2022-05-28, 11:34 PM
Thái Độ Tiêu Cực
Thiền Sư Sayadaw U Jotika
![[Image: 28-8-800x445.jpg]](https://theravada.vn/wp-content/uploads/2020/11/28-8-800x445.jpg)
Ngày hôm nay là một ngày thật bình yên, tiếng mưa đang rơi trên mái nhà và trên những ngọn cây. Nghe thật mê ly làm sao. Trong buổi sáng Chủ Nhật bình yên này, tôi muốn nói về một vấn đề lại chẳng bình yên chút nào.
Tôi thích nói về những điều tích cực, những tư tưởng tích cực, những ý tưởng đẹp bởi vì khi chúng ta suy nghĩ và nói nhiều về những điều tích cực, thì sẽ càng có nhiều điều tốt đẹp đến với cuộc đời chúng ta. Điều này thực sự rất quan trọng. Tôi nhận thấy nhiều người rất hay suy nghĩ đến những điều tiêu cực – những điều tiêu cực về mọi người, về cuộc đời của họ, về hoàn cảnh, về chính bản thân mình, về thời tiết, về chính phủ, về cả thế giới này. Tất nhiên là có rất nhiều điều tiêu cực đang diễn ra – ở bên trong chúng ta và xung quanh chúng ta. Nhưng nếu suốt ngày chỉ đào sâu vào những điều tiêu cực đó thì chẳng lợi ích chút nào cả. Song dù sao những việc như vậy vẫn cứ thường xảy đến trong cuộc đời chúng ta, vì vậy chúng ta không thể phớt lờ nó, không thể che đậy những điều đó.
Chúng ta nên chú ý hơn nữa, hãy nhìn mọi thứ thật cẩn thận, hiểu rõ chúng và xem có thể giảm bớt những tiêu cực đó trong cuộc sống của mình hay không.
Luôn luôn có một điều tiêu cực nào đó xảy đến – trong cơ thể của chúng ta, trong tâm chúng ta, ở môi trường, ở xung quanh chúng ta. Ngay cả khi nói về những điều tiêu cực, chúng ta không chỉ phàn nàn, mà còn cố gắng tìm xem mình có thể làm được gì để giải quyết nó hay không, do đó nó lại chính là tích cực. Khi chúng ta nói hay suy nghĩ về những điều tiêu cực và dừng lại ở đó, thì đơn thuần chỉ là tiêu cực mà thôi. Nó chẳng có lợi ích gì cả. Nhưng khi chúng ta suy nghĩ hay nói về những gì đang diễn ra trong chính mình và ở xung quanh chúng ta – những điều tiêu cực – và cố gắng thấu hiểu chúng một cách sâu sắc để xem mình có thể làm được gì và làm cách nào để giảm thiểu chúng, thì đó chính là tích cực. Đó là điều chúng ta nên làm.
Và bạn thấy trong Tứ Diệu Đế – Bốn Sự Thật Cao Thượng, sự thật cao thượng thứ nhất là sự thật về khổ. Đó là một cái gì đó tiêu cực. Nếu Đức Phật chỉ dừng lại ở đó thì chúng ta có thể nói rằng Ngài là một người tiêu cực và bi quan. Nhưng Đức Phật không dừng lại ở đó. Ngài nói về nguyên nhân của khổ, sự đoạn diệt của khổ và phương pháp thực hành dẫn đến chấm dứt đau khổ. Đó là tích cực.
Nhiều người nói đạo Phật là bi quan, yếm thế. Không.
Đạo Phật không phải là chủ nghĩa bi quan. Đạo Phật là chủ nghĩa thực tế.
Xét về nhiều mặt, tôi có thể nói rằng thực ra Đạo Phật là chủ nghĩa lạc quan. Đạo Phật rất lạc quan bởi Đức Phật dạy rằng bạn có thể làm được điều gì đó để giải quyết sự tiêu cực ấy. Có cách để giải quyết nó.
Điều đó thực ra rất lạc quan. Nếu Đức Phật nói bạn chẳng làm được gì cả, đó là số phận của bạn, thì đó mới là bi quan. Đức Phật nói bạn có thể làm được điều gì đó với nó. Bằng một cách nào đó, bạn có thể làm chủ được nó.
Ngày hôm nay chúng ta hãy nói về những điều tiêu cực, với hy vọng rằng các bạn sẽ hiểu và giảm bớt được chúng.
Ngày nay, người ta nói rất nhiều về công nghệ và hiệu quả. Chẳng hạn, chiếc ô tô của bạn chạy không hiệu quả vì động cơ bị hỏng, hay căn chỉnh máy không chuẩn. Và mặc dù vẫn lái xe được song chiếc xe của bạn không chạy được số km tối đa trên mỗi lít xăng nó tiêu thụ. Một số chiếc xe chạy được 30 dặm/1 lít, một số chỉ chạy được có 15 dặm. Điều đó cũng phụ thuộc vào kích cỡ của xe nữa.
Song dù gì đi nữa, chúng ta vẫn thường nghĩ rất nhiều đến tính hiệu quả. Và ngay cả trong việc xây dựng nhà cửa, ngày nay chúng ta được nghe rất nhiều ý kiến tư vấn để làm sao xây được một ngôi nhà hiệu quả nhất. Bạn không phải sử dụng nhiều năng lượng, điện năng để giữ cho nhà được ấm áp hay mát mẻ. Bạn phải nghĩ đến tính hiệu quả bằng cách làm thêm những lớp cách nhiệt cho nhà.
Cũng như vậy, tôi nghĩ chúng ta cần phải nghĩ đến tính hiệu quả trong cuộc sống, trong thân và tâm của chúng ta. Khi những điều tiêu cực xảy đến trong cuộc sống của chúng ta, nó làm giảm hiệu quả của thân và tâm. Và cả khi tiếp xúc với mọi người, một số người thường nói lặp đi lặp lại những điều tiêu cực, nếu bạn bảo họ hãy làm một điều gì đó để chấm dứt việc ấy đi, họ sẽ nói rằng họ chẳng thể làm được gì hết. Họ chỉ muốn nói về nó.
Khi gặp những người như vậy, tôi cứ phải nghe đi nghe lại những điều y hệt như nhau. Bạn muốn giúp đỡ họ, nhưng họ lại không muốn được giúp đỡ. Họ chỉ muốn nói về những vấn đề tiêu cực. Bạn còn có thể làm được gì nữa bây giờ? Nếu thấy rằng mình thực sự chẳng làm được gì, bạn không thể giúp được họ cái gì hết, thì điều tốt nhất là hãy tránh xa. Nhưng nếu bạn có thể giúp được họ, thì việc đó đáng làm, bạn sẽ không uổng phí năng lượng của mình.
Có nhiều người làm hao phí rất nhiều năng lượng của bạn, bằng nhiều cách khác nhau. Chiếc xe ô tô sẽ gây hao phí năng lượng nếu không được căn chỉnh cho chuẩn; hay ngôi nhà sẽ gây hao phí điện năng nếu không được thiết kế hợp lý và cách nhiệt tốt. Nó kém hiệu quả. Những người chỉ nói về vấn đề khó khăn của mình mà chẳng chịu làm những việc có thể làm, cũng là những người kém hiệu quả. Họ chỉ làm hao tốn năng lượng của bạn mà thôi.
Trong công việc cũng vậy, một số người nói họ làm việc rất nhiều. Họ cố gắng hoàn thành công việc của mình rồi trình lên cho xếp. Có người nói, xếp vứt công trình của anh ta vào một xó và chẳng sử dụng đến. Và anh ta cảm thấy mình thật là vô dụng. Anh ta đã làm việc cật lực trong bao nhiêu tháng trời, để rồi công trình ấy bị coi là vô ích. Có thể họ nói đã trả lương cho anh ta về việc đó, họ đã thanh toán đầy đủ, nhưng tiền không phải là tất cả. Chúng ta cần cảm thấy mãn nguyện và cảm thấy công việc của mình có ích cho mọi người. Có một cách rất, rất tàn nhẫn để trừng phạt một người nào đó là bắt anh ta làm những việc vô ích.
Người ta làm một thí nghiệm tâm lý trên số những tù nhân phạm tội nhẹ bị bắt và nhốt trong tù, một số nhà tâm lý học đã được sự cho phép của ban quản lý nhà tù để làm thí nghiệm này. Họ chia tù nhân thành hai nhóm. Một nhóm yêu cầu phải chuyển một đống cát từ chỗ này đến chỗ kia. Và khi đã chuyển xong đống cát đến đó, họ lại phải chuyển trở lại chỗ cũ. Và họ phải làm đi làm lại mỗi công việc đó.
Nhóm tù thứ hai được yêu cầu chở đất và làm một con đường đi. Họ vận chuyển đất, đá và lát con đường đó. Cả hai nhóm đều được phân công làm trong một thời gian và một khối lượng công việc như nhau. Nhóm thứ nhất trở nên rất trầm cảm và ốm yếu. Nhóm thứ hai rất hạnh phúc và đầy năng lượng. Họ có giờ làm việc và khối lượng công việc ngang nhau, chỉ vận chuyển đất, đá và cát từ chỗ này đến chỗ kia. Tại sao thế? Có sự mãn nguyện thực sự – bởi vì nhóm thứ hai đã làm một công việc có ý nghĩa và có ích. Họ cảm thấy mình làm được một việc tốt cho mọi người. Họ đang làm đường đi. Họ cảm thấy rất hạnh phúc mặc dù cả hai nhóm đều có cùng một mức độ mệt mỏi như nhau. Nhưng họ không cảm thấy mệt mỏi về tinh thần, họ không bị trầm cảm.
Sống hiệu quả là điều rất quan trọng.
Bạn đã làm được bao nhiêu việc lợi ích cho chính mình và cho người khác?
Chẳng ai ngồi yên để mà nhìn tiền bạc và thời gian của mình trôi qua hoang phí. Khi có tiền, bạn muốn đầu tư đồng tiền ấy. Bạn mua chứng khoán và theo dõi thị trường chứng khoán. Và nếu nghe thấy giá cổ phiếu của công ty ấy đang giảm xuống, bạn sẽ bán nó đi càng sớm càng tốt. Bạn không muốn mất tiền, không muốn tiền bạc của mình hao tổn. Bạn mua một loại cổ phiếu khác mà bạn tin là sẽ sinh lời và mang lại thêm tiền bạc. Chúng ta thường suy nghĩ rất nhiều đến những điều đó, không để tiền bạc của mình bị phung phí.
Thế nhưng còn thời gian và năng lượng thì sao?? Thời gian và năng lượng của chúng ta. Chúng ta phung phí rất nhiều thời gian và năng lượng. Chính vì thế chúng ta thường không có đủ thời gian.
Uổng phí quá nhiều thời gian. Chẳng hạn như ngồi lỳ một chỗ xem TV đến 3-4 tiếng đồng hồ. Thật là hoang phí thời gian. Thậm chí nó cũng chẳng còn là giải trí nữa. Nó đã trở thành một thói nghiện. Bạn cũng chẳng thực sự cảm thấy hạnh phúc về điều đó (việc xem TV ấy). Vậy đó, chẳng ai chịu ngồi yên để cho tiền bạc và thời gian của mình mất mát đi uổng phí, nhưng rất ít người quan tâm đến năng lượng tinh thần và trạng thái tâm của mình – đúng vậy, năng lượng tinh thần và trạng thái tâm.
Điều rất quan trọng là phải quán sát suy nghĩ của bạn suốt trong ngày. Quán sát suy nghĩ cũng là niệm tâm (cittanupassana)[1].
Suốt cả ngày bạn đã nghĩ những gì? Nếu bạn suy nghĩ về một vấn đề gì đó mà chẳng làm gì hay chẳng thể làm gì để giải quyết mà cứ nghĩ quanh nghĩ quẩn hoài, là bạn đang phung phí năng lượng của tâm mình; và không chỉ năng lượng của tâm, bạn cũng phung phí cả năng lượng của cơ thể mình nữa. Bạn sẽ cảm thấy rất mệt mỏi. Bạn đánh mất đi khả năng sáng tạo của mình.
Khi con người định tĩnh, bình an và chánh niệm, họ trở nên sáng tạo hơn. Họ có thể nhìn thấy mọi việc một cách rõ ràng hơn, có thể liên kết các ý tưởng lại và tìm ra được một cách tốt đẹp hơn để làm mọi việc, sáng tạo ra những ý tưởng mới và sự việc mới.
Nhưng khi suy nghĩ những suy nghĩ tiêu cực, và bạn không làm hoặc không thể làm gì được mà chỉ nghĩ và nghĩ, bạn chỉ đang phung phí thời gian của mình mà thôi. Do đó, nếu chú ý tìm hiểu loại suy nghĩ nào mình đang nghĩ đến trong ngày, bạn sẽ thấy rằng phần lớn chúng là vô ích.
Sự bất mãn hàng ngày là một trong những thứ hủy hoại năng lượng tinh thần và trạng thái tâm của bạn ghê gớm nhất.
Bất mãn là điều gì đó khiến bạn cảm thấy buồn bực và thất vọng. Bạn bị bất mãn nhiều như thế nào trong cuộc sống mỗi ngày, và làm cho mình bực bội và giận dữ? Điều đó còn tùy thuộc vào tâm trạng của bạn. Một số người không phản ứng nhiều lắm. Họ giữ được bình tĩnh, sự bình an và trạng thái tâm quân bình (xả) hơn nhiều người khác. Nhưng một số người khác, ngay khi mở mắt thức dậy họ đã bắt đầu nghĩ: “Ah…lại một ngày nữa đây…”, họ đã bất mãn ngay rồi. Chỉ tại vì đó là một ngày nữa, họ khó chịu vì điều đó.
Thế nên tại sao điều rất quan trọng là ngay khi bạn thức dậy vào buổi sáng, hãy hành thiền, chánh niệm, hãy chú ý đến các suy nghĩ của mình.
Và nếu bạn đã quen làm vậy, việc đầu tiên vào buổi sáng là thiền, tĩnh lặng, bình an và chánh niệm, điều đó sẽ đặt tâm bạn vào một trạng thái bình an và tĩnh lặng, không phản ứng.
Chánh niệm là không phản ứng.
Phản ứng không phải là chánh niệm, phản ứng không phải là giải thoát.
Phản ứng là một ngục tù.
Sự bất mãn xảy đến mỗi ngày là một trong những kẻ hủy diệt năng lượng tinh thần và trạng thái tâm của bạn một cách ghê gớm nhất. Nếu có điều gì không bình thường xảy đến, hôm nay trời mưa chẳng hạn, có thể tôi sẽ cảm thấy rất hạnh phúc vì trời mưa. Nhưng đối với một số người thì: “Trời ơi, lại mưa nữa!”. Đó là bất mãn. Bạn tự làm cho mình thất vọng.
Một số người có thể nhìn thấy những điều tích cực ở trong nhiều thứ, hầu hết tất cả mọi thứ. Tôi biết một vị thầy, thực ra là thầy của thầy tôi, người đã qua đời. Ngài là một vị thầy lớn của các vị sư, và có rất nhiều học trò. Ngài xây dựng một ngôi chùa rất lớn, giống như một trường đại học dành cho các vị sư. Và ngài luôn luôn tích cực, luôn nói những điều tốt đẹp về mọi người.
Ngài có nhiều người bạn cùng trang lứa, họ rất thân thiết và có thể nói chuyện với nhau như bạn bè. Một người bạn và cũng là sư đệ của ngài nói: “Saydadaw[4], ngài lúc nào cũng khen ngợi mọi người về một điều gì đó. Bây giờ tôi muốn hỏi ngài một câu. Cái ông sư kia bị khùng khùng, lẩn thẩn, vậy ngài khen gì ở ông ta, ngài có thể nói được điều gì tốt về ông ta, hãy nói tôi nghe thử xem nào”.
Bạn có biết ngài trả lời thế nào không? “Ông ấy đi rất nhẹ nhàng, không gây một tiếng động nào, cứ như một con mèo ấy. Ông ấy chẳng bao giờ gây ồn”. Ngài Sayadaw này luôn tìm ra được một điều gì đó để khen, ngay cả khi vị sư đó là một người lẩn thẩn.
Điều rất quan trọng cần hiểu biết, đó là nhân cách của bạn, cá tính của bạn. Nhưng đừng có tự biện hộ rằng: “Ồ, tính của tôi là cứ phải càu nhàu như thế cả ngày đấy”. Không. Bạn có thể thay đổi được tính cách của mình. Khi bạn phát triển được định tâm mạnh cùng chánh niệm, và phát triển một số tuệ giác, nó sẽ làm thay đổi tính cách của bạn.
Tôi biết nhiều người rất hay phản ứng, phản ứng một cách tự động và đã chứng kiến rất nhiều chuyện tồi tệ xảy đến trong cuộc đời họ, nhưng rồi họ đã trở nên rất tích cực, thật tĩnh lặng và bình an. Tôi đang nói về một người, có lần bạn anh nhận ra sự thay đổi đó và nói: “Bây giờ trông bạn thật hạnh phúc và bình an”. Anh ấy trả lời: “Trước đây tôi rất khổ sở, khó chịu và giận dữ. Nhưng tôi đã học hiểu được để trở nên bình an”. Đó là điều bạn có thể học. Đừng nói: “Tính của tôi như thế. Tôi chẳng làm gì được cả”. Hay “tính tôi đã bị uốn như thế từ bé rồi”. Đó chỉ là sự định khuôn. Đúng, nếu bạn có thể định khuôn, uốn nắn tính cách mình trở nên như thế, thì bạn cũng có thể tự định khuôn, uốn nắn mình trở thành bình an. Tại sao không? Nếu bạn có thể làm việc đó theo chiều này, thì bạn cũng có thể làm theo chiều ngược lại được chứ. Luôn luôn có hy vọng. Nếu bạn muốn, bạn có thể làm được điều đó.
Còn tiếp.