2022-08-19, 06:50 PM
TIỀN KIẾP VÀ LUÂN HỒI CÓ THẬT KHÔNG?
MANY LIVES, MANY MASTERS
Tác Giả : Bác Sĩ BRIAN L. WEISS
Dịch Giả: THÍCH TÂM QUANG
Câu Chuyện Thật Của Một Bác Sĩ Chuyên Khoa Tâm Thần, Một Bệnh Nhân Trẻ Của Ông, và Cách Chữa Trị Tiền Kiếp Đã Thay Đổi hẳn Đời Sống của Cả Hai.
LỜI NGƯỜI DỊCH
-ooOoo-
LỜI NGƯỜI DỊCH
Thời đại ngày nay là thời đại khoa học, nhưng có thể nói chính xác hơn là thời đại khoa học vật chất, còn khoa học tinh thần thì có lẽ mới chỉ là những bước đi chập chững. Từ thượng cổ người ta đã suy nghĩ và tìm hiểu xem có tiền kiếp và luân hồi không, nhưng cho tới nay hầu như chưa có câu trả lời "khoa học". Những ý niệm, khái niệm, ý tưởng về điều đó vẫn là một vấn đề nhức nhối gây bán tín bán nghi. Thì đây, tác phẩm này đích thực là một công trình khoa học dưới dạng thức văn học về tiền kiếp và luân hồi, một vấn đề xuyên suốt quá trình triết học, tôn giáo trong lịch sử loài người.
Đúng như tác giả, Bác Sĩ Brian L. Weiss viết "loài người đã chống lại những thay đổi và không chấp nhận những ý tưởng mới". Quả thật là như vậy. Vì đây là những vấn đề hết sức khó chứng minh một cách khoa học nhưng lại thật đơn giản trong khoa học tôn giáo đích thực. Bạn đọc hoàn toàn có thể tự do so sánh đối chiếu để tìm ra chân lý. Bạn có thể tin rằng có nhiều tiền kiếp và nhiều lần luân hồi hay không, điều đó cũng chẳng khác câu chuyện của Galileo xưa kia. Dù sao, trái đất vẫn cứ quay.
Vì đây là chuyện khoa học nên nó được viết rất chân thật, giản dị, trong sáng song rất hấp dẫn vì xen lẫn hiện tại, quá khứ, những suy tư quí báu của tác giả. Tin chắc rằng bạn đọc sẽ rút ra được những kết luận bổ ích cho cuộc sống, và biết đâu nó cũng thay đổi hẳn cuộc sống của mình.
Tự biết khả năng còn nhiều hạn chế, nhưng với tấm lòng nhiệt thành chúng tôi cố gắng hoàn thành dịch phẩm này, mong mang được ít nhiều lợi lạc cho người đọc.
Chúng tôi xin chân thành cảm tạ chư Tôn Đức đã khích lệ và góp nhiều ý kiến bổ ích. Đặc biệt chúng tôi xin tri ân Đạo Hữu Trần Quốc Cường đã bỏ nhiều công phu để hiệu đính, sửa chữa những thiếu sót sai lầm, một đóng góp to lớn trong việc phát hành tác phẩm này. Chúng tôi cũng xin chân thành tri ân các Đạo Hữu Diệu Linh Phạm Bích Kiều - Bác Sĩ Richard J. Kochenburger, Kỳ Châu - Diệu Thức cùng các bạn đạo tại Houston Texas, Chơn Phổ Nguyễn Thị Phương, Trí Quang Nguyễn Thế Nhiệm, Bác Sĩ Hoàng Giang, Đạo Hữu Trần Minh Tài, Nguyên Khiêm Lương Thị Thanh Kiểm, Võ Hiếu Liêm - Đặng Thị Hạnh, Minh Hỷ Phan Duyệt - Diệu Tâm Nguyễn Thị Thuyên, D.S Hoàng Trọng Bình - D.S Nguyễn Thị Vân, Diệu Chơn Lương Thị Mai, Nguyễn Thị Thúy, Nguyễn Mạnh Cương, Nguyễn Thị Mai Hương, Nguyễn Hữu Tuấn, Nguyễn Thị Mai Trang, Nguyễn Thị Mai Trinh, Nguyễn Hữu Nhung, Nguyễn Cung Thị Hỷ đã phát tâm cúng dường ấn tống tác phẩm này.
Chúng tôi xin hồi hướng công đức hoằng pháp này lên Ngôi Tam Bảo thùy từ gia hộ Quý Đạo Hữu cùng bửu quyến thân tâm thường an lạc, hạnh phúc và các hương linh Ninh Viết Khánh, pháp danh Tuệ Trường, Bùi Kim Hạnh, pháp danh Diệu Ngôn, Châu Nguyệt Vân Thu, Nguyễn Mỹ Linh, Hoàng Văn Nhượng, Nguyễn Ngọc Hoạt và Phương Thị Tính, pháp danh Diệu Thủy, Nguyễn Thị Thái, Phan Thị Lộc vãng sanh Cực Lạc Quốc.
Sau cùng chúng tôi kính mong Chư Tôn Thiền Đức, các bậc thức giả cao minh, các bậc thiện trí thức, các bạn đạo ân nhân hoan hỉ bổ chính những sai lầm thiếu sót để tác phẩm được hoàn chỉnh hơn trong kỳ tái bản.
Xuân Bính Tuất, Phật Lịch 2549, Dương Lịch 2006
Tỳ Kheo Thích Tâm Quang
-ooOoo-
Tặng Carole, Người Bạn Đường Của Tôi,
Tình yêu của Carole đã nuôi dưỡng và nâng đỡ tôi khiến tôi không bao giờ quên
Chúng tôi luôn bên cạnh nhau, cho đến giây phút cuối cùng.
Lời cảm ơn và tình thương yêu của tôi gửi đến các con tôi Jordan và Amy, vì đã thứ lỗi cho tôi làm cho các con mất nhiều thì giờ để viết tác phẩm này.
Tôi cũng xin cảm ơn Nicole Paskow đã ghi âm những buổi trị liệu.
Cảm ơn Julie Rubin về những ý kiến biên tập quí báu sau khi đọc bản thảo đầu tiên của tác phẩm này.
Gửi lời cảm ơn chân thành tới Barbara Gess, biên tập viên, nhà xuất Bản Simon và Schuster, vì tài năng chuyên môn và lòng can đảm của bà.
Cảm kích sâu xa của tôi tới tất cả những người ở khắp nơi, đã khiến cho tác phẩm này được thành tựu.
-- Bác Sĩ BRIAN L. WEISS
LỜI TỰA
Tôi biết mọi chuyện đều có lý do. Có lẽ vào lúc một sự việc nào đó xẩy ra chúng ta không thấu hiểu hay biết nhìn xa trông rộng để nhận thức thấu đáo lý do đó, nhưng với thời gian và kiên nhẫn, nguyên nhân này sẽ được đưa ra ánh sáng.
Cũng như vậy với Catherine. Tôi gặp cô lần đầu vào năm 1980 khi cô hai mươi bẩy tuổi. Cô đến văn phòng tôi để chữa bệnh trầm cảm, lên cơn sợ hãi, và ám ảnh sợ. Tuy cô đã có những triệu chứng này từ hồi còn thơ ấu, nhưng gần đây tình trạng càng ngày càng tồi tệ hơn. Hàng ngày cô cảm thấy tinh thần bị tê liệt và hoạt động kém. Cô sợ hãi và bị suy nhược.
Trái với sự chao đảo xẩy ra trong đời sống của cô vào lúc đó, đời sống của tôi trôi chẩy suông sẻ. Tôi có gia đình khá vững vàng, hai con nhỏ, và một sự nghiệp đang phát triển.
Từ lúc đầu, đời sống của tôi dường như luôn luôn thăng tiến. Tôi lớn lên trong một gia đình yêu thương. Thành công ở đại học đến với tôi dễ dàng, và ngay vào năm đại học thứ hai tôi đã có quyết tâm trở thành một bác sĩ tâm thần học.
Tôi được cấp bằng Phi Beta Kappa, Cấp II (Magna Cum Laude) tại Trường Đại Học Columbia ở Nữu Ước năm 1966. Rồi tôi vào Trường Đại Học Y Khoa Yale và nhận bằng Bác Sĩ Y khoa năm 1970. Sau khi thực tập nội trú tại Trung Tâm Đại Học Y Khoa Nữu Ước-Bellevue, tôi trở lại Đại Học Yale để hoàn tất chương trình thực tập nội trú. Sau khi hoàn tất, tôi nhận một chức vụ của khoa tại Đại Học Pittsburg. Hai năm sau, tôi tham gia giảng dạy y khoa tại đại học Miami, trưởng ban dược lý trị liệu. Nơi đây tôi được nhà nước công nhận trong lãnh vực tâm thần sinh học và lạm dụng vật chất. Sau bốn năm ở trường Đại học tôi được đề bạt làm Trợ Lý Giáo Sư ngành Tâm thần tại trường Y khoa, và được bổ nhiệm làm Trưởng Khoa Tâm Thần tại một bênh viện lớn đã sát nhập với Trường Đại Học Miami. Vào lúc này tôi đã công bố ba mươi bẩy tham luận khoa học và sách đề tài trong lĩnh vực của tôi.
Nhiều năm nghiên cứu khắt khe đã rèn luyện tâm trí tôi suy nghĩ với tư cách khoa học gia và thầy thuốc, hướng tôi đi theo con đường bảo thủ hẹp hòi trong nghề nghiệp của tôi. Tôi không tin vào cái gì nếu không thể chứng minh được bằng phương pháp khoa học truyền thống. Tôi có ý thức về một số nghiên cứu trong khoa cận tâm lý được thực hiện tại các đại học lớn trong nước, nhưng những nghiên cứu này cũng không làm cho tôi chú ý. Tất cả điều đó dường như quá cường điệu đối với tôi.
Rồi tôi gặp Catherine. Trong mười tám tháng tôi đã sử dụng phương pháp trị liệu thông thường để giúp cô khắc phục những triệu chứng của cô. Khi thấy không có gì hiệu quả, tôi thử thôi miên. Trong trạng thái mơ màng từng đợt, Catherine nhớ lại tiền kiếp chứng minh những nhân tố đã gây ra những triệu chứng cho cô. Cô cũng có thể hành động như cáp thông tin từ " thực thể tinh thần" tiến hóa cao và qua họ, cô đã cho thấy nhiều bí mật về đời sống và cái chết. Chỉ vài tháng ngắn ngủi, những triệu chứng của cô biến mất, và cô đã tiếp tục cuộc sống, hạnh phúc và an lạc hơn trước nhiều.
Không có gì trong học vấn và kinh nghiệm của tôi đã sửa soạn cho tôi về việc này. Tôi tuyệt đối ngỡ ngàng khi những biến chuyển này bộc lộ.
Tôi không có lời giải thích khoa học nào về điều đã xẩy ra. Tâm trí con người có quá nhiều cái vượt khỏi tầm nhận thức của chúng ta. Có lẽ, do thôi miên, Catherine đã có thể tập trung vào phần tiềm thức chứa những ký ức thực sự về tiền kiếp hay có thể cô đã kết nối vào cái mà nhà phân tâm học Carl Jung gọi là tập hợp vô thức, nguồn gốc của năng lượng bao quanh chúng ta và chứa đựng những ký ức về toàn thể loài người.
Các khoa học gia đang bắt đầu tìm kiếm câu trả lời ấy. Chúng ta, là một xã hội, đạt được nhiều cái do khám phá ra những bí mật của tâm trí, linh hồn và sự tiếp tục sau khi chết, và ảnh hưởng của những kinh nghiệm của tiền kiếp đối với cách ứng xử hiện tại của chúng ta. Rõ ràng, những sự phân nhánh là vô hạn, đặc biệt trong lĩnh vực y học, tâm thần học , thần học, và triết học.
Tuy nhiên sự nghiên cứu khoa học mạnh mẽ trong lĩnh vực này chỉ ở trong trứng nước. Đã có những tiến bộ lớn trong việc khám phá ra kiến thức này, nhưng tiến trình lại chậm và vấp phải sự phản kháng của các khoa học gia cũng như của dân chúng.
Suốt dòng lịch sử, loài người luôn chống lại sự thay đổi và không chấp nhận những ý kiến mới. Toàn bộ hiểu biết và truyền thuyết lịch sử đầy những thí dụ. Khi Galileo khám phá ra những vệ tinh của Mộc Tinh, những nhà thiên văn học lúc đó đã từ chối, không chấp nhận và thâm chí không xem xét những vệ tinh này vì sự hiện hữu của các vệ tinh này mâu thuẫn với niềm tin đã được chấp thuận của họ. Vậy nên ngày nay các nhà tâm thần học và các bác sĩ chuyên khoa khác cũng từ chối xem xét và đánh giá chứng tích được thâu thập về sự sống sót sau khi thân xác chết và về những ký ức về tiền kiếp. Họ đã nhắm mắt.
Tác phẩm này là sự đóng góp nhỏ nhoi của tôi vào tiến trình nghiên cứu trong lĩnh vực cận tâm lý, nhất là ngành nghiên cứu những kinh nghiệm trước khi sinh và sau khi chết. Mỗi lời nói mà bạn đọc là sự thật. Tôi không thêm gì cả, và tôi chỉ bỏ những phần lặp đi lặp lại. Tôi đã thay đổi chút ít nhận dạng của Catherine để bảo đảm sự bảo mật.
Tôi đã mất bốn năm để viết về cái đã xẩy ra, bốn năm để có can đảm liều lĩnh trong nghề nghiệp tiết lộ những tin tức không truyền thống này.
Đột nhiên một đêm trong khi tôi đang tắm, tôi cảm thấy như bị ép buộc phải viết ra những gì đã kinh qua. Tôi có một cảm giác mạnh là đã đến lúc tôi không nên giữ tin tức này lâu hơn nữa. Những bài học mà tôi biết phải được chia sẻ với những người khác và không nên giữ riêng cho mình. Kiến thức phát ra qua Catherine và nay phát qua tôi. Tôi biết rằng không có hậu quả nào có thể xảy ra nếu tôi phải đương đầu có thể chứng tỏ là tàn phá bằng việc không chia sẻ kiến thức mà tôi có được về sự bất tử và ý nghĩa thực sự của cuộc sống.
Tôi vội vàng ra khỏi phòng tắm, ngồi vào bàn với chồng băng thâu trong những buổi làm việc với Catherine. Vào lúc gần sáng, tôi nghĩ đến ông nội, người Hung ga ri của tôi đã chết khi tôi hãy còn là một thiếu niên. Bất cứ khi nào tôi nói với ông là tôi sợ liều lĩnh, ông cũng khuyến khích tôi một cách thương yêu bằng cách nhắc lại câu thành ngữ tiếng Anh ưa thích của ông : "địa ngục gì mà sợ", ông sẽ nói. "địa ngục gì mà sợ".
-ooOoo-
CHƯƠNG MỘT
Lần đầu tôi gặp Catherine, cô mặc một bộ đồ đỏ tươi và bồn chồn dở trang tạp chí để tại phòng đợi của tôi. Rõ ràng là cô thở hỗn hển. Hai mươi phút trước đó, cô đi tới đi lui trong hành lang bên ngoài Khoa Tâm Thần, cố gắng thuyết phục mình giữ đúng hẹn gặp tôi mà không bỏ đi.`
Tôi ra phòng đợi và chào cô, và chúng tôi bắt tay nhau. Tôi nhận thấy tay cô lạnh và ẩm ướt, xác nhận có sự lo âu. Thực ra sau hai tháng trời thu thập can đảm để làm hẹn gặp tôi mặc dù hai thầy thuốc tư vấn mà cô tin tưởng khuyên cô tìm sự giúp đỡ nơi tôi. Cuối cùng cô đã ở đây.
Catherine là một phụ nữ quyến rũ lạ thường, với mái tóc vàng hoe dài vừa phải và cặp mắt mầu nâu nhạt. Lúc đó, cô là một chuyên viên phòng thí nghiệm tại bệnh viện mà tôi là Trưởng Khoa Tâm Thần, và cô kiếm thêm tiền bằng cách làm nghề mặc áo tắm.
Tôi bảo cô vào phòng tôi, đi qua chiếc đi văng tới chiếc ghế da lớn.
Chúng tôi ngồi đối diện nhau, cái bàn bán nguyệt của tôi ngăn cách chúng tôi. Catherine ngả lưng trên ghế, im lặng không biết bắt đầu từ đâu. Tôi chờ đợi, muốn để cho cô khởi đầu, nhưng sau vài phút, tôi bắt đầu hỏi về quá khứ của cô. Trong lần khám bệnh đầu, chúng tôi bắt đầu làm sáng tỏ cô là ai và tại sao cô đến tìm gặp tôi.
Trả lời câu hỏi của tôi, Catherine cho biết câu chuyện về đời sống của cô. Cô là một đứa trẻ trung bình, sinh ra trong một gia đình Cơ Đốc Giáo ôn hòa tại một thành phố nhỏ ở Massachussetts. Người anh cô, sinh ra trước cô ba năm, rất khỏe mạnh, được hoàn toàn tự do mà cô thì không được phép. Em gái của cô là đứa con được cưng chiều nhất của cả bố mẹ.
Khi cô bắt đầu nói về những triệu chứng của cô, cô trở nên căng thẳng và giao động nhiều. Cô nói thật nhanh và ngả người về phía trước, tựa khuỷu tay lên bàn. Đời cô luôn luôn bị đè nặng bởi sợ hãi. Cô sợ nước, sợ bị nghẹn đến mức không thể nuốt nổi viên thuốc, sợ máy bay, sợ bóng tối, và cô rất hãi hùng về cái chết. Trong thời gian vừa qua, sự sợ hãi của cô bắt đầu trở nên tồi tệ hơn. Để cảm thấy an toàn, cô thường ở phòng nhỏ có lối đi trong căn hộ của cô. Cô phải mất hai hay ba giờ mới ngủ được. Khi ngủ, cô ngủ chập chờn không ngon giấc, chốc chốc lại thức. Những cơn ác mộng và những tình tiết mộng du gây tệ hai cho cô lúc còn nhỏ bắt đầu trở lại. Khi sợ hãi và những triệu chứng ngày càng làm cô tê liệt, cô càng trở nên phiền muộn.
Trong khi Catherine nói chuyện, tôi có thể cảm thấy cô đau khổ sâu xa đến nhường nào. Nhiều năm qua tôi đã giúp nhiều bệnh nhân như Catherine thoát khỏi những thống khổ của sợ hãi, và tôi cảm thấy tin tưởng cũng có thể giúp cô. Chúng tôi quyết định đào sâu thời ấu thơ của cô tìm ra căn nguyên phát sinh các khó khăn của cô. Thường thường kiểu nhìn vào bên trong giúp làm nhẹ đi lo âu. Nếu cần thiết, và nếu cô có thể uống thuốc, tôi sẽ cho cô một số thuốc chống lo âu loại nhẹ để cô được thoải mái hơn. Đó là cách chữa trị theo tiêu chuẩn sách vở cho các triệu chứng của Catherine, và tôi không bao giờ ngần ngại dùng thuốc an thần, hay thuốc chống suy nhược thần kinh, để chữa trị những chứng sợ hãi và lo âu nghiêm trọng và kinh niên. Bây giờ tôi ít khi dùng những thứ thuốc đó và chỉ dùng chúng tạm thời hay là không dùng nữa. Không có thứ thuốc nào có thể trừ được tuyệt căn những triệu chứng ấy. Những kinh nghiệm của tôi với Catherine và với những người khác như cô đã chứng minh điều đó với tôi. Bây giờ tôi biết có thể có những phương thuốc không chỉ ngăn chặn hay bao trùm những triệu chứng.
Trong buổi chữa bệnh đầu tiên, tôi cố gắng đánh nhẹ vào thời thơ ấu của cô. Vì lạ lùng là Catherine chỉ nhớ được một số ít biến cố hồi thơ ấu, để tiến nhanh đến việc khắc phục sự ức chế này, tôi đã để tâm xem xét đến cách chữa trị bằng thôi miên. Cô không thể nhớ tí gì đến những lần chấn thương đặc biệt nào trong lúc thơ ấu có thể giải thích được sự sợ hãi lan tràn trong đời cô.
Vì cô gắng sức căng tâm trí ra để mà nhớ lại, những mảng ký ức riêng biệt đã xuất hiện. Khi cô năm tuổi, cô đã kinh sợ khi một người nào đó đẩy cô từ cái cầu nhẩy xuống hồ bơi. Cô nói là ngay cả đến trước khi việc xẩy ra này, cô không bao giờ thấy thoải mái ở dưới nước. Khi Catherine mười một tuổi, mẹ cô bị suy nhược trầm trọng. Mẹ cô bỏ nhà một cách kỳ cục, đòi hỏi phải được khám bệnh bởi một bác sĩ tâm thần với sự điều trị bằng sốc điện. Cuộc điều trị này đã khiến cho mẹ cô rất khó nhớ lại các sự việc. Kinh qua việc này với mẹ cô làm Catherine sợ hãi, nhưng, vì mẹ cô đã đỡ nhiều và trở lại như xưa, Catherine nói, những nỗi sợ hãi của cô tiêu tan. Cha cô là một người rượu chè và đôi khi người anh Catherine phải tìm đến quán rượu địa phương để đưa ông về. Cha cô càng ngày càng uống nhiều rượu dẫn đến đánh lộn thường xuyên. Mẹ cô, bà trở nên ủ rũ và thu mình lại. Tuy nhiên Catherine thấy đó là mẫu hình gia đình đã được chấp nhận.
Mọi sự tốt hơn bên ngoài gia đình. Cô có hò hẹn ở trường trung học và hòa đồng dễ dàng với bạn bè, đa số bạn cô, cô biết họ đã nhiều năm. Tuy nhiên cô thấy thật khó mà tin người, nhất là những người ở ngoài nhóm bè bạn nhỏ nhoi của cô.
Tôn giáo của cô thì bình dị và không có vấn đề gì. Cô được nuôi dưỡng để tin vào hệ tư tưởng cách tu tập của Cơ Đốc Giáo truyền thống, và thực sự là chẳng bao giờ cô hoài nghi về tính đứng đắn và giá trị của Cơ Đốc Giáo. Cô tin rằng nếu bạn là một người Cơ Đốc ngoan đạo và sống đúng bằng cách tuân theo niềm tin và nghi thức, sẽ được lên thiên đàng, nếu không bạn sẽ phải chuộc tội hay địa ngục. Thượng Đế Cha và Con Ngài ban ra những quyết định cuối cùng. Sau này tôi được biết Catherine không tin luân hồi; thật ra cô biết rất ít về khái niệm này, tuy thỉnh thoảng cô có đọc về những người Ấn Giáo. Luân hồi là một ý niệm trái ngược với sự dạy dỗ và hiểu biết của cô. Cô không bao giờ đọc sách về siêu hình hay huyền bí, vì chẳng bao giờ để ý đến chuyện ấy. Cô vững tin vào tín ngưỡng của mình.
Sau trung học, cô hoàn tất hai năm kỹ thuật, trở thành một chuyên viên phòng thí nghiệm. Có một nghề nghiệp và được khuyến khích bởi người anh, cô chuyển về Tampa, giành được chỗ làm ở Miami tại một bệnh viện huấn nghiệp lớn liên kết với Trường Đại Học Y Khoa Miami. Cô dọn về Miami vào mùa xuân năm 1974 lúc 21 tuổi.
Hóa ra là đời sống của Catherine ở Miami lại khó khăn hơn ở một thành phố nhỏ, tuy nhiên cô thấy sung sướng là đã thoát khỏi những vấn đề gia đình.
Trong năm đầu tại Miami, Catherine gặp Stuart. Là người Do Thái hai con, Stuart khác hẳn với những người mà cô từng hò hẹn. Anh là một thầy thuốc thành công, mạnh mẽ và năng động. Có một quá trình bí mật không cưỡng nổi giữa hai người, nhưng cuộc ngoại tình của họ không vững chắc và đầy bão tố. Một cái gì đó ở anh đã lôi cuốn tình cảm mạnh mẽ của cô và đã tỉnh thức cô, như thể cô bị anh mê hoặc. Vào lúc Catherine bắt đầu chữa bệnh, cuộc tình với Stuart đã được sáu năm, vẫn còn rất mặn nồng nếu không phải là sâu đậm. Catherine không thể cưỡng lại nổi Stuart tuy anh đối xử với cô không đẹp, và cô tức giận về những dối trá, không giữ lời hứa và những mánh khóe của anh.
Một vài tháng trước khi gặp tôi để khám bệnh, Catherine cần phải giải phẫu dây thanh vì một khối u lành. Cô đã rất lo lắng trước khi giải phẫu và hết sức kinh hoàng lúc tỉnh lại tại phòng hồi sức. Phải mất nhiều giờ ban trợ y mới làm cho cô bình tĩnh lại được. Sau khi bình phục ở bênh viện, cô bèn tìm đến Bác Sĩ Edward Poole. Bác sĩ Edward là một bác sĩ nhi khoa rất tốt bụng mà Catherine đã gặp trong khi làm việc tại bệnh viện. Hai người đều cảm thấy có ngay mối quan hệ và nảy nở tình bạn hữu thân thiết. Catherine bầy tỏ hết với Bác sĩ Edward, cho biết về những sợ hãi, quan hệ với Stuart, và cô cảm thấy mất tự chủ trong cuộc sống. Bác Sĩ Edward khăng khăng bảo cô gặp tôi, chỉ tôi chứ không bác sĩ tâm thần đồng nghiệp nào khác để chữa bệnh. Khi Edward điện thoại cho tôi để giới thiệu, ông giải thích, vì lý do nào đó, ông nghĩ rằng chỉ có tôi mới có thể hiểu tường tận Catherine, dù cho các bác sĩ tâm thần khác cũng rất có tín nhiệm và là những bác sĩ chuyên khoa lành nghề. Tuy nhiên Catherine không gọi tôi.
Tám tuần lễ trôi qua. Là Viện Trưởng Khoa tâm thần, tôi rất bận với công việc nên đã quên bẵng cuộc điện đàm với Bác sĩ Edward. Sợ hãi và ám ảnh sợ hãi của Catherine trở nên tồi tệ. Bác Sĩ Frank Acker, trưởng Khu phẫu thuật, tình cờ biết Catherine từ nhiều năm, thường đùa vui với Catherine khi ông đến thăm phòng thí nghiệm nơi Catherine làm việc. Ông cảm thấy cô không vui và bị căng thẳng. Mấy lần ông muốn nói với cô song lại lưỡng lự. Một buổi chiều, Frank lái xe trên một con đường nhỏ để ra khỏi bệnh viện để tới nơi thuyết trình. Trên đường đi, ông thấy Catherine lái xe về nhà ở gần bệnh viện, ông vội vẫy cô vào lề đường, rồi nói to với Catherine, " Tôi muốn Catherine gặp ngay Bác Sĩ Weiss", ông la lên qua kính xe "Không được chậm trễ". Mặc dầu các bác sĩ giải phẫu thường thôi thúc hành động, nhưng ngay cả Frank cũng ngạc nhiên là làm sao ông đã nhấn mạnh đến nhường nào.
Những cơn sợ hãi và lo âu ngày càng hay xảy ra và kéo dài dài. Cô bắt đầu bị hai cơn ác mộng tái phát. Một ác mộng về một cây cầu sập khi cô đang lái xe qua cầu. Xe cô đâm xuống nước, cô bị mắc kẹt và chết đuối. Trong ác mộng thứ hai, cô bị kẹt ở trong căn phòng quét hắc ín đen, trượt chân và vấp vào mọi thứ, không thể tìm thấy lối ra. Cuối cùng cô đã đến gặp tôi.
Lần chữa trị đầu tiên, tôi không hình dung là cuộc sống của tôi sắp đảo ngược mà người thiếu nữ sợ sệt bối rối ngồi bên kia bàn tôi, là chất xúc tác, và tôi không bao giờ còn như trước nữa.
-ooOoo-