phaolô làm Tông đồ dân ngoại.
– Từ năm 50 – 52: Chuyến truyền giáo thứ hai: ngài lưu lại Côrintô hơn 18 tháng, viết hai thư 1 và 2 Thessalônica (50-51).
– Từ năm 53 – 58: Chuyến đi truyền giáo thứ ba: hơn hai năm ở Êphêxô; viết thư Philipphê (56-57), thư thứ nhất Côrintô (Vượt Qua 57); một năm tại Macedônia; viết thư thứ hai Côrintô (mùa thu 57), và có lẽ thư Galat cũng được viết tại Macedônia. Hai năm tại Côrintô, viết thư Rôma (mùa đông 57-58).
– Năm 58: bị bắt tại Giêrusalem.
– Năm 58-60: bị giam tại Xêdarê Palestine.
– Mùa thu 60: bị giải về Rôma và giam tại đó. Viết các thư Côlôxê, Êphêsô và Philemon.
– Năm 63: được miễn tố và trả tự do.
– Năm 63-66: Các năm hoạt động cuối cùng. Viết các thư Titô và thứ nhất Timôthê.
– Năm 66: Bị bắt giam tại Rôma lần thứ hai, viết thư thứ 2 Timôthe.
– Năm 67: Tử đạo tại Rôma, dưới thời Nêrô.
2. Phân loại các thư của thánh Phaolô


Người ta cho rằng tác giả của 14 bức thư gởi cho các giáo đoàn là thánh Phaolôâ. [Tuy nhiên, thư Do thái chưa hẳn là do ngài viết]. Trong Tân Ước, các thư này không được sắp xếp theo trật tự thời gian. Việc sắp xếp các thư này căn cứ theo sự dài- ngắn hoặc mức quan trọng về thần học. Nên vậy, ngoại trừ thư Do thái được coi như không phải là của thánh Phaolô, các thư còn lại có thể chia làm ba loại:

– Các thư “lớn”: GL ; 1 và 2 Cr ; Rm ; 1 và 2 Tx. Nội dung: Ơn công chính hóa, về ngày Thiên Chúa Quang Lâm của Đức Giêsu, các vấn đề mà cuộc sống hằng ngày đặt ra cho các tân tòng và các Hội Thánh mới được thành lập.

– Các thư viết trong tù: Cl ; Pl ; Ep ; Plm. Vấn đề nổi bật: vai trò của Đức Kitô trong vũ trụ và lịch sử. Ngoài ra, trong các thư đó, chúng ta còn cảm thấy tác giả lo âu trước những tư tưởng của thuyết khắc kỷ sai lầm, khiến ngài phải cố vạch ra một lối sống Kitô giáo toàn diện.


-Các thư mục vụ: 1 và 2 Tm và Tt. Cả ba thư này cho thấy thánh Phaolô rất bận tâm với các cộng đoàn đang sống giữa những trào lưu tiền ngộ đạo. Vì thế, và đồng thời cũng linh cảm “cuộc ra đi” của mình đã gần kề, nên ngài đã chỉ ra những nguyên tắc lãnh đạo cộng đoàn cho hai môn đệ Timôthe và Titô.
3. Những điểm chính yếu trong các thư của Phaolô


– Đức Kitô: Người là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế và là Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người.
– Hội Thánh: là Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Kitô, được xây dựng trên lời rao giảng Tin Mừng, gồm có Do thái và Dân ngoại trong bình đẳng và tự do của con cái Chúa.
– Công cuộc cứu chuộc: Được liên kết với mầu nhiệm Ba Ngôi, sáng kiến của Thiên Chúa Cha, được thực hiện bởi Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
4. Nội dụng các thư của thánh Phaolô


a. Thư gởi tín hữu Rôma

Thư được viết sau chuyến hành trình truyền giáo lần III, khoảng mùa xuân 57 hoặc 58, khi ngài đang ở Côrintô. Phaolô đã gởi thư này cho các tin hữu ở Rôma (Kitô hữu gốc Do thái và gốc Rôma).
Thư gồm 16 chương, được chia thành ba phần chính:

– Phần 1 (ch. 1-8): Trình bày trọng tâm lời rao giảng của Ngài, là Tin Mừng về sự công chính hóa của Thiên Chúa ban, đặt nền tảng trên lòng tin vào Đức Kitô (Phép rửa: ơn công chính và Đức Tin > < Luật dạy).

– Phần 2 (ch. 9-11): Bàn về vấn đề nan giải của các tín hữu gốc Do thái. Dân Do thái đã được Thiên Chúa tuyển chọn và lập giao ước, tại sao nay đã đến thời Thiên Chúa thực hiện giao ước thì họ lại không tin (Do thái hay không Do thái đều mắc tội. Vậy để được cứu độ, họ phải chết đi với Đức Kitô [qua phép rửa] để được sống lại).

– Phần 3 (ch. 12-15): Nói về những chỉ dẫn thực tế cho đời sống đạo của cộng đoàn.
b. Thư I gởi tín hữu Côrintô23


Thư được viết và gởi khoảng năm 55 hoặc 56, khi thánh Phaolô đang ở Êphêsô. Nội dung bức thư nhằm giải quyết những chuyện không hay đang xảy ra trong giáo đoàn: chia phe cánh, kiện tụng nhau ở toà án đời, vô luân và lạm dụng các cuộc họp “bẻ bánh”. Ngoài ra, thánh nhân cũng trả lời một và thắc mắc của giáo đoàn như: vấn đề khiết tịnh và hôn nhân, ăn thịt cúng, đoàn sủng.

Thư gồm có 16 chương, chia thành ba phần chính:

- Phần 1 (ch. 1-6): giải quyết sự chia rẽ và gương xấu.

- Phần 2 (ch. 7-14): giải quyết những thắc mắc liên quan đến đời sống đạo.

- Phần 3 (ch. 15): vấn đề kẻ chết sống lại.

c. Thư thứ II gởi tín hữu Côrintô

Thư được viết khoảng năm 56 hoặc 57, trong lúc đời sống đạo của công đoàn đang sa sút. (Một người trong cộng đoàn nhục mạ vai trò tông đồ của thánh nhân và lôi kéo nhiều người đi theo phái ngộ đạo). Cả những tín hữu gốc Do thái cũng chống đối ngài. Nội dung của bức thư là một lời thổ lộ tâm tình: vai trò nặng nề của vị tông đồ, những khó khăn, hiểu lầm. Thánh nhân nhận thấy mình yếu đuối, cần có sự giúp sức của ơn Chúa.

Thư gồm có 13 chương, chia thành ba phần:

– Phần 1 (ch. 1-7): biện hộ cho thái độ của mình.
– Phần 2 (ch. 8-9): nói đến việc quyên góp giúp tín hữu
ở Giêrusalem.
– Phần 3 (ch. 10-13): kể về công việc truyền giáo đang
thực hiện nhằm biện hộ cho tác vụ tông đồ của ngài.
d. Thư gởi tín hữu Galát 24


Trong hành trình truyền giáo lần thức ba, khi đi ngang qua miền Macêdônia, thánh nhân đã gởi thư này cho giáo đoàn này. Lý do, khoảng năm 54-56, một số người mang theo một tin mừng sai lạc đến Galát, khiến cho giáo đoàn này gặp cơn khủng hoảng.
Thư này gồm có 6 chương, trình bày:
– Tin Mừng đó bởi đâu? Do thánh Phaolô nhận trực tiếp từ Đức Kitô, Đấng đã gọi ngài trong biến cố Damas.
– Tin Mừng đó là gì? Đức Giêsu Kitô là Đấng mà lịch sử Ítraen đã báo trước, Ngài là nguồn cứu độ độc nhất cho những kẻ tin, chứ không phải Lề luật Cựu Ước và việc cắt bì.
– Tin Mừng đó đem lại những gì cho kẻ tin? Đem lại sự tự do, sự sống mới nhờ Thánh Thần, trong Đức Kitô. Muốn hưởng được đời sống này, người tín hữu phải trải qua thập giá.

e. Thư gởi tín hữu Êphêsô25

Khoảng năm 62-63, khi ngài đang ở trong tù, giáo đoàn Êphêsô trải qua một thời kỳ khó khăn, thánh nhân đã viết thư này để an ủi họ.
Thư gồm 6 chương với 2 phần chính:
– Phần 1 (ch. 1-3): trình bày kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được Đức Kitô thực hiện, nhằm quy tục một Hội Thánh bao gồm cả người Do thái và Dân ngoại. Người tín hữu cần luôn kết hiệp, nên một với Đức Kitô để xây dựng Hội Thánh duy nhất.
– Phần 2 (ch. 4-6): thánh nhân nhắn nhủ các tín hữu sống cho xứng với ơn Thiên Chúa kêu gọi.
f. Thư gởi tín hữu Philipphê26


Thư được viết khoảng năm 62-63 lúc thánh Tông đồ đang bị cầm tù ở Rôma. Nội dung thư là lời cảm ơn các tín hữu đã tận tình giúp đỡ vật chất cho công tác truyền giáo của ngài.
Thư chỉ có 4 chương. Trong thư, thánh Tông Đồ bày tỏ tâm sự của mình cho các tín hữu, mặc dù bị tù nhưng ngài vẫn vui sướng vì Đức Kitô vẫn được rao giảng. Ngài cũng nhắc nhở các tín hữu hãy tỉnh thức trước những mầm mống chia rẽ, bất hoà bằng cách nhìn vào gương mẫu khiêm hạ của Đức Kitô.

g. Thư gởi tín hữu Côlôsê

Khoảng năm 61-63, khi đang bị cầm tù ở Rôma, thánh nhân viết thư này cho giáo đoàn Côlôsê nhằm trả lời cho những thắc mắc của ông Êpaphra, là người đã lập nên giáo đoàn này; khi ông hỏi ý kiến thánh nhân về những điều dị đoan, lạc đạo mới xuất hiện.
Thư gồm có 4 chương, chia thành 3 phần:
– Phần 1 (ch. 1, 3 – 2, 3): Đức Kitô là chủ tể vũ trụ và là Đầu của Hội Thánh.
– Phần 2 (ch. 2, 4 – 3, 4): ngài nhắn nhủ mọi người hãy đề phòng giáo lý sai lạc.
– Phần 3 (3, 5 – 4, 6): là những lời khuyên nhủ.
h. Thư thứ I gởi tín hữu Thexalônica27: 
Thư này được viết tại Côrintô khoảng năm 50-51.
Thư có 5 chương. Thánh nhân tỏ lời khen ngợi giáo đoàn về những tiến triển tốt đẹp của họ trong cách sống đạo, an ủi họ trong những thử thách. Cũng trong thư này, ngài đã thanh minh về những lời vu cáo của những người Do thái. Ngoài ra, ngài khuyên nhủ họ sống theo những nguyên tắc đã dạy và đưa ra một điểm giáo lý quan trọng về xác loài người sẽ sống lại trong ngày Chúa quang lâm. Do vậy, người Kitô hữu phải chuẩn bị để phải sống trong niềm hy vọng trong khi mong chờ Chúa đến.
i. Thư thứ II gởi tín hữu Thexalônica


Thư này được viết sau thư thứ I khoảng năm 52.
Là một thư ngắn chỉ có 2 chương: nhằm đính chính cho các tín hữu biết rằng: Chúa chưa đến ngay đâu, mọi người cần phải bình tĩnh và chăm chỉ làm việc. Bởi ở nội dung thư thứ nhất, các tín hữu lầm tưởng ngày Chúa đến đã gần lắm, nên âu lo, bỏ bê cả việc bổn phận.

k. Thư thứ I gởi cho ông Timôthê28

Thư thứ nhất này được viết khoảng năm 65, gồm 6 chương bàn về ba điểm chính:
– Phải coi chừng các lạc thuyết chủ trương thế giới vật chất là xấu xa, kiêng cữ một số thực phẩm và coi thường đời sống hôn nhân.
– Những chỉ dẫn liên quan đến việc thờ phượng, tổ chức cộng đoàn Hội Thánh và tác phong phải có của người điều khiển cộng đoàn.
– Những lời khuyên môn đệ Timôthê trong trách vụ săn sóc các nhóm tín hữu khác nhau (các bà goá, các nô lệ), hầu trở nên một nguời phục vụ đắc lực cho Đức Kitô.
l. Thư thứ II gởi cho ông Timôthê


Được viết vào khoảng thời gian cuối đời của thánh Phaolô, tức năm 67, trước thánh nhân chịu tử đạo. Nội dung thư này là những lời tâm huyết của người thầy gởi cho đồ đệ, được coi như là di chúc tinh thần.
Thư có 4 chương, là những lời khuyên ông Timôthê phải kiên trì trong thử thách, trung thành rao giảng Tin Mừng. Ngài cũng bày tỏ tình trạng nguy kịch của mình, nhưng vẫn dâng lời tạ ơn Thiên Chúa.

m. Thư gởi cho ông Titô29

Thư này được viết vào khoảng năm 65 trong cuộc hành trình của thánh Phaolô. Khi ấy, ông Titô đang ở Kêta và được thánh nhân trao nhiệm vụ coi sóc mọi công việc hoạt động và tổ chức Hội Thánh tại đảo Kêta.
Thư gồm có 3 chương, gồm những lời chỉ dẫn của thánh nhân nhằm giúp ông Titô coi sóc cộng đoàn này, một ít điều về đạo lý chống lại lạc thuyết.

n. Thư gởi cho ông Philemon30

Đây là thư ngắn nhất, chỉ có 25 câu. Qua thư, thánh Phaolô muốn ông Philemon nhận lại anh Ônêximô, vốn là một người nô lệ của ông Philemon đã bỏ trốn, nay được thánh nhân rửa tội. Ngài xin ông Philemon coi anh Ônêximô như người anh em trong Đức Kitô. Qua trường hợp này, thánh tông đồ đã giải quyết vấn đề người nô lệ. Trong Đức Kitô, không còn phân biệt nô lệ hay tự do (Gl 3, 28), vì thế mọi người phải thương yêu nhau như anh em.
V. CÁC THƯ CHUNG


Trong Tân Ước, ngoài 14 thư được coi là của thánh Phaolô, cò có 7 thư chung gồm của các thánh tông đồ khác.
Các thư này được gọi là thư chung, vì không được xác định là gởi cho giáo đoàn hay nhân vật nào riêng biệt.
Các thư chung đó gồm: 01 của thánh Giacôbê; 02 của thánh Phêrô; 03 của thánh Gioan và 01 của thánh Giuda Tadeo.

1. Thư của thánh Giacôbê
Nhấn mạnh vào việc nhận biết và thi hành Thánh ý Thiên Chúa, hai điều này luôn phải đi đôi với nhau. Không thể làm tôi Thiên Chúa mà lòng lại hướng chiều về thế gian.

2. Hai thư của thánh Phêrô
– Thư thứ I: viết cho Hội Thánh Tiểu á đang lâm cơn bách hại, để động viên các tín hữu trung thành với niềm tin của mình, can đảm chấp nhận gian khổ theo gương Đức Giêsu.
– Thư thứ II: khuyến cáo các giáo đoàn phải đề phòng các “thầy dạy giả hiệu” với các lạc thuyết đưa đến diệt vong, Thánh Phêrô khẳng định: các tín hữu được Lời Chúa dạy dỗ qua các ngôn sứ và tông đồ, mà Lời Chúa được ghi chép trong Thánh Kinh. Chúa sẽ quang lâm, nhưng Chúa đến chậm là để người tội lỗi có cơ hội thống hối.

3. Ba thư của thánh Gioan
Nhằm chống lại các tiến sĩ giả hình tìm cách gieo rắc những học thuyết sai lạc, như không tin nhận Đức Kitô là Đấng Mêsia, là Con Thiên Chúa, chối mầu nhiệm Nhập thể, … đã làm xáo trộn trong cộng đoàn. Ngài khuyên nhủ các tín hữu phải đề phòng ngộ đạo thuyết, và trung thành với đức tin chân chính Kitô giáo, tuân giữa các điều răn, nhất là luật Đức ái.

4. Thư của thánh Giuda Tadeo
Khuyến cáo các tín hữu phải đề phòng, xa tránh ngộ đạo thuyết theo chiều hướng phóng túng về luân lý. Nếu không sám hối và canh tân, thì sẽ lãnh lấy phần phạt tương xứng.
VI. SÁCH KHẢI HUYỀN


Thể văn khải huyền rất được người Do thái ưa chuộng vào cuối thời Cựu Ước. Loại văn này diễn tả tư tưởng bằng cách nêu lên những thị kiến, và dùng ngôn ngữ ám hiệu để nói với độc giả về một điều gì đó. Vì thế, khi đọc sách Khải Huyền, chúng ta không dừng lại ở những hình ảnh, nhưng đi sâu vào ý nghĩa của chúng.

Chẳng hạn, về màu sắc: trắng ám chỉ sự chiến thắng, trong sạch ; đỏ ám chỉ sự giết chóc, bạo lực và máu của các vị tử đạo; đen ám chỉ sự chết, sự vô đạo. Về hình ảnh: cái sừng chỉ sức mạnh; tóc bạc chỉ sự vĩnh cửu; ao dài chỉ về phẩm chức tư tế; đai lưng bằng vàng chỉ vương quyền.

Tương truyền, sách Khải Huyền do thánh tông đồ Gioan biên soạn vào cuối thế kỷ thứ I, viết cho Hội Thánh Tiểu á đang lâm cơn thử thách. Ngài gửi cho họ một sứ điệp hy vọng: “Đức Kitô sẽ đến”, phần tất thắng thuộc về Đức Kitô. Nhưng trong thời gian chờ đợi, thì Hội Thánh vẫn bị bách hại và phải chiến đấu luôn.
Chú Thích:


23 Thánh Phaolô lập giáo đoàn này trong chuyến truyền giáo lần thứ 2, khi lưu lại đây một năm rưỡi (Cv 18, 11). Công đoàn này gặp nhiều khó khăn trong vấn đề sống đạo do tiếp xúc với các luồng tư tưởng, triết học, văn hóa và tôn giáo khác nhau ; vì, Côrintô là một thành phố cảnh, trung tâm văn hóa Hy lạp.
24 Galta là một miền liên tỉnh thuộc phía bắc Tiểu Á, tức Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.
25 Êphêsô là thành phố cửa biển phía nam Tiểu Á, thuộc Thổ nhĩ Kỳ ngay nay. Giáo đoàn đuợc thành lập vào đầu cuộc hành trình truyền giáo lần thứ 3.

26 Philipphê là một trung tâm thương mại. Trong chuyến truyền giáo lần thứ 2, ngài cùng với các ông Timôthê, Sila và Luca lập giáo đoàn này. Giáo đoàn này rất quý mến Phaolô.
27 Thexalônica là một vùng thuộc miền Macêdônia [Hy Lap]. Lá thư này được coi là bức thư đầu tiên và là bản văn xưa nhất của bộ Tân Ước.
28 Timôthê là người vùng Tiểu Aù. Trong hành trình thứ nhất, thánh Phaolô đã rửa tội cho hai mẹ con ông. Sau đó ông được thánh nhân chọn làm bạn đồng hành trong cuộc truyền giáo lần thứ II. Giống như ông Titô, Phaolô trao cho Timôthê lãnh đạo các giáo đoàn vừa thành lập. Mục đích thư thứ 1 và 2 và thư gởi cho Titô là nhằm vào vấn đề mục vụ, tức là đề cập đến những đức tính và bổn phận của người đứng đầu coi sóc cộng đoàn.
29 Titô là một Kitô hữu gốc dân ngoại [Gl 3, 1-3]. OâÂng là một trong những người đồng hành với thánh Phaolô và đóng vai trò quan trọng trong việc hoà giải người Côrintô với thánh Phaolô [2Cr 7, 6-16].
30
Philemon là một người có vai vế ở Côlôsê, nhờ thánh Phaolô, ông đã trở lại đạo. Ôâng được thánh Phaolô quý mến, gọi là cộng sự viên thân mến.
Pages: 1 2 3