2017-12-28, 11:13 PM
Chú giải Kinh Kalama
Do Thiền sư Sayadaw U. Jotika giảng
Người dịch: Sư Tâm
[/url]Xin chào tất cả mọi người. Lại một ngày nữa dành cho những người mới thực hành. Mỗi khi tôi nói chuyện, hay nghĩ về một bài nói chuyện hay bất cứ sự hướng dẫn nào cho những người mới tập thiền, tôi đều cố gắng nghĩ lại những ngày xa xưa, từ rất rất lâu trước kia, khi tôi sống ở Miến Điện và mới bắt đầu bước chân vào đạo, chập chững tập hành thiền. Bởi vì các bạn biết đấy, điều đó rất quan trọng. Có lần tôi đọc được một bài thơ của một thiền sư Nhật Bản, nó nhắc nhở tôi sự quan trọng phải nghĩ lại những thời xa xưa ấy mình đã như thế nào. Bài thơ có một câu như sau: “Đã có lần tôi còn trẻ, từ lâu thật lâu trước kia”. Vì vậy, nếu tôi nói chuyện với các bạn từ thực tế hiện tại của tôi bây giờ, thì rất có thể tôi sẽ không hiểu được những khó khăn của các bạn – những người mới bước chân vào thiền. Một câu thơ đã nhắc nhở tôi điều đó.
Mấy ngày trước, tôi đã nghĩ lại những ngày mình mới chập chững tập thiền, học đạo. Và ngay cả bây giờ, về một mặt nào đó, tôi vẫn còn là một người mới. Cuộc hành trình vẫn chưa kết thúc. Tôi đã đi được một đoạn đường dài, nhưng vẫn còn cả một đoạn đường dài trước mắt nữa… Khi còn trẻ, tôi luôn cố gắng khám phá và tìm hiểu mọi thứ: tư tưởng, triết học, tôn giáo… và đọc rất nhiều sách. Tình cờ, có một lần tôi đọc qua một cuốn sách mỏng. Tôi không nhớ là mình có cuốn sách đó từ đâu, có thể từ một hiệu sách nào đấy. Nó rất rẻ, chỉ 1 Kyat tiền Miến Điện, ngày đó chừng khoảng 20 xu bây giờ. Tôi đọc nó, và cuốn sách ấy đã thực sự khiến tôi bị sốc. Nó giống như một cơn động đất vậy. Và sau khi đọc xong, tôi không thể đợi thêm chút nào được nữa, có cơ hội, một ngày nghỉ tôi đã cầm theo cuốn sách ấy và đi lên núi. Mỗi khi có một việc gì đó thật quan trọng, thật sâu sắc cần suy nghĩ, tôi đi lên núi, một nơi rất yên tĩnh và bình yên, cách xa thành phố. Điều đó rất quan trọng. Một khoảng cách tách biệt như thế là rất quan trọng. Môi trường và hoàn cảnh xung quanh ảnh hưởng đến suy nghĩ của bạn rất nhiều. Khi bạn đi xa đến một nơi thật yên tĩnh và bình yên, nơi không có cái gì liên quan đến con người, chỉ có thiên nhiên, cây cối… nhất định bạn sẽ cảm thấy vô cùng khác biệt. Vì vậy tôi đi đến nơi đó, trên núi cao, và đọc lại cuốn sách ấy thật chậm, từng câu từng chữ một, bằng cả hai thứ tiếng: tiếng Anh và tiếng Miến Điện, vô cùng thú vị. Tôi đọc bản tiếng Miến và rồi đọc lại bản tiếng Anh. Về sau tôi tìm thấy bản gốc trong kinh điển Pali, kinh nguyên thuỷ, đọc lại nó nhiều lần và còn dịch lại lần nữa, bởi vì tôi nhận ra bản dịch đầu tiên tuy không tồi, nhưng không chính xác lắm.
Tôi đã dịch bài kinh đó với sư U Dhammadina vào năm 1985, không lâu lắm, mới 12 năm trước, bởi vì tôi rất thích bài kinh này, và đến giờ tôi vẫn còn thích. Và đây là bản dịch của bài kinh ấy. Bạn có thể băn khoăn: “Đó là bài kinh gì nhỉ? Tại sao ngài kể về nó nhiều thế mà chẳng nói tên”. Hãy để các bạn nghi ngờ và tự tìm hiểu. Bạn hãy đợi, đúng rồi hãy đợi đã.
Khi tôi kể về bài kinh này với một người bạn, vốn cũng là một người tự do về tư tưởng, người có tư tưởng tự do nghĩa là không phải là thành viên của một hiệp hội tôn giáo nào. Anh ấy thực sự là người đi tìm hiểu và phát hiện. Khi tôi nói với anh ấy về bài kinh này, anh ấy nói: tôi đã trở thành một người Phật tử, và điều đó chỉ tốn 20 xu. Và anh ấy kể cho tôi một câu chuyện y hệt như của tôi. Một ngày, khi anh ấy đang đi bộ ở Yangon, ở vỉa hè bên lề đường, người ta bầy bán những cuốn sách cũ, có rất nhiều sách cũ và anh ngồi xuống chọn xem có cuốn nào hay không để đọc. Và anh tìm thấy cuốn sách mỏng này, mua với giá 20 xu – tiền Miến Điện khoảng 1 Kyat. Và anh nói, sau khi đọc xong cuốn sách đó, anh đã theo đạo Phật. Để trở thành một Phật tử, bạn không cần một nghi lễ nào hết, không cần phải có một tu sỹ đứng ra làm lễ để biến bạn thành một Phật tử. Nếu bạn thích những lời dạy của Đức Phật và thực hành nó, thế là đủ. Không một nghi lễ nào, không một quyền lực nào có thể biến bạn thành một Phật tử. Bạn không cần điều đó. Rất nhiều tự do, bạn thấy đấy.
Cuốn sách đó nói gì? Nếu bạn dành cho tôi đủ thời gian, tôi thực sự muốn kể thêm về nó. Đó là một bài kinh ngắn, thực ra chỉ vài trang. Mỗi khi đến đây nói chuyện, tôi luôn có hai khó khăn. Một là phải nói tiếng Anh, và hai là không có đủ thời gian. Tôi có thời gian, nhưng tôi muốn hỏi các bạn: “Các bạn có thời gian không? Có thể nghe tôi nói khoảng 1 tiếng rưỡi không?” Bởi vì, thực ra đó là thời gian của các bạn. Tôi đến đây vì các bạn. Các bạn đến đây để nghe một bài Pháp về thiền và để hành thiền. Vì vậy, tôi sẵn lòng ở lại đây chừng nào các bạn cần. Và nếu các bạn cho phép tôi nói khoảng 1 tiếng rưỡi, tôi sẽ nói về bài kinh này một cách chi tiết. Bởi vì có thể tôi sẽ không có cơ hội để nói với các bạn về chủ đề này một lần nữa, một chủ đề rất quan trọng và thú vị. Vì vậy, xin hãy kiên nhẫn, nếu các bạn phải đi thì cũng OK.
Bài kinh này, trong tiếng Pali gọi là Kalama sutta. Tôi tin rằng nhiều người trong số các bạn đã từng đọc qua nó. Nhưng điều rất quan trọng là các bạn hãy đọc lại bài kinh này nhiều lần và hãy suy nghĩ sâu sắc. Và hãy ứng dụng tinh thần của bài kinh này trong những hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống, tìm ra những ý nghĩa sâu sắc hơn của nó, cách mình hiểu và vận dụng nó như thế nào. Thực ra chỉ đọc, chỉ nghe một ý tưởng thì không đủ, điều quan trọng là phải sống với nó, cảm nhận nó – sống với nó, điều đó rất quan trọng. Nếu bạn sống với nó, nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn, nó sẽ làm thay đổi cuộc đời bạn.
Tôi muốn đọc qua một vài câu quan trọng, diễn giải và thảo luận về ý nghĩa của nó cùng các bạn, bởi vì đối với những người mới, mà không chỉ những người mới mà bất cứ ai đi tìm chân lý, tìm kiếm con đường đúng đắn, cũng cần phải biết điều này. Đây là lời chỉ dẫn mà Đức Phật đã đem đến cho bất cứ người nào hữu duyên.
Phần mở đầu, cũng như thường lệ, ngài Ananda tường thuật lại. “Như vậy tôi nghe”. Ngài Ananda nghe bài Pháp này từ Đức Phật, bởi vì Ngài và Đức Phật đã có thoả thuận với nhau trước đó. Khi ngài Ananda xin Đức Phật ban cho một số ân huệ, Ngài đã xin, mỗi khi Đức Thế Tôn thuyết bài Pháp nào ở đâu, nếu như lúc đó con không có mặt, xin Đức Thế Tôn hãy nói lại cho con nghe bài Pháp đó. Đức Phật đồng ý với đề nghị đó. Mỗi khi Ngài đi thuyết pháp ở đâu đó, khi về bao giờ Ngài cũng nói lại cho Ngài Ananda: “này Ananda, Như Lai đã thuyết như vầy…”. Đức Phật và ngài Ananda vốn là hai anh em họ, hai anh em rất yêu thương nhau. Mối quan hệ của hai người thật vô cùng đẹp. Cách hai người hiểu nhau, sống với nhau, sự tôn kính và tình thương đối với nhau đã dạy cho chúng ta, dạy cho bản thân tôi cách quan hệ với người khác như thế nào. Có rất nhiều điều chúng ta có thể rút ra từ trong kinh điển Pali và thực sự áp dụng được trong cuộc sống, nhưng chúng ta sẽ nói đến điều đó sau này. Tôi chỉ còn một giờ để nói tiếp.
Đoạn mở đầu của bài kinh như sau:
Quote:[i]Như vậy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn đang đi du hành giữa dân chúng Kosala, cùng với đại chúng Tỳ-khưu, đi đến Kesaputta, thị trấn của người Kalama.
Những người Kalama ở Kesaputta được nghe: “Sa-môn Gotama là con trai dòng họ Thích Ca, xuất gia từ dòng họ Thích ca đã đến Kesaputta. Tiếng đồn tốt đẹp như sau được truyền đi về Sa-môn Gotama: Ngài là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Sau khi tự mình chứng ngộ, Ngài đã giảng dạy cho chư thiên và loài người, hàng tu sĩ và cư sĩ, vua chúa cùng thường dân, Ngài đã thuyết giảng Giáo Pháp toàn hảo từ chặng đầu, chặng giữa, cho đến chặng cuối; Ngài đã giảng dạy đời sống phạm hạnh chi tiết và rõ ràng, toàn hảo, hoàn toàn tinh khiết. Lành thay, nếu chúng ta được yết kiến một bậc xứng đáng được cúng dường như vậy”[/i]
Trong bài kinh này, một thời khi Đức Thế Tôn du hành ở trong xứ Kosala (Kosala là một vùng, tương đương với một bang, thực ra là một nước lớn ở tiểu lục địa Ấn Độ), cùng với một hội chúng Tỳ Khưu[1] đông đảo, và đến một thị trấn buôn bán của người Kalama gọi là Kesaputta. Thị trấn đó gọi là Kesaputta, nhưng người sống ở đó được gọi là người Kalama. Kalama là tên của dòng họ, một dòng họ lớn nơi đó. Người Kalama ở Kesaputta nghe rằng vị ẩn sĩ Gottama, con trai của vua Tịnh Phạn, người ta gọi ngài là bậc ẩn sĩ, đã xuất gia và du hành đến Kesaputta. Ẩn sĩ Gottama, người có danh tiếng truyền xa như sau: Đức Thế Tôn là người đã đoạn diệt mọi phiền não, là bậc xứng đáng được cung kính, cúng dường – Ngài là bậc A-la-hán. Ngài đã tự mình chứng ngộ được sự giác ngộ hoàn toàn… Ngài đã tự mình giác ngộ, không thầy chỉ dạy, đó là điều rất quan trọng – Chánh Đẳng Giác.
Ngài là người có trí tuệ và đức hạnh hoàn hảo – Minh Hạnh Túc. Bạn thấy đấy, cả hai trí tuệ và đức hạnh cùng với nhau – đó là điều quan trọng. Hầu hết mọi người nghĩ rằng chỉ có trí tuệ mới thực sự là quan trọng, còn đức hạnh thì không đáng kể gì. Không phải như thế, cả hai phải đi đôi với nhau. Trí tuệ và đức hạnh. Người không có giới hạnh không phải là người trí tuệ, dù người ấy có hiểu biết nhiều đến bao nhiêu. Một tiêu chí hay một cách để xác định xem một người có trí tuệ hay không là hãy nhìn vào hành động, cách sống của người ấy. Xem họ có tự gây hại cho chính mình và gây hại cho người khác hay không.
Đức Thế Tôn là bậc Thiện Thệ bởi vì Ngài chỉ nói những lời có lợi ích và chân thật – một điều rất quan trọng. Bạn không nên nói những lời vô ích. Có rất nhiều thứ chúng ta biết, nhưng chẳng có ích lợi, vì vậy điều quan trọng là chỉ nên nói những gì có lợi ích và đúng sự thật.
Đức Thế Tôn là bậc Thế Gian Giải, bậc hiểu biết thế gian. Đây là bản dịch của chúng tôi từ nguyên bản Pali. Ngài là bậc hiểu biết thế gian, hiểu biết con người, và hiểu biết cả môi trường nữa. Chữ thế gian có rất nhiều nghĩa: thế giới của các chúng sinh, thế giới của cảm xúc, tâm thức, thế giới vũ trụ và các hành tinh. Ngài là người hiểu biết thế gian theo tất cả các nghĩa đó. Ngài hiểu biết tất cả.
Đức Thế Tôn là người giáo hoá vô thượng của những con người thích hợp để giáo hoá – Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu. Những người thích hợp để dạy dỗ, Ngài có thể dạy họ. Điều này rất quan trọng. Nếu bạn không phải là người thích hợp để dạy dỗ (không có duyên với đạo), không ai có thể dạy được bạn hết. Ở trong kinh điển Pali có rất nhiều trường hợp, tôi thấy mọi người đến với Đức Phật và nói chuyện với Ngài, và Đức Phật nhận thấy người này không thích hợp để dạy dỗ. Họ hỏi Ngài những câu hỏi, và Ngài cho họ câu trả lời, nhưng họ không hiểu được ý nghĩa. Nếu chúng ta sẵn sàng để học hỏi thì sẽ có người đến giúp chúng ta – với điều kiện chúng ta là phải người thích hợp để dạy dỗ. Đức Phật không dạy tất cả mọi người. Đây là điều quan trọng cần phải biết.
Đức Thế Tôn là bậc thầy của chư thiên và nhân loại – Thiên Nhân Sư. Ngài là một con người giác ngộ – Phật. Ngài là người sở hữu nghiệp báo của vô số hành động thiện lành đã gieo tạo trong bao nhiêu kiếp quá khứ, là người xứng đáng được tôn kính nhất thế gian – Thế Tôn.
Đức Thế Tôn, sau khi tự mình chứng ngộ chân lý và thắng trí, đã tuyên bố giáo pháp và con đường diệt khổ ấy đến thế gian bao gồm cả chư thiên, phạm thiên, vua chúa và bình dân, các hội chúng tu sĩ và cư sĩ… Ngài giảng dạy giáo pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa và toàn hảo ở đoạn cuối, hoàn hảo cả về ý nghĩa và câu chữ, và Ngài đã sống một cuộc đời hoàn toàn thanh tịnh. Một cuộc đời hoàn toàn thanh tịnh. Thực sự, được gặp một bậc A-la-hán như vậy là một điều vô cùng ích lợi. Được gặp một con người như vậy quả thực là lợi ích khó được. Điều này rất quan trọng.
Cái khơi dậy nhiệt tâm thực hành thiền của tôi là những con người tôi đã được gặp khi còn trẻ, họ hành thiền và rất bình an, tĩnh lặng, thật ân cần, rộng rãi, nhân hậu và từ bi. Một số người trong họ là cư sĩ, một số là các nhà sư. Gặp gỡ những người như thế quả thực đã làm thay đổi cả cuộc đời tôi.
Quote:Cách tốt nhất để học pháp là từ một người đang sống với pháp.
Đó là cách tốt nhất, nhưng nếu bạn không thể tìm được những người như thế thì bạn vẫn có thể học Pháp nhờ đọc sách vở, kinh điển và nghe thuyết Pháp.
Còn tiếp
[url=https://saigonmeditationproject.org/2016/08/05/dien-giai-kinh-kalama-cua-thien-su-sayadaw-u-jotika/]https://saigonmeditationproject.org/2016/08/05/dien-giai-kinh-kalama-cua-thien-su-sayadaw-u-jotika/