VietBest

Full Version: Tiền Trung Quốc, một đơn vị tiền tệ quốc tế : Giấc mơ đã tàn ?
You're currently viewing a stripped down version of our content. View the full version with proper formatting.
Tiền Trung Quốc, một đơn vị tiền tệ quốc tế : Giấc mơ đã tàn ?

Sau 14 năm nỗ lực tìm kiếm một chỗ đứng cho nhân dân tệ trên trường quốc tế, sau 6 năm tham gia SDR (rổ tiền tệ của IMF), đồng tiền Trung Quốc vẫn chưa tạo được uy tín, không vượt nổi ngưỡng 3 % dự trữ ngoại tệ. Chiến tranh Ukraina và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Matxcơva, lại càng đẩy giấc mơ quốc tế hóa đồng nhân dân tệ thêm xa vời ?





Cuộc chiến này làm dấy lên câu hỏi : giữ tiền và đầu tư vào Trung Quốc có thể là một rủi ro trong trường hợp Bắc Kinh « thống nhất Đài Loan bằng sức mạnh quân sự » ? 

RFI Việt ngữ mời nhà nghiên cứu Isabelle Feng, Đại Học Tự Do Bruxelles, cộng tác viên trung tâm nghiên cứu về châu Á Asia Centre - Paris, trả lời các câu hỏi trên.



Đô la Mỹ đã tăng giá 10 % so với euro trong năm 2022. Trong 9 tháng đầu 2022, nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá 15 % so với đô la. Báo kinh tế Pháp Les Echos ngày 25/10/2022 ghi nhận : « Kết thúc đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc (16-22/10/2022), quyền lực Tập Cận Bình được củng cố, nhưng Trung Quốc dường như không kiểm soát nổi, hay không muốn chận lại đà tuột dốc của đồng nhân dân tệ. Đây là hình thức bảo hộ trá hình để tiếp sức cho khu vực xuất khẩu, hay là điểm khởi đầu của một cuộc khủng hoảng khi mà đầu tư tháo chạy khỏi Hoa Lục ? ».



Có ít nhất ba yếu tố giải thích hiện tượng nhân dân tệ mất giá so với đô la trong năm 2022 : Một là Mỹ tăng lãi suất chỉ đạo, khiến không ít vốn đầu tư vào Trung Quốc rời khỏi Hoa Lục, chuyển hướng sang Hoa Kỳ. Hai là bản thân các nhà đầu tư Trung Quốc thất vọng vì chính sách zero - Covid của ông Tập Cận Bình đè nặng lên tăng trưởng trong nước. Ba là lo ngại « toàn bộ quyền lực tập trung trong tay ông Tập ». Yếu tố sau cùng này theo giới quan sát có thể là động lực thúc đẩy chính người dân Trung Quốc « tìm những bãi đáp an toàn » ngoài Hoa Lục, như đã thấy ở Singapore chẳng hạn, để bảo vệ tài sản cá nhân.



Cuối tháng 11/2022 tại Bắc Kinh, Ngân Hàng Nhân Dân Trung Quốc công bố báo cáo về thành tích « quốc tế hóa nhân đân tệ » nhờ « tư tưởng Tập Cận Bình (…) ». Ngân hàng này hài lòng vì đồng nhân dân tệ giờ đây đứng hàng thứ 5 trong số các đơn vị tiền tệ quốc tế được sử dụng rộng rãi nhất, sau đô la Mỹ, euro của châu Âu, đồng bảng Anh, yen Nhật Bản.



Đến tận mùa thu 2022, nhiều nhà quan sát Tây phương ghi nhận « chiến tranh Ukraina là lực đẩy giúp đồng nhân dân tệ của Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng » trong các khoản giao dịch thương mại quốc tế. Một chuyên gia hàng đầu về tiền tệ của Pháp, Michel Aglietta, tháng 4-5/2022 thậm chí nói đến thời kỳ « hoàng hôn của ông vua đô la » khi « chiến tranh Ukraina đang làm đảo lộn trật tự trên bàn cờ tiền tệ của thế giới ».



Thế nhưng, các biện pháp « phong tỏa » dự trữ ngoại tệ của Nga, việc loại Nga ra khỏi hệ thống thông tin ngân hàng quốc tế SWIFT đã không là cơ hội để Trung Quốc giảm bớt lệ thuộc vào đô la, để đồng nhân dân tệ gặm nhấm thêm ảnh hưởng của đô la Mỹ. 



Theo báo cáo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, được công bố cuối tháng 9/2022, đô la Mỹ vẫn chiếm gần 60 % dự trữ ngoại tệ quốc tế, trong khi đó tỷ trọng của nhân dân tệ không thay đổi, vẫn ở mức 2,88 % và « 1/3 dự trữ ngoại tệ trên thế giới bằng đồng tiền Trung Quốc do nước Nga nắm giữ ».



Một hành trình gần 15 năm mà vẫn chưa mang lại kết quả

Isabelle Feng Đại Học Tự Do Bruxelles, Bỉ nhắc lại những nỗ lực liên tiếp của Bắc Kinh để áp đặt đồng nhân dân tệ Trung Quốc với thế giới : 

Isabelle Feng : « Tiến trình quốc tế hóa nhân dân tệ được khởi động từ 2009, một năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Chính quyền Trung Quốc đề ra một loạt các biện pháp để thực hiện mục tiêu và Bắc Kinh đã rất rõ ràng coi là một ưu tiên trong hai kế hoạch 5 năm liên tiếp, đó là các kế hoạch thứ 13 và 14 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Xin đơn cử 4 hay 5 công cụ của Trung Quốc để mở rộng ảnh hưởng của đồng tiền quốc gia trên trường quốc tế: Công cụ đầu tiên là SWAPS tức là những thỏa thuận song phương giữa Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc với một đối tác để tăng thêm khối lượng tiền mặt cho cả đôi bên, qua đó giảm thiểu rủi ro về tỷ giá hối đoái. Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc và Việt Nam đã ký thỏa thuận SWAPS. Trong thời gian từ 2009-2020 Trung Quốc đã ký kết tổng cộng 41 thỏa thuận SWAPS, chủ yếu là với các đối tác Đông Nam Á và đông Á, như Thái Lan, Việt Nam hay Hàn Quốc …».



Còn biện pháp thứ hai là lập ra các trung tâm tài chính ngoài Hoa Lục, thường được gọi là Offshore Financial Centre

Isabelle Feng :  « Từ 2009 đồng nhân dân tệ được lưu hành tại một số trung tâm giao dịch tài chính ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc – tựa như mô hình giữa đô la với euro. Với các trung tâm này, việc sử dụng nhân dân tệ có phần dễ dàng hơn so với các điều kiện được áp dụng tại Hoa Lục, qua đó khuyến khích các doanh nghiệp, tư nhân ở ngoài lãnh thổ Trung Quốc thanh toán bằng nhân dân tệ. Công cụ thứ ba để mở rộng ảnh hưởng của đồng tiền Trung Quốc trên các sàn giao dịch quốc tế phát triển một hệ thống thanh toán kép. Hệ thống kép đó gồm CNPS, giới hạn trong các khoản giao dịch nội địa, tức dành riêng cho các công dân, các doanh nghiệp Trung Quốc sống hay hoạt động tại Hoa Lục. Bên cạnh đó thì có hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới CIPS được thành lập từ 2015. CIPS kết nối các thị trường thanh toán trong và ngoài nước cũng như với các ngân hàng tham gia. Mục tiêu ở đây nhằm khuyến khích sử dụng tiền Trung Quốc trong các hoạt động thương mại ».



Công cụ thứ tư để khuyến khích sử dụng đồng nhân dân tệ trên thế giới chắc chắn phải là 7 đặc khu kinh tế của Trung Quốc. Đó là những  khu vực mà luật kinh doanh, luật thương mại, các chính sách thuế khóa… thường được ưu đãi hơn so với phần còn lại của đất nước.  Việc thanh toán bằng nhân dân tệ thay vì đô la lại càng được phổ biến hơn. Công cụ thứ 5 là AIIB và OBOR. 

Isabelle Feng : « Năm 2015, Trung Quốc đã lập ra Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á AIIB. Sự kiện này đã gây nhiều chú ý vì đây được coi là định chế tài chính mà trong tương lai sẽ thay thế Ngân Hàng Thế Giới. Hai năm trước đó, Bắc Kinh đã khởi động dự án Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21. Chính quyền Trung Quốc quan niệm đây là hai bệ phóng để quốc tế hóa nhân dân tệ. Có thể nói là Trung Quốc đã vận dụng tất cả các phương tiện có trong tay để đồng tiền quốc gia trở thành một đơn vị tiền tệ được sử dụng trên trường quốc tế ».



Một chú lùn so với sức mạnh kinh tế và thương mại

Ngoài các mục tiêu kinh tế, chủ đích của Bắc Kinh mang tính chính trị, có nghĩa là giảm mức độ lệ thuộc của Trung Quốc vào đô la Mỹ, đồng thời thu hẹp ảnh hưởng của đồng tiền Mỹ trong các giao dịch quốc tế. Trung Quốc hiện là nền kinh tế thứ 2 thế giới, là một ông khổng lồ về mậu dịch, vậy mà trọng lượng của đồng tiền quốc gia lại thua xa so với đồng yen Nhật Bản, đô la Canadan đồng franc Thụy Sĩ và đương nhiên là không thể sánh bằng euro hay đô la.



Hơn nữa, Bắc Kinh đã rút kinh nghiệm từ trường hợp của Nga bị gạt khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT hồi mùa xuân năm 2022 sau khi Matxcơva đưa quân xâm chiếm Ukraina. Trung Quốc nhận thấy trừng phạt tài chính là một biện pháp lợi hại tương tự như các trừng phạt về kinh tế hay quân sự. Biện pháp đó có thể làm tê liệt cả cỗ máy kinh tế của Trung Quốc. Đấy lại càng là động lực để bớt lệ thuộc vào đô la Mỹ.



Isabelle Feng « Về mặt uy tín, năm 2016, khi Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế kết nạp thêm nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ, còn được gọi là Quyền Rút Vốn Đặc Biệt SDR, là một thắng lợi to lớn của Bắc Kinh về phương diện chính trị. Nhân dân tệ Trung Quốc là đơn vị tiền tệ thứ 5, sau đồng bảng Anh, đô la Mỹ, euro của châu Âu và yen Nhật Bản cùng tham gia giỏ tiền tệ này. Nhưng sáu năm sau, chúng ta thấy trọng lượng của đồng tiền Trung Quốc trong các quỹ dự trữ ngoại tệ trên thế giới không vượt quá ngưỡng 3 %, tức là vẫn tương đương với thời điểm mà nhân dân tệ chưa được tham gia vào giỏ tiền của IMF.



Đây là một vị trí không tương xứng bởi vì Trung Quốc là nền kinh tế thứ hai toàn cầu, và tổng trao đổi mậu dịch của quốc gia này chiếm khoảng 15 % so với của toàn thế giới. Hiện tại 42 % giao dịch trên thế giới được thanh toán bằng đô la, 20 % bằng đồng tiền chung châu Âu, và 2,4 % là bằng nhân dân tệ. Thêm một thất bại nữa đó là, hồi 2015, ngân hàng AIIB gây tiếng vang lớn khi được khai sinh, nhưng giờ đây chẳng còn ai nhắc tới định chế tài chính này. Vì sao ? Bởi đây là một ngân hàng do Trung Quốc lập ra, không ai biết AIIB được quản lý như thế nào. Một ngân hàng không thể tạo được uy tín nếu như không được quản lý một cách minh bạch ».



Thất bại vì không có chữ «Tín ».

Hai đồng minh thân cận của Mỹ là Israel và Ả Rập Xê Út từ mùa xuân 2022 đã, hoặc kết nạp thêm đồng nhân dân tệ vào dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương (trường hợp của Israel), hoặc đang cân nhắc việc xuất khẩu dầu hỏa cho Bắc Kinh bằng đồng tiền của Trung Quốc. Gần đây hơn, đầu tháng 12/2022, tại Ryiad, chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố sẵn sàng đẩy mạnh trao đổi mậu dịch với Ả Rập Xê Út và các quốc gia vùng Vịnh, nếu các hóa đơn được thanh toán bằng nhân dân tệ. Bắc Kinh nhắc lại tham vọng mở rộng vai trò của đơn vị tiền tệ Trung Quốc với thế giới. Do đâu nhân dân tệ vẫn không tạo được uy tín cho dù Trung Quốc đã huy động rất nhiều phương tiện cả về kinh tế, luật tài chính - ngân hàng, ảnh hưởng ngoại giao, áp lực thương mại … để áp đặt đồng nhân dân tệ với thế giới ?



Isabelle Feng : « Trước hết nhân dân tệ không phải là một đơn vị tiền tệ được tự do hoán chuyển sang một ngoại tệ khác. Bản thân người dân Trung Quốc cũng bị hạn chế khi muốn đổi lấy ngoại tệ. Mức quy định tối đa là mỗi năm, mỗi đầu người chỉ được mua vào 50.000 đô la. Thậm chí một số nơi không tuân thủ mức quy định này. Lý do thứ nhì và đây là điều cơ bản : Trung Quốc là một quốc gia Cộng sản, một đất được độc đảng, và không có một bảo đảm nào về pháp lý. Làm sao có thể tin vào đồng tiền của một quốc gia mà luật pháp không được tôn trọng ? ».



Ngoài những yếu tố vừa nêu, Mỹ liên tục tấn công vào « tử huyệt » của kinh tế Trung Quốc, đó là công nghệ bán dẫn. Anh Quốc, Pháp, Ý cấm cửa các doanh nghiệp Trung Quốc mon men đến gần các công ty điện tử và thuộc phạm vi « nhạy cảm ». Liên Âu càng lúc càng cảnh giác trước các dự án đầu tư của Trung Quốc vào Lục địa Già. Canada trục xuất 3 tập đoàn Trung Quốc trong lĩnh vực khai thác khoáng sản mang tính « chiến lược » …



Kèm theo đó là câu hỏi: kinh tế Trung Quốc liệu có thể tiếp tục phát triển nếu không có công nghệ, nếu mất các mối quan hệ đối tác với các tập đoàn Âu Mỹ hay không ? Đầu tư vào Trung Quốc có còn là « thượng sách » để kiếm lời khi mà kinh tế Trung Quốc khá ảm đạm ?



Đó là chưa kể đến yếu tố địa chính trị : Trong kịch bản Bắc Kinh xâm chiếm Đài Loan và phương Tây trừng phạt Trung Quốc như đã làm với nước Nga thì hậu quả còn tai hại hơn gấp bội.

Giới phân tích đồng loạt cho rằng, đấy là những nguyên nhân giải thích việc nhân dân tệ của Trung Quốc vẫn không tạo dựng được uy tín với cộng đồng quốc tế. Isabelle Feng trong một bài tham luận trên báo Le Monde (09/12/2022) thậm chí nêu bật một yếu tố : đô la Mỹ chiếm 60 % dự trữ ngoại tệ của Ngân Hàng Nhân Dân Trung Quốc (theo số liệu mới nhất được Bắc Kinh công bố hồi năm 2016). Chẳng lẽ chính ngân hàng Trung Quốc cũng tin tưởng vào đô la hơn là tin vào đồng tiền quốc gia ?

 

Tôi nghĩ Trung Quốc (TQ) không thể thành công trong việc làm cho đồng Nhân Dân Tệ (yuan) thay thế USD trên thị trường quốc tế trong vài chục năm nữa. Muốn thay thế đồng đô la Mỹ, đồng yuan của TQ cần thỏa mãn vài điều kiện sau:

- Có tính an toàn (safe).

- Giá trị ổn định (stable value) và có tầm thị trường sâu rộng (market depth) -- có số lượng cung và cầu cao.

- Có khả năng luân chuyển mà không bị hạn chế (restrictions).

Ngoài vài điều kiện trên, khi nào TQ không còn bị cai trị độc tài dưới chế độ cộng sản thì mới khả dĩ được. Chính sách kinh tế, tài chánh dưới thể chế cộng sản thiếu minh bạch và tín nhiệm (trust and transparency). Dó đó không được đa số các quốc gia tin cậy. Thêm nữa, TQ áp đặt giá trị hối đối cho đồng yuan, mà không để nó tự điều chỉnh theo quy luật cung và cầu, dao động của thị trường.

Clinking-beer-mugs4