VietBest

Full Version: Yamazaki whisky Nhật
You're currently viewing a stripped down version of our content. View the full version with proper formatting.
Đang canh me mua chai whisky Nhật uống thử đọc bài này cũng có thêm chút kiến thức về whisky Nhật. 

Người Nhật hay thật chứ, không chỉ những lãnh vực về khoa học kỹ thuật họ đã từng học hỏi từ phương Tây rồi qua mặt luôn mà ngay cả ... whisky. 


100 năm thành lập thương hiệu whisky Nhật Yamazaki


Cách đây một thế kỷ, công ty Suntory của Nhật Bản đã khai trương nhà máy chưng cất rượu whisky đầu tiên trên xứ hoa anh đào. Nhà máy này bắt đầu sản xuất các chai rượu whisky ''Made in Japan'' kể từ năm 1923. Theo báo Le Figaro, một thế kỷ sau ngày ra đời, hiệu Yamazaki đã vươn lên thành một trong những loại whisky mạch nha ngon và đắt nhất trên thế giới.

Đăng ngày: 20/07/2023 - 14:15
6 phút

[Image: AP17072248113706.jpg]
Ảnh tư liệu chụp ngày 08/03/2027: Nhà pha chế rượu của Suntory Shinji Fukuyo biểu diễn về thử Whisky tại nhà máy chưng cất rượu của Suntory ở Yamazaki, gần Kyoto, Nhật Bản. AP - Koji Ueda

Nguồn -> RFI

Tuấn Thảo 

Ngược dòng thời gian, lùi về cuối thế kỷ XIX, ông Shinjirō Torii mở cửa hàng bán rượu nhập khẩu tại Osaka vào đầu năm 1899. Sau nhiều năm kinh doanh hàng nhập khẩu, kể cả rượu vang đỏ và các loại rượu mạnh Âu Mỹ, gia đình ông Torii khuếch trương cửa hàng thành công ty Kotobukiya, tiền thân của tập đoàn Suntory (tên gọi chính thức từ năm 1963). Một trong những đối tác của gia đình ông Torii là chuyên gia ngành hóa học Masataka Taketsuru. Trở về Nhật Bản sau một thời gian đi du học ở Glasgow (Scotland), ông Masataka Taketsuru đã có sáng kiến sản xuất rượu whisky mạch nha đơn ngay trên xứ Phù Tang, thay vì phải nhập khẩu các loại rượu ngoại. Nhà máy chưng cất Yamazaki ra đời và các chai rượu mạch nha ''Made In Japan'' đầu tiên được tung ra thị trường Nhật Bản với hiệu Suntory Shirofuda cũng như Yamazaki.

Suntory, một trong những tập đoàn rượu mạnh lâu đời nhất
Nhà máy chưng cất Yamazaki hiện vẫn là cơ sở sản xuất rượu mạnh lâu đời nhất tại Nhật Bản, trong khi tập đoàn Suntory chuyên phân phối các loại rượu mạnh và đồ uống có cồn vẫn giữ trụ sở tại thành phố Osaka. Về tầm vóc, Suntory đứng hạng ba trên thế giới, chỉ sau hai tập đoàn Diageo của Anh và Pernod-Ricard của Pháp. Doanh thu hiện thời của Suntory đạt mức 4 tỷ rưỡi đô la hàng năm.
Nhà máy Yamazaki nằm dưới chân đồi gần thành phố Kyoto. Tuy ban đầu rượu whisky này được chế biến sao cho hợp với ẩm thực Phù Tang cũng như khẩu vị của người Nhật Bản, nhưng một cách bất ngờ, hiệu Yamazaki đã chinh phục nhiều thị trường nước ngoài. Theo báo Le Figaro, nhu cầu tiêu thụ hiệu whisky này tăng mạnh trong những năm gần đây, mức cung không đáp ứng kịp thời mức cầu, khiến cho một số chai thượng hạng bị khan hiếm (loại whisky 30 năm trở lên). Điều đó khiến giá rượu càng tăng vọt một cách bất thường. Vào năm 2020, một chai Yamazaki 55 quý hiếm (55 năm tuổi) đã đạt mức 800.000 đô la nhân một cuộc bán đấu giá ở Hồng Kông, mức cao nhất chưa từng thấy đối với một nhãn hiệu rượu whisky Nhật Bản.

Báo Le Figaro trích dẫn ông Takahisa Fujii, giám đốc nhà máy chưng cất cho biết, nhu cầu tiêu thụ Yamazaki đã tạo ra ''cơn sốt'' khiến cho giá rượu whisky Nhật Bản không ngừng gia tăng trong hơn 20 năm qua. Gần đây, tập đoàn Suntory đã quyết định đầu tư 10 tỷ yen (khoảng 65 triệu euro) vào hai nhà máy chưng cất Yamazaki và Hakushu để tăng thêm sản lượng hàng năm. Tuy nhiên, mức sản xuất này liên quan tới các loại whisky ''trung hạng'', chứ các chai ''thượng hạng'' khó thể nào được sản xuất đại trà mà không tránh khỏi bị mất giá. Ngay cả những du khách từ phương xa ghé thăm nhà máy Yamazaki, gần Kyoto, cũng không khỏi bị thất vọng vì họ không tìm thấy được các loại chai rượu whisky hảo hạng trên 30 năm tuổi đời.
Nhu cầu ngày càng tăng mạnh trong khi sản lượng đã đạt mức tối đa. Tình trạng thiếu hụt dẫn đến việc áp dụng quota, ngay cả trên lãnh thổ Nhật Bản. Các quán rượu hay nhà hàng trên đại lộ Omotesando ở khu phố sang trọng Shibuya phải ''săn lùng'' để tìm mua (dù phải trả giá cao) những chai rượu được cho là quý hiếm nhất.

Yamazaki 12 năm tuổi đoạt huy chương vàng quốc tế

Theo giám đốc điều hành nhà máy Takahisa Fujii, bí quyết tạo nên chất lượng của rượu whisky Yamazaki nằm ở trong nguồn nước tinh khiết của vùng này. Địa danh Yamazaki từng nổi tiếng từ thế kỷ XVI nhờ có khí hậu và phong thổ đặc biệt, bậc thầy Sen no Rikyu từng đến nơi ấy để rèn luyện trà đạo. Còn theo nhà phê bình ẩm thực Mamoru Tsuchiya, Nhật Bản hiện có khoảng 100 nhà máy chưng cất rượu và kỹ năng chế biến đã giúp nâng cao uy tín của các loại rượu whisky của Nhật. Tuy nhiên, đằng sau bức tranh thành công, ngành sản xuất rượu whisky Nhật Bản đã phải trải qua nhiều giai đoạn khó khăn. Sau khi đạt đỉnh cao vào năm 1983, mức tiêu thụ nội địa lại giảm mạnh sau đó trong hơn hai thập niên liền.
Mãi đến năm 2003, tình hình mới bắt đầu được cải thiện. Nhân các cuộc thi quốc tế, chai Yoichi 10 năm tuổi và Yamazaki 12 năm tuổi được giới phê bình công nhận là whisky ngon nhất thế giới, hai lần đoạt huy chương vàng tại giải quốc tế International Spirits Challenge. Trong bộ phim ''Lost in Translation'' của nữ đạo diễn Sofia Coppola, cảnh phim với nam diễn viên Bill Murray giúp cho chai Hibiki 17 năm tuổi của Suntory trở thành một trong những sản phẩm bán chạy nhất vào giữa những năm 2000.
Được phát sóng trên kênh truyền hình Nhật Bản vào năm 2014, một bộ phim dài nhiều tập nói về cuộc đời và sự nghiệp của Masataka Taketsuru, người đã có công sáng chế loại rượu whisky sản xuất tại Nhật thay vì dùng hàng ngoại. Ông Masataka Taketsuru đã rời Suntory để thành lập một công ty khác tên là Dainipponkajū, sau này trở thành công ty Nikka. Ông thành công vào năm 1937 khi tung ra thị trường loại rượu whisky Kakubin có nghĩa là "chai vuông", vẫn còn tồn tại cho đến tận bây giờ.
Bộ phim này cũng tạo cơ hội cho giới trẻ khám phá lại lịch sử ngành ẩm thực : xứ Phù Tang không chỉ có rượu saké, mà còn nổi tiếng nhờ làm whisky ngon không kém gì các nước Anh Mỹ. Thành công của Yamakazi cũng tạo thêm nhiều thách thức cho các nhà chế biến, buộc họ phải lên kế hoạch sản xuất từ hàng chục năm trước. Chẳng hạn như để sản xuất một chai whisky hiệu Hibiki 30 tuổi, các nhà sản xuất phải suy tính ngay từ bây giờ khối lượng tích trữ để kịp thời phân phối cho năm 2053.
Trước mắt, doanh thu của tập đoàn Suntory vẫn tăng đều đặn, nhưng khó thể nào tiên đoán các xu hướng của người tiêu dùng từ đây cho đến 30 năm tới. Trong năm 2022, ngành xuất khẩu rượu whisky của Nhật Bản đạt 56 tỷ yen (khoảng 400 triệu euro), tức cao gấp 14 lần so với 10 năm trước. Mức doanh thu này sẽ tăng trong vài năm tới, trong khi giá trung bình của Yamakazi 12 năm tuổi đạt mức 180 euro một chai. Nhân sinh nhật lần thứ 100, hiệu Yamakazi đã cho phát hành một hộp (full set) gồm 4 chai thượng hạng từ 12 đến 18 năm tuổi, với giá hơn 2.500 euro trọn bộ. 



Có lẽ bài viết trên đã dựa theo bài trên trang koreatimes này:

https://www.koreatimes.co.kr/www/world/2...55207.html