2022-06-12, 07:28 PM
MỘT THUỞ YÊU NGƯỜI
Toại Khanh
Nhà nằm cạnh rừng, chỉ trèo lên mươi bước là cái gì cũng ở dưới chân. Có lẽ chỉ ở xứ sở này mới có những khu rừng kiểu đó. Rừng trên những dãy đồi cao tiếp nối nhau qua nhiều làng mạc, những khu dân cư thường có cái tên kết thúc bằng một chữ Wil mà theo nghe đâu là tiếng địa phương, tương đương với Village trong tiếng Pháp, Anh hay xóm, thôn trong tiếng Việt. Rupperswil, Therwil, Watwil, Thalwil,...tôi đã có dịp đi qua cả chục cái Wil như vậy. Và một chuyện thật dễ thương, làng dù xa vắng quạnh hiu đến mấy cũng có đủ mấy tiêu chuẩn căn bản cho điều kiện sinh hoạt tối thiểu là điện, đường, trường, trạm. Xe buýt lên tận nơi hẻo lánh nhất, tiệm quán lớn nhỏ gì cũng đủ những món thiết yếu, điện đóm cứ sau 8 giờ đêm là chỉ còn nửa giá, trường ốc cho trẻ con khang trang nhất, nhì thế giới... Nhờ có mấy điểm son đó, cái xứ sở lạnh giá buồn thiu này cũng còn có chỗ để mà yêu!
Những ai đọc tôi thường có lẽ vẫn thấy tôi có cách yêu người, yêu đời bằng một nhãn quan chẳng giống ai. Tôi vẫn yêu cái này bằng cách liên tưởng về cái nọ. Phải qua vài ba lớp trung gian kiểu đó hình như mới không bị hụt chân. Vì nói như lời Phật, chẳng thứ gì trên đời lại có thể tồn tại độc lập mà chẳng cần một tỉ tương quan khác. Yêu kiểu đó cho chắc ăn. Một kiểu yêu không kẹt cứng trong góc tù, vay đầu này trả đầu kia. Và tôi cũng đã yêu cái xứ sở này bằng thứ tình yêu lòng vòng đó.
Chiều nay nghe quẩn chân, tôi xách túi thả bộ xuống làng một mình để gậm nhấm cảm giác nhìn quanh không ai. Trong cái quạnh vắng mênh mang của một thôn xóm thưa người, tôi bỗng ngộ ra một điều thú vị. Hình như định nghĩa hay nhất cho khái niệm hạnh phúc không dính dáng nhiều lắm đến những thứ vàng son, nhung lụa gì ấy, mà là một khả năng có nhiều chọn lựa. Hơn một tháng qua, tôi như quên mất chuyện mình đang sống cách bìa rừng chưa tới hai mươi mét, dù ngày nào cũng lên đó đôi ba lần. Lý do đơn giản là từ nơi này tôi có thể xuống làng, ra phố trong vài phút.
Anh có là ai, sống ở mức nào cũng mặc, cái quan trọng là giữa đất trời này anh có thể tự tại đến đâu. Tự tại ở đây là khả năng tự quyết với những lựa chọn bày đầy trước mặt, dù chỉ là những lựa chọn mắt phàm khó thấy. Tôi nói rồi, tôi đã ít nhiều yêu xứ này chỉ vì nó là một miền đất cho phép người ta có nhiều chọn lựa, một tên gọi khác của sự tự tại. Bắt chước cao nhân hiền thánh chê bai tiền bạc vật chất, trong khi thiếu một chút là chết nhăn răng thì rõ ràng không nên, nhưng cứ chăm bẵm vào mấy món cơm áo gạo tiền rồi quên mất quyền tự do của mình thì cũng chết thảm. Tôi vừa nghèo vừa dốt, nhưng cứ thấy tùy sức mà sống thanh thản hình như vẫn là tuyệt nhất. Trong kinh, Phật dạy một tỳ-kheo nghèo xơ xác vẫn có thể là một cánh chim trời, và chỉ cần một tấm lòng biết san sẻ, dù chỉ một vá cơm khất thực cho bạn tu thì cũng là một kiểu sống có ta có người, có nhận và có cho. Chuyện ít nhiều hay sang hèn ở đây hình như không quan trọng bằng tâm tình nào ta đã có được khi mở rộng bàn tay, kể cả một vòng tay. Trọn vẹn đến vậy thì còn đòi chi nữa chứ!
Khả năng tự tại đó hình như không chỉ là những gì vừa nói, mà còn là nhiều thứ khác. Như tín ngưỡng, kiến giải, và vô số chuyện tương đương. Một đêm khuya vào Internet tìm xem vài trang Web Phật giáo khắp nơi, tôi chợt nhận ra một chuyện thú vị. Cứ cho Phật giáo hôm nay là có từ một vị Phật, vậy mà sau hơn hai chục thế kỷ, các thế hệ Phật giáo đồ ở khắp nơi đã thay phiên nhau suy diễn, vẽ vời ảnh Phật theo quá nhiều cách riêng. Có nhiều cách vẽ vời hơi quá tay, nên ngó hoài hổng thấy Phật ở đâu, chỉ thấy mặt mũi người vẽ trong đó mà thôi. Để Phật là Phật theo cách của Phật thì tha hồ học, tha hồ tu, vì Phật thứ thiệt thì mênh mông lắm. Nhưng khi Phật là tác phẩm của phàm phu thì thời gian người ta cãi nhau nhiều hơn thời gian học Phật. Lý do ư? Tôi làm sao chấp nhận được Phật của anh chứ?Tôi có Phật của riêng tôi. Thế là mỗi nhóm người tu Phật lại có một vị Phật theo ý thích của mình, và sự ra đời của các nhánh Phật giáo chính là cái hội chợ phù hoa cho những người ham vui đó. Chỉ xui cho ai bước đầu học Phật lại ôm chân một tổ sư nào đó rồi thì không còn cơ hội nhìn thấy cái chân thân của Phật xưa. Và cái phải đến sẽ đến, thay vì theo chân Phật để đi ra, đi lên, thì người ta lại quay về với cái cốt phàm phu của mình để đi vào và đi xuống.
Viết đến đây, tôi lại nhớ đến lần nói chuyện với một người quen gốc Công giáo, dù nay hình như vẫn chưa kịp là Phật tử. Hôm đó, tôi nhớ cô bé đã hỏi tôi có từng đọc qua Thánh Kinh và nghĩ gì về Chúa. Tôi ngần ngừ một giây rồi trả lời mà không dám nhìn mặt người đối diện:
- Chẳng hiểu sao tôi cứ thấy buồn khi nghe ai đi theo mấy tôn giáo dạy thờ Thượng đế hay Thiên Chúa gì đó… Hai chữ đó gọi theo tiếng Anh là God, mà God thì chỉ là hai phần ba của chữ Good (tốt, lành, thiện, hay, đẹp). Mình tu là tu theo cái tốt, chứ theo chi cái dở dang đó. Ý nghĩa của chữ God nghèo nàn thấy mồ. Sống đời hay sống đạo đều phải tự tại mới sướng!
Cô bé liếc tôi một cái dài ngoằng, tôi làm rớt chiếc muỗng trên tay. Đêm đó về không ngủ nổi. Chúa đã phạt tôi bằng cách sai em đến lấy mất của tôi niềm tự tại… Nhưng chẳng lẽ bây giờ thầy chùa lại xưng thầm danh Chúa hay sao!?
Moeriken, tháng Sáu 2008