VietBest

Full Version: Kinh Pháp Cú - Dhammapada Sutta
You're currently viewing a stripped down version of our content. View the full version with proper formatting.
Pages: 1 2
XVIII. Phẩm Cấu Uế


235. "Ngươi nay giống lá héo,
Diêm sứ đang chờ ngươi,
Ngươi đứng trước cửa chết,
Ðường trường thiếu tư lương."

236. "Hãy tự làm hòn đảo,
Tinh cần gấp, sáng suốt.
Trừ cấu uế, thanh tịnh,
Ðến Thánh địa chư Thiên."

237. "Ðời ngươi nay sắp tàn,
Tiến gần đến Diêm Vương.
Giữa đường không nơi nghỉ,
Ðường trường thiếu tư lương."

238. "Hãy tự làm hòn đảo,
Tinh cần gấp sáng suốt.
Trừ cấu uế, thanh tịnh,
Chẳng trở lại sanh già."

239. "Bậc trí theo tuần tự.
Từng sát na (1) trừ dần.
Như thợ vàng lọc bụi
Trừ cấu uế nơi mình."

240. "Như sét từ sắt sanh,
Sắt sanh lại ăn sắt,
Cũng vậy, quá lợi dưỡng
Tự nghiệp dẫn cõi ác."

241. "Không tụng làm nhớp kinh,
Không đứng dậy, bẩn nhà,
Biếng nhác làm nhơ sắc,
Phóng dật uế người canh"

242. "Tà hạnh nhơ đàn bà,
Xan tham nhớp kẻ thí,
Ác pháp là vết nhơ,
Ðời này và đời sau."

243. "Trong hàng cấu uế ấy,
Vô minh, nhơ tối thượng,
Ðoạn nhơ ấy, tỷ kheo,
Thành bậc không uế nhiễm."

244. "Dễ thay, sống không hổ
Sống lỗ mãng như quạ,
Sống công kích huênh hoang,
Sống liều lĩnh, nhiễm ô."

245. "Khó thay, sống xấu hổ,
Thường thường cầu thanh tịnh.
Sống vô tư, khiêm tốn,
Trong sạch và sáng suốt."

246. "Ai ở đời sát sinh,
Nói láo không chân thật,
Ở đời lấy không cho,
Qua lại với vợ người."

247. "Uống rượu men, rượu nấu,
Người sống đam mê vậy,
Chính ngay tại đời này,
Tự đào bới gốc mình."

248. "Vậy người, hãy nên biết,
Không chế ngự là ác.
Chớ để tham phi pháp,
Làm người đau khổ dài."

249. "Do tín tâm, hỷ tâm
Loài người mới bố thí.
Ở đây ai bất mãn
Người khác được ăn uống,
Người ấy ngày hoặc đêm,
Không đạt được tâm định?"

250. "Ai cắt được, phá được,
Tận gốc nhổ tâm ấy.
Người ấy ngày hoặc đêm,
Ðạt được tâm thiền định."

251. "Lửa nào bằng lửa tham!
Chấp nào bằng sân hận!
Lưới nào bằng lưới si!
Sông nào bằng sông ái! "

252. "Dễ thay thấy lỗi người,
Lỗi mình thấy mới khó.
Lỗi người ta phanh tìm,
Như sàng trấu trong gạo,
Còn lỗi mình, che đậy,
Như kẻ gian dấu bài."

253. "Ai thấy lỗi của người,
Thường sanh lòng chỉ trích,
Người ấy lậu hoặc tăng,
Rất xa lậu hoặc diệt."

254. "Hư không, không dấu chân,
Ngoài đây, không sa môn,
Chúng sanh thích hý luận,
Như lai, hý luận trừ."

255. "Hư không, không dấu chân,
Ngoài đây, không sa môn.
Các hành không thường trú,
Chư Phật không giao động."

..........



Chú thích:

Sát-na: 1 sát-na = 1/75 giây.

-
XIX. Phẩm Pháp Trụ


256. "Ngươi đâu phải pháp trụ,
Xử sự quá chuyên chế,
Bậc trí cần phân biệt
Cả hai chánh và tà!"

257. "Không chuyên chế, đúng pháp (*),
Công bằng, dắt dẫn người,
Bậc trí sống đúng pháp,
Thật xứng danh pháp trụ."

258. "Không phải vì nói nhiều,
Mới xứng danh bậc trí.
An ổn, không oán sợ.
Thật đáng gọi bậc trí."

259. Không phải vì nói nhiều,
Mới xứng danh trì pháp,
Những ai tuy nghe ít,
Nhưng thân hành đúng pháp,
Không phóng túng chánh pháp,
Mới xứng danh trì pháp."

260. Không phải là trưởng lão,
Dầu cho có bạc đầu.
Người chỉ tuổi tác cao,
Ðược gọi là: "Lão ngu."

261. "Ai chân thật, đúng pháp,
Không hại, biết chế phục,
Bậc trí không cấu uế,
Mới xứng danh Trưởng Lão."

262. "Không phải nói lưu loát,
Không phải sắc mặt đẹp,
Thành được người lương thiện,
Nếu ganh, tham, dối trá."

263. "Ai cắt được, phá được
Tận gốc nhổ tâm ấy
Người trí ấy diệt sân,
Ðược gọi người hiền thiện."

264. "Ðầu trọc, không sa môn
Nếu phóng túng, nói láo.
Ai còn đầy dục tham,
Sao được gọi sa môn?"

265. "Ai lắng dịu hoàn toàn,
Các điều ác lớn nhỏ,
Vì lắng dịu ác pháp,
Ðược gọi là Sa môn."

266. " Chỉ khất thực nhờ người,
Ðâu phải là tỷ kheo!
Phải theo pháp toàn diện,
Khất sĩ không, không đủ."

267. " Ai vượt qua thiện ác,
Chuyên sống đời Phạm Hạnh,
Sống thẩm sát ở đời,
Mới xứng danh tỷ kheo."

268. "Im lặng nhưng ngu si,
Ðâu được gọi ẩn sĩ?
Như người cầm cán cân,
Bậc trí chọn điều lành."

269. " Từ bỏ các ác pháp,
Mới thật là ẩn sĩ.
Ai thật hiểu hai đời
Mới được gọi ẩn sĩ."

270. " Còn sát hại sinh linh,
Ðâu được gọi Hiền thánh.
Không hại mọi hữu tình,
Mới được gọi Hiền Thánh."

271. "Chẳng phải chỉ giới cấm
Cũng không phải học nhiều,
Chẳng phải chứng thiền định,
Sống thanh vắng một mình."

272. "Ta hưởng an ổn lạc,
Phàm phu chưa hưởng được.
Tỷ kheo, chớ tự tin
Khi lậu hoặc chưa diệt."

..........




Chú thích:

(*) Chữ Pháp ở hai câu kệ đầu nói về pháp luật, sự phân xử.

-
XX. Phẩm Ðạo


273. "Tám chánh (1), đường thù thắng,
Bốn câu (2), lý thù thắng.
Ly tham, pháp thù thắng,
Giữa các loài hai chân,
Pháp nhãn, người thù thắng."

274. "Ðường này, không đường khác (3)
Ðưa đến kiến thanh tịnh.
Nếu ngươi theo đường này,
Ma quân sẽ mê loạn."

275. "Nếu người theo đường này,
Ðau khổ được đoạn tận.
Ta dạy người con đường.
Với trí, gai chướng diệt."

276. "Người hãy nhiệt tình làm,
Như Lai (4) chỉ thuyết dạy.
Người hành trì thiền định
Thoát trói buộc Ác ma."

277. "Tất cả hành vô thường (5)"
Với Tuệ, quán thấy vậy
Ðau khổ được nhàm chán;
Chính con đường thanh tịnh."

278. "Tất cả hành khổ đau
Với Tuệ quán thấy vậy,
Ðau khổ được nhàm chán;
Chính con đường thanh tịnh."

279. "Tất cả pháp (6) vô ngã,
Với Tuệ quán thấy vậy,
Ðau khổ được nhàm chán
Chính con đường thanh tịnh."

280. "Khi cần, không nỗ lực,
Tuy trẻ mạnh, nhưng lười
Chí nhu nhược, biếng nhác.
Với trí tuệ thụ động,
Sao tìm được chánh đạo?"

281. "Lời nói được thận trọng,
Tâm tư khéo hộ phòng,
Thân chớ làm điều ác,
Hãy giữ ba nghiệp tịnh,
Chứng đạo thánh nhân dạy."

282. "Tu thiền, trí tuệ sanh,
Bỏ Thiền, trí tuệ diệt.
Biết con đường hai ngả
Ðưa đến hữu, phi hữu,
Hãy tự mình nỗ lực,
Khiến trí tuệ tăng trưởng."

283. "Ðốn rừng không đốn cây
Từ rừng, sinh sợ hãi;
Ðốn rừng và ái dục,
Tỷ kheo, hãy tịch tịnh."

284. "Khi nào chưa cắt tiệt,
Ái dục giữa gái trai,
Tâm ý vẫn buộc ràng,
Như bò con vú mẹ."

285. "Tự cắt giây ái dục,
Như tay bẻ sen thu,
Hãy tu đạo tịch tịnh,
Niết-Bàn, Thiện Thệ dạy."

286. "Mùa mưa ta ở đây
Ðông, hạ cũng ở đây,
Người ngu tâm tưởng vậy,
Không tự giác hiểm nguy."

287. "Người tâm ý đắm say
Con cái và súc vật,
Tử thần bắt người ấy,
Như lụt trôi làng ngủ. "

288. "Một khi tử thần đến,
Không có con che chở,
Không cha, không bà con,
Không thân thích che chở."

289. "Biết rõ ý nghĩa này,
Bậc trí lo trì giới,
Mau lẹ làm thanh tịnh,
Con đường đến Niết-Bàn."

...............




Chú thích:


(1) Bát Chánh Ðạo - là con đường "Trung Ðạo" mà Ðức Phật đã tìm ra để chứng ngộ Niết-bàn. Con đường gồm: Chánh Kiến (sammā diṭṭhi), Chánh Tư Duy (sammā saṁkappa), Chánh Ngữ (sammā vācā), Chánh Nghiệp (sammā kammanta), Chánh Mạng (sammā ājīva), Chánh Tinh Tấn (sammā vāyāma), Chánh Niệm (sammā sati) và Chánh Ðịnh (sammā samādhi). Ðó là con đường Giác Ngộ duy nhứt. Ðứng về mặt triết học, tám yếu tố ấy là tám trạng thái tinh thần (hay tâm sở) nằm trong tám loại tâm siêu thế có đối tượng là Niết-bàn.

(2) Tứ Ðế - là bốn Chơn Lý Cao Quý: Khổ, nguồn gốc của khổ, sự diệt khổ, và con đường dẫn đến sự diệt khổ. Chơn Lý đầu tiên (khổ) phải được thông suốt, hiểu biết. Nguồn gốc của khổ (tức ái dục) phải được tận diệt. Sự diệt khổ (tức Niết-bàn) phải được chứng ngộ. Con đường dẫn đến sự diệt khổ (tức Bát Chánh Ðạo) phải được phát triển. Dầu chư Phật có giáng sinh hay không, bốn Chơn Lý ấy vẫn có trên thế gian. Chư Phật đã khám phá và vạch rõ cho nhơn loại.

(3) Là Bát Chánh Đạo.

(4) Như Lai: Khi Ðức Phật nói đến Ngài, Ngài tự xưng là Như Lai, Tathāgata, có nghĩa "người đến như thế này".

(5) Sankhārā: hành, là một danh từ có nhiều nghĩa. Hành ở đây là những vật có điều kiện để phát sanh. Phải có những nguyên nhân tạo điều kiện, các vật ấy mới phát sanh nên gọi là hữu lậu, hay tùy thế. Niết-bàn là siêu thế, vô lậu không nằm trong hành, sankhārā, vì không phải tùy thuộc ở nguyên nhân và không có thời gian.

(6) Vô thường (anicca), khổ não (dukkha) và vô ngã (anattā) là đặc tánh của tất cả những vật hữu lậu (hành), hay tùy thế, tức là những gì phải do nguyên nhân tạo điều kiện để phát sanh. Do nhờ suy niệm về ba đặc tánh này mà chứng Niết-bàn. Hành giả có thể chọn đặc tánh nào thích hợp với mình nhứt trong ba đặc tánh ấy để hành. Lý vô ngã (anattā) là nền tảng của Phật giáo.

Dhamma: nghĩa là pháp, áp dụng cho cả hai, những vật hữu lậu (hành) và những vật vô lậu. Tức là các pháp hữu lậu, tại thế, và các pháp vô lậu, siêu thế, Niết Bàn.
Ðể chỉ rằng dầu ở trạng thái Niết-bàn cũng không có một linh hồn trường tồn không biến đổi.

.
XXI. Phẩm Tạp Lục


290. "Nhờ từ bỏ lạc nhỏ,
Thấy được lạc lớn hơn,
Bậc trí bỏ lạc nhỏ,
Thấy được lạc lớn hơn."

291. "Gieo khổ đau cho người,
Mong cầu lạc cho mình,
Bị hận thù buộc ràng
Không sao thoát hận thù."

292. "Việc đáng làm, không làm,
Không đáng làm, lại làm,
Người ngạo mạn, phóng dật,
Lậu hoặc ắt tăng trưởng."

293. "Người siêng năng cần mẫn,
Thường thường quán thân niệm (1),
Không làm việc không đáng,
Gắng làm việc đáng làm,
Người tư niệm giác tỉnh,
Lậu hoặc được tiêu trừ."

294. "Sau khi giết mẹ cha (2),
Giết hai Vua Sát lỵ (3),
Giết vương quốc, quần thần (4),
Vô ưu, phạm chí sống." (5)

295. "Sau khi giết mẹ cha,
Hai vua Bà-la-môn,
Giết hổ tướng thứ năm (6),
Vô ưu, phạm chí sống."

296. "Ðệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác
Vô luận ngày hay đêm,
Tưởng Phật Ðà thường niệm."

297. "Ðệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Tưởng Chánh Pháp thường niệm"

298. "Ðệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Tưởng Tăng Già thường niệm."

299. "Ðệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Tưởng sắc thân thường niệm."

300. "Ðệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Ý vui niềm bất hại."

301. "Ðệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Ý vui tu thiền quán."

302. "Vui hạnh xuất gia khó,
Tại gia sinh hoạt khó,
Sống bạn không đồng, khổ,
Trôi lăn luân hồi, khổ,
Vậy chớ sống luân hồi,
Chớ chạy theo đau khổ."

303. "Tín tâm, sống giới hạnh
Ðủ danh xưng tài sản,
Chỗ nào người ấy đến,
Chỗ ấy được cung kính."

304. "Người lành dầu ở xa
Sáng tỏ như núi tuyết,
Người ác dầu ở gần
Như tên bắn đêm đen."

305. "Ai ngồi nằm một mình.
Ðộc hành không buồn chán,
Tự điều phục một mình
Sống thoải mái rừng sâu."


...............




Chú thích:

(1) Niệm thân: suy niệm về tính chất ô trược của thể xác.
(2) Mẹ Mātā, tiêu biểu tâm ái dục (taṇhā), vì chính ái dục dẫn dắt chúng sanh đi tái sanh. Cha - Pitā, tiêu biểu tánh ngã mạn, chấp cái ta, và tự phụ, kiêu căng.
(3) Hai nhà Vua: tiêu biểu cho Thường kiến và Đoạn kiến.
(4) Vị đại thần phụ trách quốc khố - sānucaraṁ, người trông nom kho tàng của vương quốc, ở đây tiêu biểu cho sự "luyến ái bám bíu vào đời sống" (nandirāga).
(5) Chỉ một vị A-La-Hán có hình tướng tương đối nhỏ. Ðức Phật đọc hai câu kệ trên, 294 và 295, giải thích tâm trạng của người đã đắc quả A-La-Hán.
(6) Con đường nguy hiểm - Veyyagghapañcamaṁ, danh từ này được dùng ở đây để chỉ năm chướng ngại tinh thần, tức là Năm Triền cái, trong ấy hoài nghi hay tâm bất quyết (vicikicchā) là chướng ngại thứ năm.
Bốn chướng ngại khác là tham dục (kāmacchanda), oán ghét hay ác ý (vyāpāda), trạo cử và hối quá (uddhaccakukkucca) và hôm trầm, dã dượi (thīna - middha).

(Đa số những chú thích đều trích dẫn từ bản Kinh Pháp Cú của Đại đức Nārada Mahāthera, bản dịch của bác Pham Kim Khánh, năm 1971.)
.
XXII. Phẩm Ðịa Ngục



306. "Nói láo đọa địa ngục
Có làm nói không làm,
Cả hai chết đồng đẳng,
Làm người, nghiệp hạ liệt."

307. "Nhiều người khoác cà sa,
Ác hạnh không nhiếp phục.
Người ác, do ác hạnh,
Phải sanh cõi Ðịa ngục."

308. "Tốt hơn nuốt hòn sắt
Cháy đỏ như lửa hừng,
Hơn ác giới, buông lung
Ăn đồ ăn quốc độ."

309. "Bốn nạn chờ đợi người,
Phóng dật (1) theo vợ người;
Mắc họa, ngủ không yên,
Bị chê là thứ ba,
Ðọa địa ngục, thứ bốn."

310. "Mắc họa, đọa ác thú,
Bị hoảng sợ, ít vui.
Quốc vương phạt trọng hình.
Vậy chớ theo vợ người."

311. "Như cỏ sa vụng nắm,
Tất bị họa đứt tay
Hạnh Sa môn tà vạy,
Tất bị đọa địa ngục."

312. "Sống phóng đãng buông lung,
Theo giới cấm ô nhiễm,
Sống Phạm hạnh đáng nghi
Sao chứng được quả lớn?

313. "Cần phải làm, nên làm
Làm cùng tận khả năng
Xuất gia sống phóng đãng,
Chỉ tăng loạn bụi đời."

314. "Ác hạnh không nên làm,
Làm xong, chịu khổ lụy,
Thiện hạnh, ắt nên làm,
Làm xong, không ăn năn."

315. "Như thành ở biên thùy,
Trong ngoài đều phòng hộ
Cũng vậy, phòng hộ mình,
Sát na chớ buông lung.
Giây phút qua, sầu muộn.
Khi rơi vào địa ngục."

316. "Không đáng hổ, lại hổ.
Việc đáng hổ, lại không.
Do chấp nhận tà kiến (2),
Chúng sanh đi ác thú."

317. "Không đáng sợ, lại sợ,
Ðáng sợ, lại thấy không,
Do chấp nhận tà kiến.
Chúng sanh đi ác thú."

318. "Không lỗi, lại thấy lỗi,
Có lỗi, lại thấy không,
Do chấp nhận tà kiến,
Chúng sanh đi ác thú."

319. "Có lỗi, biết có lỗi,
Không lỗi, biết là không,
Do chấp nhận chánh kiến,
Chúng sanh đi cõi lành."

..........




Chú thích:

(1) Phóng dật: tâm không lưu ý, bất cẩn, uể oải lười nhác, vọng đọng, không được kềm chế, phóng túng.
(2) Tà kiến (wrong views): Cho rằng có linh hồn trường cửu (thường kiến) trong thân tâm, tức là ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức).
Không tin nhân quả. Cho rằng chết là hết -- đoạn kiến.
-
XXIII. Phẩm Voi


320. "Ta như voi giữa trận,
Hứng chịu cung tên rơi,
Chịu đựng mọi phỉ báng.
Ác giới rất nhiều người."

321. "Voi luyện, đưa dự hội,
Ngựa luyện, được vua cưỡi,
Người luyện, bậc tối thượng
Chịu đựng mọi phỉ báng."

322. "Tốt thay, con la thuần,
Thuần chủng loài ngựa Sin.
Ðại tượng, voi có ngà.
Tự điều mới tối thượng." (1)

323. "Chẳng phải loài cưỡi ấy,
Ðưa người đến Niết-Bàn,
Chỉ có người tự điều,
Ðến đích, nhờ điều phục."

324. "Con voi tên Tài Hộ,
Phát dục, khó điều phục,
Trói buộc, không ăn uống.
Voi nhớ đến rừng voi."

325. "Người ưa ngủ, ăn lớn,
Nằm lăn lóc qua lại,
Chẳng khác heo no bụng,
Kẻ ngu nhập thai mãi."

326. "Trước tâm này buông lung,
Chạy theo ái, dục, lạc.
Nay Ta chánh chế ngự,
Như cầm móc điều voi."

327. "Hãy vui không phóng dật,
Khéo phòng hộ tâm ý.
Kéo mình khỏi ác đạo,
Như voi bị sa lầy."

328. "Nếu được bạn hiền trí
Ðáng sống chung, hạnh lành,
Nhiếp phục mọi hiểm nguy
Hoan hỷ sống chánh niệm. (2)"

329. "Không gặp bạn hiền trí.
Ðáng sống chung, hạnh lành
Như vua bỏ nước bại,
Hãy sống riêng cô độc,
Như voi sống rừng voi."

330. "Tốt Hơn sống một mình,
Không kết bạn người ngu.
Ðộc thân, không ác hạnh
Sống vô tư vô lự,
Như voi sống rừng voi."

331. "Vui thay, bạn lúc cần!
Vui thay, sống biết đủ,
Vui thay, chết có đức!
Vui thay, mọi khổ đoạn."

332. "Vui thay, hiếu kính mẹ,
Vui thay, hiếu kính cha,
Vui thay, kính Sa môn,
Vui thay, kính Hiền Thánh."

333. "Vui thay, già có giới!
Vui thay, tín an trú!
Vui thay, được trí tuệ,
Vui thay, ác không làm."

..........




Chú thích:

(1) Tích chuyện ba câu kệ đầu mà Phật đã đọc lên: 320, 321, 322.

Một mệnh phụ phu nhơn trong triều, có ôm ấp mối hận thù đối với Ðức Phật, thuê người lăng mạ Ngài thậm tệ. Ðại đức A-Nan-Ða (Ananda) không chịu nổi, bạch với Ðức Phật, xin Ngài dời đi nơi khác. Nhưng Ðức Phật khuyên Ngài A-Nan-Ða (Ananda) nên thực hành pháp nhẫn nại và Ðức Phật tự ví như voi chiến lâm trận, bình thản vững tiến giữa lằn tên mũi đạn, sẵn sàng và thản nhiên hứng chịu những lời nguyền rủa.

(2) Chánh Niệm:

–- Chánh Niệm (samma+sati) =  right mindfulness.

-- Niệm (sati) không có nghĩa là ý nghĩ hay ý tưởng xuất hiện trong tâm trí. Niệm có nghĩa là sự nhớ, không quên ở hiện tại. Là sự thuần chú tâm trên đề mục ở giây phút hiện tại mà không có phê bình so sánh gì cả.
Trong khi Tưởng (trong Ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức) là nhớ lại những dấu hiệu, hay điều đã qua thuộc về quá khứ.

-- Chánh niệm được Phật Thích Ca giảng như sau trong Kinh Đại Niệm Xứ:

"Này các Tỷ kheo, ở đây vị Tỷ kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời;
sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời;
sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời;
sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời."

Như vậy tùy theo đặc tánh riêng của mỗi người mà chọn cho mình một đề mục thích hợp trong bốn đề mục: Thân, Thọ, Tâm, hoặc Pháp, mà không có đổi ý lăng xăng, hôm nay đề mục này, ngày mai đề mục khác; vì khi hiểu được bản chất vô thường, khổ, vô ngã của 1 Xứ, thì tự nhiên sẽ thấu hiểu được 3 Xứ còn lại.
-
XXIV. Phẩm Tham Ái


334. "Người sống đời phóng dật,
Ái tăng như giây leo.
Nhảy đời này đời khác,
Như vượn tham quả rừng."

335. "Ai sống trong đời này,
Bị ái dục buộc ràng
Sầu khổ sẽ tăng trưởng,
Như cỏ Bi gặp mưa."

336. "Ai sống trong đời này
Ái dục được hàng phục
Sầu rơi khỏi người ấy
Như giọt nước lá sen."

337. "Ðây điều lành Ta dạy,
Các người tụ họp đây.
Hãy nhổ tận gốc ái
Như nhổ gốc cỏ Bi.
Chớ để ma phá hoại,
Như giòng nước cỏ lau."

338. "Như cây bị chặt đốn,
Gốc chưa hại vẫn bền
Ái tùy miên chưa nhổ,
Khổ này vẫn sanh hoài."

339. "Ba mươi sáu dòng Ái (1),
Trôi người đốn khả ái.
Các tư tưởng tham ái (2).
Cuốn trôi người tà kiến."

340. "Dòng ái dục chảy khắp,
Như giây leo mọc tràn (3),
Thấy giây leo vừa sanh (4),
Với tuệ, hãy đoạn gốc."

341. "Người đời nhớ ái dục,
Ưa thích các hỷ lạc.
Tuy mong cầu an lạc,
Họ vẫn phải sanh già."

342. "Người bị ái buộc ràng,
Vùng vẫy và hoảng sợ,
Như thỏ bị sa lưới.
Họ sanh ái trói buộc (5),
Chịu khổ đau dài dài."

343. "Người bị ái buộc ràng,
Vùng vẫy và hoảng sợ,
Như thỏ bị sa lưới.
Do vậy vị tỷ kheo,
Mong cầu mình ly tham
Nên nhiếp phục ái dục."

344. "Lìa rừng lại hướng rừng
Thoát rừng chạy theo rừng.
Nên xem người như vậy,
Ðược thoát khỏi buộc ràng.
Lại chạy theo ràng buộc." (6)

345. "Sắt, cây, gai trói buộc
Người trí xem chưa bền.
Tham châu báu, trang sức
Tham vọng vợ và con."

346. "Người có trí nói rằng:
"Trói buộc này thật bền (7).
Rì kéo xuống, lún xuống,
Nhưng thật sự khó thoát.
Người trí cắt trừ nó,
Bỏ dục lạc, không màng."

347. "Người đắm say ái dục
Tự lao mình xuống dòng
Như nhện sa lưới dệt.
Người trí cắt trừ nó,
Bỏ mọi khổ, không màng."

348. "Bỏ quá, hiện, vị lai, (8)
Ðến bờ kia cuộc đời,
Ý giải thoát tất cả,
Chớ vướng lại sanh già."

349. "Người tà ý nhiếp phục,
Tham sắc bén nhìn tịnh,
Người ấy ái tăng trưởng,
Làm giây trói mình chặt."

350. "Ai vui, an tịnh ý,
Quán bất tịnh (9), thường niệm,
Người ấy sẽ diệt ái,
Cắt đứt Ma trói buộc."

351. "Ai tới đích, không sợ,
Ly ái, không nhiễm ô
Nhổ mũi tên sanh tử,
Thân này thân cuối cùng."

352. "Ái lìa, không chấp thủ.
Cú pháp khéo biện tài
Thấu suốt từ vô ngại,
Hiểu thứ lớp trước sau. (10)
Thân này thân cuối cùng
Vị như vậy được gọi,
Bậc Ðại trí, đại nhân."

353. "Ta hàng phục tất cả,
Ta rõ biết tất cả,
Không bị nhiễm pháp nào.
Ta từ bỏ tất cả
Ái diệt, tự giải thoát.
Ðã tự mình thắng trí,
Ta gọi ai thầy ta?"

354. "Pháp thí, thắng mọi thí!
Pháp vị, thắng mọi vị!
Pháp hỷ, thắng mọi hỷ!
Ái diệt, dứt mọi khổ!"

355. "Tài sản hại người ngu.
Không người tìm bờ kia
Kẻ ngu vì tham giàu,
Hại mình và hại người."

356. "Cỏ làm hại ruộng vườn,
Tham làm hại người đời.
Bố thí người ly tham,
Do vậy được quả lớn."

357. "Cỏ làm hại ruộng vườn,
Sân làm hại người đời.
Bố thí người ly sân,
Do vậy được quả lớn."

358. "Cỏ làm hại ruộng vườn,
Si làm hại người đời,
Bố thí người ly si,
Do vậy được quả lớn."

359. "Cỏ làm hại ruộng vườn,
Dục làm hại người đời.
Bố thí người ly dục,
Do vậy được quả lớn."

...........



Chú thích:

(1) Ái dục (crave): Tanhā (Phạn ngữ), có nghĩa luyến ái, khát khao, bám bíu. Có ba loại ái dục là:

a) ái dục đeo níu theo nhục dục ngũ trần (kāmataṇhā).

b) ái dục đeo níu theo những khoái lạc vật chất có liên quan đến chủ trương đoạn kiến hay tuyệt diệt, (vibhavataṇhā). Trong lúc hưởng, nghĩ rằng tất cả điều tiêu diệt sau khi chết - chết là hết.

c) Ái dục đeo níu theo khoái lạc vật chất có liên quan đến chủ trương thường kiến (bhavataṇhā) tức là, trong khi thọ hưởng, nghĩ rằng những khoái lạc này sẽ mãi mãi tồn tại, vĩnh cửu trường tồn.

Bhavataṇhā có khi được giải thích là sự luyến ái đeo níu theo Sắc Giới, và vibhavataṇhā là sự luyến ái đeo níu theo Vô Sắc Giới. Hai Phạn ngữ ấy thường được dịch là ái dục đeo níu theo sự sống, theo kiếp sinh tồn, và ái dục đeo níu theo sự không sống, không sinh tồn.

Có sáu loại ái dục liên quan đến sáu căn là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, và sáu loại liên quan đến sáu trần là sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.

Nếu tính có sáu ái dục liên quan đến lục căn và sáu, liên quan đến lục trần thì tất cả có mười hai. Nếu tính luôn ái dục trong quá khứ, hiện tại và tương lai thì có tất cả ba mươi sáu. Và nếu tính luôn cả ba loại ái dục kể trên thì có một trăm lẻ tám.

(2) Tư tưởng hỷ lạc - xuyên qua lục căn.
(3) Cây leo... đâm chồi - từ lục căn.
(4) Cây leo... bám vững - dính mắc theo lục trần.
(5) Trói buộc - có năm loại trói buộc (saṅga) là: tham ái, sân hận, si mê, ngã mạn và tà kiến.
(6) Trong câu này danh từ vana có hai nghĩa: rừng và ham muốn. Ở đoạn đầu, vana là ham muốn (đời sống tại gia) và cũng câu ấy, ở đoạn sau vana là rừng.
(7) Trói buộc của ái dục còn ngàn lần bền chắc hơn xiềng sắt, gỗ, dây gai.
(8) Tức là luyến ái ngũ uẩn trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
(9) Ðó là tham thiền về những ô trược của thể xác, hành giả nhờ hành đề mục này mà dứt bỏ dần lòng luyến ái đeo níu theo xác thân.
(10) Ngữ nguyên và danh từ - niruttipadakhovido, thông suốt bốn loại tri kiến phân tách (paṭismabhidā) là:
- ý nghĩa (attha),
- chính văn (dhamma),
- ngữ nguyên (nirutti),
- và sự thấu hiểu (paṭibhāa).

(11) Bốn câu kệ cuối: 356, 357, 358, 359. Ðức Phật giảng về quả phúc của người cúng dường đến bậc hoàn toàn Thanh Tịnh.
-
XXV. Phẩm Tỷ Kheo


360. "Lành thay, phòng hộ mắt!
Lành thay, phòng hộ tai.
Lành thay, phòng hộ mũi,
Lành thay, phòng hộ lưỡi."

361. "Lành thay,phòng hộ thân!
Lành thay, phòng hộ lời,
Lành thay, phòng hộ ý.
Lành thay, phòng tất cả. (1)
Tỷ kheo phòng tất cả.
Thoát được mọi khổ đau."

362. "Người chế ngự tay chân,
Chế ngự lời và đầu,
Vui thích nội thiền định.
Ðộc thân, biết vừa đủ,
Thật xứng gọi tỷ kheo."

363. "Tỷ kheo chế ngự miệng,
Vừa lời, không cống cao,
Khi trình bày pháp nghĩa,
Lời lẽ dịu ngọt ngào."

364. "Vị tỷ kheo thích pháp,
Mến pháp, suy tư Pháp.
Tâm tư niệm chánh Pháp,
Không rời bỏ chánh Pháp."

365. "Không khinh điều mình được,
Không ganh người khác được
Tỷ kheo ganh tị người,
Không sao chứng Thiền Ðịnh."

366. "Tỷ kheo dầu được ít,
Không khinh điều mình được,
Sống thanh tịnh không nhác,
Chư thiên khen vị này."

367. "Hoàn toàn, đối danh sắc,
Không chấp Ta, của Ta.
Không chấp, không sầu não.
Thật xứng danh Tỷ kheo."

368. "Tỷ kheo trú từ bi,
Tín thành giáo Pháp Phật,
Chứng cảnh giới tịch tỉnh.
Các hạnh an tịnh lạc."

369. "Tỷ kheo, tát thuyền này,
Thuyền không (2), nhẹ đi mau.
Trừ tham, diệt sân hận,
Tất chứng đạt Niết-Bàn."

370. "Ðoạn năm (3), từ bỏ năm (4)
Tụ tập năm (5) tối thượng
Tỷ kheo vượt năm ái (6)
Xứng danh "Vượt bộc lưu" (7).

371. "Tỷ kheo, hãy tu thiền,
Chớ buông lung phóng dật,
Tâm chớ đắm say dục,
Phóng dật, nuốt sắt nóng
Bị đốt, chớ than khổ!"

372. "Không trí tuệ, không thiền,
Không thiền, không trí tuệ (8).
Người có thiền có tuệ,
Nhất định gần Niết-Bàn."

373. "Bước vào ngôi nhà trống,
Tỷ kheo tâm an tịnh,
Thọ hưởng vui siêu nhân (9),
Tịnh quán theo chánh pháp."

374. "Người luôn luôn chánh niệm,
Sự sanh diệt các uẩn,
Ðược hoan hỷ, hân hoan,
Chỉ bậc bất tử biết."

375. "Ðây Tỷ kheo có trí,
Tụ tập pháp căn bản
Hộ căn, biết vừa đủ,
Giữ gìn căn bản giới,
Thường gần gũi bạn lành,
Sống thanh tịnh tinh cần."

376. "Giao thiệp khéo thân thiện,
Cử chỉ mực đoan trang.
Do vậy hưởng vui nhiều,
Sẽ dứt mọi khổ đau."

377. "Như hoa Vassikà,
Quăng bỏ cánh úa tàn,
Cũng vậy vị Tỷ kheo,
Hãy giải thoát tham sân."

378. "Thân tịnh, lời an tịnh,
An tịnh, khéo thiền tịnh.
Tỷ kheo bỏ thế vật,
Xứng danh "bậc tịch tịnh ".

379. "Tự mình chỉ trích mình,
Tự mình dò xét mình,
Tỷ kheo tự phòng hộ
Chánh niệm, trú an lạc."

380. "Tự mình y chỉ mình,
Tự mình đi đến mình,
Vậy hãy tự điều phục,
Như khách buôn ngựa hiền. (10)"

381. "Tỷ kheo nhiều hân hoan,
Tịnh tín giáo pháp Phật,
Chứng cảnh giới tịch tịnh,
Các hạnh an tịnh lạc."

382. "Tỷ kheo tuy tuổi nhỏ
Siêng tu giáo pháp Phật,
Soi sáng thế gian này,
Như trăng thoát khỏi mây."

.................................




Chú thích:

(1) Phật dạy về phòng hộ các căn:

"Ở đây, này các Tỷ-kheo, khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến con mắt không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên; Tỷ-kheo chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt. Khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc... ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên; Tỷ-kheo chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn."

(2) Chiếc thuyền trống rỗng - chiếc thuyền ví như thể xác này và nước trong thuyền là những tư tưởng xấu.
(3) Thân kiến (sakkāyadiṭṭhi), nghi (vicikichā), giới cấm thủ (sīlabbataparāmāsa), dục ái (kāmarāga: luyến ái Dục giới), sân hận (Paṭigha).
(4) Sắc ái (rūparāga), vô sắc ái (arūparāga), mạn (māna), trạo cử (phóng dật), vô minh (avijjā).
(5) Tín (saddhā), tấn (viriya), niệm (sati), định (samādhi), tuệ (paññā).
(6) 5 trói buộc: tham, sân, si, mạn, tà kiến.
(7) Bộc lưu: dòng nước lũ
(8) Người thiếu trí tuệ thì không định tâm, mà người thiếu tâm định cũng không có trí tuệ.
(9) Vượt lên khỏi các phỉ lạc của người trần thế: các bậc thiền định.
(10) Chính ta, quả thật vậy, là người bảo vệ ta. Ta, quả vậy, là nương tựa của ta. Vậy, hãy kềm chế lấy ta như thương khách kềm ngựa quý.
-
XXVI. Phẩm Bà-La-Môn


383. "Hỡi này Bà là môn (1),
Hãy tinh tấn đoạn dòng (2),
Từ bỏ các dục lạc,
Biết được hành đoạn diệt,
Người là bậc vô vi." (3)

384. "Nhờ thường trú hai pháp (4),
Ðến được bờ bên kia.
Bà-la-môn có trí,
Mọi kiết sử dứt sạch." (5)

385. "Không bờ này, bờ kia (6),
Cả hai bờ không có.
Lìa khổ, không trói buộc,
Ta gọi Bà-la-môn."

386. "Tu thiền, trú ly trần
Phận sự xong, vô lậu, (7)
Ðạt được đích tối thượng, (8)
Ta gọi Bà-la-môn."

387. "Mặt trời sáng ban ngày,
Mặt trăng sáng ban đêm.
Khí giới sáng Sát lỵ,
Thiền định sáng Phạm chí.
Còn hào quang đức Phật,
Chói sáng cả ngày đêm."

388. "Dứt ác gọi Phạm chí,
Tịnh hạnh gọi Sa môn,
Tự mình xuất cấu uế,
Nên gọi bậc xuất gia."

389. "Chớ có đập Phạm chí!
Phạm chí chớ đập lại!
Xấu thay đập Phạm chí
Ðập trả lại xấu hơn!"

390. "Ðối vị Bà-la-môn,
Ðây (9) không lợi ích nhỏ.
Khi ý không ái luyến,
Tâm hại được chận đứng,
Chỉ khi ấy khổ diệt,"

391. "Với người thân miệng ý,
Không làm các ác hạnh
Ba nghiệp được phòng hộ,
Ta gọi Bà-la-môn."

392. "Từ ai, biết chánh pháp
Bậc Chánh Giác thuyết giảng,
Hãy kính lễ vị ấy,
Như phạm chí chờ lửa."

393. "Ðược gọi Bà-la-môn,
Không vì đầu bện tóc,
Không chủng tộc, thọ sanh,
Ai thật chân, chánh (10), tịnh,
Mới gọi Bà-la-môn."

394. "Kẻ ngu, có ích gì
Bện tóc với da dê,
Nội tâm toàn phiền não,
Ngoài mặt đánh bóng suông."

395. "Người mặc áo đống rác,
Gầy ốm, lộ mạch gân,
Ðộc thân thiền trong rừng.
Ta gọi Bà-la-môn."

396. "Ta không gọi Phạm Chí,
Vì chỗ sanh, mẹ sanh.
Chỉ được gọi tên suông (11),
Nếu tâm còn phiền não.
Không phiền não, chấp trước,
Ta gọi Bà-la-môn."

397. "Ðoạn hết các kiết sử,
Không còn gì lo sợ
Không đắm trước buộc ràng
Ta gọi Bà-la-môn.

398. "Bỏ đai da, bỏ cương
Bỏ dây, đồ sở thuộc,
Bỏ then chốt (12), sáng suốt,
Ta gọi Bà-la-môn."

399. "Không ác ý, nhẫn chịu,
Phỉ báng, đánh, phạt hình,
Lấy nhẫn làm quân lực,
Ta gọi Bà-la-môn."

400. "Không hận, hết bổn phận,
Trì giới, không tham ái,
Nhiếp phục, thân cuối cùng,
Ta gọi Bà-la-môn."

401. "Như nước trên lá sen,
Như hột cải đầu kim,
Người không nhiễm ái dục,
Ta gọi Bà-la-môn."

402. "Ai tự trên đời này,
Giác khổ, diệt trừ khổ,
Bỏ gánh nặng (13), giải thoát,
Ta gọi Bà-la-môn."

403. "Người trí tuệ sâu xa,
Khéo biết đạo, phi đạo
Chứng đạt đích vô thượng,
Ta gọi Bà-la-môn."

404. "Không liên hệ cả hai,
Xuất gia và thế tục,
Sống độc thân, ít dục,
Ta gọi Bà-la-môn."

405. "Bỏ trượng, đối chúng sanh,
Yếu kém hay kiên cường,
Không giết, không bảo giết,
Ta gọi Bà-la-môn."

406. "Thân thiện giữa thù địch
Ôn hòa giữa hung hăng.
Không nhiễm, giữa nhiễm trước,
Ta gọi Bà-la-môn."

407. "Người bỏ rơi tham sân,
Không mạn không ganh tị,
Như hột cải đầu kim,
Ta gọi Bà-la-môn."

408. "Nói lên lời ôn hòa,
Lợi ích và chân thật,
Không mất lòng một ai,
Ta gọi Bà-la-môn."

409. "Ở đời, vật dài, ngắn,
Nhỏ, lớn, đẹp hay xấu
Phàm không cho không lấy,
Ta gọi Bà-la-môn."

410. "Người không có hy cầu (14),
Ðời này và đời sau,
Không hy cầu, giải thoát,
Ta gọi Bà-la-môn."

411. "Người không còn tham ái,
Có trí, không nghi hoặc,
Thể nhập vào bất tử,
Ta gọi Bà-la-môn."

412. "Người sống ở đời này
Không nhiễm cả thiện ác,
Không sầu, sạch không bụi
Ta gọi Bà-la-môn."

413. "Như trăng, sạch không uế
Sáng trong và tịnh lặng,
Hữu (15) ái, được đoạn tận,
Ta gọi Bà là môn."

414. "Vượt đường nguy hiểm này,
Nhiếp phục luân hồi, si (16),
Ðến bờ kia thiền định
Không dục ái, không nghi,
Không chấp trước, tịch tịnh,
Ta gọi Bà-la-môn."

415. "Ai ở đời, đoạn dục,
Bỏ nhà, sống xuất gia,
Dục hữu được đoạn tận,
Ta gọi Bà-la-môn."

416. "Ai ở đời đoạn ái
Bỏ nhà, sống xuất gia,
Ái hữu được đoạn tận,
Ta gọi Bà-la-môn."

417. "Bỏ trói buộc loài người,
Vượt trói buộc cõi trời.
Giải thoát mọi buộc ràng,
Ta gọi Bà-la-môn."

418. "Bỏ điều ưa, điều ghét,
Mát lạnh, diệt sanh y
Bậc anh hùng chiến thắng,
Nhiếp phục mọi thế giới (17),
Ta gọi Bà-la-môn."

419. "Ai hiểu rõ hoàn toàn
Sanh tử các chúng sanh,
Không nhiễm, khéo vượt qua,
Sáng suốt chân giác ngộ,
Ta gọi Bà-la-môn."

420. "Với ai, loài trời, người
Cùng với Càn thát bà (18),
Không biết chỗ thọ sanh
Lậu tận bậc La hán.
Ta gọi Bà-la-môn."

421. "Ai quá, hiện, vị lai
Không một sở hữu gì,
Không sở hữu không nắm,
Ta gọi Bà-la-môn."

422. "Bậc trâu chúa (19), thù thắng
Bậc anh hùng, đại sĩ,
Bậc chiến thắng, không nhiễm,
Bậc tẩy sạch, giác ngộ,
Ta gọi Bà-la-môn."

423. "Ai biết được đời trước,
Thấy thiên giới, đọa xứ,
Ðạt được sanh diệt tận
Thắng trí, tự viên thành
Bậc mâu ni đạo sĩ.
Viên mãn mọi thành tựu
Ta gọi Bà-la-môn."

-ooOoo-

HẾT



.....................................




Chú thích:

(1) Bà-La-Môn - brāhmaṇa, thường được dùng như một danh từ có có tánh cách chủng tộc, chỉ một giai cấp chủng tộc, nhưng ở đây Bà-La-Môn là một vị Phật hay A-La-Hán khi mà họ có tâm tánh, hành động và tu tập như Phật Thích Ca nói trong Phẩm Bà La Môn này.

(2) Dòng - sotaṁ, là dòng ái dục.

(3) Bậc Vô vi (Knower-of-the-Uncreated): Người đạt được trạng thái Vô Tạo - là Niết-bàn, vì không có ai, không có cái gì tạo nên Niết-bàn. Niết-bàn là vô lậu, phát sanh không do nhân, bất tùy thế.

(4) Hai trạng thái: là tâm định, tức là thiền chỉ (samatha) và tuệ minh sát, thiền quán (vipassanā).

(5) Kiết sử (phiền não trói buộc): Có 5 hạ phần kiết sử, và 5 thượng phần kiết sử.

(6) Tức là 6 Nội xứ và 6 Ngoại xứ.
- Bờ bên này - pāraṁ, là lục căn: Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý.
- Bờ bên kia - apāraṁ, là lục trần: Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp.
Bên nầy và bên kia - không luyến ái điều gì như, "Ta" và "Của Ta".

(7) Thoát ly hoặc lậu - bằng cách chứng ngộ Tứ Ðế và tận diệt thằng thúc (kiết sử).
(8) Đích tối thượng là Niết Bàn.
(9) Sự trả đủa, trả thù.
(10) Chánh hạnh - danh từ Dhamma, ở đây chỉ chín trạng thái siêu thế: Bốn Ðạo, bốn Quả, và Niết-bàn.

(11) Bhovādi - Bho: là một hình thức xưng hô thông thường mà chính Ðức Phật cũng thường dùng khi nói chuyện với người cư sĩ, thiện tín. Bhovādi: có nghĩa là người đối thoại thân mến.

(12) -- Đai da: Hận. – Bỏ cương: Ái. – Bỏ dây: Tà kiến. – Đồ sở thuộc: Tùy miên. – Then chốt: Vô minh.

(13) Gánh nặng - là gánh nặng của ngũ uẩn.
(14) Hy cầu (longing): ao ước, mong cầu.
(15) Ðể trở thành - tức Hữu (bhava), một trong 12 nhân duyên. Ái dẫn đến Thủ và Hữu.
(16) Si mê - những gì che lấp, không cho ta thấy Tứ Diệu Ðế.
(17) Thế giới - đó là thế gian ngũ uẩn.
(18) Gandhabba: Càn-Thác-Bà, là một hạng chúng sanh ở cảnh Trời.
(19) Vô úy - usabhaṁ là con trâu cổ. Ý nói người vô úy, không sợ sệt, giống như con trâu cổ.

.
Pages: 1 2