2024-04-06, 04:15 PM
NGUYỄN TRÃI, OAN NGHIỆT CUỘC TÌNH
Trong lịch sử Danh Nhân & Văn Học Việt Nam, Nguyễn Trãi (1380-1442), đệ nhất Khai Quốc Công thần đời nhà Lê (1428-1527); nhà chính trị, quân sự lỗi lạc; nhà văn, nhà thơ tài hoa, đã xả thân và cống hiến cả cuộc đời cho đại cuộc và Tổ Quốc. Nhiều binh chủng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa dựa vào các nhân vật lịch sử để tôn vinh thánh tổ, Nguyễn Trãi là thánh tổ của ngành Chiến Tranh Chính Trị. Năm 1980 Nguyễn Trãi được thừa nhận danh nhân văn hóa thế giới của Tổ Chức Văn Hóa Khoa Học và Giáo Dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO).
Hình ảnh “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” trong 10 năm nằm gai nếm mật, kéo cờ khởi nghĩa để chống quân xâm lược nhà Minh, lập nên cơ nghiệp nhà Lê, đánh dấu trang sử oai hùng của dân tộc.
Ngày 29-4-1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế. Lê Lợi cử Nguyễn Trãi soạn thảo tuyên cáo quốc dân. Bình Ngô Đại Cáo ra đời. Theo giáo sư sử học Phạm Cao Dương “Toàn bộ bài cáo đã được coi nhu một bản hùng văn hiếm có trong văn học dân tộc, đồng thời cũng là một bản Tuyên Ngôn Độc Lập lần thứ hai, sau bài Nam Quốc Sơn Hà Nam của thời nhà Lý, hồi Lý Thường Kiệt phá quân nhà Tống.”
Bình Ngô Đại Cáo là một áng hùng văn bất hủ được viết bằng Hán văn, với bút pháp linh động, tài tình. Một kiệt tác có giá trị cả ý nghĩa đến lời văn. Bản “Thiên cổ hùng ca” rất gẫy gọn, với 4 trang giấy viết, nhưng đã gói ghém cả khung cảnh và chiều dài lịch sử của cuộc kháng chiến từ lúc đầu khởi sự đến ngày chiến thắng vinh quang. Có tài liệu cho rằng Bình Ngô Đại Cáo là ý của Lê Lợi gợi cho Nguyễn Trãi viết vì trong bài có 10 lần chữ “ta” chỉ dành cho nhà vua vì vậy Nguyễn Trãi thay mặt nhà vua để viết ra Bình Ngô Đại Cáo. Bình Ngô Đại Cáo được giảng dạy ở học đường.
Thế nhưng, trong ánh hào quang đó, Nguyễn Trãi đã trải qua bao giai đoạn thăng trầm, điêu linh trong ba triều đại – Lê Thái Tổ (1428-1433), Lê Thái Tông (1434-1442), Lê Nhân Tông (1443-1459) – diễn biến dồn dập của lịch sử. Sống giữa thời kỳ đó, xã hội xáo trộn bởi bè phái và tranh giành quyền lực, hiềm khích và vây cánh để tôn thờ quân vương… Nguyễn Trãi nhận lãnh bản án thảm khốc: Tru di Tam tộc, nhưng tài năng và đức độ của bậc chính nhân quân tử đã có ảnh hưởng quan trọng, vì thế Nguyễn Trãi chết đi nhưng không bị mai một. Vua Lê Thánh Tôn (1460-1497) vị vua minh quân nhận biết được thiên tài và tấm lòng Nguyễn Trãi với sự tồn vong của đất nước, cởi nỗi oan khiên, truy phong chức tước, tên tuổi của Nguyễn Trãi được lưu truyền hậu thế.
Hiện nay, con cháu Nguyễn Trãi được tồn tại đến đời thứ 18, và làng Nhị Khê vẫn còn giữ đươc di tích lịch sử: đền thờ Nguyễn Trãi. Gian chính giữa đền thờ nổi bật những chữ: “Bình Ngô Khai Quốc, Tuế, Thanh, Cao, Quang, Khuê, Tảo,” với hai câu đối:
“Mưu vương tướng lược, tranh thiên hạ
Ưu quốc thần tâm, chiếu đẩu khuê.”
(Mưu lược của vị danh tướng giúp vua sánh với Trời đất. Tấm lòng bầy tôi lo cho đất nước trong sáng như sao Đẩu, sao Khuê.)
Chân dung Nguyễn Trãi còn được ghi tạc trong câu thơ của Lê Thánh Tôn:
“Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo”
“Tấm lòng Nguyễn Trãi sáng đẹp như sao Khuê,” để đời đời ghi nhớ.
Học giả, nhà văn lỗi lạc Phạm Quí Thích (1760-1825) đời Hậu Lê, ca ngợi Nguyễn Trãi:
“Sự nghiệp văn chương khai quốc thủ
Kỳ thường đối lệ cố gia thanh.”
(Sự nghiệp văn chương đứng đầu thời nhà Lê dựng nước. Công trạng ghi chép còn ghi lại tiếng tăm của một cố gia.)
Học giả Lê Quí Đôn (1726-1781) gọi Nguyễn Trãi là người “Viết thư, thảo hịch tài giỏi hơn hết mọi thời.”
Nhà sử học Phan Huy Chú (1782-1840) ca tụng Nguyễn Trãi “văn chương mưu lược,” con người “kinh bang tế thế.”
Cội Nguồn
Nguyễn Trãi (1380-1442) hiệu Ức Trai, gốc ở làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn (Chí Linh), Hải Dương, sau dời về làng Ngọc Ổi (đổi thành Nhị Khê), huyện Thượng Phúc (Thượng Tín), Hà Đông.
Nguyễn Trãi xuất thân trong một gia đình nho giáo mang truyền thống văn chương, thi phú. Cha là Nguyễn Phi Khanh (Nguyễn Ứng Long: 1355-1428), hiệu Nhị Khê, tư chất thông minh, nổi tiếng văn chương từ thuở nhỏ. Năm 1374, mới 19 tuổi, Nguyễn Phi Khánh đỗ Bảng Nhãn (Đệ nhất giáp nhị danh), được phong các chức Hàn lâm Học sĩ, Đại ly Tự khanh, Thông chương Đại phu, Tư nghiệp Quốc tử giám và Thượng khinh xa Đô úy. Bài phú “Diệp Mã Nhi” và bài văn “Thanh Hư Động Ký” của Phi Khanh được liệt vào áng văn tuyệt bút cùng với Trương Hán Siêu, Đào Sư Tích nổi danh ở triều Trần.
Bên ngoại của Nguyễn Trãi thuộc dòng dõi hoàng tộc, tôn thất nhà Trần. Trần Quang Khải (1241-1292) con vua nhà Trần Thái Tông, là vị Tể Tướng văn võ song toàn, bài thơ ngũ ngôn tuyệt cú “Tụng Giá Hoàn Kinh Sử” ghi ở đền Bạch Mã là áng thơ bất hủ, mãi mãi lưu truyền.
Trần Quang Khải là cố Trần Nguyên Đán (1325-1390). Trần Nguyên Đán hiệu Băng Hồ, giữ chức Đại phu ở Đài ngự sử (triều Trần Dụ Tông), Tể tướng (Tư Đồ triều Trần Nghệ Tông), và được ban thêm tước Chương túc quốc Thượng hầu triều Trần Duệ Tông). Khi về quy ẩn ở Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương) năm 1385 (triều Trần Phế Đế), Trần Nguyên Đán sáng tác thơ văn. Có 2 tác phẩm chính: Băng Hồ Ngọc Thác Tập và Bách Thế Thông Kỷ.
Con gái quan Tư đồ Trần Nguyên Đán là Trần Thị Thái, được kết duyên với Nguyễn Phi Khanh qua thời gian hàn sĩ dạy học. Sinh hạ được 5 người con, Nguyễn Trãi là con đầu lòng. Trong chế độ phong kiến, luật nhà Trần cấm việc hôn phối giữa thường dân với hoàng tộc; vì vậy Nguyễn Phi Khanh thi đỗ Tiến sĩ, nhưng không được bổ dụng xứng đáng, chỉ chuyên trách dạy học.
Nguyễn Trãi tư chất thông minh, trải qua tuổi thơ gia đình ông ngoại tại Thăng Long và Côn Sơn, nên từ bé đã am tường kinh điển. Được một thời gian mẹ mất, rồi đến năm 1390 ông ngoại qua đời, Nguyễn Trãi cùng các em về Nhị Khê ở với cha, suốt 10 năm trau dồi đèn sách. “Mười năm đọc sách nghèo đến xương,” câu thơ của Nguyễn Trãi diễn đạt được thời gian ở Nhị Khê.
Năm 1400, Nguyễn Trãi có Trần Nguyên Hãn (cháu nội Trần Nguyên Đán), sát cánh với Nguyễn Trãi trong công cuộc kháng Minh. Về văn học, Nguyễn Trãi được hấp thụ một di sản, truyền thống quý báu của cả hai dòng họ. Côn Sơn là vùng núi non thiên nhiên hữu tình nằm giữa hai dãy núi Phượng Hoàng (có mộ Chu Văn An) và Kỳ Lân (có chùa Trúc Lâm), thuộc huyện Chí Linh ngày xưa, gần Côn Sơn có Kiếp Bạc có đền thờ Hưng Đạo Vương vào thế kỷ XIV).
Nguyễn Trãi dấn thân vào quan trường năm 20 tuổi, không phải triều đại nhà Trần, mà lúc khởi đầu của nhà Hồ. Xét về cội nguồn, cò vài tài liệu sử cho rằng Nguyễn Trãi dù sao cũng mang dòng máu con cháu nhà Trần, không nên phục vụ cho triều đại thoán đoạt dòng họ. Ngược lại, có tài liệu cho rằng Trần Thủ Độ dựng lên cơ nghiệp nhà Trần, bức tử Huệ Tông, tàn sát dòng họ nhà Lý. Lý Cao Tông (1176-1210) hoang chơi, loạn thần nhiễu sự. Lý Huệ Tông (1211-1225) nhu nhược, bỏ bê sơn hà xã tắc, dân chúng điêu linh… Nếu bám vào việc tôn thờ triều đại thối nát thì đi ngược lại ý nguyện toàn dân. Nội loạn, giặc Chiêm Thành, giặc Ngoại Mông có điều kiện dấy binh xâm chiếm gian sơn, cai trị đất nước. Lịch sử có những chu kỳ, có sự tái diễn tình cờ và trùng hợp.
Cơ nghiệp nhà Trần sụp dổ bởi vua Trần Dụ Tông (1341-1369) hoang chơi. Trần Nghệ Tông làm vua 2 năm (1370-1372), 27 năm làm Thái Thượng Hoàng (1372-1394): nhu nhược, sát hại công thần, dung dưỡng gian thần, nối giáo cho giặc Chiếm Thành và quân Minh, xã hội lầm than. Kẻ sĩ phải nhận chân điều đó và hành sử theo tiếng gọi của lương tâm phù hợp với đạo trời và lòng dân.
Ông ngoại từ quan quy ẩn, thân phụ làm giáo làng ở miền quê, các hậu duệ của Trần Quang Khải, Trần Hưng Đạo… không còn nữa để gánh vác sơn hà, Nguyễn Trãi chọn lựa con đường dấn thân mong tìm luồng sinh khí mới.
Trong những năm làm quan, Nguyễn Trãi giữ được phong cách, đức độ của kẻ sĩ để giáo huấn luân lý, cải tổ chính trị, xã hội, giáo dục con người và tham gia trong công cuộc chống quân Minh. Đó là nghĩa vụ của bậc sĩ phu.
Sau khi lật đổ nhà Trần, lập ra nước Đại Ngu năm 1400, triều đại nhà Hồ trị vì được trong thời gian ngắn. Năm 1407, quân nhà Minh tấn công xâm lược đất nước. Hồ Quá Ly, Hồ Hán Thương cùng quan quân nhà Hồ bị giặc Minh bắt giải về Tàu, trong đó có Nguyễn Phi Khanh. Nguyễn Trãi cùng em là Nguyễn Phi Hùng tìm cách đến tận ải Nam Quan để theo thân phụ. Nơi đây, Nguyễn Phi Khanh đã khuyên bảo: “Ta già rồi, chết cũng không đáng tiếc, con có học, có tài, nên trở về tìm chân Chúa, lo trả thù cho cha, rửa hận cho nước.”
Nguyễn Trãi quay về, Phi Hùng theo cha. Mấy năm sau, Nguyễn Phi Khanh chết ở đất Tàu. Phi Hùng đem hài cốt cha về táng ở núi Bái Vọng, nơi cố đô theo trong di chúc.
Nguyễn Trãi ở lại Đông Quan, kinh đô Thăng Long cũ để mưu việc chống giặc. Có tài liệu cho rằng Nguyễn Trãi còn lén qua Trung Hoa tìm hiểu tình hình bên đó trong 10 năm (1407 – 1416) ẩn dật dưới bóng quân thù, trước khi vào Thanh Hóa dâng Bình Ngô sách cho Lê Lợi. Trong thơ văn của Nguyễn Trãi đề cập đến Thập Niên Phiêu Chuyển (mười năm phiêu dạt) lênh đênh chân trời góc biển, áng chừng khoảng thời gian đó.
Trên đường về Côn Sơn, Nguyễn Trãi bày tỏ tâm sự: “Mười năm rồi mình trôi dạc như cánh bèo. Đêm ngày nổi nhớ quê cứ như giày vò trong lòng. Bao lần đã gửi hồn tìm về quê cũ, nhưng rồi đành nhỏ nước mắt thấm máu mà gội rửa trong tưởng tượng nấm mồ mẹ, mồ mã ông bà, còn xóm làng, bà con, trong lúc giặc giày xéo thì tránh sao được những hành vi bạo tàn của chúng! mà mình thì cứ đang phải thương xót suông. Trời: biết làm sao đây! Một đêm trôi qua bên gối, không cách nào nhắm mắt được”.
Tại Đông Quan, Nguyễn Trãi bị Trương Phụ bắt, dụ ra làm quan, nhưng khước từ. Trương Phụ định giết, nhưng Thượng thư Hoàng Phúc thấy Nguyễn Trãi là bậc nhân tài, muốn lưu giữ để cảm hóa, nên can ngăn và quản thúc Nguyễn Trãi ở Đông Đô.
Nhà Hậu Trần dựng lại cơ nghiêp trong 7 năm (1407-1413), từ vùng đất Nghệ Tĩnh trở vào. Vua Giản Định (1407-1409) và Trùng Quang (1409-1413) bất tài, kém đức; không biết thu phục nhân tâm, không biết trọng dụng công thần, cho nên không lãnh đạo được dân tộc để đánh đuổi ngoại xâm. Dù là con cháu bên ngoại nhà Trần, nhưng Nguyễn Trãi có tầm nhìn sâu xa, nhận định đúng đắn, dấn thân cho đại cuộc, không vì dòng tộc.
Trong 20 năm (1407-1427) đất nước mất quyền tự chủ, quân Minh đô hộ, thống trị áp bức “Dân ta khổ nhục trăm đường, tiếng oan kêu không ra được, lòng tức giận ngấm nghía ở tâm can, chỉ mong ra khỏi đống than lửa” (Trần Trọng Kim – Việt Nam Sử Lược.) Trong thời kỳ đen tối, Nguyễn Trãi gặp Lê Lợi, tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427), lịch sử Việt Nam đã ghi lại trang sử vẻ vang cho thời kỳ tự chủ.
Oan Nghiệt Cuộc Tình
Từ khi Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa, xưng là Bình Định Vương, Nguyễn Trãi là cánh tay mặt, Tuyên Phụng Đại phu. Năm 1426, Nguyễn Trãi được phong chức Thượng Thư Bộ Lại kiêm Hành khu Mật Viện Sự, người thân tín nhất ngồi cùng Bình Định Vương để hành xử mọi việc chính trị, quân sự.
Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế. Lê Thái Tổ (1428-1433) phong thưởng cho hai trăm công thần và được quốc tính. Bên văn có Nguyễn Trãi đứng đầu, được phong tước Quan Phục Hầu, phong chức Nhập Nội Hành Khiển kiêm Lại Bộ Thượng Thư, Hàn Khu Mật Viện. Thời điểm đó, Nguyễn Trãi thay vua viết chiếu, chế và văn thư ngoại giao. Nguyễn Trãi được ban quốc tính (ban cho họ Lê, thành Lê Trãi)… nhưng Nguyễn Trãi chối từ “ân sủng” đó nên sau nầy có sự nghi ngờ!
Tiếc thây, thời kỳ vàng son của bậc nhất công thần tận trung tận tụy với sơn hà, tổ quốc lại bị bạc đãi vì lòng tị hiềm, nghi kỵ của đám cận thần xua nịnh Lê Thái Tổ để rồi nhà vua đã nuốt lời hứa Hội Thề Lũng Nhai. Năm 1429, Lê Thái Tổ cho bắt giết Tả tướng Trần Nguyên Hãn, Thái Úy Phạm Văn Xảo. Tài trí và mưu lược của Nguyễn Trãi làm cho nhà vua lo ngại mối nguy, nên Nguyễn Trãi bị hạ ngục. Sau đó, Nguyễn Trãi được tha, nhưng không được giữ chức gì quan trọng.
Đời vua Lê Thái Tông (1434-1442), Nguyễn Trãi mới có một giai đoạn được trọng dụng. Nguyễn Trãi được bổ làm quan Phụ Chính, chuyên dạy dỗ nhà vua nhỏ tuổi. Thế nhưng, Thái Tông ham mê tửu sắc, nội triều manh nha tranh chấp, Nguyễn Trãi đi theo bậc cao hiền Chu Văn An, xin về hưu ở Côn Sơn.
Năm 1439, Lê Thái Tông củng cố lại triều đình, xuống chiếu vời Nguyễn Trãi ra làm quan, giữ chức Nhập Nội Hành Khiển, Giản Viện Đại Phu, Hàn Lâm Viện Thừa Chỉ; cai quản 2 đạo Đông, Bắc.
Lê Thái Tông lên ngôi 11 tuổi và mất năm 20 tuổi; nhà vua có 6 người vợ: Lê Thị Ngọc Dao, Lê Thị Lệ, Dương Thị Bí, Bùi Quí Nhân, Nguyễn Thị Anh, Ngô Thị Ngọc Dao… nhưng tất cà đều bị thất sủng. Nhà vua quá trẻ và vẫn ham mê tửu sắc. Vá, oan nghiệt đến với Nguyễn Trãi bởi người hầu thiếp Nguyễn Thị Lộ (1396-1442)ä.
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư “Nguyễn Thị Lộ, người rất đẹp, văn chương rất hay…”. Bà người làng Hải Hồ nổi tiếng với nghề làm chiếu, xã Hải Triều, huyện Ngự Thiên, nay là xã Tân Lễ, tỉnh Thái Bình.
Trong sách Công Dư Tiệp Ký của Vũ Phương Đề ở thế kỷ 17 với câu chuyện tương truyền. Một hôm Nguyễn Trãi gặp một cô gái bán chiếu trẻ đẹp, Nguyễn Trãi xướng mấy câu thơ ghẹo:
“Ả ở nơi nào, bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa, được mấy con?”
Không ngờ cô này cũng làm thơ họa lại:
“Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon,
Cớ chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có, hỏi chi con!”
Nguyễn Trãi phục tài giỏi thi phú và xinh đẹp bèn dò hỏi gia cảnh rồi cưới cô gái ấy (Nguyễn Thị Lộ) làm thiếp. Giai thoại cuộc tình rất đẹp, chỉ một lần xuất khẩu thành thơ đối đáp nhau, trai tài gái sắc đã nên duyên. Lúc đó Nguyễn Trãi chưa tham gia trong Hội Thề Lũng Nhai.
Xuất thân từ gia đình Nho giáo, cha là Nguyễn Mỗ, dạy học, bà đã được học chữ từ bé, sau lại thêm cả y, dược, lý số. Cha mất sớm, Thị Lộ phải chuyển đến nhà cậu ở phường Tây Hồ và dệt chiếu đem vào thành Thăng Long bán. Vào thời đó, Nguyễn Trãi cùng Trần Nguyên Hãn tìm đường khởi nghĩa chống giặc Minh. Theo gia phả họ Nguyễn, Nguyễn Thị Lộ sinh năm 1396, gặp Nguyễn Trãi thời nhà Hồ, lấy bà làm thiếp vào năm 1410. Nguyễn Trãi 30 tuổi và Nguyễn Thị Lộø mới 14 tuổi. Năm 1420, Nguyễn Trãi dâng Bình Ngô Sách, phò Lê Lợi chống giặc Minh. Năm 1428, Nguyễn Trãi viết Bình Ngô Đại Cáo, theo vài tài liệu cho biết, trong đó có sự đóng góp của Nguyễn Thị Lộ.
Sau vài năm Nguyễn Trãi lui về ẩn ở Côn Sơn. Năm Nhâm Tuất, tháng 3-1442, Vua Thái Tông vời Nguyễn Trãi về triều đình để chấm thi Hội, làm Chánh Chủ Khảo kỳ thi tiến sĩ, Nguyễn Thị Lộ đã về theo chồng. Trong dịp nầy, vua Thái Tông triệu Nguyễn Thị Lộ vào cung làm Lễ Nghi Học Sĩ, nữ nhi đầu tiên giữ vai trò quan trọng, sau Đông Các Đại Học Sĩ trong Viện Hàn Lâm. Nguyễn Thị Lộ dạy công chúa và cung nhân, và nhạc công về nghi thức tế tự, đánh trống hòa nhạc trong dịp lễ tết hội hè… (Theo tài liệu của TS Đinh Công Vỹ thì năm 1437, Nguyễn Thị Lộ vào cung làm Học Sĩ).
Oan nghiệt xảy ra với Nguyễn Trãi vì lòng nhân từ khi cứu người! Lê Thái Tông có các bà vợ, 2 bà phi là Lê Ngọc Dao (con Lê Sát) và Lê Thị Lệ (con Lê Ngân). Khi Lê Sát và Lê Ngân bị xử tội năm 1437, hai người bị phế. Lê Ngọc Dao xuống làm dân thường còn Lê Thị Lệ xuống làm Tu Dung. Lê Thái Tông sủng ái bà phi Dương Thị Bí và sinh ra con trai trưởng là Lê Nghi Dân năm 1439. Năm 1440, Thái Tông sủng ái Nguyễn Thị Anh và lấy cớ Dương Thị Bí kiêu ngạo nên truất làm Minh Nghi. Bà Nguyễn Thị Anh sinh được Lê Bang Cơ. Thái Tông liền truất Nghi Dân làm Lạng Sơn vương và lập Bang Cơ làm thái tử. Bà Nguyễn Thị Anh, mẹ Thái tử Bang Cơ nghe tin bà Ngô Thị Ngọc Dao nằm mộng chiêm bao thấy sanh quý tử nên tìm cái hãm hại để giữ hy vọng kế nghiệp cho con. Tháng 7 năm 1442, bà Ngô Thị Ngọc Dao sinh hoàng tử thứ tư là Lê Tư Thành.
Nguyễn Trãi biết âm mưu hãm hại của bà Nguyễn Thị Anh nên sai tỳ thiếp của mình là Nguyễn Thị Lộ cứu hai mẹ con bà Ngọc Dao dấu vào trong chùa. Người con này về sau là Bình Nguyên Vương Tư Thành, lên ngôi là Lê Thánh Tông, vị vua anh minh của lịch sử VN. Nhưng, vì vụ này mà bà Nguyễn Thị Anh thâm thù Nguyễn Trãi và Thị Lộ và vụ án Lệ Chi Viên bùng nổ là cơ hội trả thù.
Lệ Chi Viên, còn gọi là Trại Vải, khu vườn của Nguyễn Trãi, ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, xưa kia là chỗ ly cung đời Lý, Trần. Theo sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên, ngày mồng 4 tháng 8 năm 1442 (27 tháng 7 năm Nhâm Tuất)… vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt quân ở thành Chí Linh, Hải Dương. Nguyễn Trãi đón vua ngự ở chùa Côn Sơn, nơi ở của Nguyễn Trãi. Côn Sơn là địa danh nổi tiếng, dưới chân núi có chùa Côn Sơn xây dựng từ thời Trần. Nguyễn Trãi có bốn câu thơ ca ngợi địa danh nầy: “Côn Sơn suối chảy rì rầm. Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai. Côn Sơn có đá rêu phơi. Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm”.
Khi nhà vua về đến Lệ Chi Viên thuộc huyện Gia Định (nay thuộc thôn Đại Lai, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Cùng đi với vua có Nguyễn Thị Lộ, được vua Lê Thái Tông yêu quý vì sự xinh đẹp, thông minh, có tài văn chương, luôn được vào hầu bên cạnh vua. Khi đến Lệ Chi Viên, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng hà. Các quan bí mật đưa về, ngày 6 tháng 8 mới đến kinh sư, nửa đêm vào đến cung mới phát tang… Lúc việc xảy ra, Nguyễn Trãi đang ở ẩn ở Côn Sơn.
Nhân cơ hội nầy Nguyễn Thị Anh ra tay phục thù, phê chuẩn bản án tru di tam tộc với tội: “Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đầu độc nhà vua”. Chỉ thời gian ngắn sau khi vua băng hà, bản án đã được tuyên và thi hành.
Ngày 16-8-1442, dòng họ Nguyễn Trãi bị bản án khủng khiếp: tru di tam tộc. May thay, còn người vợ lẽ của Nguyễn Trãi là Phạm Thị Mẫn đang có mang, trốn thoát được sinh ra Nguyễn Anh Võ, để tránh sự truy xét nên lấy họ mẹ. Bà vợ thứ năm của Nguyễn Trãi là Lê Thị, đang mang thai, phải trốn về Phương Quất, huyện Kim Môn, Hải Dương (người con trai nầy trở thành ông tổ chi họ Nguyễn ở Quế Lĩnh, Hải Dương).
Oan khiên của vụ án Lệ Chi Viên bị hàm oan hơn hai thập niên. Vua Lê Thánh Tông (1460-1496), vị vua anh quân, phát huy văn hóa cực thịnh, luật pháp phân minh, vì vậy năm 1464 Thánh Tông xuống chiếu rửa oan cho Nguyễn Trãi, truy phong là Kim tử Vinh lộc Đại phu, tước Tán Trù Bá, ban cho Nguyễn Anh Võ làm chức Tri Huyện. Năm 1467, Thánh Tông cử Trần Khắc Kiệm sưu tầm di cảo thơ văn Nguyễn Trãi, qua 10 năm đi tìm, thu tập sáng tác. Ức Trai Thi Tập (1480), tập thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi do Trần Khắc Kiệm hoàn thành, tiếc rằng sách lại bị thất lạc. Nhà vua đã hành sử đạo lý với Nguyễn Trãi trước kia đã dám cứu mạng.
Triều Nguyễn, học giả Dương Bá Cung (1795-1868) cùng làng Nhị Khê, yêu quý nhân tài Nguyễn Trãi, vì vậy năm 1822, ông đã bỏ gần 10 năm đi khắp nơi để sưu tập tác phẩm Ức Trai. Ông mời Nguyễn Năng Tĩnh và học giả Ngô Thế Vinh giúp sức, viết lời tựa. Mãi đến năm 1868, sách mới được khắc xong, lấy tên Ức Trai Di Tập. Bộ sách Ức Trai Di Tập gồm 7 quyển.
Nhà văn Trúc Khê tác giả cuốn Nguyễn Trãi (Nhà xuất bản Tân Dân, Hà Nội, 1940) viết: “Thị Lộ đã được gần vua khá lâu trước cuộc duyệt binh ở Chí Linh. Nàng được vời vào cung giữ việc dạy các cung nhân với chức Lễ nghi học sĩ. Rồi nhà vua đã say mê nàng. Nguyễn Trãi tuy biết việc này nhưng chỉ đành bấm bụng và Thị Lộ cũng không thể có thái độ nào khác là thụ động mối tình vương giả ấy. Nàng được lệnh về Côn Sơn để cùng Nguyễn Trãi lo việc đón tiếp sau đó nàng theo giá hoàn cung với nhà vua cùng một lúc”.
Trong Việt Sử Toàn Thư, Phạm Văn Sơn cũng đã kể lại rằng: “Ngày 4 tháng 8, ngự đạo về đến huyện Gia Định (nay là Gia Bình, Bắc Ninh), gặp trời tối phải nghỉ lại ở Lệ Chi Viên là một trại trồng vải, xưa kia là chốn ly cung cả các triều Lý, Trần. Đêm hôm ấy, nhành hoa thược dược được thấm nhuần cơn thuỵ vũ, rồi rạng ngày mồng 5, Thị Lộ trong màn ngự nhảy ra kêu thất thanh. Vua Thái Tông lạnh dần. Ngự y dùng đủ mọi phương để cứu chữa nhưng vô hiệu”.
Vụ án Lệ Chi Viên còn truyền tụng sự thêu dệt hoang đường từ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư do Ngô Sỹ Liên chủ biên:
“Chuyện kể rằng: thời Nguyễn Trãi còn dạy học ở quê là làng Nhị Khê, một đêm nằm mê thấy một phụ nữ mặc quần áo trắng dẫn theo một đàn con đến xin tha chết, hoãn việc dọn vườn để mẹ con họ đi khỏi. Ông thiếp đi, dậy muộn, người nhà vào báo khi dọn vườn thấy một ổ rắn, con rắn mẹ màu trắng bị nhát cuốc bổ vào đứt khúc đuôi chạy mất, còn lũ rắn con bị giết. Tối hôm ấy, Nguyễn Trãi ngồi bên án thư đọc sách, nghe thấy tiếng động trên mái nhà, ngó lên xem thấy con rắn trắng thò cổ nhìn ông. Ông đứng lên đuổi. Con rắn bò đi, cái đuôi cụt nhỏ xuống một giọt máu vào đúng chữ “đại” thấm qua ba trang sách. Đó là điểm báo trước ông sẽ bị tru di ba đời.
Về sau, Nguyễn Trãi trở về Thăng Long, một hôm đi qua đền Quán Thánh bên phía Hồ Tây gặp một cô gái xinh đẹp bán chiếu… Nguyễn Trãi có biết đâu con rắn trắng đã hóa vào nàng Thị Lộ để trả thù về sau. Cho nên khi Nguyễn Thị Lộ bị đem đi hành quyết đã rùng mình cựa đứt dây trói, hóa thành con rắn bò xuống nước biến mất”.
Tác phẩm văn học của Nguyễn Trãi viết bằng Hán văn và Quốc âm, bao gồm nhiếu lãnh vực; sử địa, ngoại giao, lễ nhạc, giáo dục, chính trị… là sự đóng góp vĩ đại cho nền văn học Việt Nam. “Văn dĩ tải đạo” qua văn chương của Nguyễn Trãi cho thấy quan niệm xuất thế và nhập thế của Nguyễn Trãi không phải vì danh vọng, bổng lộc; mà vì trách nhiệm của kẻ sĩ với đất nước và dân tộc, muốn đem lại yên vui, hạnh
Kết
Nguyễn Trãi là một nhân tài trên ba lãnh vực văn chương và chính trị, quân sự. Sự nghiệp văn học của Nguyễn Trãi không những giá trị thuần túy trên lãnh vực văn học mà còn là vũ khí độc đáo, sắc bén trong công cuộc kháng chiến, đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh.
Nguyễn Trãi là quan văn, nhưng đã dấn thân vào sinh ra tử ở chiến trường; 5 lần vào thành hiếu hòa với quân Minh. Là nhà quân sự, chính trị nhưng luôn luôn gìn giữ đạo đức thánh hiền, lấy nhân nghĩa làm gốc; không bè cánh, phe phái để mưu cầu bổng lộc; thi triển tài năng để lo cho dân, trị quốc. Mười năm đèn sách, mười năm lưu lạc, ẩn dật để tìm cách báo thù, mười năm nằm gai nếm mật cùng Lê Lợi để chống quân Minh… tuổi trẻ của Nguyễn Trãi với bao sóng gió nhưng kiên nhẫn để vượt qua và dấn thân cho đại cuộc trước thảm họa của đất nước.
Nguyễn Trãi trưởng thành trong khúc quanh của lịch sử, chứng nhân qua 3 triều đại, anh hùng tạo ra thời thế và thời thế vùi dập nhân tài; thế nhưng lịch sử luôn luôn soi sáng, vinh danh nhân vật của dân tộc, hình ảnh của Nguyễn Trãi là bằng chứng điển hình.
Nguyễn Trãi đi vào lịch sử bằng nhận thức và hành động. Với 18 anh hùng ở Hội Thề Lũng Nhai, người xưa đã làm nên đại cuộc, bởi tấm lòng và bầu nhiệt huyết (108 anh hùng Lương Sơn Bạc không xoay chuyển nổi thời thế – Thủy Hử).
Nguyện Trãi là nhân tài xuất chúng như vậy, biết tiến biết thối nhưng vướng vào cuộc tình thơ mộng trong tuổi thanh xuân để nhân lấy hậu quả vô cùng thảm khốc trong vụ án Lệ Chi Viên. Than ôi “Chữ tài liền với chữ tai một vần” (Kiều – Nguyễn Du).
Vương Trùng Dương