2017-12-28, 12:02 PM
Luật Tài Sản – Bài 1
LyLy Nguyễn, ESQ
JD, LLM
Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo di chúc và tín mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Luật Sư LyLy Nguyễn được chứng nhận hành nghề tại Supreme Court of California, United States District Court, United States Court of Appeals for the Ninth Circuit và United States Tax Court. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080. website: http://www.lylylaw.com
Như đã trình bày trong bài mở đầu trên báo Người Việt tuần trước, luật pháp Hoa kỳ chia ra làm hai loại chính là dân luật và hình luật. Dân luật (civil law) thường được gọi cho những luật áp dụng trong việc tranh tụng giữa tư nhân bao gồm những vấn đề như giao kèo, quyền sở hữu tài sản, hay là sự bồi thường thiệt hại cho một cá nhân khi bị gây thương tích. Những vấn đề này thường liên can đến hai bên nguyên đơn và bị can, nhưng đôi khi chính tiểu bang cũng có thể là một bên nếu có giao kèo hay liên quan đến chuyện gây ra thương tích. Ngược lại hình luật (criminal law) áp dụng cho các hành vi đã được qui định là tội ác cho những kẻ gây nguy hiểm cho xã hội thông thường do công tố viên của liên bang hay tiểu bang khởi tố để xin tòa trừng trị những bị cáo phạm luật.
Chúng tôi dành ưu tiên cho mục tìm hiểu luật pháp này với phần dân luật vốn là những luật có liên hệ trực tiếp đến mọi người trong cộng đồng Việt Nam trong cuộc sống hàng ngày, và xin mở đầu với luật tài sản vốn là một đề tài rất thông dụng cho quí độc giả vì tài sản là mồ hôi nước mắt của một đời người tận tụy làm ăn và chắt bóp dành dụm mới tạo ra được. Một thí dụ thiết thực là nhiều đồng bào muốn phân chia tài sản cho thân nhân theo đúng ý nguyện sau khi qua đời nhưng không biết làm giấy tờ hợp pháp, sau này việc phân chia bị tiểu bang xen vào nên cuối cùng vừa tốn thời giờ, tiền bạc trong việc tranh tụng hay kiểm sát của tiểu bang mà con cháu cũng không được thừa hưởng theo đúng ý nguyện của người quá vãng. Ngoài ra cũng có nhiều người hiểu lầm rằng nếu chết mà không có di chúc sẽ bị tiểu bang lấy hết tài sản của mình không đến tay thân nhân. Thực ra điều đó không đúng vì tiểu bang sẽ không lấy tài sản của quý vị, nhưng việc phân chia sẽ phải qua nhiều thủ tục truy xét rắc rối kéo dài thời gian chờ đợi rất lâu, có khi cả năm nếu họ không tìm được người thừa kế hợp pháp thì tiểu bang có thể chia cho các hội thiện nguyện hay nhà thờ mà không đúng theo ý muốn của người chết.
Chúng tôi xin bắt đầu bài tìm hiểu luật hôm nay với một thủ tục chính trong luật tài sản là lập dự định tài sản (estate planning). Vì lý do chưa có những danh từ tiêu chuẩn Việt Nam về luật tại Hoa Kỳ nên chúng tôi xin mạn phép được ghi chú bên cạnh bằng Anh ngữ để được rõ ràng hơn. Dĩ nhiên những điều luật dẫn chứng ở đây đểu thuộc luật hiện hành của tiểu bang California.
Lập dự định tài sản (estate planning) là một thủ tục liên quan đến nhân sự như thân nhân, mọi cá nhân hay hội đoàn từ thiện do chính mình lựa chọn, và cũng liên quan đến tài sản của của người ấy dưới mọi hình thức.
Khi lập dự định tài sản quí vị phải lưu ý đến việc:
-Dự trù tài sản để lại ra sao cho có lợi cho mình nếu không tự làm lấy được.
-Dự trù chuyển toàn bộ hay một phần tài sản cho người khác mình lúc còn sống, lúc lâm chung, hay sau khi qua đời.
-Dự trù tài sản sẽ được để lại cho ai, để lại những gì, toàn bộ hay từng phần.
Lập dự định tài sản cũng kể đến các việc săn sóc và cung ứng nhu cầu cho quí vị cũng như việc trông nom sức khỏe một khi bị đau yếu không tự lo lấy được cho mình. Thông thường khi nói đến lập dự định tài sản quí vị sẽ nghĩ giản dị là chỉ cần lập di chúc. Thực ra việc này rất phức tạp không những với sự hoạch định tất cả mọi vấn đề tài chánh, thuế vụ, mà còn cả việc chăm sóc y tế, và quản trị nghiệp vụ dang làm ăn buôn bán. Di chúc chỉ là một phần của việc dự trù điều hành tài sản và còn cần rất nhiều giấy tờ khác để hoạch định toàn bộ về tài sản sau này khi qua đời.
Quí độc giả cũng nên để ý tới những người liên hệ đến việc ủy nhiệm vào việc quản trị và điều hành tài sản bằng cách tự hỏi những câu hỏi sau đây trước khi bắt đầu việc lập dự định tài sản:
-Tài sản nào là của mình và có trị giá bao nhiêu?
-Muốn để lại tài sản đó cho ai và vào lúc nào?
-Ai sẽ quán xuyến điều hành những tài sản đó nếu mình không thể trông coi gìn giữ được trong lúc còn sống cũng như sau khi chết?
-Ai sẽ trách nhiệm chăm sóc con cái của quí vị còn vị thành niên một khi mình bị tàn phế hay qua đời?
-Nếu mình không tự lo cho chính mình được thì ai sẽ là người thay mặt để quyết định việc săn sóc và đem các điều lợi cho mình?
Để đáp ứng được các câu hỏi trên quí vị nên tìm một luật sư chuyên môn về luật tài sản mà tham khảo ý kiến trong việc thiết lập những văn kiện cần thiết trong việc quản trị và điều hành tài sản cho mình.
Như vậy thì những ai phải cần đến việc lập dự định tài sản? Câu trả lời là quí vị nên chỉ định người quản trị cho tất cả tài sản với bất cứ cỡ nào và săn sóc cho mình trong trường hợp bị mất năng lực, kể cả thẩm quyền thay mặt quyết định về việc chăm lo sức khỏe cho mình. Nếu chỉ có tài sản nhỏ thì chỉ nên để ý đến chuyện ai sẽ được thừa hưởng và ai sẽ trách nhiệm việc điều hành và phân phối. Nếu tài sản lớn hơn, nên hội ý với luật sư để thảo luận không những về việc chỉ định ai sẽ thừa hưởng và vào lúc nào, mà còn bàn đến nhiều cách bảo toàn tài sản cho người thừa kế và giảm thiểu hoặc trì hoãn thuế đánh trên tài sản đó mà mình phải trả lúc chết.
Nếu lúc chết một người không lập dự định tài sản nào hợp pháp thì luật của tiểu bang California có điều khoản cho phép tòa án tự động chỉ định một người để trách nhiệm săn sóc và điều hành tài sản cho người ấy. Luật lệ của California cũng ấn định việc phân phối tài sản do một người đứng tên và chia lại cho tất cả thân quyến gần xa liệt kê theo luật định trong trường hợp người ấy không có di chúc lúc qua đời. Do đó cần phải lập di chúc để tránh trường hợp để lại cho người thừa hưởng không phải mình muốn hay có sự tranh chấp giữa các người được chia.
Trong thủ tục dự trù tài sản còn có một văn kiện gọi là tín mục (living trust). Đó là một văn kiện hợp đồng giữa người lập ra văn bản ấy với một cá nhân hoặc một cơ sở được ủy nhiệm điều hành tài sản dưới danh nghĩa một ban quản trị được tín nhiệm (the trustee). Ngoài ra còn có thủ tục kiểm sát/thanh toán tài sản (probate) là một thủ tục thi hành di chúc dưới sự giám sát của tòa án theo luật lệ của tiểu bang California với mục tiêu chuyển tất cả tài sản của người chủ tài sản khi qua đời, để sang tay người được thừa hưởng đã được xếp đặt trong di chúc theo đúng ý muốn của người ấy. Chúng tôi sẽ đề cập đến các thủ tục này một cách chi tiết hơn trong tuần tới.
Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) để giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi, và không thể coi như sự cố vấn của một luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên hệ đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.
Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708, điện thoại: (714) 531-7080, website:lylylaw.com.
nguoivietonline.com